Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2016

Tưởng Nhớ "Thầy Phan Văn Luận"

GIỚI THIỆU
NHHN được gia đình thầy Phan Văn Luận thông báo và mời tham dự lễ cầu siêu 49 ngày cho Thầy được siêu thoát lên cõi vĩnh hằng vào Chủ Nhật 01/5/2016 tại chùa Kim Quang Sacramento.
Để tưởng nhớ và hợp lời cầu nguyện cùng với gia đình, thầy cựu hiệu trưởng Nguyễn Đức Giang từ Đan Mạch gửi bài Tưởng Nhớ dưới đây. 
NHHN xin thay mặt cho toàn thể cựu giáo sư và cựu học sinh Nguyễn Huệ thắp nén nhang thơm trước di ảnh của thầy. Nguyện cầu hương linh thầy Phan Văn Luận sớm được tiêu diêu nơi Miền Cực Lạc.
Trân trọng,
NHHN



Ánh nắng buổi trưa cuối hè rạng rỡ nhưng chưa gay gắt lắm. Dưới những tàng cây phượng đỏ đang độ nở hoa, sĩ tử đã tụm năm tụm bảy hàn huyên, ngóng tin tức kết quả kỳ thi tú tài hai, Hội Đồng Giám Khảo (HĐGK) đặt tại trường Quốc Học ở Huế. Đó là chuyện nóng lòng của một số cô cậu "chuẩn tú tài". Thật sự, họ chẳng biết gì hơn trước khi bảng vàng đề danh được công bố và niêm yết. HĐGK kỳ thi tú tài hai năm 1963 đang tổng kết danh sách thí sinh trúng tuyển.

Tôi là một trong mấy thư ký của Hội Đồng đã đề nghị, và được ông chánh chủ khảo chấp thuận cho chạy vòng ngoài. Tôi tuy từ xa đến (từ trường Cường Để Qui Nhơn) nhưng Huế là quê của mình, thạo đường đi nước bước hơn những người khác. Nhiệm vụ của tôi là tháp tùng ông phó chủ khảo đi giao đề thi và gom bài thi ở các trung tâm rải rác khắp thành phố vào mỗi buổi sáng trong thời gian thi viết. Sau đó liên hệ với Ty Tài Chánh tỉnh để yêu cầu xác nhận ngày đến và ngày rời Huế,  giữ chỗ máy bay trở về cho HĐGK.

Tôi từ phòng hội đồng định đi đến Air VN, vừa ra đến sân trường thì bị một người đón lại chào hỏi lịch sự và nhờ tôi xem giúp kết quả một cách rất tự nhiên. Hơi ngạc nhiên, trước mặt tôi không phải là một thí sinh bình thường so với tuổi tác, cách ăn mặc và nói năng... Qua vài câu thăm dò ngắn ngủi tôi được biết anh ta có học lớp  đệ tứ ban đêm do Ban Phổ Thông Giáo Dục của học sinh Quốc Học sáng lập dưới thời thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Hai . Ban này trong niên khóa 1954-1955 do anh Nguyễn Kỳ, học sinh lớp đệ nhất phụ trách  với sự hợp tác của nhiều đồng môn ớ hai lớp đệ nhị và đệ nhất. Bốn lớp học bình dân từ đệ thất đến đệ tứ được mở  về đêm tại trường Quốc Học. Nam nữ học sinh hầu hết đều lớn tuổi hơn những ông thầy tạm bợ, giàu thiện chí hơn kiến thức và phương pháp dạy học. Anh Nguyễn Kỳ rời trường, đi Sài Gòn học đại học, tôi thay thế vai trò của anh. Tôi phụ trách dạy toán lớp đệ tứ. Rồi cũng đến lúc phải bỏ trường mà đi, trường Quốc Học và trường bình dân!

Có thể vì có cảm tình với một thí sinh đặc biệt đã đưa tôi về với những kỷ niệm của thời học trò và cũng vì ngạc nhiên, tò mò trước một thí sinh khác biệt nên tôi đã nhận lời. Anh ấy đậu tú tài hai ban C. Mừng cho cả hai người, tôi và anh ấy!

Tháng 12 năm 1963 tôi nhận nhiệm vụ mới ở trường Nguyễn Huệ Tuy Hòa. Trong lễ bàn giao giữa cựu và tân hiệu trưởng, tôi thấy trong hàng ngũ giáo sư một khuôn mặt già dặn, quen quen mà không nhớ là ai. Sau hỏi ra mới biết, đó là anh Phan Văn Luận, người thí sinh già mà tôi đã xem giùm kết quả thi tú tài ở Huế trước đây.

Quê tôi ở xã An Nông, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên, cách Huế 20km. Từ khi lập đường xe lửa Bắc Nam vào giữa thập niên 30 thế kỷ trước, những ông Tây thuộc địa lập ga xe lửa thấy tiếng Việt có dấu rắc rối quá nên đặt tên ga ở xã tôi độc một chữ "NONG". Và khách thập phương biết đến tên này hơn tên chính thức An Nông xã trong văn tự. 

Sau ba năm theo trường sơ học cấp xã, tôi thi đậu vào trường tiểu học An Lương Đông cấp huyện ở Truồi, cách nhà 8 km để học lớp nhì nhất niên niên khóa 1944-1945 (cours moyen 1). Đoạn đường 8km quả là quá vất vả đối với một cậu bé chín mười tuổi, nhất là vào mùa đông mưa dầm gió bấc, chân trần cuốc bộ đi học. Niên khóa kế tiếp, gia đình gởi tôi lên Huế ở nhà bà con để theo học lớp nhất niên khóa 1945-1946 trường Thế Dạ ở Vỹ Dạ. Kể từ niên khóa này, lớp nhì nhị niên (cours moyen 2) bãi bỏ theo chương trình Hoàng Xuân Hãn. Phương tiện di chuyển trên đoạn đường 20 km từ Huế về làng thời bấy giờ thông dụng nhất bằng hai cách, một là cuốc bộ hai là đi xe đò ông Nghẹt (chủ xe), chạy đường Huế - Cầu Hai ngang qua Nong. Có thể trong thời gian học ở Huế, tôi quen mặt anh lơ xe đò mà tôi nghĩ là thí sinh đã nhờ tôi xem kết quả kỳ thi tú tài hai năm 1963, anh Phan Văn Luận. 

Năm 1966 hay 1967 không nhớ rõ, tôi và anh Phan Văn Luận được chọn đi Mỹ du học. Anh Luận bấy giờ đã là giáo sư trung học đệ nhất cấp khế ước trường Trung Học Nguyễn Huệ, sau một niên khóa dạy giờ. Anh em chúng tôi vào Saigon thuê một phòng ở đường Phan Thanh Giản ở chung, hằng ngày đến Hội Việt Mỹ học bổ túc Anh Văn. Ba tháng sau, Bộ Giáo Dục gởi qua Bộ Quốc Phòng danh sách giáo chức được đề nghị đi du học. Tôi bị Bộ Quốc Phòng bác, yêu cầu Bộ Giáo Dục trả về nhiệm sở vì còn ở trong hạn tuổi động viên. Anh Phan Văn Luận đi Mỹ du học. Mấy năm sau về nước, nghe có bằng master, làm việc cho một cơ quan của Mỹ và phụ trách một số giờ Anh Văn ở Đại Học Huế.

Mùa hè năm 1972 được gọi là "Mùa Hè Đỏ Lửa". Việt cộng tấn công Quảng Trị. Dân Quảng Trị  tranh nhau chạy vào Huế với mọi phương tiện khả dĩ có thể sử dụng được. Tai nạn xảy ra trong cảnh chạy giặc hỗn loạn, Việt cộng pháo kích truy đuổi. Máu và nước mắt đã biến đoạn đường Quảng Trị - Huế thành "Đại Lộ Kinh Hoàng"!. Huế chưa bị trực tiếp đe dọa, nhưng không khí hãi hùng bao trùm thành phố. Người Huế cũng chạy, sợ cảnh Mậu Thân tái diễn.

Vì lý do an ninh, Nha Khảo Thí trình Bộ Giáo Dục xin dời Hội Đồng thi tú tài hai Huế cho thí sinh Thừa Thiên, Quảng Trị vào Đà Nẵng, và được chấp thuận. Quyết định này được thông báo cho chính quyền thị xã Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên. Chiến tranh không lan rộng, chỉ giới hạn  trong phạm vi Đồng Hà, miền Bắc tỉnh Quảng Trị. Tình hình ở Huế lắng dịu. Chính quyền sở tại đề nghị với Bộ Giáo Dục cho duy trì Hội Đồng Giám Thị kỳ thi tú tài ở Huế, xem như tình hình đã được ổn định.
Tôi vào Saigon công tác, gặp lúc ông giám đốc Nha Trung Học và giám đốc Nha Khảo Thí bàn về nhân sự cho các Hội Đồng Giám Thị toàn quốc. Thời đó bài thi được tập trung về chấm ở Saigon. Sẵn đó tôi được chỉ định làm chủ tịch Hội Đồng Giám Thị Kỳ thi tú tài hai ở Huế năm 1972.

Các đồng nghiệp trong Nam ngại ra Huế cũng phải. Buổi chiều trước ngày thi viết, hai quả đạn pháo rót vào thị xã Huế: May thay, không có thiệt hại nhân mạng và tài sản. Hai quả đạn pháo kích nổ dưới sông trước chùa Diệu Đế. Sáng hôm sau, trong giờ thi, lại có hai quả đạn pháo kích nổ ở hữu ngạn sông Hương, không xa trường Quốc Học mấy. Nghĩ rằng chạy hỗn lọan ra ngoài, tai bay đạn lạc biết đâu mà lường, tôi quyết định thông báo cho các trung tâm ngưng thi, giám thị bình tỉnh cho thí sinh nép dọc theo các bức tường bên trong phòng thi. Rốt cuộc chỉ có hai nữ thí sinh ở trung tâm Đồng Khánh bất tỉnh nhân sự, được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Hai thí sinh này không còn tinh thần tỉnh táo để tiếp tục kỳ thi sau đó mà tôi đã tự ý cho kéo dài thêm 30 phút.

Trong thời gian đó anh Phan Văn Luận đang làm việc tại Huế, đến mời tôi ăn cơm vào một buổi chiều. Y hẹn giờ giấc tôi đến nhà anh chị Luận. Ngồi nói chuyện với anh Luận và uống nước suông khá lâu. Nhìn quanh chẳng thấy dấu hiệu gì chứng tỏ nhà có mời khách ăn cơm, tôi hỏi: sao mời người ta ăn cơm mà đến giờ này còn lạnh tanh như rứa, chưa thấy gì cả ?. Người ta mời ông ngày mai, ông ạ! Anh Luận trả lời. Hai anh em cùng cười. Kể từ ngày ấy, hơn 40 năm sau chúng tôi mới lại gặp nhau tại Hội Ngộ Nguyễn Huệ ở Bắc Cali năm 2011. Mới đây tôi xao xuyến được tin anh Luận đã từ bỏ gia đình và bằng hữu vĩnh viễn ra đi!

Anh Luận ơi! Chúng ta là trai thời loạn, lao đao theo vận nước. Trầm trầy trầm trật tôi cũng đậu được tú ở tuổi 22, sau mười năm học trung học thay vì bày năm như nhiều bằng hữu khác. Nói chuyện với bạn bè, tôi kể mình như một người ở trần trèo lân cây vông đồng gai góc, và may thay cũng vin được một cành thấp. Nhưng không đáng chút nào so với anh. Anh đã trèo được lên đỉnh cao chót vót. Gọi anh là một lơ xe đò, không phải là hạ thấp anh mà chính vinh danh anh. Một anh lơ xe đò thất cơ lỡ vận, cày bừa với chữ nghĩa bên lề học đường, đậu tú tài năm 35 tuổi, rồi làm giáo sư dạy giờ tại một trường trung học, rồi xuất dương du học, rồi đậu tiến sĩ đệ tam cấp, rồi dạy đại học!

Ngạn ngữ Pháp có câu: "Aide toi, Dieu t´aidera" (Anh hãy tự giúp mình rồi Thượng Đế sẽ giúp anh). Nguyễn Du tiên sinh trong Truyện Kiều cũng đã nói "Xưa nay nhân định thắng thiên" cũng nhiều. Trên đường tiến thân anh đã phá vỡ cái khung định mệnh, san bằng mọi trở ngại với tâm lực và ý chí để vươn lên và vươn lên. Gian lao này không phải ai cũng có thể vượt qua. Cuộc đời của anh là một tấm gương sáng ngời cho nhiều thế hệ. Anh đã là học trò của tôi, đã là đồng nghiệp của tôi, nhưng trên trường đời anh xứng đáng là thầy của tôi. Vì lẽ đó mà tôi đã viết "thầy Phan Văn Luận" giữa hai ngoặc kép.

Nguyện sanh Tây Phương Tịnh Độ Trung,
Cửu Phẩm Liên Hoa vi phụ mẫu.
Hoa khai kiến Phật ngộ vô sinh.
Bất thồi Bồ Tát vi bạn lữ...

Nguyện cầu chư Phật chư Bồ Tát tiếp độ hương linh Phật tử Quảng Hòa Phan Văn Luận" sớm về Cõi Tịnh Độ.

Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Tự Đại Bi A Di Đà Phật.

Thành tâm nguyện cầu.

Nguyễn Đức Giang


Thầy Trò NH trước linh cửu thầy Phan Văn Luận


Thầy Nguyễn Đình Quỹ đại diện đồng nghiệp và CHS phân ưu

Đồng nghiệp và CHS Nguyễn Huệ Bắc California tham dự tang lễ 

Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

Nỗi Lòng ...

GIỚI THIỆU
Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy Cô, quý Đồng Môn và quý Thân Hữu
Bài viết của anh Lê Đức Luận với đôi lời tâm tình của tác giả: Gần ngày 30-4, tôi gởi đến Diễn Đàn NHHN bài "Nỗi Lòng ..." để cùng nhớ về một giai đoạn lịch sử đau thương của Dân Tộc.
Trân trọng Giới thiệu.
NHHN




Trước đây người ta thường bảo muốn có cái nhìn khách quan và trung thực trong một giai đoạn lịch sử cần phải đợi 50 năm sau. Bây giờ với phương tiện truyền thông tân tiến thời gian có ngắn hơn. Nhưng vì nhiều lý do như hoàn cảnh gia đình, xã hội, giáo dục, ý thức hệ, đảng phái ...v...v... và sự thiếu lương thiện nơi con người, nên nhiều sự kiện lịch sử đã khuất lấp, bị bóp méo, vê tròn theo định hướng làm cho các thế hệ sau này muốn tìm hiểu sự thật của lịch sử rất hoang mang ...
Bài này người viết chỉ nói lên nỗi ưu tư về những uẩn khúc trong lịch sử Việt Nam cận đại. Nhiều người đã yêu cầu “PHẢI TRẢ LẠI SỰ THẬT CHO LỊCH SỬ”. Nhưng ai là người có thẩm quyền và đủ uy tín để làm chuyện đó?
Người ta đã viết những sự việc xảy ra từ mắt thấy tai nghe, từ những nguồn tin được đăng tải trên báo chí, từ các phương tiện truyền thông (radio, tv), từ các cuộc phỏng vấn, từ những tin đồn, những giai thoại, hay từ những truyền thuyết mang tính huyền thoại ... Thậm chí từ suy đoán, cảm nghĩ, tưởng tượng theo nhu cầu tuyên truyền cho một định hướng, rồi in thành sách và gọi đó là “lịch sử”.
Có những nhà viết sử chân chính muốn ghi lại trung thực những sự kiện để người đời sau biết những biến cố đã xảy ra trong một giai đoạn nào đó, nhưng không ít người ghi lại lịch sử với những mưu đồ.  Đó chính là vấn đề gây ra những nghi vấn, ngộ nhận và làm mất niềm tin vào những trang sử trung thực ... nhất là lịch sử Việt Nam cận đại.
Cũng chính vì mưu đồ cho một mục đích nào đó mà con người đã chối bỏ đạo đức và lương tri, áp dụng sách lược “nói dối, nói dối, nói dối mãi người ta sẽ tin ...” Đó là một vấn nạn của lịch sử.
Không phải đợi đến khi quyển The Prince (Hoàng Tử) của Niccolo Macheavelli, xuất bản năm 1613 chỉ dẫn các nhà cầm quyền phải biết “nói dối, bưng bít đi kèm với bạo lực”; hay quyển Mein Kampf (Đời Tôi Chiến Đấu) xuất bản năm 1925 tại Đức, theo đó Hitler tẩy não con người, bắt con người phải phục tùng tuyệt đối và áp dụng sách lược "nói dối, nói dối mãi người ta sẽ tin"; còn Joseph Gobbels, bộ trưởng thông tin của Đức Quốc Xã bảo rằng: “Nhồi vào đầu chúng 60% chuyện thật, 40% giả dối, nhồi liên tục đến 1.000 lần, cái láo sẽ làm chúng tin là thật” mà từ  thời Xuân Thu bên Trung Quốc đã áp dụng chuyện “nói dối” cho những mưu đồ. Chuyện rằng: Mẹ Tăng Sâm đang ngồi quay tơ, thì bỗng một người chạy vào nói “Tăng Sâm giết người”. Bà không tin đứa con hiền lành của bà có thể giết người. Lúc sau, một người khác chạy vào bảo, “Tăng Sâm giết người”. Bà hơi giật mình bán tín, bán nghi. Nhưng đến lần thứ ba, một người nữa hớt hãi chạy vào báo, “Tăng Sâm giết người”. Lúc này bà mẹ sợ cuống cuồng, bỗng bật dậy và hốt hoảng chạy ra khỏi nhà ...
Trong những trang sử Việt Nam cận đại có nhiều điều không đúng sự thật -- Chuyện có viết thành không; chuyện không viết thành có; lộng giả thành chân --  Rồi người viết sau trích dẫn sách của người viết trước để cho tác phẩm của mình thêm giá trị vì “viết có sách mách có chứng”. Có ngờ đâu những ông “tiền bối” được người đời gọi là “sử gia” đã viết “bố láo” ... Chuyện anh hùng Lê Văn Tám đã in thành sách - quay thành phim; đã đặt tên đường - tên công viên ... Câu chuyện được viết ra do một GS sử học có tiếng tăm -- ông Trần Huy Liệu -- người từng giữ những chức vụ như trưởng ban nghiên cứu Văn-Sử-Địa, Chủ tịch Hội Khoa Học lịch Sử VN, Phó Chủ Nhiệm Ủy Ban Khoa Học Xã Hội kiêm Viện Trưởng Viện Sử Học của chính quyền Hà Nội, lại là "chuyện láo ". Điều này được ông Phan Huy Lê, GS sử học Đại Học Quốc Gia Hà Nội, từng giữ chức Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN của Miền Bắc cho biết là ông Trần Huy Liệu đã căn dặn – “Đến khi đất nước yên ổn, cần phải nói lên sự thật về câu chuyện Lê Văn Tám. Các anh là nhà sử học nên nói lại giùm tôi, khi tôi không còn ...”

Đây là điều được nói ra từ những sử gia có tên tuổi, tiếng tăm chứ không phải là phường “bá vơ”. Cũng như sau Năm 1975,Việt Cộng phao tin ông Nguyễn Văn Thiệu, cựu Tổng Thống VNCH, mang 16 tấn vàng trong ngân khố quốc gia VNCH ra nước ngoài làm của riêng và sống cuộc đời rất xa hoa, nhiều người đã tin như vậy ... Bây giờ thì ai cũng biết, đó là “chuyện không có thật”.

Cũng chính vì những mưu đồ chính trị, người ta đã áp dụng nhuần nhuyễn sách lược tuyên truyền dối trá, bưng bít kèm theo bạo lực đã  làm cho lòng người bấn loạn, hoài nghi và bơ vơ ... trong lúc giao thời. Cho nên thi sĩ  Vũ Hoàng Chương mới than: “Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ/ Một đôi người u uất nỗi trơ vơ”.

Ngày nay, Internet đã mang lại nguồn thông tin dồi dào, và không ai có thể bưng bít được nữa. Nhưng có một số người thiếu lương thiện đã lợi dụng sự “tự do của Internet” tung lên mạng những tin tức thiếu trung thực hay có dụng ý, khiến cho người đọc ít nhiều đã mất tin tưởng những tin tức trên mạng Internet.
Trong những năm gần đây người ta lại đi tìm sự trung thực của lịch sử qua các hồ sơ được giải mật. Trong các bài viết về lịch sử thường thấy tác giả ghi chú ngày, tháng giải mật và nơi lưu trữ  hồ sơ hay cho in bản sao hồ sơ đó ngay trên bài viết để bảo đảm giá trị của nguồn tin ...  Nhưng ai đã từng đến những thư viện như Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ chẳng hạn để tìm tài liệu cho một bài khảo cứu về lịch sử sẽ thấy một hồ sơ được giải mật không phải bạch hóa mọi vấn đề mà có khi “giải mật từng phần”, ngay cả trên trang giải mật cũng bôi đen vài dòng hay năm ba chữ. Thế là chuyện “bí mật” tưởng đã “bật mí “nào ngờ nó lại “bị mất” --Mất thời giờ, mất hứng thú,- mất cả niềm tin !!! -- Lại trở về với mấy anh chàng mù sờ voi ...
Nói thế thì chẳng tìm đâu ra cội nguồn đích thực của lịch sử. Đó là mối ưu tư và nỗi lòng bâng khuâng  của những người muốn đi tìm SỰ THỰC để trả lại cho LỊCH SỬ.
 Lịch sử Việt Nam trong giai đoạn từ 1945 đến 1975 có nhiều uẩn khúc và phức tạp. Nếu đọc lịch sử VN trong giai đoạn này mà không đối chiếu xuyên suốt; không có những nhận định khách quan, chỉ đếm xác người để luận thành bại thì chẳng khác nào như đọc một chuyện kiếm hiệp ...
Mấy ngày sau khi ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam đến Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn (7-7-2015), người viết ngồi nghe một già, một trẻ bàn luận về lịch sử và chính trị, xin ghi lại để chúng ta cùng suy ngẫm.



Người trẻ là con của một sĩ quan QL/ VNCH. Sau năm 1975 người cha bị đưa vào trại tập trung cải tạo. Anh ta được mẹ nuôi dưỡng và lớn lên, học hành dưới mái trường Xã Hội Chủ Nghĩa. Cách nay mười mấy năm, anh ta cùng gia đình theo cha sang Mỹ dưới diện HO, rồi tiếp tục học tập ở các trường đại học tại Hoa Kỳ - tốt nghiệp kỹ sư điện tử và đang có việc làm tốt tại đây ...
Còn người già là bạn “nối khố” của người viết. Ông không bị đưa vào các trại cải tạo hay nếm trải cái “thú đau thương” dưới chế độ mới, vì thời điểm 1975 ông ta đang tu nghiệp ở Hoa Kỳ. Ông thích đọc và nghiên cứu lịch sử ...
Chuyện bắt đầu bằng câu hỏi của người trẻ:
“Cháu thấy người cộng sản đã hy sinh và chịu quá nhiều gian khổ trong hai cuộc chiến tranh đánh Pháp và chống Mỹ mà tại sao họ cứ bị dân mình chống đối và nguyền rủa?”
Người già trả lời:
“Bởi vì hai cuộc chiến tranh ấy KHÔNG CẦN THIẾT và đã trở nên VÔ ÍCH mà còn làm cho dân ta tốn quá nhiều xương máu.”  
“Tại sao lại thế - Họ đã có công đem lại độc lập và thống nhất đất nước đấy chứ?” Lời người trẻ.
Ông già hỏi lại:
“Sau đệ nhị thế chiến, bọn thực dân đế quốc phương Tây lần luợt phải trao trả độc lập cho các xứ thuộc địa. Vậy theo hiểu biết của cháu thì Việt Nam được độc lập vào ngày nào và dân tộc mình có hưởng được một nền độc lập thực sự hay chưa?”
“Theo sự hiểu biết của cháu: 2 Tháng 9 Năm1945 là ngày Độc Lập của nước ta, nhưng “ Độc Lập dân tộc” còn rất mơ hồ ...” Người trẻ trả lời.
Người già chậm rải nói:
“Nhiều người đã hiểu như thế. Nhưng vào giai đoạn cuối của thế chiến thứ hai, ngày 9-3-1945 Nhật đảo chính Pháp và nắm chính quyền ở Đông Dương. Nhật trao trả độc lập cho Việt Nam ngày 11-3-1945. Vua Bảo Đại công bố hủy bỏ Hòa Ước Patenôtre ký với Pháp năm 1884 và đọc bản tuyên ngôn độc lập, đồng thời ủy nhiệm học giả Trần Trọng Kim thành lập chính phủ. Từ đó quốc hiệu Đế Quốc Việt Nam ra đời; quốc kỳ có nền vàng hình chữ nhật, giữa có hình quẻ ly màu đỏ thẫm; quốc ca là bài Đăng Đàn Cung; vẫn giữ Kinh Đô ở Huế.”  
Vậy  11-3-1945 là ngày Độc Lập đầu tiên của nước ta sau 61 năm bị người Pháp chính thức đặt nền đô hộ trên toàn cõi VN.
Rồi tình hình quân sự và chính trị thế giới có những biến chuyển quan trọng. Ngày 6 và ngày 9 tháng 8 năm1945, Hoa Kỳ đã ném hai quả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản. Nhật Hoàng phải tuyên bố đầu hàng các nước Đồng Minh. Chính phủ Trần Trọng Kim được Nhật bảo trợ lâm vào tình trạng khủng hoảng ...
Lợi dụng tình thế này, trong một cuộc biểu tình của dân chúng và công chức ở Hà Nội để ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim thì  các đảng viên cộng sản núp dưới danh nghĩa Mặt Trận Việt Minh do ông Hồ Chí Minh lãnh đạo đã dùng bạo lực biến cuộc biểu tình này thành cuộc cướp chính quyền từ tay chính phủ Trần Trọng Kim và buộc vua Bảo Đại thoái vị. Ngày 2-9-1945 ông Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên Ngôn Độc Lập tại vườn hoa Ba Đình-Hà Nội, tuyên bố thành lập Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa; ông Hồ Chí Minh lên làm Chủ tịch nước; quốc kỳ là cờ đỏ sao vàng; bài hát Tiến Quân Ca của Văn Cao được chọn làm quốc ca. Lấy Hà Nội làm Thủ Đô.
Tuyên ngôn Độc Lập lần thứ hai đem lại luồng sinh khí mới cho dân tộc. Lúc này khí thế của toàn dân trào dâng niềm hy vọng và phấn khởi. Một cơ hội thuận lợi để xây dựng nền Độc Lập tự chủ cho nước nhà dù thực dân Pháp, nhất là phe Charles  de Gaulle có âm mưu muốn tái lập chế độ thuộc địa ở Đông Dương cũng khó đảo ngược trào lưu của lịch sử. Nhưng bất hạnh cho dân tộc Việt Nam, vừa thoát ách đô hộ của thực dân Pháp không được bao lâu lại rơi vào cảnh chinh chiến điêu tàn !!! .
Nhiều người nghĩ rằng, nếu vua Bảo Đại không thoái vị và chính phủ Trần Trọng Kim còn tồn tại thì lịch sử Việt Nam đã đi vào một ngã rẽ khác, không có nhiều biến động tồi tệ như vậy(?) Và rồi Việt Nam cũng sẽ được Độc Lập như các nước Nam Dương, Miến Điện, Mã Lai, Phi Luật Tân mà không lâm vào cảnh chiến tranh.
Và rằng nếu ông Hồ Chí Minh không theo chủ trương độc tài, đảng trị và sắt máu của “khối Cộng Sản Đệ Tam Quốc Tế” để bành trướng chủ nghĩa cộng sản thì lịch sử VN cận đại không có những trang đầy máu và nước mắt như thế.  
Lịch sử VN đã không đi vào một trong hai chữ “NẾU” đó. Sau khi Việt Minh cướp được chính quyền, đảng Cộng Sản VN tìm đủ mọi cách triệt tiêu các đảng phái có khuynh hướng theo “Chủ Nghĩa Dân Tộc” để giành quyền lãnh đạo độc tôn. Ngay cả việc ký với chính phủ Pháp các Hiệp ước sơ bộ ngày 6-3-1946 và Tạm ước ngày 14-9-1946  rất bất lợi cho nền Độc lập của nước nhà, ông Hồ Chí Minh vẫn tiến hành để có thêm thời gian thanh toán nốt các thành phần không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản.  
Thời gian đó người ta sợ nhất hai tiếng “việt gian” -- Ai không ủng hộ Việt Minh là “việt gian”; cũng như sau năm 1975 người ta sợ hai tiếng “phản động” -- Ai không theo “cách mạng” là “phản động”... Bị gán vào người mấy chữ “việt gian-phản động”, sớm - muộn gì cũng bị loại trừ -- không bị thủ tiêu cũng bị tù đày ...
Đó là nguyên nhân gây nên phân hóa và hận thù giữa những người cùng chung huyết thống.
Các đảng phái theo khuynh hướng lấy “Quốc Gia Dân Tộc” làm gốc cùng những người không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản đã đứng chung một chiến tuyến, vừa đánh thực dân để giành độc lập vừa chống lại sự bành trướng của cộng sản.
Trong tình huống đó, các đoàn thể chính trị thành lập Mặt Trận Thống Nhất Quốc Gia Liên Hiệp (gồm Cao Đài, Hòa Hảo, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt Quốc Dân Đảng ...)  ủng hộ cựu hoàng Bảo Đại đàm phán với Pháp về nền độc lập của VN. Qua nhiều cuộc đàm phán, cuối cùng Tổng Thống Pháp Vincent Auriol và Cựu Hoàng Bảo Đại ký Hiệp Ước Elysée xác nhận nền độc lập của VN vào ngày 8-3-1949. Quốc Gia Việt Nam được thành lập, cựu hoàng Bảo Đại làm Quốc Trưởng; Quốc kỳ là cờ vàng ba sọc đỏ; Quốc ca là bản “Thanh Niên Hành Khúc” của Lưu Hữu Phước. Sài Gòn được chọn làm Thủ Đô.
Vậy sau năm 1945 nước Việt Nam có ba lần tuyên cáo Độc lập - Ngày 11-3-1945; Ngày 2-9-1945; Ngày 8-3-1949 - Nhưng không lâu sau đó, đất nước ta lại đi vào con đường lệ thuộc ngọai bang, và rồi đưa đến những cuộc chiến tranh  huynh đệ tương tàn. Đó là nỗi đau của dân tộc !!!  
Người già ngừng một chút rồi tiếp tục với giọng trầm buồn:
“Cháu nên nhớ trước năm 1945, nước ta có nhiều đảng phái, hoạt động song hành và cùng hướng về một mục đích là giành lại độc lập cho nước nhà chứ không chủ trương tiêu diệt lẫn nhau.
Từ khi hình thành nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, được Liên Xô, Trung Cộng và các nước cộng sản Đông Âu công nhận; rồi Quốc Gia Việt Nam ra đời, được 51 quốc gia trên toàn thế giới công nhận, Tổ quốc Việt Nam đã chia thành hai mảnh -- Một mảnh bị lấp dưới bóng cờ “búa liềm”, để tiến lên “Thế gìới đại đồng” -- Một mảnh che khuất dưới bóng “cờ hoa”, hướng về “Tự do Dân chủ”.
Cũng từ đây, những “xảo diệu” của ngôn từ chính trị được khai thác đến tột đỉnh để kích động lòng yêu nước, nào là:  “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” , hay “ Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho bạn, mà hỏi bạn đã làm gì cho Tổ quốc (lời của TT Kennedy)...”. Rồi các nhà lãnh đạo Đảng Cộng Sản tranh giữ “độc quyền yêu nước” -- Họ đã nhân danh vì “ Độc Lập - Tự Do” mà bắt hằng vạn...vạn người phải tuân theo, nếu không sẽ bị thủ tiêu, tù đày...
Sau chín năm kháng chiến gian khổ, ngày 20-7-1954, một hiệp định đình chiến được ký kết tại Genève (Geneva) trong sự giàn xếp và áp đặt đầy mưu đồ của các cường quốc với sự thỏa thuận của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Đây là một hiệp định đã gây nên thảm họa lâu dài cho dân tộc Việt Nam - Lãnh thổ bị phân chia - Gia đình bị ly tán --Tình tự dân tộc  tiêu tan -- và rồi cả hai miền Nam - Bắc đều mất nền tự chủ để cho các thế lực ngoại bang lợi dụng, tranh giành ảnh hưởng trên xương máu của đồng bào ta qua các cuộc chiến tranh tàn khốc sau này.
Nghe nói sau khi ký kết, phái đoàn của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do ông Phạm Văn Đồng hướng dẫn đã ôm nhau khóc ...Không hiểu họ khóc vì sung sướng hay vì tủi hận bởi Chu Ân Lai, Thủ tướng Trung Cộng thúc ép?... Còn Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ, đại diện cho chính phủ Quốc Gia Việt Nam đã không ký vào Hiêp Định và cũng ra bờ hồ Geneva (Thụy Sĩ) ngồi khóc ... Những giọt nước mắt này đã báo trước sự chẳng lành cho dân tộc VN.
Người trẻ ngắt lời:
“Nhưng theo Hiệp định Genève 1954 qui định chỉ hai năm sau sẽ tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất đất nước kia mà?”
Người già trầm ngâm nói tiếp:
“Tình hình chính trị Việt Nam và thế giới trong giai đoạn này rất phức tạp. Sử liệu rất nhiều, chú không trưng dẫn chi tiết từng trang sử, điều đó cháu có thể tìm đọc các nguồn tài liệu từ hai bên Quốc Gia và Việt Cộng và cả lịch sử thế giới với sự tỉnh táo và đối chiếu cháu sẽ hiểu lý do tại sao.  Ở đây chú chỉ nói lên  thân phận đau buồn của một dân tộc nhược tiểu.”
                    Sau đệ nhị thế chiến, thế giới phân thành hai cực: Thế giới “Tư Bản tự do”, đứng đẩu là Mỹ, Anh, Pháp, và “Cộng Sản chuyên chính”, đứng đầu là Nga, Tàu. Hai thế lực này ra sức tranh giành ảnh hưởng ở các nước chậm tiến hay đang phát triển, đồng thời họ thi nhau chạy đua vũ trang. Người ta gọi đây là"thời kỳ chiến tranh lạnh".
                     Nước Việt Nam ta nằm vào vị thế chiến lược quan trọng trong vùng Á Châu Thái Bình Dương. Khối cộng sản Nga Tàu muốn dùng Miền Bắc làm bàn đạp để “xích hóa” các nước trong vùng ĐNA, nên thúc đẩy Bắc Việt làm đội quân tiên phong dưới chiêu bài “Giải phóng dân tộc” để phản công Tây Phương... Còn phe Tư Bản quyết ngăn chặn làn sóng xâm lăng của cộng sản với học thuyết Domino. Miền Nam VN được xem như quân cờ đầu trong ván bài Domino. Nếu Miền Nam VN lọt vào tay cộng sản sẽ kéo theo sự sụp đổ ở các nước ĐNA. Thế là Miền Nam VN trở thành “Tiền đồn của Thế giới Tự do”. Học thuyết này được Mỹ áp dụng trong nhiều thập niên kể từ thời TT Dwright D. Eisenhower cho đến khi Mỹ bắt tay được với Trung Cộng.
                    Từ ngày anh “bộ đội Cụ Hồ” dùng súng của Nga Tàu đi đánh “anh lính Cộng Hòa” đang ôm súng Mỹ giữ vững “Tiền đồn của Thế giới Tự do”, một luồng  tư tưởng mới “thổi” vào cả hai miền Nam Bắc Việt Nam mà tiếng “thời thượng” gọi là “chiến tranh ý thức hệ”. Các nhà bình luận thời sự chính trị thi nhau “kháo” -- Các tay bồi bút thi nhau “khích”: Hãy xả thân vì nghĩa vụ Quốc Tế vô sản; hay, chúng ta có nghĩa vụ bảo vệ Tiền Đồn Thế giới Tự do. Trong khi nghĩa vụ thiết thân đối với DÂN TÔC ít khi được nhắc đến ...
                       Bất hạnh cho dân tộc Việt Nam là đã có những lãnh tụ “say men quyền lực”. Cho nên đã bị các cường quốc lợi dụng. Từ chiến tranh du kích đưa đến cuộc chiến tranh qui ước, biến quê hương ta thành nơi thử nghiệm vũ khí mới của hai phe Tư bản và Cộng sản, gây ra bao nhiêu thảm họa cho dân tộc VN ...
                    Nói đến đây chú nhớ lại lời của một ông cụ ở Quảng Ngãi khi chú đi làm công tác tuyên truyền - Giải thích Hiệp định Paris.
                  Ông cụ bảo: “Người dân chúng tôi khổ lắm, ban đêm các ông trên núi về bắt dân chúng tụ họp nghe đường lối của “cách mạng”, rồi bắt dân chúng đóng thuế để nuôi đoàn quân đi “giải phóng dân tộc và làm nghĩa vụ quốc tế vô sản”. Ban ngày thì ra đây nghe các ông nói chuyện chính trị “bàn tròn , bàn vuông ...”. Nếu như ngoài Bắc đừng nhận chiến cụ của Nga Tàu; Miền Nam không có Mỹ viện trợ vũ khí thì đất nước này đâu có tang hoang, người dân đâu có chịu cảnh lầm than, chết chóc... Không có vũ khí ngoại bang, các ông chóp bu có tranh giành quyền tước đi đến chỗ xô xát thì bất quá cũng u đầu, sứt trán chứ  đâu đến nỗi bi thảm như thế này ... Cần gì phải mang xác qua tận bên Tây, bên Tàu mà họp cho tốn kém, bảo mấy ổng về đây, về cái làng xa xôi hẻo lánh này cũng được, nghe dân làng nói chuyện phải trái để hòa giải với nhau... Lão già này cứ tưởng tượng nước Việt Nam mình giống như một gia đình có hai anh em, cha mẹ để lại một gia tài mà người nào cũng tham lam muốn hưởng trọn, sinh ra bất hòa, mấy ông hàng xóm thấy vậy xía vào gây thêm chia rẽ. Thế là anh em kiện cáo - đem ruộng , vườn bán cho ông hàng xóm, lấy tiền “cúng” cho mấy ông thầy kiện và quan tòa. Cuối cùng hai anh em đều te tua - trắng tay ...”  
Người trẻ  ngắt lời, đặt câu hỏi:
“Người dân bình thường còn hiểu được như vậy, chẳng lẽ những nhà lãnh đạo chính trị không thấy được hay sao?”
“Có đấy!”  Người già trả lời, rồi ông nói tiếp:
“Tết Nguyên Đán Năm 1963, “Cụ Hồ” đã nhờ Đại sứ Ấn Độ trong Ủy Ban Kiểm Soát Đình Chiến mang tặng “Cụ Ngô” hai cành đào với thiệp chúc Tết. Nhiều người suy luận rằng Cụ Ngô đã thấy trước chiến tranh sẽ đem đến tai họa cho dân tộc, nên không đồng ý cho quân tác chiến của Mỹ vào Miền Nam VN. Lòng yêu nước , thương dân chân thành của Cụ Ngô làm Cụ Hồ ngưỡng mộ -- tặng hai cành đào...Có người lại nghĩ đây là "mưu thâm" của Cụ Hồ chơi "hiểm" Cụ Ngô - làm cho chính phủ Mỹ nghi ngờ quyết tâm chống Cộng của Cụ Ngô (?) ... 
Sau đó Cụ Ngô bị Mỹ tìm cách lật đổ và sát hại. Vậy xem ra Cụ Ngô là chiến sĩ đầu tiên đã hy sinh cho sự nghiệp “chống Mỹ cứu nước”. Trong một chúc thư Cụ Hồ có ghi lời “thương tiếc”.  Cụ Hồ sống thêm mấy năm nữa và chết già nhờ vào lòng trung thành với Marx, với Mao.
Hai Cụ đã đi vào lịch sử Việt Nam cận đại với nhiều ảnh hưởng lớn. Bây giờ một Cụ nằm trong lăng tẩm nguy nga, một Cụ nằm dưới nấm mồ hiu quạnh, không biết Hai Cụ có nhìn thấy cảnh chinh chiến điêu linh trong mấy chục năm trường mà con dân đã gánh chịu và giờ đây  có nhìn về quê hương VN đang điêu đứng trước nạn xâm lược của giặc Tàu?
Nói đến đây ông bạn già tỏ vẻ u buồn quay sang hỏi tôi:
“Ông là người có nhiều “ân oán” với cộng sản, họ nhốt ông bảy, tám năm trong “trại cải tạo”, vậy ông cho biết cảm nghĩ thế nào về việc dân chúng mình cứ chống đối và nguyền rủa những người cộng sản, như cháu nó vừa đặt câu hỏi.”
“Tôi chẳng oán hận gì về việc bị tù đày cả -- Bên thắng hành hạ bên thua là chuyện thường tình ... Tôi chỉ hận là họ dùng mọi thủ đoạn để cướp chính quyền, chiếm Miền Nam, nhưng rồi không  đem lại hạnh phúc cho toàn dân và đã làm cho đất nước suy đồi ... Nhìn lân bang mà tủi hổ cho đất nước, cho dân tộc mình.”
Ông bạn già nổi nóng, mặt đỏ lên, gằn giọng hỏi tôi:
“Ông mà cũng dùng chữ “Bên thắng - Bên thua” à?. Những tiếng người ta “áp đặt” mà cứ dùng thành quen miệng rồi để thành “phản xạ”. Những ngày sau 75, rất thường nghe mấy tiếng “giải phóng”, “cách mạng”, “ngụy”... Dần dà những tiếng ấy ít thấy xuất hiện trên báo chí; dân chúng không còn dùng mấy tiếng đó để gọi người bên Quốc Gia hay Cộng Sản vì sự thực của lịch sử đã được phơi bày cho họ HIỂU và thực trạng xã hội đã cho họ THẤY...”
“Bây giờ thì đẻ ra chữ “Bên Thắng Cuộc”- Thắng “cái con mẹ gì” -- Ông vạch cho tôi thấy họ thắng ở chỗ nào? -- Tôi chỉ thấy từ chết đến bị thương thôi...Vậy mà có người dùng chữ ấy trong văn nói và cả trong văn viết, thế mới lạ ...”
Ông bạn già nổi cơn giận, nói năng  thoải mái và có thái độ hung hăng như hồi trẻ, còn đi học và hình như quên có thằng cháu trẻ ngồi bên cạnh. Tôi tìm cách hạ hỏa:
“Ý ông muốn nói đến quyển “Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức chứ gì? Ông đã đọc hết chưa?”
“Đọc hết rồi - Cũng ba cái chuyện “thâm cung bí sử”- những thủ đoạn  lừa đảo hay khôn vặt của các tay lãnh tụ cộng sản - đúng sai thời gian sẽ trả lời. “Bố láo” là cái tên sách”.
Tôi thêm vào cho vui câu chuyện:
“Thì ông hay thích đọc những chuyện “thâm cung bí sử”. Nhớ cái thời trọ học ở Nha Trang, ông nhịn gói xôi điểm tâm buổi sáng để mua mấy tờ báo kể chuyện “ Đệ Nhất Phu Nhân”; có khi ông đọc say sưa quên cả học bài thi ...Tôi nhớ năm đó ông “đội sổ”. Bây giờ y viết ra những điều ít ai biết, thế là gãi đúng chỗ ngứa của ông rồi ...?”
“Y đọc lịch sử chưa “tới”, nên mới đặt tên sách “ bố láo “ như vậy, nhưng “bực” là nhiều người đã dùng chữ này của y mà không suy xét và còn gán thêm chữ “Bên thua cuộc”cho đối nhau”.
Nói đến đây ông già đẩy sang tôi xấp giấy photo copy, rồi tiếp:
“Ông đọc sẽ thấy “ai thắng ai “, “ai giải phóng ai” - Ai là “Bên thắng cuộc”.
Tôi liền bán cái:
“Ông đã đọc rồi thì giải thích cho mọi người nghe luôn.”
Ông già được thể, đổi thế ngồi, chiêu ngụm nước, vào đề:


“Ngày 30-4-1975, các anh “bộ đội Cụ Hồ” lái xe tăng ủi sập  cổng Dinh Độc Lập , cắm cờ MTGPMN trên nóc dinh “TT ngụy” thì ở Hoa Thịnh Đốn, Kissinger đã nhảy cửng lên, vươn hai tay hình chữ V, thét lớn : “chúng ta thắng rồi”... Thắng vì “xù” được 3 tỷ 2 tiền bồi thường chiến tranh. Nhưng đây mới chỉ là “Màn Thứ Nhất”; Màn kế tiếp là “mười năm cấm vận” làm cho Việt cộng “hụt hơi”...phải cầu cạnh Mỹ thì ai cũng thấy. Rồi Mỹ ra tay nghĩa hiệp cho VN vào WTO (World Trade Organization), TPP (Trans-Pacific Partnership), tình hữu nghị của hai nước Việt-Mỹ trở nên “thắm thiết” ...”Thắm thiết” không phải vì “núi liền núi - sông liền sông” hay “môi hở răng lạnh” mà vì cái biển Thái Bình ...Rồi nay mai “chúng nó” đánh nhau họ lại hô hào dân ta hãy “Vượt Trùng Dương đi cứu Biển” như trước đây đã kêu gọi thanh niên Miền Bắc “Vượt Trường Sơn đi cứu nước”.
Gần hai mươi năm quyết đánh cho “Mỹ cút, Ngụy nhào”, bao nhiêu sinh mạng đã bị vùi dập trên rừng Trường Sơn hay trong các làng mạc, phố phường Miền Nam, nay lại mời Mỹ trở lại,  Thế là "công cốc"- Giã tràng xe cát biển đông - Vậy không nói là “Vô Ích” thì dùng tiếng gì đây?”
Từ ngày Kissinger giả đò “đau bụng”(8-7-1971), trốn đám ký giả ở Pakistan, bí mật bay sang Bắc Kinh gặp Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai. Ngày 28-2-1972, Thông cáo chung  Thượng Hải giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ra đời, số phận Việt Nam đã được định đoạt ..
Nhưng không phải đợi đến năm 1972, mà trước đó “sư phụ” của Mỹ, tướng độc nhãn Moshe Dayan, Bộ trưởng quốc phòng Do Thái đã đến Việt Nam xem xét tình hình, rồi khuyến cáo - “Muốn thắng cộng sản, phải để cộng sản thắng trước trong cuộc chiến tranh này”. Sau này “đệ tử” Kissinger có lẽ nghe theo lời khuyến cáo đó, đã bằng đủ mọi thủ đoạn triệt tiêu VNCH.
Lẽ ra từ 1968 trở đi không cần phải mất hằng triệu sinh linh như đã xảy ra, nhưng các người lãnh đạo Mìền Bắc vẫn tiếp tục đưa cán bộ, bộ đội “đi B” (vào chiến trường Miền Nam) để rồi một số vĩnh viễn không trở lại với ánh sáng mặt trời ...Còn Miền Nam phải chống trả nhiều cuộc tấn công  -- Tết Mậu Thân , Quảng Trị, Bình Long-An Lộc ... Nghĩ  lại, người VN nào mà không thấy xót xa về Tết Mậu Thân, cho một Đại Lộ Kinh Hoàng, cho Mùa Hè Đỏ Lửa  (theo tiếng của Phan Nhật  Nam) và những trận “mưa bom” trên đất Bắc.
Nếu như những người lãnh đạo hồi đó sáng suốt thì máu của con dân VN đã không đổ ra cho một cuộc chiến tranh “KHÔNG CẦN THIẾT” như  vậy ...

Ông già chỉ vào xấp giấy copy bảo tôi:
“Ông đọc các hồ sơ này sẽ thấy dã tâm của  cường quốc và thân phận người dân xứ nhược tiểu... -- Trong cuộc chiến hai mươi năm, cả hai Miền Nam - Bắc nhận súng đạn của chúng (các cường quốc) đánh nhau đến “trời long đất lở”... Đến khi chúng chán cái màn “tọa sơn quan hổ đấu” -- Chúng quay sang thương lượng, mặc cả trên xương máu và sự đau khổ của dân tộc mình”.
Ông già với giọng đầy phẩn uất, tiếp tục nói:
“Ông xem Chu Ân Lai và Kissinger đã bàn thảo, định đoạt số phận của Việt Nam như thế nào -- Khi Hoa kỳ và Trung Cộng bắt tay nhau việc đầu tiên là giải quyết chiến tranh Việt Nam trên căn bản “Hai bên đều có lợi” -- Phía Hoa Kỳ có nhu cầu rút quân trong “danh dự”. Thế nào gọi là “rút quân trong danh dự”? - là “phải có thời gian vừa đủ”(decent interval) sau khi Mỹ rút quân, nghĩa là phải để Miền Nam sống còn một thời gian. Trung Quốc phải kềm chế Hà Nội, không để cho Hà Nội tiến hành cuộc xâm lăng Miến Nam sớm hơn dự định. Cho nên Chu Ân Lai đã đề nghị với Lê Duẫn thôi nhận viện trợ của Liên Xô, Trung Quốc sẽ “viện trợ trọn gói”, nhưng kinh nghiệm đau thương của hiệp định Genève, Lê Duẫn không theo lời “bảo” của Chu Ân Lai vẫn tiếp tục nhận viện trợ của Nga. Còn nhu cầu của phía Trung Quốc là được làm chủ tình hình ở VN, Hoa kỳ không được can thiệp vào. Hai bên cam kết “nước sông không phạm nước giếng” (nói theo kiểu chuyện kiếm hiệp của Kim Dung)”.
Họ (HK và TQ) đã giữ lời hứa, cho nên khi B-52 Mỹ dội bom xuống Hà Nội và Hải Phòng từ ngày 18-12-1972 đến 29-12- 1972 -- Mỹ gọi là chiến dịch Linerbacker II (Linerbacker I, thực hiện hồi tháng 5-1972 để xem khả năng phòng không của Bắc Việt) để cảnh cáo Lê Đức Thọ, trưởng phái đoàn Hòa đàm Ba Lê “cái tật vừa đánh vừa đàm”, bỏ hội nghị (15-12-1972) về Hà Nội không hẹn ngày trở lại, làm cuộc hòa đàm bế tắc. Mười hai ngày đêm oanh tạc đã gây thiệt nặng nề cho Bắc Việt (thật ra chỉ có 11 ngày, vì Mỹ ngừng dội bom ngày Giáng Sinh), vậy mà “đàn anh” Trung quốc quên cái “Nghĩa vụ quốc tế”, chẳng có hành động cụ thể nào để cứu “đàn em” đang te tua ...”



Và sau này Hoa kỳ đã “đáp lễ” trong vụ “Hải chiến Hoàng Sa”. Họ đã làm ngơ, quên đi những “cam kết với đồng minh”, để cho tàu Hải quân VNCH đơn phương đánh lại tàu Trung Quốc mạnh hơn rất nhiều, đang tiến chiếm đảo Hoàng Sa của Việt Nam, trong khi Hạm Đội 7 của Mỹ đang hoạt động bao vùng ở gần đó. Như vậy là “nước sông không phạm nước giếng” -- Mỹ để cho Trung Cộng tự do hành động.
Đọc mấy trang hồi ký của Khrusov, cựu Tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô, mới thấy cái “đểu”của các cường quốc đối với các nước “nhược tiểu chư hầu”. Y nói: Nếu như Nixon tiếp tục oanh tạc vài ngày nữa, Mỹ sẽ làm chủ bầu trời Miền Bắc, vì không còn hỏa tiễn SAM để hạ máy bay B-52, Hà Nội sẽ đầu hàng. Nhưng Nga cũng khuyến cáo Mỹ chớ đi quá xa, hành động “vừa đủ” để khuất phục Hà Nội thì Nga sẽ không gởi thêm hỏa tiễn SAM và sẽ giúp Mỹ giải quyết chiến tranh VN. Mỹ đã hành động “vừa đủ”- Ngưng ném bom - Lê Đức Thọ đã trở lại Paris ký kết Hiệp định theo điều kiện của Mỹ về vấn đề tù binh ... Y còn tiết lộ thêm, Nga cũng chỉ viện trợ cho Bắc Việt “vừa đủ” để chống lại các vũ khí tối tân của Mỹ. 
Báo chí Hà Nội loan tải rằng đã thắng Mỹ trong trận chiến “Điện Biên Phủ Trên Không”. Xem ra thì chẳng khác nào mấy anh chàng ngồi đáy giếng xem “chúng nó” chơi trò “điện tử” trên không. Vì khi phóng các hỏa tiễn SA-4, SA-5 lên máy bay B-52 đều có chuyên viên Nga cố vấn kỹ thuật ...chứ “o du kích” mò mẫm khẩu súng ba càng “bóp cò” vài cái thì làm sao đạn tới được B-52...?.
Bây giờ ông già có vẻ bình tỉnh hơn, chua chát nói:
“Bên nhận được viện trợ cũng chết - Bên không nhận được cũng chết... Cả dân tộc ta đều chết !!!”
“Đấy cháu xem, anh “lính Cộng Hòa”, trong đó có ba cháu,  bao nhiêu năm ôm súng của Mỹ, bảo vệ “tiền đồn” cho Thế giới Tự Do. Đến khi Mỹ bắt tay được với Trung cộng  -- bàn cờ chính trị thế giới được sắp lại, vai trò anh lính cộng hòa không còn cần thiết nên không nhận được viện trợ. Bấy giờ anh chỉ mong “đủ đạn”... để bảo vệ mảnh đất quê hương, không để Miền Bắc tràn vào. Nhưng nào có được, anh bàng hoàng theo lịnh “buông súng đầu hàng...”
Còn anh “Bộ đội Cụ Hồ”, nhận được viện trợ dồi dào từ phía Nga Tàu- Súng đạn ê hề tha hồ mà bắn - bắn vào anh lính Cộng Hòa, bắn vào thành phố, tấn công vũ bão, khói lửa tơi bời  ... Nhưng “Anh Ba” (Ba Tàu) ghi sổ từng viên đạn, từng bánh lương khô v...v...Chiếm xong Miền Nam “Anh Ba” bắt đầu tính sổ đòi nợ; không trả nổi “Anh Ba” lấy đất, tước đảo, giành biển và bắt buộc theo những điều kiện Anh Ba đề ra...Kèn cựa - cự nự. Anh Ba “Dạy cho một bài học” (chiến tranh biên giới Hoa Việt 1979).
 Cái hệ lụy của 2 cuộc chiến tranh kéo dài đến nay vẫn chưa dứt, bởi vì chính phủ Hà Nội lệ thuộc và vay mượn quá nhiều vào Bắc Kinh trong 2 cuộc chiến tranh đó. Lê Duẫn, tổng bí thư đảng cộng sản VN đã từng tuyên bố:  “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô và Trung Quốc”.
Người trẻ trầm ngâm rồi phát biểu:
“Vậy “mất” nhiều mà “được” chẳng bao nhiêu?”
“Ừ!  Được “một” mà mất “mười” -- Đảng cộng sản giành được quyền thống trị -- một số đảng viên được hưởng lợi - trở nên giàu có ... Còn Nước thì mất đất, mất đảo, mất biển; Dân thì mất tự do dân chủ...”
Khi tàn cuộc chiến “anh lính Cộng Hòa” te tua trong các trại tù “cải tạo” hay lưu lạc nơi đất khách quê người ... Còn “anh bộ đội Cụ Hồ” sau khi “giải phóng” Miền Nam được thân nhân di cư vào Nam từ năm 1954 tặng cho cái “đổng”, cái “đài”, rồi cũng trở về với ruộng đồng lam lũ ... Ở thành phố Sài gòn, người ta thấy bên này đường anh thương binh bộ đội Cụ Hồ bày “đồ nghề” ngồi vá lốp xe đạp - Bên kia đường anh thương binh lính Cộng Hòa vêu vao ngồi đợi khách sau “tủ” bán thuốc lá lẻ. Ở Hà Nội, có những “anh hùng Điện Biên” ngày nào, bây gìờ tất tả đạp xe từ ngoại thành, đèo theo những bó rau muống vào bán cho khách ở chợ Đồng Xuân. Càng nói càng thấy đau lòng ...
Cho nên chớ có cường điệu “Bên thắng-Bên thua” trong cuộc chiến Quốc- Cộng vừa qua. Đây là cuộc chiến tranh “ủy nhiệm” do các cường quốc “áp đặt” thông qua những những người lãnh đạo VN “say men quyền lực” làm cho đất nước ta tang hoang, dân tộc ta điêu đứng ...


Phải “thấy” trong mấy mươi năm qua Dân tộc Việt Nam đã “THUA TO” trong “canh bạc chính trị thế giới”.
Phải "nói"  Hoa Kỳ và Trung Quốc đã “THẮNG” trong cuộc chiến tranh này. Chúng ta -- cả hai Miền Nam -- Bắc đều “THUA”. Phải xóa bỏ cái “ảo tưởng chiến thắng” và cái “mặc cảm chiến bại” mà cùng nhau xây dựng lại quê hương để mong theo kịp với các lân bang ...
Chớ “cường điệu” mà tạo nên sự “hãnh tiến vô lối”. Nó chỉ khơi thêm “niềm đau dân tộc”...
Nên “hiểu” đảng phái từ dân tộc mà ra - Đảng phái có thể đổi thay-không tồn tại. Nhưng Dân tộc sẽ trường tồn. Cho nên phải đặt quyền lợi Dân Tộc lên trên hết thảy ...
Đừng mơ tưởng “một thế giới đại đồng” hay tin tưởng vào những cam kết của “đồng minh”... Không một Quốc gia Dân tộc nào cống hiến quyền lợi của mình cho một xứ sở khác mà không có đìều kiện.
“Bác ái và tình thương” chỉ tìm thấy nơi tôn giáo. Chớ có đi tìm nó trong chính trị ... Cho nên nuôi dưỡng ý chí “tự lực-tự cường”; giữ gìn thể thống Quốc Gia và tự ái Dân Tộc để khỏi hổ thẹn với tiền nhân và không để lại tủi nhục cho con cháu ...
Phải thấy những khuyết điểm, sai lầm của người đi trước để rút kinh nghiệm mà điều chỉnh hành động ở đời này và khuyên bảo những thế hệ mai sau ....
Người xưa đã nói: “Người thầy thuốc sai lầm giết chết một bệnh nhân; người làm chính trị sai lầm hủy diệt một dân tộc; người làm văn hóa tư tưởng sai lầm sẽ thui chột một vài thế hệ”.
Buổi chiều mùa Thu, ngồi nghe một già, một trẻ bàn chuyện chính sự, tôi thấy lòng buồn rười rượi ... Nhìn những chiếc lá vàng lìa cành và biết nó sẽ trải qua mùa đông băng gíá rồi sẽ tan vào lòng đất...  Mùa Xuân đến cũng từ nơi lá rụng sẽ nẩy chồi, thay lá mượt mà hơn. Bỗng dưng tôi liên tưởng đến những biến chuyển chính trị của nước nhà ...Thế hệ già nua, giáo điều nên ra đi để thế hệ trẻ viết nên những trang sử vẻ vang cho dân tộc Việt.
Tôi tin tưởng và hy vọng rồi sẽ như thế ...
Lê Đức Luận

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2016

Nhà Khoa Học Nữ Gốc Việt

GIỚI THIỆU
Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy Cô, quý Đồng Môn và quý Thân Hữu
bài Nữ Khoa Học Gia NGUYỄN THỤC QUYÊN, tác giả Phạm Hương, do chị Lê Ngọc Chi chia sẻ.
Xin chân thành cám ơn đồng môn Lê Ngọc Chi rất nhiều.
Trân trọng giới thiệu.
NHHN

 Nhà khoa học nữ gốc Việt NGUYỄN THỤC QUYÊN
trong top ảnh hưởng nhất thế giới

Tuổi thơ theo mẹ đi khắp nơi để kiếm sống, sang Mỹ thì bị bạn bè chê cười vì không biết tiếng Anh, nhưng Nguyễn Thục Quyên đã vượt qua tất cả và trở thành một trong những nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới.

Giáo sư Nguyễn Thục Quyên sinh ra ở Buôn Ma Thuật (Đắk Lắk) trong một gia đình thượng lưu gồm 5 anh chị em. Sau năm 1975, cha đi cải tạo, mẹ chị - một cô giáo dạy toán cấp 2, dẫn dắt đàn con đến các vùng kinh tế mới như Phước Lâm, Long Điền, Đất Đỏ, Phước Tỉnh và Vũng Tàu để sinh nhai.

Lúc 5-6 tuổi, cô bé Quyên phải phụ giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa, kiếm củi nấu cơm, đào khoai, câu cá, gánh nước... Cuộc sống cơm áo, gạo tiền cứ đeo bám cho đến năm 1986 khi gia đình mở tiệm phở ở Bến Đá - Vũng Tàu, Quyên mới được đi học ở trường Trung học Trần Nguyên Hãn.


Giáo sư Nguyễn Thục Quyên

Nhọc nhằn nơi xứ người

Tháng 7/1991, chị cùng bố mẹ và 5 anh chị đến Mỹ định cư. Hai năm đầu, các anh chị em của chị Quyên cứ đòi về Việt Nam vì không biết tiếng Anh và phong tục tập quán Mỹ. Nhưng chị thấy ổn vì được làm điều mình thích mà không sợ người khác dị nghị.

"Khi còn ở Việt Nam, gia đình đã vất vả rồi, nên khi sang Mỹ tôi phải cố gắng hơn rất nhiều để có được cuộc sống tốt hơn", chị Quyên chia sẻ. Để tự khẳng định bản thân nơi đất khách quê người, chị đã quyết tâm học tiếng Anh thật nhanh bằng cách đăng ký ở ba trường trung học tại ba thành phố. Ở Mỹ, tiếng Anh được học miễn phí.

Vất vả với bao tủi nhục khi bị nhiều người coi thường càng khiến chị có thêm động lực vươn lên. "Có giáo viên chế nhạo tôi trước cả lớp vì khả năng nói tiếng Anh kém. Một ông người Mỹ còn nói thẳng với tôi hãy về nước của cô đi", chị nhớ lại và cho biết ở Mỹ vẫn còn một số người phân biệt kỳ thị như vậy. "Thậm chí có đồng nghiệp lúc ở trường không bao giờ nói chuyện với tôi mặc dù tôi đã cố gắng để nói chuyện với anh ta vài lần", nữ giáo sư nói.

Tháng 9/1993, người cô họ cho chị ở cùng nhà, nhưng chị phải dọn dẹp, nấu nướng, đi chợ và chạy việc vặt cho cô. Thời gian này, chị xin học ở Đại học Santa Monica nhưng không được nhận vì tiếng Anh kém. Chị đã năn nỉ nhà trường cho học thử một kỳ và hứa nếu không học được sẽ trở về trường trung học để học thêm tiếng Anh. Ban ngày đi học, ban đêm chị tìm lớp học thêm ở trung tâm dạy tiếng Anh miễn phí. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, cuối cùng chị cũng được nhận vào học.

Thấy bố mẹ vất vả làm trong nhà hàng và ở hãng may, chị không cho phép bản thân thất bại mà cố gắng gấp đôi, gấp ba so với những bạn cùng trang lứa. Để có tiền học, chị xin làm thêm trong thư viện trường từ 17h đến 22h mỗi ngày, nhưng vẫn không đủ nên phải vay thêm tiền của Chính phủ.

Tháng 9/1995, chị xin chuyển lên Đại học Califonia, Los Angeles và làm thêm trong phòng thí nghiệm với công việc rửa dụng cụ. Chị xin làm nghiên cứu nhưng không có phòng thí nghiệm nào nhận. Sau khi tốt nghiệp bằng đại học Hóa năm 1997, chị nộp đơn học cao học. Chỉ trong một năm chị đã có bằng thạc sĩ ngành Lý - Hóa và quyết định học tiếp tiến sĩ. Thật bất ngờ, cuối năm của chương trình này chị là một 7 nghiên cứu sinh xuất sắc của Đại học Califonia, Los Angeles được trao học bổng.

Tháng 6/2001, chị nhận bằng tiến sĩ và ra trường trước cả những sinh viên chị từng rửa dụng cụ thí nghiệm cho họ trước đây. Ra trường chị đạt giải thưởng xuất sắc ngành Lý - Hóa. Tháng 9/2001, được giải thưởng của liên bang đi tu nghiệp ở phòng thí nghiệm quốc gia nhưng chị từ chối và đến làm ở Đại học Columbia, New York.

Ba năm sau chị bắt đầu làm việc ở Đại học California, Santa Barbara và mất hơn hai năm xây dựng hai phòng thí nghiệm riêng. Sau 11 năm, chị đã có 7 phòng thí nghiệm riêng cho nhóm nghiên cứu. Chị còn xin hơn 10 triệu USD cho những dự án nghiên cứu, được mời tới hơn 200 địa điểm trên thế giới để thuyết trình cũng như nhận nhiều giải thưởng lớn cho công trình nghiên cứu.

"Bạn bè tôi ở Việt Nam vẫn thường bảo hồi ở quê học dốt thế mà sao qua Mỹ học giỏi ghê thế. Tôi trả lời rằng ngày xưa làm gì có thời gian để học vì còn phải phụ giúp gia đình", vị giáo sư nói.

Pin năng lượng mặt trời làm từ chất nhựa dẫn điện

Những vất vả của phụ nữ khi làm khoa học 

Giáo sư Quyên tâm sự, có được ngày hôm nay là nhờ sự dìu dắt của mẹ và người cậu ruột khi hướng cho chị đi theo con đường tốt nhất có thể. Trong khi bố cho rằng, con gái thì nên lấy chồng, không cần học, thì mẹ ngược lại. Chị còn nhớ ngày học xong lớp 12, chị đã xác định sẽ ở nhà và tính chuyện lấy chồng, nhưng mẹ vẫn đưa chị lên Sài Gòn để thi đại học. "Mẹ đưa tôi lên Sài Gòn ở nhà bà ngoại để thi đại học, nhưng tôi không muốn. Lớn lên và học ở trường làng tôi thấy ở tuổi 18 người ta đã lấy chồng và có con rồi", chị nói.

Người cậu đã gọi chị đến nói chuyện hơn hai giờ, với mục đích khuyên chị đi thi và cố gắng vào đại học. "Tại sao có cơ hội như vậy mà cháu lại từ chối. Học đại học sau này cháu sẽ có công ăn việc làm ổn định, có sự nghiệp, nếu lấy được người tốt thì không sao...", chị kể lại lời ông cậu.

Lớn lên, người chị hâm mộ đó là bà Marie Curie, bởi thời đó khoa học gia là nữ rất ít. Bà chính là tấm gương vượt khó để chị tiếp tục cố gắng cho nghiên cứu khoa học.

Hơn 11 năm làm việc ở Đại học California, Santa Barbara, chị làm khoảng thời gian 15 tiếng mỗi ngày. Bên cạnh việc giảng dạy, chị còn làm nhiều công việc khác như biên tập báo khoa học, tổ chức hội nghị khoa học quốc tế, xin tiền dự án nghiên cứu trả lương, học phí, và bảo hiểm y tế cho sinh viên (mỗi nghiên cứu sinh tốn khoảng 100.000 đôla mỗi năm), hướng dẫn sinh viên làm nghiên cứu, giúp sinh viên viết bài đăng báo, làm trong ban xét lên lương và lên chức cho tất cả giáo sư trong trường, ban tuyển dụng giáo sư...

Chị chia sẻ, làm khoa học đã khó nhưng phụ nữ trong lĩnh vực này càng vất vả hơn, bởi ngoài sự nghiệp, họ còn phải lo cho gia đình. Ngay bản thân chị, dù đã cố gắng rất nhiều nhưng đôi khi vẫn không nhận được sự tôn trọng của đồng nghiệp nam giới. "Cũng may tôi có người chồng tâm lý và thông cảm, anh dạy hóa hữu cơ cùng trường, luôn hỗ trợ nên tôi có thêm động lực để giảng dạy và nghiên cứu", nữ giáo sư nói.

"Phần đông mọi người nghĩ con gái thì nên lo cho chồng con, dọn dẹp nhà cửa và không nên có sự nghiệp riêng. Tôi muốn cho những người phụ nữ khác biết là họ có thể làm cả hai. Tôi muốn làm những điều hữu ích cho xã hội", chị nói.

Chị vẫn còn nhớ như in thời điểm bắt đầu vào học trong trường. Lúc đó chị xin vào phòng thí nghiệm nhưng không được vì nhiều người nghĩ chị không thể làm được điều gì và khuyên rằng “nghiên cứu không dễ dàng và không phải ai cũng làm được. Bạn nên tập trung để học tiếng Anh đi”. Mãi sau này, có vị giáo sư thấy chị có những câu hỏi hay trong lớp nên khuyến khích theo đường nghiên cứu. Biết được tin này chị rất vui vì từ bé đã thích tìm tòi những điều mới.

Đầu năm 2004, chị đi phỏng vấn ngành hóa ở một số trường đại học. Chị cũng rất sợ vì những trường này ngành hóa rất ít hoặc không có nữ giáo sư. "Con đường đi đến thành công ở Mỹ không phải dễ dàng vì quốc gia này thường thu hút nhà khoa học hàng đầu trên thế giới nhưng bản chất người Việt Nam thông minh và chăm chỉ", vị giáo sư nói và cho rằng có công mài sắt có ngày nên kim.


Khoa học gia Nguyễn Thục Quyên

Thích về Việt Nam 

"Tôi nhớ Việt Nam lắm. Nếu có thời gian là tôi về ngay, bởi hiện nay anh em họ hàng, nhất là ông cậu - người đặt viên gạch đầu tiên trong cuộc đời khoa học của tôi vẫn ở quê hương", nữ giáo sư tâm sự.

Lần đầu tiên chị và mẹ về Việt Nam là năm 1999 để thăm bà ngoại trong 3 tuần. 9 lần về nước ngoài dự hội nghị khoa học, chị dành thời gian để thăm gia đình.

Chị cho biết, thời gian 21 năm sống ở Việt Nam, chị nhớ món ăn thuần túy Việt Nam và các bài hát Việt, nên lần nào về nước chị cũng nhờ cậu mợ dẫn đi xem ca nhạc. "Tôi thích nhạc dân ca như bài Quê hương, Ai đưa con sáo sang sông", chị nói.

Khi hỏi ý định về Việt Nam sinh sống, chị nói: "Có lẽ khi nào về hưu tôi mới về nước, vì quê hương vẫn chưa có đủ cơ sở vật chất điều kiện tốt để tôi có thể nghiên cứu", chị nói và cho biết 7 phòng thí nghiệm riêng của chị trị giá khoảng 4 triệu đôla.


Bên cạnh giải thưởng là một trong những nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới ngành khoa học vật liệu, chị còn nhận nhiều giải thưởng khác như: Giải thưởng Nghiên cứu khoa học Alexander von Humboldt-Foundation của Đức năm 2015; Giải thưởng Nghiên cứu khoa học của Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ 2010, Giải thưởng Nghiên cứu khoa học của Alfred P. Sloan Foundation 2009; Giải thưởng Nghiên cứu khoa học của Camille Dreyfus Foundation 2008; Giải thưởng Nghiên cứu khoa học Harold J. Plous Memorial Award and Lectureship 2007.

Phạm Hương