Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

Tin Tức Hội Ngộ 29-10



TIN TỨC HỘI NGỘ (29-10)

     Kính thưa quý Thầy Cô, quý Anh Chị Đồng Môn và quý Thân Hữu.

     Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến ngày Hội Ngộ (9, 10, 11-12-2016). BTC xin đề nghị một số điểm như sau:

     1/- Quý Anh Chị có ý định tham dự, xin mua vé ngay bây giờ để BTC tiện việc sắp xếp.
     2/- Quý Anh Chị cần BTC đưa đón, xin liên lạc với anh Đặng Duy Nhượng (408) 888-0637, hoặc anh Hà Công Trí (925) 998-4820.
     3/- Để tiện việc di chuyển và đưa & đón, xin mua vé máy bay đến phi trường San Jose (SJC).
     4/- Quý Anh chị ở hotel, xin book ngay bây giờ để được giá rẻ, phone (408) 298-7373 hoặc book qua website của hotel, làm theo sự hướng dẫn trong 2 attachments đính kèm. Trường hợp book không được, xin liên lạc với anh Hà Công Trí (925) 998-4820.
      
      Xin quý Thầy Cô, quý Anh Chị Đồng Môn và Thân Hữu thường xuyên theo dõi tin tức Hội Ngộ được phổ biến hàng tuần trên diễn đàn NHHN.
      
      Xin chân thành cám ơn,

      Trân trọng,

      TM. Ban Tổ Chức,


      Đặng Duy Nhượng     
  


How To Book Hotel (Hampton Inn & Suite, San Jose)

Step 1:

Go to website





TIN TỨC HỘI NGỘ (25-10)

     Kính thưa quý Thầy Cô, quý Đồng Môn và quý Thân Hữu

     Theo yêu cầu của một số anh chị đồng môn và thân hữu, BTC xin nhắc lại việc gửi tiền ủng hộ (MTQ) và mua vé tham dự Hội Ngộ 2016 như sau:

     1/- Check hoặc Money Order
      pay to Nguyen Hue High School
     2/- Memo: Hội Ngộ 2016
     3/- Người nhận: Mrs Hang Le Nguyen
                          2660 Middleborough Cir
                          San Jose, CA 95132
      
     Ghi chú:
     * Giá vé:
        - Thứ Sáu, ngày 09-12: xin ủng hộ $35
        - Thứ Bảy, ngày 10-12: xin ủng hộ $45
        - Du Ngoạn, ngày 11-12: xin ủng hộ $30

     * Xin vui lòng cho biết số phone và email người gửi để chị Hằng liên lạc báo tin đã nhận được check.

     Xin chân thành cám ơn.

     Trân trọng thông báo

     NHHN
  


Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2016

Vườn Đẹp nhất Nước Mỹ

Những khu vườn đẹp nhất nước Mỹ mùa thu

Mùa thu là thời điểm đẹp nhất trong năm để tham quan vườn bách thảo. Những màu sắc và chủng loại thực vật đa dạng trong những khu vườn này sẽ khiến bạn mê mẩn không muốn về.



Vườn Longwood, Quảng trường Kennett, bang Pennsylvania: 
Bước vào đây Longwood, bạn sẽ có cảm giác như bước vào một bức tranh tuyệt mỹ - thiên đường của những người làm vườn nổi tiếng. Từ 22/10-20/11, tại Longwood sẽ diễn ra lễ hội hoa cúc, với hơn 17.000 bông hoa đầy màu sắc được trang hoàng lộng lẫy. Bạn không nên bỏ lỡ cây hoa với 1.500 bông hoa được gắn lên một cách hoàn hảo.  


Vườn bách thảo Brooklyn, New York: 
Thoạt nhìn, người ta sẽ tưởng lối đi hoang dã này cách thành phố hàng trăm dặm. Nhưng hoá ra nó nằm ngay trong vườn bách thảo Brooklyn, New York. Du khách đến đây vào mùa thu cũng có thể ngắm nhìn hoa hồng nở muộn và những bất ngờ khác.   


Vườn bách thảo Chicago: 
Vẻ đẹp của khu vườn Nhật Bản Elizabeth Hubert Malott rộng 17 mẫu Anh (tương đương gần 7 hecta) sẽ làm bạn ngây ngất, khi cây bạch quả chuyển sang màu vàng.   


Vườn cây gỗ công viên Washington, Seattle: 
Nằm trên bờ hồ Washington, vườn bách thảo rộng 93 ha sẽ khiến bạn đắm chìm trong vẻ đẹp của thiên nhiên tươi tốt. Bạn sẽ phải mất phí vào cửa, nhưng hoàn toàn đáng để bỏ tiền. 


Vườn bách thảo Missouri, Phố Louis, Missouri: 
Được mở cửa trở lại năm 1859, vườn bách thảo Missouri là một nơi thư giãn tuyệt vời, tách khỏi sự hối hả và nhộn nhịp của thành phố. Nơi đây có các loài lan quý hiếm nhiều nhất thế giới mà còn rực rỡ các sắc màu của mùa thu. 


Vườn bách thảo Fort Worth, Texas: 
Ít ai nghĩ Texas lại có một khu vườn Nhật Bản lung linh như vườn Fort Worth với đủ sắc màu màu thu như đỏ, cam, vàng… 


Vườn ươm quốc gia, Washington DC: 
Vườn quốc gia giống như một bảo tàng sống. Bạn có thể tìm thấy rất nhiều thực vật bản địa, cùng điểm tham quan thú vị như những cây cột của toà nhà quốc hội. Vào mùa thu, những cây cột gần 200 tuổi này trông như những ngọn đuốc vàng được bao quanh bởi vô vàn cỏ lá vàng ươm.  


Vườn ươm Dallas: 
Đến thăm vườn ươm thành phố Dallas vào mùa thu, bạn sẽ mãn nhãn với hơn 90.000 quả bí ngô tròn và bí hồ lô từ ngày 23/11. 


Vườn bách thảo New York: 
Mùa thu là một trong những thời điểm đẹp nhất để đến thăm New York, đặc biệt là tham quan vườn bách thảo 125 năm tuổi. Khu nhà kính trồng cây là một nơi thích hợp để đi thăm nếu thời tiết quá lạnh.


Vườn Mount, Lenox, Massachusetts:
Khu vườn này thực ra là nhà của tiểu thuyết gia nổi tiếng Edith Wharton, sẽ mở cửa vào cuối tháng 10.   


Vườn đỗ quyên Asticou, Mount Desert Island, Maine: 
Từ tháng 5-10, những cây đỗ quyên tuyệt đẹp ở vườn bảo tồn tại Mount Desert Island, Maine, bung toả những màu sắc ấn tượng. Màu mận, vàng, và những tông màu trầm của mùa thu nơi đây sẽ khiến bạn khó quên. 


“Khu rừng bị phù phép” Winterthur, Delaware: 
Có rất nhiều thứ để xem và làm ở Winterthur - ngôi nhà cũ của Henry Francis du Pont - khiến bạn có thể sẽ cần hơn một ngày để khám phá và tận hưởng, đặc biệt là “khu rừng bị phù phép” - một khu vườn kỳ dị y như trong truyện.   


Vườn bách thảo Denver: 
Được xếp hạng là một trong những khu vườn thực vật hàng đầu tại Hoa Kỳ, vườn bách thảo Denver rộng khoảng 9 hecta. Ở đây có vườn hoa súng, vườn dành cho trẻ em, kim tự tháp khoa học, vườn phong cách quốc tế... Các loại cây cỏ bản địa mang lại màu sắc và kết cấu độc đáo cho cảnh quan khu vườn vào mùa thu.


Vườn bách thảo Tower Hill, Boylestown, Massachusetts: Rộng 53 ha, vườn bách thảo ở Tower Hill có những lối đi tuyệt vời để tận hưởng không khí trong lành của mùa thu. Bạn chắc chắn sẽ rất thích thú với 119 cây táo có từ trước thế kỷ 20 ngay lối vào của khu vườn. 


Vườn bách thảo Green Bay: 
Khu vườn mê hoặc khách tham quan với đa dạng các chủng loại cây bản địa với màu sắc ấn tượng.  


Wave Hill, Riverdale, New York: Nằm ở khu Bronx và nhìn ra sông Hudson, Wave Hill có thể được coi là một trong những khu vườn đẹp nhất vào mùa thu. Cảnh này có lẽ là bằng chứng đủ sức thuyết phục bạn.  

Trí Dũng
(Theo zingvn)


Thay Mặt Quê Nhà




Kính mời quý Thầy Cô và các Bạn thưởng thức nhạc phẩm MƯA CHIỀU KỶ NIỆM
qua phần trình bầy của thầy Lê Chí Tế, cựu giáo sư trường Nguyễn Huệ Tuy Hòa, Phú Yên.





DS Mạnh Thường Quân 22-10


Xin vui òng click vào Danh Sách để xem



Thứ Tư, 26 tháng 10, 2016

Về Với Nhau

GIỚI THIỆU
Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy Cô, quý Anh Chị Đồng Môn và quý Thân Hữu
Bài thơ VỀ VỚI NHAU của CHS Trần Hoàng Phước Hậu nhằm cổ động cho Hội Ngộ 2016.
BTC rất hoan nghênh tinh thần và sự đóng góp của anh.
Trân trọng giới thiệu.
NHHN


Xin vui lòng click vào bài thơ để xem

Kính mời quý Thầy Cô và quý Anh Chị thưởng thức nhạc phẩm NGÀY VỀ
do đồng môn Hoàng Khai Nhan dàn dựngvà thực hiện 


Khám Phá Vĩ Đại


Khám phá vĩ đại nhất qua hàng thế kỷ! Các nhà khảo cổ đã tìm thấy trong chiếc quan tài vàng chứa di hài "Đức Phật Thích Ca Mâu Ni" !

Các nhà khảo cổ mới đây đã công bố một khám phá thú vị, một nhóm khai quật khảo cổ tại ngôi đền Phật giáo, tìm thấy một chiếc quan tài vàng có lịch sử khoảng 1000 năm. Họ tìm thấy bên trong quan tài những mảnh di cốt, sau khi nghiên cứu các nhà khảo cổ đưa ra quyết định có khả năng là hài cốt Đức Phật Thích Ca Mâu Ni !
Đặt giữa hòm sắt trong chiếc rương đá ở hầm mộ dưới chân tháp Lưu Ly thuộc chùa Đại Báo Ân tại Nam Kinh, Trung Quốc họ tìm thấy cái Tháp. Những chữ khắc trên rương khẳng định mảnh xương sọ là một phần di cốt của Đức Phật. Bề mặt tháp chứa di cốt chạm khắc nhiều hình ảnh Đức Phật cùng với cảnh tượng mô tả những câu chuyện về cuộc đời Đức Phật từ khi ngài sinh ra cho đến khi nhập cõi niết bàn.
Tháp cao 117 cm và rộng 45 cm. Chữ trên tháp bao gồm tên những người quyên tiền và vật liệu xây dựng công trình cũng như tên một số thợ xây.
Live Science đưa tin tìm thấy trong một quan tài bằng bạc cao 20cm. Quan tài có thiết kế tinh xảo, làm từ vật liệu gỗ đàn hương, vàng và bạc, phủ đá quý làm từ thủy tinh, pha lê, mã não và lưu ly.
Thậm chí thú vị hơn khi chiếc rương cao 8cm được tìm thấy bên trong chiếc hộp vàng! Và được phỏng đoán là hài cốt của Đức Phật đã được lưu trữ bên trong!
Trên chiếc rương, bảo tháp được khắc trạm những hình trang trí công phu như hoa sen, phượng và người giám hộ!
Trên chiếc rương dòng văn tự minh họa một cách rõ ràng hài cốt của Đức Phật đã được lưu giữ bên trong.
Bên trong chiếc rương,có những dòng chữ điêu khắc của một người đàn ông tự nhận là Deming. Sau khi Đức Phật qua đời, thi thể được hỏa táng rồi chia hài cốt  thành 84.000 phần. 19 phần trong số đó đã được chuyển đến Trung Quốc. Và một trong số 19 phần hài cốt nằm trong chiếc rương vàng này.
Qua nhiều thời kì bất ổn, ngôi chùa nơi chôn cất chiếc rương đã bị phá hủy. Đến thế kỉ 11, Hoàng đế Tống Chân Tông của Trung Quốc cho xây dựng lại chùa và những chiếc rương này được đảm bảo an toàn trong hầm mộ của nó,
theo Deming.


