Thứ Ba, 31 tháng 12, 2019

Tết Tây Và Tết Ta


Múa lân ngày Tết ở Úc 

TẾT TÂY VÀ TẾT TA
Nguyễn Hưng Quốc

Sống ở ngoại quốc đúng 30 năm, tôi, cũng như bất cứ người Việt nào đang định cư ở hải ngoại, mỗi năm cũng đều có đến hai cái Tết: Tết Tây và Tết ta. Nhưng với riêng tôi, hình như có sự thiên vị rõ rệt: Chỉ có Tết ta mới thực sự là Tết.

Sự thiên vị ấy có cái gì như nghịch lý. Bởi, về phương diện xã hội, Tết Tây dễ thấy hơn Tết ta. Cả mấy tuần trước, đi đâu cũng thấy không khí Tết: Tết trên đường phố và ở các cửa tiệm. Trong quan hệ liên cá nhân, Tết cũng hiện diện trong những bức thiệp và những lời chúc, trong những gói quà người ta nhận được hoặc gửi tặng cho bạn bè đồng nghiệp. Giao thừa Tết tây lại càng lớn. Ở thành phố Melbourne, nơi tôi sống, vào đêm giao thừa có cả hàng triệu người đổ xuống đường để cười đùa, hát hò và ngắm pháo bông. Pháo bông ở Melbourne không lớn và đẹp như ở Sydney nhưng dù sao cũng rất ấn tượng, đủ để cả triệu người say mê. Trong môi trường đại học, nơi tôi làm việc, không khí Tết cũng rất rõ rệt qua việc nghỉ lễ kéo dài cả tuần lễ, từ Giáng sinh đến tận mồng 3 hay mồng 4 tháng giêng. Vậy mà, lạ, tự đáy lòng, tôi vẫn không thấy đó là Tết. Tôi gửi thiệp hoặc tặng quà cho người này người nọ như một thứ thủ tục trong quan hệ xã hội và nghề nghiệp. Những lời chúc bằng tiếng Anh gửi đi hoặc nhận được đều có cái gì như sáo ngữ chứ không có một nội dung cụ thể nào cả.


Trong khi đó, với Tết Việt Nam thì lại khác. Trước Tết mấy tuần, đã có chút gì nao nao và nôn nao. Cứ đếm từng ngày, từng ngày. Để làm gì? Tôi cũng không biết nữa. Những năm Tết Việt Nam rơi vào giữa tuần, tôi vẫn phải đi làm. Ở nhà cũng không có gì đặc biệt. Không bàn thờ. Không cúng. Không đến chùa. Không hái lộc. Không xem hướng xuất hành. Không xông đất. Và cũng hiếm, thật hiếm khi tham gia các hội chợ Tết do các cộng đồng tổ chức. Vậy mà, năm nào tôi cũng thấy không khí Tết đầy ắp trong nhà. Và, nhất là, trong lòng: Có cái gì đó cứ nôn nao. Ngay cả khi ngồi một mình, giữa khuya, trước màn ảnh computer, vẫn có cảm giác như có người, nườm nượp người, chung quanh. Không phải chỉ có những người còn sống mà cả những người đã chết. “Những người muôn năm cũ”. Tất cả đều về, đông đúc và ồn ào. Để… đón Tết với tôi.

Tại sao? Lý do chủ yếu, theo tôi, là Tết ta gắn liền với ký ức, còn Tết tây thì không. Và vì gắn liền với ký ức, Tết ta, với chúng ta, không phải là sự kiện mà là một không gian. Chúng ta có thể tránh được sự kiện, nhưng không tránh được không gian. Không gian bao trùm lấy chúng ta, hơn nữa, chuyển hóa mọi sinh hoạt thành Tết, hay nói cách khác, nó Tết-hóa mọi thứ.

Xin lấy chuyện ăn uống ngày Tết làm ví dụ.

Ở những nơi khác, người ta đón Tết, mừng Tết; ở Việt Nam, chúng ta ăn Tết. “Ăn”, như ăn tiệc, ăn cưới, ăn giỗ, ăn liên hoan. Thật ra, chúng ta cũng cử hành nhiều nghi lễ và tổ chức nhiều hội hè như ở các nơi khác, nhưng việc ăn uống, với chúng ta, bao giờ cũng chiếm vị trí trung tâm. Người sống ăn. Người chết ăn (cúng). Cả thần linh (ông Táo) cũng được ăn uống linh đình. Trong ký ức cũng như tâm thức của người Việt, không có gì liên quan đến Tết mà lại không gắn liền với một số loại thực phẩm nào đó. Trong sáu hình ảnh tiêu biểu của ngày Tết được nêu lên trong câu đối quen thuộc “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ / Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, có đến ba thứ, tức một nửa, là thực phẩm. Nhưng đó không phải là tất cả. Cái gọi là “thịt mỡ” ấy, ở miền Bắc thường là thịt đông; ở miền Nam, là thịt kho tàu; ở miền Trung, là giò heo hầm chuối chát hoặc thịt ngâm nước mắm. “Dưa hành” chủ yếu ở miền Bắc, ở miền Trung là củ kiệu và dưa món; ở miền Nam là các loại dưa giá hẹ muối xổi. Hiện nay bánh chưng phổ biến khắp nơi, nhưng ngày trước, ở miền Nam và miền Trung, hầu như chỉ có bánh tét.


Nhiều người than thở: Các loại thực phẩm vốn được xem là đặc sản của Tết đang dần dần mất hết ý nghĩa. Bây giờ, trong chợ hay siêu thị, từ Việt Nam ra ngoại quốc, ở đâu có đông người Việt, bất cứ ngày nào, tháng nào, mùa nào cũng có bánh chưng và bánh tét. Thịt kho hay thịt đông, ngày xưa, chỉ xuất hiện trên các mâm cỗ Tết, bây giờ, là thức ăn hàng ngày. Thích lúc nào người ta ăn lúc ấy. Chả có gì là đặc biệt nữa.

Thì đành là đúng. Nhưng điều đó không có nghĩa là ý nghĩa của thức ăn ngày Tết không còn. Còn, ở một điểm: Bình thường, chúng là thức ăn, ăn cho no hoặc cho khoái khẩu; ngày Tết, chúng là thức ăn của huyền thoại, ăn để… nhớ.

Như bánh chưng, chẳng hạn. Ngày thường, chúng ta có thể ăn bánh chưng. Nhưng những lúc ấy, bánh chưng chỉ là bánh chưng. Người ta ăn vì thích, hoặc nhiều hơn, vì tiện: khỏi phải nấu nướng và có thể giữ được lâu. Trong không khí ngày Tết, việc mua hoặc nấu bánh chưng không còn là một chọn lựa ngẫu nhiên hay một ý thích bất chợt, xuất phát từ khẩu vị, mà là một điều gần như bắt buộc, gắn liền với bổn phận, có tính chất nghi lễ: Nhà nào cũng có. Tính chất “bắt buộc”, “bổn phận” và “nghi lễ” ấy làm cái bánh chưng trở thành một biểu tượng, nghĩa là vừa là một vật thể vừa là một ý nghĩa. Ý nghĩa ấy lại gắn liền với sự tích bánh chưng và bánh dày với Lang Liêu (hay còn gọi là Tiết Liêu) và vua Hùng Vương thứ 6, với ý niệm về Trời và Đất, về công cha và nghĩa mẹ, và gần đây, theo một số học giả về Việt học, về tín ngưỡng phồn thực với hình ảnh của dương vật (bánh chưng, ngày xưa, có hình dài, giống bánh tét bây giờ) và âm vật (bánh dày).


Từ đó, trong ngày Tết, chỉ trong ngày Tết, bánh chưng trở thành biểu tượng của truyền thống, và nhờ tính truyền thống ấy, cái bánh bỗng có chiều dày của thời gian. Nó có ký ức. Trước hết là ký ức chính thức được ghi trong sử sách: Ăn bánh chưng trong ngày Tết, do đó, là ăn cùng với Lang Liêu, với các vua Hùng, và với tổ tiên nói chung. Sau nữa là ký ức cá nhân: Không có người nào sinh ra và lớn lên tại Việt Nam mà lại không có ít hay nhiều kỷ niệm với bánh chưng, từ kỷ niệm mổ heo đến kỷ niệm nấu bánh và ăn bánh. Văn chương Việt Nam đầy dẫy những loại kỷ niệm như thế. Ăn bánh chưng, do đó, là sống lại một quãng đời đã mất.

Cả ký ức cá nhân lẫn ký ức tập thể ấy đều đưa chúng ta về nguồn: Việt Nam.

Một thứ trái cây khác, như dưa hấu, cũng vậy. Mùa hè, trời nóng, hầu như trong chúng ta ai cũng ít nhiều ăn dưa hấu. Bản thân tôi, có thời gian, mùa hè, hầu như ngày nào cũng ăn dưa hấu. Đi làm về, bước ra khỏi xe vào nhà, mồ hôi đầm đìa, công việc đầu tiên tôi làm là mở tủ lạnh, lấy dĩa dưa hấu cắt sẵn, ngoạm từng miếng. Dưa hấu trôi đến đâu, hơi mát tràn đến đó. Nhưng, những lúc như thế, tôi chỉ ăn dưa hấu. Thuần túy là dưa hấu. Dưa hấu mua từ chợ hoặc siêu thị. Nhưng cũng những miếng dưa hấu ấy, trong ngày Tết, có cái gì khác hẳn. Tôi thường thoáng chút ngần ngại khi phải bổ trái dưa hấu. Tôi muốn đặt nguyên trái trên bàn. Để có không khí. Khi ăn, tôi cắn từng miếng, từng miếng thật chậm. Và Tết nào cũng thế, cũng đều nhớ đến chuyện An Tiêm ngày xưa. Đó là trái dưa hấu của An Tiêm, con nuôi của vua Hùng. Nhớ thế, tôi ngỡ như đang ăn dưa hấu chung với An Tiêm.



Mà đâu phải chỉ có An Tiêm. Cùng với An Tiêm, còn có Trần Thế Pháp, Vũ Quỳnh và Kiều Phú, những người đầu tiên chép truyện An Tiêm trong Lĩnh Nam chích quái (thế kỷ 14-15), rồi Nguyễn Trọng Thuật, tác giả của Quả dưa đỏ (1925), một trong những cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Việt Nam mà tôi đọc hồi nhỏ, những năm đầu của trung học. Ngoài những tên tuổi lớn ấy, mỗi lần ăn dưa hấu ngày Tết, tôi còn nhớ một người khác, Lê Quý Long, một người đồng hương của tôi, người, trong cuốn Việt sử văn vần, xuất bản ở Huế năm 1971, có bài thơ về An Tiêm: “An Tiêm phải bị cha đày / Sống nơi hoang đảo chuỗi ngày bơ vơ / Một hôm chim lạ tình cờ / Nhả rơi một hạt ai ngờ giống dưa […] Mang theo dưa hấu nặng nề / Nên bây giờ có khắp quê hương mình.” Bài thơ đơn giản, như một bài diễn ca, không có gì đặc sắc, vậy mà, không hiểu sao, đã trên 40 năm rồi, tôi vẫn nhớ. Không trọn vẹn. Nhưng nhớ. Tôi nghĩ, nhớ được, không phải vì bản thân bài thơ. Mà là vì những quả dưa hấu ngày Tết: Chúng nhắc.

Những ví dụ nho nhỏ trên cho thấy, trong ngày Tết, ngay cả những thứ mọn nhất, từ một quả dưa hấu đến một lát bánh chưng hay bánh tét, đều có hấp lực kéo chúng ta về quá khứ: Nhỏ, là những kỷ niệm thuộc về cá nhân; lớn, là truyền thống của cả một dân tộc. Chính vì thế, Tết, chúng ta thường hay hồi tưởng và nhớ vu vơ. Tuy nhiên, đó chỉ là một khía cạnh. Có một khía cạnh khác, lớn và có ý nghĩa chính trị hơn: mọi thứ trong ngày Tết đều vun bồi ký ức tập thể trong mỗi người, khiến mỗi người tự thấy mình là một thành viên của cả một cộng đồng đông đúc, là một đoạn ngắn trong chuỗi dài của lịch sử dằng dặc. Với ý thức ấy, chúng ta trở về với gốc rễ của chúng ta: Việt Nam.
Nói Tết ta khác với Tết Tây là vì thế.

Nguyễn Hưng Quốc



Cám Ơn Nước Mỹ, Cám Ơn Cuộc Đời



CÁM ƠN NƯỚC MỸ, CÁM ƠN CUỘC ĐỜI
Lê Xuân Mỹ

Như trong bài hát " Khóc một dòng sông" của nhạc sĩ Đức Huy,  " Cũng may thời gian qua vun vút không như Sài Gòn", quay qua quay lại cũng đến ngày về hưu. Mới đó thấm thoát cũng đã trôi qua hơn 20 năm trên nước Mỹ này.

Gần 70 năm cuộc đời với bao nhiêu gập ghềnh sóng gió. 25 năm dưới chế độ Cộng Hoà, 23 năm với Cộng Sản và 21 năm trên một miền đất thật xa quê nhà. Những quảng đời với những xúc cảm thật khác nhau. Những ngày hạnh phúc thời Việt Nam Cộng Hoà, những năm tháng tủi nhục sau 1975 và thời gian an bình trên xứ người. Kỷ niệm nhiều không kể xiết. Có những giây phút rất muốn giữ lại trong trí nhớ nhưng cũng có những khoảnh khắc muốn quên nhưng không thể nào quên được.

Đã đi qua hết ¾ của cuộc đời. Đã đến lúc phải dừng lại những đam mê, những tham vọng, những toan tính. Thanksgiving là ngày tôi chọn để "gác kiếm, qui ẩn". Một ngày rất dễ nhớ cho một quyết định đặc biệt và quan trọng của đời người.

Vê hưu chính là lúc nhìn lại chặng đường đã qua để chuẩn bị một cuộc sống sắp tới. Nếu ví đời người như thời gian với 4 mùa, thì tôi đang bắt đầu những tháng ngày mùa đông. Nhìn lại không phải để hối tiếc mà để nói với đời một tiếng cám ơn, mặc dầu thế hệ chúng tôi thật sự không may mắn. Sinh ra trong những năm 1950-1951, cho đến ngày mất nước, thời gian thanh bình quá ngăn ngủi. Nhưng cũng trong nhờ vậy chúng tôi mới cảm nhận hết được nỗi bất hạnh của những ngày còn ở lại quê nhà, để tự mình chứng kiến, trải qua những đau khổ tột cùng và do đó mới thấy hết cái giá trị của sự tự do và hạnh phúc nơi quê nguời.

Ở xứ Mỹ này có rất nhiều ngày để nhớ: lễ mẹ, lễ cha, lễ độc lập, lễ tình nhân... Ngày lễ nào cũng  có một ý nghĩa rất riêng, nhưng có lẽ Thanksgiving là một ngày ưa thích nhất của tôi. Bởi vì không có gì ý nghĩa hơn là lúc nhắc ta nhớ đến  những ơn nặng nghĩa sâu. Nhớ để cám ơn đời, cám ơn người.

Trên tất cả xin được nói lời cám ơn nước Mỹ, cám ơn miền đất không phải nơi tôi sinh ra nhưng chắc chắn sẽ ôm ấp tôi những ngày còn lại. Cám ơn một đất nước có thể không phải là thiên đường nhưng chắc chắn không là địa ngục. 21 năm sống trên đất nước này, có nhiều điều rất thích nhưng cũng có những việc không bằng lòng. Vẫn còn đó những bất công, vẫn còn đó khoảng chênh lệch quá mức giữa giàu nghèo. Không chiến tranh nhưng vẫn có những bất an của súng đạn. An nhàn nhưng vẫn còn những nỗi lo của những ngày hưu trí. Những băn khoăn về bảo hiểm...Những điều không vừa lòng vẫn còn nhiều lắm, nhưng để ghét, để rời bỏ đất nước này như lần giã biệt quê nhà 21 năm về trước, chắc chắn sẽ không bao giờ vì với tôi, với gia đình tôi, nước Mỹ là ân nhân.

Và có lẽ chỉ những ai sống trong hoàn cảnh của gia đình tôi, những người con của một sĩ quan Cộng Hoà chết trong trại cải tạo, ở lại lây lất trong một thành phố đầy thù hận suốt mấy mươi năm mới hiểu hết được cái ý nghĩa của cảm kích, ý nghĩa của ân huệ, của tự do và tình người.

Những năm sau này, mặc dầu vẫn còn quá nhiều người nghèo khổ tại quê nhà, nhưng cũng có những người bằng những cách khác nhau trở nên giàu có. Đi ra nước ngoài để chơi, để định cư là một việc không quá khó khăn. Nhiều người thích đất nước này nhưng cũng có không ít xem miền đất này như một nơi tạm dừng chân. Có người bạn tôi tuyên bố: Việt Nam sướng hơn nhiều, tội gì định cư ở đây. Mỗi người có một hoàn cảnh, chỉ có điều khi tôi thắc mắc hỏi:  "ông chê sao ông qua đây mua nhà, tốn tiền chạy chọt cho con cháu học rồi ở lại luôn". Hình như không có thằng bạn nào trả lời.

Tôi nhớ có lần thằng bạn thời trung học từ Úc qua thăm, đem cho tôi bảng danh sách những thành phố đáng sống nhất trên thế giới. Hắn nói Melbourne của Úc đứng nhất nhì gì đó, rồi đến Canada, Na Uy... và hình như không có thành phố nào của Mỹ trong 10 hạng đầu. Hắn nói y tế Mỹ không bằng Úc. Cuối cùng hắn phán một câu xanh rờn. Có dịp mày qua Úc chơi sẽ biết. Tôi thì chưa có dịp đi Úc chỉ biết, nó có 2 đứa con trai, cả hai đứa đều sang Mỹ học, tốt nghiệp ra làm việc và định cư luôn tại Cali.

Bạn tôi nhiều đứa sau này ở lại Việt Nam, làm ăn khấm khá, năm nào cũng qua Mỹ chơi.

Hắn nói ở Việt Nam sướng hơn, nhưng con cái thì toàn ở Mỹ. Nhiều người ở đây ba bốn mươi năm nói "nghỉ hưu về Việt Nam dưỡng già". Nói thì nói vậy chứ chuyển từ "dự định" đến "thực hiện" chắc đến hết đời người vẫn chưa xong.

Mà thôi nói cho vui, ai về thì về,chứ biểu tôi rời bỏ nước Mỹ, không bao giờ. Sẽ không bao giờ tôi rời bỏ đất nước này bởi vì quên làm sao được cái nghĩa tình của những ngày đầu khốn khó.

Nhớ lại những ngày đầu tiên chân ướt chân ráo đến Mỹ, tôi về sống tại Tulsa. Một thành phố nhỏ bé thật hiền hoà, tuy không có nhiều người Việt Nam như Cali nhưng tình cảm thật đậm đà. Luôn nhớ đến những chăm sóc thật thân tình của những người Việt và cả của những người bản xứ đối với một gia đình đang còn lạ lẫm trên thành phố này. Nhà thờ Việt Nam đem cho những thùng áo quần, nhà chùa đem cho những đồ dùng, nồi cơm điện, nhà thờ Tin Lành đem cho đồ chơi cho hai cháu nhỏ. Những người hàng xóm đem từng món ăn. Những ngày đầu chưa có xe ở tạm nhà em gái, có một mục sư cùng xóm mỗi ngày chở đi làm giấy tờ, đi xin trường cho các cháu, tìm việc làm cho hai vợ chồng.

Giáng sinh đoàn tụ đầu tiên của đại gia đình chúng tôi thật ấm áp mặc dầu bên ngoài trời mưa tuyết. Tôi cứ nhớ mãi cái hình ảnh của bà người Mỹ già nhà đối diện. Nửa đêm đội mưa gõ cửa nhà chúng tôi để chỉ đưa một dĩa bánh cokkies nóng hổi kèm theo lời chúc "Merry Christmas and Happy New Year". Không bao giờ chúng tôi quên được tình cảm của những người láng giềng dành cho chúng tôi trong thời gian đầu định cư. Ngay cả khi về ở với mẹ tôi trong khu low income Meadow, thời gian đầu vợ chồng con cái ít khi ra khỏi nhà nhất là  vào ban đêm. Cái khu toàn người nghèo, lợi tức thấp đủ mọi sắc dân. Một ít gia đình người châu Á còn toàn là người Mễ và Mỹ đen. Nhìn bộ dạng mấy ông bà to lớn, hay tụ tập thành từng nhóm quanh khu xóm, cười nói ồn ào, nên cũng hơi sợ. Nhưng ở lâu lại thấy mến cái hiền lành và tốt bụng. Có lần trên đường đi làm về, tôi bị trượt xe dạt vào lề vì đường đông đá sau mưa tuyết, phải nhờ  ông Mỹ hàng xóm ra kéo xe về giùm. Ở một thời gian rồi cũng quen dần cái nhộn nhịp và ồn ào của xóm nghèo nhưng cũng rất nghĩa tình này. Có lần mưa đá làm lũng một lỗ thật lớn trên mái nhà phòng ngủ. Nước vào đầy nhà từ mái. Qua hàng xóm cầu cứu báo hại nửa đêm 2 tay Mỹ đen cởi trần trùng trục leo lên mái hì hà hì hục lấy tăng che tạm cho khỏi dột. Sau này dọn nhà  đi chỗ khác nhưng cứ thấy nhớ cái  khu Meadow, lâu lâu lại chạy về thăm lại mấy ông bà hàng xóm.

Sau này vì cuộc sống vì nỗi khao khát được làm việc trong một công ty kỹ thuật lớn, có công việc phù hợp tôi di chuyển qua San Jose . Mặc dầu chưa bao giờ hối tiếc về sự lựa chọn của mình sau gần 20 năm sống trên miền đất phía Bắc Cali này, nhưng tôi luôn nhớ về thành phố hiền hoà nhỏ bé đó. Tulsa như Huế quê ngoại của tôi, trầm lắng, dễ thương và nghĩa tình.

Không chỉ Tulsa, San jose cũng đối xử với tôi thật ấm áp. Người Việt Nam đông, bạn bè nhiều, khí hậu tuyệt vời, Silicon valley cũng giống như thành phố Sài Gòn nhộn nhịp của tôi những năm trước 1975. Nơi bắt đầu lại của tôi và cũng là nơi đã cứu sống mẹ tôi không biết bao nhiêu lần.

Về sống với gia đình tôi khi bệnh của mẹ trở nặng. Mẹ vừa bị alzheimer, vừa bị tiểu đường, vừa cao huyết áp, vừa cao mở. Nói chung ở cái tuổi 76 khi mẹ vê đây, mẹ có đủ thứ bệnh. Nhờ khí hậu ấm áp, bác sĩ Việt Nam nhiều, vấn đề theo dõi bệnh dể dàng, sức khoẻ mẹ cũng đở hơn. Nhưng ở cái tuổi già thì những rũi ro, biến chứng cũng càng nhiều. Mẹ ra vào nhà thương không biết bao nhiêu lần.

Có lần đang ngồi coi tivi, cảm thấy hơi mệt nằm xuống sofa, mặt mày tái mét. Đo đường xuống dưới 40. Chưa kịp cho ăn ngọt thì mắt dại ra, mẹ gần như coma. Gọi cấp cứu. May mà chỉ 5 phút xe emergency tới ngay trước cửa nếu không là đi luôn.

Có lần áp huyết tăng cao (chắc là nửa đêm mở tủ bếp ăn hết chén mắm khoái khẩu), lại xỉu. Lại 911 cấp cứu. May mà tại xứ này chứ ở Việt Nam như mẹ vợ tôi thì ra đi từ lâu. Nội cái đợi xe cấp cứu vô được cái xóm nhỏ, qua hai ba cái chợ chồm hổm đầu đường chắc là không kịp với cái ông thần chết đang đứng chờ chực cạnh giường.

Phải công nhận với những người ở cái class lưng chừng như tôi thì mới lo chứ với những người già không tài sản như mẹ tôi, nước Mỹ đúng là thiên đường. Hàng tháng có tiền già, vô bệnh viện, tiền thuốc men không tốn một xu. Mà thuốc đâu phải rẽ. 13 loại thuốc. Vừa uống vừa chích. Nhìn cái giá thuốc chính phủ phải trả thay cho bệnh nhân là đủ chóng mặt. Chưa kể khi vào bệnh viện, nhìn cái bill bảo hiểm trả cho bệnh viện là xỉu.

Nội cái chi phí chữa chạy cái chân gãy của mẹ chắc cũng mất toi số tiền dành dụm của tôi trong suốt 20 năm trên đất Mỹ. Cũng nhờ vậy dù nhớ nhớ quên quên mẹ vẫn còn sống với chúng tôi cho đến hôm nay.

Cám ơn đất nước này và cám ơn cuộc đời đã cho tôi sống những thời gian với đầy đủ cung bậc của cảm xúc. Những vô tư của tuổi nhỏ, những lãng mạn của một thời mới lớn, những hạnh phúc của tháng ngày đoàn tụ và tự do. Dù không mong muốn nhưng cũng phải cám ơn cuộc đời đã cho tôi nếm được nỗi đớn đau của những chia xa trong những tháng ngày đen tối. Nỗi cô đơn của những ngày lưu lạc xa quê. Để rồi là những hạnh phúc của những lần gặp lại mẹ, anh em và bạn bè.

Xin được cám ơn ba, người sĩ quan chế độ Cộng Hoà chết trong trại cải tạo. Không có ba, không có những hy sinh của cha ông, đồng đội, bạn bè, chúng con đã không có những tháng năm thanh bình. Và khi cuộc chiến kết thúc, ba vẫn kịp đánh đổi mạng sống cùng với những tháng ngày bi thảm trong trại cải tạo để cho mẹ và các con, các cháu của ba cơ hội qua miền đất tự do này. Bao nhiêu năm ba vẫn luôn theo dõi và phù hộ gia đình chúng tôi.

Cám ơn mẹ, người đàn bà vĩ đại đã dành hết tuổi thanh xuân và  đời mình cho chồng cho con. Người đàn bà goá chồng ở tuổi 49, một mình với 9 đứa con còn nhỏ dại, lăn lóc để tồn tại qua những nhiểu nhương và hận thù. Người vợ của một sĩ quan thua trận, vượt qua từng ngày, trải qua từng bữa, cuối cùng cũng đem được toàn bộ gia đình đến bến bờ tự do.

Xin được cám ơn em, đã cùng tôi vượt qua bao gập ghềnh sóng gió. Em đã luôn cạnh tôi trong những giờ phút bi thảm cũng như những khoảnh khắc yêu thương. Mới đó mà chúng ta đã ở bên nhau trọn vẹn 43 năm. Bắt đầu bằng một đám cưới với chiếc nhẫn đính hôn 1 phân vàng và thiệp mừng đám cưới là tấm giấy "mời" đi kinh tế mới vào ngày hôm sau, em đã cùng tôi nếm đủ mùi vị của gian khổ, cay đắng và tủi nhục. Vẫn luôn nhớ mãi cái chặng đường đã qua đó. Cám ơn tình yêu của em.

Còn phải cám ơn nhiều nhiều nữa. Cám ơn tình nghĩa bạn bè. Cám ơn tấm lòng những đứa cháu. Cám ơn những đứa em. Cám ơn những đứa con lương thiện của tôi. Trong những ngày cuối thu của miền Thung Lũng Silicon, đứa con trai đầu của một người tù chết trong trại cải tạo năm nào đã không còn trẻ nửa. Đang bước vào tuổi" Thất thập cổ lai hy", rổi sẽ có ngày sẽ nhớ nhớ quên quên như mẹ. Nên trong cái ngày Thanksgiving này không thể nào không viết, không thể nào không nói những lời cảm ơn.

Sẽ chưa phải là lần cuối cùng, xin được nói tiếng cám ơn Việt Báo và Viết Về Nước Mỹ. Việt Báo đã làm một nhịp cầu cho chúng tôi được trải lòng qua những mẫu chuyện đời. Những câu chuyện thật đời thường nhưng nếu không được ghi, kể lại có lẽ rồi sẽ đi vào quên lãng. Có lẽ sẽ mất hút đâu đó trong cái trí nhớ đang già nua của tôi. Nhờ Việt Báo, qua những bài viết về cuộc đời, tôi đã tìm gặp lại những người bạn, những người thân đang lưu lạc khắp nơi. Như những mãnh vỡ của quê hương được góp nhặt để ghép lại  thành một quê nhà thứ hai trên xứ người. Nhờ vậy chúng tôi sẽ không bao giờ mất đi quê hương Việt Nam yêu dấu.

Lê Xuân Mỹ
San Jose, Thanksgiving 2019.

Video Nhạc 'Trông Về Quê Cha'

GIỚI THIỆU
Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy Cô, quý Đồng Môn và Thân Hữu Video Nhạc TRÔNG VỀ QUÊ CHA, do nhạc sĩ LMST chia sẻ
Thơ: Vĩnh Hồ
Nhạc: LMST
Hòa âm: Vũ Thế Dũng
Ca sĩ: Quốc An
Video: Huyền Ái
Trân trọng
NHHN

Xin mời quý vị thưởng thức



Thứ Hai, 30 tháng 12, 2019

Phân Ưu Cụ Ông Phạm Kỳ Thế




Phiếm Luận Về Ôm



PHIẾM LUẬN VỀ "ÔM"

Ở VIỆT NAM có nhiều hình thức Ôm:

– Bia ôm: Đàn ông nhân danh đi uống bia nhưng vào bar rồi lại uống ít mà tay chân thì làm việc nhiều. Các em chiêu đãi tự nhiên như người Hà Nội, mở bia lia lịa, giấu dưới bàn, đổ ra sàn gạch… rồi khổ chủ cứ tự nhiên trả tiền trước đứng dậy ra về mà… vẫn sướng!

– Cà-phê ôm: Hình thức gần giống như bia ôm, nhưng một ly cà phê có thể lên hàng chục ngàn đồng nếu biết lợi dụng câu giờ ôm và tận tình thám hiểm thì không đến nỗi phí tiền phí bạc!

– Karaokê ôm: Chưa có thú tiêu khiển nào thanh lịch và văn minh hơn hình thức ôm nầy. Khách vào mở nhạc, miệng hát mà tay chân thì làm việc thoải mái… đến một lúc nào đó chẳng biết mình đang hát cái gì và hát đến đâu nữa thì, một là ra về, hai tiếp tục dẫn em lên thiên thai hay đi xuống địa ngục!…

– Tắm ôm: Hình thức độc đáo này phát xuất trước kia tại các vùng biển. Khách được mời xuống biển vừa tắm, vừa ôm, vừa làm những chuyện khác rất sạch sẽ ở dưới nước. Tắm ôm có giá cả và giờ giấc đàng hoàng. Chỉ ôm không thì “giá mềm”, nhưng mấy ai đã ôm nhau như sam mà không tới luôn bác tài!

Trường hợp nầy thì chủ tính tiền theo “giá cứng”. Do vừa tiện lợi vừa kiếm nhiều tiền, nghề tắm ôm được phát triển mạnh mẽ thêm ở trên cạn! Hình thức tắm ôm trên bờ cũng thuận lợi đủ điều, chẳng cần phòng ốc, giường chiếu, khăn màn và công an gác cửa. Vì không có biển có sông thì tắm ở trong bồn! Ôm được “tối đa” mà chẳng sợ ai dòm ngó!

– Võng ôm: Một số nhà trong các quận ven đô Sàigòn lợi dụng vườn cây ăn trái để tổ chức võng ôm. Chủ nhà treo những chiếc võng khuất trong các lùm cây và đặc biệt dành cho học sinh, sinh viên trốn học dẫn nhau vào đây du hí từ sáng đến tối. Chỉ cần đóng tiền thuê võng rồi tha hồ ăn trái cây và vui chơi thoải mái không thầy cô nào kiểm soát, quấy rầy! Cha mẹ thì yên chí con đến trường, lên lớp và vào thư viện làm bài từ sáng đến tối, ngày nào cũng như ngày nào cho đến lúc nào kết quả trông thấy… thì mới ngưng ôm võng!

– Đấm bóp ôm: Việt Nam là học trò của Thái Lan nhưng lại vượt qua mặt thầy không kèn không trống! Đấm bóp ở Việt Nam là hình thức nói chơi cho vui vì khách vừa nằm lên giường, đấm bóp viên đã bỏ hết lớp áo quần, ngồi ngay trên bụng khách mà xoa bóp thì ông già bảy mươi cũng hồi xuân huống gì trai trẻ hay các ông đang độ sồn sồn ! Cứ việc ra giá tiền bạc thì đấm ngồi, đấm nằm, đấm nghiêng đấm ngửa gì cũng được!

– Hớt tóc ôm: Một người đi Việt Nam về kể cho nghe, có ông già tại Việt Nam cứ vài ba ngày đi hớt tóc một lần. Tóc thì chỉ còn lơ thơ vài sợi mà cứ hớt đi hớt lại mãi, đến nỗi đầu chằng còn thấy sợi nào nữa. Thế mà vẫn khoái đi hớt cái đầu trọc! Cứ ngồi, mở lớn mắt ra mà thưởng thức của (còn) non, của lạ đang vờn qua vờn lại trước mặt. Các tay thợ muốn dụ khách kiếm thêm tiền “boa” thì cứ việc kéo đầu mấy ông già vào ngay bộ ngực nửa hở nửa kín kia là ăn tiền! Thế nào ngoài tiền hớt của chủ, thợ cũng kiếm được “boa” gấp đôi, nhất là khi gặp được vài ông Việt kiều già mất nết!

– Ráy tai ôm: Đây là kiểu ôm mấy ông Việt kiều thích nhất. Người thợ gái ngồi bên trái nhưng lại ráy tai phải của khách hoặc ngược lại, mặc dù ngồi kiểu nầy cô thợ trẻ chẳng thấy gì trong lỗ tai khách hàng. Khách cũng không cần thắc mắc, cứ nhắm mắt đê mê cho đến lúc đứng dậy móc ví trả tiền!

– Câu ôm: Đóng tiền, nhận mồi và cần câu rồi kiếm một túp lều trống hay đi ra xa một chút, thả cần xuống câu rồi… tự do ôm, có công an canh chừng khu vực! Chẳng cần biết có cá hay không, cá căn câu hay mồi còn hay hết làm gì, cứ việc say sưa ôm cho đến hết giờ, xong trả cần ra về thoải mái…

– Ôm tới bến: Hay còn nói ôm từ A đến Z. Kinh nghiệm ôm không cho phép người đàn ông bỏ ngang giữa chừng, dù ôm dưới hình thức nào, giờ giấc nào nhưng khi đã “tiến nhanh tiến mạnh” lên tột đỉnh đê mê khoái cảm thì phải đi tới bến. Các em bé thì rủ rê mời mọc “tới luôn đi bác tài” thì chuyện gì xảy ra sau đó chỉ có trời biết nếu không ôm phải một đống vi khuẩn HIV thì đã thành công qua mặt được bà xã!

Ôm cũng có nhiều kiểu:

– Ôm đứng: Ôm kiểu “dã chiến” nầy ở Việt Nam thường xảy ra trong các bụi cây, vách tường, trụ đèn, nhà vệ sinh cửa hàng, quán ăn, tiệm cà-phê, kẹt lắm thì trong toilette công sở, phi trường, trên phi cơ… hay ngay trong bureau của cán bộ cao cấp… Đây chỉ là “ôm khai vị” của hai người kẹt giờ, kẹt tiền, kẹt chỗ, mới quen nhau, hoặc giữa thư ký với chủ trong giờ làm việc…

– Ôm ngồi: Hình thức nầy thấy nhiều trong các bar, quán cà-phê, phòng trà… là giai đoạn đầu của “ôm nằm” nhưng thật đắt khách. Tại các thành phố lớn với hàng ngàn bar, tiệm, quán mỗi đêm đều đông nghẹt khách hàng. Đây là hình ảnh thành công đậm nét qua việc giáo dục theo chủ nghĩa văn hóa đỏ cũng như mưu đồ ru ngủ thế hệ trẻ của chế độ cộng sản.

– Ôm nằm: Là giai đoạn chót của các hình thức ôm để kết thức việc mua bán giữa hai người khác phái.

– Ôm bay: Hiện giờ thì chưa xuất hiện tại Việt Nam nhưng tôi cam đoan chỉ một thời gian ngắn nữa sẽ được nhà nước khai trương. Các cô các cậu muốn làm nhân viên phi hành, dù là rót trà bưng cà-phê nhưng muốn được thu dụng mỗi người phải đóng từ năm, bảy đến cả chục cây vàng. Khi được thu nhận thì phải làm thêm để kiếm tiền như chuyển tiền lậu, buôn bạch phiến (xảy ra tại Úc), giao áo quần may sẵn, buôn thịt chó tươi (giao cho khách hàng tại Pháp), ăn cắp hàng trong các siêu thị, chở hàng lậu về Việt Nam (xảy ra tại Nhật) đã bị khám phá thì đồng lương lương thiện đâu đủ để đóng hụi chết. Hơn nữa, Việt kiều tẩy chay Air Việt Nam, chắc chắn công ty nầy sập tiệm. Chỉ cón một cách mở “dịch vụ bay ôm” để móc tiền khách trên các đoạn đường bay suốt hàng chục tiếng đồng hồ. Các ông thường đi về Việt Nam chuẩn bị để hưởng của lạ đắt giá nầy vì “đối tượng ôm” được tuyển chọn gắt gao bằng cả chục cây vàng! Nhưng khuyên các ông mất nết về hưu ăn tiền già, đừng hòng rớ vào của quý nầy, phỏng tay đấy! Giá không rẽ như ôm “mari-sến” ở Việt Nam đâu! Coi chừng chúng đập thẳng tay để đủ tiền đóng hụi chết!
Sưu tầm

Cảm Tác Bài 'Trầm Mặc'




Cảm Tác Bài 'Trầm Mặc'




Trầm Mặc




Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2019

Hai Quả Trứng Gà Và Ông Hàng Xóm


 Cấm Cười !!!
HAI QUẢ TRỨNG GÀ VÀ ÔNG HÀNG XÓM


Tháng 11 trời Connecticut bắt đầu lạnh, cái lạnh làm se cả lòng người xa xứ. Tôi bước đi chậm rãi, ngắm vội vài lá vàng rơi rụng. Trời trong xanh thì thầm gọi chào buổi sáng. Lần đầu tiên, tui được nhìn thấy mùa thu xứ Mỹ. Đã quá thu rồi ! Ừ, vậy mà, thu vẫn đi êm đềm nhẹ nhàng vào lòng người thật khó tả!

Note: Tất cả những hình trong bài này là hình minh họa

Tui nghe tiếng Má tui gọi ơi ới “ Khanh ơi ”. Tui giật thót mình, hồn thu đang dạt dào tự nhiên... bay mất. Tui lật đật quay đầu trở lại, thấy Má tui đang đứng lớ ngớ bên ngoài cửa Apartment (chà! có chuyện gì đây?) Má tui trả lời gọn lỏn “Cửa đóng rồi, cứng ngắc không mở được. Đang luộc 2 Trứng Gà, không vặn lửa lớn, nhưng để lâu cháy nhà.” Trời đất, tui nghe tới đây, hồn vía như lên tới tận mây xanh, mới qua Mỹ có 3 ngày đâu biết tiếng Anh tiếng em gì? Réo gọi ai đây, điện thoại cũng không có, tui phải làm sao bây giờ? Trời lạnh mà mồ hôi rịn ra ướt cả lưng áo.


Tự nhiên như có phép lạ, một Ông Già Mỹ trắng lù lù thò cái đầu từ cửa sổ bên cạnh nhà ra (chắc là nghe tiếng động). Má tui đứng mà nhảy tưng tưng, Ông bước ra ngoài, rồi hỏi một tràng tiếng Mỹ, tui không hiểu gì hết (biết trả lời lại chết liền!) Tui nhìn qua nhìn lại, Má tui nhanh như hỏa tiễn thời chiến tranh VN, xáp tới Ổng, giơ hai tay lên làm dấu như 2 Quả Trứng, Ổng lắc đầu. Má tui tiến thêm bước nữa, đưa hai tay lên (cong ngón cái và ngón trỏ lại với nhau) tạo thành hình tròn rồi chỉ vào bộ Ngực của Má tui (hình như trên đời này, khi không còn cách nào nói cho đối phương hiểu, chỉ còn cách là làm TÍN HIỆU có sẵn ngay trước mắt). Giống như 2 Quả Trứng, Ổng cũng lắc đầu nguầy nguậy.


Quýnh quáng quá, như là phản xạ tự nhiên, Má tui tiến sát vào Ổng, và chỉ gần phía dưới bụng (chỗ hiểm) ý nói là giống 2 Quả Trứng (chà ! cái này mới là ghê chứ) rồi đưa tay về phía cửa đang đóng kín. Ông Già sợ tái xanh cả mặt mày, Ổng lui ra, Ổng né. Ổng càng né, Má tui càng xáp vô, đến khi nào chỉ đúng “mục tiêu  thì thôi. Mắt Ông mở tròn xoe, Ổng nhìn Má tui như thể nhìn người hành tinh xuống, còn Má tui nhìn Ổng như thể là Ông không có thật trên đời! Rồi Ông cuống cuồng chạy vào nhà lấy Phone, tui hiểu ngay ý Má tui, tui cười chịu không nổi, tui cười tới đâu, tui sởn gai ốc tới đó. Tui thấy Ông nói xí xô xí xào gì đó trong Phone; không đầy năm phút sau, một đoàn hùng hậu 6 chiếc, xe chữa lửa, cảnh sát một toán người tiến đến. Xe hú còi inh ỏi náo động xé toạc bầu không khí đầy thu vàng đang êm ả của xóm tui. Tui tá hỏa tam tinh, Má tui thì xụi lơ, teo héo! Tui nghĩ bụng phen này chết chắc, má tui chắc là bị bắt quá vì cái tội xáp vô Ông già Mỹ kia.


Ngay lập tức Police bước tới hỏi một tràng tiếng Mỹ (tui và Má tui là dân quê thứ thiệt, đi qua Mỹ mà còn đòi đem theo một cặp gà con trống mái gầy giống cho nó đẻ, thì lấy đâu ra tiếng Mỹ mà học). Mà cũng phải, thử nghĩ lại coi, lúc đó sợ cháy nhà, sợ bị bắt muốn chết giấc, hồn vía mất tiêu lấy đâu ra từ ngữ mà nói lại. Một chữ Thank You cũng quên tuốt luốt. Tui trả lời bằng động từ "TU QUƠ", quơ qua, quơ lại, Má tui một lần nữa soạn lại “bổn cũ”. Lần này ngay Ông Police mà tiến tới, đưa hai tay lên ra dấu như 2 Quả Trứng chỉ vào “chỗ hiểm”, Ông Police lùi lại, rồi Má tui đến đập cánh cửa. Ngó chừng như Ổng hiểu ý, họ nạy cửa bung ra. Má tui te te chạy vào: 2 Quả Trứng gà sắp sửa nổ tung, vì nồi nước đã cạn queo. Mùi khen khét bốc lên như chờ đợi mời mọc mọi người.

Lúc này Ông hàng xóm nhìn Má tui từ đầu cho tới chân, Ông bỗng cười sặc sụa, cười ngặt nghẽo, cười muốn tắt hơi. Rồi mọi người cùng cười vang. Tui mừng rơn trong bụng. Thoát nạn!


Rồi, mùa Thu đi, mùa Đông lại đến. Ông Già hàng xóm ấy trở nên thân thiết hơn, gia đình chúng tôi biết tên Ông là David. Mà lạ thiệt, Má tui không chịu kêu tên đó mà cứ gọi là Ông “ ÉT ” (Egg) cho dễ nhớ mà! Cứ mỗi tuần đều đặn, Ông ghé nhà tui, tặng cho gia đình tui một vỉ trứng gà. Có hôm vui thiệt, Má tui tản bộ ra đầu ngõ (thèm thịt gà nguyên con nấu cháo), vừa đến cửa tiệm quên mất từ con gà. Má tui đưa hai tay lên làm giống như 2 cánh gà đập phành phạch vào đùi, miệng thì kêu ò ó o o như tiếng gà gáy. Ông Mỹ bán hàng mắt như muốn nổ đom đóm, đứng như trời trồng. Bỗng đâu Ông Già hàng xóm xuất hiện, tới làm thông dịch, nghe thấy “hiểu liền!” biểu đem ra một con gà cho Má tui. Vậy đó, Ông còn làm tài xế cho cả gia đình tui, chở đi Shopping, đi chợ VN, đi học ESL, có khi Ông ngồi đợi cả buổi.

Tui kể đến chuyện ngứa. Đầu mùa Đông tới, da tự nhiên ngứa, ngứa gì mà ngứa gãi muốn điên lên, tụi tui đi ra tiệm thuốc đem theo Ông ET hàng xóm (thông dịch viên bất đắc dĩ). Tui chỉ cần ra dấu, cởi áo lạnh ra, xắn tay áo lên, gãi “rột” một cái, là Ông biết ý ngay, mua liền cho 1 chai thuốc ngứa.


Vậy đó, rồi Ông vui lây cùng chúng tôi theo năm tháng, cho đến ngày mà Má tui biết được bập bẹ vài chữ. Hôm đó, Ông đem trứng gà cho nhà tui, Má tui không nhận vì trong tủ đầy nhóc trứng rồi, Lần này thì Má tui nhẹ nhàng says: “No, thank you, have a nice day,” gọn ơ, ngọt xớt! Mặt Ông cười, nụ cười chất ngất một niềm vui, vui như đón bình minh. Ừ, phải rồi, Ông đang đón một bình minh của sự đổi đời của cả một gia đình trước mặt Ông mà Ông không hề hay biết. Bình minh của những con người mới đang bước đi chập chững để tạo dựng cuộc sống ngay trên đất nước Ông... Và Ông cùng đồng hành với chúng tôi trong những năm tháng đầu tiên mà không mệt mỏi. Mà mệt mỏi làm sao được chứ, khi mà trái tim Ông đang vui sướng san xẻ tình thương cho người đang đón nhận.


Đã bao nhiêu năm rồi, bây giờ hỏi lại Má tui, Má tui nói nhớ Ông “ET” quá chừng luôn. Rồi Má tui cười xoà, nụ cười có nhiều kỷ niệm. Sáng nay, hai Quả Trứng gà “ốp-la” được đứa Con Gái tui bày ra bàn chờ điểm tâm, tui nhìn mà cười tíu tít, nó hỏi “làm gì mà Mom cười vui vẻ quá vậy!” Trời đất, nó đâu có biết. Có một ngày nọ, lâu lắm rồi… hai Quả Trứng gà như câu chuyện hài đã đi vào lòng người thật đậm đà khó quên. Có diễm phúc nào bằng khi mà tui đang có thêm một quê hương, một quê hương mới, một quê hương không sinh ra tui nhưng ràng rịt bước chân tui đến cuối cuộc đời.

Mùa Thu đến, mùa thu mênh mang ngọt ngào chuyên chở những dòng ký ức xa xôi để lại trong lòng người thêm nhiều nỗi niềm nhung nhớ.


Tui Tạ ơn Trời, tui cám ơn đời, tui cám ơn người, tui cám ơn vùng đất đã ưu ái cưu mang tui trong những ngày khốn khó... Hình như mắt tui cay sè...
Bảo Huân

Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2019

Những Bức Tượng Cao Nhất Thế Giới



NHỮNG BỨC TƯỢNG CAO NHẤT TRÊN THẾ GIỚI

1. Tượng Thống Nhất (The Statue of Unity), tượng Sardar Vallabhbhai Patel, một trong những người sáng lập ra quốc gia Ấn Độ, trong lễ khánh thành tại Kevadia, tiểu bang miền tây Gujarat, Ấn Độ, vào ngày 31 tháng 10 năm 2018. Tượng đài, cao 597 feet (182 meters), hiện là bức tượng cao nhất trên thế giới.




2. Tượng Phật ở Chùa Mùa Xuân (Spring Temple) cao 420 feet (128 meters) hạng nhì trên thế giới. Tượng được hoàn thành vào năm 2008 ở thị trấn Zhaocun, thuộc quận Lushan, tỉnh Henan, China.



3. Tượng Phật Laykyun Sekkya, ở Khatakan Taung, Myanmar (Miến Điện), cao 380 feet (115.8 meters).



4. Tượng Phật ở Ushiku, Ibaraki, Japan. Cao 330 feet (100 meters) hoàn tất năm 1993, được xem là bức tượng cao nhất trên thế giới trong 9 năm, hiện nay thì xuống hạng tư.



5. Tượng Phật Bà Quan Âm Sendai Daikannon ở Sendai, Japan, cao 330 feet (100 meters), hoàn thành năm 1991.



6. Tượng Phật Guishan Guanyin, Thiên Thủ Thiên Nhãn (ngàn tay ngàn mắt), của chùa Miyin ở Weishan, Changsha, China. Cao 325 feet (99 meters).



7. Tượng Phật ngồi tại chùa Wat Muang ở tỉnh Ang Thong, Thái Lan, cao 302 feet (92 mét).



8. Tượng Phật Bà Quan Âm (bodhisattva Guanyin) ở công viên Kita no Miyako, Takasaki, Japan, cao 288 feet (88 mét).



9. Đài kỷ niệm Mamayev Kurgan Thế Chiến II với bức tượng The Motherland Calls (Lời Gọi Của Đất Mẹ) ở Volgograd, Russia. Đây là tượng đài cao nhất nước Nga, cao 279 feet (85 meters).



10. Tượng Phật Bà Quan Âm, Awaji Kannon (còn gọi là Heiwa Kannon), ở đảo Awaji Island, Japan, cao 260 feet (80 meters).



11. Tượng Phật lớn cao 259 feet (79 meters) ở chùa Ling Shan, Jiangsu, China.



12. Tượng Phật Bà Quan Âm ở Nanshan, thuộc Sanya, đảo Hainan, China. Hoàn tất năm 2005, cao 256 feet (78 meters).



13. Tượng Dizang Pusa (Địa Tạng Bồ Tát) bằng đồng, cao 249 feet (76 meters), một vị Bồ Tát được biết đến trong Phật Giáo Đại Thừa là bồ tát của cõi U Minh (địa ngục), ở Núi Jiuhua, Anhui, China.



14. Tượng Phật Bà Quan Âm cao 249 feet (76 meters) trong Tu viện Tsz Shan ở Hồng Kông.



15. Tượng Garuda Wisnu Kencana ở Bali, cao 246 feet (75 meters). Tượng bằng đồng và thép của chúa tể Vishnu cưỡi trên con chim thần thoại Garuda đã được khai trương vào tháng 9 năm 2018.



16. Đứng hạng thứ 29 trong danh sách những bức tượng cao nhất là bức tượng Quan Vũ (Quan Công) cao 190 feet (58 meters), tại thành phố Jingzhou, China.



17. Hạng thứ 39 là Đài Kỷ Niệm Phục Hưng Châu Phi (Monument of the African Renaissance), cao 161 feet (49 meters) nằm trên một ngọn đồi đá núi lửa nhìn ra Dakar, thủ đô của Senegal. Được thiết kế bởi kiến trúc sư người Senen, Pierre Goudiaby, tượng đài được xây dựng bởi một công ty Bắc Triều Tiên và hoàn thành vào năm 2010.



18. Đứng hạng thứ 47 là Tượng Nữ Thần Tự Do ở thành phố New York, cao 151 feet (46 meters). Hình chụp bức tượng đứng trước tòa nhà Empire State, thắp đèn màu cờ của nước Pháp để vinh danh chiến thắng FIFA World Cup 2018 của quốc gia này vào ngày 15 tháng 7 năm 2018.


19. Đứng hạng thứ 68, Tượng Genghis Khan (Thành Cát Tư Hãn) trên lưng ngựa, cao 130 feet (40 meters) ở Tsonjin Boldog, gần Ulan Bator và Erdenet, tỉnh Tov, Mông Cổ 



20. Đứng hạng thứ 135, là bức tượng Christ the Redeemer (Chúa Cứu Thế), nhìn ra núi Sugarloaf và Vịnh Guanabara phía trên Rio de Janeiro, Brazil. Mặc dù tượng đài đứng trên đỉnh núi cao 2,300 feet (700 meters), bức tượng chỉ cao 98 feet (30 meters).

Lâm Viên
(Đặc San Lâm Viên)