Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2024

Tiến Sĩ Rupert Neudeck, Ân Nhân Của Thuyền Nhân Việt, Qua Đời Tại Đức

 

Chân dung tiến sĩ Rupert Neudeck trong lễ tưởng niệm 14/6/2016.

TIẾN SĨ RUPERT NEUDECK, ÂN NHÂN CỦA THUYỀN NHÂN VIỆT, QUA ĐỜI TẠI ĐỨC 
Thanh Trúc, phóng viên RFA

Trên trang sử tị nạn cũng như trong lòng bao thuyền nhân Việt đi tìm tự do sau 30 tháng Tư 1975, hình ảnh  tiến sĩ Rupert Neudeck và hình ảnh những chiếc tàu cứu mạng Cap Anamur không bao giờ có thể phai mờ trong ký ức.

Ngày 31 tháng Năm vừa qua, tiến sĩ Rupert Neudeck, người đã vận động với chính phủ Đức để có được 4 chiếc tàu mang tên Cap Anamur lướt sóng ra khơi cứu người vượt biển Việt Nam trong thập niên 75 cho đến 85, đã qua đời tại thành phố quê nhà của ông ở Troisdorf nước Đức, hưởng thọ 77 tuổi.

Trái tim nhân ái

Có thể xuôi tay nhắm mắt ở tuổi 77 là hãy còn quá sớm, thế nhưng với rất nhiều người Việt thì con người phi thường ấy, tiến sĩ Rupert Neudeck, dù đã lìa đời nhưng khoảng trống để lại thì quá đầy, bởi nhờ ông mà từ 1979 đến 1986 đã có 11.300 người già trẻ lớn bé được những chiếc tàu của Ủy Ban Cap Anamur vớt từ biển cả mênh mông đưa về bến bờ an toàn hạnh phúc.

Tôi rất cảm phục ông Neudeck, một người sống rất giản dị và sống rất bình thường. Từ hồi còn trẻ, ông bị ám ảnh nhất là trong thời gian ông mới năm hay sáu tuổi thì đã phải đi lánh nạn cộng sản Nga. Thông cảm được nỗi đau khổ của người tị nạn, những nạn nhân của chiến tranh, nghèo đói hay chủng tộc mà ông xả thân ra làm. Khó có thể tưởng tượng được một con người đã hy sinh toàn bộ cuộc sống của mình cho tha nhân.

Là người Công Giáo thuần thành, ông lấy tấm gương một người Samaritain nhân hậu trong Thánh  kinh là xả thân cứu người. Khi cứu người thoạt đầu ông bị biết bao nhiêu chống đối, thậm chí có những người quá khích đã ném phân vào nhà ông, nhưng ông vẫn chịu đựng và làm đủ mọi cách. Đầu tiên ông thành  lập ủy ban có tên là Ủy Ban Một Con Tàu Cho Việt Nam, chỉ để chuyên cứu với những thuyền nhân Việt Nam đang thập tử nhất sinh trên biển cả. Cuối cùng ông đã cứu được 11.300 sinh mạng thuyền nhân Việt Nam. Từ đó ông tiếp tục cho đến ngày ông mất.

Những người mời ông đi thuyết trình hay đi nói chuyện đều đề nghị trả tiền vé máy bay hay tiền khách sạn thì ông đều từ chối hết, ông yêu cầu lấy tiền đó để vào quĩ cứu giúp người nghèo. Tôi tin chắc rằng đại đa số người tị nạn, không được tàu Cap Anamur vớt hay được tàu Cap Anamur vớt, khi biết về ông đều tỏ ra kính phục.

Bên Công Giáo nhiều người gọi ông là Thiên Thần của Chúa gởi đến cho nhân loại, người bên Phật Giáo thì gọi ông là một vị Bồ Tát đã xả thân cứu người không phân biệt chủng tộc, màu da, xu hướng chính trị.

Bên Công Giáo nhiều người gọi ông là Thiên Thần của Chúa gởi đến cho nhân loại, người bên Phật Giáo thì gọi ông là một vị Bồ Tát đã xả thân cứu người không phân biệt chủng tộc, màu da, xu hướng chính trị.
- Ông Nguyễn Hữu Huấn

Những nơi nguy hiểm nhất mà không người nào thèm đến để cứu giúp thì ông đến một mình. Thí dụ cuộc kháng chiến của Afghanistan chống lại sự xâm lăng của Liên Xô trong thập niên 80 thì ông tự một thân một mình ra đi, hòa nhập vào đoàn người tị nạn ở Afghanistan để cứu những người Afghanistan đó. Ông đã một lần bị máy bay trực thăng của Nga bắn nhưng rất may ông thoát chết.

Đó là lời ông Nguyễn Hữu Huấn, thành viên trong Ủy Ban Cap Anamur ở Hamburg,  từng được tàu Cap Anamur vớt, sau trở lại làm việc trên những chuyến tàu ra khơi cứu người mà tiến sĩ Rupert Nudeck vận động thành lập:

Đầu năm 1980 tôi đi vượt biển lần thứ ba, ghe của tôi bị hải tặc cướp 2 lần. Khi ghe lênh đênh ngoài biển và không còn dầu nhớt nữa, máy đã bị hư thì chúng tôi được tàu Cap Anamur cứu. Lúc đó cảm giác như là được sống lại. Nhìn thấy con tàu đồ sộ còn cái ghe của mình quá nhỏ thì chúng tôi rất bàng hoàng, có thể nói là được một lần nữa tái sinh. Tôi được chính phủ của tiểu bang Hamburg cho đi học tiếng Đức trong vòng 11 tháng. Cuối năm 81 tôi bắt đầu trở thành thành viên của Ủy Ban Cap Anamur, tôi đi liên tục trong 5 năm rưỡi.

Ông Nguyễn Đình Phúc, có người anh cả được tàu Cap Anamur vớt hồi năm 1980:

Ngày 9 tháng  Tám năm 1979, con tàu Cap Anamur bắt đầu khởi hành từ Hamburg. Chuyến cuối cùng thì tàu cũng cập cảng Hamburg tháng Tám năm 1986. Cộng đồng người Việt tị nạn toàn nước Đức nói chung và tại Hamburg nói riêng chân thành cảm ơn ông Neudeck và dân tộc Đức đã mở lòng nhân đạo, cứu vớt và nhận cho thuyền nhân Việt Nam được cư ngụ tại nước Đức.

Theo cựu thuyền nhân Lê Ngọc Tùng, đang sinh sống tại Hamburg, nếu không có tiến sĩ Rupert Neudeck và những chiếc tàu Cap Anamur đi vớt người vượt biển từ 1979 đến 1986 thì:

Thống kê cho biết khoảng 200.000 người Việt Nam đã đi tìm tự do đã chết giữa biển. Nếu không có con tàu Cap Anamur thì chắc chắn số người chết giữa biển vì hải tặc, bị sóng cuốn, bị thiếu lương thực ... sẽ là rất nhiều. Cap Amamur là con tàu tình thương đã vớt tổng cộng 11.300 người tất cả. Và 11.300 người người này sau đó còn bảo lãnh thân nhân từ Việt Nam sang nữa để có cuộc sống tự do.

Vì được tài trợ bởi chính phủ và người dân Tây Đức lúc bấy giờ, 4  chiếc tàu của Ủy Ban Cap Anamur được trang bị như một bệnh xá di động, hoàn tất ngoạn mục sứ mạng vớt người trên biển cho đến khi chấm dứt năm 1987:

Ủy Ban Cap Anamur lấy mỗi con tàu đều là tên Cap Anamur hết. Bốn con tàu đi liên tiếp nhau chứ không phải đi vớt một lần 4 chiếc. Tôi được chuyến Cap Anamur số 1 vớt.  Tàu Cap Anamur số 1 từ 1979 đến 1982 chia thành 29 chuyến thì đã vớt được 199 chiếc ghe. Cho đến khi chấm dứt vào năm 1987 là tàu Cap Anamur số 4.

Sau khi các trại tị nạn tại các nước Đông Nam Á loan báo đóng cửa và không nhận thuyền nhân vào nữa, những con tàu Cap Anamur 5 và Cap Anamur 6 đã không vớt người mà chỉ dẫn dắt và cứu hộ những chiếc ghe vượt biển, tìm cách đưa họ an toàn vào trại tị nạn mà thôi.

Tang lễ đơn giản


Các linh mục người Việt ở Đức chuẩn bị lễ đồng tế. Hình do ông Nguyễn Hữu Huấn cung cấp RFA.

Các linh mục người Việt ở Đức chuẩn bị lễ đồng tế. Hình do ông Nguyễn Hữu Huấn cung cấp RFA.

Ngày 8 tháng  Sáu 2016 vừa qua, tang lễ chỉ được cử hành đơn giản trong vòng gia tộc thể theo ý nguyện của người quá cố. Là người thân thiết với gia đình qua nhiều năm làm việc cùng tiến sĩ Rupert Neudeck và Ủy Ban Cap Anamur, cũng là người Việt duy nhất có mặt tại  ngày vĩnh biệt, ông Nguyễn Hữu Huấn chia sẻ:

Gia đình từ vợ đến con cháu chỉ muốn mai táng ông một cách âm thầm thì vợ chồng tôi may mắn được tham dự. Tôi chưa thấy tang lễ nào đơn sơ như vậy bởi vì bà  làm theo ý nguyện của ông là không hoa, không nến, không kèn không trống và chính những người con người thân khiêng quan tài của ông đến nơi an nghỉ cuối cùng. Hiện tại ngày hôm nay trước mộ của ông chỉ vỏn vẹn có cây Thánh giá và vái ba cây cỏ dại và chính ông bà muốn như vậy.

Trái với vẻ bình lặng đơn sơ của tang lễ ở Troisdorf, lễ tưởng niệm tiến sĩ Rupert Neudeck, cha đẻ những con tàu tình thương Cap Anamur, hàng ngàn người Việt đã đổ về thành phố Koln để chào kính vị ân nhân, vị anh hùng không cùng máu mủ ruột thịt với mình:

Buổi tưởng niệm ngày 14 tháng Sáu vừa qua là Tòa Tổng Giám Mục ở Giáo phận Koln( Cologne)  tổ chức và Đức Hồng Y đúng chủ lễ. Trong ngày đó chỉ có một bức hình thật lớn để trên Cung Thánh và một bó hoa của nhà thờ.

Bà Neudeck nói bà không mời bất cứ một chính trị gia hay là những người nổi tiếng trên nước Đức mà riêng người Việt Nam thì bà mời đến. Đó là ý nguyện của bà và gia đình.  
- Ông Nguyễn Hữu Huấn

Bà Neudeck nói bà không mời bất cứ một chính trị gia hay là những người nổi tiếng trên nước Đức mà riêng người Việt Nam thì bà mời đến. Đó là ý nguyện của bà và gia đình.

Đó là một buổi lễ tưởng niệm long trọng, cảm động, ngập tràn nước mắt của thuyền nhân. Chủ lễ buổi tưởng niệm  là Đức Hồng Y Giáo Phân Koln cùng 12 linh mục người Đức gốc Việt:

Mười hai linh mục Việt Nam là những người được tàu Cao Anamur cứu vớt hồi trước, được phép làm lễ đồng tế chung với Đức Hồng Y trên bàn thờ.

Trong khi đó thì người Việt Nam kéo đến, theo báo chí là đến khoảng hơn một ngàn rưỡi người đến nỗi không còn chỗ ngồi. Thật tình ngày đó tôi thấy người Việt Nam người ta sụt sùi người ta khóc. Thậm chí trong khi làm lễ và sau khi làm lễ người Việt Nam mình kéo nhau đến tạ ơn ông Neudeck, cứ xếp hàng mà quì lạy trước chân dung ông Neudeck. Người ta cứ hỏi là muốn viếng mộ ông rồi muốn thắp nhang ở đó. Nhiều người theo kiểu Việt Nam mình là muốn đưa phong bì cho tang gia nhưng bà Neudeck không nhận, nói là xin chuyển vô hai hội thiện nguyện đi giúp người của ông Neudeck.

Điều bất ngờ là không chỉ người Việt mà người bản xứ cũng đến quá đông, ông Nguyễn Hữu Huấn nói:

Không ngờ người Đức đến quá đông, kể cả những người nổi tiếng, mặc dù bà Neudeck không chính thức mời. Thí dụ cựu thống đốc tiểu bang rồi cựu phó thủ tướng, cựu chủ tịch quốc hội rồi một số chủ tịch những đảng chính trị cũng đến nữa. Chúng tôi là người tổ chức chung với gia đình cho nên cái khó khăn là không biết làm sao mà sắp xếp chỗ ngồi cho họ cho đàng hoàng thì cũng chỉ biết cách xin những người Việt Nam nhường chỗ cho họ mà thôi.

Rồi lại còn thêm hầu hết những người đã từng ở trên tàu để đi vớt người thời thập niên 80, những người thiện nguyện của Ủy Ban Cap Anamur  hồi trước là bác sĩ, là y tá  đều đến hết.

Cũng nên nhắc lại hồi tháng Tám 2014,  đại hội  35 năm tàu Cap Anamur, thay vì vẫn diễn ra tại quê nhà Troisdorf của tiến sĩ Rupert Neudeck, nơi một chiếc ghe của người vượt biển được kéo về trưng bày tại đó, thì lần tổ chức 35 năm Cap Anamur này được dời qua cảng Hamburg với cả ngàn người Việt khắp nơi trên nước Đức về tham dự:

Có hai lý do giải thích sự thay đổi này, thứ nhất là tại cảng Hamburg cách đây 5 năm một tấm bia biểu tượng người tị nạn đã được dựng lên nhằm đánh dấu nơi xuất phát mà cũng là nơi trở về của các con tàu định mệnh Cap Anamur.

Thứ hai chính là yêu cầu của tiến sĩ Rupert Neudeck, người sang lập Ủy Ban Cap Anamur, nói rằng sức khỏe của ông ngày một kém vì thế đây có thể là lần cuối cùng và ông mong muốn tổ chức ngày kỷ niệm 35 Cap Anamur tại Hamburg.

Không ai ngờ đến lần kỷ niệm 37 năm Cap Anamur thì tiến sĩ Rupert Neudeck đã  lặng lẽ và  thanh thản  bay vào đại dương mênh mông trong sự nuối tiếc nghẹn ngào của những thuyền nhân vì ông mà được sống.

Một nén hương lòng thắp muộn cho vị đại ân nhân của người vượt biển Việt Nam.

Thanh Trúc, phóng viên RFA


Một Vĩ Nhân Cứu Sống Hàng Ngàn Người Việt

 

Dr. RUPERT NEUDECK: Sống thanh đạm, hoạt động cao cả


RUPERT NEUDECK ÔNG LÀ AI ?
Người Phương Nam 

Một vĩ nhân cứu sống hàng ngàn người Việt
Kiếp người chỉ có một lần để sống

Ngày  31/5 /2016 vừa qua tại bệnh viện Koln  ở nước Đức đã có  một trái tim nhỏ ngừng đập ở tuổi 77.

Một người  ra đi ở tuổi gọi là thất thập cổ lai hy, điều đó có gì để gây xôn xao  vì trên hành tinh này mỗi ngày có hơn  150,000 người từ trần  với nhiều nguyên nhân.

Nhưng đây là một tin gây rúng động cho nhiều cộng đồng, đặc biệt là người VN di tản hiện đang sống tại Đức vì người đó  là Tiến sỹ RUPERT NEUDECK một nhà thần học thiên chúa giáo, một nhà báo, nhà hoạt động xã hội.

RUPERT NEUDECK Ông là ai?

Càng tìm hiểu về ông tôi lại càng say mê và ngưỡng mộ về những gì ông đã làm cho đồng bào VN của tôi trong  thập niên 1970s khi hàng ngày ở miền Nam có hàng trăm người vượt biển đi tìm cuộc sống tốt đẹp hơn cho họ.

Thời đó do phương tiện TRUYỀN THÔNG BỊ HẠN CHẾ cũng như tin tức về người vuợt biên rất nhạy cảm theo quan điểm của nhà cầm quyền,

nói chung chưa có face book, Twitter… như thời bây giờ nên những vụ đắm tàu, cướp biển tấn công, hãm hiếp người di tản, cũng như một số nước châu Á cho tàu quân đội ra xua đuổi tàu chở thuyền nhân khi vào lãnh hải của họ... Được ít ngừoi biết đến.

Nhưng lúc đó ở các nước phương Tây tin tức này là THỜI SỰ, nó cũng như cảnh ta đang xem trên tivi mới đây về những  người dân Somali, Lybia vượt biên chết hàng loạt trên biển.

Tình cảnh thê lương cùng đường bị xua đuổi  NHƯ TỘI ĐỒ đã đánh động  trái tim của tiến sỹ Ropert Nudert, nó thúc đẩy ông dấn thân hành động bằng cách:

- kêu gọi chính quyền Đức
- cộng đồng xã hội
- tôn giáo
- các  bằng hữu

Hãy cứu  giúp những thuyền nhân VN đang bị nạn như:

- Thuyền hết xăng dầu
- Hết lương thực
- Bị chết máy
- Bị cướp bóc... 
- Đang lênh đênh trên biển .

Khi bị nhà cầm quyền từ chối

- ông không nản lòng mà ĐÃ CẦM CỐ NGÔI NHÀ CỦA MÌNH
- kêu gọi bạn bè thân nhân góp tiền của để đóng thuyền ra khơi cứu người VN.

Câu chuyện về NGƯỜI CÓ TRÁI TIM NHÂN ÁI này được ông Franz Alt , sau này là giám đốc đài truyền hình Baden kể lại vô cùng ấn tượng

- "Ông ấy gõ cửa xin tôi phát lời kêu gọi cộng đồng"

Tôi bảo:

- Không thể làm thế được vì một ý kiến cá nhân.

Ông ấy kêu gào:

- "Chẳng lẽ chúng ta cứ nhìn thảm cảnh như vậy mỗi ngày sao?”

Tôi trả lời:

- "Tôi có thể làm được gì?”

Ông ấy trả lời:

- "Tôi có thể cầm cố ngôi nhà đang ở để khởi sự cho chuyến đi biển cứu người."

Tôi đành nhượng bộ trước quyết tâm của con người này và Tôi đã cho ông ấy 2 PHÚT để phát sóng. Đúng vậy, sau lời kêu gọi trên đài, CHỈ 3 NGÀY SAU cả nước Đức đã hưởng ứng với số tiền đóng góp lên đến 1.3 TRIỆU MÁC ( tiền Đức thời bấy giờ)- để thuê chiếc tàu CAP ANAMUR đầu tiên ra khơi vào ngày 9/8/1979 với sứ mệnh cao cả là CỨU VỚT NGƯỜI VN gặp nguy khốn trên biển Đông.

Tiếp theo đó là thêm 2 chiếc  CAP ANAMUR được hạ thủy nhờ vào sự ủng hộ của những người có lòng từ tâm.

Trong thời gian 7 năm  hoạt động  (1979-1986) TỔ CHỨC CAP ANAMUR  ĐÃ CỨU VỚT được 11.300 người vượt biển trên 223 chiếc ghe /thuyền  và hầu hết được định cư tại nước Đức.

Để làm được việc này chính ông, cùng với nhà văn Heinrich Boll, ĐOẠT GIẢI NOBEL NĂM 1972, cùng thân hữu đã thuyết phục thành công chính quyền Đức cho thuyền nhân VN được nhập cư vào nước này.

Được biết ngoài việc cứu giúp cho người Việt, tổ chức do ông sáng lập

- đã có nhiều hoạt động giúp đỡ nạn nhân chiến cuộc tại Somali
- châu Phi
- Afganistan
- Pakistan.

Để tỏ lòng trân trọng công lao to lớn của ông nhà cầm quyền Đức đã tặng ông huân chương Chevalier cao quý NHƯNG 2 LẦN ÔNG ĐÃ TỪ CHỐI.

Chính ông đã đánh động lương tâm của nhiều người, trong đó có người Mỹ và người VN tại Mỹ.

Năm 1979, chính tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã ra lệnh cho 5 tuần dương hạm đi cứu vớt những thuyển nhân và cho họ được nhập cư vào Mỹ.

Hãy tưởng tượng từ 11.300 người từ năm 1979 đến nay gần 40 năm số lượng này tăng lên bao nhiêu, nếu tính luôn việc họ bảo lãnh cho người thân từ VN sang thì có hàng chục ngàn SỐ PHẬN ĐÃ ĐỔI THAY  từ nhân duyên này.

Ngày 14/6  sẽ diễn ra lễ tưởng niệm một con người vĩ đại, nói như lời của ông thị trưởng nơi thành phố ông qua đời : " ông  RUPERT NEUDECK làm được việc cao cả của con người là cứu mạng người khác, nước Đức tự  hào về ông".

Sẽ có nhiều  người Việt Nam và con cái họ  chịu ơn cứu tử của ông từ khắp nơi trên nước Đức đến dự lễ tưởng niệm, sẽ có nhiều lời tri ân, CẢM PHỤC TẤM LÒNG NHÂN ÁI CỦA ÔNG.

Riêng tôi, dù may mắn không là thuyền nhân trên các chuyến tàu thập tử nhất  sinh  đó, tôi vẫn ngưỡng mộ ông như một nhân cách cao quý, một trái tim vĩ đại - ông sẽ sống mãi trong lòng của những người tử tế biết trân quý tinh cảm, có lòng nhớ ơn.

Tôi cũng muốn chia xẻ thêm tin về thời niên thiếu của ông: Lúc còn bé, thời đệ nhị thế chiến  ông và gia đình đã nhỡ một  chuyến tàu tỵ nạn và chuyến tàu xấu số đó trúng thuỷ lôi của hồng quân Liên xô chìm ngoài biển mang theo trên 9000 người.

Có lẽ biến cố này đã gây ấn tượng quá lớn với một cậu bé để khi trưởng thành nó thôi thúc ông làm một nghĩa cử gì đó cho những nạn nhân trên biển cả chăng?

Vĩnh biệt tiến sỹ RUPERT NEUDECK- ông ra đi về nơi thanh thản sau khi làm được việc lẽ ra của thượng đế làm là  đem sự sống lần thứ hai cho hàng chục ngàn người, và nhờ đó ông trở thành BẤT TỬ


NHỚ ƠN NGƯỜI                                                
                                                                 

Đọc bài ở trên, NHỚ ƠN MỘT TÍN HỬU CÔNG GIÁO nước Đức đã cứu dân VN, tôi lại liên tưởng đến CỐ TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM ĐÃ CỨU SỐNG hơn cả triệu người di cư từ sông Bến Hải trở ra miền bắc Việt Nam, Chỉ riêng miền Bắc đã có gần 900,000 người.

Rồi lại có sáng kiến di dân gần một triệu người nghèo khó miền Trung đi lâp ngiệp tại các dinh điền trên 10 TỈNH MỚI ở miền Nam và cao nguyên Trung phần. Đồng bào các nơi định cư cũng nhu các dinh đỉền này đã trở nên trù phú với các nông sản có gía trị như:

- cà phê
- hồ tiêu
- cao su
- hạt điều
- trà v.v...

Đã đem lại LỢI TỨC NGOẠI TỆ cho đất nuớc VN.

Khi ấy Tổng Thống Diệm đã đề ra chính sách - Người cày có ruộng

- Bằng cách mua một phần lớn đất ruộng của các đại điền chủ
- Rồi cấp lại cho các tá điền, những người không có đất ruộng.
- Các mặt về kinh tế, giáo dục, giao thông v..v.. đều phát triển đồng lọat  Xây dựng từ hạ tầng đi lên, nên miền Nam đã nhanh chóng trở nên phồn vinh thịnh vượng.
- Phi trường Tân sơn Nhất hồi đó, cứ 5 phút là một chuyến bay cất cánh hay hạ cánh.
- Khu kỹ nghệ Biên Hòa với
- Nhà máy ciment Hà Tiên
- Nhà máy Dệt
- Nhà  máy Sắt... v.v...
 
Cho nên Miền Nam VN đã ĐƯỢC MỆNH DANH: là HÒN NHỌC VIỄN ĐÔNG và tờ báo Paris Match của Pháp khi đó đã đăng nơi trang bìa hình Tổng Thống Diệm với lời chú thích: Ngô Đình Diệm, l'âme de 1960

Thật vậy, qua năm 1961, Việt Nam Cộng Hòa Lần đầu tiên được THẶNG DƯ mậu dịch.
 
VỀ AN NINH - Với chương trình:

- Bình định nông thôn
- Khu Trù Mật
- Áp chiến Lược

Tập trung đồng bào ở rải rác xa xôi, ở chung thành làng mạc GIAO THÔNG: có đường sá ngang dọc sạch sẽ, GIÁO DỤC: có trường học, tiện lợi cho con em tới trường rất gần.

Y TẾ: có trạm y tế chăm sóc sức khỏe đồng bào mau chóng.

AN NINH: có trạm nhân dân tự vệ bố phòng an ninh ngày đêm cho đồng bào.

Xung quanh Ấp Chiến Lược cũng như Khu Trú Mật đều có BỜ RÀO BAO VÂY bằng cây tre sống, hoặc bằng cây gỗ lớn đóng cọc chéo ràng có vót nhọn ở trên, có nơi còn có đào hào sâu ở bên trong, có nơi còn có kẽm gai.

Việt cọng từ rừng, từ chiến khu, từ bưng biền, không thể liên lạc được với dân để khủng bố, để thu lúa gạo, để cấu kết như trước kia.

Nhờ vậy mà Việt cọng đã hết trà trộn trong dân chúng, các cán bộ cỡ lớn đã bị bắt hầu hết.
Còn bọn du kích thi có tên ra đầu thú, phần còn lại tìm cách chận xe, chận thuyền kiếm đò sống.
 
Hầu hết toàn dân Việt Nam NHỚ ƠN Tổng Thống Ngô đình Diệm
Chỉ có một ít cá nhân
- chính trị salon
- chính trị đảng phái
- cầu cạnh chức vụ không được
- và sau này một số tướng lãnh BỊ MUA CHUỘC  ham tiền làm đảo chánh.

Tụi tướng lãnh làm đảo chánh vừa làm vừa run, nên đã  lừa quân đội rằng:

- "về Saigòn để cứu Ngô Tổng Thống, vì lính Lữ đoàn phòng vệ phủ Tổng Thống làm loạn chống Tổng Thống Diệm".
 
Cho nên không có Quân Dân nào đảo chánh ông Diệm, mà chỉ có đám

- Dương văn Minh
- Trần thiện Khiêm
- Và bè lũ tướng lãnh tham tiền hoặc bị ép buộc, rồi lừa dân, lừa lính đảo chánh mà thôi.

Tụi đảo chánh biết rõ lòng dân rất mộ mến Tổng Thống Diệm, nếu ÔNG DIỆM MÀ SỐNG thì dân sẽ nổi lọan phản đảo chánh, nên chúng giết hai ông Diệm Nhu để TRÁNH HẬU HỌA. Nhưng chúng đã ĐỂ LẠI HẬU HỌA CHO ĐẤT NƯỚC: vì không nghe lời ông Diệm.

Mỹ đã đem vào gần triệu lính, gồm Mỹ, Tân Tây Lan, Úc đại Lợi, Đại Hàn, Thái Lan. mà cuối cùng phải bỏ cuộc, để mất nước vào tay cộng sản ngày 30-04-1975.

Khi đã có quân đội ngọai  quốc vào miền Nam thì chánh quyền miền Nam MẤT CHÁNH NGHĨA.

- Mặt Trận Giài Phóng miền Nam có lý do chống phá chánh quyền mạnh hơn
- Có lý do cho cộng sản miền Bắc tấn công nói để giải phóng dân tộc miền Nam.

Trong khi đó, chánh phủ đão chánh miền Nam ĐÃ NGU DẠI ngay sau khi đảo chính xong
- đã phá bỏ các  Ấp chiến lược
- khu Trù mật

Là những khu an toàn LY KHAI  VIỆT CỘNG ra khỏi dân, như vớt cá ra khỏi nước.
- Chúng còn thả các tù Việt cọng ra khỏi các nhà tù Chí Hòa, Phan đăng Lưu... v.v...
         
TỔNG THỐNG TƯỞNG GIỚI THẠCH  đã nói:

- "100 năm nữa ViệtNam không chắc có được một người như Ngô Đình Diệm".
             
Toàn dân Việt Nam nhớ ơn cố Tổng Thống Ngô đình Diệm!

Posted by: "nguoiphuongnam"


Ngày Này Tháng Tư Năm 1975

 


NGÀY NÀY THÁNG TƯ NĂM 1972
Tiểu Tử

Năm nay tôi 80 tuổi. Vợ tôi thường nói với mấy con:

- "Ông bà mình nói người già hay sanh tật, đúng quá! Bây coi: ba bây bây giờ sáng nào uống cà phê xong cũng lại đứng trước tấm lịch tháng treo ở phòng khách, nhìn trầm ngâm một chút rồi lấy bút gạch tréo ô vuông đề ngày hôm qua! Chi vậy hổng biết? Hỏi ổng thì ổng nói gạch để nhớ rằng đến ngày này tháng nầy mình vẫn còn trôi sông lạc chợ! Trời đất! Định cư ở Pháp từ hơn ba mươi năm chớ phải mới đây đâu mà đi gạch lịch từng ngày! Ổng còn nói gạch để coi chừng nào mình mới thôi gạch để về lại Việt Nam …”

Câu nói của tôi là sự thật nhưng vì vợ tôi không hiểu nên cho là tôi già sanh tật! Làm sao giải thích được mỗi lần tôi gạch tréo một ngày như vậy tôi có cảm tưởng như là tôi vừa nhích lại gần quê hương một chút – MỘT CHÚT THÔI – đủ để nuôi hy vọng thấy một ngày nào đó mình vẫn còn sống mà trở về…

Sáng nay, cũng giống như mọi ngày, tôi cầm bút gạch tréo ô vuông ngày hôm qua. Ô vuông ngày hôm nay ĐẬP VÀO MẮT TÔI làm tôi giựt mình: -Ngày  này, năm 1975! Tôi bỗng nhớ ra, nhớ rõ, những gì đã xảy ra ngày đó, nhớ như in.

- Rồi sợ “cái ngày đó” nó vuột khỏi ký ức vốn đã quá hao mòn của tuổi già, tôi vội vã lấy giấy bút ghi lại…

* * * * * 

HỒI THỜI TRƯỚC 1975..

Tôi làm việc cho một hãng dầu ở Việt Nam, phụ trách nhập cảng xăng dầu từ Singapore vào kho dầu Nhà Bè để cung ứng cho thị trường dân sự và quân sự miền nam Việt Nam. Vì trong xứ có giặc nên thị trường quân sự chiếm 60%, trong đó xăng máy bay dẫn đầu. Các bạn tôi trong quân đội giải thích cho tôi biết rằng ở chiến trường miền nam sự yểm trợ của không lực là quan trọng nhứt. Do đó, tôi luôn luôn theo dõi sát tình hình dự trữ xăng phi cơ ở các kho dầu miền nam

- từ kho Nại Hiên Đà Nẵng

- dẫn xuống kho Cần Thơ

- thông qua kho lớn ở Nhà Bè…

CUỐI THÁNG 3 NĂM 1975..

- thông qua kho lớn ở Nhà Bè…

Sau lịnh triệt thoái cao nguyên BMT, tình hình quân sự trở nên ồ ạt. Sợ trở tay không kịp, tôi còm-măng Singapore một tàu xăng phi cơ.

- Hay tin này, hãng bảo hiểm có hợp đồng với hãng dầu tôi làm việc đánh điện phản đối, không cho tàu dầu qua Việt Nam viện cớ tình hình bất ổn. Đánh điện qua, đánh điện lại, cù cưa cả tuần họ mới bằng lòng cho tàu dầu qua, với điều kiện PHẢI CÓ HỘ TỐNG của Navy Mỹ họ mới cho tàu vào sông Sàigòn để cập kho Nhà Bè!

Tôi báo cáo với ban giám đốc vì lúc đó ở kho lớn Nhà Bè trữ lượng xăng máy bay CHỈ CÒN ĐỦ CÓ 7 NGÀY tác chiến của không quân. Ban giám đốc chấp thuận điều kiện của hãng bảo hiểm. Tôi vội vã gọi điện thoại lại cơ quan yểm trợ Mỹ để xin họp khẩn. Ông trưởng sở trả lời:

- Tôi sẽ đến ngay văn phòng ông. Cho tôi mười phút!”.

Tôi quen ông nầy – tên W, thường được gọi là “Sếp” – nhờ hay đi họp chung. Ông ta dễ thương nhã nhặn, biết chút đỉnh tiếng Pháp nên lần nào gặp tôi cũng nói: “Bonjour! çà va?” (Chào ông! Mạnh hả?)

Xếp W đến văn phòng tôi với hai người phụ tá. Tôi đã làm sẵn hồ sơ nên sau khi mời ngồi, tôi trao ngay cho họ để họ dễ theo dõi những gì tôi sẽ trình bày. Mười phút sau, tôi kết luận xin can thiệp gấp để tàu dầu xăng máy bay của hãng tôi được hộ tống, không quên nhắc lại điểm chánh yếu là trữ lượng xăng phi cơ chỉ còn đủ để chiến đấu trong vòng có bảy bữa!

Nghe xong, Xếp W xin phép BƯỚC RA NGOÀI GỌI VỀ TRUNG ƯƠNG.

Một lúc sau, ông trở vào, nét mặt và giọng nói vẫn tự nhiên như chẳng có gì quan trọng hết: -"Rất tiếc! Chúng tôi không giúp được! Thôi! Chúng tôi về!”.

Tôi đang nghe nghẹn ngang ở cổ thì ông W vỗ vai tôi nói nhỏ bằng tiếng Pháp:

- "Allez vous en!” (Ông hãy đi, đi!)

Ra đến cửa phòng, ổng ngừng lại nhìn tôi, gật nhẹ đầu một cái như để chào nhưng tôi nghĩ là ổng muốn nhắc lại câu nói cuối cùng KHUYẾN KHÍCH TÔI " Allez vous en!” (Ông hãy đi, đi!) …

Tôi ngồi bất động, nghe tức tràn lên cổ :

- Vì thấy mình bất lực quá

- Và cũng nghe thương vô cùng cái quê hương nhỏ bé của mình, nhược tiểu đến mức độ mà

- KHI CẦN: nắm tay để kéo đi theo thì “họ” dán… đầy đường cái nhãn “hai bàn tay nắm lấy nhau” để chứng tỏ sự thật tình “khắng khít”

- Rồi KHI KHÔNG CÒN CẦN NỮA:  thì cứ tự nhiên buông bỏ không ngượng tay giấu mặt, vì biết mười mươi rằng :"Thằng nhược tiểu đó không làm gì được cho mình”!

Tôi ráng kìm xúc động, bước qua phòng họp của ban giám đốc, chỉ nói được có mấy tiếng:

- "Chánh quyền Mỹ từ chối!”. Sau đó, tôi đánh điện qua Singapore.

- Họ trả lời ngay: “OK! Good Luck!” (Nhận được! Chúc may mắn!) Hai chữ cuối cùng, trong hoàn cảnh này và vào thời điểm này, nghe SAO THIỆT ĐẦY CHUA XÓT."

Thấy mới có ba giờ chiều, nhưng không còn lòng dạ đâu để ngồi lại làm việc nên tôi lái xe về nhà. Tôi lái như cái máy, cứ theo lộ trình quen thuộc mà đi. Về đến trước nhà, tôi bỏ xe ngoài ngỏ, đi bộ vô. Vợ tôi chạy ra, ngạc nhiên:

- "Sao về vậy anh?”.

Tôi không nói được gì hết, chỉ gục đầu vào vai vợ tôi rồi bật khóc.

Vợ tôi chưa biết những gì đã xãy ra nhưng chắc nàng đoán được rằng tôi phải đau khổ lắm mới phát khóc như vậy. Cho nên nàng vừa đưa tay vuốt vuốt lưng tôi vừa nói, giọng đầy cảm xúc: -"Ờ…Khóc đi anh! Khóc đi!”

Ngày đó, tháng tư năm 1975… Đúng là ngày này!

Tiểu Tử


Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2024

Saigon Thứ 7

SAIGON THỨ 7 
Anh Bằng

Thực hiện: Theo Dấu Giầy Sô

Trân trọng 
NHHN 

Kính mời quý vị theo dõi 




Thứ Năm, 25 tháng 4, 2024

Cha Tôi, Chết Không Cần Quan Tài

You Tube VIETLIVE TV

CHA TÔI, CHẾT KHÔNG CẦN QUAN TÀI 
Đào Nam Hòa 

Tôi ghi lại bài này thay cho nén hương lòng để thành tâm tưởng nhớ đến Bố Mẹ tôi nhân ngày giỗ Bố lần thứ 8 và giỗ Mẹ lần thứ 7. Tôi không biết bắt đầu câu chuyện từ lúc nào nhưng thời điểm có lẽ ấn tượng nhất và rõ nét nhất mà hầu hết người dân miền Nam Việt Nam nhớ mãi là ngày 30-4-1975.

Khi miền Nam sụp đổ cũng là lúc bất ngờ tất cả nỗi thống khổ đày đọa ập xuống. Nhanh như một cơn cuồng phong thịnh nộ phá nát tan hoang. Mất tất cả! Ngày 10-6-1975 tôi vẫn còn nhớ rất rõ. Trước khi đi cái gọi là “học tập cải tạo” 10 ngày, dù với suy nghĩ chỉ là 10 ngày như lời thông báo, cha tôi cũng không lấy mấy ngàn dằn túi. Ông bảo tôi (lúc đó 19 tuổi) đem hai chỉ vàng cuối cùng còn lại của gia đình – là đôi bông tai của bà nội tôi để lại – ra tiệm vàng bán. Đó là kỷ vật quý nhất nhưng đành phải bán để mua ít lương thực cho ông mang đi. Hai chỉ vàng lúc ấy bán được 33 ngàn. Ông mua khoảng hai ngàn đồng lương thực các thứ và dằn túi một ngàn. Còn lại 30 ngàn ông dặn ở nhà cố gắng 13 mẹ con dè xẻn ăn uống đợi ông về. Mười ngày trôi qua nhanh chóng. Không ai trong số cải tạo trở về. Tôi nghĩ đây là một cú lừa mà đã và sẽ được lịch sử ghi lại kỹ hơn.

Giá sinh hoạt tăng từng giờ. Buổi sáng 100 đồng một ổ bánh mỳ thì chiều đã lên 120. Sau ba tuần thì 12 anh em tụi tôi và mẹ tôi không còn một đồng nào trong nhà. Chị tôi lớn nhất 21 tuổi còn đang đi học, và em út mới hai tuổi. Mười hai con tàu há mồm tuổi đang lớn nuốt bao nhiêu cho đủ! Cơm và thức ăn mỗi bữa mẹ tôi phải chia cho từng đứa. Vài hột cơm sót nơi đáy nồi cũng không yên. Chúng tôi đổ nước vào và cạo sạch không còn một hột. Còn hơn là gạo châu củi quế.

Mẹ tôi và vài đứa em phải đi xâm canh làm ruộng rau muống, một hình thức của kinh tế mới để giãn dân. Không lên voi nhưng phải xuống chó, mẹ tôi và em tôi ngày ngày vào ruộng hái rau muống xong gánh bộ về tới chợ cách đó sáu cây số để bán. Buổi sáng khoảng ba giờ khi trời còn mờ mịt hơi sương và giá lạnh, mẹ và em tôi thay nhau gánh bộ cho kịp phiên chợ sáng. 70 bó rau oằn trên vai người phụ nữ nhỏ bé cao 1,45m nặng chưa tới 40kg. Sáu ký rau mới đổi được một ký gạo. Một tuần mới cắt được một lần chờ cho rau mọc. Những ngày còn lại là cấy rau, nhổ cỏ, trồng khoai mỳ…

Sức ăn trước ngày 30-4-1975 của gia đình tôi một bữa là ba lít gạo, tức một tuần 42 lít, khoan nói chuyện thức ăn cá mắm gì hết. Nay một tuần chỉ còn 13 lít! Bắt đầu tháng 7-1975 lần lượt đồ đạc trong nhà mọc cánh nhẹ nhàng, nhanh chóng, lả lướt, bay đi theo chân những kẻ buôn hàng. Từ cái quạt trần, tôn cống, hàng rào, tủ quần áo, đài radio, giường sắt, đồng hồ treo tường, đồng hồ đeo tay… đều giã từ để về với chủ mới. Hết sạch đồ thì mấy kẻ đi buôn bảo giở gạch bông, giở bớt tôn ngoài mái hiên, tôn trần nhà… bán tiếp. Bán cho đến khi căn nhà nhỏ bỗng trở nên rộng tênh vì chả còn thứ gì ngoại trừ vài cái nồi nấu bằng củi đen thui cũng đã sứt quai gãy gọng. Buổi tối trải chiếu ngủ dưới đất là xong với cái bụng lép kẹp và cơn đói hành hạ. Không biết bao lần tôi phải ăn tưởng tượng trong đêm khuya bằng cách hình dung mấy món ăn tầm thường ngày trước như vài con khô, miếng dừa kho, tô canh bầu… (mơ mà cũng hà tiện không dám mơ thịt cá hải sản).

Bố tôi sau sáu tháng trong trại cải tạo lần đầu được viết thư về. Ông dặn khi lên thăm nuôi, không cần mang theo gì cả vì trong trại có đủ mọi thứ. Ông hiểu hơn ai hết, còn cái gì để mà mang cho ông! Tôi nhớ mãi ngày lên thăm nuôi ông ở trại Thanh Hóa (Hố Nai). Cả nhà chỉ có một cái xe đạp, còn lại mẹ và các em tôi cuốc bộ 8 cây số mang theo một cái giỏ đi chợ lưng lửng với ít thịt kho mắm ruốc, một ký đường, hai hộp sữa và một bộ quần áo. Nhìn những người đi thăm nuôi, có người gánh hai bao đầy mà lòng tôi trào dâng niềm tủi hổ.

Sau đợt đổi tiền ngày 22-9-1975, chúng tôi như đàn chim vỡ tổ. Tất cả bỏ học ngang, vài đứa em nhỏ tiếp tục theo mẹ làm ruộng rau muống, còn lại mỗi đứa một phương trời kiếm sống. Đứa lên Gia Ray vào rừng lấy củi, làm lò than, đứa theo xe lửa bán trà đá, hàng rong, đứa bán thuốc lá. Hơn ba năm sau, bố tôi được cho về để nhìn xác nhà tan hoang điêu tàn loang lở, nhìn bầy con xanh khướt, gầy rạc, tản mát. Một chị tôi bệnh tâm thần không người chăm sóc phải lang thang ăn xin đầu đường xó chợ, có lần xin không được, quá đói, chị giựt mấy miếng đậu hũ bỏ chạy, chị bị người ta phang đòn gánh chảy máu lỗ đầu giữa ngày bố tôi được tha về.

Bố không khóc, cũng không nói gì! Qua hàng xóm xin ít bông băng. Lòng ông như xát muối! Có lẽ ông bấy giờ mới thấm sâu mệnh đề “mất nước là tất cả mất”. Khóc lóc than van ích lợi gì. Giọt nước mắt chỉ làm cho kẻ chiến thắng hả hê say sưa thêm mà thôi. Rồi theo “chủ trương”, ông không được ở lại thành phố. Họ hàng nhà tôi đa số cũng là thành phần “Ngụy quân, Ngụy quyền” nên không ai giúp gì được cho nhau. Cuối năm 1978, ông lên rừng Gia Ray ngay chân núi, cất túp lều nhỏ bé xiêu vẹo. Ngày ngày ông và hai em tôi sống nhờ rừng.

Ai ở rừng mới biết: ăn của rừng rưng rưng nước mắt! Và từ đó chuỗi ngày lầm than, buồn thảm lại tiếp tục sau hơn ba năm trong trại cải tạo. Đói nhiều hơn no, buồn nhiều hơn vui. Cực khổ nặng nhọc quần quật suốt cả ngày chỉ đủ kiếm vài lon gạo vài con cá khô. 10 năm sau, tôi đã làm ăn khá hơn, mua được chiếc xe máy mini scooter, lần đầu tiên lên thăm ông. Quà cho Ông chỉ là một lít rượu đế nấu bằng rỉ mật. Ông mừng lắm vì tôi đã tương đối ổn định công việc.

Bữa cơm hôm đó, ông nói:

– Bố năm nay 63 tuổi rồi, cuộc đời không dành cho bố con mình được sống sum họp và đầy đủ. Dù sao các con cũng cố gắng vươn lên để thoát khỏi bệnh tật, đói khát và tù đày.

Rồi ông chỉ tay dưới chân ngọn núi Chứa Chan:

– Nhớ lời bố dặn. Nếu bố có chết, các con không cần quan tài làm chi cho tốn kém, cứ bó chiếu vùi thây bố dưới chân núi là bố mát mẻ rồi.

Thú thật, lúc ấy nếu tất cả 12 anh em tôi gom lại chắc cũng không đủ tiền mua cái quan tài loại chót. Ông biết và không muốn các con gánh nặng thêm! Năm 1999, sau bao nhiêu khó khăn vì không có tiền làm hồ sơ xuất cảnh diện HO, cuối cùng thì bốn bố con tôi cũng tới được Mỹ. Ngày lên đường mẹ tôi và chín em phải ở lại vì hộ khẩu lung tung không được phái đoàn Mỹ chấp thuận. Bốn bố con mà hành trang vỏn vẹn có năm va ly nhỏ và nhẹ tênh, chưa tới 1/3 tiêu chuẩn trọng lượng.

Đến Mỹ ba anh em tôi phải đi làm ngay sau tháng đầu tiên để kiếm tiền trả nợ lúc làm hồ sơ. Bố tôi thì ăn welfare vì ông đã 74 tuổi. Ban đầu hội thiện nguyện giúp thuê nhà. Bốn bố con phải ở chung trong một căn apartment hai phòng ngủ cùng với hai người nữa là sáu người. Quá chật, chúng tôi đành ra ở riêng trong khi bố tôi được Chính phủ Mỹ cho ở nhà housing. Và từ đó ông sống cô độc, một thân một mình. Nhưng cũng là lúc ông làm được một việc lớn nhất, to nhất, ý nghĩa nhất kể từ sau ngày 30-4-1975!

Hàng tháng ông trả tiền điện và tiền nhà chưa tới tổng cộng 80$. Thức ăn thì ông đi xin các hội từ thiện miễn phí. Có lần tôi giận bố kinh khủng. Gia đình tôi cố tình chở ông vào một quán kêu cho ông mấy món ngon. Ông từ chối, chỉ xin cho một dĩa bánh cuốn là đủ. Ông nói: Ở Việt Nam nhà mình còn quá khổ, bố không đành ăn ngon bên này nhưng các con đi làm vất vả cần bồi bổ, cứ ăn đi. Mỗi tháng số tiền dư còn lại gần 400$, bố để dành và cứ sáu tháng bố gởi về Việt Nam cho mẹ và chín đứa con còn ở lại.

Chị cả tôi viết thư qua có câu: “Bố ơi, nhiều lần con phải đi bán máu với số tiền 200 ngàn một lần để có tiền nuôi con. Để có 200 ngàn đồng tiền Việt, tụi cò máu nó đã ăn chặn mấy chặng rồi. Cầm 300$ của bố cho mà con cứ ngỡ trong mơ. Đời con chưa bao giờ cầm số tiền lớn như thế… Phải bán 10 lần máu chỉ mới được 150$ …”. Bố đọc thư không khóc! mặc dù bố biết chị chỉ cân nặng có… 34kg! Gan góc đến thế là cùng! Rồi việc phải tới! Một ngày mùa đông năm 2006, tức sau gần tám năm ở Mỹ, tự dưng bố kêu và đưa tôi 8.000$ và một tờ di chúc – nét chữ vẫn còn rất đẹp dù đã có dấu hiệu nghệch ngoạc biểu hiệu của tuổi già.

Di chúc nói rõ. Khi bố chết đi, bố đã hỏi cô Hoa, người của hội thiện nguyện, và biết rằng tiền hỏa thiêu không quan tài chỉ mất có 800$ thôi! Bố nói bố không cần quan tài, không cần để nhà quàn làm gì cho tốn dăm ngàn, cứ để người ta đưa thẳng bố đi thiêu, trừ tiền thiêu ra, còn bao nhiêu con cứ làm theo di chúc gởi về cho người nhà mình ở Việt Nam. Sau đó mấy ngày, bố đột quỵ! Người ta đưa Bố vào trại dưỡng lão. Rồi bố hấp hối. Ba anh em tôi họp nhau và quyết định làm theo di chúc của bố. Và chúng tôi phải ký một hợp đồng với nhà thiêu. Khi bố tắt thở, sau một tiếng người ta đuổi hết anh em tôi ra. Trong phòng người ta bỏ bố vào một cái bao và kéo cái fermeture là xong! Quá đơn giản cho một kiếp người! Ba anh em tôi lúc đó mới đi làm, ăn lương một giờ 8$ (lương tối thiểu), chỉ vừa đủ tiền nhà tiền ăn. Vẫn biết có làm đám tang bỏ bố vào quan tài bằng vàng với hàng ngàn người tham dự thì cũng vậy thôi, vì bố đâu biết gì nữa, mà sao tôi vẫn cảm thấy xót xa vô bờ.

Cuối đời của một sĩ quan, từng chỉ huy hàng mấy trăm lính, từng chỉ huy mấy cung đường sắt, âm thầm, vắng lặng và quạnh hiu. Không ai biết, không ai đưa tiễn! Y như một chiến sĩ vô danh! Người ta bỏ bố lên chiếc xe kéo, đẩy ngang chỗ chúng tôi đang đứng. Tất cả con, dâu và cháu chỉ có năm người. Họ dừng lại và hỏi chúng tôi muốn nói gì không. Tôi có cảm tưởng như một luồng điện lạnh chạy xé dọc sống lưng. Tôi chỉ lắp bắp nói như kẻ không hồn:

– Vĩnh biệt Bố. Từ nay Bố không còn phải hy sinh nữa Bố nhé. Công ơn của Bố cao hơn núi Thái Sơn Bố ạ!

Rồi họ lạnh lùng kéo bố tôi đẩy lên chiếc xe dài, đi chỗ nào thiêu hay làm gì, ở đâu, chúng tôi không được biết! Họ làm theo hợp đồng. Tôi không khóc! Không còn nước mắt để khóc! Hai tuần sau tôi lấy tro cốt bố. Khi cô nhân viên nhà xác đưa hộp tro cốt, bên dưới có ghi tên bố tôi, chỉ đến lúc bấy giờ, nước mắt tôi tự dưng tuôn ra đầm đìa…

Đào Nam Hòa

Kính mời quý vị theo dõi câu chuyện