Một Thoáng Pleiku

GIỚI THIỆU
Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy Cô và quý Anh Chị bài viết MỘT THOÁNG PLEIKU của nhà văn Phạm Tín An Ninh đăng trên Blog SĐ6KQ VNCH, do anh Hoàng Khai Nhan chia sẻ.
Xin chân thành cám ơn tác giả và anh HKN.
Trân trọng giới thiệu
NHHN

MỘT THOÁNG PLEIKU

Phạm Tín An Ninh

Click vào video trên để vừa nghe Sĩ Phú hát
Còn Một Chút Gì Để Nhớ
(Thơ Vũ Hữu Định - Nhạc Phạm Duy)
vừa đọc bài viết Một Thoáng Pleiku 
của Phạm Tín An Ninh dưới đây...

Thật lòng, tôi không có nhiều gắn bó với Pleiku. Và dường như cái phố núi buồn hiu ấy đã cho tôi nhiều nỗi buồn hơn là niềm vui. Vậy mà khi đã xa -thực sự vĩnh viễn xa- Pleiku rồi, tôi lại thấy da diết nhớ, trăn trở với cái cảm giác mình có tội với Pleiku, và mãi mãi sẽ còn nợ phố núi này một lời xin lỗi.

Tôi chưa (và có thể không) có dịp về thăm lại Pleiku, nên cái xa cách ấy lại càng thấy mịt mùng. Cái phố núi vốn đã bé nhỏ, như một ông nhà thơ đã ví von “đi dăm phút đã về chốn cũ” ấy, giờ với tôi dường như chỉ còn là chút sương khói trong lòng. Điều kỳ lạ là chút khói sương mờ ảo ấy cứ luôn lãng đãng trong ký ức và trái tim già cỗi của tôi, như những mảng mù sương từng bao phủ, giăng mắc trên phố núi Pleiku ngày trước.

Nếu không có cuộc chiến Kontum, có lẽ sẽ không có dấu chân nào của tôi trên bùn lầy đất đỏ Pleiku. Dẫu là dấu chân của người lính chiến. Chợt đến chợt đi, hay có khi nằm lại vĩnh viễn trên núi rừng heo hút vô danh. Thống thuộc một đại đơn vị có bản doanh tại Ban Mê Thuột, nhưng đơn vị tôi có hậu cứ tại Sông Mao,Phan Thiết, và đảm trách một vùng hành quân khá rộng lớn dọc theo miền duyên hải. Đúng ngày cuối năm âm lịch 1972, khi cả đơn vị đang chuẩn bị cho quân sĩ ăn Tết tại doanh trại Lý Thường Kiệt, Sông Mao, chúng tôi nhận lệnh di chuyển khẩn cấp lên An Khê, thay thế cho một đơn vị của Sư Đoàn 101 Không Kỵ Hoa Kỳ rút quân về nước, và tăng cường cho mặt trận Bình Định, khi một số đơn vị của Sư Đoàn 22BB hoạt động ở đây, vừa di chuyển lên mặt trận Dakto, Tân Cảnh.

Loanh quanh ở An Khê chưa được hai tháng, cùng với Thiết Đoàn 3 Kỵ Binh tăng phái, đánh vài trận, giải tỏa một số căn cứ của Sư Đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn nằm dọc trên đèo An Khê bị Cộng quân tạo nhiều vòng đai vây hãm, đơn vị chúng tôi được lệnh di chuyển khẩn cấp lên phi trường Pleiku để được không vận lên Kontum. Bộ Tư Lênh HQ Sư Đoàn 22BB vừa bị tràn ngập tại căn cứ Tân Cảnh và vị Tư Lệnh đã ở lại để vùi thây nơi chiến địa cùng với quân sĩ dưới quyền. Địch quân đang trên đà tràn xuống trong ý đồ chiếm lấy Kontum.

Tôi đến Pleiku như vậy đó. Thời gian chưa đủ nhìn một dãy phố và núi đồi chạy dọc theo con đường dẫn ra phi trường Cù Hanh. Tôi có cảm giác chưa đến thì đã rời khỏi Pleiku. Hơn tám tháng sống chết với chiến trường và giữ vững Kontum, chúng tôi được kéo về Pleiku dưỡng quân và bổ sung quân số. Đây là phần thưởng đặc biệt cho một đơn vị tạo nên kỳ tích trong trận chiến đẫm máu để có một “Kontum Kiêu Hùng.” Một tháng đóng quân trên Đồi Đức Mẹ. Lại là một tháng “gió lạnh mưa mùa.” Cả núi đồi và thành phố Pleiku mờ mịt và lầy lội trong mưa. Hình ảnh của bao nhiêu bạn bè đồng đội vừa mới hy sinh trên chiến trường Kontum lúc nào cũng hiện ra trước mặt, đau đớn tựa hồ như những nhát chém còn rỉ máu trong lòng. Muốn tạm quên chốc lác đã là một điều không dễ. Bọn tôi cần được say. Mỗi ngày chỉ ra phố để uống rượu. Thỉnh thoảng đi nhận đám lính bị Quân Cảnh của ông đại úy Hiển bắt. Khi đó tôi đâu có biết ông đồn trưởng Quân Cảnh này là nhà thơ Hoàng Khởi Phong, cũng chịu chơi, nhậu nhẹt, lãng mạn, và vi phạm quân phong quân kỷ như ai!


Pleiku có nhiều quán cà phê và nhiều khuôn mặt mỹ nhân, nhưng chúng tôi chỉ chọn các quán rượu. Dường như cà phê không đủ ấm, không đủ để quên, và cái say của rượu cũng chóng phôi pha hơn cái say đàn bà, con gái. Hơn nữa chỉ được có một tháng, mà trước mặt là những trận chiến đẫm máu đang chờ. Chẳng ai muốn vương vấn nợ tình.

Riêng tôi còn có một anh bạn, Liên Đoàn Trưởng BĐQ trú đóng ở Biển Hồ. Vợ và hai đứa con chết thảm tại Quảng Đức vì xe bị VC giật mìn, nên bây giờ anh chỉ làm người tình với rượu. Tôi bị anh kéo theo cái vòng “tục lụy” này.

Lúc trước anh là một cấp chỉ huy nổi tiếng trong BĐQ, thời gian binh chủng này mới thành lập. Nhưng sau đó do ảnh hưởng từ các phe nhóm chính trị, anh đã bị bắt đi tù một thời gian, ngưng thăng cấp và sau đó chuyển đến đơn vị tôi, với cái lệnh “không được giữ chức vụ chỉ huy nào.” Biết anh là một niên trưởng và từng dạn dày lửa đạn, tôi tận tình giúp đỡ an ủi anh. Thời gian sau anh bỗng dưng được “vô tội,” trở lại binh chủng, thăng cấp và chỉ huy một Liên Đoàn BĐQ tại QK2.

Do cái ân tình đó, nên những ngày không hành quân, anh đến kéo tôi ra quán rượu. Tôi chỉ nhìn Pleiku qua những cơn say. Vì vậy Pleiku với tôi càng nhỏ hẹp hơn, chỉ là không gian của một quán rượu trong khu Chợ Mới. Một tháng, tôi chưa hề biết tên một con đường, thì làm sao biết được tên của một mỹ nhân, để “may mà có em đời còn dễ thương!

Tôi rời khỏi Pleiku một ngày sau khi thành phố Ban Mê Thuột (BMT) vừa lọt vào tay giặc. Sáng ngày 13/3/75, theo những toán quân đầu tiên của đơn vị được trực thăng vận từ Hàm Rồng đổ xuống Phước An, quận lỵ duy nhất còn lại của tỉnh Darlac, nằm cách BMT khoảng 30 cây số trên QL 21 về hướng Nha Trang. Khi một nửa đơn vị vừa xuống Phước An, thì Pleiku có lệnh di tản. Một nửa quân số còn lại phải di chuyển theo đoàn quân di tản trên Tỉnh Lộ 7B. Một cuộc triệt thoái sai lầm, tệ hại và bi thảm nhất trong chiến tranh. Nửa đơn vị của tôi gần như bị xóa sổ. Hai người bạn thân của tôi đều là tiểu đoàn trưởng đã tự sát, nhiều đồng đội đã chết trong đớn đau tức tưởi.

Hình ảnh cuối cùng của Pleiku trong mắt tôi là dãy núi Hàm Rồng, nhưng trong trí óc tôi chỉ còn đọng lại những cái chết bi tráng của đám bạn bè đồng đội cùng với những người Pleiku mà tôi chưa kịp biết mặt, làm quen. Và trong lòng tôi, dường như Pleiku chỉ có thế. Không phải là những con đường, góc phố, là rạp ciné Diệp Kính, Thanh Bình, hội quán Phượng Hoàng, quán cà phê Dinh Điền, cà phê Văn, cà phê Lính, Bắc Hương, Thiên Lý, và lại càng xa lạ với những ngôi trường mang tên Pleime, Pleiku, Phạm Hồng Thái, Minh Đức, Bồ Đề... mà những cô học trò ngày ấy bây giờ đang mang theo cái hồn Phố Núi đi khắp muôn phương. (Giờ nghĩ lại, tôi thấy mình khờ khạo biết bao nhiêu!)


Ngày ấy, tôi là thằng lính bộ binh, một thứ lính “hạng bét,” chỉ có khốn khổ gian truân và chết chóc. Tháng năm lặn lội trong núi rừng, chỉ còn biết có súng đạn và mục tiêu trước mặt. Được chút thời gian không đủ cho một cơn say, thì đâu còn biết gì tới thơ với thẩn (mặc dù tôi vốn mê thơ - nhưng rất dốt về thơ). Ngoài bài hát nổi danh được phổ từ thơ Vũ Hữu Định, tôi chưa hề được đọc thơ các thi nhân nổi tiếng một thời của Pleiku hay viết về Pleiku. Sau này đọc Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Mạnh Trinh, Kim Tuấn, Nguyễn Xuân Thiệp, Võ Ý, Cao Thoại Châu, Hoàng Khời Phong…, tôi thấy hối tiếc quá chừng. Pleiku đẹp quá, dễ thương, thơ mộng quá.

Nguyễn Bắc Sơn, nhà thơ một thời hành quân đánh giặc ở Mật khu Lê Hồng Phong, Sông Mao, nơi đơn vị tôi trú đóng, từng viết những câu thơ hào sảng:

Ngày mai đánh giặc may còn sống 
Về ghé Sông Mao phá phách chơi, 
Uống rượu tiêu sầu cùng gái điếm 
Đốt tiền mua vội một ngày vui...

cũng từng bị “đày” lên Phố Núi, nhưng giờ thì đắm say ánh mắt của một nàng thiếu nữ Pleiku:
Ðứng trên núi thấy hàng đèn thị trấn 

Là thấy mình buốt lạnh mấy nghìn năm 
Vì đêm nay trời đất lạnh căm căm 
Nên chợt nhớ chút lửa hồng bếp cũ 
Nên phải nhớ mắt một người thiếu nữ 
Ðã nhìn mình rất ấm một ngày xưa 
Dù mai sau ngày nắng tiếp ngày mưa 
Nhưng vĩnh cửu chút mơ màng thuở đó...

Vậy mà hơn một tháng ở Pleiku tôi đã ngu ngơ, lãng phí. Không nhìn ngắm, mơ mộng với Pleiku mà chỉ biết say với rượu. “Ta say, trời đất cũng say.” Tôi đã bắt Pleiku say với tôi, mà đáng lý ra tôi phải say đắm với Pleiku mới phải. Đôi khi tôi cũng tự gạt để an ủi mình “Có thể chính mấy ông nhà thơ này đã làm cho Phố Núi đẹp hơn, thơ mộng và lãng mạn hơn những gì nó có?” Nhưng có lẽ tôi đã nhầm, sau này được dịp làm quen với những người Phố Núi, tôi chợt nhận ra rằng Pleiku đâu chỉ có những ông thi sĩ tài danh ấy, mà dường như cứ mỗi người Pleiku đã là một nhà thơ, hay ít nhất cũng là một bài thơ chưa được viết thành lời. Dẫu gì, tôi cũng có tội với Pleiku.

Ba năm hành quân ở Kontum và Pleiku, nhiều đồng đội, bạn bè tôi đã nằm lại nơi này. Võ Anh Tài, Đặng Trung Đức, Trần Công Lâm, Đỗ Bê... những tiểu đoàn trưởng nổi danh, những người anh, người bạn thân thiết như tình huynh đệ cùng một đơn vị từ ngày tôi vừa mới ra trường, đã vĩnh viễn ở lại với Kontum, với Pleiku. Khi tất cả -có lẽ cũng như tôi- chưa biết rõ mặt Pleiku cùng những vần thơ tuyệt vời ca tụng phố núi thơ mộng một thời.
Tôi vẫn mãi đau đớn khi hình dung cuộc di tản bi thảm trên Tỉnh Lộ 7B vào những ngày giữa tháng Ba. Cùng với những đổng đội của tôi, còn có biết bao nhiêu người Pleiku đã không đi hết đoạn đường kinh hoàng đẫm máu ấy. Trong đó chắc chắn có rất nhiều “em Pleiku má đỏ môi hồng” của nhà thơ Vũ Hữu Định, những bông hoa dại đã làm cho những thằng lính “bị đày” lên phố núi thấy đời dễ thương hơn. Thiếu những bông hoa ấy, Phố núi sẽ không còn đẹp, không còn lãng mạn, để cho bao thi nhân cảm xúc, để cho nhà thơ Không Quân Võ Ý vẫn mãi còn tiếc nhớ khôn nguôi một thời “Xưa Trên Đó”:

Xưa trên đó sương nhòa hơi thở đượm 
dốc cũng vừa ta bước xuống vô biên 
mê cho lắm cho tay dài với mộng 
mặt trời lên chiếu rạng tới ưu phiền..
Một dạo bay qua nhìn qua trên đó 
đồi như vương cây như vấn chân nàng 
phố cũng xưa và tim thì đau nhói 
quạt nồng đâu qua đó để cơ hàn...


Chúng tôi ra đi, cũng (rất vô tình) bỏ lại các cô gái Thượng. Những cô gái chân chất hồn nhiên mà đẹp đẽ như những cánh lan rừng. Họ mới thực sự là những người chủ Phố Núi, nên không đành bỏ núi đồi, buôn bản. Và chắc không hề biết đã từng là niềm vui, là nỗi khát khao của những thằng lính trẻ xa nhà, khi rủ nhau ẩn nấp sau những gốc cây, bờ đá để nhìn (trộm) các cô vô tư khoe mình bên các dòng suối biếc. Tuyệt vời!
Thuở ra đi, lòng dạ rối bời, chưa kịp nhận ra những điều gắn bó, giờ hồi tưởng, trong lòng bỗng chợt dấy lên bao nỗi bâng khuâng.
Thì ra, tôi đã mắc nợ phố núi quá nhiều. Nợ những người đã ở lại với Pleiku trong cơn đổi đời khốn khó, nợ người Pleiku nằm lại đâu đó trên tỉnh lộ 7B kinh hoàng, và nợ cả những người Pleiku ra đi mang theo bóng dáng mờ ảo mù sương và cả cái hồn Phố Núi.
Nợ ân tình thì không thể nào trả cho hết được. Đành viết mấy dòng này xin tạ lỗi Pleiku.
Phạm Tín An Ninh

Kính mời quý Thầy Cô và các Bạn thưởng thức bài thơ EM PLEIKU 
của thân hữu Nhã Giang Thu Tâm