Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2016

Táo Quân

TÁO QUÂN
Táo Quân
(Click vào hình trong bài để xem rõ hơn)
Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ CôngThổ ĐịaThổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành huyền tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc.
Tuy vậy người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc Ông Táo. Bếp là bản nguyên của nhà khi người nguyên thủy có lửa và đều dựa trên nền móng là đất.
Ở Việt Nam, sự tích Táo Quân được truyền khẩu, rồi ghi chép, do đó có những sự khác nhau về tình tiết, nội dung chính được tóm tắt như sau:
Trọng Cao có vợ là Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không con, nên sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao giận quá, đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang. Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ. Khi đi tìm vì tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin.
Táo Quân về chầu Ngọc Hoàng

Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi, thì hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà, hai người kể chuyện và Thị Nhi tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng.
Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao nơi đây thì khó giải thích, nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo.
Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ.
Linh hồn của ba vị được đưa lên Thượng Đế. Thượng Đế thấy ba người đều có nghĩa, nên sắc phong cho làm Táo Quân, gọi chung là: Định Phúc Táo Quân (定福灶君), nhưng mỗi người giữ một việc:
Phạm Lang làm Thổ Công, trông coi việc bếp. Danh hiệu: Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân
Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa. Danh hiệu: Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần
Thị Nhi làm Thổ Kỳ, trông coi việc chợ búa. Danh hiệu: Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chánh Thần
Thờ cúng

Bộ đồ cúng Táo Quân
Người Việt quan niệm ba vị Thần Táo định đoạt phước đức cho gia đình, phước đức này do việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà. Bàn thờ thường đặt gần bếp, trên có bài vị thờ viết bằng chữ Hán. Hàng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp là ngày Táo Công lên chầu trời nên có nơi gọi ngày này là "Tết ông Công", lễ cúng có cá chép vì người Việt cho rằng, ông Táo cưỡi cá chép lên trời.
Ngoài ra người Việt Nam còn quan niệm Táo Quân sẽ lên trời và thưa với Ngọc Hoàng Thượng Đế những sự kiện xảy ra trong năm vừa qua ở dưới trần gian. Vì thế người Việt Nam làm lễ tiễn ông Công ông Táo rất thịnh soạn với mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ được thưa với Ngọc Hoàng, và những điều không may mắn hoặc không tốt sẽ được báo cáo nhẹ đi, việc làm này có thể là do Văn hóa và thói quen từ xa xưa truyền lại.

Lễ Cúng Ông Táo

Theo tục lệ cổ truyền, người Việt tin rằng, hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Cho đến đêm Giao thừa Táo Quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa của mình.

Bàn thờ cúng Táo Quân

Vị Táo Quân quanh năm ở trong bếp nên biết hết mọi chuyện hay dở tốt xấu của mọi người, cho nên để Vua Bếp “phù trợ” cho mình được nhiều điều may mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn đưa Ông Táo về chầu Ngọc Hoàng rất trọng thể.
Người ta thường mua hai mũ Ông Táo có hai cánh chuồn và một mũ dành cho Táo Bà không có cánh chuồn, ba cái áo bằng giấy cùng một con cá chép (còn sống hoặc bằng giấy, hoặc cũng có thể dùng loại vàng mã gọi là “cò bay ngựa chạy”) để làm phương tiện cho “Vua Bếp” lên chầu trời.
Ông Táo sẽ tâu với Ngọc Hoàng về việc làm ăn, cư xử của mỗi gia đình dưới hạ giới. Lễ cúng thường diễn ra trước 12h trưa, sau khi cúng xong, người ta sẽ hóa vàng đồ lễ, nếu có cá sống thì sẽ đem thả xuống sông, hồ, biển hay giếng nước, tùy theo khu vực họ sinh sống.
Lễ vật:

Mâm cỗ mặn, bánh kẹo, trầu cau, rượu. Hương, đèn nến, lọ hoa tươi, đĩa ngũ quả tươi. Ba bộ mũ áo, hia hài Táo Quân cùng tiền vàng. Ba con cá chép sống.

Sau khi bày lễ, thắp hương và khấn vái xong, đợi hương tàn lại thắp thêm một tuần hương nữa, lễ tạ rồi hóa vàng mã và thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối… để thả cá chở ông Táo lên chầu Trời.


Lễ vật cúng Táo Quân

Việc chưng bày vật phẩm cá chép tại nhà dịp Tết sau khi tiễn ông Táo về trời luôn mang lại điều tốt lành cho gia chủ cả năm. 


Bài khấn:

Con kính lạy ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân.

Tín chủ chúng con là: …………
Ngụ tại: ………………………….

Hôm nay là ngày 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm, sắp sửa hương hoa vật phẩm, xiêm hài áo mũ, kính dâng Tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái. Chúng con kính mời ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án thụ hưởng lễ vật.

Phỏng theo lệ cũ, ngài là vị chủ, ngũ tự Gia Thần, soi xét lòng trần, Táo quân chứng giám.

Trong năm sai phạm, các tội lỗi lầm, cúi xin Tôn thần, gia ân châm chước. Ban lộc ban phước, phù hộ toàn gia, trai gái trẻ già, an ninh khang thái.

Dãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám.

– Phục duy cẩn cáo!

Nguồn: Phong Thủy tổng hợp

Sưu Tầm & Tổng Hợp: Trần Hoàng

Thứ Tư, 27 tháng 1, 2016

Rượu Vang Napa

Du Lịch Rượu Vang - Napa California

Thung lũng Napa và thung lũng Sonoma được xem là mảnh đất rượu vang California, ngôi nhà của những ruộng nho nổi tiếng nhất thế giới. Khí hậu phong phú của vùng thung lũng bắc San Francisco phù hợp với các giống nho, và ở đây có tới gần 300 nhà máy sản xuất hàng triệu thùng rượu vang ngon hàng năm. 



Tham quan vòng quanh ruộng nho và thử rượu là những hoạt động phổ biến tại đây, còn các vùng ngoại ô đã trở thành những địa điểm tuyệt vời cho các hoạt động ngoài trời như khinh khí cầu, đạp xe hay cắm trại.
Trong hai thung lũng, Napa lớn hơn, trải dài khoảng 35 dặm từ phía cuối nam thành phố Napa đến phía bắc Calistoga. Không chỉ có rượu vang, thung lũng Napa còn nổi tiếng về nghệ thuật, ẩm thực và những người dân tuyệt vời. Tuy nhiên, với những du khách thích tìm kiếm thứ gì đó yên tĩnh, họ tới phía đông để thăm thung lũng Sonoma.
Du lịch Rượu Vang đang trở thành hoạt động tiêu khiển thú vị nhất của những khách du lịch hạng sang, bao gồm rất nhiều du khách Việt Nam đã bị quyến rũ vì lời hứa hẹn hấp dẫn về rượu vang, ẩm thực cùng với văn hoá, chất lãng mạn, và một chuyến tham quan đồng quê độc đáo tại một trong những vùng trồng nho lớn nhất thế giới.


Vườn nho ngút ngàn

“Du lịch rượu vang” nghĩa là tổ chức các chuyến tham quan để vinh danh các giá trị, hương vị và việc buôn bán rượu vang. Đây là một loại hình du lịch đã phát triển tại hầu hết các vùng trồng nho trên thế giới, hiểu theo một cách đơn giản là dạo qua những ruộng nho màu mỡ ở thung lũng Napa hoặc theo kiểu cầu kỳ là giống như việc thuê một biệt thự xinh đẹp ở miền nam nước Pháp trong vòng một tháng. Du lịch rượu vang là một cơ hội tuyệt diệu để học về con người, văn hoá, di sản, và phong tục của mảnh đất đó.
Ta có thể dễ nhận ra những mô tả về “trải nghiệm thú vị trên vùng đất làm rượu vang” qua cách nấu nướng và các tài liệu du lịch. Đó không chỉ là sự khám phá bản tính tự nhiên lạ kỳ của rượu vang mà cả tính chất lãng mạn cũng như khêu gợi của nó. Một ví dụ về điều này có thể được tìm thấy trong một tờ báo cổ trên tạp chí “Cuisine”:
Ở bất cứ nơi nào có rượu ngon, bạn sẽ thấy cả những người dân vui vẻ và đồ ăn ngọt ngào…Trong thế giới lý tưởng ấy, tôi sẵn sang bỏ ra ít nhất sáu tháng để khám phá từng ngóc ngách, xó xỉnh của vùng đất rượu vang. Tôi sẽ đến thăm một nhà máy rượu mỗi tuần và ở lại cho tới khi những chai rượu vang và cả những người làm rượu trở thành những người bạn lâu năm. Đó sẽ là quãng thời gian để tận hưởng cái nắng đẹp ban ngày và cái mát lạnh của khí hậu Địa Trung Hải về đêm, sẽ có những buổi cắm trại nhàn rỗi giữa cánh đồng hoa dại bao quanh những vườn nho cổ kính và cùng với dân làng làm những loại rượu địa phương trong những bữa tiệc nướng náo nhiệt về đêm.
Lâu đài cổ
Một trong số những vùng đất nổi tiếng nhất và được trang bị hiện đại nhất trong ngành du lịch rượu vang trên thế giới hiển nhiên chính là Thung Lũng Napa California, mảnh đất rộng lớn, trải dài với rất nhiều các nhà máy rượu vang lớn nhỏ tuyệt hảo, mang đến cho du khách các bữa tiệc thử rượu vang, chuyến thăm quan ruộng nho, các nhà hàng, khu nghỉ mát, spa, khu nghỉ dưỡng, khu vực nghỉ ngơi & bữa sáng cao cấp, triển lãm nghệ thuật, địa danh nổi tiếng, sân golf, cửa hàng ăn uống sành điệu và nhiều hơn thế nữa.
Thung lũng Napa đã được khuyến khích phát triển du lịch rượu vang từ những năm 1960 và ngày nay du lịch ở đây được điều hành & quản lý tốt đến mức bản thân nó đã đâm chồi thành một nền công nghiệp.
Cũng vậy, một nét mới trong ngành du lịch rượu vang tại vùng đất này là sự hiện diện của “Phòng Thử Rượu Vang Cộng Đồng”, thường là trên một con đường nhỏ hoặc trên một khu phố nơi tập hợp một nhóm gồm những nhà làm rượu nhỏ và những nhà máy rượu chất lượng cao cùng nhau giới thiệu sản phẩm của họ tới “những du khách đam mê rượu vang”.
Đặt tại Khu Phố Chính Napa là Phòng Thử Vintner, một phòng thử rượu cao cấp triển lãm 18 nhà làm rượu danh tiếng trong toà nhà Pfiefer – toà nhà đá cổ kính nhất tại Napa. Được xây dựng từ năm 1875, cấu trúc đá sa thạch khác biệt này đã từng là nhà máy ủ rượu bia, sau đó là quán rượu, nhà chứa và xưởng giặt là.

Một điểm du lịch
Khôi phục lại và khai trương vào tháng 8, năm 2002, hiện giờ nó là ngôi nhà gồm hai phòng thử rượu tập thể, một cửa hàng lưu niệm trên tầng trệt, một phòng thử riêng tư và một bàn thử ngoài trời cao cấp.
Thiết kế thanh lịch của ngôi nhà luôn tạo cảm hứng cho quá trình thử rượu vang. Du khách có thể chọn lựa giữa ba băng chuyền khác nhau phân loại theo từng sở thích riêng. “Phòng Thử Rượu Pfeiffer”, mang tới cho khách hàng cơ hội lựa chọn bốn loại bất kỳ từ bộ sưu tập thay đổi hàng ngày với ly thử rượu sang trọng của Riedel. Những nhà buôn rượu sành sỏi cũng thường lui tới đây. Ngoài ra, CLB Nhà Sưu Tầm & Khách Hàng Rượu Vang Sành Điệu được thiết kế phù hợp với sở thích & túi tiền của mỗi người.
Phòng Thử Vintner luôn đặt sự thoải mái của khách hàng lên hàng đầu. Những triển lãm nghệ thuật luân phiên & những chiếc ghế điệu rườm rà khuyến khích du khách trở lại đây thường xuyên hơn; đối với một nhóm nhỏ đến đây, họ có thể tận dụng bàn thử rượu riêng tư hay bàn ngoài trời để ngắm nhìn thị trấn Napa. Còn đối với những người muốn giành nhiều thời gian để nếm thử và đánh giá rượu hơn là đi đến những điểm xa xôi hay vùng ngoại ô thì đây quả là nơi lý tưởng để thử những chai vang tuyệt nhất Napa.
Một trong những nhà sản xuát rượu được ưa chuộng nhất tại nơi thử rượu Vintner là Vinoce từ vùng ngoại ô Mt. Veeder.


Thung lũng trồng nho
VINOCE là một hãng rượu gia đình, quy mô nhỏ do Brian và Lori Nuss làm chủ. Hơn 28 năm nay, họ đã sử dụng những kiến thức riêng để phát triển giống nho Cabernet Sauvignon, Cabernet Franc và Merlot trên những sườn đồi trúc trắc của vùng núi Veeder. Brian và Lori luôn làm việc hết mình để tạo ra các chai vang có thể phản ánh những nét tiêu biểu nhất của vùng núi Veeder danh tiếng.
Rượu vang Vinoce Cabernet Sauvignon Reserve được coi là loại vang hiếm có trong những năm gần đây, nó thật đáng kinh ngạc với hương vị đậm đà, mùi thơm mạnh mẽ, thực sự cường tráng của quả lý đen, cây việt quất, quả mận chín, sôcôla đen, cam thảo và cây ngài đắng được ủ hoàn hảo trong thùng gỗ sồi Pháp.
Rượu vang Vinoce Sauvignon Blanc: Một sự kết hợp tuyệt vời giữa trái cây, kết cấu thanh nhã nhưng phong phú làm nên một chai vang Sauvignon Blanc ngon tuyệt. Loại vang này thể hiện mùi vị nho, thảo mộc, vỏ cam và dưa vàng, dư vị hoàn toàn cân bằng.
Theo TTOL

Sưu Tầm & Tổng Hợp: Trần Hoàng


Xuân Nhớ Bạn




(Xin click vào bài thơ để xem rõ)

Tết Quê Hương

GIỚI THIỆU
Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy Cô, quý Đồng Môn và quý Thân Hữu bài Tết Quê Hương của chị Lê Mỹ Hoa gửi từ quê nhà đóng góp cho Diễn Đàn. Xin cám ơn chị rất nhiều.
Trân trọng giới thiệu,
NHHN


Với ánh nắng hanh vàng của những ngày cuối đông, đất trời thay đổi giao thoa giữa ngày mưa lạnh và nắng ấm bừng lên. Phố xá mọi người sinh hoạt như thức dậy sau những ngày đông dài đơn điệu, đó là khoảng thời gian những ngày cuối năm, không phải mình tôi có lẽ ai cũng có nhiều kỷ niệm về những ngày sắp tết . 

Thời thơ ấu rất mong đến tết để dược mẹ mua áo đầm mới, giày, ví mang vai đựng tiền lì xì của các cô bác cậu dì, bạn bè của cha mẹ. Thích nhất không gian những ngày cận tết nhà nào cũng quét vôi sơn cửa, một lớp áo mới cho ngôi nhà sau một năm rong rêu bụi mờ. Trong gian bếp mẹ làm đủ thứ dưa hành củ kiệu, mứt bánh thơm ngào ngạt, những khuôn bánh thuẩn lần lượt đổ ra nia trên lớp báo mới toanh, ngồi chờ có khuôn nào sém sém mẹ cho, ăn liền tại chỗ, ngon không tả được, ngày ấy mê bánh thuẩn mẹ làm ăn không biết ngán. Mứt dừa từng cọng trắng phau càng nhai càng béo, không cay như mứt gừng nên là món khoái khẩu, mẹ ngó lơ con bốc bỏ miệng, mứt gừng dẻo với ít thơm, ngào hai thứ sánh nhau, gần tới cho chanh thật nhiều để khỏi lại đường, năm nào mẹ không quên món này rim cho ba uống trà, từng sợi gừng thấm đường trong veo cay cay, dẻo dẻo với ngụm trà ngon, ba yêu mẹ là thế.

Chợ hoa xuân Ất Mùi
(Click vào hình trong bài để xem rõ)

Cành mai vàng rực rở treo đầy thiệp chúc tết của người thân đủ màu sắc như nói lên tình cảm của mọi người ở khắp nơi dành tặng nhau và cầu mong một năm mới an lành hạnh phúc. Một cành đào hồng nhạt từ xa xôi gởi đến, khép nép bên cành mai lộng lẫy, hoa cúc vàng chói chang, thược dược dịu dàng sắc tím nhẹ.

Từ nhà ra phố không khí tưng bừng nhộn nhịp người ngược xuôi buôn bán, người đi mua đi sắm như cả năm rồi chưa ăn chưa mặc, dạo một vòng phố hoa cả rừng hoa đủ săc màu, thoả mãn niềm khát khao được ngắm và mua hoa về chưng diện trong phòng khách, phòng ngủ, lối đi, cầu thang, cửa sổ nếu bạn là một người yêu hoa. Nhưng mấy ai biết đằng sau, sự nhọc nhằn cúa bác nông dân da đen nhẻm dầm mưa nắng để chăm bón cho hoa phục vụ người tiêu dùng, người bán hoa không đẹp như hoa. 

Những ngày giáp tết không khí lạnh tràn về, có đêm mưa bay bay họ co ro trong bộ đồ cũ kỷ, ngủ ngồi hay trên ghế xếp miếng màn mỏng che thân bên vệ đường để giữ những chậu hoa. Hai khía cạnh cuộc đời, người trồng và người mua hoa để ngắm không giống nhau chút nào quá xa cách. Chưa kể những năm được mùa hoa bán chạy có giá, năm nào ế ẩm hoa rẻ hơn bèo, chiều ba mươi tết những khuôn mặt buồn tiu nghỉu có lẽ không nổi buồn nào hơn thế, người nghèo lại có dịp được mua hoa giá rẻ, rẻ hơn tiền mua một cái chậu còn hơn quay về trả tiền chuyên chở.

Hoa Tết trên đường Nguyễn Huệ Saigon

Từ đâu đó sâu thẳm trong tôi thoáng một chút buồn, chuyện kinh doanh ở đất nước mình còn lắm trăn trở, rủi may. Sau một năm buôn bán tảo tần có nhiều người được và cũng lắm người thua, dù thua hay được tết cổ truyền của người VN luôn luôn được đón chào nồng nhiệt, rộn ràng trên khắp mọi nẻo đường, làng quê, từ thành đến thị. 

Có đi đâu xa ngàn dặm mấy ai quên được đêm ba mươi bên nồi bánh tét quê nhà lửa vẫn rực cháy nghe ấm áp lạ thường, nhà lớn nhà nhỏ ai cũng có nồi bánh tét ngoài sân hay sau bếp cùng chia sẻ ngọn lữa sưởi ấm tối như đêm ba mươi.

Còn vài tiếng nữa giao thừa lại về tiển năm cũ đi qua, những công nhân quét đường đang miệt mài trên phố những con người làm việc trong thầm lặng mang lại bộ mặt mới cho từng con đường, họ cũng như người bán hoa mang vẻ đẹp đến cho mọi người. Đó không phải sự bất công của thượng đế mà sự sắp đặt của tạo hoá, mỗi người sinh ra gắn bó với công việc của mình để có một xã hội hài hoà. Chỉ cầu mong mọi người có đời sống ấm no, nghèo đói không còn nhiều  trên trái đất.

Đã nhiều năm rồi không còn mong đến tết nhưng năm nào cũng háo hức mua quần áo mới, giày cao gót, giày đế xuồng, cứ ba trăm sáu mươi lăm ngày trôi qua lại đến ba trăm khác, cứ ngỡ mình trẻ mã, cho đến một hôm gối bắt đầu đau, vai mỏi và không còn muốn mua sắm mới chấp nhận mình đã hoàng hôn tắt nắng, giả từ những đôi giày dáng dấp.

Thuyền chở hoa từ quê lên Saigon

Không khí ngày tết có thay đổi đi nhiều theo thời gian, không còn quét vôi, sơn cửa mỗi năm thay vào đó hiện đại hơn cửa nhôm, cửa kính, cửa lùa sang hơn nữa nhà dùng toàn gỗ quý trên rừng mang về. Sơn nước nhập từ nước ngoài về đủ sắc màu đậm nhạt rất văn minh, vài năm mới lăn lại một lần, những nồi bánh tét không còn nhiều vì đã có siêu thị, hoặc dịch vụ ngoài phố chợ mang đến tận nhà. Mọi thứ đều có sẳn con người không cần phải bận tâm nhiều cho việc ăn uống, đủ loại mứt bánh ở Coopmart an toàn hơn khi phải ra chợ, choáng ngợp hàng hoá đủ loại không rõ nguồn gốc. 

Bánh tét, bánh chưng, các loại chả giò, chả lụa, giò thủ, chả quế, dưa món củ kiệu, hành chua khắp mọi nơi đều có bán. Tết Việt nhộn nhịp nhất vào hai tuần cuối tháng chạp. Chợ hoa, câu đối đỏ, cành mai, cành đào các loài hoa khoe sắc đỉnh điểm nhất vào những ngày cuối năm. Con cái đi xa quay về sum họp bên gia đình, người đi làm ăn khắp mọi miền đất nước cũng bôn ba về nhà. 

Khoảnh khắc giao thua bầu trời sáng rực đầy pháo hoa, nhà nhà bàn thờ khói hương nghi ngút đón ông bà về vui xuân cùng con cháu, những ngôi chùa, nhà thờ cũng gióng lên những hồi chuông đón mừng năm mới không gian thật linh thiêng lắng đọng. Tụ điểm bắn pháo hoa mọi người đều ngước nhìn lên bầu trời, pháo hoa thể hiện đủ hình ảnh sinh động, thỉnh thoảng những tiếng vỗ tay như thán phục sự tài hoa của người sáng tạo không khí thật yên bình trong lành của một đêm đầu năm mà không phải đêm nào cũng có. 

Thiếu nữ dạo chợ hoa

Một đêm mà tất cả mọi người trên cả nước cùng hân hoan chào đón, lòng tràn ngập niềm tin một năm mới vạn sự như ý, phát tài, phát lộc xua tan mọi khó khăn.https://ssl.gstatic.com/ui/v1/icons/mail/images/cleardot.gif

Ba ngày tết không quên viếng mộ, không biết tự bao giờ người Phú Yên sáng mồng một tết nghĩa trang người đi thăm như kiến, chen chúc nhau quần áo mới để dành mồng một xuất hành, cảnh kẹt xe hàng năm diễn ra như ngày hội ở thành phố nghĩa địa này, một nét văn hoá rất riêng như một lời tri ân đến ông bà tổ tiên trong ngày đầu năm. Lịch sử tiến bộ văn minh của con người đã đi khá xa nhưng truyền thống Tết Việt vẫn muôn đời lưu giữ

                               "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. 
                                 Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh".

Ngày Tết vẫn là ngày trọng đại trong năm, để tình yêu thương nhân rộng người người tìm đến nhau. Tết quê hương, tết yêu thương, tết đoàn tụ.

                                "Mỗi năm hoa đào nỡ
                                 Lại thấy cụ đồ già
                                 Bày mực tàu giấy đỏ 
                                 Bên phố đông người qua".

Mỗi đời người phải đi qua nhiều mùa xuân, mùa xuân mùa của chan chứa hy vọng. Hy vọng là nấc thang mà con người luôn mong muốn thanh bình và thịnh vượng.

Tháng chạp 2015
Lê Mỹ Hoa
Tác giả Lê Mỹ Hoa
CHS Nguyễn Huệ Khóa 1967 - 1974


Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

Chúc Xuân

GIỚI THIỆU
Nhân dịp Tết Bính Thân, Thân Hữu Nhã Giang Thu Tâm sáng tác và kính tặng đến quý Thầy Cô, 
quý Đồng Môn và quý Thân Hữu bài thơ CHÚC XUÂN.
Và Thi Hữu Trầm Vân cũng kính tặng bài thơ Chúc Mừng Năm Mới 2016. 
Xin chân thành cám ơn Thi Hữu Nhã Giang Thu Tâm và Trầm Vân.
Trân trọng giới thiệu,
NHHN





Xin mời click vào Link chữ đỏ ở dưới để xem Video



Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2016

Thế Giới Siêu Hình

GIỚI THIỆU
Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy Cô, quý Đồng Môn và quý Thân Hữu 
thầy Nguyễn Đức Giang, cựu hiệu trưởng Nguyễn Huệ tuy tuổi hạc đã cao và hiện đang sinh sống tại Đan Mạch nhưng thầy luôn luôn gắn bó với sinh hoạt của NHHN,
Trân trọng giới thiệu bài viết dưới đây của thầy.
NHHN



Con Cá Rô

Chú Tỉ nằm dài trên bộ ván ở nhà ông bác ruột của tôi, bất động, mình mẩy lấm bùn. Chú đã bất tỉnh nhân sự mấy tiếng đồng hồ rồi. Ngọn đèn dầu leo lét không đủ soi sáng nơi chú nằm. Hàng xóm kéo đến càng lúc càng đông, và một trong những người đến đầu tiên là tôi. Nhà tôi và nhà ông bác cùng chung một khu vườn. Thím Tỉ, mẹ của chú, goá phụ được gọi bằng tên con trai đầu theo tục lệ, hớt hãi chạy đến, sà xuống bên con ràng rụa  nước mắt. Nhà nghèo nên thím đã cho con trai đầu ở với ông bác tôi. Chú Tỉ lớn hơn tôi cả mươi tuổi, nhưng là vai em trong họ.

Chú Tỉ cùng với một thanh niên khác được bác tôi thuê đạp nước ngoài đồng với chiếc xe đạp nước đôi bằng gỗ. Nước ruộng đã cạn, chú xách cái chơm xuống ruộng bắt cá. Chú bắt được một con cá rô bằng ba ngón tay. Liền đó, chú thấy một con cá tràu. Trên mình chỉ vận cái quần xà-lỏn, chú cắn đầu con cá rô giữa hai hàm răng để rảnh tay bắt con cá tràu. 

Con cá rô vùng mạnh và chạy tuột vào cổ. Người cùng đạp nước với chú theo dõi, thấy chú đứng há miệng, chỉ tay vào. Anh ta cười, nói chưa bắt được cá mà đã lo ăn. Bỗng nhiên thấy chú bỏ chơm, chạy hướng về cái đập phân hai cánh đồng thuộc hai xã. Chạy được một đoạn thì ngã xuống. Nghĩ là chú bị rắn cắn, anh ta chạy đến vác chú lên đập. Chú Tỉ ú ớ, chỉ tay vào miệng. Con cá rô đã lọt vào trong cổ nhưng còn thấy cái đuôi. Khi được đưa về nhà, chú Tỉ đã bất tỉnh. Cạy miệng chú ra cũng không còn thấy cái đuôi con cá nữa.
      

Một ông thầy mằn được mời đến. Cầm cây đèn sáp ngồi ngay bên cạnh nạn nhân để tăng cường ánh sáng, tôi không nghĩ rằng mấy cây nhang quơ qua quơ lai và mấy câu thần chú đọc lâm râm lại có thể làm cho con cá quay ngược ra hay xuôi vào bụng. Quả thế, ông thầy mằn tỏ vẻ bất lực. Quê tôi cách Huế 20 km. Ở mỗi cái cầu trên quốc lộ đều có đồn Tây. Đêm hôm, không có phương tiện để chuyển nạn  nhân đi bệnh viện. Có người bàn thử đi nhờ Bà.

Thuở trước, chẳng xa xưa gì lắm, có lẽ vào hậu bán thế kỷ 19, trong dòng họ của tôi có một bà ở giá suốt đời. Bà làm thầy thuốc ngoại khoa, chỉ cứu nhân độ thế, chữa bệnh không lấy thù lao. Bà chuyên mặc áo quần màu đà, đi đâu cũng cầm nơi tay chiếc đũa bếp và vài cọng lá môn hoang. Sau khi Bà mất, người làng nhớ ơn đã đóng góp lập mộ và xây miếu để thờ và gọi là Miếu Bà. Về phần gia tộc, Bà được thờ ngang hàng với ông cố ở nhà của một người cháu trai trưởng. Chú Tỉ được đưa đến nhà này, để nằm trên bộ ngựa trước bàn thờ. Gia đình một mặt lên hương đèn khấn vái, mặt khác chạy lên miếu cầu Bà. 

Do tánh hiếu kỳ, tôi vẫn cầm cây đèn sáp trên tay ngồi cạnh nạn nhân. Chừng một tiếng đồng hồ sau, đám người trước sân nhà bỗng rẽ ra. Một người đàn ông đi vào tay cầm một nắm nhang đang cháy, tay kia cầm chiếc đũa bếp và vài cọng môn; theo sau ông là người nhà. Tôi nhận ra là ông trùm Phu, người bà con bên ngoại. Ông trùm Phu, hiện thân của Bà, làm phép cả hai tay trên mình nạn nhân, miệng nói như người say rượu. Tôi chỉ nghe được những tiếng: "ư..ư.. thằng nam…ư..ư..cậu Tài…cậu Quý…" Đoạn ông lấy chén nước trên bàn thờ hớp một ngụm, phun lên mặt nạn nhân, nước phun lên cả đầu tôi. Lạ lùng thay,chú Tỉ há miệng, con cá từ trong miệng văng ra trên bộ ngựa. Không chỉ người nhà mà mọi người hiện diện đều sụp lạy ông trùm Phu như tế sao. Hơi thở chú Tỉ đều đặn trở lại, không còn khò khè như bò nữa. Con cá rô chết hơi cong cong, về sau được người nhà của Bà phơi khô treo cạnh bàn thờ.

Ông trùm Phu tỉnh người, ngơ ngác, không hiểu tại sao mình lại ở một nơi lạ lùng thế này. Sau một hồi trà nước tỉnh táo, ông cho biết đi cày về, ngang qua Miếu Bà, quăng cái cày đi vào miếu. Và từ đó, ông không nhớ những gì đã xảy ra. Người nhà cho hay, đang nhang đèn cầu khẩn, bỗng nhiên ông trùm Phu đi vào, xưng là Bà - có một danh xưng gì đó, tôi không nhớ - quơ lấy nắm nhang đang cháy trong lư hương, lấy chiếc đũa bếp trên bàn thờ, hái vài cọng môn được trồng rất nhiều quanh đó. Và bằng giọng đứt khoảng như người say, ông nói: "Ta phải đi cứu thằng nam." Không hỏi chuyện gì đã xảy ra và xảy ra ở đâu ông đi thẳng một mạch về nhà thờ.

Chuyện xảy ra vào mùa hè năm 1947. Tôi không nghi ngờ gì, nhưng vẫn có vài thắc mắc, không biết có những nguyên nhân sinh lý nào làm cho con cá rô quay ngược trở lại, không phải ra trong miệng mà văng ra trên ván bộ ngựa. Năm 1959, tôi nằm bệnh viện Huế, được bác sĩ Lê Văn Điềm điều trị. Tôi đem chuyện này kể lại. Bác sĩ Điềm nói: "Impossible, khi bị phun nước lạnh thì các bắp thịt của cơ thể sẽ có phản ứng co bóp. Nhưng tuyệt nhiên cả hai trường hợp không thể xảy ra: con cá rô trong cổ họng không quay đầu lại được và cũng không đi ngược lại với bộ kỳ của nó."

Tôi đã nghe nhiều huyền thoại về sự linh ứng của Bà và lần đầu tiên được chứng kiến.



Khối Tình Song Ngọc

Đầu năm 2003, anh Hoàng Văn Trí, nguyên giáo sư trường trung học Nguyễn Huệ Tuy Hoà đưa tôi đến thăm một "goá phụ". Bước chân vào nhà, chúng tôi gặp một thiếu phụ tuổi trạc 60. Anh Trí vừa mở miệng nói, hôm nay tôi và anh Giang đến thăm. Người thiếu phụ không chào hỏi, mặt đổi sắc, chắp tay vái ngoài trời rồi vái bàn thờ, miệng nói giọng vồn vã: Anh Giang và anh Trí đến thăm, em rất mừng. Tôi hơi ngạc nhiên về cách xưng hô. Anh Trí đã cho biết trước, thiếu phụ có tên Lữ thị Ngọc Anh, học sinh lớp đệ nhị trường Nguyễn Huệ niên khoá 1964-1965. Tôi đã gặp lại nhiều học sinh cũ Nguyễn Huệ, và chưa có ai gọi tôi bằng anh. Như đoán được ý tôi, anh Trí nói thầm  bên tai: "Ô đó."

Đầu niên khoá 1963-1964, do nhu cầu phát triển giáo dục, một trường trung học được thành lập ở quận Tuy An cách Tuy Hòa chừng 30 km, khởi đầu bằng một lớp đệ thất. Giáo sư đệ nhất cấp Nguyễn Ngọc Ô được ông Hiệu Trưởng Nguyễn Huệ Nguyễn Đăng Ngọc cử phụ trách lớp này cùng với một giáo sư dạy giờ. Tôi về trường Nguyễn Huệ vào giữa niên khoá. Ngày 12 tháng 4 năm 1965, trên đường từ Tuy Hòa ra Tuy An bằng xe lam vào buổi sáng sớm, Nguyễn Ngọc Ô bị Việt Cộng bắt và biệt tin từ đó. 

Tôi và anh Trí thắp nhang vái trước di ảnh duy nhất của Nguyễn Ngọc Ô trên bàn thờ. Dù cách biệt đã lâu năm tôi vẫn còn nhận ra những nét quen thuộc trên khuôn mặt gần như khắc khổ của Ô. Chúng tôi quay sang nói chuyện vói Ngọc Anh, thật ra là với Ngọc Ô, qua hình hài của Ngọc Anh. Tôi đặt ra một số câu hỏi và Ngọc Ô tuần tự trả lời:

"Em tuổi Thìn, sinh năm 1940, bị bắt và bị sát hại cùng ngày đó. Sở dĩ đến đầu năm 1980 em mới báo tin cho "nhà em" biết chuyện của mình là để cho thời gian phôi pha, nhà em bớt đau khổ. Em cũng đã báo tin cho ông già em ở Phan Thiết biết chuyện này, đồng thời tạo cơ hội cho cha chồng gặp con dâu và nhận cháu nội. Em đã báo bị lính Đại Hàn bắn ngày 2 tháng 7 âm lịch để cho gia đình không căm thù ai.  Cám ơn anh đã lo cho em, mặc dầu việc này không đạt được kết quả." (Sau khi Ngọc Ô bị bắt, tôi đã làm báo cáo mất tích vì công vụ với Bộ Giáo Dục và lập hồ sơ trợ cấp thất tung. Hồ sơ cần có xác minh điều tra của Cảnh Sát xem đương sự thật sự bị bắt hay tự ý theo Việt Cộng. Kết quả như thế nào tôi không nhớ. Điều làm tôi ngạc nhiên là việc làm có tính cách hành chánh này Ngọc Anh làm sao biết được)

 Trước câu hỏi của tôi: "Cháu nội là ai, khi Ô bị bắt chưa có vợ kia mà ?" Ngọc Ô giải thích: "Thằng Thuật đó, năm nay nó 28 tuổi, thật sự là con của em. Em vẫn ở nhà này…" Tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, hơi hoang mang, bán tín bán nghi và cảm thấy lành lạnh sau gáy. Đôi mắt của Ngọc Anh nhìn xa xăm, thiếu vẻ linh hoạt. Tôi chấm dứt cuộc chuyện trò: "Ô chắc đã mệt, thôi đi nghỉ đi."

 Chỉ một thoáng, Ngọc Anh quay lại nhìn tôi: "Chào thầy!" Qua tuần trà, tôi được biết đầu đuôi mối tình Ngọc Ô - Ngọc Anh như sau: giáo sư Nguyễn Ngọc Ô trường Nguyễn Huệ và cô nữ sinh lớp đệ nhị Lữ Thị Ngọc Anh đã thề non hẹn biển với nhau. Năm 1965 Ngọc Ô bị bắt. Năm 1976 Ngọc Anh lập gia đình và sinh được đứa con trai lấy họ mẹ (?) đặt tên là Lữ Đình Thuật, hiện làm tài xế taxi ở Tuy Hòa. Sau một thời gian, mặc dầu trong gia đình không xảy ra chuyện gì đáng tiếc, người chồng bỗng nhiên xuất gia, hiện nay tu tại một ngôi chùa ở huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà.

Đầu thập niên 80, trong mộng, Ngọc Anh được Ngọc Ô báo cho biết địa điểm bị vùi thây ở Long Thủy, xã An Chấn, huyện Tuy An, cách đường quốc lộ 5 km và một số chi tiết về gia đình ở Phan Thiết, đồng thời hối thúc Ngọc Anh đưa con về thăm bên nội. Theo những chi tiết được hướng dẫn, Ngọc Anh tìm đến gia đình Ngọc Ô và mẹ con được gia đình này chấp nhận là dâu và cháu nội. Vì ông thân của Ngọc Ô cũng thấy những điều tương tự trong mộng. Ông đã ra Tuy Hòa, cùng với Ngọc Anh tìm đến nơi vùi xác của Ngọc Ô. Theo ý của Ngọc Ô, không nên dời mộ và xây lăng mà chỉ đắp đá lên vị trí này. Hai người em ruột Ngọc Anh ở Úc muốn bảo lãnh chị, nhưng theo lời Ngọc Anh: "Ảnh không cho đi, ảnh nói, có lên máy bay ảnh cũng xô xuống. Nuôi con heo ảnh cũng không cho, nói là nuôi để người ta làm thịt mang tội, cố gắng mà tu hành."

Tôi hỏi, có bao giờ nhìn thấy Ô hiển hiện dưới dạng người thật hay không và hoàn cảnh sống hiện nay ra sao. Ngọc Anh trả lời: "Không, chỉ trong giấc mộng. Giường của em có hai cái gối, thỉnh thoảng ảnh về. Có nhiều đêm bọn em chuyện trò với nhau đến khuya, hàng xóm nghe được tưởng em có tình nhân. Mẹ con đùm bọc nhau, đôi khi nhận được sự giúp đỡ của mấy người em ở Úc, có khi là bà con bên chồng ở Mỹ. Cháu Thuật nhận ảnh là cha. Đến ngày mồng 2 tháng 7 âm lịch mẹ con em vẫn kị giỗ anh ấy."

Trong hai vai tuồng, Ngọc Anh có hai khuôn mặt khác nhau, ngơ ngác thất thần trong vai Ngọc Ô và nhặm lẹ, bình thường trong vai chính mình. Nếu nói là chuyện đặt bày thì người bày đặt thủ lợi những gì? Trong lúc hai mẹ con sống thanh bạch, không xâm phạm đến quyền lợi của ai và đã khước từ đi bảo lãnh sang Úc. Tôi cố đặt nhiều câu hỏi liên tiếp, và Ngọc Ô đã trả lời một cách suông sẻ, mau lẹ.

Tôi có thật sự nói chuyện với một người ở bên kia thế giới?



Trang Sinh Hiểu Mộng

Tôi ngồi viết trong phòng khách. Một con bướm khá lớn màu nâu bay quanh trong phòng. Mùa hè, cửa sổ mở, con ong, con ruồi bay vào nhà là chuyện thường. Tôi vẫn điềm nhiên tiếp tục viết. Chừng nửa giờ sau, con bướm vẫn bay quanh trong phòng. Hơi lạ, côn trùng bay vào nhà thường tìm lối thoát ra, đập mình đành đạch vào mặt gương của sổ mở dọc. Đằng này con bướm vẫn nhởn nhơ thung dung đập cánh lượn quanh trong phòng, chẳng biết từ bao lâu. Nửa đùa nửa thật, tôi đưa tay về phía con bướm nói: 

"Có phải con về thăm thì đến đây với ba". Đột nhiên con bướm bay lại, lượn quanh trên đầu tôi. Một cảm giác lạnh mình, tôi nghĩ đến câu thơ Đường: Trang Sinh hiểu mộng mê hồ điệp. Tôi điện thoại lên bệnh viện, hỏi thăm Lili đang làm gì. Chồng nó nói Lili đang ngủ. Tôi nói với con bướm: "Ba biết con về thăm. Trong phòng chật chội, con ra ngoài trời cho khoáng đãng." Lạ lùng thay, con bướm luồn qua khe cửa bay thẳng ra ngoài. Tôi ngẩn ngơ về sự trùng hợp ngoài sức tưởng tượng này. Chuyện diễn ra vào lúc 13 giờ 15 ngày 14 tháng 8 năm 2003.

Lili là tên gọi ở nhà đứa con gái đầu của chúng tôi. Nó nhập viện ngày 27 tháng 6 năm 2003 vì chứng bệnh ung thư đến giai đoạn cuối. Ngoài thuốc thang của bệnh viện, đa phần là thuốc giảm đau, gia đình chúng tôi đã liên hệ khắp nơi để tìm thuốc ngoại khoa, may ra phước chủ may thầy. Nhiều loại thuốc ngoại khoa được đặt mua tại Mỹ, Nhật, Úc,Việt Nam, phần nhiều là nấm linh chi hay cỗ linh chi đã được chế biến thành thuốc viên, thuốc bột. Nhiều điện thư mách bảo những phương pháp chữa trị ung thư như uống nước sắc lá đu đủ, xay lá long tu với mật ong và rượu mạnh, canh dưỡng sinh… 

Người đầu tiên tôi liên hệ là bác sĩ Trần Đoàn ở vùng DC. Anh Đoàn cũng bị ung thư và sau khi được giải phẫu đang điều trị bằng thuốc ngoại khoa. Anh Đoàn cũng mách bảo vài thứ thuốc, nhưng sau khi nghe tôi trình bày nội dung cuộc trao đổi với bác sĩ điều trị và bản sao hồ sơ bệnh lý đã không ngần ngại đưa ra ý kiến chân tình: "Nếu tôi có một lời khuyên, không nên chữa theo phương pháp hoá-trị (chemotherapy) cho cháu, chỉ càng làm cho thể xác đau đớn thêm, nên cầu nguyện cho cháu thì hơn." 

Tôi đặc biệt quan tâm đến lời khuyên này và đã tìm cơ hội thuận tiện bàn riêng với Lili những vấn đề "hậu sự" thực tế. Tuy có những dấu hiệu chứng tỏ sự suy nhược cơ thể, chẳng hạn như đôi mắt quầng thâm, nhưng tinh thần Lili vẫn minh mẫn tỉnh táo. Biết rằng sự sống được đếm lui từng tháng… từng ngày, nhưng không ngờ chuyện xảy ra đột ngột như vậy. Lili ra đi lúc 4 giờ sáng ngày 27 tháng 8 năm 2003 và được chôn cất hai ngày sau.

Tối ngày đưa đám, cả đại gia đình tập trung tại nhà Lili. Mọi người đang trò chuyện ở phòng khách, đứa cháu nội lên ba của chúng tôi nói được nhiều tiếng Việt và biết phân biệt màu sắc được mẹ nó đưa đi ngủ. Vừa nằm xuống trên chiếc sofa được chuyển từ phòng khách vào phòng ngủ cho trống chỗ để đặt quan tài, nó chỉ tay về phía sau lưng mẹ, hỏi: "Ai bồng anh Tin đó mẹ?" Tintin là tên gọi ở nhà đứa con trai nhỏ của Lili.

Mẹ nó rầy: "Ngủ đi, khuya rồi, đừng nói tầm bậy". Nó vừa chỉ tay về phía sau lưng mẹ vừa cãi lại: "Cô Li bồng anh Tin đứng kia kìa". Mẹ nó nhìn lui chẳng thấy gì, hốt hoảng bồng con chạy ra phòng khách, hơ hãi kể lại tự sự. Cả nhà lấm lét nhìn trước nhìn sau. Mọi ngọn đèn đều được bật sáng. Mọi người dồn vào ngủ ở phòng khách.Và từ đó cho đến mười mấy ngày sau, nhà nào cũng chong đèn sáng choang cả đêm. Đêm hôm, phụ nữ cần đi… cũng thức chồng dậy đưa đi, sợ gặp… dù là gặp người mình yêu thương.

Hai ngày sau, trên đường ra mộ mở cửa mả, thằng bé đi xe với ba mẹ. Nó hỏi mẹ đi đâu. Mẹ nó trả lời là ra thăm mộ cô Li. Nó vừa đưa tay vỗ vỗ lên đầu, vừa le lưỡi ra thụt lưỡi vào như đùa với trẻ con, vừa nói: "Cô Li làm như vậy, như vậy này." Như để thử lại, mẹ nó hỏi cô Li mặc áo màu gì. Nó nói ngay: "Áo màu trắng" và còn thêm: "… tóc ngắn nữa." Tóc Lili đã được hớt ngắn trước đó, và mặc áo quần trắng khi tẩm liệm. Những chi tiết này thằng bé không biết được, vì khi liệm, nó đang ở một thành phố khá xa về phía Bắc.

Ba cháu bé được Lili cưng chìu khi còn nhỏ. Nó ở cách chúng tôi bốn giờ xe. Thứ hai ngày 25-8-2003, nó báo cho chúng tôi biết thứ năm sẽ về thăm Lili. Hôm sau nó báo lại thứ tư sẽ về. Sáng thứ ba, vợ nó gọi điện thoại báo tin, anh ấy đã lái xe đi, nói là nóng ruột quá, không chờ được. Do vậy mà chị em đã gặp mặt, chuyện trò với nhau, và đến khuya thứ tư 27-8-2003 thì Lili ra đi.

Đứa bé chưa tròn ba tuổi không thể đặt ra câu chuyện với vài tình tiết có thật mà nó không biết. Phải chăng có sự cảm ứng thiêng liêng giữa hai cô cháu ?  

*********

Sự xuất hiện của "thế giới bên kia" dưới nhiều trạng thái khác nhau đều được gọi là chuyện ma. Thế giới ma không được người trần gian tôn trọng mấy. Người ta thường gọi ma là "con ma" , dù cho đó là ma lớn ma bé, ma già hay ma trẻ. Tôi đã đọc và nghe kể nhiều chuyện ma li kì đông tây kim cổ. Người viết và người kể đều đoan quyết là chuyện thật trăm phần trăm. Chưa có một con ma nào xuất hiện một cách bình thường, nói chuyện với chúng ta rõ ràng về thế giới bên kia. Vì vậy mà còn có nhiều nghi vấn về chuyện ma.

Có ma hay không, đối với tôi, không thành vấn đề. Mỗi thế giới đều có qui luật sống của nó. Nếu mình không xâm phạm đến ai thì chẳng có ai xâm phạm đến mình. Tôi tuyệt đối không tin những điều mê tín dị đoan. Nhưng về đời sống tâm linh và siêu hình, tôi có niềm tin khá chắc chắn vào thuyết luân hồi, tái sinh. Đời sống hiện hữu của anh là kết quả của tiền kiếp và là nguyên nhân của kiếp sau. Chẳng ai có kinh nghiệm thực tiễn về việc này. Nhưng nếu ý thức một cách sâu sắc về điều này,mọi người đều cố gắng sửa mình, lợi lạc cho kiếp sau có hay không chưa biết, nhưng ít ra cũng làm cho đời sống tâm linh của mình thăng hoa, hướng thượng.

Nguyễn Đức Giang

Thứ Ba, 19 tháng 1, 2016

Xuân Bính Thân

GIỚI THIỆU
Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy Cô, quý Đồng Môn và quý Thân Hữu bài thơ dưới đây của
thi sĩ Trúc Giang, một Thân Hữu đã gắn bó với sinh hoạt của Gia Đình CHS Nguyễn Huệ Bắc Cali
ngay từ những ngày đầu.
Trân trọng giới thiệu.
NHHN


Đại Học Văn Khoa Huế


GIỚI THIỆU
Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy Cô, quý Đồng Môn và quý Thân Hữu bài thư ba trong loạt bài của thầy Trần Công Tín, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Huế, Cử Nhân Văn Khoa Huế, Sinh Viên trước Cao Học Văn Khoa Saigon, cựu giáo sư trường Nguyễn Huệ Tuy Hòa, Phú Yên viết về nền giáo dục của VNCH.
Trân trọng giới thiệu,
NHHN

Giáo Sư Trần Công Tín

Năm 1957, Viện Đại Học Huế được thành lập, đứng đầu là ông Viện Trưởng, văn phòng viện đặt tại số 3 Lê Lợi (hiện nay vẫn còn) điều khiển tổng quát 5 phân khoa: Đại học Luật (ở đầu đường Lê Lợi), đối diện với tòa đại biểu cũ). Đại học Văn Khoa, Khoa Học và Sư Phạm (3 phân khoa này trước 1963 đều tọa lạc tại Morin, bắt đầu 1964, trường Sư Phạm tách riêng ra tại địa điểm sư phạm ngày nay). Đại học Y Khoa (ở đường Ngô Quyền, gần bệnh viện TW Huế). Đứng đầu mỗi khoa là ông Khoa Trưởng, dưới khoa có các ban, dưới quyền điều khiển của Trưởng ban.

Trừ trường Sư Phạm, sinh viên muốn vào học phải trải qua một kỳ thi rất cam go, còn các phân khoa khác sinh viên đều được ghi danh, miễn thi. Sở dĩ như vậy là vì hồi đó học sinh trung học ở cuối cấp phải trải qua 2 kỳ thi vô cùng khó khăn (cách nhau 1 năm): Tú tài 1 gọi là Tú tài bán phần và Tú tài 2 gọi là Tú tài toàn phần. Học sinh lớp Đệ Nhị (lớp 11 ngày nay) có khoảng 100 người thì qua 2 kỳ thi này chỉ còn chừng 20 người tốt nghiệp. Do đó, các phân khoa Đại học đủ chỗ để thu nhận sinh viên và sinh viên được miễn phí hoàn toàn, riêng Sư Phạm thì có học bổng khá lớn.

Văn Bằng Tú Tài II
(Xin click vào hình trong bài để xem rõ)

Khoa Luật, Khoa Y và Sư Phạm học theo niên chế: năm 1, năm 2, năm 3, năm 4… Luật học 4 năm, Y khoa 1 năm dự bị cộng với 6 năm học, Sư Phạm 4 năm.

Khoa Học và Văn Khoa học theo chứng chỉ: Dự bị cộng với 4 chứng chỉ khác thì đủ cử nhân. Ngoài chứng chỉ dự bị, sinh viên buộc phải học một năm, còn các chứng chỉ sau sinh viên có quyền ghi danh 1 năm 2 chứng chỉ. Như vậy đối với một số sinh viên, họ có thể tốt nghiệp cử nhân trong vòng 3 năm.

 Các chứng chỉ của Đại học Văn Khoa như sau:

1.    Cử nhân giáo khoa ban Việt Văn:
-       Chứng chỉ Dự bị
-       Chứng chỉ văn chương Việt Nam
-       Chứng chỉ Ngữ học Việt Nam
-       Chứng chỉ Hán văn
-       Chứng chỉ sử Việt Nam và Đông Nam Á hay Chứng chỉ lịch sử triết

2.    Cử nhân giáo khoa ban Pháp văn:
-       Chứng chỉ Dự bị
-       Chứng chỉ văn hóa Pháp
-       Chứng chỉ văn chương Pháp
-       Chứng chỉ ngữ học Pháp
-       Chứng chỉ văn chương Việt Nam

3.    Cử nhân giáo khoa ban Anh văn:
-       Chứng chỉ Dự bị
-       Chứng chỉ văn hóa Anh Mỹ
-       Chứng chỉ văn chương Anh Mỹ
-       Chứng chỉ ngữ học Anh
-       Chứng chỉ văn chương Việt Nam

4.    Cử nhân giáo khoa ban Triết học:
-       Chứng chỉ Dự bị
-       Chứng chỉ lịch sử triết
-       Chứng chỉ luận lý và siêu hình
-       Chứng chỉ đạo đức và xã hội học
-       Chứng chỉ tâm lý

5.    Cử nhân giáo khoa ban Sử học:
-       Chứng chỉ dự bị
-       Chứng chỉ sử Việt Nam và Đông Nam Á
-       Chứng chỉ sử Tây phương
-       Chứng chỉ phương pháp sử học
-       Chứng chỉ địa lý đại cương

Chứng Chỉ

Như vậy ta thấy ở các ban Việt văn, Anh văn, Pháp văn, sinh viên buộc phải có chứng chỉ Văn chương Việt Nam mới được gọi là cử nhân giáo khoa. Đây là một trở ngại rất lớn đối với tất cả mọi người vì ở chứng chỉ này, thầy Lê Tuyên (giáo sư chủ chốt) rất nghiêm khắc, bài giảng lại vô cùng khó hiểu. Vào lớp, thầy nói thao thao bất tuyệt, đem triết lý vào văn học. Hiểu được điều thầy nói là cả một vấn đề, sinh viên đều ngán, đều sợ. Trước 1965, số sinh viên vượt qua cửa ải của thầy rất thấp, sau đây là vài con số:
 Niên khóa 62-63: Khóa 1: 4/39. Khóa 2: 10/38
 Niên khóa 63-64: Khóa 1: 2/34. Khóa 2: 7/30
 Niên khóa 64-65: Khóa 1(khóa tôi thi đỗ):10/47. Khóa 2:10/45
 Đối chiếu với chứng chỉ Hán văn, (chứng chỉ dễ nhất )vì các cụ già đều rộng lượng, khoan dung, lại ra thi trong một số ít bài hạn chế mà thôi:
 Niên khóa 62-63: Khóa 1:13/16. Khóa 2: 1/7
 Niên khóa 63-64: Khóa 1: 13/20. Khóa 2: 3/7
 Niên khóa 64-65: Khóa 1: 11/17. Khóa 2: 4/9

Chú thích: Mỗi chứng chỉ sinh viên được thi 2 lần gọi là 2 khóa, rớt khóa 1 (thường tổ chức vào tháng 6) sinh viên sẽ thi khóa 2 vào tháng 9. Có sinh viên không thi khóa 1 vì chưa chuẩn bị đủ bài vở nên chỉ xin thi khóa 2, nhà trường đều chấp nhận.

Tài liệu này tôi lấy từ quyển “Chương trình Đại học Văn Khoa 1965-1966” của trường Đại học Văn Khoa Huế xuất bản, trong đó có ghi tên đầy đủ của các vị giáo sư, chương trình học của mỗi chứng chỉ và sĩ số thí sinh thi đậu).

Qua niên khóa 65-66 trở về sau, thầy Lê Tuyên không còn dạy ở Huế nữa nên sinh viên dễ thở hơn, số người đậu chứng chỉ văn chương Việt Nam chiếm đến 50%.

Ba trường Sư Phạm, Văn Khoa và Khoa Học đều gắn bó với nhau chặt chẽ vì các lẽ sau:

-      Ba trường đều nằm chung ở khuôn viên Morin, dùng chung giảng đường C. Sau 1964, trường Sư Phạm tách ra nhưng cũng không cách xa bao nhiêu.

-       Các vị thầy của Khoa học, Văn Khoa đều có dạy ở sư phạm (đồng môn).

-       Sinh viên Sư Phạm đều được khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để học Văn Khoa hoặc Khoa Học, thậm chí niên khóa 66-67, năm cuối cùng của tôi ở Sư Phạm, khoa trưởng Lê Trọng Vinh còn chủ trương: ở Sư Phạm sinh viên chỉ học những vấn đề chuyên môn còn văn hóa thì học Văn Khoa hoặc Khoa Học, cụ thể là niên khóa 66-67 nhà trường buộc chúng tôi phải học chứng chỉ Hán văn ở Văn Khoa và lấy điểm thi của chứng chỉ này cộng vào điểm nghiệp vụ ở Sư Phạm để xét tốt nghiệp.

Từ năm 1966 trở về trước, sinh viên sư phạm chúng tôi học cả 2 trường mà mỗi trường đều có chương trình riêng biệt, nên lẽ dĩ nhiên chúng tôi không thể nào có mặt thường xuyên ở Văn khoa được, do đó cần phải làm quen với các sinh viên chính gốc Văn khoa để mượn vở chép lại bài giảng và nhờ họ giảng giải những điều cần thiết. Tôi nghiệm thấy làm quen với người khác phái thì thuận tiện hơn, bởi thế mặc dầu nhút nhát nhưng tôi cũng cố làm quen với các nữ sinh viên. 

Nói về tuổi, tôi chẳng nhỏ gì, nhưng thân xác thì khá khiêm tốn, mặt trắng, môi hồng, mắt đen, trông rất dễ thương, ngây thơ, trong sáng. Vì vậy các chị đều có cảm tình, thích trò chuyện và xem như em trong nhà, tận tình chỉ bảo, bày vẽ những bí quyết học thi, chẳng hạn: Vừa rồi, tôi thấy thầy X. nhấn mạnh đến bài 3, 6, 8, vậy anh nên xem kỹ, v.v... Thật là một lời khuyên quí báu vì quả nhiên, có một vài câu hỏi trong đề thi liên quan đến các bài ấy.

Viện Đại Học Huế

Niên khóa 63-64, tôi ghi danh học Dự bị Văn khoa ban Pháp văn, đó là một điều khác lạ với các bạn Sư phạm cùng lớp vì tất cả đều chọn ban Hán văn.

Dự bị Văn khoa có cả thảy 3 ban: Hán, Pháp và Anh, ngoài các môn học chung tại giảng đường C, đó là các môn: Triết học, Văn học VN, Sử và Địa, sinh viên còn phải học thêm các môn riêng cho ban mình ở các phòng nhỏ hơn.

Về môn Triết, tôi học với Tiến sĩ Trần Văn Toàn (tốt nghiệp ở Bỉ) mỗi tuần 4 giờ về triết học đại cương. Thầy người Bắc, cận thị nặng, phát biểu chậm rãi, pha chút khôi hài. Câu thầy thường nói là: Nghiêm nghị như con trâu thì không thể có Triết học được. Những bài giảng của thầy sau này được in thành sách dưới nhan đề “Hành Trình Vào Triết Học’’ được giới trí thức tán thưởng, khen ngợi. Thầy hiện giờ sống ở nước ngoài, tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy. Cách đây mấy năm, thầy có về Huế, dự hội thảo về linh mục CADIERE, linh hồn của tạp chí B.A.V.H nghiên cứu về Huế, rất có giá trị.

Về môn Văn học VN, chúng tôi học với thầy Đoàn Khoách và thầy Phạm Viết Tuyền (người Bắc, chủ nhiệm nhật báo Tự Do ở Saigon).

Môn Phương pháp Sử do Linh mục Nguyễn Phương phụ trách. Linh mục có nhiều kiến giải rất khác lạ về Lịch sử VN, chẳng hạn bác bỏ truyền thuyết Hùng Vương, gây ra nhiều cuộc tranh luận sôi nổi trên Văn đàn. Linh mục tánh khôi hài, hay nói đùa nên giờ giảng của linh mục rất vui, không khí phòng học sôi động .

Môn Địa lý Đại cương do linh mục Nguyễn Hòa Nhã (giáo sư thỉnh giảng từ Sài Gòn) phụ trách. Kiến thức của Linh mục phong phú, bài học có bề sâu thực sự .

Về môn Pháp văn, mỗi tuần tôi phải học 10 giờ dưới sự hướng dẫn của các vị sau:

   - Linh mục Zukenly, người dong dỏng cao, giảng bài chậm rãi, dễ hiểu, hấp dẫn, dạy 4 giờ /1 tuần: 2 giờ về giảng văn các bài trích trong những tác phẩm thế kỷ 20, và 2 giờ nghiên cứu, phân tích tác phẩm Cyrano de Bergerac, hài kịch bi hùng bằng thơ 5 hồi của E.ROSTAND. May mắn là những giờ của linh mục, tôi có điều kiện theo học đầy đủ suốt niên khóa. 

Tác phẩm này tôi rất say mê và chép lại học thuộc lòng vài đoạn tình cảm ướt át, cảm động đầy kịch tính, đó là đoạn Cyrano đọc bức thư tuyệt mệnh cho nàng Roxane xinh đẹp nghe trước khi anh ta từ giã cõi đời, lúc đó nàng mới thấu hiểu tấm chân tình, nỗi niềm vô vọng của chàng trong suốt 15 năm qua, và thốt lên lời "em yêu anh", nghe xong lời đó thì chàng từ từ nhắm mắt, mãn nguyện.

   - Thầy Đỗ Long Vân, mỗi tuần dạy 2 giờ về dịch thuật, vì  trùng giờ nên tôi ít khi có mặt.

   - Thạc sĩ Cauro, mỗi tuần dạy 2 giờ về văn học hiện sinh và phân tích tác phẩm LE MUR của J.P.Sartre, thầy giảng rất hay, phân tích sâu sắc, tiếc là tôi không được trực tiếp thụ giáo chỉ nghe các chị nói lại . Thầy đẹp trai, trẻ trung khiến nhiều cô mê say, ngưỡng mộ.

   - Thầy Bolliet, dạy 1 tuần 2 giờ về phân tích văn phạm, tôi cũng ít khi được tham dự, chỉ mượn vở về chép và nghe giảng lại.

Nhờ học chăm chỉ nên cuối niên khóa tôi đậu luôn Dự bị sư phạm lẫn Dự bị Văn khoa ngay kỳ đầu. (vào khoảng tháng 6).

Qua niên khóa 64-65, tôi ghi luôn 2 chứng chỉ và đều xin thi ở kỳ đầu:


Chứng Chỉ

- Lịch sử Triết: Lớp học chỉ có 9 người và, đều ngồi bàn đầu cả. Anh Trần xuân Kiêm (chủ tịch tổng hội sinh viên Huế) và chị Phùng Thăng (dịch giả tác phẩm Câu Chuyện Dòng Sông của Hermann Hesse) đều học với tôi ở chứng chỉ này. Sau này hai người kết hôn với nhau. Chị Phùng Thăng là em ruột của chị Phùng Khánh, tốt nghiệp Đại học sư phạm Anh văn khoảng năm 1960, sau đi tu lấy pháp danh là ni cô Trí Hải, rất nổi tiếng trong nước và cả thế giới. Ni cô tử nạn vì giao thông cách đây chừng 10 năm để lại nhiều thương tiếc cho mọi người vì ni cô là một nhà chân tu, đạo hạnh, chuyên làm việc thiện.

Ở chứng chỉ này, tôi học với các vị sau:

- Thầy Trần văn Toàn: Thầy phụ trách mỗi tuần 4 giờ về triết học cổ đại Hi Lạp .
- Thầy Đoàn Văn An (Thích Thiên Ân), từ Saigon ra, dạy về triết học Zen
- Thầy Pierre Đỗ Đình :dạy về triết học Đông phương.
- Thầy Lâm ngọc Huỳnh (khoa trưởng) dạy Triết học hiện sinh, bình giảng về tác phẩm Traité du Desespoir cuả Kierkegaard .

- Chứng chỉ Văn chương VN do các vị sau đây phụ trách;

   - Thầy Lê Tuyên: dạy giảng văn và phân tích tác phẩm Cung Oán Ngâm Khúc. Thầy mặt trắng trẻo, mang gương cận thị, tướng người nho nhã nhưng lại rất nghiêm nghị, không bao giờ đùa giỡn, chấm bài khắt khe, bài giảng khó hiểu, nên ai cũng sợ .

  - Thầy Vương Hồng Sển: Thầy là nhà khảo cổ lừng danh khắp nước, viết rất nhiều tác phẩm nghiên cứu có giá trị. Khác với thầy Lê Tuyên, thầy Sển rất vui tính, xuề xòa, giảng bài như nói chuyện chơi, lúc nào cũng cười đùa, dùng chữ bình dân dễ hiểu tuy vẫn chứa nhiều kiến thức mới lạ, bổ ích. Thầy phụ trách môn Văn học miền Nam. Ở môn thầy có khá nhiều sinh viên được điểm trên trung bình.

  - Thầy Thuần Phong: Phụ trách môn văn chương bình dân (ca dao, tục ngữ…)
Niên khóa này, tôi lại may mắn đậu luôn cả 2 chứng chỉ ở ngay kỳ đầu, trước sự ngỡ ngàng của bạn bè.

Qua niên khóa 65-66, tôi ghi danh học chứng chỉ Hán văn và Ngữ học VN.
Về Hán văn, đa số các vị giáo sư đều là những người có tuổi:

   - Thầy Phạm Lương Hàn: tóc bạc phơ, thầy dạy các tác phẩm chữ Hán (các bài phú, từ, ký, thơ, tản văn..) của các nhà văn Trung hoa như Tô Đông Pha, Bạch Cư Dị, Hàn Dũ, Lý Bạch, Đào Tiềm... Mỗi năm, thầy dạy khoảng 30 bài nhưng cuối năm, thầy hạn chế chỉ còn khoảng 10 bài ôn tập. Bởi thế những người không chuyên như tôi cần phải liên lạc với các bạn văn khoa để biết những chi tiết cần thiết, thế nhưng không phải ai cũng tốt bụng cho biết. Đôi lúc thầy chỉ hạn chế 8 bài nhưng họ lại hô lên 15 bài làm mình học mệt gần chết. Tôi nhờ các nữ sinh viên có cảm tình nên không hề bị mắc lừa chút nào, khuôn mặt dễ thương cũng có tác dụng thật hữu hiệu! (Đề thi bao giờ cũng yêu cầu 3 phần: chép lại, phiên âm và dịch nghĩa một bài văn khá dài đã giảng ở lớp rồi).

Thư Viện Đại Học Huế

Thầy Hàn tánh tình rất thật thà nên sinh viên chúng tôi thường lợi dụng để hỏi các chữ khó. Hồi ấy, đề thi được quay Rô-nê-ô rồi phát cho thí sinh, do đó có vài chữ rất mờ, phải hỏi lại các giáo sư. Nếu hỏi thầy Đoàn Khoách hoặc Nguyễn Văn Dương thì thầy sẽ viết lại các chữ ấy trên bảng một cách rõ ràng hơn rồi im lặng, khiến chúng tôi càng thêm ngơ ngác. Còn thầy Hàn thì vừa viết lại vừa đọc âm và giảng nghĩa luôn chữ đó, chẳng hạn chữ Viên nghĩa là tròn. Vì vậy, hễ chữ nào không biết, thì sinh viên lại cầu cứu thầy và hô là chữ mờ. Có lần thầy phải bực tức la lên: Chữ nào cũng mờ hết, thế là nghĩa làm sao, thôi không được hỏi nữa, lo làm đi, không chịu học, cứ kêu van mờ mãi… Nói thế, nhưng thầy vẫn đọc âm và giảng nghĩa như thường, nhờ vậy những khó khăn ban đầu, chúng tôi vượt qua dễ dàng và anh nào cũng đạt điểm khá cao. Nghĩ lại thật vui!

   - Linh mục Nguyễn Văn Thích: Nhà giáo tận tụy, yêu nghề, hăng say với công việc, chấn hưng Cổ học. Đề thi của Linh mục chẳng có gì khó chỉ quanh quẩn trong mươi bài mà Linh mục đã giảng đi giảng lại trong lớp, sinh viên chỉ cần học thuộc lòng và chép lại, đơn giản có thế, nhưng cũng có sinh viên hỏng vì họ chép sai, chữ nọ lộn chữ kia, thiếu nét, v.v.

   - Thầy Hồ Đắc Định: Thầy cho học những bài thơ ngắn rồi đặt các câu hỏi để trả lời (lẽ dĩ nhiên bằng chữ Hán). Sức học của sinh viên làm sao viết một đoạn văn chữ Hán cho được, nên tốt hơn hết là học thuộc lòng các câu trả lời của thầy và cứ thế mà chép lại trong bài thi. Mỗi năm thầy cho học chừng 15 bài thơ và 30 câu trả lời, sinh viên trang bị chừng ấy là đủ có điểm cao ở môn thi thầy Định, có điều là phải chép cho đúng mặt chữ, nếu sai thì đừng hòng thi đỗ.

   - Cô Khưu Thị Huệ: Đặc biệt, từ niên khóa 65-66, chứng chỉ Hán văn có mở thêm môn Bạch Thoại (dạy đàm thoại, giao tiếp và các bài văn hiện đại), trường mời cô Khưu Thị Huệ ở Saigon ra giảng dạy. Mỗi lần cô ra dạy chừng 20 giờ liên tục.

Dáng người cô cân đối, mắt đen, tròn xoe, khoảng 30 tuổi, vô cùng xinh đẹp khiến học trò phải nhìn ngắm mê mãi. Các nữ giáo sư Đại học không có mấy người đẹp (trừ cô Trương Tuyết Anh mà Bảo Cự say mê nhưng so với cô Huệ thì chẳng sánh bằng), bởi thế sự xuất hiện của giai nhân như cô Huệ đã làm xôn xao dư luận, sinh viên các ban khác cũng kiếm cớ đi ngang nhìn ngắm khiến anh em chúng tôi  hãnh diện phần nào.

Giờ ra chơi, chúng tôi bao vây cô để hỏi cái này, cái khác, không muốn rời xa. Người có chuyện lên hỏi đã đành, người không có việc gì cũng xớ rớ đứng bên để nhìn ngắm. Cô luôn miêng hỏi: "Nị wan sơ mo?" (anh hỏi cái gì?), có anh lúng túng đỏ mặt trả lời: "pu sư" (không có gì hết) nhưng cũng không chịu rời bàn giáo sư. Nghĩ lại thật vui!

Cô Huệ là người thứ hai sau cô Diệu Trang (dạy tâm lý ở Quốc Học) mà tôi say mê, thương mến.

Hồi đó, lạ lắm, tuổi mới lớn, chúng tôi ai cũng nghĩ đến chuyện yêu đương, giai nhân, sắc đẹp nhưng hoàn toàn lý tưởng, trong sạch, thanh cao giống như mối tình của người chăn cừu đối với cô chủ xinh đẹp trong tác phẩm “Những Vì Sao” của A. DAUDET. Tình yêu vô vọng, tình yêu tôn thờ, khác xa với ngày nay luôn nhuốm mùi xác thịt. Bởi thế bản thân người đẹp cũng hãnh diện và hầu như chấp nhận sự sùng bái đó (trong truyện ngắn Tình Tuyệt Vọng của Khái Hưng, tác giả mô tả mối tình của một chàng trai đối với vợ bạn. Anh chồng cũng biết nhưng chấp nhận tình yêu thánh thiện ấy).

Nữ sinh tan trường

Nam sinh Quốc Học thời đó tôn thờ hai nữ giáo sư trẻ đẹp, sang trọng, quí phái, thanh cao, đó là cô Liên (dạy sử địa, vợ thầy Phò) và cô Trang (vợ thầy Lưu), ngày nay đã 50 năm rồi mà anh em chúng tôi mỗi lần họp mặt vẫn còn nhắc nhở chuyện xưa, và thành thật mô tả sự si mê của mình ra sao, cũng như Bảo Cự đã nói về  tình cảm thiết tha của mình đối với bà Huỳnh trong hồi ký vừa qua. 

Đó là các bậc “tiền bối”, còn ngang trang ngang lứa (nữ sinh Đồng Khánh) thì có Diệm My, nhà ở Hàng Me, Đông Thái, ở Thành nội và Trần thị Như Mai. Bên phố thì có cô Thoa bán kẹo, bánh cao cấp ở Ngã Giữa (đường Phan Đăng Lưu ngày nay), cách đó vài chục mét là bà Mỹ Thắng (tuổi ngoài 30 đẹp mặn mà, quyến rũ), rồi cuối đường Trần Hưng Đạo (gần tiệm ảnh La Cảnh Lưu) có bà Đức Lợi nhan sắc chẳng kém gì bà Mỹ Thắng. Đó là những giai nhân một thời, đã làm con tim chúng tôi xao xuyến mộng mơ nhưng chẳng đi đến đâu,
… Mà người gieo thảm như hầu không hay.

Tôn thờ sắc đẹp, nhìn ngắm giai nhân là căn bệnh của thế hệ chúng tôi, hồi còn là học sinh Quôc học, mỗi buổi chiều, chúng tôi thường đạp xe ngược lên trường Đồng khánh để ngắm nhìn cảnh tan trường của các nữ sinh xứ Huế yêu kiều. Từng đoàn thiếu nữ thướt tha trong tà áo dài trắng tinh khôi, tóc thề tung theo gió, đạp xe hàng bốn, nối đuôi nhau thành một đoàn dài, xinh tươi mơn mởn, thật vô cùng quyến rũ và nên thơ, bây giờ nhớ lại, tôi vẫn còn bồi hồi cảm xúc. 

Sau khi chiêm ngưỡng các nàng tiên đạp xe, chúng tôi lại quanh xe lui để theo sau các thiên thần đi bộ trên vĩa hè, cũng thật lý thú vô kể. Hồi ấy, chưa có cầu Phú Xuân, nên chúng tôi có thể theo đuôi các nàng một đoạn đường khà dài, lòng vương vấn luyến lưu.

Ở Chứng chỉ Ngữ Học VN, tôi học với các vị sau:

   - Thầy Huỳnh Đình Tế: Một giáo sư vô cùng uyên bác, tài năng tuyệt vời, giỏi cả Anh, Pháp và Việt. Ở ban nào thầy dạy cũng hay, cũng khiến sinh viên vô cùng cảm phục. Bằng cấp của thầy rất nhiều: tiến sĩ, thạc sĩ của các trường Đại học danh tiếng của Mỹ, Pháp, Anh. Thầy là giáo sư cơ hữu của Huế và được Sài Gòn mời vào dạy. Thầy cũng thường đi dự các cuộc hội thảo quốc tế về ngôn ngữ học và đem lại niềm vinh dự cho giới trí thức VN.

Vì có tài như thế, nên mặc dầu đã có gia đình và khá lớn tuổi nhưng thầy đã được cô hoa khôi Ban Anh văn sư phạm đem lòng yêu thương. Mối  tình của hai người đã gây xôn xao dư luận, kẻ tán thành, người phản bác. Thường người ta nghĩ học trò yêu thầy là để lợi dụng, xin điểm, nhưng là một người tự trọng nên cô hoa khôi đó, trước đã giỏi rồi, nay lại càng nỗ lực nhiều hơn nữa để tránh tai tiếng và chứng minh tình yêu của mình là bất vụ lợi. 

Hồi ấy, Nguyễn Ngọc Cảnh giỏi nhất (sau được giữ tại khoa, hiện giờ đã đậu tiến sĩ và giữ một chức vụ khá lớn trong cơ quan Hoa Kỳ), nhưng cô chẳng hề thua sút chút nào, bởi thế không ai nói vào đâu được. Đúng là một mối tình tuyệt đẹp nhưng tiếc thay lại không thành duyên giai ngẫu, thầy qua Mỹ sống với gia đình và từ trần. Cách đây khoảng 10 năm, tro cốt được người em đem về Huế chôn cất, còn hoa khôi thì sống ở Sài Gòn mấy chục năm nay. Bà Hảo vợ thầy Tế mất sau thầy mấy năm, trên cáo, phó ở Web Phượng Vỹ thấy đề là: Phu nhân giáo sư Huỳnh Đình Tế.

Văn Bằng Cử Nhân

Thầy dạy chúng tôi Ngữ học nhập môn và Âm Vị Học, hai môn khá khô khan và khó hiểu nhưng thầy giảng quá hay, quá rõ ràng nên chúng tôi thâu thái rất dễ dàng, thật tuyệt vời. Thầy là một trong những vị giáo sư mà tôi trọng nể nhất, và chẳng bao giờ quên ơn.

   - Thầy Trương Văn Chình: Khoảng 60 tuổi, đẹp lão, đầu tóc bạc phơ. Thầy dạy ngữ pháp VN theo một hướng mới. Công trình biên khảo của thầy (cộng tác với Nguyễn hiến Lê) rất có giá trị, được giới học giả hoan nghênh. Vài tháng, thầy từ Sài Gòn ra Huế dạy khoảng 20 giờ.

   - Thầy Giản Chi Nguyễn Hữu Văn: Thầy người Bắc, tuổi ngoài 50, tướng vạm vỡ, tóc húi cao, phát biểu sang sảng, rõ ràng. Thầy qua đời năm 2005 ở Saigon, thọ 102 tuổi. Thầy phụ trách môn Ngữ Biến Học (chữ Nôm). Các giờ thầy dạy, vì trùng với sư phạm, nên tôi chẳng tham dự được, tuy thế, ở sư phạm, tôi đã học liên tiếp 3 năm với thầy Lê Văn Hoàng (mỗi tuần 4 giờ) nên cũng có được một vốn liếng kha khá đủ để ứng thí.

Vào vấn đáp môn của thầy Văn, tôi bốc thăm trúng đề: Cách chế tác chữ Nôm và viết 20 chữ nôm mà anh biết. Tôi trả lời song suốt, minh chứng đầy đủ, thầy khen giỏi. Đến phần viết 20 chữ Nôm, vì không biết thầy dạy ra sao nên tôi cứ viết theo những chữ đã học với thầy Hoàng, mà như ta đã biết mỗi chữ nôm có nhiều cách viết khác nhau cũng như nhiều cách đọc khác nhau. Tôi viết chừng nào thì sinh viên bên dưới bàn tán xôn xao chừng ấy vì khác với cách dạy của thầy Văn. 

Thầy phải giải thích: Anh Tín viết đúng hết, 5 chữ khác với những gì tôi dạy là vì tôi dạy theo tự điển GéNIBREL còn anh Tín lại viết theo truyện Kiều (thật sự tôi chỉ theo thầy Hoàng chứ chẳng biết lấy ở đâu), còn 10 chữ mới là do anh nghiên cứu, tìm tòi thêm, chỉ có 5 chữ là giống của tôi. Sau đó thầy cho tôi 15/20 (một điểm số rất lớn) và khen ngợi tôi với các đồng nghiệp và học trò. Đúng là tôi gặp may, chứ tôi mà giỏi gì, so với anh bạn Huỳnh Châm thì thua xa.

Tinh thần giáo dục của thầy rất phóng khoáng, cởi mở! Trước sự thật rành rành là tôi thiếu chuyên cần, thế mà thầy vẫn khen ngợi, không bực tức, ghét bỏ. Thật đáng phục!

Và nhờ vậy, năm 1967, khi vào Sài Gòn để tìm cách học lên cao vì hồi đó Văn khoa Huế chỉ mở ngang cử nhân, tôi đã tìm đến nhà thầy ở đường Hoàng Diệu vùng Khánh Hội để nhờ thầy giới thiệu với thầy Nghiêm Toản đỡ đầu làm Tiếu luận cao học, thầy vui vẻ nhận lời và ân cần viết thư giới thiệu mà không hề đòi hỏi phong bì hay quà cáp gì, thầy Nghiêm Toản cũng vậy, tất cả đều làm theo đúng lương tâm và đạo đức nghề nghiệp. Nghề  giáo đúng là nghề thanh cao, trong sạch!

Phụ chú về thầy Nguyễn Hữu Văn:

Học giả Giản Chi (Nguyễn Hữu Văn) đã qua đời lúc 14h55 chiều 22/10/2005 tại tư gia số 171/3 lô H, chung cư Tái Thiết (đường Hoàng Diệu), quận 4, TP.HCM, hưởng thọ 102 tuổi. Cách đây hơn 10 ngày cụ không muốn ăn, chỉ uống sữa, bảo hơi mệt và đến chiều 22/10, cụ lặng lẽ vào cõi vĩnh hằng khi ngoài trời đang mưa.

Ngày 5/2, giới trí thức và một số nhà văn nhà báo đã đến mừng học giả Giản Chi (Nguyễn Hữu Văn) thượng thọ 100 tuổi tại nhà riêng của học giả số 171/3 lô H, chung cư Tái Thiết (đường Hoàng Diệu), quận 4, TP Hồ Chí Minh.

Niên khóa 65-66 này, tôi cũng đậu luôn cả 2 chứng chỉ ngay kỳ đầu. Thế là tôi đã hoàn thành cử nhân trong vòng 3 năm trong khi ở Sư phạm tôi còn phải học thêm một năm nữa mới tốt nghiệp (anh Trần Duy Phiên cũng giống như tôi), vì vậy năm cuối ở sư phạm tôi chỉ học các môn nghiệp vụ mà thôi, rất thong dong. Tôi chẳng ghi danh học thêm một chứng chỉ nào cả mà lang thang tham dự chỗ này một ít chỗ khác một ít. Tôi có học Anh văn với bà Huỳnh cùng với Bảo Cự nữa và cảm nhận được tâm tình của bạn.

**********

Bây giờ, đã gần 50 năm trôi qua, nhìn lại quãng thời gian 63-67, tôi nhận thấy:

  1) Sống trong thời ly loạn, sinh viên đều có ý thức xã hội rất cao, mọi người mong muốn làm một cái gì đó để đem lại thanh bình, hạnh phúc cho xứ sở, họ hạ bệ người này, ủng hộ người khác, xuống đường rồi đả đảo, hoan hô, có khi họ lại mơ mộng làm Tổng Thống để trổ tài kinh bang tế thế, loay hoay tìm kiếm một lối thoát trong hoàn cảnh bế tắc. Có người tìm được lý tưởng để noi theo, một số khác ôm mộng rồi vỡ mộng.

  2) Sinh viên tranh đấu không phải là những người học dốt, bất tài, trái lại có nhiều người rất giỏi. Khi tranh đấu họ là những người hăng say, nhưng lúc trở lại giảng đường, họ lại là những sinh viên xuất sắc.

  3) Các giáo sư Đại học là những người rất công tâm, không  biết nhận quà cáp, thương yêu sinh viên, lại có tấm lòng rộng mở (trường hợp Bảo Cự dám viết thư tỏ tình với cô giáo, vợ khoa trưởng, vậy mà họ vẫn chấm đậu cao). Còn tôi, thiếu chuyên cần nhưng trả lời trôi chảy, vẫn được thầy Văn khen ngợi, lại còn khám phá những ưu điểm mà tôi không nghĩ rằng mình có.

  4 )Trừ chứng chỉ Hán văn, chúng tôi phải học thuộc lòng, còn các chứng chỉ khác, giáo sư đều khuyến khích óc sáng tạo, không hoàn toàn lệ thuộc vào bài giảng của thầy. Bởi thế chúng tôi phải đọc sách ngoài thật nhiều rồi vận dụng vào bài làm mới mong có điểm cao. Vì thế, tình trạng học bài như vẹt rồi trả lại y nguyên không bao giờ xảy ra. Sinh viên nói chung đều ham đọc sách, ham nghiên cứu, đây là một ưu điểm trong việc giáo dục thời ấy. Chính vì lẽ đó nên mãi đến bây giờ, dù đã bước vào tuổi thất thập nhưng anh em chúng tôi vẫn chẳng ai chịu rời quyển sách, học, học nữa và học mãi.


Thẻ Sinh Viên Cao Học

5) Không khí học hành ở Đại học hồi đó, tôi thấy thật thanh cao, trong sạch và đẹp như mơ.


- Bảo Cự ở tù về đáng lẽ phải kiểm điểm, phê và tự phê, anh em chúng tôi nghi kỵ, xa lánh. Thế mà không chi cả, nhà trường, giáo sư, bạn bè vui vẻ đón chào xem như không chuyện gì xảy ra lại còn giúp đỡ tận tình (giảng giải và chép giúp các bài trong mấy tháng vắng mặt). Nhờ vậy nên Bảo Cự đỗ đầu ban và ưu tiên chọn nhiệm sở. Quan cảnh buổi lễ đó như sau: Đại diện của Viện và trường xuống tại lớp, công bố các trường trong cả nước có nhu cầu (khoảng 22 trường) sau đó các sinh viên tốt nghiệp (theo vị thứ cao thấp) lên chọn nhiệm sở. Bảo Cự là người lên đầu tiên. Anh em chúng tôi vui vẻ chúc mừng, không một chút ganh ghét, thắc mắc… (thiếu chuyên cần đến mấy tháng sao lại được đỗ cao, ưu tiên chọn nhiệm sở?) Khóa tôi (63-67) khi ấy có 12 người tốt nghiệp (đầu vào là 18, bị ở lại 5, chết 1 vào năm 1966) nhưng lại có đến 22 nhiệm sở để chọn.

- Thầy Đoàn Khoách (ở trong nhà thường gọi là anh Khoách vì anh là con bà dì họ đồng thời là bạn thân của anh trưởng tôi) rất thân với gia đình tôi. Vậy mà khi tôi thi vào Đại học sư phạm văn (bài thi không rọc phách và do thầy chấm) ba má tôi cũng như anh tôi không hề nói gì với thầy hết. Ngay cả khi tôi đậu thi viết và sắp vào vấn đáp, ba tôi vẫn lặng thinh để tôi một mình ứng thí. Rồi trong suốt 4 năm học, gia đình tôi vẫn không một lần nào đến nhà nhờ cậy. 

Điều này các bạn cùng lớp (Bảo Cự, Trần Duy Phiên…) thấy rõ. Không ai có thể nói thầy thiếu công bằng cả. Nên nhớ hồi ấy Sư phạm rất được ưa chuộng, thi tuyển rất gắt gao (đỗ chừng 20% là nhiều) vì vào đó được học bổng 1500/tháng (vàng 700/chỉ) ra trường được bổ dụng ngay làm giáo sư chánh ngạch (chỉ số 470 được 8000 đồng). Cũng nên biết thi Tú tài (tốt nghiệp phổ thông) thời đó vô cùng gay go. Tú tài bán đậu 20% và tú tài toàn cũng thế. Do đó 100 học sinh lớp đệ nhị thì chỉ có khoảng 20 học sinh có được tú tài toàn phần để bước vào đại học.

- Nk 66-67 vì đã đậu cử nhân rồi, khá rảnh rỗi nên tôi tìm tài liệu để chuần bị sang năm vào Saigon ghi danh Cao học. Chú họ tôi là thầy Trần Văn Tường (tuy không có bằng cấp nhưng rất giỏi về chữ Hán, dịch thơ và làm thơ rất hay, do đó sau này khoảng năm 69 được mời dạy Đại học) đã tận tình chỉ bảo, cho tôi nhiều tài liệu quí về Nguyễn Thượng Hiền và dạy tôi chữ Hán mà không lấy 1 đồng xu nào cả. Xin thắp một nén hương để tri ân tưởng nhớ.

- Vào Saigon, tìm đến nhà thầy Giản Chi Nguyễn Hữu Văn, chẳng phong bì thậm chí cũng chẳng một chút quà xứ Huế. Vậy mà thầy vẫn viết thư giới thiệu với thầy Nghiêm Toản đề đỡ đầu làm Tiểu luận.

Rồi thầy Nghiêm Toản cũng vậy, sau khi đã sát hạch khả năng của tôi như: Anh chọn đề tài gì?. Vì sao?. Anh đã thu thập được những tài liệu gì rồi?. Nghe trình bày xong (hơn 1 tiếng) thầy chấp nhận và hỏi tôi: anh thấy ở Nguyễn thượng Hiền có gì đặc biệt.

Thưa: qua Nam Chi tập và 1 số thơ chữ nôm, tôi thấy tuy là nhà cách mạng nhưng lại có khuynh hướng thoát tục. Thầy Nghiêm Toản vui vẻ đồng ý và bảo tôi đưa nhan đề. Thưa: Nguyễn Thượng Hiền; một nhà thơ hai khuynh hướng: cách mạng và thoát tục. Thầy chấp nhận và viết ít chữ xác nhận để tôi đưa xuống trường Văn khoa gặp Khoa trưởng (tiến sĩ Nguyễn Khắc Hoạch). Tiến sĩ sát hạch tôi thêm một lần nữa (độ nửa tiếng) và viết ít chữ bảo tôi ra văn phòng làm thủ tục (hồi đó học Cao học chỉ làm tiểu luận chứ không đến lớp). Tất cả 3 vị đều không được phong bì hay quà cáp gì cả. Xin chân thành cảm phục.
https://ssl.gstatic.com/ui/v1/icons/mail/images/cleardot.gif
  
Trên đây là vài nét phác họa sơ lược về quãng đời học hành của thế hệ chúng tôi cùng vài kỷ niệm thời trai trẻ, nếu có gì sai sót, xin các bạn đồng trang lứa bổ khuyết cho để lớp người sau được biết có một thời ông, cha họ đã sống như thế. Xin cám ơn!

Trần Công Tín

Đại Học Văn Khoa Saigon