Thứ Bảy, 28 tháng 8, 2021

Một Lần Đến Thăm Đền Các Vua Hùng Và Vùng Cực Bắc Của Đất Nước - Phần III (3, 4, 5)

 

Cổng chính đi vào Đền Các Vua Hùng 

MỘT LẦN ĐẾN THĂM ĐỀN CÁC VUA HÙNG VÀ VÙNG CỰC BẮC CŨA ĐẤT NƯỚC
Thầy Đương Anh Sơn

III.- ĐÈO MÃ PÍ LÈNG và CÁC DÒNG SÔNG

Từ giã Đồng Văn, xe đưa đoàn theo quốc lộ 4 C đi qua một con đèo trước đây khá hiểm trở có tên là Mã Pí Lèng thuộc huyện Mã Pí Lèng và Mèo Vạc, Hà Giang. Tuy đường đi có nhiều khúc cổ tay, ngoằn nghèo nhưng với các phương tiện cơ giới bây giờ, đường cũng dễ đi đủ hai xe tránh nhau. Được xây dựng trên các triền núi đá vôi lởm chởm nhưng khá vững chải của công viên địa chất Đồng Văn nên dù trời mưa to cũng không sợ lỡ đất đá như đèo Bảo Lộc của Lâm Đồng.

Vùng Mã Pí Lèng viết đúng theo cách phát âm của người bản địa là Mã Pí Lèng. Trước kia thời 1959, đường được cả ngàn lượt thanh niên gian nan để mở đường do chưa có máy móc phải dùng đồ thô sơ để đục đẽo đá cứng ở độ cao 1200 m. Hai mươi cây số đi qua đỉnh núi của đèo làm xong. Phải mất 6 năm nữa con đường 160 km qua Cao Bằng mới hoàn tất. Có lẽ giai đoạn này, miền Bắc thiếu thốn đủ thứ, nếu có những xe làm đường chuyên nghiệp chưa phải loại đời mới bây giờ như trong Nam thời 1960 không phải dùng sức người quá khổ như thế! Xe dừng trên một khúc rộng trên đèo để mọi người xuống xe chiêm ngưỡng con sông Nho Quế xanh mướt dưới vực sâu nhìn từ đèo xuống. (h. 3). Đó là con sông xuất phát từ Vân Nam, Trung Hoa dài 192 km; ở nước Việt nó chỉ có 45 km đi qua Đồng Văn, Mèo Vạc đổ vào sông Gâm hay nói dúng hơn là sông Gầm ở Cao Bằng.

Dòng Nho Quế xanh mướt nhìn từ đèo Mã Pí Lèng

Con đường về huyện Bắc Mê đi qua rất nhiều trạm thủy điện như Nho Quế, Chiêm Sơn, Na Hang, Bắc Mê, Bảo Lâm, Nậm Mạ, Yên Sơn... Đường đi quanh co theo các dòng sông như Nho Quế, sông Năng, sông Nậm Mạ, sông Neo... qua các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn đưa đoàn chúng tôi đến huyện Bắc Mê lúc sẩm tối. Bữa tối ăn bữa cơm nơi đây với các món ăn cũng tương tự như những chỗ ăn lần trước!

Bữa ăn một quán" lớn" vùng cực bắc đều giống nhau: rau luộc, canh rau, cá sông, dĩa muối ớt thêm dĩa gà luộc và đậu hủ kho nhưng ngon và sạch.....

Có lẽ cuộc sống mộc mạc, đơn sơ của các dân tộc bản địa nơi đây đã tạo nên các sinh hoạt cũng đơn giản như chính cuộc sống của họ. Lối suy nghĩ, cách nói năng khi tiếp xúc không rắc rối nhưng chơn chất. Những ngày nắng tốt leo núi dăm hạt bắp, ngày mùa leo núi thu hoạch. Ngày này qua tháng nọ cứ đơn điệu, lập đi lập lại một cung bậc như bữa ăn rau muối thường ngày của họ. Khi lễ lạc, ngày mùa hay có khách sẽ thêm vài món cá sông hay gà luộc... v.v... Tôi nhớ những hình ảnh trông thấy khi ở Đồng Văn dậy sớm đi tìm quán cà phê uống cho ấm bụng giấc sáng. Tôi và em trai của một anh chị trong đoàn rất ngạc nhiên lúc ghé khu Phố Cổ tìm chỗ nhâm nhi cà phê. Có khoảng năm sáu quán cà phê nơi quảng trường cũ nhưng có lẽ bán khuya nên họ dẹp sơ sơ về ngủ. Quán nào cũng không có cửa ngõ, có thể tự do đi lại thông nhau với quầy kệ để nhiều vật dụng cho việc pha chế cà phê giăng khắp bàn nhưng không có chủ và chắc là không sợ kẻ gian như dưới miền xuôi! Chỉ e rằng cơn lốc thành thị hóa và nhiều thứ "văn hóa" đi kèm sẽ làm suy thoái bản tính chất phác, trung thực vốn có của họ.

IV.- ĐI THUYỀN TRÊN SÔNG GÂM (GẦM)

Ngủ lại Bắc Mê, ngày thứ tư của chuyến ra bắc, sau khi ăn sáng xong, xe đưa chúng tôi tới bến thuyền cách trung tâm thị trấn chính của huyện không xa để xuống thuyền sắt xuôi dòng sông Gâm.

Sông Gâm trước kia vẫn gọi là sông Gầm là một nhánh của sông Lô phát xuất từ Vân Nam, Trung Hoa có tên là Bạch Nam Hà dài 297 km, chảy vào Việt Nam có tên sông Gâm (Gầm) dài 217 km đi qua các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang rồi đổ vào sông Lô ở huyện Yên Sơn. Các con đường đèo cũng uốn lượn theo các con sông đổ vào sông Gâm dưới vực đèo qua các vùng đá phiến thạch anh Bắc Kạn...

Ngồi thuyền xuôi dòng sông Gầm đến Na Hang, Tuyên Quang

Đoàn chúng tôi xuống bến thuyền ở Bắc Mê lên chiếc thuyền sắt khá vững chải chở thoải mái khoảng hai mươi người đợi sẵn với hai anh em cầm lái trẻ tuổi. Thuyền bắt đầu rời bến đi đến chặng đầu tiên là Na Hang là một thị trấn nhỏ ven sông. Vì sợ không kịp thời gian nên thuyền chỉ lướt qua không ghé lại. Do mấy bữa nay có mưa nguồn nên nước của con sông có màu vàng đục. Nhìn núi non hùng vĩ ven sông với sương giăng khói tỏa, chúng tôi như cảm thấy hồn thiêng sông núi đang có mặt nơi đây! Đà Lạt nơi tôi sinh sống thuở nào núi non rất đẹp nhưng dáng vẻ Tây phương. Còn đây, cái đẹp của cảnh quan như hòa quyện với nhau vừa hùng vĩ, vừa kỳ bí, vừa sâu lắng lại có sức hấp dẫn lạ lùng. Đó là cái đẹp có hồn của sông núi! Từ thuyền nhìn lên những ngọn núi cao, những vách đá ven sông dựng đứng, màu sắc khi xanh thẳm, khi xanh lơ thay nhau tạo nên những cảnh sắc tuyệt vời. Thuyền đi qua những khe hẹp giữa hai vách núi trắng đen hòa cùng màu xanh của cây cối trông mãn nhãn!

Núi non ven dòng sông đi đền lòng hồ Na Hang

Thỉnh thoảng, chúng tôi lại gặp những thác nước lớn nhỏ từ triền đá cao chảy xuống trông rất ngoạn mục.

Những thác nước từ triền núi cao đổ xuống điểm thêm cho cái đẹp vốn sẵn có của dòng sông.

Thấp thoáng xa xa trên triền dốc núi có rải rác bản làng của người dân tộc mà có lẽ cuộc sống văn minh thành thị rất xa lạ với họ. Qua Na Hang, dòng sông bây giờ trở nên xanh như ngọc biếc, thuyền chúng tôi đi vào một vùng nước xanh thẳm vời nhiều cột đá lớn nhỏ nhô lên mà người dân tộc gọi là Vài Phạ nghĩa là cọc đá để cột trâu của trời! 

Một cột đá như một tòa nhà cao gần 100m ở giữa con sông.

Cả đoàn đều trầm trồ trước cảnh quan của khu vực này. Ai nấy đều ra phía trước thuyền ghi lại những góc đẹp của những cột đá hòa quyện cùng sông nước xanh biếc và núi non giăng mắc mây khói quanh quanh! Chắc chắn đất nước nào cũng có những cảnh đẹp riêng của họ. Và không phải cảnh đẹp nào cũng giống nhau. Núi non, cảnh trí nơi đây và chúng tôi có một sự thân thiết của tình tự quê hương. Cái đẹp của cảnh sắc trước mắt thực sự chất chứa hồn thiêng sông núi như một nhắc nhở cho con cháu quyết tâm giữ gìn giang sơn gấm vóc của cha ông để lại!

Sông nước và núi non hòa quyện

Nghe nói cá sông Gâm rất ngon, người thầy từng dạy Triết lớp 12 của tôi đi cùng đoàn đã dặn anh hướng dẫn viên công ty Thế Hệ Trẻ báo cho nhà thuyền mua cá lăng là món chính buổi ăn trưa trên thuyền. Sông Gâm, theo như anh hướng dẫn du lịch cho biết có năm loại cá nổi tiếng là cá anh vũ, dầm xanh, cá lăng, cá bống, cá chiên cùng nhiều loại tôm cá khác. Cá anh vũ xưa để tiến cung dâng cho vua và hầu như mất bóng. Bữa cơm do đứa em tài công khoảng trên hai mươi tuổi chuẩn bị từ khi thuyền rời bến trông tươm tất và quả thật nấu khá ngon miệng nhất là cá lăng hấp ướp hương vị rau thì là pha nghệ ăn với bánh tráng.

Bữa ăn rất vui và ngon trên thuyền dọc sông Gâm.

V.- THĂM THÁC BẢN GIỐC

Rời hồ Ba Bể, đoàn chúng tôi lên đường đi Cao Bằng để ghé thăm thác Bản Giốc, một thác nước được nhiều người Việt rất quan tâm vì hai lý do chính yếu. Trước hết, đó là một trong những thác nước đẹp nhất nước Việt Nam. Và thứ hai đó là một thác nước phải chia ranh và đóng cọc mốc biên giới ngay giữa thác xác định phần phía trái của thác chính cùng nguyên thác phụ gần đó là của Việt Nam; nửa bên thác chính phía đông là của nước Trung Hoa mà bây giờ đều gọi quen là Trung Quốc! Trước năm 1999, khi chưa có sự phân định biên giới vùng thác Bản Giốc, hầu như người dân Việt theo sách vở cũ và những tư liệu lịch sử từ thời Pháp thuộc vẫn nghĩ rằng thác Bản Giốc đương nhiên là của nước ta!

Từ những năm 2000 trở đi, rất nhiều người vẫn nghĩ là có một sự sắp xếp nào đó kèm theo những mưu toan xảo trá của Trung Quốc trong việc đảo ngược những giấy tờ gọi là hòa ước chính quyền Pháp xâm chiếm nước ta đã ký với nhà Thanh Trung Hoa từ 1887 và 1895 phân chia thác Bản Giốc như đã nêu trên. Năm 1999, hai bên tái xác nhận và định rõ lại đường biên giới đi qua giữa thác chính... Hầu như không thấy Trung Quốc công khai trưng bản gốc của Hòa ước 1887 và 1895. Chỉ nghe họ nói như thế và trong những gì hai bên đàm phán đưa ra về Bản Giốc... Một kẻ thù cả hai ngàn năm nay chưa bao giờ đứng về cái thiện, cái đúng sẽ dùng đủ mưu kế khi đàm phán biên giới! Hình ảnh của Trung Quốc xưa nay luôn đồng nghĩa là mưu mô, gian xảo, trí trá, tiểu xảo, hung tợn...! Khó mà tin vào được những gì họ nói vì nói một đằng làm một nẻo như chuyện biển Đông trước mắt!

Thành ra, trong chuyến đi này, tôi rất thỏa lòng được ghé đến một địa danh lịch sử còn nhiều nghi vấn... Chỉ sợ lòng tham không đáy về đất đai, biển đảo của bọn xâm lược phương Bắc này chẳng bao giờ dừng lại. Bọn chúng về lâu dài đang mưu tính nuốt dần không phải chỉ là thác Bản Giốc mà thôi...

Chúng tôi ghé lại Bản Giốc trong một buổi chiều mưa tầm tả. Thác nước từ độ cao chảy ào ào xuống khiến bọt tung tóe bay khắp khu vực trước thác hòa cùng cơn mưa nặng hạt. Tôi nhìn những người trong đoàn thấy họ dù mưa gió vẫn thích đứng chụp cảnh thác nước lịch sử! Tâm trạng của mỗi người không ai giống ai, nhưng chắc chắn cùng có mẫu số chung là tình yêu quê hương đất nước tràn trề mà thác Bản Giốc là một hình ảnh rất tiêu biểu để qua đó nghĩ về số phận và tương lai quê cha đất tổ nhiều hơn!

 Mưa và bụi nước từ thác tung tóe trong khi đang đứng trước thác Bản Giốc.

Con sông Qui Sơn   người địa phương đây đọc là Quây Sơn, phát xuất bên Trung Hoa chảy vào Việt Nam ở xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng. Sông chảy đến xã Đàm Thủy chia nhiều nhánh chảy thành thác đổ xuống một vùng rộng như một hồ nước nhỏ. Mức nước dưới chân thác so với con sông phía trên là khoảng 35 m. Sông chảy thành thác rồi thành dòng quay trở lại (qui) Trung Hoa.

Quả thật nhìn thác nước trong cơn mưa chiều, chúng ta thấy sự hùng vĩ và cái đẹp của nó. Cảm nhận về cái đẹp mỗi người mỗi vẻ nhưng giống nhau vì thác nước vùng biên giới này từng gắn liền với bao triều đại gắn liền với việc thành hình nước Việt ở phương Nam. Sự chia đôi biên giới của thác nước cũng có nghĩa trong tâm thức là chia đôi cái đẹp hay là cái đẹp nửa vời! Cái đẹp của thác chưa thực sự hoàn hảo và của riêng đất nước Việt!

Thác Bản Giốc vùng biên giới trong cơn mưa chiều......

Dù mưa chưa ngớt, chúng tôi vẫn muốn đứng nhìn thác nước ví như nàng con gái tuyệt đẹp đang một thân chịu sự giằng co của hai chàng trai mạnh yếu cách biệt... Nhưng rồi anh hướng dẫn viên đã thúc giục trở lại xe để còn di chuyển thêm 180km theo QL4a về Lạng Sơn ghé thăm nhiều di tích lịch sử khác nữa...

Lên xe rời thác Bản Giốc khi cơn mưa chiều đã bớt. Xe đưa chúng tôi về lại một khách sạn ở Cao Bằng nghỉ đêm để sáng hôm sau đi thị trấn Đồng Đăng cách khoảng 125 km. Đồng Đăng vốn được biết đến qua câu ca dao quen thuộc:

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh.
Ai lên xứ Lạng cùng anh,
Bỏ công bác mẹ sinh thành ra em...

Ngày nay, ngoài những địa điểm du lịch nổi tiếng từ trước, thị trấn Đồng Đăng và thành phố Lạng Sơn từng được đề cập nhiều và đi vào lịch sử với những trận đánh ác liệt cách đây 40 năm ngăn chặn bọn xâm lược phương Bắc tràn vào vùng cực bắc và đông bắc nước ta. Tháng 2/1979, mấy chục quân đoàn của bọn xâm lược Trung Quốc tiến công nước ta về mạn bắc trong đó có Đồng Đăng và Lạng Sơn phải gánh chịu những tổn thất rất lớn. Nơi đây từng chứng kiến những thiệt hại về quân số, xe tăng của bọn chúng cũng như những hy sinh mất mát của người dân vùng này... Bốn mươi năm trôi qua (1979-2019), những vết tích của cuộc chiến đấu khốc liệt thuở ấy vẫn còn ở một số địa điểm lịch sử nhưng bộ mặt phố xá đã thay da đổi thịt của một thời hòa bình...

Dương Anh Sơn 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét