Chủ Nhật, 17 tháng 9, 2017

Bách Niên Giai Lão




Đã “bách niên” rồi mà “cái ấy” chẳng có vẻ gì là “giai lão”, vẫn cứ phơi phới đương xuân, hình như lại có vẻ là “giai tân” cơ đấy.  Không như Hippie, bộc phát trong năm ba năm; lây lan trong mươi, mười lăm năm; rồi lụi tàn sau hai mươi năm: đến nay chỉ còn rơi rớt lại vài tàn tích.  Lại cũng chẳng như Punk, ào ào lan ra toàn thế giới trong vòng một, hai năm; sau năm năm thì yếu xìu, và sau mười năm thì âm thầm dẹp tiệm. Ngay cả những phong trào thanh thiếu niên “đỏ”, được các chính phủ “đỏ” nuôi nấng, bồi dưỡng biết bao nhiêu, cũng chỉ tồn tại theo kiểu “đỏ” của cái sinh ra chúng. Cũng là một trong những phong trào tuổi trẻ lan rộng, nổi đình nổi đám trong thế giới tự do, nhưng “cái ấy”, the Scouting Movement - Phong trào Hướng Đạo, đã bứt xa những phong trào kia, và vững vàng vượt qua thử thách một trăm năm.

Thử nhìn qua một phát, nhìn sâu một hồi xem vì sao phong trào Hướng Đạo, sau hơn 100 năm, vẫn còn hấp dẫn được tuổi trẻ, chinh phục được tuổi sồn sồn, và thấm thía được tuổi già ở hầu hết khắp nơi trên thế giới?  

Phong Trào Hướng Đạo là ngọn gió có định hướng. Cứ như ở Việt Nam ta, theo những chu kỳ tuần hoàn của thiên nhiên, mà chúng ta thường gọi là ông Trời, gió Nồm thì cứ đúng mùa là thổi về từ hướng Đông Nam, gió Bấc thì cứ theo hướng Tây Bắc.  Con người nương theo những định hướng này mà tổ chức cuộc sống: canh tác, đánh bắt tôm cá, và ngay cả tập luyện quân sự, chống giặc xâm lăng.

Hướng Đạo là ngọn gió do con nguời định hướng cho nhiều người cùng nương theo: làm tròn bổn phận đối với chính mình, với con người, đất nước, và với Đất Trời thiêng liêng.  Kèm theo ngọn đuốc định hướng đó còn có những lời hứa, những điều luật như là những nấc thang, những thành vịn, nhằm nâng đỡ bước chân, dìu dắt bàn tay những người đến với, ở trong, và phục vụ phong trào.

Những ngọn gió không định hướng, không cơ cấu tổ chức, những cuồng phong, thì có thể ào ào nổi dậy và ầm ầm, hoặc lặng lẽ, ra đi, không làm mát rượi lòng người, không giúp hoa đưa hương gửi phấn để sinh cây kết trái, mà chỉ tàn phá đi những gì con người và thiên nhiên xây dựng.

Phong Trào Hướng Đạo là ngọn gió uyển chuyển. Phát sinh từ 1907, khởi đi từ châu Âu, chứng kiến hai trận Thế Chiến, trải qua chiến tranh ý thức hệ, rồi chiến tranh khủng bố, các cuộc cách mạng kỹ thuật, các trận khủng hoảng rồi phục hưng kinh tế, các biến đổi to lớn về môi sinh và nhất là về tâm lý, lối sống của con người, mà Hướng Đạo đã phát triển đến hầu hết khắp nơi, tồn tại và phát triển vững chắc.

Khả năng thích ứng với môi trường, tháo vát trước khó khăn, óc tổ chức, tài lãnh đạo, kỹ năng mưu sinh, thoát hiểm, niềm tin ở mình, ở người và ở đất trời, là những yếu tố căn bản.  Morse code, Semaphore, nút dây, radio, la bàn của thời trước, rồi GPS, computer, internet của thời này là những phương tiện phong phú mà Hướng Đạo nhanh chóng, khéo léo nắm bắt để kịp thời sử dụng cho mục đích giáo dục tuổi trẻ, phục vụ tha nhân.

Người Hướng Đạo đã thông minh, nhanh nhẹn hiểu rằng không thể đóng khung trong những lời nói của Baden-Powell (BP) mà điều động phong trào, mà phải mang cái tinh hoa trong ý tưởng của BP ra để triển khai và mang phong trào đến được thật nhiều người, với tất cả những ai có khả năng đón nhận.  Thật tức cười và phi lý nếu ai đó muốn đóng khung và nhốt chữ nghĩa của BP lại trong cũi, gửi đến cho một em trai ở xứ Trung Đông hoặc một em gái ở Sydney để em đồng ý với “ông già Ăng-Lê” già hơn em 100 tuổi rằng “một trong những kỳ quan của thế giới là quyển thánh kinh”, hoặc Hướng Đạo là cho con trai thôi (Scouting is for boys).  Các em HĐS thông minh, và được sự hướng dẫn khôn khéo  của các trưởng và gia đình sẽ hiểu ngay và đồng ý với BP rằng một trong những diệu kỳ  của thế giới là niềm tin tâm linh và đối tượng của Hướng Đạo là tuổi trẻ (Scouting is for youth.)

Trại Đồng Tâm

Thử nhìn riêng về phong trào Hướng Đạo của người Việt Nam.  Cũng sinh ra trong phong ba và lớn lên trong bão táp, từ thời thực dân đô hộ, trải qua kháng chiến, rồi chia đôi đất nước, rồi nội chiến ý thức hệ, những chuyến di cư trên đất ta, những làn di tản đến xứ người, gần 100 năm, Hướng Đạo Việt Nam cũng “vẫn còn đây”.  Vẫn là niềm vui, niềm tin, điểm tựa, là nhịp cầu nối kết giữa quá khứ với tương lai, giữa người lớn và người trẻ Việt Nam.

Được như thế, có phải chăng chính là nhờ ở các trưởng, các anh, các chị, các em của chúng ta đã biết mau lẹ dùng chiếc máy cày thay thế cho con trâu, rồi không ngần ngại tập dùng máy cày điều khiển bằng vi tính thay thế cho máy cày cơ khí, nhanh nhẹn học cách lắp ráp hệ thống ống nước phun tưới theo giờ cho chiếc gàu dai, gàu sòng, không e sợ ghép hạt, chiết cành.  Thế nên trên bất cứ con trâu và chiếc gàu, anh chị em chúng ta đâu có vứt đi; chúng ta biết lưu giữ để dùng ở những hoàn cảnh chưa cho phép máy cày, ống nước, để làm kỷ niệm cho một thời kỳ phát triển mà ta đã trải qua.

Thử hỏi nếu anh chị em chúng ta khi hướng dẫn Đoàn trên đất mới, thời đại mới, cứ khư khư đóng khung trong những phương thức, mô hình mà chúng ta biết được từ vài mươi năm về trước ở quê nhà xa xôi, mà không linh động trong chương trình, uyển chuyển trong hình thức sinh hoạt, thì sự tự đào thải, bị bỏ lui, cô lập, tách rời với những luồng gió đang cùng lướt tới sẽ là đương nhiên. 

Cảm ơn các Trưởng, các anh chị em trong phong trào Hướng Đạo Việt Nam, những người đã hiên ngang đón nhận cơ hội mới để chuyển tải lý tưởng BP đã vạch ra; đã không e dè canh tân chiếc máy cày cũ kỹ để canh tác mảnh đất tâm hồn tuổi trẻ có hiệu quả hơn; đã mạnh dạn cắt xén những cành lá rườm rà để vun đắp cho các gốc cây trong khu vườn Hướng Đạo được vững chắc; đã không ngần ngại biến thân mình thành một nhịp cầu, để đến, học hỏi, nghe và nói cùng tần số với các em, làm việc cùng nhịp điệu với các thế hệ tương lai, nối kết quá khứ với ngày mai vĩnh cửu...

Hoàng Quốc Yên


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét