Thứ Hai, 30 tháng 8, 2021

Trường Thi Chôn Nhau Cắt Rốn Đoạn 16

Trường Thi CHÔN NHAU CẮT RỐN Đoạn 16

SỰ TÍCH ĐÈO QUÁN CAU.

Thời phương tiện giao thông còn đi xe ngựa hoặc đi bộ thì đèo Quán cau là một chướng ngại, nên thường trước khi trèo đèo lữ khách phải nghỉ chân dưỡng sức. Lúc đó có một thiếu phụ ( không biết từ đâu đến và cũng chẳng biết sau này về đâu ) dựng một quán nhỏ bán nước và trầu cau cho lữ khách qua đường. Tên Đèo Quán Cau ra đời từ đó.

HUỲNH DUY PHỐI 23 - 8 - 2021

Trân trọng

NHHN 




Những Tấm Lòng

 



Ảnh Hưởng Của Đạo Phật Trong Đoạn Trường Tân Thanh - Phần Một


 


ẢNH HƯỞNG ĐẠO PHẬT TRONG ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH
Thầy Dương Anh Sơn


PHẦN MỘT - VỀ NGUYỄN DU

 CHƯƠNG I

NGUYỄN DU VÀ TÁC PHẨM 

Đáng lẽ nhan đề chương này phải đặt một cách rõ nghĩa là “Tiểu sử về Nguyễn Du”, nhưng con đường cũ giờ đây đã mờ dấu, có chăng vài vết tích lạc lõng không đủ để xác nhận hình bóng người xưa. Căn cứ vào huyền thoại, vào các sử liệu đáng tin cậy… để vẽ lại cuộc đời một thi sĩ cũng chỉ là những công trình và những cố gắng dựng lại một chân dung đã phôi pha quá nhiều. Thành thử, chúng ta chỉ nói về, bàn về hành trạng và thân thế Nguyễn Du trong chiều hướng tìm lại ít nhiều cuộc đời tiên sinh đã ảnh hưởng và phô diễn trong những tác phẩm để lại. Cạnh đó, công việc tìm hiểu này sẽ nhắm đến chân trời tư tưởng của Tố Như, trong đó cuộc đời và đạo Phật có những tương quan như thế nào, liên hệ ra sao? Nguyễn Du tiên sinh đã chịu ảnh hưởng đạo Phật hay là đạo Phật đã là một nguồn sống đối với thi sĩ? Các câu trả lời sẽ được xác minh ngay trên những tác phẩm của tiên sinh được lưu truyền cho đến ngày nay qua hai mục:

- Điểm thứ nhất: Tìm hiểu thân thế và hành trạng Nguyễn Du.

- Điểm thứ hai: Sẽ bàn về ảnh hưởng đạo Phật qua các tác phẩm chữ Hán và chữ Nôm của Tố Như.  


MỤC 1: THÂN THẾ VÀ HÀNH TRẠNG 

TIẾT 1:  THÂN THẾ

Tác giả Đoạn Trường Tân Thanh húy là Nguyễn Du (阮攸), tự là Tố Như Tử (素如子), hiệu là Thanh Hiên (清軒), lại có biệt hiệu là Hồng Sơn Liệp Hộ (鴻山獵) và Nam Hải Điếu Đồ (南海釣徒). Tiên sinh quán làng Tiên Điền, tỉnh Hà Tĩnh, sinh năm Ất Dậu (1765), niên hiệu Lê Cảnh Hưng thứ 26. [1]

Thân mẫu tiên sinh là bà Trần Thị Tần, người huyện Đông Ngạn, trấn Kinh Bắc. Thân phụ là cụ Nguyễn Nghiễm (阮儼) đậu Hoàng giáp tiến sĩ, làm quan đến chức Đại tư đồ, tước là Xuân quận công. Anh cả của tiên sinh là Nguyễn Khản (阮侃), đồng tiến sĩ xuất thân, làm Lại bộ thượng thư, sung chức tham tụng ở triều đình với thân phụ. Anh thứ là Nguyễn Điều (阮條), đậu Hương cống, sung chức Trấn thủ Sơn Tây, tước Điền nhạc hầu, thuộc đời Lê Cảnh Hưng. Ngoài ra, các anh em khác và họ hàng đều là những người có khoa hoạn nức tiếng khắp nơi, đến nỗi có câu ca dao miền Nghệ Tĩnh: “ Bao giờ ngàn Hống hết cây, sông Rum hết nước, họ này hết quan ”.

Nguyễn Du mồ côi cha năm 10 tuổi (1775) và ba năm sau mất bà thân (1778). Tiên sinh về ở với Nguyễn Khản và có lẽ đã thụ giáo trực tiếp với người anh này.

Một số tài liệu gần đây [2] cho biết, sau khi thôi học với các anh trong nhà. Nguyễn Du tiên sinh lại tiếp tục với cụ Nguyễn Hành, quán xã Nguyệt Ao, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn,  tỉnh Hà Tĩnh, đỗ tiến sĩ khoa Giáp Dần (1734) đời vua Lê Thuần Tông năm thứ 3, sau cụ Nguyễn Nghiễm một khoa. Cụ Nguyễn Hành từng làm quan đến chức Án Sát tỉnh Thái Nguyên, sau cụ cáo quan về quê mở trường dạy học, đào luyện được nhiều nhân tài. Hai học trò nổi tiếng của cụ là Nguyễn Thiếp tự Hạnh An, hiệu La Sơn Phu Tử và Nguyễn Du tiên sinh.

Tiên sinh được học chữ Nho từ 6 tuổi, thiên tư vốn thông minh lại ham xem sách, không những đọc sách Nho mà các sách Phật, Lão, binh thư cũng để tâm đến. Ngoài tài học rộng văn hay, chữ tốt, tiên sinh cũng theo đuổi các môn như cầm, kỳ, thi, họa, cũng như am tường võ nghệ quyền thao nữa. Theo truyền thuyết, bình sinh tánh tình tiên sinh điềm đạm, chuộng sự yên tĩnh, thích tư lự hơn là nói năng. Nguyễn Du được 19 tuổi, đi thi Hương, khoa Quí Mão (1783), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 44, đậu Tam trường (khoa Giáp Thìn, trường Sơn Nam) và chứng kiến gia đình ly tán mỗi người một ngả khi loạn kiêu binh nổi lên ở kinh đô, lấy danh nghĩa phế con trưởng Trịnh Sâm là Trịnh Khải, vì Trịnh Sâm mất đã lập di chúc bỏ con trưởng, lập con thứ là Trịnh Cán, con của Tuyên phi Đặng Thị Huệ. Đồng thời bấy giờ tướng quân Tây Sơn khởi đánh Phú Xuân. Đến năm 1786, Tây Sơn đã chiếm được các phần đất của chúa Nguyễn rồi kéo thẳng ra Bắc hà. Trịnh Khải không cậy vào quân Tam Phủ được nên chạy trốn, rồi bị bắt nộp cho quân Tây Sơn. Trong những giai đoạn biến động này, cửa nhà của Nguyễn Khản, anh Nguyễn Du đều bị tan nát. Năm 1789, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ thống lãnh lại tiến ra Bắc hà lần nữa đại phá quân Thanh, bình định lại vùng đất cựu trào này. Nguyễn Du lui về quê vợ, nương thân ở xã Quỳnh Côi, huyện Hải An, Thái Bình và ở đó khoảng 10 năm sống đời ẩn dật tại núi Hồng Lĩnh, vui thú săn bắn, thả câu. Danh xưng Hồng Sơn Liệp Hộ (kẻ săn bắn núi Hồng) và Nam Hải Điếu Đồ (kẻ chài ở miền Nam) có từ lúc này. Và đây cũng là thời kỳ được xem như biến chuyển nhất trong việc hình thành tư tưởng của ông thể hiện qua các thi ca để lại. Trước đó, theo truyền thuyết, Nguyễn Du cũng đã bôn ba mưu việc khôi phục nhà Lê, nhưng việc không thành, mặc dầu lúc ấy anh thứ là Nguyễn Nễ đã cùng một số cựu thần nhà Lê chịu ra làm quan với Tây Sơn. Ông cũng đã có lần mưu tính vào Gia Định để giúp Nguyễn Ánh nhưng việc bại lộ, tướng Tây Sơn trấn thủ Nghệ An là Nguyễn Thận đã bắt giam ông tại Nghệ An ngót ba tháng trời. Về sau, phần vì mến tài, phần có chỗ giao tình với Nguyễn Nễ nên đã tha ra (1796).

Nhưng rồi thế cuộc thêm một lần đổi thay nữa, khoảng năm 1800, Nguyễn Ánh nhân cái chết của Quang Trung Nguyễn Huệ và nội bộ lủng củng của triều Tây Sơn, đã dần dần tiến chiếm Bình Định ra tới Phú Xuân, rồi lấy Bắc hà xong vào tháng 6 năm Nhâm Tuất (1802). Nguyễn Ánh lên ngôi lấy hiệu là Gia Long và xuống chiếu trưng triệu những cựu thần nhà Lê, trong đó có Nguyễn Du. Sau nhiều lần từ chối không được, bất đắc dĩ ông phải ra làm quan với nhà Nguyễn để khỏi bị phiền lụy. Tháng 8 năm Gia Long nguyên niên, ông được bổ làm tri huyện Phù Dung, thuộc trấn Sơn Nam, qua đến tháng 11 thì thăng tri phủ Thường Tín. Năm Giáp Tỵ (1804), Nguyễn Du tiên sinh được cử lên ải Nam Quan để nghênh tiếp sứ nhà Thanh sang sắc phong cho Gia Long. Xong việc, ông cáo bệnh về quê nhà, nhưng chỉ được hơn một tháng trời thì có chỉ triệu về kinh. Sau đó, ông được thăng chức Tham Tri, hàm Đông Các học sĩ và được phong tước Du đức hầu.

Đến năm Kỷ Tỵ (1809), ông được bổ giữ chức cai bạ ở Quảng Bình, nổi tiếng là chính sách giản dị được sĩ dân yêu mến. Niên hiệu Gia Long thứ 12 (1813), ông lại xin nghỉ về quê (tháng 9), rồi đến tháng chạp lại bị triệu dụng về kinh thăng Cần chánh điện học sĩ và được cử làm chánh sứ sang triều Thanh tuế cống. Mất ngót hơn 13 tháng, từ tháng 2 năm Quý Dậu (1813) đến tháng 4 năm Giáp Tuất (1814), ông mới trở về nước. Trên đường đi sứ sang Trung Hoa, ông đã có dịp chứng kiến nhiều điều mới mẻ, cũng như là nhiều cơ hội để tư tưởng của ông được bồi dưỡng và thực chứng những thắc mắc lo nghĩ trong tâm từ bao lâu nay.

Sau khi được nghỉ 6 tháng ở quê, năm sau ông được thăng chức Lại bộ hữu tham tri. Qua đến năm Minh Mạng nguyên niên (1820), lại được cử làm chánh sứ sang Trung Hoa cầu phong, nhưng chưa kịp lên đường thì bị bệnh mất ở kinh vào ngày mồng 10 tháng 8 Canh Thìn (1820), thọ 56 tuổi.


TIẾT 2 :  HÀNH TRẠNG

Bên cạnh những nét chính yếu về cuộc đời của Nguyễn Du ở trên, chúng ta sẽ đề cập đến một vài sự kiện. Vài giai thoại có liên quan ít nhiều trong việc phác họa và tìm lại chân dung tiên sinh; đồng thời qua đó tìm hiểu sự hình thành tư tưởng của ông.

Thực vậy, tư tưởng của Tố Như tiên sinh, nói một cách chung đã được hình thành một phần do sự thực chứng của tiên sinh nơi dòng đời biến chuyển. Ngay từ khi bước vào đời qua con đường loạn ly, tiên sinh đã được chứng kiến và tham dự trong bao cảnh đổi thay liên tiếp gây ra bởi sự tranh giành quyền lợi, tranh ngôi đổi chủ xảy ra khắp nơi. Cả một gia đình tiên sinh êm ấm bỗng chốc ly tán vì sự nổi loạn của quân Tam Phủ. Cạnh đó, nạn kiêu binh cũng khởi đầu cho cảnh loạn lạc, phá vỡ trật tự nơi chốn triều nghi và bao nhiêu nỗi đau thương khác nữa cho dân chúng. Tiếp đến, khi quân Tây Sơn ra Bắc hà dứt nhà Trịnh, vua Lê cũng gây nên bao cảnh thương tàn, xâu xé nơi nơi. Có thể nói rằng chưa bao giờ trong lịch sử đất nước đã xảy ra cảnh binh đao, chinh chiến và tranh chấp quyền lợi một cách hỗn tạp như lúc này.

Trước cảnh tượng đau lòng như thế, nhà thơ đã nảy sinh mối thương tâm cảm khái không thôi. Để rồi trong giai đoạn lưu lạc, lui về quê nhà tìm vui nơi săn bắn, ngao du sơn thủy, tiên sinh đã thức ngộ phần nào trước những câu hỏi đặt ra từ cuộc đời và bức tranh vân cẩu tang thương đó. Đây là giai đoạn có thể xem là quan trọng trong việc hình thành tư tưởng của tiên sinh, những văn thơ để lại đã xác định hành trạng của tiên sinh trong những lúc ẩn dật này (Ký Hữu, U Cư, Mạn Hứng, Sơn Cư, Tự Thán, Ngọa bệnh, Sơn Thôn… trong “Thanh Hiên Thi Tập”). Hầu như tiên sinh luôn mang tâm trạng bi quan, băn khoăn giữa hai quan niệm “dấn thân” vào chốn quan trường và “thân ngoại vật”.

Ná đắc khiêu ly phù thế ngoại,

Trường tùng thụ hạ tối nghi nhân

(Sơn thôn)

  

     

(山村)

(Nhiều khi muốn rời bỏ đường trần tục

Dưới cội tùng làm người hóng mát thì phù hợp hơn)


Tạm chuyển lục bát:

Mong sao thoát khỏi lụy trần,

Gốc tùng ngồi mát vô cùng sướng vui.

Hoặc:

“Hà năng lạc phát quy lâm khứ,

Ngọa thính tùng phong hưởng bán vân.”

(Tự thán kỳ nhị)

 

        

        

(自嘆)

(Nếu có thể gọt tóc vào rừng,

Nằm nghe gió thổi tùng reo lưng chừng mây)

 

Tạm chuyển lục bát:

Những mong gọt tóc vào rừng,

Nằm nghe thông lộng  nửa chừng trời mây. 

“… Phù lợi vinh danh chung nhất tán,

Hà như cập tảo học thần tiên”

(Mộ Xuân Mạn Hứng) [3]

 

( )

 

Tạm chuyển lục bát: 

Rốt cùng danh lợi cũng tan,

Sao bằng sớm học đạo thần tiên kia.

Danh lợi phù du rốt cùng cũng tan tành, sao bằng kịp thời học đạo thần tiên. Và có lẽ trước sự giằng co như thế, trong những năm tháng ở núi Hồng sông Lam, tiên sinh đã có dịp tìm câu trả lời và chọn cho mình một con đường để tiến bước, không những cho thời kỳ ẩn dật ở đây mà cả mai hậu nữa. Phải chăng đó là hàm ý mà tiên sinh đã hướng đến trong Đoạn Trường Tân Thanh: 

“Từ rày khép cửa phòng thu  (c.3107)

Chẳng tu, thì cũng như tu mới là”.

              

Một số tài liệu gần đây cũng cho thấy tâm trạng của tiên sinh ở giai đoạn này xuyên qua các câu đối để ở thảo xá dựng ở rừng sâu. [4]

 

“Vong bần cánh hảo yên bần hảo,

Đại ẩn lương nan tiểu ẩn nan”

 

 

Nghĩa là: Quên cái nghèo là tốt, vui cái nghèo cũng tốt.

Làm người đại ẩn rất khó, mà làm người tiểu ẩn cũng khó.

và:

“Thử giang sơn vạn đại trường tồn, nhựt lâm nguyệt chiếu.

Dữ thảo thụ quần sinh cộng lạc, đông khứ xuân lai”.

 

此 江 山 萬 代 長 存,日 臨 月 照 

與 草 樹 群 生 共 樂,東 去 春 來


Nghĩa là: 

Giữa non sông muôn thuở vững bền, nhựt nguyệt đôi dòng soi dọi.

ùng cây cỏ muôn loài vui sống, đông xuân mấy độ đổi thay.

Nhưng giang sơn bấy giờ thay ngôi đổi chủ, chìm đắm trong tao loạn; ý nguyện của tiên sinh rốt cùng chỉ là những ước vọng và là giấc mơ của một cõi miền nào đó mà thôi. Dù sao chăng nữa, qua các bài thơ làm khi ở dãy núi Hồng sông Lam này và trong những bước ngao du đây đó, cũng cho thấy phần nào phong thái của tiên sinh. Nó đánh dấu thời kỳ tư tưởng tiên sinh đang có một sự chuyển hướng quan trọng và đầy rẫy những âm hưởng của đạo thiền. Trong đó có con người nghệ sĩ Tố Như đã có dịp gần gũi với thiên nhiên, với vạn vật, truy nhận cái tâm và lắng mình trong niềm vui thanh thoát  của lẽ đạo [Ký Hữu, Đạo Ý, Ngọa Bệnh, Tạp Ngâm, Tạp Thi, Ngẫu Hứng…(Thanh Hiên Tiền Hậu Tập)].

Thế rồi, những tháng ngày xuân “nghêu ngao vui thú yên hà” cùng với “mai là bạn cũ hạc là người quen” [5] cũng qua đi, “phường săn ở núi Hồng”(Hồng Sơn liệp hộ) và “kẻ chài ở biển Nam” (Nam Hải điếu đồ) đành phải gác bỏ cuộc đời ẩn dật dù chịu nhiều khổ cực, nghèo túng và bệnh hoạn liên miên nhưng phóng khoáng tự do để ra làm quan nhà Nguyễn. Cuộc sống quan trường của tiên sinh tuy hanh thông, được sĩ dân yêu mến, vua trọng dụng, nhưng có những chỗ khe khắt hiềm tị khiến ông thường buồn rầu, ít nói, ít tham dự vào bàn bạc quốc sự. Mặt khác, có lẽ một phần do tính điềm đạm, thích trầm tư mặc tưởng, không thích khoe khoang, chuộng đời sống giản dị nên tiên sinh khó hòa mình vào chỗ ồn ào náo nhiệt của đời sống quan cách được. Ngoài 30 tuổi, đầu tóc của tiên sinh do việc lo nghĩ luôn nên đầu tóc đã bạc (Tự thán, Mạn hứng/Thanh Hiên Thi Tập), lại hay tìm đọc sách chẳng những của Nho, mà còn của Lão, Phật nữa. Tánh tình của tiên sinh một phần nào đó có lẽ do sự thấm nhuần triết lý của các loại sách này. Một bộ Kinh Kim Cương của nhà Phật, tiên sinh cũng đọc hơn cả ngàn lần (Lương Chiêu Minh Thái Tử Phân Kinh Thạch Đài/Bắc Hành Tạp Lục) đã cho thấy sự am tường hiểu đạo của tiên sinh dù trên phương diện tri thức. Do đó, bên cạnh công việc của một người ra làm quan thì sách vở là bạn hữu thân thiết nhất của tiên sinh mà thôi.

Tương truyền trong thơ phòng, tiên sinh đã đề một câu đối được nhiều người biết đến sau đây:[6]  

“Nhất chức bất hiềm ti, chỉ vị mễ ngũ đấu chiết yêu, dụy dụy tiến, nặc nặc thối.

Bán sinh không hạo tưởng, yêu đắc hạ vạn gian tí sĩ, lạc lạc hậu, ưu ưu tiên.

 

一職不嫌卑,只為米五斗折腰,唯唯進,諾諾退。

半生空浩想,要得厦萬間庇士,樂樂後,憂憂先      

                                       

Xin tạm lược dịch:

Một quan chức chẳng nề chức nhỏ nhen, chỉ vì năm đấu gạo phải uốn cong tấm lưng, dạ dạ lên, vâng vâng xuống.

Nửa đời người không tưởng việc to tát, sao được vạn gian nhà để chở che kẻ sĩ, lo lo trước, vui vui sau.  

Phải chăng tâm trạng của tiên sinh trong thời kỳ này cũng chất chứa nhiều lo nghĩ, việc to lớn của tiên sinh thường băn khoăn là làm thế nào để cho kẻ sĩ luôn luôn được yên tâm, không lo lắng trước công danh, cơm áo hầu giữ được tiết tháo của người quân tử. Cái lo của kẻ thức thời sĩ khí phải đi trước cái lo của kẻ khác và chỉ hưởng niềm vui sau khi đã hoàn thành chức trách của mình vậy. Qua đó, chúng ta cũng nhận ra được phần nào quan niệm xử thế của tiên sinh khi ra làm việc cai trị. Câu phê bình “chính sự giản dị sĩ dân yêu mến” không phải là câu nói bỗng dưng mà tiên sinh được ban tặng vậy. 

Ngoài ra, sống trong chốn quan trường, tiên sinh đã thấu hiểu sự mất mát của thời “nghêu ngao” và còn giữ được tiết khí của mình: 

“Thái phác bất toàn chân diện mục     (Ký Hữu)[7]

      (寄友)

 

Và nếu “Viên ngọc phác không giữ được gương mặt đích thực của mình” thì cảnh vật bên ngoài vẫn tịch tĩnh như từ thuở nào. Cảnh vật thay đổi hay lòng người thay đổi?! 

“Nhân tự tiêu điều xuân tự hảo

(Xuân tiêu lữ thứ) 1

 

 

(春宵旅次)

 hoặc :

“Niên niên thu sắc hồn như hử

Nhân tại tha hương bất tự tri

(Giang đầu tản bộ, Kỳ nhất)[8]

 

  

(江 頭 散 步)

 

“Người riêng buồn bã, riêng xuân vẫn tốt tươi”

“Năm đi năm lại sắc thu vẫn hồn nhiên như thuở nào, người nơi đất khách không tự biết mà thôi.”

 

Tạm chuyển lục bát: 

Sắc thu vẫn thế mỗi năm

Quê người khách có biết chăng nỗi mình. 

Tuy nhiên những băn khoăn lo nghĩ của tiên sinh trong các giai đoạn trên chỉ là mối ưu tư của bậc thức giả . Phải đợi đến khi chịu mệnh đi sứ tuế cống bên Tàu thì những điều đó mới kiểm chứng một cách xác thực. Đồng thời, đây mới là cơ hội giúp cho tư tưởng của tiên sinh khai mở và thức ngộ sau bao năm tháng đầy rẫy mối tư lự giữa sự ngổn ngang của sách vở cũng như bao cảnh tượng khổ đau mà tiên sinh từng tham dự chứng kiến. 

Trên đường đi sứ ghé Thăng Long, tâm sự của tiên sinh đã nảy sinh ra bao nỗi niềm cảm khái không nguôi. Chính nơi đây, trong thời kỳ thanh niên, tiên sinh đã từng thấy bao cảnh tượng phế hưng, thay chủ đổi ngôi cùng với bao cảnh tượng đau lòng đã vang vọng vào tâm trí như chứng tích của cuộc đời không thể tẩy xóa được. Bây giờ trở lại chốn xưa, thời gian thấm thoát đã hai mươi năm rồi. Cảnh vật người cũ nay đã phôi pha và nhuốm biết bao nhiêu sự đổi thay (Thăng Long / BHTL).** Nhưng mối xúc động sâu xa nhất đối với tiên sinh trên đường đi sứ ngang qua thành Thăng Long là việc gặp lại một ca nhi trong đám tiệc của quan Tuyên phủ sứ khoản đãi. Đó là nàng “Con gái đất Long Thành”, giỏi đàn hát mà ông đã có dịp trông thấy cách hai mươi năm trước, giờ đây vẫn là người cũ nhưng nhan sắc tiều tụy, hao gầy. Và ở giữa đó, tiên sinh đã hình dung lại một thời dĩ vãng vàng son nay đã tàn phai, đã mất mát như những nét vô thường của cuộc đời. Biết rằng cuộc đời vô thường, nhưng những gì mất mát phôi pha cũng gây cho tiên sinh bao niềm bồi hồi xúc cảm không thôi. 

“Thế sự phù trầm hưu thán tức

Tự gia đầu bạch diệc tinh tinh.

(Thăng Long, kỳ nhị)[9]

 

 世 事

  家 頭 白 亦 星 星

(昇龍其 二) 

  

Tạm chuyển lục bát: 

Chớ than chìm nổi chuyện đời,

Tóc mình đốm bạc kia rồi lơ thơ

(Thăng Long - Bài 2) 

Ngồi im lặng ở cuối bàn tiệc, không nói cũng không cười, trông tình trạng thật bất nhẫn, không còn nhận ra là ai nữa, duy nghe trong tiếng đàn tựa như đã từng quen biết. Trong lòng cảm thấy đau xót. Tiệc tan bèn hỏi người nhạc công. Thì ra là nàng đó. Than ôi! Người này sao đã đến nỗi thế ư! Bồi hồi quanh quẩn, hết cúi lại ngẩng, than thở mãi không thôi, không sao hết được nỗi cảm xúc của ngày hôm đó. Con người ta sống trăm năm, những nỗi vinh nhục buồn vui. Ai có thể lường trước được chăng? Sau khi từ biệt trên đường càng nghĩ, mối cảm xúc càng sâu. Nhân đấy làm bài ca này để gửi nỗi lòng cảm hứng”.

(Long Thành Cầm Giả Ca – Tiểu dẫn trong Bắc Hành Tạp Lục)[10]

Phải chăng đó cũng là mối cảm hoài trước thân thế nàng Kiều của Phong Tình Cổ Lục đã gây cảm hứng nơi tiên sinh để sáng tác Đoạn Trường Tân Thanh? Khi đến Lạng Sơn, đứng trước cảnh vật đổi thay, bao nhiêu câu hỏi đặt ra từ những sách đạo Phật đã đọc, khiến tiên sinh thêm lần nữa nảy ra bao mối thắc mắc, băn khoăn. Và càng ưu tư, lo nghĩ về sự khác biệt giữa cuộc đời và sách vở, giữa thực và mộng thì nỗi thắc mắc ấy càng sâu xa hơn:  

“Vạn ban thủy thạch thiện đại xảo

Nhất lạp càn khôn khai tiểu thiên

Mãn cảnh giai không hà hữu tướng

Thử tâm thường định bất ly thiền”.

 

萬 般 水 石 擅 大 巧

滿

                                                 

và : 

Đại sư vô ý diệc vô tận

Phủ thán thành trung đa biến thiên

(Đề Nhị Thanh Động)[11] 


無 意 亦 無 盡

俯 嘆 城 中 多 變 遷

(題二青洞)                                            


Lược dịch:

Hằng muôn đá nước sắp đặt khéo léo

Một hạt càn khôn mở ra cõi trời nhỏ

Khắp cảnh vật đều là không có hình tướng

Lòng này thường định không rời thiền 

Và: 

Ý của đức Phật là  KHÔNG cũng là  KHÔNG CÙNG

Cúi đầu than thở, bên trong thành biết bao sự đổi thay  

Những trải nghiệm từ biết bao sự biến dời trong cuộc đời đã hình thành một kinh nghiệm sống. Và dưới sự soi chiếu từ đạo Phật, những kinh nghiệm học hỏi từ sách vở, từ thiên nhiên và cuộc sống đã cho tiên sinh một cách nhìn vững chải: đó là lấy sự thiền định làm nơi an trú cho cõi lòng của mình. Những mất mát hay bao nỗi tang thương tiên sinh đã chứng kiến, đã trải qua sẽ hòa cùng lẽ đạo đang từ từ hé lộ trong tâm thức tiên sinh để đi đến sự “thực chứng” nghĩa là thấy rõ không còn mơ hồ nữa về ý nghĩa của kinh điển và cuộc đời. 

Cuộc sứ trình này đã đem lại cho tiên sinh sự khai mở tâm thức sau bao nỗi băn khoăn, khúc mắt. Đó cũng là cơ hội để tiên sinh đi sâu vào cõi lòng của chính mình và chứng thực ý nghĩa của đời sống mà mỗi kinh nghiệm đoạn trường, kinh nghiệm từng trải nơi cuộc đời trầm luân phù thế, kinh nghiệm của những bước đi chiêm ngưỡng vết tích các danh nhân, của sự lầm than nghèo khó nơi nhân gian, đã là những bài học có một vị thế đặc biệt trong tâm thức tiên sinh. Để rồi sau khi hoàn tất công việc ở Bắc Kinh trở về Nam Kinh, tâm thức Tố Như mới thật sự mở rộng và chứng ngộ được huyền nghĩa của đạo thiền khi đến dưới Phân Kinh Thạch Đài: 

Ta nghe Đức Thế Tôn tại Linh Sơn, thuyết pháp cứu người hằng hà sa số, người có lòng muốn giải thoát, Linh Sơn cũng chỉ ở lòng ta, đài gương trong cũng chẳng có, cây bồ đề vốn cũng không. Ta đọc kinh Kim Cương trên nghìn lượt, áo nghĩa bên trong phần nhiều chưa được rõ, kịp tới lúc đến dưới Phân Kinh Thạch Đài này, mới biết kinh không chữ mới là chân kinh. 

Và đây là biến cố lớn lao đối với tiên sinh, một người từng đọc Kinh Kim Cương Bát Nhã trên một ngàn lần, đến Phân Kinh Thạch Đài mới có cơ duyên giác ngộ lẽ sâu xa của Kinh Kim Cương. Từ đây, trên đường đời, tiên sinh đã thấu hiểu ý nghĩa của chữ Tâm mà trước kia vẫn còn trong sự tìm kiếm: Đạo Phật vốn không, không chấp trước vào vật, sao lại còn chia cắt phân kinh? Ý nghĩa linh diệu của kinh không ở ngôn ngữ, chất liệu; Ai là kẻ sáng tác ra kinh Kim Cương và Pháp Hoa?… (Lương Chiêu Minh Thái Tử Phân Kinh Thạch Đài /BHTL). Những thắc mắc về cuộc đời khổ đau về đạo Phật khi còn ở Lạng Sơn nay đã được giải quyết… Lòng tiên sinh trên đường về nước thanh thản hơn, người đã hết rầu rĩ “cảnh xuân vẫn tốt tươi” như tự bao giờ. Giờ đây, Tố Như đã thấu hiểu hay nói cho đúng là đã NGỘ được KINH KHÔNG CHỮ MỚI LÀ CHÂN KINH! 

Những năm kế tiếp (từ 1814-1820), cuộc đời của Tố Như ít được các sử liệu đề cập một cách rõ ràng cũng như không có một chứng tích nào xác thực, để có thể suy diễn về hành trạng của tiên sinh. Trong cuộc đời làm quan, tiên sinh thường hay ốm đau, lương bổng chỉ đủ việc thuốc than, cảnh nhà rất giản dị, thanh bần… Theo gia phả[12] Nguyễn Du đã chép: mặc dù làm đến chức Á khanh, ông vẫn giữ vẻ thanh nhã, đơn giản như một người học trò nghèo. “Ông có ba vợ. Bà cả sanh được một trai, bà kế cũng sanh được một trai. Bà thiếp sanh 10 trai, 6 gái”. Xem thế cũng đủ biết gia đình của tiên sinh cũng đông đúc, khi ông làm quan ở kinh đô Phú Xuân, thì vợ con ông ngoài kia vẫn nghèo khổ. 

Thập khẩu đề cơ Hoành Lĩnh bắc,

Nhất thân ngọa bệnh đế thành đông

(Ngẫu đề /Nam Trung Tạp Ngâm) 

                 

十 口 啼 饑 穔 嶺 北
一 身 臥 病 帝 城 東
(偶題)
                 

Tạm chuyển lục bát:              

... Hoành Sơn mười miệng đói rần

Thành vua nằm bệnh một thân nơi này.

(Tình cờ làm thơ) 

Hoặc: 

Cố hương cang hạn cửu phương nông,

Thập khẩu hài nhi thái sắc đồng [13]

(Ngẫu hứng, bài 4)

              

(偶興,其)

  

Tạm chuyển lục bát: 

… Quê nhà mùa mất, hạn lâu,

Trẻ mười đứa dáng sắc rau cùng nhà …

(Ngẫu hứng, Bài 4) 

Đến năm Minh Mạng nguyên niên, lại được chiếu chỉ cử đi sứ cầu phong lần nữa, nhưng chưa kịp khởi hành thì tiên sinh ngọa bệnh mất. Theo Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện, lúc đau nặng sắp mất, tiên sinh không chịu uống thuốc. Lúc hấp hối, bảo người nhà sờ tay chân xem lạnh chưa, người nhà thưa “đã lạnh rồi”. Tiên sinh nói “Được, được” rồi tắt thở không trối một lời. Trên án thư bấy giờ đang để bài thơ “Độc Tiểu Thanh Ký” (讀小青記) trong đó có hai câu thơ bất hủ:             

Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như!

 

(讀小青記)

 

Tạm chuyển lục bát: 

Ba trăm năm nữa biết chăng,

Người đời ai khóc lệ hằng Tố Như. 

Qua những dòng sơ lược về hành trạng của Tố Như tiên sinh, chúng ta nhận ra một vài nét chính phác họa chân dung tiên sinh. Ngoài ra, trong một ý tưởng nhằm soi rõ tư tưởng đạo Phật trong Đoạn Trường Tân Thanh sau này, hành trạng ấy cho phép chúng ta thấy được phần nào sự cấu thành tư tưởng của tiên sinh; trong đó, tư tưởng đạo Phật đã được thăng hoa để trở thành đạo thiền cho phù hợp với kích thước của người nghệ sĩ Nguyễn Du hơn. Nếu chân nhận kỹ càng, chúng ta sẽ tưởng rằng đó là đặc chất của tư tưởng Lão Trang, nhưng ở cuộc đời của Tố Như qua phần hành trạng bên trên, đã cho thấy tư tưởng cốt yếu của tiên sinh nằm trong tư thế của thiền gia (Thử tâm thường định bất ly thiền). Và ảnh hưởng của tâm thái thiền sẽ đánh dấu đây đó trong Đoạn Trường Tân Thanh mà chúng ta đề cập sau này. Mặt khác, công tâm mà nhận định đạo Thiền được coi là tinh hoa của đạo Phật ít nhiều có điểm gần với đường lối Lão Trang và phù hợp với phong thái phóng khoáng của những thi gia, văn gia ở Đông phương như Trung Hoa, Cao Ly, Nhật Bản, Việt Nam… cho nên nó dung hòa được hai quan niệm xuất xử của đạo Nho. Nếu xét kỹ càng các tác phẩm của Tố Như, chúng ta sẽ nhận rõ ảnh hưởng đạo Phật, đặc biệt là tư tưởng thiền trong con người Nguyễn Du, một người từng băn khoăn bao lần giữa thân ngoại vật và sự dấn thân vào tục lụy. 

------------
 [1] Xem Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim, Nguyễn Du và Truyện Thúy Kiểu hiệu khảo (Đoạn Trường Tân Thanh), Sài Gòn, Tân Việt tái bản lần 8, 1968. 

[2] Xem Hồng Liên Lê Xuân Giáo, Đệ nhất thi hào nước Việt Nam, Văn hóa tập san số 4/1970, trang 13.    

[3] Quách Tấn, Tố Như thi, Sài Gòn, An Tiêm xb, tr.3, 46, 1973.    

[4] Hồng Liên Lê Xuân Giáo, Nhắc lại vài mẩu chuyện tâm tình của Tiên Điền Nguyễn Du tiên sinh, Văn hóa tập san 3/1973, Sài Gòn, NVHGD&TN ấn loát, tr.17.                       

[5] Vương Hồng Sển, Nguyễn Du và bộ chén trà Mai Hạc (năm đi sứ Quí Dậu 1813), Tạp chí Bách Khoa số 209 ngày 15/91965, tr. 63-71.  

[6] Hồng Liên Lê Xuân Giáo. S.đ.d.   

 [7] Quách Tấn, Tố Như thi, S.đ.d, tr. 87, 96, 140.     

[8] Quách Tấn, Tố Như thi, S.đ.d, tr. 87,96, 140.  

[9] Quách Tấn, Tố Như thi, S.đ.d, tr. 168.     

[10] Đào Duy Anh, S.đ.d.  

[11] Nguyễn Đăng Thục, S.đ.d, tr. 172-173

[12] Quách Tấn, S.đ.d, trang XXIV, XXV, trang 131. 

[13] Quách Tấn, S.đ.d, trang XXIV, XXV, trang 131.

** Thời điểm biên soạn tiểu luận này (1973-1974) , số lượng THƠ CHỮ HÁN của Nguyễn Du ở miền Nam có được chưa đầy đủ lắm nên việc trích dẫn cho việc tìm hiểu về Tố Như vẫn còn nhiều hạn chế). 

(Lần tiếp theo : MỤC II : VĂN NGHIỆP CỦA NGUYỄN DU )

 

Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2021

Nhớ Ánh Mắt Mẹ

 



Trường Thi Chôn Nhau Cắt Rốn Đoạn 15

Trường Thi CHÔN NHAU CẮT RỐN Đoạn 15

SỰ TÍCH CHỢ MA LIÊN:

Hồi xưa cũng không lâu lắm ( thời còn dùng tiền đúc bằng đồng, kẽm hay gan ) Thôn Mỹ Quang và thôn Mỹ Á còn cách nhau một động cát dài, nơi chôn cất của hai thôn. Ở đó có một cái chợ ( Là một chơ khá lớn vào thời đó ). Những người bán hàng sau khi tan chợ kiểm lại tiền thì môt số là vàng mả nên sau đó phải để thau nước để thử tiền ngay. Hễ chìm thì giao hàng còn nổi thì không bán. Nên chợ có tên là Ma Liên.

HUỲNH DUY PHỐI 22 - 8 - 2021.

Trân trọng

NHHN

 



Một Lần Đến Thăm Đền Các Vua Hùng... Phần IV (Hết)

 

 Cổng chính đi vào Đền Các Vua Hùng 

Phóng Sự - MỘT LẦN ĐẾN THĂM ĐỀN CÁC VUA HÙNG VÀ VÙNG CỰC BẮC CỦA ĐẤT NƯỚC - Phần IV (6, 7 Hết)
Thầy Dương Anh Sơn


VI.- THĂM THỊ TRẤN ĐỒNG ĐĂNG

1- Thăm Cửa Khẩu Tân Thanh

Ngày thứ sáu của chuyến thăm vùng cực bắc đất nước, đoàn chúng tôi đã đến thăm cửa biên giới Tân Thanh. Anh hướng dẫn viên của đoàn "mau miệng" giới thiệu với trạm biên phòng là "đoàn cán bộ hưu trí" nên chúng tôi được mau chóng dẫn vào bên trong cổng đến cột mốc kề bên số 1090, phân định biên giới hai nước. Cách 15 mét bên hàng rào là lính TQ trong giờ nghỉ đứng lố nhố nhìn sang. Năm 1979, chúng ta đã ngăn chặn bọn xâm lược TQ ngay những vùng biên giới cực bắc này. Nhưng rồi 40 năm sau, bằng những hiệp ước gì đó, họ đã tràn sang đất Việt bằng hàng hóa, bằng những đoàn du lịch, bằng những đoàn đầu tư hay mua đất đai nhà cửa mà không cần đến súng đạn. Những vùng biển đảo họ lại có cách xưa nay là cưỡng chiếm nhân danh "Biển Đông từ thời xa tít là của Trung Hoa!" (theo cách nói của Đăng Tiểu Bình, kẻ ra lệnh tấn công nước ta năm 1979). Không xâm lược bằng cách này thì xâm nhập đủ kiểu bằng con đường khác của hàng hóa, kinh tế, chính trị, ngoại giao, áp chế, cưỡng chiếm, mưu mẹo, thủ đoạn.... v.v...

"Cửa khẩu" hay cửa biên giới Tân Thanh nằm cách phố xá vài chục mét với những hàng xe tải ra vào nườm nượp nhập các sản phẩm của TQ như máy móc, đồ điện tử rẻ tiền, áo quần, giầy dép... v.v... Những loại hàng hóa như thế bày bàn những khu chợ ngay trước con phố có cửa ngõ đi qua biên giới. Bên nước Việt khi mấy anh TQ chơi xỏ lá ngưng nhập hàng là biết bao đống nông sản như dưa hấu, thanh long, măng cụt, bưởi xoài đổ lăn lóc ngay phía cổng biên giới.....

Cổng biên giới Tân Thanh ở Đồng Đăng

Chúng tôi để ý thấy trừ một hai tiệm trước cổng biên giới có đề tiếng Hoa để trưng bảng hiệu, còn khắp nơi trên con đường xe chạy qua thị trấn hầu như không thấy bảng hiệu chữ Hoa. Đó là dấu hiệu đáng mừng vì người dân nơi đây đã nghiêm ngặt giữ gìn bản sắc dân tộc không như Quảng Ninh, Đà Nẳng hay Nha Trang.... trưng bảng chữ Hoa khắp nơi y như là những thành phố “anh em” với Tàu!

Cột mốc 1090 bên trong cửa biên giới với tòa nhà cao lớn của TQ phía sau.

Sau buổi trưa, đoàn chúng tôi lai đi tiếp ghé thăm một thắng cảnh có tiếng ở vùng đông bắc là vùng Mẫu Sơn. Chúng tôi sẽ quay trở lại nơi này để ghé thăm ngọn đồi nàng Tô Thị, di tích thành nhà Mạc... v.v.. vì giành nhiều thời giờ cho chuyến đi Mẫu Sơn.

2.- Thăm Mẫu Sơn

Trong một buổi chiều trời mây quang đãng, đoàn chúng tôi đã đi đến vùng Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc, cách Lạng Sơn 30km về hướng đông. Con đường đi lên một cao điểm của vùng núi Mẫu tuy hẹp nhưng khá tốt uốn lượn đưa chuyến xe lên trên một đỉnh cao của vùng núi Mẫu. Không khí trên cao điểm này thật trong trẻo. Mùa này, ban ngày chỉ khoảng 24-25 độ nên khá dễ chịu.

Trong những năm 1925, người Pháp đã tìm kiếm nơi nghỉ ngơi ở phía đông bắc Việt Nam và đã nhận thấy vùng núi này rất thích hợp. Họ đã cho làm con đường 16 km nối quốc lộ 4a đi lên đỉnh núi này. Mặt trước của cái lô cốt còn sót lại trên đỉnh mà chúng tôi leo lên ghi là 1180, chắc là cao độ so với mặt biển. Như thế, đây chỉ là một cao điểm của vùng Mẫu Sơn. Theo tư liệu và cách gọi của người dân tộc Tày, Nùng, Dao sống ở đây, dãy Mẫu Sơn có hai ngọn núi cao là Phia Pò hay còn gọi Công Sơn hay là núi Cha cao khoảng 1541m. Còn núi thứ hai là Phia Mè hay là núi Mẹ cao khoảng 1520m. Như thế, chỗ chúng tôi đang đi lòng vòng "tham quan" chỉ là một điểm cao của vùng Mẫu Sơn mà thôi. Tiếc rằng chúng tôi chưa kịp hỏi người dân nơi đây chỉ cho thấy ngọn nào quanh đây là núi Cha và núi Mẹ! 

Chụp hình kỷ niệm

Người Pháp đã chọn nơi đây vì có ngọn núi tương đối tiện cho việc lên xuống, xây dựng chỗ nghỉ ngơi. Họ đã cho xây những dãy nhà hay căn lầu lớn để đến nghỉ. Bao nhiêu năm qua, những căn nhà này đã bị hư hao trông cũ mèm nhưng vẫn giữ kiểu cách xây dựng thuở nào. Du lịch có thể phát triển mạnh nhiều nơi tương tự như Sa Pa ở Lào Cai, núi Bà Nà ở Đà Nẳng, Bà Đen ở Tây Ninh... v.v... nhưng ở đây, Mẫu Sơn vẫn đứng nhìn thời gian trôi nhanh giữa một vùng núi non rất đẹp và hấp dẫn. Nhưng trong lòng tôi vẫn nghĩ rằng dầu sao, cái dáng vẻ hiện thời nơi đây có cái đẹp thật quyến rũ vì còn chất hoang sơ. Mặt trái của phát triển du lịch, nếu khai thác quá đà, sẽ làm tan nát cái đẹp vốn có của những nơi như thế này! 

Những dãy nhà còn lại từ thời Pháp tại Mẫu Sơn

Từ trên điểm cao nhất của ngọn núi đang ghé thăm, quan cảnh núi non, trời mây bao la và màu xanh ngút ngàn cho lại những cảm xúc nhẹ nhàng, trong lắng! Đất nước chúng ta quả là có nhiều địa điểm du lịch rất tuyệt vời!

Khung cảnh với vài nóc nhà giữa núi non bao la....

Những căn nhà nhỏ đang tàn tạ, đứng chơ vơ theo năm tháng

Chúng tôi đi bộ một khoảng xuống núi. Vừa đi, chúng tôi vừa tận hưởng những cảm xúc êm dịu trước cái đẹp để kịp trở về nghỉ ngơi ở thành phố Lạng Sơn. Ngày mai là ngày cuối cùng của chuyến đi ra vùng biên giới phía bắc, chúng tôi sẽ ghé lại thị trấn Đồng Đăng thăm nàng Tô Thị, thành nhà Mạc... để trưa mai ghé thăm Ải Chi Lăng cách thành phố Lạng Sơn 42 km và trở về Saigon.

Mang theo những ấn tượng về quan cảnh tươi đẹp và bầu không khí trong lành từ vùng Mẫu Sơn, chúng tôi về nghỉ đêm ở Lạng Sơn chuẩn bị cho chuyến thăm khu vực Phường Tam Thanh với dãy núi Vọng Phu có tượng đá nàng Tô Thị và dấu tích thành nhà Mạc vào sáng hôm sau.

3.- Thăm Dãy Núi Vọng Phu Và Thành Nhà Mạc

Khi xe chạy vào thành phố Lạng Sơn chúng tôi hình dung những ngày tháng 2/1979, TQ mở cuộc tấn công quy mô sang các tỉnh vùng biên giới phía bắc như Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn. Thị xã Lạng Sơn đã bị quân địch chiếm đóng ngay khi chúng tiến công ban đêm. Bên Việt Nam đã tổ chức nhiều đội dân quân chống trả cùng với các lực lượng chính quy được điều tới. Trận chiến đã làm cho Đồng Đăng, thị xã Lạng Sơn và nhiều tỉnh thành phía bắc hầu như bị tàn phá hoàn toàn. Khi bọn giặc rút lui, chúng đã cho giật phá tất cả những công trình những nơi chúng tấn công chiếm giữ. Sau năm 1979 mãi đến 1988, bọn chúng vẫn tiếp tục cho nã đạn pháo thường xuyên vào các vùng biên giới gây nhiều thiệt hại cùng thương vong cho dân chúng và binh lính... Nhưng ngày nay, trừ những nơi còn được giữ lại để làm di tích, Lạng Sơn và những tỉnh thành sát biên giới Trung Quốc đã được xây mới trên đống gạch đổ nát. Cũng như thị trấn Đồng Đăng, chúng tôi thấy thành phố Lạng Sơn với đường phố và nhà cửa khang trang có lẽ chỉ mới xây dựng mấy chục năm nay thôi!

Ca dao xưa của vùng Lạng Sơn có câu: Đồng Đăng có Phố Kỳ Lừa, Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh... Ngày nay, tỉnh Lạng Sơn bao gồm thành phố Lạng Sơn (đi lên từ thị xã Lạng Sơn - 2002), thị trấn Đồng Đăng cùng một số huyện nữa. Thị trấn Đồng Đăng lại cách thành phố Lạng Sơn 14km về phía đông nam. Còn dãy núi Tô Thị hay còn gọi là dãy núi Vọng Phu lại ở thành phố này. Do đó, nên chỉnh lại câu ca dao này cho phù hợp với địa lý và bao quát hơn với thực tế:

Lạng Sơn có phố Kỳ Lừa,
Cùng nàng Tô Thị với chùa Tam Thanh...

Lạng Sơn đây tức là "xứ Lạng" của câu ca dao cũ hay nói rộng ra là vùng Lạng Sơn hay tỉnh Lạng Sơn trong đó có Đồng Đăng. Có như thế sẽ dễ xác định vị trí địa điểm du lịch !

Xe chở đoàn chúng tôi ghé con đường Tô Thị nằm ngay dưới chân dãy núi nhỏ có tượng đá nàng Tô Thị. Leo lên mấy chục bậc cấp, chúng tôi đã đến dãy tường đá trước đây là thành nhà Mạc. Nhà Mạc đến thời Mạc Mậu Hợp bị giết (theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư), con cháu như Mạc Kính Chỉ, Mạc Kính Cung, Mạc Kính Khoan... v.v... chạy lên Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn để tránh sự tấn công của họ Trịnh ở Thăng Long. Ngày nay tại Ninh Bình, Cao Bằng, Lạng Sơn... vẫn còn di tích thành lũy thời thoái trào nhà Mạc phải tránh lên vùng đông bắc.

Trên một vuông đất hẹp trên dãy núi Vọng Phu vẫn còn hai lũy đá có cổng của thành nhà Mạc vắt ngang hai triền đá vôi.

Thành nhà Mạc

Từ vùng đất giữa hai cổng thành trước và sau leo lên triền dốc nhỏ có mấy viên đá làm bậc cấp leo lên để "ngắm" nàng Tô Thị được làm lại vào năm 1991 sau khi "tượng" đá cũ bằng vôi bị nước ăn mòn chân làm đổ xuống. Tượng đá cũ mà chúng ta có thể dễ dàng tìm kiếm trong các tư liệu cũng không phải là "pho tượng" có giá trị nghệ thuật! Hình ảnh đá kết dính với nhau như hình người mẹ bồng con có ý nghĩa phần lớn nhờ vào câu chuyện cổ tích về người đàn bà bồng con đợi chồng đi chinh chiến lâu ngày hóa thành đá. Bài hát Hòn Vọng Phu của Lê Thương cũng góp phần tô điểm cho câu chuyện nàng Tô Thị. Ở miền trung trên đỉnh Đèo Cả của Phú Yên cũng có đá mẹ cạnh hòn đá nhỏ mà dân nơi này cũng gọi là Hòn Vọng Phu là nguồn cảm hứng cho Lê Thương sáng tác Hòn Vọng Phu!  Bây giờ, người ta làm lại tượng đá  mới cho nàng Tô Thị ở Lạng Sơn  trông thô thiển chẳng ra sao cả. Phải đứng thật xa mới thấy vóc dáng của nàng Tô Thị nhưng giống như bà cụ già  nhăn nheo!

Tượng mới trông như một bà cụ già hơn là một thiếu phụ đợi chồng !



Xe đưa đoàn ghé chợ thành phố Lạng Sơn. Trước mặt chợ là sông Kỳ Cùng mùa này nước đỏ lòm. Sông chảy từ bên Trung Hoa sang vùng Lạng Sơn lại quay về phương Bắc.

Dòng sông Kỳ Cùng chảy qua Lạng Sơn mùa này nước đỏ hồng.

Có lẽ việc ghé thăm tượng nàng Tô Thị và nếu có thời giờ thăm hai động Nhị Thanh, Tam Thanh là để cho biết thôi chứ không hấp dẫn mấy ! Đích chính của chuyến ghé thăm tỉnh Lạng Sơn là Ải Chi Lăng sau buổi trưa nay sẽ kết thúc bảy ngày của chuyến hành trình ra bắc để chiều tối bay vô Saigon.

VII.- THĂM ẢI CHI LĂNG

Sau khi dùng cơm trưa sớm, chuyến xe của Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ đi theo quốc lộ 1A đến xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng cách thành phố Lạng Sơn khoảng 50km về phía đông bắc để viếng thăm một trong những di tích quan trọng nhất đã góp phần to lớn  vào những trang sử hào hùng chống giặc xâm lăng phương Bắc để bảo vệ nền tự chủ của dân tộc Việt Nam.

Đoàn cựu giáo chức và các nhà văn ở ngay chỗ xưa kia Liễu Thăng bị chết chém

Ải Chi Lăng ngày xưa rất hẹp, có nhiều thành lũy để ngăn giặc, có núi non cao vây quanh và nhiều chỗ có đầm lầy hiểm trở. Từ phương Bắc tiến qua đất Việt, đây là con đường khó khăn nhất để tiếp giáp với con đường cái quan thuận tiện hơn tiến về kinh đô Thăng Long cách đó 110km. Ải Chi Lăng là một thung lũng hình bầu dục dài khoảng 20km, chỗ rộng nhất khoảng 3km. Cửa núi đi vào lũy Ải Chi Lăng xưa ở phía bắc là vùng núi non hiểm trở gọi là Quỷ Môn Quan cách vùng Khâu Ôn của biên giới Việt Trung là 60km. Cách đó 4km về phía nam là lũy núi Ngõ Thề. Ngõ Thề là thành lũy xưa để các binh lính trấn nhậm vùng cửa Ải Chi Lăng thể hiện quyết tâm giữ vững thành lũy trước quân thù.  

Cửa Ải Chi Lăng do việc làm đường đi qua nay chỉ có hai vách đá xây hai bên ghi dấu.....

Anh Trần Thế Dũng, người hướng dẫn đoàn lần này, trong bài viết ngày 12/04/2015 đăng trên báo Tuổi Trẻ Online đã lưu ý cho chúng tôi về cách nhìn Ải Chi Lăng trong một tổng thể với nhiều địa điểm quan trọng do việc mở đường làm thay đổi hình dạng: "Tuy nhiên, công trình vốn là lũy ải (chiến lũy hình thang) được đắp trước thế kỷ XV nhằm án ngữ khu vực bãi lầy, nay được cắt ra một đoạn để ngành giao thông mở đường mới vào những năm 2000, được ngành văn hóa địa phương gắn biển Ải Chi Lăng là không xác đáng." (Đừng gây hiểu lầm về Ải Chi Lăng). Theo anh Dũng trong bài viết của mình phải hiểu Ải Chi Lăng là một khu vực có thung lũng hiểm trở với nhiều công trình xưa và bao quát như đã nêu trên.

Nhà thơ Nguyễn Du khi phụng mệnh triều đình Huế lên Lạng Sơn qua Ải Chi Lăng đón sứ nhà Thanh đã nhận xét:

QUỶ MÔN ĐẠO TRUNG                            鬼門道中

Quỉ môn thạch kính xuất vân côn (căn),        鬼門石徑出雲根
Chinh khách nam quy dục đoạn hồn.             征客南歸欲斷魂
Thụ thụ đông phong xuy tống mã,                 樹樹東風吹送馬
Sơn sơn lạc nguyệt dạ đề viên.                       山山落月夜啼猿
Trung tuần lão thái phùng nhân lãn,               中旬老態逢人懶
Nhất lộ hàn uy trượng tửu ôn.                         一路寒威杖酒溫
Sơn ổ hà gia đại tham thụy?                           山塢何家大貪睡
Nhật cao do tự yểm sài môn.                          日高猶自掩柴門
(Thanh Hiên Thi Tập) 

Tạm chuyển lục bát:

GIỮA ĐƯỜNG ĐI ẢI QUỶ MÔN 

Quỷ môn đường đá chân mây,
Về nam khách muốn lìa bay vía hồn!
Hàng cây tiễn ngựa gió đông,
Đêm nghe vượn hú dãy non trăng tà.   
Vẻ già lười gặp người ta,
Đường đi sợ lạnh nhờ qua rượu nồng.
Nhà ai say ngủ hõm non,
Mặt trời cao tỏ cổng còn cài then.
(DAS tạm dịch) 

Hai câu đầu cho thấy "khách đi xa" (chinh khách) ở đây vừa chỉ đoàn sứ nhà Thanh mà Nguyễn Du đi đón nhưng cũng ám chỉ những đoàn quân xâm lăng phương Bắc từng đi qua ải Chi Lăng phải "đoạn hồn"...... Sau này khi làm chánh sứ sang nhà Thanh, Nguyễn Du có thêm một bài thơ nữa:

QUỶ MÔN QUAN                                              鬼門關 

Liên phong cao tháp nhập thanh vân,                   連峰高插入青雲
Nam bắc quan đầu tựu thử phân.                          南北關頭就此分
Như thử hữu danh sinh tử địa,                              如此有名生死地
Khả liên vô số khứ lai nhân.                                 可憐無數去來人
Tắc đồ tùng mãng tàng xà hổ,                               塞途叢莽藏蛇虎
Bố dã yên lam tụ quỉ thần.                                    布野煙嵐聚鬼神
Chung cổ hàn phong xuy bạch cốt,                       終古寒風吹白骨
Kỳ công hà thủ Hán tướng quân                           奇功何取漢將軍 
(Bắc Hành Tạp Lục)

Tạm chuyển lục bát:

CỬA ẢI “QUỶ MÔN”

Dãy non cao ghép mây xanh,
Ải chia nam bắc cuối ranh đây rồi!
Tiếng tăm sống chết là nơi!
Khá thương bao kẻ lắm người lại qua.
Đường che khuất lấp hổ xà,
Tụ đồng khí chướng quỷ ma trải đầy.
Gió xưa xương trắng lạnh bày,
Công chi tướng Hán lạ thay nhận vào.
(DAS tạm dịch)

Nhờ sự hiểm trở như thế nên Ải Chi Lăng cùng với tinh thần yêu nước của người dân nơi đây và quyết tâm của các triều đại hùng tráng đã ngăn chặn, đánh bại bao lần giặc phương Bắc tràn sang. Những dãy núi của vùng Ải Chi Lăng gần chỗ Liễu Thăng bị chém chết có núi Mặt Quỷ với đôi mắt nhìn trừng trừng vào bọn giặc xâm lược khiến bọn chúng phải khiếp sợ. Ngoài ra các dãy núi như Kai Kinh, Hàm Quỷ, Phượng Hoàng, Mã Yên, Kỳ Lân cùng núi Mặt Quỷ làm cho Ải Chi Lăng và Quỷ Môn Quan thêm hiểm hóc cùng với các bãi đầm lầy nằm giữa khiến quân giặc khó lường... Chúng ta có thể điểm qua các trận đánh lớn nhỏ tại vùng Ải Chi Lăng xảy ra trong lịch sử chống quân xâm lược phương Bắc:

- Mùa xuân năm 981, thời vua Lê Đại Hành, nhà Tống sai Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng dẫn quân qua vùng Lạng Sơn, các cánh khác của họ đi ngã Tây Kết và sông Bạch Đằng. Riêng cánh quân của Hầu Nhân Bảo bị chận đánh ở cửa Ải Chi Lăng. Vua Lê sai quân bản địa giả hàng khiến Bảo bị mắc vào vòng vây và bị chết chém. (ĐVSKTT, Lê Văn Hưu& VNSL, Trần Trọng Kim)

- Tháng giêng năm 1077, thời Lý Nhân Tông, quân Tống do Quách Quỳ dẫn sang qua cửa Ải Chi Lăng đã bị phò mã Thân Cảnh Phúc ngăn chặn làm tiêu hao rất nhiều. Đến sông Như Nguyệt (tức sông Cầu, Bắc Ninh) lại bị quân Lý Thường Kiệt quyết liệt ngăn chặn không cho vượt sông tiến về Thăng Long
(VNSL, TTKim &ĐVSKTT. LV Hưu).

- Thời nhà Trần, quân Nguyên do Thoát Hoan sang đánh nước ta lần thứ nhất (1284) cũng bị các toán quân nhỏ mai phục gây nhiều thiệt hại khi đi ngã Lạng Sơn qua Ải Chi Lăng (VNSL, TTK)

- Nhưng có lẽ trận thắng vang danh nhất đem lại vẻ vang cho dân tộc ta là trận Chi Lăng. Năm 1427, nhà Minh cử An Viễn Hầu Liễu Thăng, tham tướng Bảo Định Bá Lương Minh, đô đốc Thôi Tụ cùng binh bộ thượng thư Lý Khánh, công bộ thượng thư Hoàng Phúc... sang tiếp viện cho Vương Thông đi từ Khâu Ôn vào nước ta. Liễu Thăng là viên tướng kiêu ngạo nên Lê Lợi nắm rõ yếu điểm đó. Vua sai Lê Sát, Đinh Liệt, Lê Linh, Trần Lựu, Lưu Nhân Chú... v.v... dùng thế giặc đi xa mệt mỏi phải đi qua vùng ải hẹp nên cho quân lính giả thua để Liễu Thăng hăng máu đuổi theo. Đường nhỏ lại hiểm trở lại bị quân mai phục làm tiêu hao, Liễu Thăng bị phục binh ở chỗ đầm lầy, quân số đi theo ít ỏi đã bị quân mai phục chém chết ở đảo núi Mã Pha, Ôn Châu tức Mã Yên Sơn bây giờ. Lê Sát, Trần Lựu tiếp tục quay lại đánh đuổi hậu quân chém chết Lương Minh. Bọn Hoàng Phúc, Thôi Tụ thoái lui bỏ chạy về Lạng Giang.... Nhờ chiến thắng quan trọng này nên thế trận quân Minh tan vỡ, quân Minh phải xin rút quân giảng hòa....

Chúng tôi đã học những bài học lịch sử oai hùng như thế từ những năm học tiểu học cho đến trung học. Nhưng đến nơi đây nhìn thấy núi non, sông suối và con người mới hiểu hơn những bài học lịch sử trong sách vở đó. Chỉ tiếc là khi mở mang đường xá giao thông những người có trách nhiệm không bảo tồn được những địa điểm cho thấy dấu vết của thành lũy của cửa ải Chi Lăng. Vật đổi sao dời biết làm sao được! Giao thông có thuận tiện giúp đi lại và giao thương phát triển, nhưng những di tích lịch sử lại có giá trị giáo dục và hun đúc tinh thần yêu nước để cho hậu thế học những bài học giữ nước rất cần thiết. Di tích lịch sử là những viên ngọc sáng ngời. Nếu nước mà mất đi thì đường giao thông chỉ thuận tiện cho bọn cướp nước dễ vào ra còn có ích dụng gì đâu! Đường giao thông băng qua di tích Ải Chi Lăng chỉ thuận tiện để từ biên giới Hoa Việt đến Hà Nội hơn hai tiếng đồng hồ! Hai tường đá dựng hai bên đường và một tấm bia ghi nhớ sẽ tàn phai. Đồng thời, nó không xứng hợp với một di tích lịch sử quan trọng trong việc ngăn chặn giặc xâm lược phương Bắc vì quá sơ sài. Họ có thể làm những căn nhà to lớn để giới thiệu về Ải Chi Lăng gì đó nhưng dấu tích thực sự lại chẳng bảo tồn được! Vách đá Chi Lăng cũng tương tự như những vách đá ngăn đất đá ở các con đèo mà thôi. Ai cũng nghĩ cái việc đắp đường, đắp xá như kiểu này thế nào cũng có mưu đồ bên trong của phương Bắc muốn phá tan những di tích lịch sử quan trọng như Ải Chi Lăng. Địa danh này là nỗi ô nhục về sự thất bại trong mưu tính xâm lăng phương Nam! Những ai bắt tay bọn giặc để làm con đường phá bỏ di tích Ải Chi Lăng sẽ muôn đời có tội với đất nước! Nhưng may mắn vẫn còn gương mặt quỷ của Quỷ Môn Quan trừng mắt nhìn bọn giặc và tay sai, vẫn còn núi Mã Yên, Kai Kinh... để ghi nhớ một địa điểm lịch sử đã thấm sâu vào tâm khảm của một dân tộc yêu chuộng tự chủ và độc lập luôn chống lại được tham vọng xâm chiếm của kẻ thù cướp nước.

Thêm vào đó, bài học lịch sử từ vùng thành lũy Chi Lăng cũng cho chúng tôi thấy rằng việc xây dựng thành lũy vững chắc nhất vẫn là sức mạnh đoàn kết của dân tộc cùng lòng yêu nước và quyết tâm giữ gìn non sông đất nước. Thành lũy Chi Lăng thời nay còn cần thêm sự lớn mạnh và tự chủ của khía cạnh chính trị, kinh tế, ngoại giao, giáo dục, khoa học kỹ thuật. Ngày xưa đánh nhau với quân Liễu Thăng là nhờ mưu kế lấy ít đánh nhiều và dụ được Liễu Thăng vào Mã Yên để tiêu diệt với gươm giáo thô sơ. Ngày nay, kẻ thù xưa quá lớn mạnh đủ mọi bề nhất là quân sự và kinh tế. Thế giới cũng đổi thay. Lòng yêu nước dù nhiệt tình cũng cần đến một đất nước hùng mạnh được dẫn dắt bởi những nhà lãnh đạo thông minh, khôn khéo và nhất là biết nên làm bạn thật lòng với ai và xa lánh bọn chỉ dựa trên cái ác, cái xấu gieo tai họa mất nước cho dân tộc.

Núi Mặt Quỷ

Đôi mắt quỷ nhìn bọn giặc.... "Quỷ" đối với người dân tộc Tày, Nùng nơi đây cũng là "Thần" giúp đỡ và che chở cho họ chống lại cái xấu, cái dữ. Dân làng Chi Lăng từ bao đời vẫn sống trong sự che chở như thế của quỷ thần được xem là thần linh của người vùng miến quan ải.

Đoàn chúng tôi cũng đi vào một thôn trước mặt Núi Mặt Quỷ đến viếng đền thờ các nghĩa sĩ và tướng lĩnh đã hy sinh khi chống giặc xâm lược xưa kia. Chúng tôi như cảm nhận nơi vùng cửa ải danh tiếng này hồn thiêng của bao tử sĩ như ở quanh đây cùng với quỷ thần vẫn ra sức gìn giữ non sông. Chúng tôi vòng trở lại qua chiếc cầu bắc ngang qua một con sông nhỏ mà trước đây chảy qua các đầm lầy tạo thành thế hiểm địa ngăn cản quân thù. Tôi nghe trong không khí thiêng liêng nơi đây hào khí của biết bao anh hùng đã xả thân vì nước. Tôi nghe từ những dãy núi bao quanh vùng thành lũy Chi Lăng vẫn còn đó tiếng gào khóc của những linh hồn bọn lính phương Bắc bỏ thân nơi xứ người. Và tôi cũng nghe thấy đất nước đang chuyển mình sang giai đoạn mới đủ sức đối phó những mưu toan của kẻ thù lâu đời luôn dòm ngó đất nước ta!  


Như được tiếp sức bởi một luồng gió trong lành thổi vào tâm hồn, chuyến hành trình thăm những địa điểm lịch sử phía bắc đã giúp chúng tôi biết rõ hơn về quê hương của mình. Một quê hương đầy tiềm năng sẽ trở nên thịnh vượng và văn minh hơn khi được sự lèo lái của những người thật sự yêu nước, thật sự khôn ngoan, khéo léo đưa nước nhà sang một vị thế vững mạnh trên bầu trời Á Đông và thế giới.

DƯƠNG ANH SƠN
Sài Gòn 30/6/2019