Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2016

Tưởng Nhớ "Thầy Phan Văn Luận"

GIỚI THIỆU
NHHN được gia đình thầy Phan Văn Luận thông báo và mời tham dự lễ cầu siêu 49 ngày cho Thầy được siêu thoát lên cõi vĩnh hằng vào Chủ Nhật 01/5/2016 tại chùa Kim Quang Sacramento.
Để tưởng nhớ và hợp lời cầu nguyện cùng với gia đình, thầy cựu hiệu trưởng Nguyễn Đức Giang từ Đan Mạch gửi bài Tưởng Nhớ dưới đây. 
NHHN xin thay mặt cho toàn thể cựu giáo sư và cựu học sinh Nguyễn Huệ thắp nén nhang thơm trước di ảnh của thầy. Nguyện cầu hương linh thầy Phan Văn Luận sớm được tiêu diêu nơi Miền Cực Lạc.
Trân trọng,
NHHN



Ánh nắng buổi trưa cuối hè rạng rỡ nhưng chưa gay gắt lắm. Dưới những tàng cây phượng đỏ đang độ nở hoa, sĩ tử đã tụm năm tụm bảy hàn huyên, ngóng tin tức kết quả kỳ thi tú tài hai, Hội Đồng Giám Khảo (HĐGK) đặt tại trường Quốc Học ở Huế. Đó là chuyện nóng lòng của một số cô cậu "chuẩn tú tài". Thật sự, họ chẳng biết gì hơn trước khi bảng vàng đề danh được công bố và niêm yết. HĐGK kỳ thi tú tài hai năm 1963 đang tổng kết danh sách thí sinh trúng tuyển.

Tôi là một trong mấy thư ký của Hội Đồng đã đề nghị, và được ông chánh chủ khảo chấp thuận cho chạy vòng ngoài. Tôi tuy từ xa đến (từ trường Cường Để Qui Nhơn) nhưng Huế là quê của mình, thạo đường đi nước bước hơn những người khác. Nhiệm vụ của tôi là tháp tùng ông phó chủ khảo đi giao đề thi và gom bài thi ở các trung tâm rải rác khắp thành phố vào mỗi buổi sáng trong thời gian thi viết. Sau đó liên hệ với Ty Tài Chánh tỉnh để yêu cầu xác nhận ngày đến và ngày rời Huế,  giữ chỗ máy bay trở về cho HĐGK.

Tôi từ phòng hội đồng định đi đến Air VN, vừa ra đến sân trường thì bị một người đón lại chào hỏi lịch sự và nhờ tôi xem giúp kết quả một cách rất tự nhiên. Hơi ngạc nhiên, trước mặt tôi không phải là một thí sinh bình thường so với tuổi tác, cách ăn mặc và nói năng... Qua vài câu thăm dò ngắn ngủi tôi được biết anh ta có học lớp  đệ tứ ban đêm do Ban Phổ Thông Giáo Dục của học sinh Quốc Học sáng lập dưới thời thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Hai . Ban này trong niên khóa 1954-1955 do anh Nguyễn Kỳ, học sinh lớp đệ nhất phụ trách  với sự hợp tác của nhiều đồng môn ớ hai lớp đệ nhị và đệ nhất. Bốn lớp học bình dân từ đệ thất đến đệ tứ được mở  về đêm tại trường Quốc Học. Nam nữ học sinh hầu hết đều lớn tuổi hơn những ông thầy tạm bợ, giàu thiện chí hơn kiến thức và phương pháp dạy học. Anh Nguyễn Kỳ rời trường, đi Sài Gòn học đại học, tôi thay thế vai trò của anh. Tôi phụ trách dạy toán lớp đệ tứ. Rồi cũng đến lúc phải bỏ trường mà đi, trường Quốc Học và trường bình dân!

Có thể vì có cảm tình với một thí sinh đặc biệt đã đưa tôi về với những kỷ niệm của thời học trò và cũng vì ngạc nhiên, tò mò trước một thí sinh khác biệt nên tôi đã nhận lời. Anh ấy đậu tú tài hai ban C. Mừng cho cả hai người, tôi và anh ấy!

Tháng 12 năm 1963 tôi nhận nhiệm vụ mới ở trường Nguyễn Huệ Tuy Hòa. Trong lễ bàn giao giữa cựu và tân hiệu trưởng, tôi thấy trong hàng ngũ giáo sư một khuôn mặt già dặn, quen quen mà không nhớ là ai. Sau hỏi ra mới biết, đó là anh Phan Văn Luận, người thí sinh già mà tôi đã xem giùm kết quả thi tú tài ở Huế trước đây.

Quê tôi ở xã An Nông, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên, cách Huế 20km. Từ khi lập đường xe lửa Bắc Nam vào giữa thập niên 30 thế kỷ trước, những ông Tây thuộc địa lập ga xe lửa thấy tiếng Việt có dấu rắc rối quá nên đặt tên ga ở xã tôi độc một chữ "NONG". Và khách thập phương biết đến tên này hơn tên chính thức An Nông xã trong văn tự. 

Sau ba năm theo trường sơ học cấp xã, tôi thi đậu vào trường tiểu học An Lương Đông cấp huyện ở Truồi, cách nhà 8 km để học lớp nhì nhất niên niên khóa 1944-1945 (cours moyen 1). Đoạn đường 8km quả là quá vất vả đối với một cậu bé chín mười tuổi, nhất là vào mùa đông mưa dầm gió bấc, chân trần cuốc bộ đi học. Niên khóa kế tiếp, gia đình gởi tôi lên Huế ở nhà bà con để theo học lớp nhất niên khóa 1945-1946 trường Thế Dạ ở Vỹ Dạ. Kể từ niên khóa này, lớp nhì nhị niên (cours moyen 2) bãi bỏ theo chương trình Hoàng Xuân Hãn. Phương tiện di chuyển trên đoạn đường 20 km từ Huế về làng thời bấy giờ thông dụng nhất bằng hai cách, một là cuốc bộ hai là đi xe đò ông Nghẹt (chủ xe), chạy đường Huế - Cầu Hai ngang qua Nong. Có thể trong thời gian học ở Huế, tôi quen mặt anh lơ xe đò mà tôi nghĩ là thí sinh đã nhờ tôi xem kết quả kỳ thi tú tài hai năm 1963, anh Phan Văn Luận. 

Năm 1966 hay 1967 không nhớ rõ, tôi và anh Phan Văn Luận được chọn đi Mỹ du học. Anh Luận bấy giờ đã là giáo sư trung học đệ nhất cấp khế ước trường Trung Học Nguyễn Huệ, sau một niên khóa dạy giờ. Anh em chúng tôi vào Saigon thuê một phòng ở đường Phan Thanh Giản ở chung, hằng ngày đến Hội Việt Mỹ học bổ túc Anh Văn. Ba tháng sau, Bộ Giáo Dục gởi qua Bộ Quốc Phòng danh sách giáo chức được đề nghị đi du học. Tôi bị Bộ Quốc Phòng bác, yêu cầu Bộ Giáo Dục trả về nhiệm sở vì còn ở trong hạn tuổi động viên. Anh Phan Văn Luận đi Mỹ du học. Mấy năm sau về nước, nghe có bằng master, làm việc cho một cơ quan của Mỹ và phụ trách một số giờ Anh Văn ở Đại Học Huế.

Mùa hè năm 1972 được gọi là "Mùa Hè Đỏ Lửa". Việt cộng tấn công Quảng Trị. Dân Quảng Trị  tranh nhau chạy vào Huế với mọi phương tiện khả dĩ có thể sử dụng được. Tai nạn xảy ra trong cảnh chạy giặc hỗn loạn, Việt cộng pháo kích truy đuổi. Máu và nước mắt đã biến đoạn đường Quảng Trị - Huế thành "Đại Lộ Kinh Hoàng"!. Huế chưa bị trực tiếp đe dọa, nhưng không khí hãi hùng bao trùm thành phố. Người Huế cũng chạy, sợ cảnh Mậu Thân tái diễn.

Vì lý do an ninh, Nha Khảo Thí trình Bộ Giáo Dục xin dời Hội Đồng thi tú tài hai Huế cho thí sinh Thừa Thiên, Quảng Trị vào Đà Nẵng, và được chấp thuận. Quyết định này được thông báo cho chính quyền thị xã Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên. Chiến tranh không lan rộng, chỉ giới hạn  trong phạm vi Đồng Hà, miền Bắc tỉnh Quảng Trị. Tình hình ở Huế lắng dịu. Chính quyền sở tại đề nghị với Bộ Giáo Dục cho duy trì Hội Đồng Giám Thị kỳ thi tú tài ở Huế, xem như tình hình đã được ổn định.
Tôi vào Saigon công tác, gặp lúc ông giám đốc Nha Trung Học và giám đốc Nha Khảo Thí bàn về nhân sự cho các Hội Đồng Giám Thị toàn quốc. Thời đó bài thi được tập trung về chấm ở Saigon. Sẵn đó tôi được chỉ định làm chủ tịch Hội Đồng Giám Thị Kỳ thi tú tài hai ở Huế năm 1972.

Các đồng nghiệp trong Nam ngại ra Huế cũng phải. Buổi chiều trước ngày thi viết, hai quả đạn pháo rót vào thị xã Huế: May thay, không có thiệt hại nhân mạng và tài sản. Hai quả đạn pháo kích nổ dưới sông trước chùa Diệu Đế. Sáng hôm sau, trong giờ thi, lại có hai quả đạn pháo kích nổ ở hữu ngạn sông Hương, không xa trường Quốc Học mấy. Nghĩ rằng chạy hỗn lọan ra ngoài, tai bay đạn lạc biết đâu mà lường, tôi quyết định thông báo cho các trung tâm ngưng thi, giám thị bình tỉnh cho thí sinh nép dọc theo các bức tường bên trong phòng thi. Rốt cuộc chỉ có hai nữ thí sinh ở trung tâm Đồng Khánh bất tỉnh nhân sự, được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Hai thí sinh này không còn tinh thần tỉnh táo để tiếp tục kỳ thi sau đó mà tôi đã tự ý cho kéo dài thêm 30 phút.

Trong thời gian đó anh Phan Văn Luận đang làm việc tại Huế, đến mời tôi ăn cơm vào một buổi chiều. Y hẹn giờ giấc tôi đến nhà anh chị Luận. Ngồi nói chuyện với anh Luận và uống nước suông khá lâu. Nhìn quanh chẳng thấy dấu hiệu gì chứng tỏ nhà có mời khách ăn cơm, tôi hỏi: sao mời người ta ăn cơm mà đến giờ này còn lạnh tanh như rứa, chưa thấy gì cả ?. Người ta mời ông ngày mai, ông ạ! Anh Luận trả lời. Hai anh em cùng cười. Kể từ ngày ấy, hơn 40 năm sau chúng tôi mới lại gặp nhau tại Hội Ngộ Nguyễn Huệ ở Bắc Cali năm 2011. Mới đây tôi xao xuyến được tin anh Luận đã từ bỏ gia đình và bằng hữu vĩnh viễn ra đi!

Anh Luận ơi! Chúng ta là trai thời loạn, lao đao theo vận nước. Trầm trầy trầm trật tôi cũng đậu được tú ở tuổi 22, sau mười năm học trung học thay vì bày năm như nhiều bằng hữu khác. Nói chuyện với bạn bè, tôi kể mình như một người ở trần trèo lân cây vông đồng gai góc, và may thay cũng vin được một cành thấp. Nhưng không đáng chút nào so với anh. Anh đã trèo được lên đỉnh cao chót vót. Gọi anh là một lơ xe đò, không phải là hạ thấp anh mà chính vinh danh anh. Một anh lơ xe đò thất cơ lỡ vận, cày bừa với chữ nghĩa bên lề học đường, đậu tú tài năm 35 tuổi, rồi làm giáo sư dạy giờ tại một trường trung học, rồi xuất dương du học, rồi đậu tiến sĩ đệ tam cấp, rồi dạy đại học!

Ngạn ngữ Pháp có câu: "Aide toi, Dieu t´aidera" (Anh hãy tự giúp mình rồi Thượng Đế sẽ giúp anh). Nguyễn Du tiên sinh trong Truyện Kiều cũng đã nói "Xưa nay nhân định thắng thiên" cũng nhiều. Trên đường tiến thân anh đã phá vỡ cái khung định mệnh, san bằng mọi trở ngại với tâm lực và ý chí để vươn lên và vươn lên. Gian lao này không phải ai cũng có thể vượt qua. Cuộc đời của anh là một tấm gương sáng ngời cho nhiều thế hệ. Anh đã là học trò của tôi, đã là đồng nghiệp của tôi, nhưng trên trường đời anh xứng đáng là thầy của tôi. Vì lẽ đó mà tôi đã viết "thầy Phan Văn Luận" giữa hai ngoặc kép.

Nguyện sanh Tây Phương Tịnh Độ Trung,
Cửu Phẩm Liên Hoa vi phụ mẫu.
Hoa khai kiến Phật ngộ vô sinh.
Bất thồi Bồ Tát vi bạn lữ...

Nguyện cầu chư Phật chư Bồ Tát tiếp độ hương linh Phật tử Quảng Hòa Phan Văn Luận" sớm về Cõi Tịnh Độ.

Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Tự Đại Bi A Di Đà Phật.

Thành tâm nguyện cầu.

Nguyễn Đức Giang


Thầy Trò NH trước linh cửu thầy Phan Văn Luận


Thầy Nguyễn Đình Quỹ đại diện đồng nghiệp và CHS phân ưu

Đồng nghiệp và CHS Nguyễn Huệ Bắc California tham dự tang lễ 

1 nhận xét:

  1. Kính thưa thầy hiệu trưởng Nguyễn Đức Giang,

    Gia đình chúng con đã nhận được bài viết của thầy gửi. Bài viết rất hay và rất cảm động.

    Gia đình chúng con xin thành thật cảm tạ các thầy cô và các anh chị của đại gia đình Nguyễn Huệ Hải Ngoại đã dành rất nhiều thời gian và công sức để đăng tải hình ảnh cộng những bài viết đầy ân tình về ba con trên diễn đàn của hội.

    Một lần nữa chúng con xin tri ân.

    Kính,

    Trả lờiXóa