Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2019

10 Điều Kỳ Diệu Xảy Ra Với Cơ Thể Khi Bạn Đi Bộ Mỗi Ngày


10 ĐIỀU KỲ DIỆU XẢY RA VỚI CƠ THỂ KHI BẠN ĐI BỘ MỖI NGÀY

Bright Side chỉ ra rằng, đi bộ kết hợp với một giấc ngủ ngon và chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp bạn hoàn toàn khỏe mạnh và không cần phải đến gặp bác sĩ.
Chỉ cần 15 -30 phút đi bộ hàng ngày có thể cải thiện được sức khỏe của bạn rõ rệt. Dưới đây là danh sách các lợi ích mà bạn có được khi đi bộ mỗi ngày.
1. Giúp cải thiện hoạt động của não


Một nghiên cứu cho thấy một bài tập aerobi, đi bộ có khả năng giúp cải thiện trí nhớ giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Đồng thời còn giúp bạn giảm thiểu những căng thẳng và mệt mỏi.

2. Cải thiện thị lực


Đi bộ thực sự có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, làm giảm áp lực mắt và chống lại chứng tăng nhãn áp.

3. Giúp tim thêm khỏe mạnh


Theo Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ việc đi bộ sẽ phòng tránh được bệnh tim và đột quỵ. Ngoài ra, còn giúp tuần hoàn máu được lưu thông, giảm cholesterol cho cơ thể.

4. Bảo vệ lá phổi


Đi bộ làm tăng lượng oxy trong máu và giúp phổi hoạt động một cách nhịp nhàng để loại bỏ chất độc và chất thải. Điều này, làm cho quá trình hô hấp được sâu hơn và giảm các bệnh liên quan đến phổi.

5. Giúp chống lại bệnh tiểu đường


Thật khó tin nhưng đi bộ thường xuyên chính là một công cụ hiệu quả giúp cơ thể bạn chống lại bệnh tiểu đường. Nghiên cứu này đã chứng minh nhóm người đi bộ sẽ cải thiện được lượng glucose gấp 6 lần so với nhóm vận động viên tiến hành trong 6 tháng thử nghiệm.

6. Cải thiện hệ tiêu hóa


Mỗi ngày đi bộ 30 phút không chỉ làm giảm ung thư ruột già và còn cải thiện hệ tiêu hóa chống táo bón.

7. Giảm mỡ, tăng cơ


Những người thừa cân có thể đi bộ 10.000 bước mỗi ngày trên thực tế hay trong phòng tập để cảm thiện tình trạng mỡ thừa và tăng độ săn chắc của cơ.
Chắc chắn bạn sẽ cảm thấy đau đớn khi mới đầu tập nhưng nếu tập luyện thường xuyên tình trạng sẽ được cải thiện và cơ thể phục hồi nhanh hơn.
8. Tăng cường hoạt động của xương, khớp


Đi bộ thường xuyên làm các khối chân, khớp xương được hoạt động nhịp nhàng ngăn ngừa mất khối xương và giảm nguy cơ gãy xương. Arthritis Foundation khuyên bạn nên đi bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày để giảm đau khớp xương và mềm xương.

9. Giảm đau lưng


Đi bộ sẽ là một cách hữu hiệu đối với những người bị bệnh đau lưng, góp phần cải thiện tuần hoàn máu, sự linh hoạt của cột sống. Đối với những bài tập có tính tác động cao sẽ khó khăn hơn việc đi bộ.

10. Đi bộ giúp thư giãn tâm hồn


Đi bộ cải thiện được bệnh trầm cảm và những rối loạn tâm lý, đồng thời giúp bạn xóa bỏ mọi mệt mỏi, căng thẳng và tình trạng kiệt sức. Những buổi đi bộ vui vẻ cùng người thân, bạn bè sẽ thực sự hạnh phúc và giúp tâm trạng bạn tốt hơn rất nhiều.

* Theo Brightside


PARIS PHIM 5: Thắng Cảnh, Kiến Trúc, Lịch Sử -- Đôi Giầy Cũ

GIỚI THIỆU
PARIS - Thắng Cảnh, Kiến Trúc, Lịch Sử
Đôi Giầy Cũ xin cống hiến bộ phim du lịch Paris với thật nhiều chi tiết cho những ai chưa có cơ hội thăm viếng thủ đô nước Pháp. Bộ phim này dài 3 tiếng rưỡi, chia làm 7 tập. Ngoài các thắng cảnh tuyệt đẹp, Đôi Giầy Cũ sẽ cống hiến thêm nhiều thông tin lịch sử, kiến trúc và đời sống dân bản xứ.

1- Thưởng thức các danh lam thắng cảnh
2- Chứng nghiệm lối sống lãng mạn
3- Hồi tưởng một tình sử đẫm lệ
4- Tìm hiểu các công trình kiến trúc



Viện Bảo Tàng Rodin
Tập 5

Thắng cảnh của Quận 6
Thắng cảnh của Quận 7
Thắng cảnh của Quận 8




Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2019

Rủi Và May

GIỚI THIỆU
Kính thưa quý Thầy, Cô, quý Đồng Môn và Thân Hữu
Ngày 24-6-2019, qua email BBT nhận được bài viết RỦI VÀ MAY và một số hình ảnh của thầy Trần Công Tín, cựu giáo sư trường Nguyễn Huệ từ TP Huế, VN gửi qua để đăng trên diễn đàn NHHN.
Xin hân hạnh giới thiệu và chân thành cám ơn Thầy.
Trân trọng
NHHN



RỦI VÀ MAY
Thầy Trần Công Tín

Những sự kiện xảy ra, có hai cách nhận định; bi quan (xui quá) lạc quan (may quá). Nay tuổi đã 75, nhìn lại những biến cố trong đời, tôi xin trình bày 2 quan điểm về cùng 1 vấn đề.

- Xui quá! Đang chuẩn bị đầy đủ tài liệu để trình tiểu luận Cao học (thạc sĩ) ở Đại học văn khoa Saigon thì có lệnh gọi nhập ngũ (10-1968) và tôi bị đi thẳng đi dài đến 2 năm mới về dạy lại. Do đó việc học đành bỏ dở.

- (May quá! Nều tôi đâu Cao học thì tôi được bổ dụng dạy cấp cao hơn do đó không còn dạy tại trường Nguyễn Huệ Tuy Hòa nữa và thế là sẽ không nhận được những sự ân cần thương yêu thăm viếng của các học trò đầy tình nghĩa của đất Phú yên. Tình cảm quí báu đó chắc gì tôi sẽ có được khi dạy Đại học? và nếu đổi tấm bằng Cao học với sự thương yêu của học trò tôi sẵn lòng nhận điều thứ hai... May là không đậu Cao học).



- Xui quá!; Cùng với 25 giáo sư khác của trường Nguyễn Huệ Tuy Hòa vào Lam sơn để thụ huấn quân sự, chỉ mình tôi là bị đi thẳng đi dài trong khi các vị kia thì sau 9 tuần được về trường cũ. Xui chưa?

- (May quá! Dù bị đi học quân sự tiếp nhưng khi ra trường tôi được làm ở văn phòng khá nhàn nhã đồng thời vẫn được hưởng lương giáo sư đệ nhị cấp vì là công chức chánh ngạch (mặc dầu là Chuẩn úy nhưng được hưởng chỉ sô 470 ngang với Đại úy (9000 đồng/tháng trong khi giá vàng là 8000 đồng/lượng) trong khi Chuẩn úy chỉ số 250 và lãnh 4500 đồng/tháng) và sau một thời gian ngắn thì được về lại dân sự. Cũng may)



- Xui quá! vì là sĩ quan nên tôi bị đi cải tạo.

- (May Quá! Được ở trại 53, 1 trại rất dễ chịu và dù lao động không bao giờ đủ chỉ tiêu nhưng chưa hề bị đánh đập hoặc cùm kẹp bao giờ. Đôi lúc lại được thông cảm cho làm việc nhẹ. Cũng may!)




- Xui quá! Khi được phóng thích, vì không được dạy lại nên tôi phải lao động chân tay để kiếm sống. Tiền thu vào quá ít ỏi.

- (May quá! Nhờ cha mẹ giúp đỡ đùm bọc nên cuộc sống không đến nỗi thiếu thốn, đói rách. Sau này với chính sách mở cửa nên tôi có thể khai khác (làm quán cho thuể) mảnh đất mặt tiền khá rộng của gia đình. Thu nhập tạm ổn. Cũng may!)




- Xui quá! Trong lúc bằng hữu nhiều người thành đạt, chức này tước nọ thì mình vô danh tiểu tốt, không địa vị không tài sản. Buồn ghê!

- (May quá! Tuy sống ẩn dật nhưng vẫn được bạn bè và nhất là học trò hiểu giá trị và thương yêu, ần cần thăm viếng. Mỗi lần vào Tuy Hòa học trò đều làm tiệc đón chào và tiễn đưa rất đông đủ, tình cảm chất ngất. Học trò về Huế dù bận rộn đến mấy vẫn sắp xếp thời gian đến nhà… Nửa thế kỷ xa cách vẫn không phai mờ hình bóng người thầy trong tâm trí học trò. Thật hi hữu và quá hạnh phúc. Vui quá! May ghê! Cảm tạ Trời Phật đã cho con có được những học sinh giàu tình nghĩa đến thế!)


- Xui quá! Ban đầu chỉ là rối loạn tiêu hóa (2-2013) đơn giản hết sức. Vậy mà xét nghiệm thì thấy khối u, xét nghiệm nữa thì là ung thư, xét nghiệm kỹ hơn thì là ung thư di căn (giai đoạn cuối). Tương lai mờ mịt đen tối. Xui quá trời!

- (May quá! dù bệnh tình trầm trọng nhưng lại được chữa khỏi một cánh kỳ diệu như có Phép lạ. Rất may! Cảm tạ Trời Phật đã phù hộ con qua cơn hoạn nạn. Vui ghế!)


- Xui quá! Tiền bạc chẳng bao nhiêu mà điều trị lâu dài, quá tốn kém. Buồn!

- (May quá! Tuy tốn nhiều nhưng được người thân, bạn bè học trò tích cực giúp đỡ nên chẳng tốn tiền nhà bao nhiều trong khì nhiều người khác phải vay muợn khắp nới, tan gia bại sản... Cũng còn hên !)



- Xui quá! Tuy hết ung thư nhưng sức khỏe còn yếu kém hệ miễn dich bị tàn phá nặng nề nên hay đau vặt, thường nhức đầu chóng măt rối loạn tiêu hóa... do đó chẳng dám đi đâu xa cũng ít tham dự liên hoan họp mặt. Buồn!

- (May quá! Thỉnh thoảng cũng có lúc tạm ổn nên vào Tuy Hòa. Và vì lâu lâu mới đi nên được khá nhiều ưu đãi vì họ nghĩ chắc là lần cuối… té ra còn vài ba Lần cuối khác nữa… Cũng vui!)

Xem vậy đủ thấy hạnh phúc hay đau khổ phần lớn do suy nghĩ của ta thôi…

Huế 14-5-2019

Trần Công Tín

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2019

Video Nhạc 'Người Em Nhỏ'

GIỚI THIỆU
Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy, Cô, quý Đồng Môn và Thân Hữu video nhạc NGƯỜI EM NHỎ do nhạc sĩ Hoàng Khai Nhan thực hiện và chia sẻ.
Nhạc: Nguyễn Hiền
Thơ: Thiệu Giang
Tiếng hát: Phạm Gia Nghị & Vương Đức Hậu
Hòa âm & mix: Thanh Lâm
Hình ảnh: Đinh Văn Linh
Thực hiện video: Hoàng Khai Nhan
Trân trọng
NHHN



Xin mời thưởng thức



Thứ Tư, 26 tháng 6, 2019

Tu Viện Trên Núi Tại Hy lạp



Tu viện Chúa ba ngôi (Holy Trinity) trên vách đá cheo leo và làng Kalabaka nằm bên dưới. Tu viện này được xây dựng trong khoảng thế kỷ 14-15 và là một trong 6 tu viện lâu đời nhất còn tồn tại đến ngày nay - Ảnh: Inu/Shutterstock


Tu viện Roussanou - Ảnh: Cge2010/Shutterstock


Du khách đang đi xuống bậc thang sau khi khám phá một tu viện ở Meteora - Ảnh: Maskalin/Shutterstock


Cận cảnh tu viện Valaam, phía sau là tu viện Roussanou - Ảnh: Georgios Tsichlis/Shutterstock


Cốt hộp sọ của các nhà sư đã qua đời được lưu giữ trong một căn phòng được khóa tại tu viện Megalo Meteoro - Ảnh: Aris Messinis/AFP/Getty

Theo mục Du lịch của tạp chí The Atlantic (Mỹ), quần thể tu viện Meteora nằm chênh vênh trên vách đá và ẩn hiện trong mây thuộc miền trung Hy Lạp.

Theo tiếng Hy Lạp, Meteora có nghĩa là "lơ lửng trong không trung" hay còn gọi là "cột đá trời".

Các nhà sư và ẩn sĩ đã lựa chọn địa thế hiểm trở và cư trú tại các tu viện trên vách đá cheo leo này từ thế kỷ 11. Lúc bấy giờ, việc vận chuyển vật liệu và thi công tu viện trên vách đá chênh vênh được xem là một kỳ công.

Trải qua thăng trầm lịch sử, ngày nay còn tồn tại quần thể 6 tu viện Meteora thuộc Chính thống giáo phương Đông.


Nội thất bên trong tu viện Megalo Meteoro - Ảnh: Milos Bicanski/Getty


Du khách đang tham quan bên trong tu viện Agia Triada - Ảnh: Milos Bicanski/Getty


Tu viện Roussanou và tu viện Nicholas Anapausas nằm trên vách đá chênh vênh - Ảnh: George Papapostolou/Getty


Hệ thống vận hành cáp treo được các nhà sư sử dụng hàng ngày tại tu viện Great Meteoron - Ảnh: Gabriel/Flickr


Tu viện Roussanou - Ảnh: Sergey Novikov/Shutterstock


Làng Kalabaka trong ánh đèn đêm nằm bên dưới quần thể tu viện Meteora - Ảnh: Fotogrin/Shutterstock


Tu viện Nicholas Anapausas dưới bầu trời đêm đầy sao - Ảnh: George Papapostolou/Getty


Tu viện Roussanou ẩn hiện trong sương mù - Ảnh: Dimitrios Tilis/Getty

Chính vì sự độc đáo của Meteora nên địa điểm du lịch này được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1998 và đón hàng ngàn du khách viếng thăm mỗi năm.

Bộ sưu tập hình ảnh của The Atlantic giúp bạn đọc khám phá những kiến trúc cổ của tu viện Meteora trên những cột đá khổng lồ, còn nằm bên dưới là các ngôi làng và vùng nông thôn thanh bình.


Quang cảnh hùng vĩ xung quanh tu viện Roussanou - Ảnh: Marius Roman/Getty


Rực rỡ quang cảnh gồm lối đi bộ, cầu đá, sân khuôn viên và tiểu cảnh xung quanh quần thể tu viện Meteora - Ảnh: Photo Stella/Shutterstock


Làng Kalabaka bên dưới tu viện Roussanou - Ảnh: Feel Good Studio/Shutterstock


Valaam, tu viện lớn thứ hai ở Meteora - Ảnh: Gabriel/Flickr


Tu viện Chúa ba ngôi - Ảnh: Eguchi Naohiro/Shutterstock


Rực rỡ sắc màu cảnh mùa thu xung quanh quần thể tu viện Meteora - Ảnh: Richard Fairless/Getty


Tiết Canh Cua



TIẾT CANH CUA PHÚ QUỐC

Nghe tên thấy rất lạ “tiết canh cua”, nhưng đây là món ăn của đặc sản của người dân miền biển. Cua làm tiết canh nhất thiết phải là cua biển, nên lựa chọn những con nhiều gạch để món tiết canh cua của bạn mới ngon ngọt và đầy bổ dưỡng khi ăn.


Đặc sản tiết canh cua Phú Quốc

Người ta sẽ cắt chân cua, để tiết trăng trắng chảy ra và phải kiên nhẫn chờ cho đến khi nó chảy rỉ ra hết. Thường một đĩa tiết canh cua nho nhỏ, cũng cần đến vài con cua lớn. Người ta sẽ lấy riêng một con, luộc lên, rồi lấy thịt cua, ướp gia vị đễ sẵn ra đĩa. Những con cua còn lại được lấy tiết, rồi gạch cua đổ vào đĩa thịt cua ấy, chờ cho đến đông lại thành tiết canh.

Thưởng thức món tiết canh cua Phú Quốc sẽ có vị hơi là lạ nhưng lại vô cùng đặc biệt. Phần thịt cua mềm lẫn với tiết cua, cùng với vị ngọt béo của gạch cua tạo nên hỗn hợp mằn mặn mà lại hơi ngòn ngọt, ngon khó tả.

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2019

Đậu Phụ Nướng



ĐẬU PHỤ NƯỚNG
Nhà văn Quyên Di

pMỗi lần nhắc đến đậu phụ là tôi lại thấy xấu hổ đỏ cả mặt, cái xấu hổ của kẻ dốt mà cứ tưởng mình thông. “Đậu phụ,” mà bà con miền Nam kêu là “đậu hủ,” và ngay cả lối gọi “tofu” của người Mỹ đều là cách phiên âm hai chữ 豆腐.

Dốt là như thế này:

Bao nhiêu chục năm, cứ thấy ai gọi món đó là “đậu hủ” thì tôi lại cười thầm trong lòng. Tôi không dám cười ngoài mặt vì giữ lịch sự. “Phải gọi là “đậu hũ” chứ! Bà con miền Nam, miền Trung mình phát âm trật lất!”

Hoá ra là mình trật lất chứ không phải bà con mình trật lất. Tra chữ Hán mới biết “hủ” (腐) có nghĩa là cũ, là hư, là rữa nát. Cái món “đậu hủ” làm bằng đậu nành, phải đợi khi đậu rữa nát ra, lên men thì mới làm thành đậu phụ/đậu hủ/tofu/豆腐 được. Bố tôi là đông y sĩ, giỏi chữ nho, nhưng khi tôi còn bé, ông chỉ mới dạy tôi cây hoa dành dành gọi là sơn chi, cây hoa giun gọi là sử quân, hạt hoa giun gọi là sử quân tử thôi. Bố chưa dạy đến cái chữ “đậu hủ” này.

Thế nhưng khi nhắc đến đậu phụ, bên cạnh cảm giác xấu hổ, tôi lại thấy chan chứa một nỗi yêu thương. Nỗi yêu thương ấy từ rất lâu tôi đã giấu kín lắm, sâu lắm, tận đáy quả tim, thỉnh thoảng mới hé ra một tí cho chính mình dòm thấy rồi vội giấu lại ngay. Nỗi yêu thương ấy tôi dành riêng cho cô bạn nhỏ Minh Thu thuở thiếu thời.

Khi hồi cư Hà Nội, gia đình tôi đã sa sút rồi, không còn hiệu may âu phục Phúc Thành trên phố Tràng Tiền nữa. Bố tôi thuê một căn nhà ở phố Bạch Mai, mở hiệu thuốc và phòng mạch đông y kiếm sống. Cuộc sống vất vả nhưng chúng tôi cũng có chỗ ở êm ấm. Trước cửa nhà chúng tôi có một cây bàng cổ thụ, cành lá rườm rà làm thành một bóng râm lớn. Vào thu, lá bàng đổi màu đỏ ối. Một cơn gió thổi, những chiếc là bàng rụng xuống đầy đường phố. Buổi tối, có những đứa bé đi nhặt lá bàng, không biết chúng đem về để đốt, sưởi ấm hay để bán cho người ta.

Một ngày mùa thu, có cô trạc tuổi mẹ tôi, khuôn mặt đẹp nhưng hơi buồn, gõ cửa, xin gặp bố mẹ tôi. Họ nói với nhau những gì, tôi không biết, nhưng chiều hôm ấy cô này đem ra gốc bàng mấy cái ghế con, một cái chậu sành, bên trong đựng than hoa đỏ ối, một cái ràng sắt và một cái thùng gỗ đựng đậu phụ tươi. Cô dắt theo một cô bé trạc 6 tuổi, cùng tuổi với tôi. Hoá ra hai mẹ con có gánh hàng bán đậu phụ nướng.

Thấy hay hay mắt, tôi chạy ra cửa đứng xem. Đang khi bà mẹ xếp đặt “cửa hàng” thì tôi cứ ngẩn người ra nhìn cô bé. Cô người nhỏ nhắn, mặc một chiếc áo phin nõn, quần đen, đi đôi guốc mộc. Cô bé ngẩng lên, nhìn tôi, nhoẻn miệng cười. Chao ơi, đôi mắt ấy trong veo, sáng long lanh, tròng đen tròn, to như hai hạt nhãn. Miệng cười ấy đẹp như hoa, hai môi đỏ thắm mặc dù trời vào thu có gió lạnh thổi. Cô bé có làn da trắng hồng giống như mẹ. Tôi, chú bé con 6 tuổi, thấy lòng mình chao nghiêng.

Đang khi ấy thì mẹ tôi bước ra, đon đả nói với cô hàng đậu phụ nướng: “Bà chị hoa khôi cho tôi mở hàng mấy bìa đậu nào.” Cô ấy trả lời: “Được một vị nữ lưu xuân sắc như bà chị mở hàng thì chắc cửa hàng tôi đắt khách lắm đây.” Hai người chuyện trò với nhau bằng những ngôn từ, lời lẽ tôi chưa từng được nghe bao giờ.

Thấy tôi đứng lóng ngóng, “cô hoa khôi” vời lại, bảo: “Cậu ngồi xuống đây mà sưởi cho ấm kẻo gió lạnh lắm.” Thế rồi trong lúc cô và mẹ tôi chuyện trò với nhau, tôi ngồi xuống cái ghế con, sát bên cạnh cô bé. Tôi thấy ấm. Cô bé làm tôi ấm hay than hoa cháy đỏ làm tôi ấm, cũng không biết rõ. Tôi gợi chuyện: “Đằng ấy tên là gì?” “Em tên là Minh Thu.” “Tên hay quá nhỉ!” “Bố em cắt nghĩa “minh” là sáng. Em là mùa thu tươi sáng. Thế cậu tên là gì?” “Tôi tên là Chúc. Văn Chúc. Minh Thu có hiểu tên tôi nghĩa là gì không?” “Em chả hiểu.” “Bố tôi cắt nghĩa “chúc” là bó đuốc. Tôi là văn chương sáng như bó đuốc.” (Lúc cắt nghĩa như thế, tôi ra vẻ tự hào lắm. Càng lớn, nghĩ về cái tự hào trẻ dại ấy, tôi càng xấu hổ... Tôi viết mãi, viết mãi mà văn chương vẫn chưa bằng cái que diêm!)

Qua buổi chuyện trò hôm ấy và những lần về sau tôi mới biết “bà chị hoa khôi” tên là Kim Yến, đã một thời nổi tiếng người đẹp Hà thành. Đương nhiên Hà Nội có nhiều phụ nữ đẹp đài các, thanh lịch, quý phái và nền nã, nhưng trí óc thơ dại của tôi nghĩ rằng “đẹp đến cô hoa khôi Kim Yến là cùng.” Cô Kim Yến lập gia đình với một công tử lạc phách giang hồ, sinh ra Minh Thu. Vì hoàn cảnh, gia đình nhỏ bé ấy tản cư. Họ trôi giạt đến làng đạo Tử Nê ở Bắc Ninh. Gia đình tản cư này không những được giáo dân tốt bụng ở đây cưu mang mà còn được một gia đình dạy cho nghề làm đậu phụ, vốn là nghề riêng của gia đình ấy.

Hồi cư Hà Nội, cơ nghiệp cũ không còn, người chồng thất chí chỉ ngồi nhà uống rượu và chăm sóc mấy con chim yến. Còn “con chim” Kim Yến xinh đẹp thì xoay xở nhiều nghề vặt vãnh, cuối cùng đem cái gánh đậu phụ nướng ra gốc cây bàng trước cửa nhà tôi. Nhà họ ở cái ngõ gần đấy, sâu tận bên trong. Đi đâu, cô Kim Yến cũng đem cô con gái bé bỏng Minh Thu theo cùng.

Cái nghề làm đậu phụ học được ở Tử Nê đã nuôi sống gia đình nhỏ bé ấy. Cứ chiều tối, vừa khi gánh hàng được dọn ra là đã có khách đứng chờ mua đậu. Cô Kim Yến kê cái chậu sành than hoa đỏ ối vào một chỗ bằng phẳng, đặt cái ràng sắt lên trên, tay kia mở thùng gỗ, vớt ra từng bìa đậu đặt lên ràng sắt. Minh Thu thì cầm cái quạt nan phe phẩy, gió làm cho những hòn than đỏ rực lên, dần dần làm chín những bìa đậu bên trên. Minh Thu khéo tay lắm, một tay phe phẩy quạt, một tay lâu lâu lấy đũa tre lật từng bìa đậu cho chín đều cả hai mặt. Khéo hơn nữa là Minh Thu biết nướng đậu theo ý khách. Có những vị khách muốn cạnh bìa đậu cháy xém một tí, cho vị nó “mạnh” hơn khi đưa miếng đậu vào miệng, Minh Thu làm được cả. Nhiều lần tôi thấy những ông khách âu phục vét-tông, ca-vát chỉnh tề dừng lại gốc bàng mua mấy bìa đậu phụ nướng. Các ông xuýt xoa khen “con bé” nướng đậu khéo, thưởng thêm tiền. Có những ông hào phóng cho Minh Thu số tiền thưởng còn nhiều hơn gấp hai, gấp ba giá mấy bìa đậu.

Cô Kim Yến thì đặt những bìa đậu vừa nướng xong lên cái mẹt con, trong lòng có lót lá chuối, kèm thêm một đĩa nhỏ mắm tôm, miếng chanh, quả ớt chỉ thiên đỏ chói và mấy ngọn kinh giới xanh ngắt. Mùi đậu nướng thơm ngậy, lan toả trong không gian. Cái thơm dâng cao đến ngọn cây bàng và lan xa đến tận đầu phố. Khách đứng, ngồi thưởng thức những bìa đậu thơm và nóng ấy, đang khi gió lạnh thổi về, cảm thấy ấm áp cả thân thể lẫn cõi lòng. Ai không ăn tại chỗ thì cô Kim Yến dùng cái que dài xiên dọc theo bìa đậu, lấy mắm, rau, chanh, ớt, gói tất cả vào tấm lá chuối rồi đưa cho khách.

Chiều nào tôi cũng ra xem mẹ con cô Kim Yến nướng đậu. Xem thì ít mà để ngắm cô bạn nhỏ thì nhiều. Một lần thấy Minh Thu bận luôn cả hai tay, tôi thương quá, mới nói: “Minh Thu để tôi giúp cho một tay. Tôi quạt, còn Minh Thu thì lật đậu nhé.” Minh Thu nhìn tôi một cách trìu mến và có vẻ biết ơn. Cô bé đưa cái quạt nan cho tôi, dặn dò: “Cậu quạt nhè nhẹ thôi, mà phải quạt đều tay nhé. Mỏi thì đưa quạt lại cho em.” Tôi thực tập, lúc đầu còn vụng về, càng về sau tôi càng quạt thạo đáo để. Vừa quạt tôi vừa nhìn cô bạn nhỏ. Ngồi gần lò than nóng, khuôn mặt Minh Thu đỏ hồng, nhất là hai gò má. Minh Thu ơi, sao Minh Thu đẹp thế!

Từ đấy, tôi trở thành “phụ bếp” cho gánh đậu phụ nướng.
Để trả công tôi, thỉnh thoảng mẹ con cô Kim Yến nướng vài bìa đậu đặc biệt, đem vào nhà cho bố tôi xơi. Bố tôi lại còn thích món đậu để mộc, còn tươi, không nướng, chỉ chần qua nước sôi rồi ăn ngay. Miếng đậu chắc, bốc hơi thơm nhè nhẹ mà lại nồng nàn. Bố tôi bảo: “Bẻ bìa đậu này, thấy nó chắc, không nhão mà cũng không cứng. Cứ ngỡ đậu làng Mai Động thì không còn đâu sánh bằng. Nào ngờ đậu của cô Kim Yến cũng không thua sút. Quệt một tí mắm tôm đã vắt chanh, ngắt mấy lá kinh giới, cắn quả ớt đỏ như son, tất cả cho vào miệng mà cùng ăn một lúc, nó ngon không thể tả được.” Thỉnh thoảng, bố tôi cao hứng, nhắm đậu phụ nướng, đậu phụ mộc với một cút rượu trắng. Lúc ấy bố tôi trông hạnh phúc lắm. Ông ngâm mấy bài thơ Đường “Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi” và “Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên” nghe đến là hay, mặc dù tôi chả hiểu là gì cả.

Bố tôi không bao giờ để cho mẹ con cô Kim Yến bị thiệt. Sau bữa nhắm, không bao giờ ông quên đưa mấy đồng tiền cho tôi đem ra trả cho cô Kim Yến... Còn mẹ tôi, thấy tôi quyến luyến Minh Thu quá thì trêu: “Thôi, cậu mợ cho con làm con nuôi cô Kim Yến nhé... Chiều nào con cũng được nướng đậu, con lại được chơi với Minh Thu suốt ngày.” Tôi xấu hổ quá, dụi đầu vào ngực mẹ: “Ứ, ừ… Chúc chả thích đâu. Minh Thu có sang đây làm con nuôi cậu mợ thì sang…”

Một ngày chớm thu năm 1954, gia đình tôi di cư vào Nam. Buổi chiều hôm trước, mẹ con cô Kim Yến vẫn dọn gánh đậu phụ nướng ra gốc cây bàng. Cô và mẹ tôi nói thì thầm cái gì với nhau rồi tôi thấy hai người ôm nhau, khóc lặng lẽ. Tôi cầm tay Minh Thu. Em nhìn tôi và chảy nước mắt. Tôi cũng chảy nước mắt. Trong một phút táo bạo, tôi hôn lên má em. Em để yên không phản đối.

Vào Nam, gia đình tôi tình cờ ở chung xóm với một gia đình Công giáo gốc Tử Nê, Bắc Ninh. Giáo dân xứ đạo này di cư vào Nam khá đông. Họ tụ họp ở Giồng Ông Tố, trở lại nghề sản xuất đậu phụ. Cái gia đình người Tử Nê mà chúng tôi quen thỉnh thoảng lại sang Giồng Ông Tố thăm họ hàng. Lúc về, họ luôn luôn cho gia đình tôi những bìa đậu phụ thơm tho. Một lần tôi nghe mẹ tôi hỏi chuyện gia đình ấy về cô Kim Yến. Họ nói là có nhớ cô này, nhưng sau khi gia đình cô hồi cư Hà Nội, họ không còn được tin tức gì nữa.

Không còn dấu tích cô Kim Yến. Cũng không còn chút dấu tích nào của cô bạn nhỏ Minh Thu. Nhưng hình ảnh Minh Thu và những bìa đậu phụ nướng, cả đôi mắt trong veo, tròng đen tròn to như hạt nhãn của Minh Thu lẫn mùi thơm của đậu phụ nướng, tôi đã cất rất kỹ trong đáy quả tim tôi. Bây giờ tất cả vẫn còn đấy, lâu lâu tôi mở ngăn tim, dòm một tí rồi lại lặng lẽ cất đi.

Quyên Di