Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2016

Về Với Cát Bụi




Nhìn những cánh hoa bằng giấy màu sắc trôi nhẹ bồng bềnh trên mặt biển lòng tôi bùi ngùi xúc động. Vậy là cuối cùng Ba đã theo dòng đại dương đi chu du khắp nơi Người muốn đi. Lúc thầy Pháp Lưu cùng các thầy khác làm lễ "phóng sanh" cho bầy chim, những con chim con nhỏ xíu - như mới ra ràng - chập choạng bay ra khỏi chuồng, ngơ ngác tìm chỗ đậu trông thương hết sức. Có một chú chim nhỏ đậu trên vai tượng Phật, đứng tần ngần lâu lắm, dường như còn lưu luyến nhiều chưa muốn bay đi vội. Và một chú chim con nọ, cứ lóng ngóng núp dưới chân của một phật tử, sợ sệt, lạ lẫm, rồi nhảy líu ríu quanh đó, mãi một chặp sau mới tìm cách bay đi. 

Hôm nay, Chủ nhật, một ngày hè nắng ấm cuối tháng Bảy. Thầy Pháp Lưu ở Chùa Di Lạc tổ chức buổi Lễ Rải Tro. Gia đình tôi gồm mấy anh chị em đã đăng ký rải tro cho Ba tôi từ trước. Hôm nay cũng là ngày giỗ thứ mười một của người. Ngày trước, lúc Ba tôi mất, sau khi hoả táng, tro cốt đã được đưa về chùa, tưởng sẽ nằm ở đó vĩnh viễn. Nhưng rồi những năm gần đây, mẹ tôi già yếu hẳn, không đi lại được nhiều. Việc đến chùa hàng tuần thăm viếng (Ba) trở nên khó khăn và giảm dần. Hơn nữa, lúc chưa tạ thế, Người có dặn em trai tôi - khi đưa Ba đi tham quan cảnh đẹp ở San Francisco - Người bảo "Sau này Ba mất đi, hoả táng xong, Ba muốn được rải tro ở một nơi có cảnh đẹp như vậy" hoặc nằm ở nơi nào tương tự, khách du lịch thường vãng lai... v.v...


Đưa hũ tro người thân từ chùa ra biển

Sáng sớm hôm nay, tôi và hai mẹ con cô em gái mang hủ tro của Ba tôi - được phép chùa Quảng Đức cho lấy về - cùng di ảnh Người và hoa quả, đến chùa làm lễ cúng Ba. Mẹ tôi yếu quá, không thể  mang mẹ đến chùa với chúng tôi được. Cô em gái út, lòng rạo rực rất muốn được tham gia với anh chị, phải ở nhà vừa trông nom Mẹ, vừa lo cúng giỗ cho Ba. Đây là lần đầu tiên gia đình tôi tham gia lễ Rải Tro. Ôm bình tro Người Cha kính yêu như một báu vật. Anh chị em tôi có cảm giác như sắp mất đi hình hài của Người. Lần này Ba vĩnh viễn không còn ở bên Mẹ và chúng tôi nữa. Nghĩ mà rưng rưng nước mắt (biết rằng cát bụi rồi sẽ trở về với cát bụi. "sinh, lão, bệnh, tử" là chu kỳ sống của một đời người trên thế gian chẳng loại trừ ai). Tôi thấy se thắt cả lòng và thương Ba nhiều vô hạn.

Quá giờ trưa, sau khi tham dự các nghi lễ tại chùa (Cầu Siêu, Phóng Sanh, Cúng Vong... Di Quan... v.v...)  gia đình tôi và những gia đình khác - chung mang sứ mạng rải tro - đi với các Phật tử chùa Di Lạc, lên xe bus theo Thầy Pháp Lưu và hai vị Thầy đến Vịnh Monterey làm Lễ. Chiếc tàu nhỏ chở Thầy, Phật tử và chúng tôi ra khỏi bờ cảng thật xa để đến địa điểm rải tro. Đứng ở ngoài, trên boong tàu, có lẽ để chịu hơn ngồi trong buồng tàu. Vùng biển nơi đây gió thổi ít mạnh và sóng nhồi ít dữ hơn San Francisco. Trời thật trong xanh, gió thổi tung cả tóc, khăn choàng. tôi không cảm thấy buốt lạnh từ gió, trái lại cảm giác dễ chịu nhờ nắng ấm của bầu trời, sự khoáng đãng lớn rộng của thiên nhiên làm tôi tỉnh táo hẳn lên.

Lễ phóng sanh

Buổi Lễ Rải Tro tiến hành trên con tàu chạy ở tốc độ chậm, dập dềnh trên sóng nước. Giữa tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng tụng kinh của Thầy và tiếng tụng kinh hộ niệm của các Phật tử, từng chiếc lẳng hoa đựng tro cốt được thả xuống nơi thành boong tàu chầm chậm chìm vào lòng biển. Ngồi bên trong buồng tàu (vì bên ngoài không còn chỗ), ngắm nhìn qua khung kính cửa sổ của chiếc tàu, mặt biển bao la mênh mông ngoài kia và bến cảng thấp thoáng đằng xa, những chiếc tàu màu trắng - cột buồm đen, cao, vươn thẳng, nằm im lìm trên bến nước  - nổi bật giữa nền trời xanh biếc. Nghĩ đến Ba tôi và những ngày ngập tràn niềm vui hạnh phúc bên Ba. Xuất thân trong một gia đình nho giáo, nhưng Ba rất yêu thích văn nghệ, điện ảnh...  Người có tâm hồn nghệ sĩ, thích đi đây đó. Tôi yêu tính phóng khoáng của Ba, vui vẻ, dễ chịu, không để bụng và giận ai lâu. Người vừa là "một hoạ sĩ" và "một nghệ sĩ". Tôi nhớ tiếng đàn Mandolin của Ba dạo bài "Xuân Và Tuổi Trẻ" của La Hối. Ba đàn bài này hay lắm, và bài "Khúc Nhạc Thanh Xuân" ("When We Were Young" nhạc nước ngoài), tiếng rung trong và thanh của mỗi nốt nhac như nhảy múa, tưng bừng rộn rã, thúc giục niềm tin yêu dạt dào nơi người nghe. (Nay Ba về nơi suối ngàn, cõi thế giới riêng, các con nhớ tiếng đàn của Ba nhiều lắm Ba ơi...)

Thầy Pháp Lưu làm lễ Rải Tro

Một con chim hải âu vỗ cánh bay ngang, cắt dòng hồi tưởng nơi tôi. Cánh chim bay xa như một vệt trắng hình chữ V mờ nhạt, rồi khuất hẳn vào vùng biển rộng. Lòng tôi thật bình yên và lắng dịu (có lẽ Ba đã được siêu thoát, như cánh chim kia, vĩnh biệt mọi người, chắp cánh bay về cõi niết bàn...). Bao nhiêu âu lo phiền muộn trong cuộc đời, Ba đã buông bỏ từ lâu lắm... Khi Người còn nằm trên giường bệnh, Ba là người lạc quan, yêu đời nhất. Người đã sống vui vẻ và hạnh phúc bên gia đình, con cháu, và cuối cùng ra đi với tấm lòng thanh thản... Cầu chúc Ba bình yên nơi chốn vĩnh hằng...

Lễ Rải Tro được hoàn thành tốt đẹp. Ai nấy mang tâm trạng vui mừng, hoan hỉ, chăm chú ngắm nhìn dòng đại dương đưa người thân về "bến giác". Mãi đến khi những cánh hoa giấy chỉ là dấu chấm nhỏ rồi không còn xuất hiện trong mắt nhìn, mọi người mới vào trong ngồi. Lúc này con tàu chuẩn bị quay mũi trở về bến cảng. Biển êm hơn, gió thổi chậm, không gian trở nên tỉnh lặng. Tôi nghe tiếng reo hò mừng rỡ... "có một chú cá voi xuất hiện, đó...đó... xem kìa"... chạy vội ra ngoài tìm xem, tôi chỉ thấy từ xa chiếc đuôi màu đen bóng hinh chữ V đang từ từ lặn xuống biển, còn lại mặt biển một màu xanh thắm im lìm. Tim tôi như đang thắt lạ, hồi hộp dõi mắt trông theo, tôi buông lời thì thầm " vĩnh biệt Ba yêu dấu của con, ngủ yên Ba nhé...!!! thương Ba ngàn đời, vĩnh biệt... vĩnh biệt..."

Tác giả Võ Minh Vui
Võ Minh Vui

(*) (Lời bài hát "From This Moment On" của Shania Twain)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét