THƠ LÝ BẠCH - BÀI 25 KHÚC CA DƯỚI ẢI 2, 3, 4, 5, 6
Thầy Dương Anh Sơn
Bài 25/2
TÁI HẠ KHÚC (Kỳ nhị) 塞下曲(其二)
Thiên binh há bắc hoang,
天兵下北荒,
Hồ mã dục nam
ẩm.
胡馬欲南飲。
Hoành qua tòng bách
chiến, 橫戈從百戰,
Trực Vị hàm ân thậm.
直渭銜恩甚。
Ác tuyết hải thượng
xan,
握雪海上餐,
Phất sa lũng đầu tẩm.
拂沙隴頭寢。
Hà đương phá Nguyệt
Chi?
何當破月氏,
Nhiên hậu phương cao
chẩm.
然後方高枕。
Lý Bạch
李白
Dịch nghĩa:
Khúc ca dưới ải (bài
hai).
Binh lính của triều đình đi xuống vùng hoang dã phía bắc. Ngựa của quân Hồ cũng
muốn uống nước đất phía nam. Ngọn giáo quét ngang, đi theo trăm trận chiến đấu. Ngậm ơn sâu dày (của vua ban) quyết thẳng tiến đến dòng sông Vị. Vốc nắm
tuyết trên (bãi tuyết lớn như) biển để ăn. Phủi cát, gối đầu nằm nghỉ ngơi
trên gò đất. Bao giờ sẽ phá được bọn giặc Nguyệt Chi để về sau sẽ luôn được
ngủ bên chiếc gối cao yên lành nhàn nhã đây!?
Tạm chuyển lục bát:
KHÚC CA DƯỚI ẢI (Bài 2).
Binh trời xuống bắc vùng
hoang,
Những mong uống nước phía nam: ngựa Hồ!
Vung ngang trăm trận giáo khua,
Thẳng sông Vị ngậm ơn vua sâu dày.
Cái ăn : biển tuyết vốc tay,
Nghỉ ngơi : phủi cát gò đây tựa đầu.
Nguyệt Chi dẹp phá khi nào?!
Gối cao sẽ có về sau giấc nhàn!
Chú thích:
- thiên binh 天 兵: binh trời. Các vua người Hán của Trung Hoa
xưa và sau này vẫn tự cao, tự đại cho mình là "thiên tử ", là con
của trời. Vì thế, lính của triều đình cũng thậm xưng là binh trời. Họ xem các
nước bị họ xâm lăng là man di, mọi rợ, là giặc trời (thiên kiêu 天驕, xem C.T. bài ba tiếp
theo).
- Hồ mã 胡 馬: Hồ: chỉ chung các bộ tộc phía bắc và tây
bắc Trung Hoa như người Hồ Đột, người Mông Cổ, Hung Nô, Thổ Phồn... v.v... Họ là
các bộ tộc chuyên du mục nên họ thường nuôi các loài ngựa cao khỏe và rất quen
với chiến trận. Từ xưa, họ nhiều lần tràn qua biên giới tiến xuống phía nam để
cướp phá vùng trung nguyên của Trung Hoa với những đoàn kỵ binh thiện chiến.
- Vị 渭: xem chú thích bài 1 Tái Hạ Khúc bên trên.
- ác tuyết 握 雪: nắm, vốc lấy tuyết...
- phất 拂: phẩy, quét, giũ đi, che đi, đánh...
- lũng 隴: gò ruộng, vũng, đồi. Cũng là tiếng viết tắt chỉ vùng Lũng Tây, tỉnh Cam Túc, T.H.
- tẩm 寢 nằm nghỉ ngơi, nơi ở, nhà ở, lăng tẩm...
- Nguyệt Chi 月氏: người Hán xưa gọi những bộ tộc nằm ở phía
tây vùng Trung Á là Nguyệt Chi hoặc Đại Nguyệt Chi. Họ tập trung sinh sống vùng
lòng chảo Tarim, Tân Cương, Cam Túc. Về sau, do sự tranh giành đất đai, người
Nguyệt Chi phải di cư sang phía bắc Ấn Độ lập ra vương triều Quý Sương. Sách
do Quản Tử (管子) soạn năm 645 TCN đã mô tả người Nguyệt Chi
hay Quý Sương ở Cam Túc có mắt xanh, râu rậm, giỏi cưỡi ngựa. Sách của sử gia
Tư Mã Thiên (thế kỷ 2-1 TCN) cũng ghi chép người Nguyệt Chi sống giữa vùng núi
Kỳ Liên (Thiên Sơn) và Đôn Hoàng (Sử Ký, mục 123) phía bắc Cam Túc. Người
Nguyệt Chi chịu ảnh hưởng nhiều từ nền văn minh Hy Lạp. Người Hy Lạp gọi họ là
Tocharin (Tokharistan). Trong thế kỷ 1-2 (SCN) họ cũng liên kết với tướng nhà
Hán là Ban Siêu để tấn công bộ tộc Thổ Phồn và cả Hung Nô. Về sau, họ dâng
nhiều vàng bạc đá quý (ngọc Nguyệt Chi rất có tiếng) và xin cưới các công chúa
nhà Hán. Vua Hán không đáp ứng được đòi hỏi của người Nguyệt Chi nên họ đã trở
mặt tấn công đội quân của Ban Siêu (năm 86 SCN). Nhưng do đường xa quân lính
mệt mỏi, thiếu lương thực họ đã bị quân nhà Hán ít hơn đánh bại.
- phương 方: thường hằng, có, đang lúc này, khắp
nơi, vuông vắn ,phương hướng, người có đạo nghĩa, chính trực....
- cao chẩm 高 枕: cái gối cao để nằm ngủ một cách nhàn nhã, thong dong. Chỉ sự yên giấc không phải lo nghĩ gì (cao chẩm vô ưu). Đồng thời
từ này cũng để chỉ những bậc đạo cao đức trọng làm người ở ẩn không còn lo bận
việc đời....
Bài 25/3
TÁI HẠ KHÚC (Kỳ tam) 塞下曲(其三)
Tuấn mã tự phong tiêu,
駿馬似風飆,
Minh tiên xuất Vị kiều,
鳴鞭出渭橋。
Loan cung từ Hán
nguyệt, 彎弓辭漢月,
Sáp vũ phá thiên kiêu.
插羽破天驕。
Trận giải tinh mang
tận,
陣解星芒盡,
Doanh không hải vụ
tiêu.
營空海霧銷。
Công thành họa Lân Các,
功成畫麟閣,
Độc hữu Hoắc Phiêu
Diêu! 獨有霍嫖姚。
Lý Bạch
李白
Dịch nghĩa:
Khúc ca dưới ải (bài ba).
Con ngựa giỏi giống như ngọn gió lồng dữ dội. Thét lớn, vung roi (cưỡi ngựa)
lên đường ra trận đến cầu sông Vị. Giương cung lên để từ giã trăng đất Hán.
Lắp tên (vào cây cung) phá tan bọn giặc trời!
Khi trận đánh đã ngừng lại, sao trời mênh mông cũng đã tắt. Những trại lính
cũng bỏ không, sương mù nơi biển rộng cũng đã tan. Công lao (của tướng lĩnh)
được cho vẽ khắc nơi gác Lân, chỉ riêng có tướng Hoắc Phiêu Diêu mà thôi!
Tạm chuyển lục bát:
KHÚC CA DƯỚI ẢI (Bài ba).
Ngựa hay như ngọn gió
lồng,
Thét roi cầu Vị bến sông lên đường.
Chia tay, trăng Hán cung giương,
Cài tên quyết phá tan luôn giặc trời!
Trận xong, sao cũng tắt rồi,
Trại doanh bỏ trống, sương mù biển tan!
Vẽ vời công trạng gác Lân,
Phiêu Diêu họ Hoắc riêng chàng có thôi!
Chú thích:
- phong tiêu 風 飆: cơn gió mạnh dữ dội, gió lốc ,gió lồng lên, gió lốc...
- minh tiên 鳴 鞭: hét lớn và dùng roi thúc ngựa lên đường. Trong tác phẩm "Chinh Phụ Ngâm Khúc 征 婦 吟 曲" của Đặng Trần
Côn nước ta (làm khoảng năm 1741 đời vua Lê Cảnh Hưng) đã chịu ảnh hưởng nhiều
đến những hình ảnh chinh chiến của những triều đại Trung Hoa cổ trong đó có ý
thơ của Lý Bạch:...."Tây phong minh tiên xuất Vị Kiều 西 風 鳴 鞭 出 渭 橋" (câu 25). Bà
Đoàn Thị Điểm đã dịch ra tiếng nôm rất tài hoa:..."Thét roi cầu Vị, ào
ào gió thu "(câu 24- Chinh phụ ngâm diễn ca).
- xuất 出 ra khỏi, đi ra ,ra quân lên đường chống giặc...
- loan 彎 trương cây cung để bắn, giương lên hết cỡ để tên bắn đi xa và
mạnh.
- sáp vũ 插 羽 cài đặt, lắp tên vào cây cung.
- thiên kiêu 天 驕 bọn giặc trời kiêu ngạo, giả dối. Đây chỉ
những bộ tộc ngoài biên tái thường đem quân đánh phá các vùng lãnh thổ biên ải
của người Hán. Họ cũng như người Hán, nhiều lần đi cướp phá, xâm chiếm lẫn nhau. Người Hán xưa nay luôn cho mình là chính danh, là nước lớn, xem các nước bên
ngoài là man di và bao giờ cũng cao giọng vu cho họ là giặc dám chống lại thiên
triều!
- vụ 霧: sương mù.
- Lân Các 麟 閣: do Hán Cao Tổ cho xây dựng để ghi tên những
viên tướng đã giúp ông dựng nghiệp đế. Các vua đời sau cũng dùng Lân Các ghi
tên các vị danh tướng có công rất lớn trong việc phò vua và giữ gìn bờ cõi như
Hoắc Khứ Bệnh.
- Hoắc Phiêu Diêu 霍 嫖 姚: tức tướng quân rất trẻ và tài giỏi là Hoắc
Khứ Bệnh 霍去病 (140-117 TCN), người huyện Bình Dương, Hà
Đông, T.H. Lúc còn niên thiếu, ông đã được Hán Vũ Đế tin dùng cho làm thị trung
để gần gũi và bảo vệ vua. Năm 123 TCN, khi mới mười tám tuổi, ông được Hán Vũ Đế
cho cầm quân cùng với tướng Vệ Thanh đi đánh quân Hung Nô thường quấy phá, uy
hiếp nhà Hán từ phía bắc. Chuyến ra quân này quân Hán thắng lớn nên được phong
là Phiêu Diêu giáo úy, tước Quan Quân hầu. Năm 121 TCN, thăng chức Phiêu Kỵ
tướng quân và cử đi đánh Hung Nô lần thứ hai. Chỉ trong sáu ngày với một vạn
phiêu kỵ quân trang bị nhẹ, ông đã tiến nhanh qua năm tiểu quốc Hung Nô về
hướng Lũng Tây giết gần một vạn quân địch buộc quân Hung Nô phải lùi chạy lên
xa phía bắc tạo sự an toàn cho biên giới phía bắc nhà Hán. Năm 119 TCN, ông
cùng Vệ Thanh chia nhau mỗi người nắm năm vạn quân đánh sâu vào các lãnh thổ
của Hung Nô làm tan đi mối lo sợ bị Hung Nô uy hiếp phía bắc. Với chiến công
này, ông và Vệ Thanh đều được phong là Đại Tư Mã lúc Hoắc Khứ Bệnh mới có hai
mươi hai tuổi. Hai năm sau, do nhiễm bệnh khi chinh chiến, ông mất năm hai mươi
bốn tuổi (117 TCN) được vua Hán phong thụy là Quan Quân Cảnh Hoàn hầu, có tên
khắc và ảnh họa trong Lân Các. Ít nhiều hình ảnh chàng tướng trẻ Hoắc Phiêu
Diêu đã là nguồn cảm hứng cho Đặng Trần Côn trong "Chinh Phụ Ngâm
Khúc" và nhất là trong "Chinh Phụ Ngâm Diễn Ca" bản dịch nôm của
Đoàn Thị Điểm ở nước ta: "Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt, Xếp
bút nghiên theo việc đao cung"( câu 17-18) hoặc:... "Chỉ ngang ngọn
giáo vào vùng hang beo" [câu 36-đối chiếu câu 3 bài Tái Hạ Khúc
(Kỳ nhất)]. Điều đó cho thấy văn chương của người Việt trước đây chịu ảnh hưởng
sâu đậm thơ văn trung Hoa. Văn chương xưa kia của nước ta cũng thường vay mượn
hình ảnh hay địa danh trong thơ văn Trung Hoa nếu không muốn nói là lệ thuộc
rất nhiều vào tư tưởng của nhiều người tài danh như Lý Bạch ,Đỗ Phủ... v.v... Ngay cả bài hát Hòn Vọng Phu 1 làm ở thế kỷ 20 về sau rất nổi tiếng của nhạc
sĩ Lê Thương cũng lấy nguồn cảm hứng từ Chinh Phụ Ngâm Khúc vẫn chưa thoát được
sự vay mượn đó và gián tiếp ca ngợi chiến công của kẻ từng xâm lăng nước
nhà ["Qua Thiên San kìa ai tiễn rượu vừa tàn. Bên Man
Khê còn tung gió bụi mịt mùng. Bên Tiêu Tương còn thương tiếc nơi ngàn
trùng" (Hòn Vọng Phu 1)]. Đó là những địa danh hoàn toàn của
người Hán, nhất là ẩn chứa hình ảnh của tướng Phục Ba Mã Viện từng đi đánh dẹp
các bộ tộc phía tây bắc ở vùng Thiên San hay đèo Man Khê phía bắc T.H. và ông
ta cũng từng cầm quân xâm lăng nước ta ,đánh dẹp sự khởi nghĩa của Hai Bà Trưng
một cách tàn bạo ở phía nam. Thiên San, Man Khê đều là địa danh
vùng Tân Cương phía cực Tây Trung Hoa là của dân tộc khác, nơi Mã Viện từng
theo lệnh Hán Vũ Đế đem quân đánh dẹp các bộ tộc Bàn Hồ vùng Vũ Lăng [Bấy giờ
chưa bị người Hán chiếm đoạt và đồng hóa. Xem Wikipedia thời nhà Hán, chúng ta
thấy rõ nước Trung Hoa biên cương chỉ mới đến Thiểm Tây, tức là từ bờ biển phía
đông sang phía tây lãnh thổ chỉ hơn phân nửa Trung Hoa ngày nay. Việc bành
trương, xâm lăng và đồng hóa đã làm thay đổi biên cương của nước này!] Còn
Tiêu Tương nằm ở Hồ Nam do hai con sông Tiêu và Tương hợp lại chảy vào hồ Động
Đình của Trung hoa .Quả thật, những hình ảnh đại loại như Mã Viện cần giúp
chúng ta tỉnh táo trước mọi mưu đồ đưa đất nước vào sự lệ thuộc Trung Hoa trong
đó có văn học. Thơ văn của họ có rất nhiều cái hay, cái đẹp nhưng ý đồ bành
trướng của những kẻ cầm quyền của họ từ xưa đến nay vẫn không hề thay đổi
và luôn tìm mọi cách đồng hóa các lân quốc trong đó có lĩnh vực văn hóa!
BÀI 25/4
TÁI HẠ KHÚC (Kỳ tư) 塞下曲(其四)
Bạch mã Hoàng Kim tái,
白馬黃金塞,
Vân sa nhiễu mộng ti
(tư)
雲砂繞夢思。
Na kham sầu khổ tiết,
那堪愁苦節,
Viễn ức biên thành nhi.
遠憶邊城兒
Huỳnh phi thu song mãn,
螢飛秋窗滿,
Nguyệt độ sương khuê
trì.
月度霜閨遲。
Tồi tàn ngô đồng diệp 摧殘梧桐葉,
Tiêu táp sa đường chi.
蕭颯沙棠枝。
Vô thì độc bất kiến,
無時獨不見,
Lệ lưu không tự
tri.
淚流空自知。
Lý Bạch
李白
Dịch nghĩa:
Khúc ca dưới ải (bài
bốn).
Con ngựa lông trắng tuyền đang ở vùng biên tái Hoàng Kim. Những đám mây
cát (nơi biên tái) vòng quanh giấc mộng thương nhớ (người đi xa). Làm sao để
nỗi sầu khổ cho vơi bớt đi!? Thiếp vẫn thương nhớ người đi nơi thành trì biên
giới xa xăm! Cửa sổ mùa thu đầy ắp những con đom đóm lập lòe bay. Vầng trăng
đã chậm rãi đi qua phòng khuê bao lần? Lá cây ngô đồng đã tàn tạ, gãy nát;
cành cây sa đường cũng hư hao, úa tàn ! Kể chi thời gian, riêng mình
chẳng thấy; nào hay dòng lệ âm thầm, lặng lẽ tuôn trào tự mình mình biết mà
thôi!
Tạm chuyển lục bát:
KHÚC CA DƯỚI ẢI (Bài bốn).
Hoàng Kim ngựa trắng vùng biên,
Mộng quanh mây cát, nỗi niềm buồn đau.
Làm sao vơi bớt khổ sầu!
Thành biên xa lắc thiếp đâu quên nào.
Đóm thu lượn cửa nhiều sao!
Phòng khuê qua chậm bao lần vầng trăng.
Ngô đồng lá đã úa tàn,
Cành sa đường cũng tan hoang mất rồi!
Đợi hoài chẳng thấy riêng người,
Tự mình hay biết lệ rơi lặng thầm!
Chú thích:
- vân sa 雲 砂: những đám mây chứa nhiều cát ở những vùng
hoang mạc do gió cuốn đi.
- na kham 那堪: làm sao chịu nổi.
- tiết 節: giảm bớt, tiết giảm, vơi bớt, đốt tre, thời tiết...
- ức 憶: nhớ nhung, thương nhớ, không quên được.
- nhi 兒: cách người vợ thời xưa xưng hô với chồng, nghĩa khác chỉ con
trẻ, con cái, trẻ em... Ở đây tạm dịch là "thiếp" cũng theo cách xưng
hô xưa cũ bên Trung Hoa.
- mãn 滿: tràn đầy, rất nhiều, khắp chốn....
- độ 度: vượt qua, độ trì, lần...
- sương khuê 霜閨: căn phòng lạnh lẽo của người đàn bà lẻ loi, phòng của người đàn bà vắng chồng. Tác phẩm "Cung oán ngâm khúc 宮怨吟曲 "của Nguyên Gia
Thiều có câu: "Ai ngờ tiếng quyên kêu ra rả, Điệu thương xuân
khóc ả sương khuê" (câu 281-282).
- tồi tàn 摧殘: hư hao, gãy nát...
- tiêu táp 蕭 颯: cây cỏ lụi tàn.
ngô đồng 梧 桐: còn được gọi là cây tơ đồng, cây vông hay
cây trôm được dùng làm thuốc. Trong văn học Trung Hoa, cây ngô đồng thường được
xem là loài cây quí vì chim phượng hoàng thường đậu trên cây này. Thành ngữ
Trung Hoa có câu: 梧桐一葉落, 天下共知秋 Ngô đồng nhất diệp lạc, Thiên hạ cộng tri
thu (Một lá ngô đồng rơi, người ta sẽ biết mùa thu đã đến)
- sa đường 沙 棠: loại cây thân gỗ dùng để đóng thuyền.
- không 空: trống trải, bỏ không, thầm lặng, vắng
vẻ....
BÀI 25/ 5
TÁI HẠ KHÚC (KỲ NGŨ)
塞下曲(其五)
Tái lỗ thừa thu há.
塞虜乘秋下,
Thiên binh xuất Hán
gia.
天兵出漢家。
Tướng quân phân Hổ
Trúc,
將軍分虎竹,
Chiến sĩ ngọa Long Sa.
戰士臥龍沙。
Biên nguyệt tùy cung
ảnh,
邊月隨弓影,
Hồ sương phất kiếm hoa.
胡霜拂劍花。
Ngọc Quan thù vị nhập,
玉關殊未入,
Thiếu phụ mạc trường
ta!
少婦莫長嗟。
Lý Bạch
李白
Dịch nghĩa:
Khúc ca dưới ải (bài năm).
Mùa thu, quân giặc ở vùng biên tái đã thừa cơ tiến xuống phía ải. Quân lính
triều đình (binh trời!) nhà Hán cũng ra quân lên đường! Gậy ấn hổ
trúc cũng được các tướng quân phân chia cho các bộ phận (nhận nhiệm vụ). Quân
lính nằm nghỉ nơi bãi Long Sa. Trăng ngoài biên tái cũng đi theo bóng của cây
cung (cong vành); ánh hoa kiếm (lấp lánh) bị che đi bởi sương đất Hồ. Ngoài
Ải Ngọc, quân thù vẫn chưa tiến vào! Những nàng thiếu phụ (có chồng đi ra biên
cương) chớ có than dài!
Tạm chuyển lục bát:
KHÚC CA DƯỚI ẢI (Bài
năm).
Mùa thu giặc xuống biên
cương,
Binh triều nhà Hán lên đường ra đi.
Tướng quân hổ trúc phân chia,
Long Sa quân lính bãi kia ăn nằm.
Theo cung biên ải, bóng trăng,
Ánh hoa thanh kiếm, che giăng sương Hồ.
Ngọc Quan quân địch chưa vô,
Chớ than thở mãi những cô có chồng!
Chú thích:- lỗ 虜: quân địch ,tù binh phe địch, cướp được, lấy được, tôi tớ...
- thừa 乘: chuyên chở, cưỡi (cưỡi ngựa, cưỡi thuyền...), nhân cơ hội, thừa cơ...
- hổ trúc 虎竹: gậy trúc có bịt đầu con hổ để các tướng
quân làm ấn tín giao cho các bộ tướng dưới trướng lãnh trách nhiệm ra trận.
- Hồ 胡: người Hán thường gọi các bộ tộc phương bắc và vùng giáp
giới phía tây là rợ Hồ với thái độ coi khinh..... Hồ chỉ chung người bộ tộc Hồ
Đột, Thổ Phồn, Đột Quyết, Hung Nô... v.v... là những bộ tộc du mục, cưỡi ngựa giỏi
và thiện chiến.
- Ngọc Quan 玉關: tên gọi của Ngọc Môn Quan, một cửa ải quan
trọng vùng biên tái phía bắc Trung Hoa. Đây là cửa ải từng ngăn giữ nhiều trận
đột nhập đánh phá của các bộ tộc phía bắc xuống lãnh thổ nhà Hán.
- thù 殊: quân thù địch, quân bên đối phương.
- vị 未: chưa xảy ra, chưa đến, không nên, chớ nên...
BÀI 25/6
TÁI HẠ KHÚC (Kỳ lục)
塞下曲(其六)
Phong hỏa động sa mạc,
烽火動沙漠,
Liên chiếu Cam Tuyền
vân.
連照甘泉雲。
Hán hoàng án kiếm khởi,
漢皇按劍起,
Hoàn triệu Lý tướng
quân.
還召李將軍。
Binh khí thiên thượng
hợp,
兵氣天上合,
Cổ thanh lũng để văn.
鼓聲隴底聞。
Hoành hành phụ dũng
khí,
橫行負勇氣,
Nhất chiến tĩnh yêu
phân.
一戰靜妖氛。
Lý Bạch
李白
Dịch nghĩa :
Khúc ca dưới ải (bài sáu).
Lửa hiệu được đốt lên từ đài hiệu làm chấn động một vùng sa mạc (ngoài quan
tái). Khói bốc lên như những đám mây ở núi Cam Tuyền được đốt lên liên tục soi
sáng (cả một vùng). Vua Hán chống kiếm đứng lên, cho triệu hồi Lý tướng quân
trở về triều. Khí thế binh lính như hợp nhau lại trên trời! Nghe tiếng trống
(trận) bên dưới đáy vùng thung lũng. Quân lính xông xáo (ngoài trận mạc) nhờ
vào khí thế mạnh mẽ, nên chỉ trong một trận đã sạch bóng yêu quái xấu xa!
Tam dịch lục bát:
KHÚC CA DƯỚI ẢI (Bài
sáu).
Lửa bùng sa mạc rối ben,
Mây giăng liên tiếp, Cam
Tuyền sáng trưng!
Đứng lên, vua Hán vỗ gươm,
Quay về lại, Lý tướng
quân: cho mời.
Họp binh: khí thế trên
trời!
Lũng sâu nghe trống tơi
bời kêu vang.
Nhờ vào xông xáo dọc
ngang,
Khí yêu một trận đã tan
sạch rồi!
Chú thích:
- phong hỏa 烽 火: thời nhà Tần, để
ngăn sự quấy phá của các bộ tộc như Hồ Đột, Thổ Phồn, Hung Nô... v.v... ở phía
bắc thường tiến xuống phía nam cướp phá, vua Tần Thủy Hoàng đã cho xây dựng
Trường Thành (hay còn gọi Vạn Lý Trường Thành sau này) và cho đặt các đài cao
chứa gỗ củi, chất dễ cháy gọi là Phong hỏa đài để khi có quân địch tràn xuống
sẽ cho đốt liên tiếp và liên tục những phong hỏa đài đặt dọc trên Trường Thành
để báo tin làm hiệu cấp thời cho triều đình và dân chúng phòng bị giặc tiến
vào. Các vua triều đại sau vẫn tiếp tục duy trì Trường thành và các phong hỏa
đài này....
- động 動: chuyển động, chấn động, rung động, xúc động, rối ren, rối tung, bèn...
- liên chiếu 連 照: chỉ các "phong hỏa đài" được đốt
để có ánh sáng và mây khói liên tục.
- Cam Tuyền 甘 泉: tên một cửa ải quan trọng về phía bắc nhà
Hán có đặt liên tiếp các phong hỏa đài. Khi quân địch tràn xuống, binh lính sẽ
đốt liên tục các phong hỏa đài tạo thành những đám mây khói và ánh sáng từ lửa
có thể nhìn thấy từ rất xa để báo tin nhanh về triều đình. Do chịu ảnh hưởng
sâu đậm của thơ văn Trung Hoa nhất là thơ Đường nên nhiều hình ảnh trong thơ
văn cổ của nước ta như Chinh Phụ Ngâm Khúc của Đặng Trần Côn cũng lấy ý thơ từ
thơ Lý Bạch: 鼓 鼙 聲 動 長 城 月 Cổ bề thanh động Trường Thành nguyệt, 烽 火 影 照 甘 泉 雲 Phong hỏa ảnh chiếu
Cam Tuyền vân, 九 重 按 劍 起 當 席 Cửu trùng án kiếm khởi đương tịch.... ( Đoàn
thị Điểm đã dịch nôm:..."Trống Trường Thành lung lay bóng nguyệt, Khói Cam Tuyền mù mịt thức mây. Chín tầng gươm báu trao tay...." -
C.5, 6 ,7, Chinh Phụ Ngâm Diễn Ca).
- án kiếm khởi 按 劍 起: đứng dậy, vỗ gươm hay chống kiếm để bắt đầu
một công việc lớn như khởi binh ra trận ,ban bố quân lệnh của các vua chúa.
- Lý tướng quân 李 將 軍: tức Lý Quảng 李 廣, người đất Lũng Tây,Cam Túc, T.H. Ông còn
được gọi là Phi tướng quân 飛 將 軍 vì có tài cưỡi ngựa, bắn cung thần tốc. Từ trẻ, ông đã tham gia
quân đội chống quân Hung Nô(160 TCN) được Hán Văn Đế phong chức Lang Trung
lệnh. Thời Hán Vũ Đế được làm Vệ Úy cung Vị Ương. Năm 133 TCN, vua phong làm
Phiêu Kỵ tướng quân đi đánh Hung Nô cùng các cánh quân khác. Ông thắng nhiều
trận nhưng cũng bị thua nhiều trận và có lần bị quân Hung Nô bắt giữ nhưng trốn
thoát được. Triều định luận tội xử chết chém nhưng nhờ đem hết gia sản lo liệu
nên thoát tội. Năm 119 TCN, do sự điều phối của đại tướng quân Vệ Thanh không
rõ ràng khiến đoàn quân của Lý Quảng đi lạc nên hội quân trễ tạo cơ hội cho
Thiền Vu (tức tên gọi vua Hung Nô) trốn thoát. Vệ Thanh cho triệu về doanh trại
để hạch tội. Lý Quảng cho là mình bị sỉ nhục nên rút gươm tự tử. Hình ảnh cao
to và khí lực mạnh mẽ của Lý Quảng khi xông pha trận mạc luôn làm cho quân Hung
Nô khiếp sợ. (xem Sử Ký Tư Mã Thiên).
- triệu 召: cho mời, kêu gọi, vẫy gọi, gọi từ xa về...
- binh khí 兵 氣: khí giới để quân lính đánh kẻ thù, khí thế
của quân binh khi ra trận.
- hoành hành 橫 行: ngang ngược, trái đạo lý, xông xáo chẳng
sợ hãi khi xung trận, ruổi rong khắp nơi, lung tung....
- phụ 負: cậy nhờ, gánh vác, dựa vào, lo lắng, phụ
bạc...
- tĩnh 靜: sạch sẽ, trinh trắng, yên tĩnh, hòa dịu, mưu
trí...
- yêu phân 妖 氛: khí tượng không lành, xấu xa, không tốt,
yêu khí....
Dương Anh Sơn
(Lần đến: LÝ BẠCH Bài 26, 27, 28)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét