Thứ Tư, 6 tháng 4, 2016

Khi Áo Dài Kể


Tác giả Quang Đặng

Tháng 7/2012 tôi viết “ Áo Dài Ơi”, bài viết nhằm so sánh hai thế hệ nữ sinh trước và sau năm 75, đồng thời bày tỏ quan điểm của mình về hiện tượng “nữ sinh đánh nhau” đang gây xôn xao dư luận năm đó. Bốn năm sau, tình trạng bạo lực học đường này chẳng những giảm mà còn tăng vọt cả về số lượng lẫn chất lượng, thành thử tôi chẳng có hứng thú gì để trở lại đề tài nói trên. Lần này vẫn là chiếc áo dài, nhưng người viết sẽ trả nó về với đúng nghĩa “áo dài” của nó, chiếc áo đã gắn bó với biết bao người từ thời thiếu nữ cho đến tuổi trung niên sang giai đoạn xế chiều. Dù được mặc thường xuyên hay chỉ mặc một thời gian, thậm chí một lần trong đời, tôi tin mỗi người phụ nữ đều có một câu chuyện“ áo dài” cho riêng mình.

Chiếc áo dài đầu tiên tôi sở hữu là khi thi đậu vào đệ thất trường Nguyễn Huệ. Việc tôi được vào học trường công lập duy nhất của tỉnh khiến người lớn trong nhà mừng rỡ và phần thưởng là đến tiệm Vạn Tường ở Ngã Năm chở về một cái TV đen trắng 19 inch có  bốn chân bằng gỗ và một cánh cửa lùa qua, kéo lại. TV trong những năm 66-67 rất quí hiếm nhưng tôi không quan tâm cho lắm bằng việc sắp được mặc áo dài đi học. Mợ tôi, chủ tiệm may Diễm Trang đã may cho tôi ba cái áo dài, một cái màu xanh thiên thanh (màu đặc trưng của trường Nguyễn Huệ ngày thứ hai) và hai cái màu trắng để thay đổi. Tôi vẫn nhớ cảm giác lúc mợ đưa cái thước dây sát ba vòng khẳng khiu như một của mình năm 13 tuổi, lâng lâng thế nào ấy, người lớn rồi nhé!

Thiếu nữ áo dài - Đà Nẵng 1948

Hăm hở là thế, nhưng suốt bốn năm trung học đệ nhất cấp thật tình tôi rất lúng túng hay nói đúng hơn rất vụng về trong việc điều khiển hai tà áo dài của mình sao cho ra vẻ nữ tính. Trong khi các nữ sinh khác “ôm nghiêng tập vở, tóc dài, tà áo vờn bay…” thì tôi và hai đứa bạn thân lúc nào quần cũng ống thấp, ống cao, vạt áo xách bên nọ, xọ bên kia vì rất nghịch. Bản thân chẳng dịu dàng chút nào nhưng lại ngưỡng mộ những ai có dáng mặc áo dài đẹp. Các chị như KQ, TT, TR HD, M HC, O TĐ… từng là thần tượng áo dài một thời của đám học trò nhỏ chúng tôi. Nhiều hôm đi sau cái dáng cao gầy, áo dài trắng thướt tha, mái tóc chấm ngang eo, đôi guốc cao gót và vành nón che nghiêng của chị TT, tôi còn ngẩn ngơ huống gì các chàng trai trẻ. Chị KQ thì ở đối diện nhà tôi, sáng nào cũng thấy chị rời khỏi nhà, gương mặt thanh tú, áo dài lụa trắng mềm mại đến trường duyên ơi là duyên. Còn hễ thấy ai từ xa tóc bay bay trong gió, vạt áo buộc dịu dàng sau yên chiếc xe Velo Solex màu đen thì đoán ngay là chị TR HD…

Trước và sau họ Tuy Hòa có rất nhiều người đẹp, nhưng có lẽ đó là những cái tên nằm sâu trong ký ức của nhiều thế hệ học trò. Điều đó khó giải thích giống như câu hỏi, các dung nhan ấy bây giờ ra sao và về đâu!

Riêng ở trường Nguyễn Huệ, hai người mặc áo dài để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi đến giờ là cô Bích Ngọc (vợ bác sĩ Tuệ) và cô Anh Thư. Trong khi cô Anh Thư luôn trung thành với mái tóc dài thắt bím, áo dài màu và hoa văn nền nã cùng với phong cách dịu dàng rất Huế của mình thì cô Bích Ngọc dường như ngược lạ. Đó là người phụ nữ năng động và hiện đại hiếm hoi ở Tuy Hòa thời bấy giờ. Điều này thể hiện qua mái tóc cắt ngắn, dáng đi tự tin và nhất là chiếc áo dài cổ thuyền kiểu bà Nhu, hai tay áo luôn kéo tới khủy mà mấy mươi năm sau người ta gọi là áo dài cách tân. Bài học về thời trang đầu tiên của tôi xuất phát từ hai vị nữ giáo sư khả kính này, cũng một tên gọi “áo dài” nhưng tính cách sẽ hình thành phong cách. 

Ngưỡng mộ người khác như thế, nhưng từ năm lớp 6 cho đến năm lớp 11, tôi chỉ có một style  duy nhất, đó là áo dài học trò cổ cao 2 phân, chiều dài vừa phải và bề rộng ống quần luôn dừng ở con số 25. Mỗi lần sắp nhập học lại nghe má tôi nhắc đi, nhắc lại điệp khúc: “Lên bà Hai tiệm vải Tân Thanh cắt một xấp vải màu xanh, hai xấp màu trắng và ba cái quần, qua nhờ mợ Năm may. Hôm nào rảnh má sẽ ghé tính tiền bà và mợ luôn thể”. Ba người phụ nữ góp phần làm nên những chiếc áo dài đầu đời của tôi nay đâu? Mợ thì già yếu, ngồi đếm từng ngày qua ở Mỹ. Má và bà Hai Tân Thanh đã về đâu đó bên trời.

Áo dài nữ sinh lớp 9A, NK 67-74 Nguyễn Huệ

Thời trang áo dài của tôi chỉ bắt đầu thay đổi khi vào Sài Gòn học lớp 12. Áo dài hippi rất thịnh hành trong giới học sinh, sinh viên Sài Gòn trong những năm 70. Tà áo gọn hơn, dài chỉ phủ gối và ống quần rất rộng đi kèm với giày sapo hay guốc đế to. Cũng tại Sài Gòn, tôi được diện kiến với một biểu tượng áo dài trong thơ ca là cô Trịnh Thúy Nga, hiệu trưởng trường Văn Học, vợ của thầy Nguyên Sa (Trần Bích Lan) nơi tôi theo học. Khách quan mà nói chiều cao của cô chưa đạt đến chuẩn mặc áo dài đẹp. Nhưng mỗi khi xuất hiện trong bộ áo dài lụa trắng, từ con người ấy toát ra vẻ thanh thoát, kiêu sa, quí phái mà chỉ có những phụ nữ đất Tràng An lịch lãm xưa mới có. Thành thử chẳng có chút ngạc nhiên khi thầy Nguyên Sa cho rằng thứ lụa này làm thay đổi cả thời tiết đất phương Nam: “ Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát. Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”.

Một trong những nét văn hóa dễ thương của Sài Gòn trước năm 75  là áo dài xuống phố. Tuy là trung tâm thời trang của cả nước, nhưng bên cạnh những model mới nhất du nhập từ nước ngoài, áo dài luôn chiếm một phần không nhỏ trong nhịp sống Sài Gòn. Trên những con đường sang trọng như Nguyễn Huệ, Tự Do, trong những thương xá nhộn nhịp như Tax, Crystal Palace, Passage Eden cho đến những chốn bình dân như chợ Bến Thành, chợ Tân Định… áo dài luôn sánh tầm với các thứ trang phục khác. Tôi từng thấy nhiều tà áo dài xen lẫn trong dòng người mặc áo đầm, quần tây xếp hàng mua vé xem phim ở rạp Rex, từng xuýt xoa khi phát hiện một họa tiết lạ trên áo dài của ai đó trong tiệm băng đĩa Thúy Nga, hay chính mình một chiều nào nhẹ nhàng xuống phố với áo dài gấm hoa cúc vàng, hoa cúc xanh…         

Bẵng đi một thời gian, áo dài gần như vắng bóng trên đường phố Sài Gòn. Một số người mặc nó đi về nơi xa, người ở lại thì gom hết cất vào ngăn dĩ vãng. Năm 1976, tôi đem những chiếc áo dài ở giảng đường đại học Sài Gòn về một lớp học sư phạm ở miền Trung. Học viên của khóa đầu tiên hầu hết là sinh viên đang học dở dang ở các trường đại học và chúng tôi vẫn giữ thói quen mặc áo dài đến lớp. Thoạt tiên là những tiếng xầm xì, sau đó là ái ngại. Liệu chiếc áo dài đang mặc có tạo một khoảng cách với chiếc áo chemise trắng, quần đen của các cô giáo đang trực tiếp giảng dạy mình! Một cảm giác vừa tiêng tiếc, vừa áy náy trong lòng đám học viên nữ, tuy “chiếc áo không làm nổi thầy tu” nhưng giá mà có nó, hình ảnh của các cô giáo sẽ đẹp hơn biết bao và sự tôn kính cũng sẽ dâng lên bội phần.   
  
 Áo dài Saigon trước năm 1975    
        
Khóa học kết thúc, trong khi các bạn tôi may mắn đổi về các trường ở thành phố, thị xã, hàng ngày vẫn được mặc áo dài đứng lớp thì nhiệm sở của tôi là một vùng biển xa xôi, nghèo nàn. Dù muốn dù không tôi vẫn phải tái hiện hình ảnh các cô giáo ở trường sư phạm, áo chemise và quần đen. Không biết trong đám học trò chân quê ngày ấy, có em nào mơ như tôi từng mơ, mơ thấy cô giáo mình xuất hiện trên bục giảng với chiếc áo dài trắng thanh khiết và dịu dàng…

Đầu năm 80 tôi trở lại Sài Gòn nhưng không có cơ hội chạm đến chiếc áo dài. Ngành nghề mới buộc tôi phải ăn mặc gọn gàng hơn. Đường phố Sài Gòn lúc này vẫn vắng bóng áo dài. Các bà, các cô còn phải vật lộn với miếng cơm manh áo nói gì đến mặc đẹp. Họa hoằn lắm áo dài mới thấy xuất hiện trong những dịp lễ lạt, cưới hỏi…  

Sang đến thập niên 90 áo dài bắt đầu quay trở lại, nhưng chỉ thật sự phổ biến trong những năm gần đây. Một số trường học, công sở chọn áo dài làm đồng phục. Các nhà thiết kế như Minh Hạnh, Sỹ Hoàng, Võ Việt Chung, Thuận Việt... cũng mang những bộ sưu tập thời trang áo dài “đem chuông đi đánh xứ người”. Các buổi tọa đàm, các công trình nghiên cứu lịch sử áo dài từ xưa đến nay, thành lập nhà bảo tàng trưng bày áo dài của các nhân vật nổi tiếng… Phải nói chưa bao giờ áo dài hồi sinh mạnh mẽ như thế. Xét về mặt tích cực là điều đáng mừng song bên cạnh đó, áo dài Sài Gòn cũng còn nhiều điều bàn đến.

Với một thành phố đông dân, mật độ xe cộ dày đặc, di chuyển khó khăn và không khí ô nhiễm như Sài Gòn hiện nay thì việc mặc áo dài e rằng hơi bất tiện. Một số hình ảnh không đẹp mắt như xăn tay áo, hai vạt áo gấp vào bên trong cho gọn ngay cả lúc không đi xe máy, thường xuyên thấy trước cổng các trường học, trong các cơ quan, nhà hàng… Ngoài đường thì không hiếm hình ảnh các thiếu nữ chở nhau trên xe gắn máy mà người ngồi sau thay vì ngồi một bên, lại bỏ chân hai bên, kéo hai vạt áo vào giữa trông rất phản cảm. Bản chất áo dài là dịu dàng và kín đáo, ai khoác lên người cũng muốn mình đẹp đẽ, thanh lịch. Nhưng người mặc nó phải còn chạy xe máy len lỏi trên đường, còn phải trang bị khẩu trang, mũ bảo hiểm cho kịp giờ học, giờ làm. Thế nên đừng trách nhiều người đi xa khi trở về hay than vãn, con gái Sài Gòn bây giờ mặc áo dài không đẹp như ngày trước. Lỗi do đâu, áo dài, người mặc hay nhiều hệ lụy khác!    

Một tín hiệu vui cho những ai thích mặc áo dài mà vẫn bảo đảm được các yêu cầu như sự thoải mái, tiện lợi nhưng kém phần nữ tính đó là sự xuất hiện của chiếc áo dài cách tân trong thời gian gần đây. Bản thân tôi từng thấy xa lạ với chiếc áo dài cách tân tay ngắn, vạt dài lê thê vài năm trước thì nay với chiếc áo dài vạt ngắn, tay ngắn, cổ tròn, dây kéo phía sau đi kèm với quần thun ôm, quả là sự “cách tân” có thể chấp nhận được.

Áo dài các cựu nữ sinh lớp 9A Nguyễn Huệ - Tháng 3/2016

Phải nói dân Sài Gòn là những người nắm bắt thời trang rất nhanh nhạy. Trong khi chưa được sản xuất đại trà trên thị trường, loại áo dài mới này đã có mặt ở hầu hết các tụ điểm vui chơi của thành phố trong dịp tết Bính Thân vừa qua. Đáng ngạc nhiên hơn nữa là trong đám đông người mặc, có rất nhiều phụ nữ ngấp nghé tuổi 60. Lý do nào khiến những người đi qua thời thiếu nữ đã lâu lại tự tin trong chiếc áo dài kiểu mới như thế. Có lẽ do cách thiết kế thoáng, không gò bó, phù hợp với số đo ba vòng mà tuổi tác và collagen “ bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”.          

Trước đây, tôi thường hình dung tuổi 60 của mình như thế nào qua hình bóng của mẹ tôi, một bà cụ tóc bới phía sau, suốt ngày quanh quẩn trong nhà, không bao giờ dám qua đường một mình và chợ Bến Thành là một địa chỉ thăm thẳm dù cách nhà chỉ hơn một cây số. Ngày nay mọi sự đã khác, thế giới dường như phẳng hơn, y học tiến bộ hơn, con người cũng trở nên trẻ trung hơn và tuổi 60 chưa phải là dấu chấm hết. Các bà nội, bà ngoại vẫn tự mình đi xe máy, thường xuyên lướt web, truy cập facebook. Vẫn đều đặn đến phòng Gym, yoga, hồ bơi, thường xuyên đi du lịch và cuối tuần tập trung ở một quán café nào đó hàn huyên cùng bạn bè… những việc gần như là không tưởng đối với các thế hệ đi trước.

Trang phục cũng góp phần không nhỏ trong việc trẻ hóa lứa tuổi hoàng hôn. Việc lựa chọn một bộ quần áo thời trang phù hợp khiến cho người phụ nữ trông trẻ hơn số tuổi rất nhiều. Áo dài cũng không ngoại lệ, đó là thứ trang phục có thể làm tốt cả hai vai trò đứng đắn lẫn trẻ trung. Trong những bữa tiệc quan trọng như hội họp, cưới hỏi… sự lựa chọn tối ưu vẫn thuộc về chiếc áo dài truyền thống. Còn trong những buổi dạo phố, họp mặt hay về thăm trường cũ, chiếc áo dài cách tân sẽ gợi cho người cũ nhớ về tà áo xưa. Dù truyền thống hay cách tân, chiếc áo dài vẫn là vật chứng cho một đời làm phụ nữ đắng cay pha lẫn ngọt bùi của chúng ta.    
  
QUANG ĐẶNG

*Nguồn ảnh: cá nhân và internet


Xin mời thưởng thức bài thơ "Áo Trắng Vờn Bay"
của Trần Hoàng Phước Hậu cảm tác sau khi đọc truyện này.


                                                                                

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét