Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

Chuyện Thằng Đực

GIỚI THIỆU
Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy Cô, quý Đồng Môn và quý Thân Hữu
Chuyện vui "Chuyện Thằng Đực" của anh Lê Đức Luận.
Dưới đây là đôi dòng tâm tình của tác giả gửi cho diễn đàn NHHN:
Tôi thường theo dõi những sinh họat của Quý Thầy Cô và các cựu Hs NH, cũng rất thích đọc các bài viết trên trang mạng NHHN để nhớ kỷ niệm ngày xưa và biết chuyện ngày nay. Tôi chỉ học ở NH có 2 năm chót bậc TH, nên ngại xưng danh là cựu Hs/NH và ngại gởi bài vào Diễn Đàn NHHN. Nhưng có ông bạn vừa "mắng": - Thích đoc mà không gởi bài thì ai hơi sức đâu viết hoài cho ông đọc? Thế là hôm nay tôi gởi ...
LĐL
Trân trọng giới thiệu
NHHN

Vui lòng click vào hình trong bài để xem lớn
(Hình trong bài lấy từ internet)

Một ngày cuối năm Con Dê, ra chợ thực phẩm Á Đông (Asia Market) mua mấy món đặc biệt để sửa soạn  mâm cơm cúng rước Ông Bà về với con cháu trong ba ngày Tết theo tục lệ cổ truyền, tôi tình cờ gặp một ông già trạc độ bảy mươi lăm, đang nheo mắt nhìn chăm chú vào tờ giấy rồi kiểm lại từng món hàng chất đầy trong xe. Thấy ông già này cẩn thận giống mình - mỗi lần đi chợ bao giờ tôi cũng xem lại cái “toa” trước khi đẩy xe đến quày tính tiền - “đồng bệnh tương lân” nên tôi đến gần ông già bắt chuyện làm quen. Tôi hỏi:

- Chắc bà nhà đang bận - Anh đi chợ một mình?

Ông già ngẩng lên nhìn tôi với nụ cười thân thiện, trả lời giọng đặc sệt Nam Kỳ:

- Đây là việc của mấy thằng “đực” ông ơi! - Đổi đời... đổi đời rồi…

Nghe ông già xài chữ ngồ ngộ; nhìn bộ ria mép tỉa khéo mấp máy trên cái miệng móm mém thiếu răng, nhưng trông ông còn phong độ nhờ nước da hồng hào với ánh mắt tinh anh duới đôi chân mày rậm xếch ngược; mái tóc dày cắt ngắn theo kiểu flat-top “muối nhiều hơn tiêu” làm rõ nét cái trán vuông và dồ, trông vừa  bướng bỉnh vừa tiếu lâm. Tôi đoán ông ta đã trải qua một thời oanh liệt…

Bỗng tôi cảm thấy vui và muốn kết thân, tôi tiếp lời:

- Đám “đực” từ ngày qua đây chẳng làm nên tích sự gì, nên phải đảm đang việc nôi trợ…

Cửa hàng tạp hóa

Ông già cười tủm tỉm, đáp lại: 

- Không phải đợi đến lúc qua đây mà từ ngày “trời sập”- cái ngày “giải phóng” ấy - cánh đàn ông Miền Nam bị “phỏng…” gần hết. Mấy bả không có cái… để “phỏng…”, do đó bây giờ “ngon cơm” hơn đám tụi mình?

Ông già nhìn tôi hỏi:

- Ông về hưu chưa - Sao đi chợ mình ên ?.
-Tôi nghỉ hưu ba bốn năm nay - Nhà tôi còn đi làm, nên thủ vai nội trợ…

Ông già vui ra mặt, nói:

- Vậy là tôi có đồng minh - Hơn mười năm nay tôi ôm mấy cái jobs: đi chợ, lau nhà, rửa chén mà trong lòng cứ buồn buồn… tủi tủi…
- Vậy là bà chị còn trẻ và bận rộn nhiều việc bên ngoài? Tôi hỏi.

- Không - già rồi! Bây giờ bả ở nhà, làm Bác sĩ kiêm Dược sĩ. Ông già trả lời.

Tôi ngần ngừ chưa biết an ủi ông già thế nào cho phải lẽ, vì hai cái việc của vợ ông thuộc giới thượng lưu. Ông già hiểu ý, bèn nói:
- Làm Bs là bả kê “toa” cho tôi đi chợ, cấm tôi hút thuốc lá và bắt tôi ăn kiêng – Còn Job Dược sĩ bả làm hơn 10 năm nay - Tôi mang đồ chợ về, giao bả biến chế thức ăn…

Trước đây tôi vừa đi chợ vừa nấu ăn, nhưng tôi chỉ có hai món tủ gia truyền là “gà kho sả ớt” và món tươi cho có chất xơ (fiber) - theo lời khuyên của BS là “bắp cải luộc chấm với hột gà dầm nước mắm”. Ăn riết tụi nhỏ nhà tôi ngán tới cổ… Chúng nó làm reo, bả cho tôi nghỉ việc.

Đi chợ

Bây giờ tôi chỉ còn 3 jobs chính - Đi chợ, lau nhà, rửa chén và một job phụ (part time) là làm tài xế chở bả đi shopping.

Ông già nói tiếp với giọng ngậm ngùi:

- Thời xưa học sách thánh hiền là một đấng nam nhi quân tử phải nghĩ đến việc “tu thân - tề gia - trị quốc - bình thiên hạ”. Còn bây giờ lo việc “tu thân  - nội trợ” đã thấy hụt hơi, nói chi đến việc cao xa…
Thời Ông Bà mình thì - “Phu xướng Phụ tùy”. Bây giờ ở đây thì “Phu xướng Phụ xù”

 Tôi thêm vào cho vui câu chuyện:

- Ở Mỹ đàn bà nằm trên đàn ông… Cánh đàn ông xếp tới hàng thứ tư mà anh.

Tôi chưa nói hết câu, ông già xua tay ra vẻ khinh bạc:

- Xưa rồi… xưa rồi… Cái chuyện con nít, chó mèo, đàn bà được coi trọng hơn đàn ông nghe đã mòn tai và bây giờ trở thành lẽ đương nhiên…

Ông già vỗ nhẹ vào vai tôi, hạ giọng:

- Nghĩ mà tủi cho đám đàn ông chúng mình - Nhỏ thì sợ cha, sợ mẹ; lớn lên thì sợ vợ; già thì sợ con…

Ông già nói tiếp như có vẻ cam chịu:

- Sợ đủ thứ mà vẫn không yên - Cái “sợ” nó ám ảnh và lây lan ra ngoài khung cảnh gia đình trong cánh đàn ông sinh bất phùng thời. Nguyễn Tuân, một nhà văn tài hoa và khinh bạc thời tiền chiến mà còn nói: “Tôi còn sống đến bây giờ là nhờ biết sợ”. Xem ra “sợ” không phải vì “hèn” mà trở thành cái vỏ bọc tự vệ khôn ngoan trong một xã hội bát nháo ông ạ…

Chợ Tết

Thấy ông già có vẻ bi quan, yếu xìu… tôi bèn thêm lửa:

- Mình phải “vùng lên” chứ chịu “lép vế” để mấy bà “lừng” mãi sao anh?
- Đấy! Cũng có mấy ông mà dân Bắc Kỳ gọi “già thích chơi trống bỏi” đã vùng lên - đổi mới - sửa sai... Nhưng xem ra bị thất bại ông à. Lúc đầu các ông ấy  muốn chứng tỏ cho các bà thấy - ta đây không phải “đồ vô dụng”- nhưng rồi bị “lậm”- từ “phở tái, phở ngầu” tới “bồ nhí, bồ già”… Cuối cùng te tua - nhất y nhất quỡn…
- Nhất y nhất quỡn là sao? Tôi hỏi.
- Là chỉ còn cái áo thun với quần đùi. Dân Nam Kỳ hay ví von như dậy.

Ông già nói tiếp với giọng chua chát:

- Luật lệ ở xứ này kỳ cục - cái gì cũng kiện - động một chút là kêu 911- mấy bà chỉ   nhấc phone nói “tôi đang bị chồng bạo hành” là 5 phút sau police có mặt - lỗi phải chưa rõ, điều đầu tiên là ông chồng ôm cái còng số 8, lên xe police về bót, rồi hạ hồi phân giải…

Khi ở bót cảnh sát về, tùy theo mức độ và lòng “nhân đạo” của bà vợ, anh chồng có thể ôm mền ra ngủ garage để “ăn năn hối cải” hay đưa nhau ra tòa li dị - Li dị thì bao giờ thiệt thòi cũng về cánh đàn ông. Bây giờ “cái nhà là nhà của bà – con là con của bà”, nhưng hằng tháng anh chồng phải chi tiền cấp dưỡng cho bà nuôi con nếu đang có job thơm không nỡ bỏ; còn cái đám phất phơ, không có nghề ngỗng gì ra hồn thì “ta buồn ta đi lang thang” rồi nhập vô với đám homeless …

Ông có biết về Lưu Quang Vũ, một nhà viết kịch nổi tiếng ở trong nước vào khoảng thập niên 80 đã nói: “Chúng ta trải qua nhiều thời kỳ, từ đồ đá đến đồ đồng, đồ sắt, nay thì đã sang thời kỳ Đồ Đểu”?

Cho nên một số ông già “ham chơi trống bõi” về VN ôm nhầm “đồ giả” hay gặp “đồ đểu”, khi trở lại Mỹ bị“đồ cổ” ruồng bỏ, hất hủi đâm ra hận đời đi làm những việc chẳng ích lợi gì cho sức khỏe của tuổi già còn khiến con cháu mất vui.

Ông già nói mấy chữ ẩn dụ hay thật, tôi cảm thấy thích thú khi nói chuyện với ông. Tôi hỏi:

- Mấy ông già dịch ấy bây giờ làm gì mà nên cớ sự?
- Thì mấy ổng “làm biếng” rồi lại “làm thinh” làm cho không khí gia đình thêm nặng nề.

Chợ chòm hỏm

Ông già nói tiếp: - Tuổi già ai chẳng tủi thân, nhớ lại cái thời vang bóng mà thấy ngậm ngùi, nhưng “ Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, bởi thời thế, thế thời phải thế”- Ngày xưa Cụ Ngô Thì Nhậm đã bảo như vậy mà.

Ông già ngừng một chút, lấy xấp giấy in mấy bài thơ, đưa cho tôi một tờ, rồi bảo:

- Ông đọc đi … Đó là truyền đơn quảng bá “Hội của Thằng Đực” đấy.

Tôi nhẩm đọc: “Ngậm một mối u hoài bên cạnh vợ/ Ta lờ khờ và lớ ngớ ngu ngơ/      Giận vợ già quá ngạo mạn khó ưa/ Giương mắt lão nhìn ta như con trẻ/ Nay già rồi chịu gông cùm lép vế/ Để mụ già nổi hứng mụ hành chơi/ Chịu ngang bầy cùng lũ chó dở hơi/ Thường đẩy xe sau mỗi lần đi chợ…

Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ/ Thuở tung hoành hống hách những ngày qua/ Ngoài chiến trận ta vẫy vùng ngang dọc/ Thật kiêu hùng quyết bảo vệ quê hương/  Có toàn dân và em gái hậu phương/  Nàng ngưỡng mộ tôn ta làm thần tượng/

Than ôi! thời oanh liệt nay còn đâu/  Để giờ đây ta ngậm  mối u sầu/ Nơi xứ Mỹ thôi ta đành lép vế/ Đành ngu ngơ đành nhẫn nhục chờ thời/ Cho đến lúc tự nhiên ta đâm… nhát/ Để gìờ đây những đêm dài ngao ngán/ Ta lâu ngày…phở tái vẫn thèm ăn/ Vẫn đợi chờ gió đủ để bẻ măng/ Nằm phục kích chờ nai vàng nạp mạng/

Hãy vươn lên khi còn chút sức/ Hãy la to cho “chằng lửa” giật mình/ Nói cho đã rồi sao mình lại nín/ Vì vợ kêu ta đi rửa chén mau lên …”

- Nhái thơ tuyệt vời! Tôi tán thưởng.

Ông già lại lấy ra xấp giấy khác, đưa cho tôi một tờ, rồi bảo:

- Ông xem thử có hay không?

Tôi chăm chú đọc:“Bắc thang lên hỏi Ông Trời/ Đời con đau khổ đã nhiều thấu chăng/Ông Trời cúi mặt than rằng/ Tao đây cũng khổ cắn răng chịu đòn/
Bắc thang lên hỏi Ông Trời/ Vợ con nó quái dữ như bà chằng/ Ông Trời Ông trả lời rằng/ Vợ tao còn dữ gấp trăm vợ mày/
Bắc thang lên hỏi Ông Trời/ Kiếp này con có bỏ nàng được không?/ Ông Trời Ổng trả lời rằng/ Tao còn chưa được xá chi là mày/
Bắc thang lên hỏi Ông Trời/ Vợ con dữ quá con xin bỏ nàng/ Ông Trời ngó xuống trả lời/ Mày bỏ được nó thì đời mày tiêu…”

Đợi tôi đọc xong, ông già lên tiếng:

- Tôi “lượm” trên internet đấy - Mấy tay này cũng thuộc loại sợ vợ có hạng - làm thơ đưa lên mạng mà bảo “tạm dấu tên”-  Không biết tác giả là ai để xin phép nhưng thấy hay, tôi  download - copy gởi cho mấy ông già đang bị vợ “đì…” đọc chơi cho vơi “nỗi sầu lép vế”…

Ông già vỗ nhẽ vào lưng tôi, cười hóm hỉnh, tiếp tục câu chuyện:

- Nói gì thì nói - Cứ ôm “đồ cổ” là bảo đảm không bị mắc lừa “đồ giả - đồ dởm - đồ đểu”. “Đồ cổ” thì không ghép “đồ giả” vào đâu được và càng ngày càng quí hiếm đấy ông ạ…

Có lẽ ông già ưng ý câu nói vừa rồi nên  hứng chí ghé sát vào tai tôi:

- Ông đã vào Hội Đoàn nào chưa? Nếu chưa thì vào cái Hội Thằng Đực này đi - Dzui hết biết!!!

Ông già hạ giọng ra vẻ thuyết phục:

- Thế hệ của chúng ta ít nhiều cũng còn ảnh hưởng nếp sống thời phong kiến “chồng chúa vợ tôi” nên nhiều ông già hay than thân, trách phận; có ông tỏ ra cam chịu; có ông hờn hờn… tủi tủi… có lúc nổi trận lôi đình nói lời cay cú…

- Tôi thấy mấy ông bạn già của tôi sau khi vào “Hội Thằng Đực” bỏ được cái tật “làm biếng - làm thinh”; còn mấy ông hay nhớ lại thời oanh liệt như “Hổ Nhớ Rừng” của Thế Lữ cũng bỏ được cái vẻ tư lự để “ vui với tuổi trẻ - mà lại khỏe cho tuổi già”… 

Chợ trời

Nói đến đây, ông già đưa tay nhìn đồng hồ:

- Ấy chết! - Ham nói chuyện đời - Trễ quá rồi - Ông đi mua đồ kẻo về lại nghe “đồ cổ càm ràm”…

Tôi vui vẻ trấn an:

- Không sao - Nghe quen tai rồi - Người Nhật đang khai thác cái dịch vụ “càm ràm”, bán cho mấy ông bà già, đắt như tôm tươi đấy…

Ông già lại cười hóm hỉnh móc bóp đưa cho tôi tấm card visit, rồi đẩy xe đến quay tính tiền và nói:

- Muốn vào “Hội Thằng Đực” thì phone cho tôi.

Chia tay ông già, trở lại các kệ bán thực phẩm tôi thấy lâng lâng một niềm vui trong buổi chiều cuối năm… Có lẽ tôi đã tìm được nguồn vui cho tuổi già.

Nhìn ông già vội vã đẩy chiếc xe đầy ắp thực phẩm ra cửa khi tuyết đang rơi mà thấy thương “ông già ham vui”, ba hoa những chuyện “bao đồng” quên cả thời giờ…

Tôi tưởng tượng - chắc ông già đang nghĩ cách đối đáp với những lời “càm ràm” của “đồ cổ” đang đợi ở nhà - giống như thời trai trẻ mỗi khi đi “chơi hoang”, về nhà trễ, đám “mày râu” bao giờ cũng chuẩn bị trước câu trả lời cho cô vợ trẻ… ?! 

Lê Đức Luận.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét