Thứ Năm, 15 tháng 2, 2018

Tình Yêu Của Tôi

GIỚI THIỆU
Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy, Cô, quý anh chị Đồng Môn và quý Thân Hữu
Bài TÌNH YÊU CỦA TÔI, tác giả Hoàng Thanh Phước. Đây là chuyện thật 100%, lần đầu chị viết cho mình để tặng phu quân nhân ngày Lễ Tình Yêu (Valentine) 14-2-2018.
Trân trọng giới thiệu.
NHHN



Kính thưa quí vị! Đã ở vào độ tuổi trên U70 (thất thập cổ lai hy) rồi mà còn nói đến "tình yêu" nghe không được thuận tai cho lắm phải không thưa quí vị. Ấy thế mà riêng tôi cứ tưởng chừng như mới ngày... hôm qua cơ đấy... khổ quá quí vị ạ...

Chuyện xẩy ra hơn nửa thế kỷ thì nhớ răm rắp mà chuyện hiện tại bây giờ thì... lại chẳng nhớ được gì. Nhiều khi vừa nói xong đã quên không nhớ mình đã nói những gì rồi nhỉ.

Vậy! đấy ạ. Cho nên xin quí vị cũng nên thông cảm bỏ qua cho những người già cả... lẩm cẩm như chúng tôi đây nhé... Xin cám ơn vô cùng.

Ngược dòng thời gian

Năm tôi mười bốn tuổi, "chập chững" bước vào trường trung học Nguyễn Huệ ở lớp Đệ Thất 1 và cũng trong cùng năm đó, tôi được biết anh qua những cánh thư mà anh đã nhờ bạn học cùng lớp với anh chuyển đến cho tôi (chị Vũ Thị Thiêm, bào muội của thầy hiệu trưởng Vũ Trí Phú thời bấy giờ).

Tôi không biết tên thật của anh, chỉ biết qua bút hiệu "Phong Dzao". Hồi đó, thật tình tôi không thích anh lắm vì anh... (nói nhỏ thôi) không được đẹp trai.

Cứ mỗi lần tôi và Minh (Hồng Châu), Thanh Vân (cô mụ Đức) đi tập hát cho ty Thông Tin hay cho trường cũng đều thấy bóng dáng anh thấp thoáng ngoài hiên. Thỉnh thoảng lại ghé mắt nhìn vào chỗ chúng tôi. Mà hay thật, anh quá tài giỏi, tại sao chúng tôi đi đâu là y như rằng có bóng dáng anh thấp thoáng xa xa. Lúc bấy giờ anh mới chỉ mười bảy tuổi.

Kỷ niệm 50 năm thành hôn cùng con, cháu

Hồi đó tôi còn bé, hình như mới mười bốn tuổi, có lẽ cũng chưa biết yêu là gì, chỉ biết có người thường đi theo mình và có thể cũng để ý đến mình nữa thì trong lòng thấy vui vui. Thế rồi những lá thư qua, thư lại viết bằng giấy học trò chứ không phải màu xanh màu hồng. Mới đầu, mỗi ngày một lá thư, dần dần mỗi ngày hai lá. Không biết chuyện gì vớ vẩn đâu đâu, trời trăng mây nước gì đó mà viết hoài vẫn có chuyện để nói. Hồi đó, thập niên 1950 vẫn còn thời phong kiến, chúng tôi đâu có dịp gặp mặt thường xuyên được, viết thư thì siêng năng, giỏi lắm mà học thì... lười (mải lo thư từ giờ đâu nữa mà học), không biết có phải vì vậy mà tôi bị... dốt không?!. Chắc là không, có lẽ tôi bị... dốt từ trong... bụng mẹ... Thư nhiều đến nỗi ngày tôi lên xe hoa về nhà chồng, mang theo một vali đầy nhóc chỉ toàn những lá thư tình đẫm lệ làm ... của hồi môn...

Thời gian qua nhanh rồi cũng đến lúc hai bên gia đình biết chuyện chúng tôi yêu nhau, đều phản đối quyết liệt, thứ nhất sợ sao lãng việc học, thứ hai không đồng tôn giáo v.v...

Người chị ruột của tôi bảo với má tôi rằng: 
- Con Phước vụng về, khờ dại làm sao về làm dâu người Bắc được. Rồi bàn bạc làm sao đó với má tôi, sau đó chị tôi quyết định đưa tôi ra Qui Nhơn học. Mục đích là để chia rẽ hai chúng tôi (xa mặt cách lòng). Nhưng cuối cùng (họ) thất bại vì tình yêu mãnh liệt của chúng tôi vượt qua tất cả.

Ra Qui Nhơn học trường tư thục Bồ Đề chẳng được bao lâu, cứ cuối tuần anh đáp tầu lửa ra thăm tôi. Có lần đi với anh Phạm Phích, có lần đi với anh Trần Tử Hòa. Chị tôi biết được la rầy, có khi tôi còn bị "tát tai" nữa. Không sao! cái đau thể xác không thành vấn đề mà lòng khắc khoải thương nhớ anh làm trái tim tôi nhức nhối...

Thánh lễ tạ ơn 50 năm hôn phối

Tôi buồn rầu bỏ ăn uống nên ốm nhom, rồi đau một trận thật nặng. Có lẽ là "bệnh tương tư". Chị của tôi tế nhị không muốn cho các cháu tôi biết chuyện này (cháu tôi có đứa cũng trạc tuổi tôi) nên chờ cả nhà yên giấc, chị đánh thức tôi dậy, kéo ra một góc nhỏ ở phòng khách "tra khảo, hỏi cung" như mật vụ hỏi cung tội phạm. Lúc thì dùng lời lẽ ngọt ngào, khi thì hăm dọa răn đe... Tôi ngồi đó im lặng lắng nghe mặc cho "số phận đưa đẩy". Bao nhiêu lần hứa... bao nhiêu lần đã nói với chị qua nước mắt nghẹn lời "dạ em sẽ từ bỏ chị ạ". Trước mắt tôi lúc bấy giờ chỉ có hình bóng của anh vì "nó" khắc sâu trong trái tim tôi rồi. Tôi thì thầm "anh ơi! Anh có thấu hiểu cho em những giây phút này không?!...".

Cả gia đình dùng đủ mọi cách vẫn không thể ngăn được tình yêu của chúng tôi. Thế rồi... bỗng một hôm vào sáng Chủ Nhật nhà có khách lạ. Một anh chàng lịch lãm đẹp trai đến thăm, chị tôi gọi tôi mang nước lên mời, tôi thấy thoáng anh này, chắc lớn hơn tôi độ 10 đến 12 tuổi gì đó, trên bàn có bánh trái và một cặp rượu... được gói đẹp đẽ trang trọng, anh nhìn tôi rất lâu và có hỏi tôi gì đó, đại khái như em tên gì... học lớp mấy, trường nào... Tôi chẳng hiểu mô tê gì, ú a ú ớ dạ dạ... rồi rút êm xuống nhà dưới. Sau này tôi cũng hiểu ít nhiều về vị khách "quí" này.

Hôm sau chị tôi cho biết anh chàng đó là em trai một người bạn của anh rể tôi đến để xem mắt tôi. Chị tôi nói:
- Thấy người ta thế nào? Họ là người gia thế đàng hoàng, công ăn việc làm vững chắc, lấy người ta em yên ấm tấm thân. Trong khi em thì khờ khạo yếu đuối chậm chạp, lấy cậu học trò, tương lai đi về đâu... 
Tôi im lặng không nói gì, thầm nghĩ "chúng tôi yêu nhau thôi mà, có tính gì khác hơn đâu". Có lẽ người lớn họ nghĩ đã yêu thì phải đi đến hôn nhân.

Tôi tuy còn nhỏ nhưng cũng cứng rắn lắm, tôi biết mình phải làm gì trong lúc này. Nhân đến kỳ nghỉ hè tôi về lại nhà ở Tuy Hòa và quyết định... bỏ học luôn, không trở lại trường Bồ Đề Qui Nhơn học tiếp nữa. Cứ thế tình yêu của chúng tôi lớn dần theo ngày tháng. Rồi một hôm anh tâm sự với tôi rằng gia đình anh cũng phản đối rất mạnh, đến nỗi ba anh vào phòng riêng của anh ra chỉ thị sắc bén "một là con chấm dứt với cô ấy, hai là con cứ... bắn ba đi. Con chọn một trong hai điều đó". Anh nói "anh vẫn không hề nao núng trước khẩu súng lục để sẵn trên bàn". Tôi nghe mà lạnh cả người cho dù vẫn biết đó là sự hăm dọa của người lớn trong khi nóng giận mà thôi. Tôi hỏi anh:
- Anh có hứa gì với ba không
Anh trả lời:
- Anh chỉ im lặng. 
Mẹ anh thì nói "nó gầy ốm nhỏ nhoi như thế kia làm sao mà... sanh nở". Quan niệm của ông bà ta xưa: con đông là nhà có phước cho nên anh có tới... chín đứa em là vậy.

Chụp hình với cha chủ tế sau thánh lễ Tạ Ơn 50 năm hôn phối

Tôi có nhiều suy nghĩ, gia đình tôi phản đối cũng không sao nhưng vì quá yêu anh tôi không muốn anh khó xử. Tôi không muốn ba má anh buồn lòng chuyện chúng tôi. Vả lại, dù sao tôi cũng có ít nhiều... lòng tự trọng.

Tôi quyết định xa anh, chấm dứt chuyện tình cảm này, mấy lần anh đến thăm, tôi lẻn sang nhà hàng xóm lánh mặt. Có lẽ anh thắc mắc không hiểu chuyện gì đã xẩy ra nên vài hôm sau tôi nhận được của anh một lá thư, trong đó có chiếc khăn tay màu hồng tuyệt đẹp, có thêu hình trái tim màu đỏ và mũi tên đâm xuyên qua, bên dưới có câu "nợ máu phải trả bằng máu...!!". Tôi tuy cười... nhưng cảm thấy thương anh vô cùng. Đúng là chúng tôi trẻ con thật. Tôi liền đưa cho mẹ tôi xem ngầm ý để bà không ngăn cấm nữa. Không ngờ bị phản ứng ngược, mẹ tôi tức giận nói với tôi rằng:
- Mi gọi hắn lên đây để mạ nói chuyện. 
Tôi ngạc nhiên, chuyện gì nữa đây?! Sao tôi ngu quá vậy, đưa mẹ xem làm gì để bây giờ lớn chuyện ra.

Cuối cùng anh cũng đến, mẹ tôi chuẩn bị giấy bút hẳn hoi để sẵn trên bàn. Mẹ tôi hỏi thẳng:
- Tại sao cậu hăm dọa con tôi, cậu ỷ cha cậu quyền cao chức trọng rồi muốn làm gì thì làm hay sao. Cậu hãy viết tờ cam kết, nếu mai này con tôi có mệnh hệ nào là lỗi do cậu gây ra. 
Thấy anh có vẻ lúng túng, anh đâu có ngờ tôi khờ dại đi mách với mẹ chuyện này, nhưng rồi anh cũng mạnh dạn viết tờ cam kết, trong đó có câu: "nếu sau này Thanh Phước có ảnh hưởng gì đến tính mạng do tôi gây ra thì tôi sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm". Thì ra, anh cũng khôn đáo để, thảo nào mà về sau nằm trong ngành "Phượng Hoàng"... (gẫy cánh sau 1975).

Có thể hai bên gia đình "bất lực" trước sự "cương quyết" bền bỉ của chúng tôi nên có lần anh nói ba mẹ anh muốn gặp mặt tôi... Tôi hồi hộp lo sợ, hơi lưỡng lự nhưng anh đã nói thì tôi phải vâng theo.

Hình chụp sau thánh lễ Hôn Phối

Đứng trước căn villa nguy nga đồ sộ (nằm bên cạnh trường Bồ Đề) tôi hơi chùn bước khi nghĩ đến mái nhà tranh nằm sát dưới chân núi Nhạn của mẹ con tôi... Đây có thể cũng là lý do mà ba mẹ anh không bằng lòng cuộc hôn nhân này. Đó là vấn đề "môn đăng hộ đối". Anh thấy tôi có vẻ ngại ngùng nên ôm tôi nói nhỏ:
- Bình tĩnh nghe em, không sao đâu. Nếu ba má có hỏi gì thì cứ im lặng, đừng nói gì hết. 
Tôi rón rén bước lên những bậc thềm mà nghe chân mình run run, vừa bước qua ngưỡng cửa tôi đã thấy ba mẹ anh ngồi chờ sẵn ở salon (sofa) phòng khách rồi. Mẹ anh bước ra cửa đón tôi vào. Tôi sợ quá chỉ đứng cạnh sau lưng ghế mẹ anh ngồi. Tôi nghe ba anh dõng dạc nói lớn và chỉ xuống ghế kế bên:
- Cháu ngồi xuống đây, hai bác có chuyện muốn nói với cháu. 
Cuối cùng tôi cũng khép nép ngồi xuống. Ba anh hỏi tôi nhiều câu nhưng vì anh đã dặn trước nên tôi im lặng không dám hé môi, chỉ biết vâng dạ mà thôi.

Đến khi ba anh hỏi:
- Nếu sau này không may hoàn cảnh đẩy đưa cuộc sống nghèo hèn, thiếu thốn thì cháu có hy sinh chịu đựng được không?.
Đến đây cho dù anh đã dặn tôi... im lặng không được nói gì nhưng ba má anh đã hỏi câu này thì tôi phải trả lời chứ. Tôi tủi thân khóc sướt mướt trả lời lí nhí:
- Dạ thưa hai bác, cháu chịu được ạ...
Vừa nói xong câu này không hiểu vì sợ hay xúc động mà tôi cứ thế khóc như mưa.

Sau lần được gọi đến "phỏng vấn", về nhà tôi buồn vui lẫn lộn, hồi hộp phập phòng lo sợ. Không hiểu tình huống sẽ ra sao, ba mẹ anh có chấp nhận tôi hay không? Tôi có hỏi anh thì anh trả lời:
- Chưa nghe ba mẹ nói gì!

Rồi điều chúng tôi mong đợi cũng đã đến, ba mẹ anh đến nhà thăm má tôi và bàn bạc chyện tương lai cho chúng tôi.

Lễ giạm ngõ, đặt trầu, hứa hôn cũng đã diễn ra, mẹ anh rất chu đáo đã khắc tên hai chúng tôi vào chiếc nhẫn đính hôn cẩn hột màu đỏ thật đẹp...

Cha  Trường làm phép nhẫn cưới, anh Hóa và anh Chi giúp lễ

Vào năm 1963 là năm chúng tôi thành hôn. Thánh lễ hôn phối được cử hành tại thánh đường Tuy Hòa do cha phó xứ Anton Trần Văn Trường làm chủ tế. Hai anh Trần Văn Hóa (học cùng lớp với anh Nhượng) và anh Cái Hùng Chi (học ngang lớp với tôi) giúp lễ.

Đến giờ phút này chúng tôi được sống hạnh phúc bên nhau tròn 55 năm. Trước tiên xin tạ ơn Thiên Chúa đã đổ tràn hồng ân xuống cho chúng tôi và duyên may mắn cũng nhờ phước của cha Anton Trường và hai anh giúp lễ. Anh Hóa không biết bây giờ ở đâu,  riêng anh Cái Hùng Chi hiện đang ở quận Cam, Nam Cali. Xin chân thành cám ơn cha và hai anh.

Cũng xin tạ ơn cha mẹ hai bên đã sanh thành dưỡng dục, lo lắng cho chúng tôi nên vóc nên hình và xây dựng cuộc hôn nhân tốt đẹp, hoàn hảo này. Cho dù ngày hôm nay ba mẹ hai bên đã qui tiên nhưng cho tôi xin đặc biệt tạ ơn với ba mẹ chồng của tôi rằng "con xin cảm ơn vô cùng đến ba mẹ đã ban cho con một người chồng lý tưởng, một người đàn ông tuyệt vời mà suốt cuộc đời này con nguyện yêu thương, nể trọng. Cầu xin ba mẹ an hưởng chốn thiên đàng. Xin ban an lành cho đại gia đình chúng con.

Bạn tri kỷ 58 năm - Anh Trần Tử Hòa (trái) anh Phạm Phích (phải)

Xin cám ơn đến các chú, các cô em chồng của tôi (9 người hiện còn đang ở VN) rất hiền lành dễ thương, hết lòng thương yêu chị dâu và các cháu. Anh chị luôn nhớ về các em và thương các em thật nhiều.

San Jose, lễ Tình Nhân (Valentine) 14-2-2018

Hoàng Thanh Phước


Bạn thân tham dự thánh lễ hôn phối


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét