Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2024

Các Cập Nhật Về Chương Trình Tái Định Cư Tị Nạn Của Hoa Kỳ

 

Ts. Thắng tại buổi họp với Trợ Lý Ngoại Trưởng Julieta Valls Noyes và Phó Trợ Lý Ngoại Trưởng Sarah Cross


CÁC CẬP NHẬT VỀ CHƯƠNG TRÌNH TÁI ĐỊNH CƯ TỊ NẠN CỦA HOA KỲ 

Mạch Sống 


Các cập nhật về chương trình tái định cư tị nạn của Hoa Kỳ 

2024-04-19

  • Bộ Ngoại Giao tiếp nhận nhiều khuyến nghị của BPSOS về Welcome Corps  

Ngày 19 tháng 4, 2024

Http://machsongmedia.org

Tại buổi họp ngày 16 tháng 4 với Trợ Lý Ngoại Trưởng về Dân Số, Tị Nạn và Di Dân (Population, Refugees and Migration; PRM) của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Julieta Valls Noyes và vị phụ tá, Phó Trợ Lý Ngoại Trưởng Sarah Cross, Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, đưa ra một số khuyến nghị để cải thiện thể thức nộp đơn chương trình Welcome Corps. Các khuyến nghị này đều được đón nhận và sẽ được áp dụng trong thời gian tới đây.

Đồng thời, Bà Noyes cho biết sẽ có một thông báo trong nay mai về việc mở cửa cho các doanh nghiệp tham gia chương trình Welcome Corps, một đề nghị mà BPSOS đề xuất từ tháng 11 năm 2022 nhưng đến nay mới được thực hiện.


With_Julieta_Valls_Noyes_04-16-2024_small.jpg

Hình 1 - Ts. Thắng tại buổi họp với Trợ Lý Ngoại Trưởng Julieta Valls Noyes và Phó Trợ Lý Ngoại Trưởng Sarah Cross

Các khuyến nghị

Khuyến nghị thứ nhất mà Ts. Thắng đưa ra là Welcome Corps nên áp dụng ngày đến Thái Lan của người đứng tên hồ sơ cho những thành viên phụ thuộc (vợ, chồng, con vị thành niên) dù họ đến sau thời hạn dứt điểm (cutoff date) 30 tháng 9, 2023.

“Mục tiêu của thời hạn dứt điểm là ngăn ngừa hiệu ứng ‘nam châm’ cuốn hút những người chạy sang quốc gia tạm dung vì tin rằng sẽ được sớm định cư Hoa Kỳ theo Welcome Corps,” Ts. Thắng giải thích. "Đối với những người đến quốc gia tạm dung trước thời hạn dứt điểm, thân nhân phụ thuộc sẽ tìm cách đoàn tụ dù có Welcome Corps hay không.”

Hiện nay, các thành viên phụ thuộc này phải xin đặc miễn (exemption), vừa làm chậm tiến độ hoàn tất thủ tục nộp đơn vừa tạo thêm gánh nặng cho nhân viên của Welcome Corps.

“Bộ phận PRM đồng ý ngay với đề nghị này và sẽ áp dụng sớm,” Ts. Thắng nói.

Khuyến nghị thứ hai là bổ sung công cụ kiểm tra (eligibility tool) để làm rõ điều kiện về ngày dứt điểm. Trên nguyên tắc, chỉ những ai có hồ sơ đang được Cao Uỷ Tị Nạn LHQ (UNHCR) cứu xét về tư cách tị nạn hoặc về tái định cư vào thời điểm 30 tháng 9, 2023 thì mới đủ điều kiện tham gia Welcome Corps. Tuy nhiên, công cụ kiểm tra trên trang mạng Welcomecorps.org chưa làm rõ đủ điều này, làm cho người sử dụng có thể diễn giải sai rằng hễ đến Thái Lan trước ngày  30 tháng 9, 2023 là đủ điều kiện.

“Một số phương tiện truyền thông Việt ngữ đã phổ biến tin sai này trong cộng đồng người Việt ở Thái Lan cũng như ở hải ngoại trong thời gian gần đây,” Ts. Thắng nói. "Tin sai này làm cho nhiều người đã bị Cao Uỷ Tị Nạn LHQ đóng hồ sơ từ lâu lầm tưởng rằng họ vẫn có thể được bảo lãnh theo Welcome Corps."

Bà Noyes đồng ý sẽ sớm làm rõ điểm này trên trang mạng Welcomecorps.org.

Khuyến nghị thứ ba là trang mạng này nên có tính năng cho phép người nộp đơn theo dõi diễn tiến hồ sơ đã nộp. Hiện nay, sau khi nộp đơn họ chỉ có cách chờ thông báo kết quả. Thời gian chờ lại vô định, có khi nhiều tháng và có khi chỉ vài tuần.

Bà Trợ Lý Ngoại Trưởng Noyes cũng đồng ý với đề nghị này nhưng cho biết phải mất một thời gian vì không đơn giản về mặt kỹ thuật.

Vận động các doanh nghiệp tham gia Welcome Corps 

Từ tháng 11 năm 2022, khi chương trình Welcome Corps đang trong giai đoạn thiết kế, Ts. Thắng đề nghị cho phép các doanh nghiệp đứng ra bảo lãnh người tị nạn với điều kiện là có thể thức kiểm tra để tránh rủi ro bóc lột lao động hoặc buôn người. Tháng 5 năm 2023, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thông báo việc nới rộng Welcome Corps để các doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên, thực hiện như thế nào thì chưa có thể thức.

Tại buổi họp ngày 16 tháng 4, Bà Noyes cho biết sẽ công bố thể thức trong nay mai. Một cách tổng quát, các doanh nghiệp cung ứng công ăn việc làm cho người tị nạn sẽ phải phối hợp với các nhóm 5 người đứng ra bảo lãnh. Nhóm bảo lãnh sẽ giám sát và ngăn ngừa tình trạng người tị nạn bị bắt chẹt.

Các thành phần tị nạn bị nguy hiểm 

Ts. Thắng cho biết tại buổi họp Ông đã kêu gọi Hoa Kỳ quan tâm đến một số hồ sơ tị nạn đang gặp nguy hiểm cận kề, trong đó có hơn 40 hồ sơ người Thượng và người Hmong ở Thái Lan trong tầm ngắm của Bộ Công An Việt Nam. Ông đề nghị Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phối hợp chặt chẽ với CUTN/LHQ và các quốc gia đệ tam khác để bảo vệ và định cư những người này một cách chóng vánh.

“Ngoài người Việt ở Thái Lan, tôi nêu tình trạng của hơn 2 nghìn người theo Đạo Baha'i từ Iran đến lánh nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ,” Ts. Thắng chia sẻ. “Họ bị kẹt tại đây hơn 7 năm trời và chắc chắn sẽ gặp nguy hiểm nếu phải trở về Iran.”

Các hoạt động bảo vệ tị nạn của BPSOS không chỉ dành riêng cho người Việt mà còn bao gồm các thành phần tị nạn đến từ nhiều quốc gia, đặc biệt là các nạn nhân bị bách hại vì lý do tôn giáo.

Các thông tin khác 

Ngân sách cho chương trình tị nạn của Hoa Kỳ bị cắt giảm đáng kể trong gói ngân sách vừa được Quốc Hội thông qua cho năm 2024. Bộ Ngoại Giao sẽ ưu tiên phân bổ ngân sách để không ảnh hưởng chương trình tái định cư tị nạn, dẫn đến việc cắt giảm 40% ngân khoản trợ giúp người đang lánh nạn ở các quốc gia tạm dung.

Bà Noyes tường trình nỗ lực gầy dựng lại năng lực tái định cư trong 3 năm qua dưới Hành Pháp Biden đã đạt kết quả khả quan: con số tái định cư trong tài khoá 2024 ước tính sẽ đạt mức 110.000 người, trong đó 92,000 sẽ do các tổ chức chuyên nghiệp tái định cư. Số 18.000 còn lại sẽ đi qua Welcome Corps và một số chương trình khác.

Đến nay đã có 70 nghìn người Mỹ ghi danh tham gia chương trình Welcome Corps với năng lực bảo lãnh 30 nghìn người tị nạn. Tuy nhiên, số hồ sơ bảo lãnh được hoàn tất còn ít ỏi. Bộ Ngoại Giao sẽ dồn sức thúc đẩy chương trình này từ giờ đến cuối năm.

Nỗ lực của Bà Noyes nhằm vận động thêm nhiều quốc gia góp phần tái định cư người tị nạn đã có nhiều tiến triển khả quan. Theo một thống kê mới đây, 40% người tị nạn được tái định cư gần đây là do các quốc gia tạm dung lần đầu tham gia.

Đầu tháng 6, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ sẽ cử phái đoàn tham gia buổi họp hội ý giữa các quốc gia nhận định cư với CUTN/LHQ ở Geneva.

“Đây là cơ hội để kêu gọi các quốc gia này cũng như CUTN/LHQ quan tâm đặc biệt đến tình trạng người tị nạn ở Thái Lan và sớm giải quyết tái định cư cho những ai hội đủ điều kiện,” Ts. Thắng nói.


Tweet_of_Julieta_Valls_Noyes.jpg

HÌnh 2 - Tweet của Bà Julieta Valls Noyes về buổi họp 

Bài liên quan:

Cập nhật diễn tiến chương trình bảo lãnh tư nhân của Hoa Kỳ: Các cơ sở kinh doanhcó thể bảo lãnh người tị nạn:

https://machsongmedia.org/vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/1937-cap-nhat-dien-tien-chuong-trinh-bao-lanh-tu-nhan-cua-hoa-kycac-co-so-kinh-doanh-co-the-bao-lanh-nguoi-ti-nan.html

Hướng Dẫn Từng Bước Thể Thức Nộp Đơn Welcome Corps: 

https://machsongmedia.org/2130-huong-dan-tung-buoc-the-thuc-nop-don-welcome-corps.html

Mạch Sống 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét