Thứ Tư, 17 tháng 8, 2016

Mùa Xuân Trò Chuyện

Mùa Xuân Trò Chuyện Cùng Nhà Văn
ĐỖ HỒNG NGỌC


Tác giả: Lương Lệ Huyền Chiêu

Đỗ Hồng Ngọc là nhà văn được biết đến nhiều trong nước cũng như ngoài nước. Ông là nhà văn vô cùng gần gũi với người đọc. Là một bác sĩ, ông thấu hiểu nỗi bất trắc, mong manh của kiếp người từ khi là đứa bé sơ sinh cho đến khi “gió heo may đã về”. Là một nhà thơ,
Ông
“Thương mãi núi mây xa
Nụ mai vàng trước ngõ
Góc phố bờ quạnh hiu
Con đường xưa đứng đợi…”
(Quê Nhà ĐHN)
Không là họa sĩ chuyên nghiệp, ông vẫn có những giây phút đùa vui với đường nét qua những bức ký họa rất đáng yêu… Ông luôn luôn muốn rủ rê mọi người hãy cùng rong chơi với ông cho hết một cuộc tồn vong mà hành trang chỉ cần tình yêu thương và lòng trân trọng sự sống nhiệm mầu. Sợ mọi người nản lòng, trên chuyến xe của ông, bằng giọng văn hóm hỉnh ông làm cho mọi người đôi khi bật cười quên cả cuộc hành trình mệt nhọc.

Và ông đã được một lượng độc giả đông đảo vui vẻ đi theo với những cuốn sách xinh xắn như:
Nghĩ Từ Trái Tim
Gió Heo May Đã Về
Già Ơi Chào Bạn
Những Người Trẻ Lạ Lùng
Cành Mai Sân Trước
Thư Gửi Người Bận Rộn
Như Thị
Như Ngàn Thang Thuốc Bổ
Cũng Chẳng Khoái Ru?
………………………………………………………

Sách của nhà văn (bác sĩ) Đỗ Hồng Ngọc

Tôi cũng là một độc giả yêu mến ông
Cho nên tôi rất bất ngờ và rất vui được nhìn thấy nhà văn Đỗ Hồng Ngọc xuất hiện ở… Ninh Hòa, quê hương tôi, một nơi chốn xa xôi, một huyện lỵ nhỏ bé tận miền Trung… Ông đang đi nghỉ cùng gia đình ở bãi biển Dốc Lết.

Chắc chắn là tôi không bỏ qua một cơ hội hiếm có như vậy. Tôi xin ông một cuộc chuyện trò và đúng như tôi hy vọng, nhà văn Đỗ Hồng Ngọc đã vui vẻ đồng ý.

Huyền Chiêu (HC): Thưa ông, mọi người đều bảo “đời là bể khổ”. Một người vững vàng, lạc quan như nhà thơ Nguyễn Công Trứ mà cũng có lúc than rằng:

Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trơi mà reo

Và cứ mỗi lần Tết đến người ta vẫn chúc nhau một câu rất cũ “happy new year”.
Hạnh phúc là thứ quý giá nhất, là mục tiêu của đời người. Theo ông, chúng ta nên nghĩ như thế nào về hạnh phúc?

Đỗ Hồng Ngọc (ĐHN): Nguyễn Công Trứ không ngờ đó thôi chứ “cây thông” bây giờ cũng khổ lắm! Cứ lên Đà-Lạt thì biết. Những rừng thông bạt ngàn thơ mộng của Đà Lạt ngày xưa bây giờ cũng xác xơ vì bị đốn, bị đốt, bị chặt phá, loang lổ, trơ trụi rất tội nghiệp!
Theo tôi, ta không cần đợi Tết mới chúc nhau “happy new year” đâu! Bởi mỗi ngày là một ngày mới toanh. “Good” trong Good morning chẳng hạn đã hàm ý happy rồi đó.
Hạnh phúc là thứ quý giá nhất trên đời, đúng vậy. Nó na ná giống như sức khỏe: sự sảng khoái (well - being) về cả thể chất, tâm thần và xã hội. Nhiều khi nó có đó mà ta không nhận ra! Ta lo đi tìm kiếm đâu đâu. Nó có vẻ rất chủ quan nhưng dần dần người ta đã tìm ra được cách đo đạc. Chẳng hạn về sức khỏe, Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO) gần đây đã đưa ra được một bảng những chỉ số để đo đạc rồi đó, thông qua sự đo đạc chất lượng cuộc sống (quality of life assessement). Ta cũng có thể “đo đạc” được hạnh phúc vậy! Chẳng hạn ở Bhutane, một quốc gia nhỏ bé dưới rặng Hy Mã Lạp Sơn đã đưa ra khái niệm “Tổng hạnh phúc quốc gia” (GNH= Gross National Happiness) để thay thế cho khái niệm GNP (Tổng sản lượng quốc gia). GNH được đo đạc dựa trên 4 tiêu chí: gồm môi trường thiên nhiên, môi trường văn hoá và những thiết chế xã hội phục vụ người dân cùng với sức khỏe và tuổi thọ của họ. Nhưng dù sao, hạnh phúc trước hết là một cảm nhận cá nhân, nhiều khi rất chủ quan nữa. Hạnh phúc rất đơn sơ/ Nhịp đời xin bước chậm… Huy Cận nói thế. Nó đơn sơ nên phải có mắt tinh đời mới nhận ra… và phải có chút nhởn nhơ để khám phá, để “enjoy” nó, chứ tốc hành quá thì có khi chưa kịp nhận ra đã về đến bến!
HC: Năm kia, trong một bài báo Xuân ông có đưa ra một khái niệm khá hay là “Hạnh phúc bình quân đầu người”. Xin ông nói thêm điều này?
ĐHN: Cẩn thận với “bình quân”! Một nông dân ở Nam bộ có lần nói về “bình quân” như sau: Một người ăn một con gà, môt người đứng nhìn, bình quân mỗi người nửa con gà! Cho nên khái niệm bình quân rất đáng ngại khi người ta cố tình chia sẻ sự bất công!
Nhà văn - bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc
Trái lại, hạnh phúc cũng là sự chia sẻ, nhưng khác. Khi ta khư khư ôm trọn hạnh phúc một mình, hạnh phúc nhỏ nhoi, mòn mỏi đi. Còn khi ta chia sẻ cho nhiều người, hạnh phúc như dâng tràn hơn. Có người hỏi Đức Phật vậy chớ chia sẻ cái “phước” của mình thì cái phước đó có mất đi không? Phật trả lời: cũng giống như ngọn lửa ở cây đuốc, trăm người ngàn người đến mồi lửa để thắp sáng, để nấu ăn thì ngọn lửa vẫn còn nguyên.
Ta thường nói đến khái niệm thu nhập bình quân đầu người (per capita income) như một cách chia đều tổng sản lượng quốc gia (GNP)… cho mọi người dân trong một nước, nhưng đó là cách chia bình quân… kiểu con gà, còn hạnh phúc thì có thể chia bình quân kiểu… ngọn lửa! Một đằng là vật chất, một đằng là sự an lạc, là niềm vui, là sự sảng khoái, là chất lượng cuộc sống! Ở Sài Gòn bây giờ đã có nơi bắt đầu bán “oxy” vì người ta sống trong môi trường ngột ngạt, thiếu dưỡng khí để thở, sanh nhiều thứ bệnh tật, thì ở Ninh Hòa còn chưa bị đô thị hóa, chưa mù mịt khói bụi, mọi người có thể cùng hít thở một bầu không khí trong lành. Một “hạnh phúc” như vậy có khi không dễ nhận ra đâu!
Tôi đã mượn khái niệm “tổng hạnh phúc quốc gia” của Bhutan để đặt ra cái gọi là “hạnh phúc bình quân đầu người” (per capita happiness)… cho vui vậy thôi! Nhưng thật bất ngờ được nhiều bạn đọc quan tâm chia sẻ.
HC: Thưa Ông, tại sao ý niệm “Tổng hạnh phúc Quốc gia” không xuất hiện ở các nước văn minh, giàu có nhất mà xuất hiện ở một nước nghèo và bé nhỏ như Bhutan?
ĐHN: Hình như cứ hễ văn minh càng cao, con người càng sống xa cách với…thiên nhiên, với con người. Người ta sống trong ước lệ, trong kiểu cách, nhiều khi kệch cỡm và xa hoa. Các giá trị thực bị lệch lạc đi. Còn cứ hễ càng giàu có thì người ta càng tranh nhau để giàu thêm, giàu nữa, giàu nhất, chạy đua với sự xếp hạng nào đó. Dĩ nhiên cũng không nên sống thiếu… văn minh, và càng không nên sống trong nghèo đói. Nhưng… biết đến đâu thì đủ không dễ. Bhutan đã rất can đảm, chọn cho mình một cách sống hạnh phúc. Bây giờ thì khái niệm GNH không còn xa lạ, và đã có những hội nghị quốc tế bàn đến một khái niệm hạnh phúc lớn hơn cho tất cả mọi người, thứ hạnh phúc “toàn cầu hóa”: GIH (Gross International Happiness) bởi vì người ta sống liên đới với nhau trên cả hành tinh xanh này, khi mà một con bướm rung cánh ở rừng Amazone có thể làm vỡ tảng băng miền Bắc cực!
HC: Chạy theo GDP đất nước chúng ta đang lâm vào cảnh “hy sinh cảnh quan môi trường, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, phá hủy truyền thống và cả nền tảng gia đình…” (trong bài viết của ông). chúng ta phải làm gì để tự cứu trước khi trời cứu?
ĐHN: Trời không cứu đâu! Đến một lúc nào đó, người ta sẽ giật mình và tự cứu. Chẳng hạn bao nhiêu năm nay có bao nhiều dòng sông “đã qua đời”, bao nhiêu cánh đồng sinh… ung thư, nhưng mãi đến vụ Vedane người ta mới giật mình. Thì ra không phải cứ có nhiều tiền, có GDP cao thì người dân càng hạnh phúc! Rồi vụ lụt “lịch sử” ở Hà Nội, vụ ngập “lịch sử” ở Sài Gòn, vụ cháy rừng ở Cà Mau… Phải trả một cái giá nào đó để đựơc giật mình. Không phải tự nhiên mà vịnh Vân Phong được giải thoát, không bị biến thành nhà máy thép!
HC: Ở Lagi ( Binh Thuận) nơi ông sinh ra là một nơi có núi, có biển, và cũng có một dòng sông nhỏ tên “sông Dinh”. Thật giống Ninh Hòa, nhưng ở Ninh Hoà có món nem chua đặc sản còn quê ông ? Có phải đây là lần đầu ông đến Ninh Hòa?
ĐHN: Không, tôi đến Ninh Hòa nhiều lần, và tôi cũng mê Ninh Hòa như mê Lagi của tôi. Nó có núi, có đèo, có đồng ruộng, có trái ngọt cây lành… và dòng sông Dinh thơ mộng chảy qua. Lagi cũng có biển, có đồi dương, cát trắng. Tôi mê Lagi vì nó còn hoang sơ lắm. Nhưng, vì Lagi không xa Mũi Né nên tương lai sẽ mọc lên những resorts… hoành tráng đến nỗi người dân sẽ không còn chỗ để đi tắm biển! Tôi cũng sợ Ninh Hòa rồi đây đô thị hóa hoặc biến thành chỗ đổ… chất thải cho các khu công nghiệp! Tôi có một anh bạn nhà văn mê Ninh Hòa chết được, ngày xưa khi anh mới trôi dạt vào Ninh Hòa, anh nhìn Ninh Hòa lỗ chỗ ruộng vườn từng mảnh nhỏ tưởng là cái áo rách, đến khi thấm Ninh Hòa rồi mới thấy hóa ra đó là một cái áo hoa. Cái đẹp, phải khám phá. Cái đẹp bên trong còn cần một khả năng khám phá lớn hơn. Em ơi em đẹp vô cùng/ Vì em có cái lạ lùng bên trong (Bùi Giáng) là vậy! Ninh Hòa có món nem đặc sản nổi tiếng, còn Lagi (Phan Thiết) có món… nước mắm tuyệt vời. Lagi còn có món bánh căn, thứ bột nướng con nhà nghèo trên bếp than hồng rồi chấm vào nước mắm đâm cay xé họng hoặc ăn với cá nục kho rục… là món mà ai xa quê cũng thèm và nhớ! Tôi ở Saigon nửa thế kỷ, lâu lâu phải chạy về Lagi kiếm bánh căn! Mà hình như… món ăn nào của mỗi miền đều ngon cả, bởi khi ăn món ăn quê mình người ta không chỉ ăn, người ta như được sống lại cả chuỗi ngày thơ ấu…
HCXin cám ơn những tình cảm của ông dành cho quê hương Ninh Hòa.
Lương Lệ Huyền Chiêu
Mùa Xuân 2009

Tác giả Huyền Chiêu và phu quân ngồi hai bên, 
nhà văn Đỗ Hồng Ngọc ngồi giữa


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét