Thứ Tư, 25 tháng 8, 2021

Một Lần Đến Thăm Đền Các Vua Hùng Và Vùng Cực Bắc Của Đất Nước - Phần I

GIỚI THIỆU

Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy Cô, quý Đồng Môn và Thân Hữu 

Bài phóng sự ghi lại cuộc du lịch MỘT LẦN ĐẾN THĂM ĐỀN CÁC VUA HÙNG VÀ VÙNG CỰC BẮC CỦA ĐẤT NƯỚC của thầy Dương Anh Sơn, cựu giáo sư trường Nguyễn Huệ Tuy Hòa, Phú Yên.

Bài viết rất dài, BBT xin mạn phép tác giả chia làm nhiều phần và đăng nhiều kỳ, để độc giả tiện theo dõi.   

Bài phóng sự rất hay, súc tích, nghiên cứu công phu, nhiều hình ảnh minh họa đẹp. Quý vị lưu giữ làm tài liệu... và chia sẻ cho nhiều người cùng xem.

Xin chân thành cám ơn thầy Dương Anh Sơn.

Trân trọng

NHHN


Cổng chính đi vào Đền Các Vua Hùng (h. 1)

MỘT LẦN ĐẾN THĂM ĐỀN CÁC VUA HÙNG VÀ VÙNG CỰC BẮC CỦA ĐẤT NƯỚC
Thầy Dương Anh Sơn

Phần I - THĂM ĐỀN CÁC VUA HÙNG Ở PHÚ THỌ

Chuyến bay rời Sài Gòn lúc 6 giờ sáng đến phi trường Nội Bài, Hà Nội lúc 8 giờ. Từ đây xe của Công ty Lữ hành tư nhân Thế Hệ Trẻ đón đoàn gồm 11 người (gồm các CGV. ĐH, CGS. TH, các nhà văn ở Mỹ về và tại VN) đi lên vùng tây bắc đến tỉnh Phú Thọ cách Nội Bài 50 km. Nếu đi từ Hà Nội lên Phú Thọ phải mất khoảng 100 km. Tỉnh Phú Thọ là nơi có đền thờ vua Hùng với phía tây giáp Sơn La, phía nam giáp Hoà Bình, đông giáp Hà Nội và Vĩnh Phúc, bắc giáp Yên Bái, Tuyên Quang với thành phố Việt Trì là trung tâm hành chính.

Khoảng 10 giờ, xe đưa chúng tôi đến Việt Trì rồi rẽ hướng lên vùng đồi núi Phong Châu thuở xa xưa, nơi có đền thờ các vua Hùng. Ở đây, người địa phương cũng như nhiều "báo đài" của nhà nước thường gọi tắt là “Đền Hùng”! Có lẽ chúng ta nên gọi cho đầy đủ và mang lòng thành kính với hàng quốc tổ của dân tộc là “Đền các vua Hùng“ trang trọng hơn. Đền các vua Hùng được xây dựng từ thời vua Đinh Tiên Hoàng (968-979) dựng trên núi Nghĩa Lĩnh hay còn gọi là Núi Cả, Hy Cương... thuộc vùng kinh đô Phong Châu xưa kia của các vua Hùng để tưởng nhớ và ghi ơn công đức của những vị vua được dân chúng từ xưa đến nay tôn thờ như những bậc tiên tổ khai sinh ra đất nước và dân tộc chúng ta với tên nước Văn Lang đầu tiên của dòng giống Lạc Việt... Khi xe bắt đầu đi vào vùng núi có quần thể các đền thờ vua Hùng, chúng tôi đều có cảm giác lâng lâng và niềm thành kính vùng núi non từng ghi dấu những hình bóng của các đấng tiền nhân đã mở đầu cho việc hình thành tổ quốc Việt Nam. Núi non chập chùng được giữ gìn khá tốt với những màu xanh thay đổi tạo nên một cảnh quang rất đẹp và một phong khí thiêng liêng của vùng đất tổ.

Chúng tôi bắt đầu leo các 30 bậc cấp đầu tiên tiến lên cổng quét vôi màu hồng đậm cao hơn 12 mét có ghi hàng chữ Cao Sơn Cảnh Hành高山景行 Nếu hiểu với chữ Cảnh Hành, câu này có thể hiểu là lên núi cao để ngắm phong cảnh... Nhưng nếu hiểu theo đúng cách đọc là Cao Sơn Cảnh Hạnh, câu đề trên cổng có nghĩa rộng hơn: kính mộ người có đức độ lớn lao (cảnh hạnh: đức hạnh cao lớn - xem thêm: Từ điển Thiều Chửu, Đào Duy Anh) ví như ngọn núi cao. Đây là một câu được lấy từ Kinh Thi của Trung Hoa (Tiểu Nhã, Xa Hạt): Cao sơn ngưỡng chỉ, Cảnh hành hành chỉ 高山仰止景行行止... Chu Hy giải thích là: Núi cao để người ta ngưỡng trông, bậc có đức hạnh lớn được coi như khuôn phép để noi theo [1] Nhưng hình ảnh phù điêu ngay cổng lại là hai ông lính hay hai ông quan võ gác cổng giống y như hai ông quan võ phương Bắc với trang phục kiểu Trung Hoa đang trấn giữ cửa ngõ vào đền các vua Hùng. Hình ảnh này làm mất đi vẻ trang nghiêm chốn thờ đức tổ của một dân tộc  với cách vẽ màu mè, thô thiển thay vì tượng điêu khắc nghệ thuật bền vững và lâu dài! Theo tài liệu Cục Di Sản Văn Hoá của Hà Nội, cổng được xây dựng vào năm thứ hai đời vua Khải Định triều Nguyễn (1917). Có lẽ, thời đó các nghệ nhân và quan lại làm đền chưa ý thức sâu sắc về bản sắc dân tộc nên mới lấy mẫu mã kiểu Trung Hoa chăng?! Tuy nhiên, những lần tu bổ về sau trong điều kiện đất nước hoà bình, những người có trách nhiệm rất sai sót trong việc lựa chọn những phù điêu phù hợp có giá trị khơi dậy và giữ gìn bản sắc dân tộc cũng như tính nghệ thuật cao. Nhiều địa phương có thể bỏ tiền ra hàng ngàn tỷ đồng từ ngân sách để xây tượng đài nhưng những tượng khắc trang trí cho các khu vực đền quốc tổ Hùng Vương lại bị coi nhẹ! Cả một đất nước lại không lo cho đàng hoàng đền quốc tổ ! Vùng đất tổ là nơi những con dân nước Việt rất ao ước có cơ hội để đến chiêm bái. Nơi đây chính là biểu tượng của niềm tự hào của con cháu Hồng Lạc, nó giúp chúng ta hun đúc tình yêu dân tộc và tinh thần gìn giữ non sông gấm vóc do tiền nhân gầy dựng. Cho nên, những công trình kiến trúc nên được xem xét thận trọng mỗi khi tu sửa. Sự thiêng liêng của vùng đất tổ là yếu tố then chốt nhưng sự kiến tạo của người có lương tâm và trách nhiệm rất lớn. Nó chứa đựng tính giáo dục rất cao về ý thức cội nguồn dân tộc và lòng yêu nước thiết tha cho những ai mang dòng máu Lạc Hồng đến viếng tiên tổ!

Từ cổng chính màu hồng đậm, chúng tôi bắt đầu leo 225 bậc cấp bằng đá đi qua một cổng nữa đi vào Đền Hạ vẫn với hai ông lính Tàu sơn phết màu mè tiếp tục gác hai bên Đền Hạ thờ các vua Hùng (h. 2)! Đền Hạ được sửa chữa và xây dựng lại trên nền cũ có từ trước vào năm 1917 với nhà bia hình lục giác và một toà nhà ba gian đơn sơ nhưng trang nghiêm với một khoảng sân rộng phía trước chung quanh cây cối rậm dày và thấp thoáng xa xa là núi non trùng điệp. Kề bên Đền Hạ có một ngôi chùa làm theo kiến trúc xưa với năm gian và dãy nhà dọc nối liền. Chùa có tên xưa là Sơn Cảnh Thừa Long Tự, Viễn Sơn Cổ Tự... nay đổi tên là Thiên Quang Thiền Tự được xây dựng vào thời nhà Trần, về sau nhà Nguyễn trùng tu.

Cổng vào Đền Hạ (h. 2) 

Rời Đền Hạ, chúng tôi lại đi theo 168 bậc cấp bằng đá chắc chắn đi tiếp lên Đền Trung. Nhờ có thời gian nghỉ ở Đền Hạ nên đoàn chúng tôi khoẻ khoắn leo tiếp dễ dàng lên trên. Gần Đền Hạ có Đền Giếng tương truyền là nơi công chúa Ngọc Hoa và Tiên Dung thường ngồi bên giếng trang điểm, chải tóc. Có một điều là phía trên lòng giếng, người ta phải làm một khung lưới dùng để ngăn những người mê tín, thiếu văn hoá hay nói cho đúng là không có văn hóa thường ném tiền lẻ cầu khẩn vào giếng như rất nhiều người mê tín thiếu hiểu biết thường dán tiền hay bỏ tiền cầu khẩn vào tay tượng Phật ở các chùa chiền phía bắc này.

Phía trước Đền Hạ (h. 3)

Kiến trúc Đền Trung gồm một dãy nhà ba gian xây theo kiểu hình chữ nhất, mái ngói cổ màu đỏ gạch nổi bật giữa vùng đồi núi xanh và các hàng tre bao bọc chung quanh. Đền Trung còn có tên là Hùng Vương Tổ Miếu tương tuyền là nơi các vua Hùng tiếp các Lạc hầu, Lạc tướng để bàn việc nước nơi đây (h. 4). Theo dân gian, Đền Trung cũng là nơi Hùng Vương thứ 6 nhường ngôi cho Lang Liêu vì biết chọn dâng lên tiên tổ và nhà vua bánh dày, bánh chưng giàu ý nghĩa... Đền Trung được xây dựng vào thời nhà Lý, nhà Trần rồi bị giặc Minh tàn phá khi chúng xâm lược nước ta (1407-1427). Sau được xây dựng và tu bổ lại dưới thời vua Khải Định (1917).

Ngồi trên những viên đá quây tròn ở trước sân, chúng tôi như cảm nhận sự có mặt của tổ tiên từ ngàn xưa đang nhìn con cháu quanh đây. Khung cảnh thiên nhiên quanh ngôi đền ẩn chứa hồn thiêng của tiên tổ, ghi dấu những sinh hoạt của các bậc khai sinh ra nước Văn Lang của tộc Lạc Việt với vùng đồng bằng và núi non có thể nuôi dưỡng và làm thành luỹ ngăn giặc phương Bắc luôn dòm ngó...  

Phía trước Đền Trung (h. 4)

Rời khu vực Đền Trung, đoàn chúng tôi tiếp tục leo thêm 102 bậc cấp lên đỉnh Nghĩa Lĩnh để viếng Đền Thượng. Tương truyền Nghĩa Lĩnh là nơi Hùng Vương thứ sáu lập đàn tế trời đất cầu xin ban cho người tài giỏi giúp nước đánh giặc Ân của phương Bắc, cũng là nơi các vua cúng tế trời đất, các thần linh để đất nước yên bình, mưa thuận gió hoà cho mùa màng tươi tốt. Trong điện thờ các vua Hùng có bài vị đề chữ “Kính Thiên Lĩnh Điện   嶺奠” nghĩa là: đỉnh núi để dâng cúng, tỏ lòng kính trọng Trời. Bên ngoài điện có bức hoành đề bốn chữ: '' Nam Việt Triệu Tổ 南越  '' tạm dịch là: tổ tiên khai sinh ra người Việt ở phương Nam. (Quốc hiệu Nam Việt do Triệu Đà là người gốc Trung Hoa do nhà Tần cử sang đặt ra sau khi đánh bại Thục Phán An Dương Vương của nước Âu Lạc với hai tộc Âu Việt và Lạc Việt, không nằm trong nghĩa này). Vua Đinh Bộ Lĩnh cho lập đền thờ các vua Hùng với quốc hiệu thời đó với niềm tự hào là Đại Cồ Việt. Nhà Lý đổi thành Đại Việt, Hồ Quí Ly đổi lại là Đại Ngu. Nhà Hậu Lê, nhà Mạc, chúa Trịnh, chúa Nguyễn, nhà Tây Sơn đều gọi là Đại Việt. Vua Gia Long khi xin nhà Thanh định quốc hiệu là Nam Việt nhưng vua Thanh định lại là Việt Nam. Qua thời vua Minh Mạng cải lại là Đại Nam (15/2/1839)... Nên chăng quốc hiệu nước ta nên đổi lại là NAM VIỆT hoặc ĐẠI NAM cho chính danh, quốc hiệu Việt Nam do nhà Thanh Trung Hoa đặt cho nước ta tưởng cũng nên xét lại cho nghiêm chỉnh. Cái gì của bọn bành trướng hãy trả lại cho bọn chúng huống gì là tên nước!. Như thế, không rõ chữ trên bức hoành bên ngoài Đền Thượng có từ khi nào nhưng thiển nghĩ nên hiểu câu trên là ông tổ khai sinh người Việt phương Nam có lẽ hợp lý hơn!

Đứng trước điện thờ ở Đền Thượng, chúng tôi như cảm nhận sự thiêng liêng và công ơn to lớn của các vua Hùng trong việc xây dựng nước Văn Lang đầu tiên trong thực tế của dòng giống Việt ở phương Nam. Từ vùng Nghĩa Lĩnh nhìn quanh chúng tôi thấy các đỉnh núi xa xa sương khói tựa như khí thiêng sông núi đang dâng lên hoà trong các màu xanh thay đổi như một bức tranh thuỷ mặc.

Có một điều cứ đeo đuổi tôi từ khi bước vào cổng màu đỏ sậm dưới chân núi lên đến Đền Thượng là ngay cổng bước vào điện thờ ở đây cũng có hình phù điêu hai ông lính Tàu canh gác hai bên rất khó chịu! Đất Tổ, Đền Tổ nước Việt sao lại có hình ảnh mấy tên võ tướng của Tàu đứng canh giữ khống chế!?  Biết làm sao bây giờ? (h. 5 & h. 6)

Cổng Đền Thượng đã tu sửa (h.5)

Cổng Đền Thượng hiện nay đã được tu sửa với câu hoành Nam Việt Triệu Tổ 南 越 肇 祖 (Tổ tiên gây dựng nước Việt phương Nam) như cũ nhưng vẫn duy trì hai ông lính kiểu Tàu được sơn phết màu mè... (h. 5)

Cổng Đền Thượng trùng tu năm 1997 (h .6)

Cổng Đền Thượng trùng tu năm 1997 với hai anh lính trang phục Trung Hoa mặc áo giáp kiểu thời xưa..... (Ảnh tư liệu: báo Công Lý)(h. 6)

Rời Đền Thượng, đoàn chúng tôi theo bậc cấp hướng đông đi xuống thăm lăng vua Hùng thứ 6. Trước đây là ngôi mộ đắp đất, năm 1870, đời vua Tự Đức thứ 27 cho xây mộ và dựng lăng. Năm 1922, vua Khải Định cho trùng tu lại khang trang. Phía trên cao ba mặt lăng nhìn ra trước đều đề chữ: ''Hùng Vương Lăng 雄王 .'' (h. 7) Thời đại các vua Hùng vẫn còn nhiều điều chưa sáng tỏ nhưng việc xây dựng các đền thờ và lăng mộ  của các triều đại xưa nay có giá trị biểu tượng nhằm hun đúc và đề cao lòng yêu nước thương nòi của những người mang dòng giống Việt. Đó là một sức mạnh tinh thần nhằm bảo vệ giang sơn của tiên tổ bao đời giữ gìn cho con cháu cho đến ngày nay. Sự tồn vong của đất nước và dân tộc là vấn đề then chốt của mọi con dân nước Việt trước sức mạnh thô bạo hiện nay của bọn giặc phương Bắc vẫn luôn có ý đồ thôn tính nước ta bằng cách này hay cách khác.

Tương truyền đây là Lăng Hùng vương thứ 6 (h. 7)

Gần 12 giờ trưa, đoàn chúng tôi đi xuống chân núi, dùng cơm trưa tại Phú Thọ để bắt đầu chuyến thăm thú vùng Hà Giang phía tây bắc rồi sẽ rẽ lên cực bắc đến tỉnh Lạng Sơn. Tôi có cảm nhận rằng mọi người trong đoàn từ khách phương xa ở Mỹ về và những người trong nước cùng thăm viếng đền các vua Hùng đều thấy trong lòng càng yêu mến non sông kỳ vĩ của cha ông để lại. Chuyến viếng thăm này giúp chúng tôi hiểu hơn, gần gũi hơn với phần phía bắc của đất nước.

Dương Anh Sơn

[1] Kinh Thi, Khổng Tử san định, Tạ Quang Phát dịch, PQVKĐTVH XB, Saigon, 1970. Nxb Đà Nẳng in lại 2003, tr. 498 & 499.

(Xin mời quý vị đón xem Phần II)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét