Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2019

Mưa Chiều




Đồng Môn Lê Trung Thu & Lê Mỹ Linh Thăm San Jose


Từ trái: Nhà thơ Lê Trung Thu, nhà văn Lê Mỹ Linh, Thanh Phước, Duy Nhượng

ĐỒNG MÔN LÊ TRUNG THU & LÊ MỸ LINH THĂM SAN JOSE
Hoàng Thanh Phước

Thời tiết San Jose năm nay có vẻ khác thường, đã vào cuối tháng 5 mà ngoài trời mưa rả rích hết ngày này qua ngày khác; từng cơn gió thổi mang theo giá lạnh từ miền Bắc Mỹ. Tâm trạng người xa xứ cảm thấy buồn mông lung và chợt về với nỗi nhớ quê hương...

Không khí đang u buồn ảm đạm bỗng dưng tươi vui hẳn lên khi nhận được tin 2 đồng môn Lê Trung Thu và Lê Mỹ Linh từ Bruxelles, Âu Châu xa xôi du lịch sang Hoa Kỳ, ghé thăm thung lũng hoa vàng 2 ngày cuối tuần.

Mặc dù thời gian quá eo hẹp phải tính từng giờ nhưng hai bạn vẫn dành cho chúng tôi cuộc gặp gỡ. Gia đình Nguyễn Huệ Bắc Cali từ lâu có thông lệ tổ chức họp mặt "bỏ túi" mỗi khi thầy, cô, đồng môn từ phương xa đến thăm "thung lũng tình thương" nhưng lần này không thực hiện được vì phần đông các bạn đi cắm trại xa 3 ngày nhân dịp lễ Memorial Day (Chiến Sĩ Trận Vong). Thật tiếc quá.

Mỹ Linh, Thanh Phước, Trung Thu

Anh Lê Trung Thu và chị Lê Mỹ Linh là bào huynh, bào tỷ của chị Lê Mỹ Hoa, cả 3 đều là CHS Nguyễn Huệ Tuy Hòa, Phú Yên. Hầu hết đồng hương ở Tuy Hòa và đồng môn Nguyễn Huệ đều biết đến vì 3 anh chị là con của một viên chức cao cấp tỉnh Phú Yên thời VNCH (trước 1975). Riêng chúng tôi thì hoàn toàn không biết vì đã rời trường Nguyễn Huệ trước khi các anh chị vào học.

Chị Lê Mỹ Hoa là một trong những cây viết quen thuộc của diễn đàn NHHN, chúng tôi hân hạnh gặp chị lần đầu tiên trong chuyến du lịch từ Việt Nam sang San Jose cách đây 2 năm. Và hôm nay, cũng lần đầu tiên may mắn biết và gặp anh Lê Trung Thu và chị Lê Mỹ Linh qua sự giới thiệu của chị Lê Mỹ Hoa.

Qua câu chuyện, chúng tôi được biết anh Lê Trung Thu là nhà thơ và chị Lê Mỹ Linh là nhà văn rất gần gũi với CHSLT và đồng hương Phú Yên, được rất nhiều độc giả mến mộ. Hy vọng trong tương lai diễn dàn NHHN có vinh hạnh giới thiệu sáng tác mới của anh và chị. 


Ở đây, điều vinh dự cho chúng tôi là được nhà thơ Lê Trung Thu tặng 1 CD Tiếng Thơ Từ Bruxelles, mở đầu với Lời Giới Thiệu và 17 bài thơ được tuyển chọn trong Tập Thơ "Dòng Sông Xanh Biếc" như: Ai Có Biết, Một Thuở Yêu Xưa, Tình Em Xứ Huế, Bên Dòng Sông Nguyên, Rồi Một Ngày, Màu Hoa Áo Tím, Mùa Thu Của Em, Một Ngày Xuân, Quê Hương Em Và Tôi, Em Là Ai, Chuyện Tình Buồn, Tình Anh Tình Em, Quê Hương Và Em, Say Đắm, Tương Tư, Mộng Ước và Trở Về qua 70 phút diễn ngâm của các nghệ sĩ tên tuổi Hồng Vân, Bích Ngọc và Hoàng Bích Tâm. Thơ của anh mượt mà mật ngọt về tình yêu cùng thiết tha nỗi nhớ quê hương.

Chị Lê Mỹ Linh tặng bánh LUX và kẹo Chocolate đặc sản của Âu Châu. Vừa nhâm nhi bánh kẹo ngon vừa thưởng thức ngâm thơ. Ôi! còn gì thú vị cho bằng!!! Xin chân thành cám ơn tấm lòng của nhà thơ và nhà văn ưu ái dành cho chúng tôi.

Như đã hẹn, chúng tôi đến khách sạn Double Tree By Hilton, 39900 Balentine Dr, Newark CA 94560 đúng 5:30 pm chiều Chủ Nhật ngày 26-5-2019. Lần đầu gặp gỡ nhưng từ xa chúng tôi đã nhận ra nhau. Tay bắt mặt mừng với lời giới thiệu đôi bên, thăm hỏi ân cần.


Thi sĩ Lê Trung Thu hào hoa phong nhã, dáng vẻ thư sinh, nhà văn Lê Mỹ Linh cốt cách trâm anh, cô gái Huế với mái tóc chấm vai muôn thuở của Đất Thần Kinh; nhỏ nhẻ, rụt rè e lệ. Nét đẹp thùy mị, dịu dàng dễ thương.

Mới đầu gặp nhau còn hơi bỡ ngỡ nhưng chỉ thoáng chốc đã trở nên vui vẻ thân thiện. Ngoài trời mưa vẫn đổ, gió lạnh ùa đến từng cơn, những cái bắt tay, ôm vai thân tình đã làm không khí ấm hẳn lên. Tình người!

Sau những phút giây tâm tình, chụp hình lưu niệm, tặng quà cho chúng tôi, anh Thu phải tạm biệt vì đã đến giờ hẹn với các cháu từ Sacramento. Chị Lê Mỹ Linh cùng chúng tôi đi một vòng San Jose "tham quan cho biết sự tình".

Chúng tôi trở về khách sạn lúc 8:30 pm, bịn rịn chia tay, hẹn ngày gặp lại. Gặp nhau vỏn vẹn mấy tiếng đồng hồ nhưng dường như chúng tôi đã gần và hiểu nhau nhiều hơn...

Nhìn Mỹ Linh quay gót dưới hàng mưa bay bay... Tôi cảm thấy chạnh lòng và thương cô chi lạ. Tiếc rằng lần gặp gỡ này chỉ có hai chúng tôi...

Xin cầu chúc anh Lê Trung Thu và chị Lê Mỹ Linh có một chuyến du lịch vui vẻ, nhiều kỷ niệm đẹp và trở về gia đình "thượng lộ bình an".

San Jose, 28 - 5 - 2019
Hoàng Thanh Phước

Xin mời quý anh chị xem hình dưới đây
















Thứ Năm, 30 tháng 5, 2019

Video Nhạc HUẾ XƯA

GIỚI THIỆU
Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy, Cô, quý Đồng Môn và Thân Hữu 
Video nhạc HUẾ XƯA
Nhạc và lời: Anh Bằng
Tiếng hát: Mélanie NgaMy
Hình ảnh: Phạm Việt Hoàng Hoàng
Phim ảnh: K. Non Film & Le Duc Media Film
Thực hiện video: Hoàng Khai Nhan
Xin mời quý vị thưởng thức
Trân trọng
NHHN




"Emời" Quán Phở Trên Đất Hàn


Phở là một trong những món ăn Việt được yêu thích nhất Hàn Quốc nhờ hương vị phù hợp với khẩu vị người dân xứ sở kim chi.

"Emời": Quán phở Việt trên đất Hàn với hơn 100 chi nhánh trải dài xứ sở kim chi, được phim truyền hình nổi tiếng "lăng xê".

Trong số các món ăn mang đậm văn hóa Việt Nam thì có lẽ phở nổi tiếng và mang tính biểu tượng nhất. Một tô phở đậm vị với bánh phở, vài lát thịt bò và rau ăn kèm không chỉ chinh phục được hàng triệu con người đất nước hình chữ S mà còn được lòng rất nhiều thực khách quốc tế.

Tại Hàn Quốc, đại diện ẩm thực đến từ Việt Nam này cũng rất được yêu thích. Theo đánh giá của chuyên gia trên tờ Dong-A, trong số các món ăn Đông Nam Á thì phở hợp với khẩu vị của người Hàn nhất. Một trong những quán phở nổi tiếng nhất ở xứ sở kim chi có cái tên rất đỗi đáng yêu “Emời” (Em mời) hay theo phiên âm tiếng Hàn cũng có thể hiểu là tiếng gọi “Em ơi” vô cùng thân mật, gần gũi.

Quán phở Emời chi nhánh đầu tiên ở quận Jongno.

Kinh doanh món ăn Việt, chủ yếu là phở, nhưng Emời lại không thuộc quyền sở hữu của người Việt Nam mà được thành lập vào năm 2015 bởi giám đốc Kwon Young Hwang. Được biết, phở du nhập vào Hàn Quốc từ năm 1998 nhưng thời gian này, hầu hết tiệm phở tại đây đều nhượng quyền từ Mỹ nên mang đậm hương vị phương Tây.

Giám đốc hệ thống Emời, ông Kwon Young Hwang.

Trong một lần tình cờ sang Việt Nam du lịch, ông Kwon vì quá đói bụng nên đã chọn vào đại một quán phở trông bên ngoài có hơi tồi tàn. Sau khi ăn thử đũa đầu tiên, ông đã cảm thấy sự khác biệt giữa phở Việt Nam và phở tại Hàn Quốc, nước dùng đậm vị và thơm mùi thịt bò. Nắm bắt cơ hội, ông Kwon tìm gặp đầu bếp của quán và gửi lời mời người này sang Hàn Quốc cùng ông khởi nghiệp. 6 tháng sau, cả hai bắt tay hợp tác nghiên cứu mở quán phở mang hương vị Việt Nam ngay trên xứ sở kim chi.

Năm 2015, quán Emời chính thức khai trương ở địa chỉ phường Gwancheol, quận Jongno, Seoul. Phở ở đây được bán với 2 mức giá thông thường là là 9.000 won (176 nghìn đồng), 11.000 (215 nghìn đồng), tô đặc biệt 12.000 won (234 nghìn đồng) khác biệt nhờ thịt bò với phương pháp chế biến mang lại hương vị độc đáo hơn hẳn. Ngoài phở, menu tại Emời còn đa dạng hơn với những món ăn Việt như cơm chiên, bánh xèo, nem rán.


Vào ngày khai trương, Emời chỉ chào đón đúng 5 thực khách, số tiền thu về chẳng đến 100 nghìn won (gần 2 triệu đồng). Nhưng dần dần, món phở với hương vị Việt Nam ngày càng thu hút nhiều người đến ăn thử. Chỉ trong vòng 2 năm, Emời đã mở thêm 103 chi nhánh, bao gồm cửa hàng nhượng quyền, trải dài đất nước Hàn Quốc.

Trên các trang review ẩm thực, Emời nhận được rất nhiều bình luận tích cực. Quán từng lọt vào danh sách Michelin Guide 2018, hạng mục Bib Gourmand dành cho những nhà hàng ngon và có mức giá hợp lý. Xuất hiện trên đài VTV2, Emời được đánh giá là cửa hàng phở chuẩn vị Việt Nam nhất tại Hàn Quốc.

Ngoài phở, Emời còn phục vụ nhiều món ăn Việt khác.

Bên cạnh đó, Emời còn được các nhà làm phim Hàn Quốc nhiệt tình “lăng xê”. Mới đây, một chi nhánh của hệ thống phở Việt này đã xuất hiện trong tập 8 của phim truyền hình ăn khách Beauty inside. Khỏi phải nói khán giả Việt hạnh phúc và tự hào ra sao khi bất ngờ nhìn thấy một món ăn Việt xuất hiện trên bộ phim Hàn mình yêu thích, được các nhân vật chính thưởng thức một cách ngon lành.



(Nguồn: DongA, MK)
Theo Imach/Helino

Thuở Ban Đầu




Khúc Ca Du Hành




Trị Ung Thư Vú Không Cần Giải Phẩu


 Các Bác sĩ thực hiện đóng băng tế bào ung thư trong quá trình thử nghiệm.

Israel, Mỹ chữa khỏi ung thư vú không cần cắt

Calitoday - May 15, 2019.

Các nhà Khoa học của Công ty Ice-Cure Medical (New Jersey, Mỹ) vừa công bố một kỹ thuật đặc biệt cho phép tiêu diệt các tế bào ung thư vú mà không cần giải phẫu.

Theo United with Israel, đây được gọi là kỹ thuật xâm lấn tối thiểu, áp dụng cho các bệnh nhân ung thư vú giai đoạn một hoặc 2 với khối u nhỏ hơn 1,5cm.

Các Bác sĩ đưa một đầu kim loại siêu lạnh vào bên trong ngực bệnh nhân. Thiết bị này ngay lập tức đóng băng khối u, và tiêu diệt các tế bào ác tính. Trong khi đó, các tế bào khỏe mạnh không bị tổn hại.


Các Bác sĩ thực hiện đóng băng tế bào ung thư trong quá trình thử nghiệm.

“Lần đầu tiên trong lịch sử xuất hiện phương pháp chữa ung thư mà không cần dùng tới giải phẫu. Chỉ cần cho kim vào, đóng băng khối u trong vài phút là xong. Đây thực sự là cuộc cách mạng trong Y học” – bà Elisabeth Sadka – Phó Giám đốc Quản lý Chất lượng Ire Cure cho hay.


Thiết bị hỗ trợ đóng băng tế bào ung thư.

Thử nghiệm được tiến hành tại 18 phòng khám ở Mỹ, bao gồm 146 bệnh nhân bị ung thư vú giai đoạn đầu. Kết quả chỉ có 1 bệnh nhân tái phát, tức là dưới 1%.

76% bệnh nhân trở lại hoạt động bình thường sau 48 giờ từ khi điều trị, 95% bệnh nhân hài lòng với kết quả thẩm mỹ.

Phương pháp này không làm thay đổi hình dạng kích thước vú, cho phép phục hồi nhanh chóng mà không có sẹo như giải phẫu  cắt bỏ khối u.

Hiện nay phương pháp đã được thử nghiệm lâm sàng tại Israel, Mỹ và Nhật Bản với tỷ lệ tái phát dưới 1%.

Chi phí cho một lần điều trị khoảng 4.000 USD (gần 100 triệu đồng), chỉ bằng 1/3 chi phí một ca giải phẫu  cắt bỏ ngực.

Tiến sĩ Shlomo Israelit, Giám đốc Bệnh viện Elisha, tự hào khi bệnh viện là nơi đầu tiên điều trị khối u vú lành tính và khối u ung thư bằng phương pháp này, thay vì phải giải phẫu.

Clip Điều trị ung thư bằng phương pháp không phẫu thuật, đóng băng tế bào:


Quá trình thực hiện kỹ thuật này chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn, khoảng 20-30 phút.


Thứ Tư, 29 tháng 5, 2019

Em Đến

GIỚI THIỆU
Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy, Cô, quý Đồng Môn và Thân Hữu  PPS Thơ & Nhạc EM ĐẾN
Nhạc: Thiên Phương
Ý thơ: Vũ Gia Sắc
Ca sĩ: Ngọc Quý
Xin mời quý vị thưởng thức
Trân trọng
NHHN





Thứ Ba, 28 tháng 5, 2019

Lang Thang Mùa Xuân

GIỚI THIỆU
Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy, Cô, quý Đồng Môn và Thân Hữu Video Thơ & Nhạc LANG THANG MÙA XUÂN. 
Nhạc: Trần Chí Phúc
Thơ: Hồng Hà
Thu âm: La Vân
Quay phim: Lâm Xuân Thu
Trình bày: Trần Chí Phúc
Xin cám ơn nhạc sĩ (đồng môn) Trần Chí Phúc chia sẻ
Xin mời quý vị thưởng thức
Trân trọng
NHHN





Người Sống Thọ Có 4 Cái "Lười"



NGƯỜI SỐNG THỌ CÓ 4 CÁI "LƯỜI"


1. “Lười” ăn nhiều

Ăn quá no sẽ tạo thành gánh nặng cho hệ tiêu hóa, nếu ăn quá nhiều lâu ngày sẽ gây hại cho cơ thể, dẫn đến nhiều căn bệnh về đường ruột, dạ dày. Hơn nữa nếu mỗi bữa đều ăn quá no sẽ nhanh chóng bị béo phì cũng như dẫn đến các bệnh cao huyết áp, đường huyết cao và mỡ máu cao, từ đó ảnh hưởng đến tuổi thọ.

Những người sống thọ thì khác, họ “lười” ăn nhiều, mỗi bữa chỉ giữ ở mức no 7-8 phần là đủ rồi



2. “Lười” tức giận

Cảm xúc có liên quan mật thiết đến sức khỏe, thường xuyên tức giận sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Khi tức giận, cơ thể sẽ tiết ra những chất có hại, điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe gan.

Ngoài ra còn dễ làm tăng huyết áp, khiến chúng ta dễ mắc bệnh cao huyết áp.Những người sống thọ “lười” tức giận, mỗi ngày họ đều giữ thái độ lạc quan vui vẻ, như vậy sẽ có thể kéo dài tuổi thọ.


3. “Lười” lo âu

Cuộc sống ngày nay có rất nhiều áp lực, mọi người thường lo âu khá nhiều vấn đề, mà việc phiền não quá nhiều dễ gây ảnh hưởng đến giấc ngủ, dẫn đến hiện tượng mất ngủ.

Nếu chúng ta không ngủ đủ sẽ dễ làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch và mạch máu não, điều này sẽ gây ảnh hưởng đến tuổi thọ.Vì vậy nếu muốn sống thọ và khỏe mạnh hơn, thường ngày nên ít nghĩ ngợi lo âu, cố gắng ngủ đủ.


4. “Lười” sốt ruột

Trong cuộc sống, người hay sốt ruột, lo lắng thường dễ bất an, tâm trạng thường lệch khỏi trạng thái cân bằng, làm việc thường hay nóng vội, tính khí cũng trở nên thất thường.

Sau khi bước vào tuổi trung niên, xương cốt sẽ dần lão hóa, nếu bình thường đi bộ khá nhanh và gấp gáp sẽ dễ ngã, va chạm vào những đồ vật khác. Vì vậy khi lớn tuổi cần “lười” sốt ruột, đi bộ chậm rãi, như vậy sẽ tránh được té ngã và kéo dài được tuổi thọ.

Ngoài ra, vận động cũng là điều rất quan trọng không thể thiếu đối với tuổi thọ, chúng ta nên tập thói quen vận động mỗi ngày, nhờ vào việc luyện tập sẽ giúp kích thích mỡ nội tạng tiết ra nhiều adiponectin.

Bác sĩ sản khoa Nhật Bản Kana Maruta cho biết, thật ra điều khiến chúng ta không ngờ đó là adiponectin được tạo ra từ chất béo, nhưng quá nhiều chất béo lại sẽ ngăn cản tiết adiponectin, vì vậy hình thể chuẩn và lượng mỡ vừa phải mới là trạng thái tốt nhất cho việc sản sinh adiponectin.Luôn giữ nụ cười tươi cũng có thể thúc đẩy tiết adiponectin cũng như làm tăng khả năng miễn dịch, hoạt hóa các tế bào trong cơ thể, đạt hiệu quả phòng bệnh, ngăn ngừa ung thư.

Bình thường nên uống nhiều nước để thúc đẩy thải chất độc, khiến cơ thể khỏe mạnh hơn, tuổi thọ cũng sẽ dài hơn.

Sống thọ và khỏe mạnh là điều mà ai trong chúng ta cũng đều hướng đến, vì vậy dù thường ngày có bận rộn đến mức nào cũng nên chú ý giữ thói quen sinh hoạt và ăn uống lành mạnh, đồng thời càng nên bỏ đi những thói quen không tốt.

Kiện Khang


Truyện Cười Thư Giãn



Tiền bạc không quan trọng

Nhà báo phỏng vấn một tỷ phú:
- Điều gì đã giúp ông đạt được thành công?
- Luôn tin rằng tiền bạc không đóng vai trò gì đáng kể, mà chỉ có công việc mới quan trọng.
- Và do thấm nhuần niềm tin ấy, ông đã giàu có như ngày nay?
- Không, tôi giàu lên vì tôi biết làm cho những người dưới quyền tôi có được niềm tin ấy.


Thứ Hai, 27 tháng 5, 2019

Gánh Rau Của Mẹ


Hình minh họa (internet)

GÁNH RAU CỦA MẸ
Lê Đức Luận

Sáng nay, sau khi đỡ gánh rau lên vai mẹ, Bốn Cà đi theo mẹ một đoạn đường rồi quay lại nhà tưới nước mấy luống rau, bụi cà, cây ớt ... mẹ đã trồng trước khi ông về đây, nay đang trổ hoa, kết trái - xum xuê, xanh mượt.  Nắng mai mát dịu, tỏa chiếu trên những lá trầu nguồn còn đọng hơi sương, óng ánh như những mảnh pha lê gắn trên nọc trầu của mẹ. Trong cái không gian yên ắng và trong lành, gợi cho Bốn Cà nhớ lại những ngày thơ ấu sống chung với cha mẹ.

Một thuở làng xóm thanh bình, người người sống trong no đủ yên vui. Gia đình Bốn Cà thuộc loại nghèo trong xóm, chỉ có năm sào ruộng rộc và mảnh vườn hơn hai trăm mét vuông. Cha mẹ Bốn Cà cần cù canh tác trên khoảnh ruộng năm sào, cho gạo ăn giáp hạt và mảnh vườn nhỏ cho nhiều loại rau quả. Mẹ Bốn Cà tần tảo, chắt chiu lo cho thằng con trai út không thua sút bất cứ đứa con nhà giàu nào trong xóm. Thằng Cà thèm thuồng nhìn hộp bút chì màu của thằng Hạ, con ông Xã Hai; hôm sau trong cặp nó có hộp bút chì màu… Thằng Lăng, con ông Chín Cao - một người đang làm ăn phát đạt, đội chiếc mũ nĩ màu đen, thì thằng Cà (hồi nhỏ, người trong xóm gọi Bốn Cà là thằng Cà) có chiếc mũ nĩ màu xanh…

Hết bậc tiểu học, những đứa con nhà khá giả ra tỉnh tiếp tục học hành. Những đứa bạn nhà nghèo, học đến lớp Nhứt, an phận ở lại xóm làng, giúp đỡ cha mẹ trong công việc đồng áng. Nhưng thằng Cà được mẹ khuyến khích nạp đơn thi vào Đệ Thất, trường công lập và may mắn được đậu. Như vậy không phải lo khoản tiền học phí, nhưng chuyện ăn ở tại thị xã, áo quần, sách vở không phải dễ dàng. Thằng Cà được mẹ khuyến khích: "Con xuống dưới đó lo học hành, Trời thương cho mẹ mạnh khỏe, mẹ sẽ kiếm đủ tiền cho con ăn học".  

Thằng Cà rời khỏi nhà vào buổi chiều cuối mùa Hè, năm 1958 trong niềm vui của cha và sự quyến luyến của mẹ. Cha nó đặt bao gạo 15kg lên "ba ga" chiếc xe đạp ông mới mua cách nay mấy tháng, và đưa 300$ để đóng tiền ăn cho nhà trọ trong một tháng. Mẹ còn dúi vào tay nó mấy chục bạc và nói: "Khi nào học mệt, mua miếng kẹo đậu phộng ăn vào sẽ khỏe ngay". Mẹ cười âu yếm nhìn con. Ánh mắt trìu mến đó đã in vào lòng thằng Cà. 

Nắng chiều đã dịu, thằng Cà dắt xe ra ngõ, cha mẹ đứng trông theo… Nó đạp xe đi thẳng trên con đường làng dẫn ra lộ chính. Con đường này luôn rợp bóng tre xanh, cuối đường có một trạm canh - tiếng địa phương gọi là cái “chòi mòng”. Từ ngày chính quyền đưa ra Quốc sách “Xây dựng Ấp Chiến Lược”, cái “chòi mòng” được chỉnh trang; trai tráng trong xóm luân phiên ra đây ngủ qua đêm, có nhiệm vụ tuần tra, báo động cho người trong xóm biết mỗi khi có Việt cộng về thu thuế, bằng tiếng mõ, hay tiếng kẻng… Ban ngày, nơi đây qui tụ những đứa nhỏ trong xóm ra chơi bắn bi, đánh đáo, u quạ, thả diều…

Chiều nay, nó đạp xe qua đây không thấy đứa bạn nào, chỉ có một mình con Bảy đứng đó tự bao giờ, chận xe nó lại, nói vài câu: “mầy xuống thị xã học, nhớ mỗi Chủ Nhật về chơi với tụi tao, kể chuyện học hành cho tụi tao nghe với”. Thằng Cà hứa, nhưng nó chỉ về vào ngày Chủ Nhật cuối tháng để lấy gạo, và tiền đóng cho nhà trọ, còn những ngày khác, nó ở lại Thị xã vui chơi với bạn học mới - lúc đạp xe ra vườn dừa Mỹ Á, lúc theo thầy du ngoạn bải biển Đại Lãnh, Vũng Rô, lúc cùng năm ba đứa bạn xuống tắm biển Tuy Hòa, lúc leo lên núi Nhạn chọc bầy khỉ lửa (đít đỏ)… Những trò chơi bắn bi, đánh đáo, đá dế, thả diều…  với thằng Thê, thằng Thương chỉ còn là kỷ niệm.

Nhớ lại những năm dưới mái trường Trung học Nguyễn Huệ: nào thầy, nào bạn, nào những quyển lưu bút ngày xanh, nào những buổi du ngoạn chia tay mỗi dịp hè về…Tất cả còn lưu trong ký ức. Rồi nhớ những ngày Chủ Nhật về nhà lấy gạo, lấy tiền đem đóng cho nhà trọ - Mười lăm ký gạo (hồi đó chưa có máy xay)  mẹ phải cho lúa vào cối xay tay, rồi sàn sảy cho ra gạo lức, cho gạo lức vào cối, giã cho tróc vỏ cám, mới ra được hạt gạo trắng. Vậy mà hồi đó thằng Cà không nghĩ gì tới sự nhọc nhằn của mẹ. Có lần mẹ kho một nồi cá bống - món mà thằng Cà thích, mẹ bảo nó mang theo, nhưng nó ngùng ngoằng không chịu đem đi, nó mắc cỡ vì cái om đất đen ngòm. Bây giờ nghĩ lại nó thấy thương tấm lòng của mẹ. Bốn Cà ứa nước mắt... 

Ngồi trên chiếc chõng tre kê trước cửa, ngó mông ra ngõ chờ mẹ trở lại nhà, khi tan buổi chợ. Bốn Cà cảm thấy xót xa… Cuộc đời của mẹ chỉ vì con, hy sinh cho con và quên thân mình - chưa bao giờ nghe mẹ than khổ vì con.

Hình minh họa (internet)

Bảy mươi năm tuổi đời, mẹ chỉ có được ba lần vui: Lần thằng Cà lấy được bằng Trung học Đệ Nhất Cấp; lần thứ hai khi thằng Cà đậu Tú Tài. Thời đó, lấy được bằng Trung học đã “oai” rồi, đậu đưọc bằng Tú Tài thì tiếng tăm lừng lẫy- cả làng, cả xã biết tên.  Mẹ nhận được nhiều lời vừa chúc mừng vừa chúc tụng. Mẹ cảm thấy hãnh diện với bà con, làng xóm. Cái tên “thằng Cà”, do dân trong xóm đặt để, vì nó mắc tật nói cà lăm, nghe như chế nhạo con của mẹ; bây giờ nhiều người gọi là “ông giáo Bốn”, mẹ sung sướng lắm. Và niềm vui thứ ba là sự trở về của thằng con yêu dấu, được thả ra từ trại tù A.20, sau bao năm mẹ mòn mõi mong chờ. Mẹ vui mừng và xúc động, mẹ nói:

-Bây giờ con về đây với mẹ, mẹ yên tâm và không có sự vui mừng nào cho bằng.
-Con về mẹ phải lo thêm một miệng ăn, trong hoàn cảnh này con biết làm gì đỡ đần cho mẹ? Bốn Cà tiếp lời của mẹ.
-Trời sinh voi, thì Trời sinh con cỏ - con đừng lo”. 

Bốn Cà xúc động và cảm nhận tình thương bao la của mẹ qua vài lời ngắn ngủi. Bao giờ cũng thế - lúc gặp khó khăn hay buồn phiền, lời khuyên của mẹ đem đến sự an ủi và niềm tin.

Mấy tháng nay, Bốn Cà cùng mẹ chăm bón vườn rau. Ngoài ra trong vườn có hai cây khế ngọt sai quả, sau nhà một cây xoài cát, có từ thưở thằng Cà ở tuổi lên năm, đến mùa ra trái chi chít trĩu cành thơm ngon nổi tiếng. người trong làng thường đặt mua để biếu nơi ơn nghĩa. Mẹ hay nói nửa đùa nửa thật: “Nhờ cây xoài mới có tiền cho thằng Cà ăn học”. Cây me già cũng cho mẹ chút ít thu nhập. Những bụi thơm (khóm) quanh bờ dậu có lẽ thương mẹ, nên ra trái đều đặn.  Thế là gánh rau của mẹ có nhiều thứ. Mỗi buổi sáng Bốn Cà cùng mẹ sắp những bó rau lang, rau muống, xà lách, tần ô và mấy xấp lá trầu vào một chiếc thúng. Chiếc thúng bên kia quang gánh là vài chục quả khế, quả thơm, vài trái đu đủ, vài chục trái me xanh, mươi trái cà … Bao nhiêu đó cũng đã oằn vai mẹ.

Nhiều lần Bốn Cà đòi gánh rau ra chợ cho mẹ, nhưng mẹ nhất định không cho, mẹ bảo:

-Con phải giữ thể diện - Giấy rách phải giữ lấy lề - Hồi sanh tiền cha con từng nói: “bần cùng bất khả khi tận” - một câu dài lắm, mẹ không nhớ hết.
Bốn Cà tiếp lời mẹ:
-Nguyên câu cha dạy: “Hữu phúc bất khả hưởng tận, hữu thế bất khả ỷ tận, bần cùng bất khả khi tận”.
-Ờ, con phải nhớ lời cha dạy- phải giữ sĩ diện - “ông giáo Bốn” phải làm những việc lớn lao hơn. Mẹ cười nhìn con với vẻ tự hào.
-Gánh rau ra chợ cho mẹ, có gì là mất sĩ diện đâu mẹ? Bốn Cà thuyết phục mẹ.
-Những người hiểu biết thì không có gì, nhưng bọn tiểu nhân như “chúng nó” sẽ dèm pha, coi thường con - Mẹ không chấp nhận.
Tính của mẹ là thế, thà hy sinh thân mình chứ không chịu để ai coi thường chồng con của mẹ.

Nhớ lại cái ngày đau thương ập đến với gia đinh – cha của Bốn Cà bị Việt cộng giết ở đầu làng vào đêm Ba mươi Tết, năm 1963. Chúng để lại trên xác ông tờ cáo trạng: “Thành phần phản cách mạng”. Cha Bốn Cà chỉ là một nhà Nho lỡ vận, ông lui về làm nghề thuốc bắc, và những người trong làng thường đến nhờ ông xem ngày giờ gả cưới hay đào móng xây nhà; đôi khi viết vài câu liễn đối cho đám ma chay. Mồng Năm, ngày Tết họ biếu ông con gà, quả dưa, trái bí, giạ nếp, cân đường… gọi là đền đáp công lao. Nghề thuốc bắc, ông chỉ lấy tượng trưng tiền bắt mạch, kê toa. Lộc của ông cũng đủ đóng tiền trọ học cho thằng con ở thị xã. Làm ăn lương thiện như vậy mà Việt cộng nỡ giết ông. Sự nhớ thương cha đã để  lại trong lòng Bốn Cà niềm uất hận.

Từ ngày đó, vườn hoa và cây thuốc nam của cha biến thành vườn rau của mẹ. Mẹ bắt đầu trồng rau lang, rau muống, xà lách, tần ô…Chỉ hơn tháng sau, mẹ có gánh rau đem bán, kiếm tiền đóng cho nhà trọ học của con. Thằng Cà biết mẹ cơ cực, nhưng năm đó đang học lớp Đệ Nhị, còn mấy tháng nữa thi Tú Tài I, nó không thể bỏ ngang.

Hình minh họa (internet)

Mấy tháng đầu, mỗi tuần ba ngày, mẹ dậy sớm sắp xếp rau vào quang gánh, đi xuống chợ Xéo, ở ngoại ô Thị xã Tuy hòa, ngồi bán đến trưa mới hết gánh rau. Một hôm, mẹ vừa đặt gánh rau xuống đất, một cô gái xuất hiện, trông đẹp, hiền lành, dáng vẻ tiểu thư con nhà giàu hỏi mua cả gánh rau. Mẹ như không tin vào tai mình hỏi lại:

-Cô mua hết gánh rau này?
-Dạ, con xin mua hết. Cô gái trả lời.
Mẹ ngạc nhiên hỏi lại:
-Cô mua làm gì mà nhiều thế - trong gánh rau này lỉnh kỉnh đủ thứ, có cả trầu nguồn, khế, cà pháo…
-Dạ không sao – con mua hết để đem vào chợ lớn bán lại.
-Vậy, tui bán nới một chút cho cô kiếm chút tiền lời.
-Dạ, con cảm ơn bác – nhưng bác cứ lấy đúng giá – Vào trong chợ lớn con bán lẻ, thế nào cũng có lời – bác đừng lo.  
-Thường thường tui ngồi đây bán đến trưa mới hết chỗ rau này và kiếm chừng năm chục - Vậy cô đưa tôi bốn chục là được rồi.
Cô gái đưa cho mẹ năm chục. Mẹ thối lại mười đồng, nhưng cô gái dúi vào túi mẹ và nói: - Bác khỏi phải thối - chỗ rau này con vào bán lẻ trong chợ lớn sẽ lời khẳm.

Cô gái cho rau vào cái bao tải lớn, đặt lên ba ga xe đạp lấy dây cao su chằng chắc, rồi quay sang nói với mẹ: “Con biết bác mỗi tuần xuống đây bán rau ba buổi, vậy con sẽ ra chờ bác, con sẽ mua hết gánh rau của bác, bác khỏi phải ngồi bán mỏi lưng”. Cô gái nở nụ cười thật tươi và lễ phép chào mẹ.

Trông theo cô gái ì ạch đẩy chiếc xe đạp, mẹ bùi ngùi thương cảm, mẹ nói lẩm nhẩm: “Con nhà ai xinh xắn thế kia mà phải nhọc nhằn bươi chải kiếm sống - thật tội nghiệp! Chắc là gia đình gặp lúc sa cơ lỡ vận”.

Thời gian trôi qua, gánh, rau của mẹ mỗi ngày một nặng hơn, chủ đích là để cô gái kiếm thêm tiền. Nhưng hễ gánh rau vun đầy thì cô gái dúi thêm vào túi mẹ một vài chục. Mẹ cảm động và ra sức thâm canh để có rau cung cấp cho cô gái. Về phía cô gái, đem rau về phân phối cho các bà dì, bà cô, bà thím và bao giờ cô cũng nhận được số tiền hậu hỷ.

Như vậy là gánh rau đem lại cho mẹ thu nhập kha khá. Cuối năm đó Thằng Cà đậu Tú Tài I, nó định đi xin việc làm, nhưng mẹ nhất định không cho, bảo nó học tiếp. Mẹ khoe: “Gánh rau của mẹ cho thu nhập khá và đều đặn, dư sức đóng tiền ăn cho nhà trọ”.
Niên học mới bắt đầu, thằng Cà trở lại nhà trọ và tiếp tục vào lớp Đệ Nhất –Một buổi sáng, giáo sư dạy môn lý hóa bị bệnh, không đến lớp; có hai giờ trống, chẳng biết làm gì, thằng Cà đạp xe ra chợ Xéo xem mẹ bán rau như thế nào mà mẹ khoe “có mối mua sĩ, vừa bán được giá mà khỏi phải ngồi bán cả buổi sáng”.

Gần đến nơi, xa trông…thằng Cà thấy Dung đang dúi tiền vào túi mẹ, rồi hai người lui cui đỡ bao tải rau lên ba ga chiếc xe đạp. Thằng Cà choáng váng đạp xe đi thẳng... đầu óc nó miên man: vừa giận, vừa thương, vừa buồn, vừa tủi…Nó đạp xe về nhà trọ - nằm khóc! Hôm đó nó nghỉ học.

Ngay chiều hôm ấy, thằng Cà về nhà gặp mẹ, kể cho mẹ nghe về người “bạn hàng mua sỉ rau”. Nó nói:
-Cô gái đó là con nhà giàu, thấy mẹ con mình nghèo khổ, ra tay cứu độ, chứ chẳng phải mua rau sỉ về bán lẻ đâu. Mẹ đừng bán cho cô ta nữa, người ta sẽ xem thường mình.

Một thoáng xúc động, mẹ rưng rưng…nhưng nghe lời thằng con nói “người ta sẽ xem thường mình”, mẹ bừng tỉnh - đời nào mẹ để cho người ta xem thường con của mẹ. Từ đó mẹ không gánh rau ra chợ Xéo nữa và đi bán ở chợ khác. Dù  sao“Gánh rau của mẹ” cũng đã trở thành giai thoại của một mối tình cao thượng.

Hình minh họa (internet)

Mối tình cao thượng ấy bắt đầu từ buổì họp mặt cuối năm của lớp Đệ Tam B1. Trong buổi họp mặt có phần “văn nghệ bỏ túi”. Thằng Cà lên kể chuyện tiếu lâm. Người ta hay nói: “điếc hay ngóng, ngọng hay nói”, nhưng những người “cà lăm” cũng lắm chuyện - Thằng Cà là một bằng chứng - nó nói liên tu, bất tận. Cái tật cà lăm làm cho nó thêm duyên dáng, và nghe nó nói không thể nhịn cười. Trong đám nữ sinh cùng lớp, thằng Cà để ý đến Dung - vừa đẹp, vừa tinh nghịch. Mỗi lần nói đến chỗ hấp dẫn, làm cho người ta cười ngất ngưởng, thằng Cà liếc nhìn Dung và nó bắt gặp ánh mắt của Dung nhìn nó say đắm làm nó xúc động… Nhưng vì Dung là con nhà giàu, thằng Cà không dám nghĩ đến chuyện tiến xa hơn. Lòng nó bâng khuâng mỗi khi nhớ đến Dung, đêm về nó không ngủ được – nó ngồi dậy viết nhật ký.

Còn Dung cũng mang tâm trạng bâng khuâng mỗi khi thằng Cà vắng lớp. Nàng lo nghĩ bâng quơ… Đêm về mang nỗi vấn vương, nàng không ngủ được, lại ngồi dậy viết nhật ký. Có một trang nàng viết: “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy – Ngàn năm hồ dễ đã ai quên”(thơ của Thế Lữ).

Như vậy là trong tâm tưởng của cả hai không thể xa rời, nhưng cơ hội đến gần sao mà khó khăn diệu vợi! Bao lần thằng Cà muốn viết thư tỏ tình, nhưng nó cứ ngại ngùng. Nó tưởng tượng ra một cách tỏ tình thơ mộng và lãng mạn. Nó tìm đọc tiểu thuyết tình cảm, trích ra những câu tỏ tình nghe không cải lương hay vụng về, rồi học thuộc lòng và tập nói suôn sẻ - không cà lăm - để khi có cơ hội đem ra áp dụng.

Một hôm cơ hội đã đến, khi hai đứa tách khỏi đám bạn bè đang vào thăm Hải Học Viện Nha Trang, rủ nhau ra bãi biển hóng mát. Ngồi bên nhau dưới bóng dừa, trên bãi biển vắng người. Nắng chiều dìu dịu phản chiếu trên mặt sóng trông như những dải lụa vàng đang thi nhau cuộn vào bờ cát trắng, hai đứa ngồi im lặng ngó mông ra biển. Tinh nghịch như Dung , lém lỉnh như thằng Cà mà lúc đó lại im lặng như tờ, có lẽ hai con tim đang rung động…? Nhưng xem ra không phải thế - hai đứa đang ngượng ngùng. Một lát sau thằng Cà đánh bạo cầm tay Dung, nó bắt đầu những câu tỏ tình đã học thuộc lòng từ trước:
-Tôi – tôi…tôi – yêu…yêu…êu… Dung.
Cái tật cà lăm đã làm cho thằng Cà thất vọng. Thay vì Dung ngã đầu vào vai nó thổn thức, hay ngước mặt lên âu yếm nhìn nó và chờ một nụ hôn như trong tiểu thuyết, Dung lại cười khùng khục, nói:
-Yêu gì mà lắm thế - Yêu một lần đã khổ rồi – Yêu tới ba, bốn lần thì chết mất.
Câu nói đùa của Dung làm thằng Cà mất hứng và coi như cuộc tỏ tình hoàn toàn thất bại. Thằng Cà suy diễn những lời nói đùa của Dung để đi đế kết luận;  “Dung không yêu mình”. Từ đó thằng Cà lánh mặt Dung.

Không gặp nhau, cả hai đều đau khổ. Một bên mang mặc cảm nghèo, một bên mang tâm trạng thất bại trong việc học hành (không đậu Tú Tài I). Họ lặng lẽ xa nhau trong nhớ nhung và đau khổ…

Sau khi đậu Tú Tài toàn phần, thằng Cà thi vào trường Hải Quân Nha Trang. Ra trường, nó bắt đầu cuộc đời hải hồ. Những khi lênh đênh trên biển cả, nó nhớ Dung da diết, muốn viết thư về thăm, nhưng rồi lại thôi. Sáu tháng xa bờ, đôi ngày gặp gỡ chỉ làm Dung “khổ” và sẽ “chết” trong cô đơn như Dung đã nói trong lần tỏ tình mấy năm về trước và biết đâu bây giờ Dung đã hạnh phúc bên chồng con. Bốn Cà lặng lẽ trong niềm đau của mối tình đầu.

Còn Dung, đôi lần lên thăm mẹ Bốn Cà, hỏi thăm tin tức và muốn xin địa chỉ của thằng Cà để viết thăm hỏi, nhưng rồi lại thôi. Vì nghĩ rằng những ông sĩ quan Hải quân bay bướm, thiếu gì người đẹp theo đuổi và biết đâu bây giờ đã có người yêu mới. Cứ thế cả hai đều im lặng, âm thầm trong mõi mòn, thương nhớ.

Rồi ngày 30-4-1975 ập đến, Bốn Cà bị bắt đưa vào trại tù A.20. Dung hay tin, lên thăm mẹ để hỏi thăm sức khỏe và xin thăm nuôi Bốn Cà, mẹ cảm động, nhưng nhớ lại lời con “không để người ta xem thường mình”, mẹ từ chối. Dung buồn lắm, nhưng kiên nhẫn thuyết phục mẹ. Lần sau lên thăm mẹ, Dung rủ thêm mấy người bạn học cùng lớp với Bốn Cà, mang theo đồ ăn để mẹ gởi cho Bốn Cà, coi như của bạn bè cùng lớp đóng góp. Lần này mẹ chấp nhận. Cứ thế quen dần, Dung chinh phục được cảm tình của mẹ.

Được thả ra từ trại A.20, Bốn Cà về ở với mẹ. Dung muốn đến thăm, nhưng ngại đi một mình, nên rủ thêm vài người bạn thân của cả hai. Vừa trông thấy Bốn Cà, Dung khóc! Bốn Cà cố giữ bình tỉnh, nhưng nước mắt cứ ứa ra. Cảnh tượng đó đã làm mọi người có măt hôm ấy xúc động…
Sau khi khách ra về, mẹ đến gần Bốn Cà tâm sự:
-Con à, Dung nó thương con, có lòng với con. Từ ngày con còn đi học, nó đã giả bộ mua rau để giúp mẹ nuôi con ăn học – khi con ở tù, nó thường đến thăm nom mẹ, và mua quà nhờ mẹ gởi cho con – Nó thương con thiệt tình. Năm nay con cũng lớn tuổi, con nên nghĩ đến việc xây dựng gia đình – trai có lứa, gái có thì - Đừng để người ta đợi chờ, tội nghiệp!
-Bây giờ con sa cơ, thất thế - Đã báo đời mẹ …bây giờ còn nghĩ đến chuyện làm khổ Dung, sao đành hỡ mẹ? Hơn nữa cô ấy con nhà giàu, thiếu gì chỗ danh giá hơn con. Bốn Cà phân trần cùng mẹ.
-Đừng nghĩ thế - Sông có khúc, người có lúc. Sự đời là phù du, chỉ có tấm lòng mới đáng quí. Dung nó chỉ thương con, nó chờ đợi con bấy lâu nay. Nếu không nó đã lấy chồng lâu rồi. Mẹ biết có bao nhiêu chỗ dạm hỏi mà nó có chịu ai đâu – Nó chờ con. Vậy con đừng phụ tấm lòng của nó. Mẹ lo chuyện cưới xin cho con xong rồi, mẹ có theo ông, theo bà, mẹ cũng an lòng.

Bốn Cà im lặng, nước mắt cứ rưng rưng… nhớ về người yêu và thương tấm lòng của mẹ.
  
Hình minh họa (internet)

Gần một năm sau, khi có tin: Các sĩ quan đã ở tù trong các trại tập trung cải tạo của Việt cộng trên ba năm sẽ được cho đi định tại Hoa kỳ theo chương trình HO. Một tia hy vọng lóe lên khai thông cho những bế tắt. Bốn Cà đến cho Dung biết tin này và thăm dò ý của Dung. Bốn Cà hỏi:
- Nếu anh được đi định cư ở Hoa kỳ, anh sẽ làm các thủ tục để Dung cùng đi với anh – Dung nghĩ thế nào?
Dung thổn thức, nước mắt ràn rụa…, nói:
-Đã bao nhiêu năm nay, em không thể yêu ai được ngoài anh, em chờ đợi anh- Em yêu anh. Bây giờ ở đây, hay đi bất cứ nơi nào, em cũng mong ước được sống bên anh cho đến trọn đời.

Bốn Cà cảm động nắm tay Dung, họ trao cho nhau nụ hôn đầu tiên từ khi ngõ ý yêu nhau. Hai tháng sau họ làm lễ thành hôn. Một lần nữa mẹ vui khi thấy thằng con út đã yên bề gia thất. Hơn một năm sau họ lên đường đi định cư ở Hoa kỳ.

Hôm chia tay con ở phi trường, mẹ ngậm ngùi nói lời tiễn biệt: - Thường tình, cuộc chia ly nào cũng mang theo một nỗi buồn, nhưng lần này mẹ vui vì biết con đã thoát khỏi cảnh “ cá chậu chim lồng”.
Đây là lần vui cuối cùng trong cuộc đời của Mẹ.

LÊ ĐỨC LUẬN
(Mother’s Day 2019)