Thứ Tư, 30 tháng 11, 2016

Anh Sợ Lắm

GIỚI THIỆU
Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy Cô, quý Anh Chị Đồng Môn và quý Thân Hữu
Bài thơ ANH SỢ LẮM của đồng môn Diệp Thế Hùng; tác giả khi học trung học ở trường Nguyễn Huệ Tuy Hòa, anh là một học sinh xuất sắc, được thầy thương bạn mến.
Hiện nay tác giả là nhà khoa học, là giáo sư đại học đang định cư tại Paris, thủ đô nước Pháp. 
Trân trọng giới thiệu
NHHN

Xin vui lòng click vào bài thơ


Kính mời quý Thầy Cô và quý Anh Chị thưởng thức nhạc phẩm ÁNH ĐÈN MẦU do đồng môn Hoàng Khai Nhan dàn dựng&thực hiện




Way to go, Hoàng Khai
​ Nhan​
!
Your
​ 4K​
 video is now on YouTube.




Thứ Hai, 28 tháng 11, 2016

Dung Nham Núi Lửa

DUNG NHAM NÚI LỬA CHÔN VÙI
Con người hóa thạch còn tồn tại sau mấy ngàn năm
Cặp vợ chồng bị chôn vùi bởi dung nham núi lửa, không tách rời sau cả ngàn năm

Xin mời click vào tất cả hình trong bài để xem 

Vào năm 79 sau Công Nguyên, núi lửa Vesuvius đã phun trào và chôn vùi toàn bộ thành phố Pompeii thuộc đế chế La Mã cổ đại. Nơi đây giống như một nghĩa trang vô cùng lớn. Pompeii đã bị nhấn chìm trong lòng đất từ 1600 năm trước. Phải đến năm 1599, một kiến trúc sư thiết kế công trinh kênh mương điều tiết dòng chảy, sự thật này mới được tìm thấy. Nhưng, cũng phải mất 150 năm sau các nhà khảo cổ học mới bắt đầu khai quật và tìm hiểu về nó.


Giữa những năm 60 của thế kỷ 19, một nhà khảo cổ tên là Giuseppe Fiore Lee đã phát hiện ra rằng, những khối tro được tìm thấy là các tro hóa thạch của người bị chôn vùi bởi nham thạch núi lửa. Những hóa thạch tìm được không chỉ có của con người mà còn của các loài động vật. Họ đã công gắng để thoát nạn nhưng tất cả đều bị vùi lấp và hóa đá với đủ các tư thế khi cố gắng chạy trốn.


Thành phố Pompeii rộng khoảng 65 ha, độ dày của tro tàn cao 5,6 mét. 17 năm trước, ngọn núi lửa lại phun trào lần nữa, nơi đây còn xuất hiện trận động đất mãnh liệt, nhiều tòa nhà đã bị phá hủy nhưng sự kiện này cũng không khiến người ta chú ý và xem trọng.


Đây là một nạn nhân tại Pompeii bị chôn vùi bởi dung nham của núi lửa năm đó. Ông cũng đang cố gắng chạy để thoát thân. Khối tro hóa đá cũng cho thấy răng của ông vẫn được bảo quản tốt.


Còn đây là hình ảnh của một cặp đôi yêu nhau, người nam ôm người nữ như muốn che chở cho cô gái.


Nhà khảo cổ còn tìm thấy khối tro hóa đá của các em nhỏ


Không phải tất cả các thi thể bị đốt cháy bởi nham thạch đều được bảo quản tốt. Hiện tại, qua quá trình khai quật, các nhà khảo cổ mới tìm thấy được 100 khối hóa thạch của người.
Còn có khối hóa thạch được tìm thấy, người này đang ở trong cảnh bàng hoàng khiếp sợ, mắt mở to và miệng còn đang há ra chưa kịp khép lại.


Còn có những hình ảnh cho thấy họ sợ hãi và tuyệt vọng. Họ không chạy trốn mà lấy tay che mắt lại để chờ đợi cái chết đến.


Khối đá hình con vật cũng được tìm thấy, nó giống với hình ảnh một con chó. Có lẽ trước khi chết nó đang ở trong trạng thái giãy giụa..


Các hình ảnh tìm thấy là những tàn tích còn sót lại của Pompeii còn tồn tại đến tận bây giờ. Tàn tích này đã được UNESCO xếp vào danh sách Di Sản Thế Giới. Hàng năm, nơi đây đã đón hơn 2,5 triệu du khách đến tham quan. Tuy nhiên, chỉ có 1/3 thành phố Pompeii được mở cửa để đón du khách đến thăm, phần còn lại vẫn bị chôn vùi trong đất.


Đứng trước thảm họa thiên nhiên, con người thật vô cùng nhỏ bé. Khổng Tử từng nói rằng: "người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo đạo, đạo thuận theo tự nhiên. Vạn vật cứ vận chuyển như thế mà sinh tồn". Cảnh tượng cả thành phố bị chôn vùi bởi thảm họa của núi lửa khiến chúng ta không khỏi suy ngẫm về đạo lý con người thuận theo trời đất mà vận động và trường tồn. Liệu có phải vì nghịch thiên nghịch địa mà cả thành phố Pompeii bị trời trừng phạt?.

Áo Dài Trong Thơ Ca



Từ cổ chí kim mỗi sắc tộc trên thế giới đều có một loại y phục mang nét văn hóa đặc thù riêng cho quốc gia và gọi là quốc phục.  Nổi bật như Nhật Bản có Kimono, Trung Hoa có Xường Xám, Hàn Quốc có Hanbook và Việt Nam có Áo Dài .  Không phải là so sánh nhưng quả thật chiếc áo dài Việt Nam có phần đơn giản và đẹp mặn mà hơn.  Nó rất giản tiện khi không có những phụ tùng dây nhợ, thắt lưng hay nơ đi cùng như những sắc phục khác.  Phải chăng đó cũng là bản chất người con gái Việt chân chất, khiêm tốn, mặn mà, kín đáo .

Mới đây cô Trương thị May là đại diện hoa hậu Việt Nam đị dự thi Hoa Hậu Hoàn Vũ, Cô không được vào chung kết nhưng chiếc áo dài cô mặc đã làm ngẩn ngơ say đắm lòng người ngoại quốc bởi chiếc áo tôn được nét kín đáo mà hấp dẫn, giản dị mà sang trọng của người mặc. Chính nhờ vậy mà áo dài Việt Nam được chấm là quốc phục đẹp đứng thứ tư trên toàn thế giới.

 Từ lâu lắm rồi những tà áo dài thân thương, giản dị, đã đi vào thi ca, làm rung động lòng người và là nguồn cảm hứng vô tận của những người làm thơ, viết nhạc.  Tà áo nên thơ ấy, là bức tranh sinh động với nhiều đường nét, nhiều dáng vẻ, nhiều màu sắc mà nếu đúc kết lại và viết ra thì không biết sẽ tốn biết bao nhiêu thời gian và bút mưc của văn, thi, nhạc sỹ.  Chính vì vậy mà Hồng Hà chỉ sơ lược và giới thiệu một số ít trong rất nhiều bài thơ nổi tiếng đề cập tới chiếc áo dài.

Buổi tan trường, những tà áo trắng tung bay trong gió làm ngẩn ngơ bao chàng trai si tình.  Áo trắng trinh nguyên tuổi học trò, từng làm ngất ngây trái tim của chàng trai mới lớn, "ngày khai trường áo lụa gió thu bay".  Trường học , một khung trời đầy ấp kỷ niệm với bao buồn vui tuổi học trò.  Nơi mà những chùm phượng vỹ, những "cơn mưa bay bay ngoài cửa lớp", vẫn hiện về  và trong giấc ngủ chập chờn còn trông thấy “áo ai bay trắng cả giấc mơ” rồi lại làm thơ ép vào trong vở để hôm sau lóng ngóng nơi sân trường “Giữa giờ chơi mang đến lại mang về”
(Phương Hồng - Đỗ Trung Quân)

Hình minh họa (lấy từ Net)

Huy Cận nhà thơ tình nổi tiếng của thế kỷ 20 đã để lại cho đời bài thơ "Áo Trắng". Với cách diễn tả sinh động, lời thơ đầy hình ảnh Huy Cận đã làm Vẻ đẹp của tà áo dài trắng như lan toả từ cô sinh nữ,  qua chàng trai.  Và vẻ đẹp ấy như đọng lại gắn kết giúp tình yêu đôi lứa gần gũi hơn,  nồng ấm hơn và đằm thắm hơn .  Bài thơ sẽ còn mãi đi vào lòng người với lời thơ trữ tình rất "Huy Cận", vẻ đẹp dịu dàng của cô gái trong chiếc áo màu trắng thanh khiết, trang nhã rất nữ tính .  Nét đẹp vừa cổ điển vừa hiện đại mang sắc thái đậm đà hương vị quê hương, dân tộc.
Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong, 

Hôm xưa em đến, mắt như lòng. 
Nở bừng ánh sáng . Em đi đến, 
Gót ngọc dồn hương, bước tỏa hồng.
Em đẹp bàn tay ngón ngón thon, 
Em duyên đôi má nắng hoe tròn. 
Em lùa gió biếc vào trong tóc 
Thổi lại phòng anh cả núi non.
Em nói, anh nghe tiếng lẫn lời, 
Hồn em anh thở ở trong hơi. 
Nắng thơ dệt sáng trên tà áo, 
Lá nhỏ mừng vui phất cửa ngoài.
Đôi lứa thần tiên suốt cả ngày, 
Em ban hạnh phúc chứa đầy tay. 
Dịu dàng áo trắng trong như suối 
Tỏa phất đôi hồn cánh mộng bay.
"Áo Trắng"

Áo dài trắng trong thơ còn  nhiều lắm lắm…..
Áo trắng như lụa trắng trong thơ Hoàng Anh Tuấn:
“Áo em lụa trắng sông Hương
qua đò Thừa Phủ nhớ thương rạt rào” 
 (Về chân trời tím)

 Và trong thơ Nguyễn Tất Nhiên:
“Đài các chân ngà ai bước khẽ

quyện theo tà lụa cả phương đông”  
(Tháng Giêng, chim)

 Khi người con gái mặc chiếc áo dài, cơ th như hiện ra l lộ từng đường nét, in sâu vào trí nhớ và Thi sĩ Đông Hồ đã chịu bán thơ để “Mua áo”  và không cần đo cũng mua cho người yêu được chiếc áo vừa vặn vào dịp xuân về. 
Chiếc áo năm xưa đă cũ rồi,

Em đâu còn áo mặc đi chơi.
Bán thơ nhân dịp anh ra chợ.
Đành gởi anh mua chiếc áo thôi.

Hàng bông mai biếc màu em thích,

Màu với hàng, em đă dặn rồi.
Còn thước tấc, quên! Em chưa bảo:
Kích tùng bao rộng, vạt bao dài?

Ô hay! Nghe hỏi mà yêu nhỉ!

Thước tấc anh còn lựa hỏi ai.
Rộng hẹp, tay anh bồng ẳm đó,
Ngắn dài, người mới tựa bên vai!

(Đông Hồ, "Cô Gái Xuân")

 Với Thi sĩ Phan Long ông dành lời hoa mỹ  ông gọi chiếc áo dài  là "Chiếc Áo Dài Tà Áo Quê Hương"  đẹp mãi với thời gian
 Em yêu mến chiếc áo dài,

Thướt tha duyên dáng đẹp hoài thời gian.
Ngày xuân nắng trải tơ vàng,
Khoe tà áo mới ngập tràn tuổi thơ.
Lớn theo lứa tuổi học trò
Tình che vạt trước gió lùa vạt sau.
Những ngày đẹp măi bên nhau,
Vạt vui in dấu vạt sầu còn vương.
Đẹp sao tà áo quê hương,
Áo dài màu trắng nhớ thương năm nào.

Hình minh họa (lấy từ Net)


Và rất nổi bật trong thơ Nguyên Sa.  Trời Sài Gòn giữa trưa nắng làm chàng trai đa tình phải thốt lên:
“Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông….
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng..”
 Hoặc 
Áo trắng của nàng như gió, như mây, để  Nguyên Sa phải bâng khuâng:
“Có phải em mang trên áo bay
hai phần gió thổi, một phần mây?
Hay là em gói mây trong áo
rồi thở cho làn áo trắng bay?” 
 (Tương tư)
Và nhà thơ khi lang thang nơi xứ người thoáng thấy một bóng áo dài thì cứ ngỡ mình đang sống ở quê nhà, nơi tình cảm yêu thương gắn bó, và chiếc áo mang hình ảnh của cả một trời quê hương "Anh về giữa một dòng sông trắng, là áo sương mù hay áo em"  (Paris có gì lạ không em?) 
Thơ và nhac gắn liền với đời sống tinh thần của người dân Việt nam và trong đời thường đó có muôn màu muôn vẻ . Nhiều nhạc sỹ tài danh đã phổ những bài thơ có hình ảnh chiếc áo dài mà chúng ta không thể quên . “Ôm nghiêng tập vở, tóc dài tà áo vờn bay” vì cái hình ảnh tà áo vờn bay đó mà cứ “em tan trường về”  thì  “anh sẽ theo Ngọ về” (Ngày xưa Hoàng Thị - Thơ Phạm Thiên Thư, Phạm Duy Phổ nhạc)  

Màu sắc không chỉ là biểu tượng của sở thích mà còn là biểu tương của tình cảm, của đam mê, của nhung nhớ, của hẹn hò. Màu xanh màu của hy vọng, của ước mơ được Trần Thiện Thanh làm điểm hẹn cuối tuần

“Biết anh thích màu trời, em đã bồi hồi chọn màu áo xanh”
 (Bảy Ngày Đợi Mong)
Và hơn thế nữa Màu xanh với Đoàn Chuẩn Từ Linh  màu xanh là màu kỷ niệm ân ái không thể phai dẫu cho tình có phai nhạt .
Em còn nhớ anh nói rằng
Khi nào em đến với anh
Xin đừng quên chiếc áo xanh
Anh ơi có đâu ngờ đêm rằm
Có màu nào không phai như màu xanh ái ân.
(Tà Áo Xanh)

 Ngoài những lời thơ diễn tả nét đẹp của chiếc áo dài còn có những tâm tư,  so sánh ví von, nhân cách hóa tà áo khép mở như kín hở của những lời tỏ tình,  những tâm sự thầm kín của thi sỹ “Áo bay mở, khép nghìn tâm sự…”  (Mộng dưới hoa- Thơ Đinh Hùng nhạc Phạm Đình Chương)

 Áo dài da dạng muôn màu muôn vẻ.  Màu đỏ xác pháo màu của cô dâu lên xe hoa, màu vàng kiêu sa của hoàng hậu của các bậc công nương, màu tím của nhớ nhung chờ đợi … Xứ Huế vẫn nối tiếng với tà áo dài màu tím rất riêng của Huế để trở thành thương hiệu màu tím Huế .  Áo dài tím, thêm chiếc nón lá, đôi guốc mộc , và giọng nói ngọt ngào của các cô gái Huế là nét rất riêng, rất độc đáo là niềm hãnh diện của đất kinh đô một thời vẫn nằm riêng một phần trong lịch sử của đất nước.

Hình minh họa (lấy từ Net)

Màu tím của nữ sinh Đồng Khánh để lại kỷ niệm không thể quên trong tâm trí người nhạc sỹ tài hoa Trinh Công Sơn “Áo xưa dù nhàu, cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau”
( Hạ Trắng)
Và:
Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu thương
Anh pha mực cho vừa màu áo tím
Tuổi Mười Ba – Ngô Thụy Miên
Ngày nay chiếc áo dài có phần đa dạng hơn, cổ điển có, cách tân có .  Cho dù ở dạng nào thì khi mặc lên vẫn rất gợi cảm, rất quyến rũ nó như vẽ thêm  một đường cong trên cơ thể người đàn bà để trở nên hoàn hảo hơn.  Chiếc áo dài giản di, mà sang trọng, hấp dẫn mà kín đáo không những chỉ tôn nhan sắc người phụ nữ mà còn làm tôn giá trị văn hóa và nghệ thuật của người Việt .  Áo Dài Quốc Phục đẹp của người Việt Nam là điểm sáng lung linh đáng trân trọng và tự hào.  Là một phụ nữ Việt Tôi yêu lắm quê hương tôi với chiếc áo dài Việt nam.

San Jose 03/25/2014
Hồng Hà

Áo trắng sân trường (lấy từ Net)

Nữ sinh  áo tím Đồng Khánh (lấy từ Net)

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2016

Trăng Là Gì




Gia đình tôi với gia đình “hắn” là chỗ thân tình. Cách đây khoảng chục năm, nhân dịp tôi đến khám mắt tại bệnh viện hắn làm việc.

Hắn say sưa khoe với tôi về nguồn thu nhập hậu hĩnh kiếm thêm từ việc khám và giải phẫu mắt ngoài giờ của mình. Bất ngờ, tôi đặt ra một câu hỏi, chẳng ăn nhập gì đến câu chuyện hắn say sưa: “ Có bao giờ ông dành thời gian ngắm trăng với vợ, con không? Đến lượt tôi bất ngờ vì câu trả lời của hắn: “ Trăng là gì?”.

Về nghề nghiệp hắn là bậc cao thủ trong làng chuyên khoa mắt của Sài Gòn. Bệnh nhân của hắn thuộc loại “thứ dữ”. Hắn có nhiều mối quan hệ xã hội “có số, có má”. Do vậy đồng nghiệp và ban giám đốc bệnh viện, nơi hắn làm việc, nể hắn một phép. Tên tuổi của hắn đã giúp bệnh viện ăn nên làm ra, chuyên khoa mắt lúc nào cũng chật cứng người chờ đợi. Ai muốn được hắn trực tiếp khám và mổ, phải lấy hẹn trước, rất lâu. Số tiền chi ra cho những lần khám hoặc mổ đó, so với mặt bằng, giá ở các bệnh viện khác, cao hơn rất nhiều. Thế nhưng lịch khám của hắn lúc nào cũng dày đặc. Người ta nói với nhau, “ Được bác sĩ (hắn) đụng tay vào thì dù mắt đang không thấy đường cũng sáng lại.”.

Hồi còn đi học phổ thông, tôi với hắn ở chung một quận, quận nhì. Tôi với hắn bằng tuổi nhau, nhưng hắn sanh sau tôi tám tháng, vì vậy sau này khi hắn lập gia đình và có con, hắn dạy tụi nhỏ gọi tôi bằng bác, bác gái. Nhưng trong giao tiếp hắn gọi tôi bằng “bà”, tôi gọi hắn bằng “ông” và chúng tôi xưng “tui” với nhau.

Tôi quen hắn và vợ hắn lúc chúng tôi cùng sinh hoạt trong ban liên lạc học sinh cùng lớp, hắn làm trưởng ban, tôi làm phó ban, vợ hắn (lúc bấy giờ nó chưa quen) là một trong những thành viên. Sáng thứ bảy nào ban liên lạc của chúng tôi cũng gặp nhau tại một nhà hàng cà phê trên đường Điện Biên Phủ, quận ba. Chủ nhà hàng này cũng là thành viên trong ban liên lạc, nhờ vậy chúng tôi ăn uống ít khi phải trả tiền, nếu trả cũng chỉ là tượng trưng.

Cô gái (mà sau này là vợ hắn) đẹp một cách mong manh, vì vậy chúng tôi đặt tên là “cô gái mong manh”. Cô là con gái duy nhất của một gia đình công chức thường thường bậc trung, nhà ở quận nhất. Cô gái hay đi họp ban liên lạc bằng cách ngồi trên chiếc xích lô đạp cho người ta chở, thân mình lúc nào cũng diện bộ áo dài lụa màu nhạt, lung linh như mây khói (cho tăng thêm phần mong manh?). Gái Sài Gòn chúng tôi có thói quen đi lại trên chiếc xích lô (năm năm sau ngày giải phóng vẫn giữ thói quen này). Khi ngồi trên xe chúng tôi chú ý giữ cho người thẳng bằng cách lưng không tựa vào thành ghế, tóc buông xõa và tay không giữ tà áo, cố ý để gió luồn vào thổi tung bay. Hình ảnh ấy góp phần làm phố xá mỹ miều. Tại sao gái Sài Gòn không đi bộ hoặc đạp xe đi học như quý cô nương khác trên cả nước? Có lẽ do diện tích Sài Gòn rộng, đi bộ không tới, đi xe đạp ngại mỏi chân. Nhưng còn một lý do tế nhị khác mà chỉ có gái Sài Gòn mới hiểu, ngồi xe xích lô cho người ta chở mới là tiểu thư chính hiệu!

Hình minh họa (lấy từ Net)

Hắn là con của ông bà chủ hãng xuất nhập khẩu. Nhà hắn có ba anh em trai, cả ba học cùng trường với chúng tôi, chỉ có lớp là khác. Khi đi học, ba anh em hắn có tài xế đưa đón, học xong là về nhà, không la cà phố xá. Những lần hắn tổ chức sinh nhật mời ban liên lạc tới nhà, tôi thấy gia đình hắn, nhất là bà má, nề nếp qui củ lắm. Trong lớp, chúng tôi bầu hắn làm lớp trưởng vì hắn uy tín, học giỏi và tác phong nghiêm túc. Trong sinh hoạt tập thể hắn luôn là ngọn cờ dẫn dắt chúng tôi. Về ngoại hình thì khỏi chê, chúng tôi hay gọi hắn là “Alain Delon” (tài tử lừng danh của Pháp thời1950-1980) nhưng nếu muốn hắn nổi sung thì thêm chữ “beng” (A len đờ lông beng) đằng sau nữa. Nhiều tiểu thư nhà giàu đạt danh hiệu hoa khôi trường này trường khác mết hắn lắm, nhưng hắn chẳng thèm để ý đến cô nào.

Tới giờ tôi cũng không sao nhớ ra, bằng cách nào cô gái mong manh “lọt” được vào ban liên lạc của lớp, nơi quy tụ những người “xuất chúng”. Về sắc diện, hình thức, học lực, tài vặt, thành phần xã hội, so với những tiểu thư trong trường, cô thuộc loại trung bình. Về công việc tập thể, ban liên lạc giao cô phụ trách, cô thực hiện lúc được, lúc không. Nói chung, ngoài cái khoản mong manh làm người ta động lòng, còn thì cô chẳng tạo được một dấu ấn gì cho ban liên lạc ghi nhớ sự hiện diện của cô. 

Thế mà đùng một cái chúng tôi thấy cô gái không đi họp bằng xe xích lô nữa mà ngồi trên chiếc xe Vespa Sprint màu xanh da trời, loại 150 phân khối do hắn chở. Thời đó, chỉ có công tử nhà giàu mới sắm nổi chiếc xe hách xì xằng như vậy. Chẳng bao lâu sau ban liên lạc nhận được thiệp hồng. Ngày hai người cưới nhau tôi thấy hạnh phúc đầy tràn trong mắt tân lang và giai nhân. Khách tới dự tiệc cưới chúc vợ chồng hắn trăm năm hạnh phúc; tôi nghĩ, phải chúc ngàn năm hạnh phúc mới xứng. Thế mà, chỉ hơn hai mươi năm sau đó, vợ chồng hắn rẽ thúy chia uyên.

Lần gặp khoảng chục năm trước, mặc cho bệnh nhân chờ, hắn luôn miệng kể lể với tôi, đã có với cô gái mong manh hai mặt con, một trai một gái, cả hai theo nghề của cha, học chuyên khoa mắt bên Mỹ. Hắn nói, “ Tụi nhỏ đứa nào cũng đẹp, học giỏi, thông minh, tụi Tây mết lắm, giống tui ngày xưa vậy.”; nói xong hắn cười sang sảng. Tôi hỏi: “ Cuộc sống của ông bây giờ thế nào?”. Chỉ chờ có vậy, hắn huyên thuyên: “ Sáng trước khi tới bệnh viện ( nhà nước), tui mổ hai ca, nếu mổ một con mắt thì hai mươi triệu, nếu mổ hai con mắt thì bốn mươi triệu, sau đó mới đi làm; trưa, tui tranh thủ làm một hoặc hai ca nữa; chiều, khám bệnh ngoài giờ ở dưỡng đường do tui làm chủ, đến tối mịt mới về nhà.”.

Còn bà xã thì sao? Tôi hỏi tiếp, hắn trả lời: “ Tui xây cho bà ba cái dưỡng đường, mổ xong, tui chuyển cho bả chăm sóc. Chưa kể tiền thuốc, khám sau mổ, chỉ tiền phòng không thôi bà cũng thu được năm triệu một người/ngày. Bả bây giờ trẻ, đẹp hơn xưa. Đó là nhờ tui cưng như cưng trứng, hứng như hứng hoa. Mỗi ngày bà chỉ có việc ngồi trên chiếc xe đời mới nhất (xe cũ tui thay liền) cho tài xế lái đi từ dưỡng đường này qua dưỡng đường khác, xem sổ sách, thu tiền, là hết việc. Chung quanh bả lúc nào cũng có hàng chục người hầu hạ, sung sướng như bà hoàng.”.

Đúng đoạn hào hứng này tôi hỏi hắn “chuyện ngắm trăng”. Và tôi nhận được câu hỏi lại của hắn “ Trăng là gì?”, kèm theo một nụ cười ngạo nghễ.

Hình minh họa (lấy từ Net)
                                           
Hôm rồi cửa sổ tâm hồn của tôi lại trở chứng, nhìn xa bị mờ, nhìn gần mờ hơn nhìn xa. Thấy vậy, bạn bè người khuyên đi mổ, người can ngăn. Tôi chợt nhớ đến hắn, liền đến gặp, tôi cần ở hắn một lời khuyên.

Lần gặp lại này, nếu hắn không chủ động chào tôi trước, tôi sẽ không nhận ra. Trước mắt tôi là ông bác sĩ già khọm, tóc bạc trắng, mặt buồn rười rượi, nước da tối sạm. Đâu mất rồi một ông bạn có gương mặt phơi phới, hình thức lịch lãm và nụ cười ngạo nghễ? Thấy vậy tôi quên mất mục đích đến là để khám mắt, vội hỏi,“ Làm ăn thất bát hả?”. Hắn im lặng rất lâu rồi nói một câu chẳng ăn nhập gì đến câu tôi hỏi:“ Cô gái mong manh đã bỏ tôi đi lấy chồng khác rồi! Bỏ vội vã đến nỗi không thèm chia gia tài bà ạ.”. Tôi giật mình: “ Bỏ luôn ba cái dưỡng đường to đùng sao?”. Hắn nghẹn ngào: “ Ừ, bỏ luôn, thế mới điên!”.

Tôi nhẹ nhàng ngồi bên cạnh, cầm tay hắn, im lặng. Hắn bắt đầu chia sẻ: “ Bà có nhớ cái thằng cù lần trong lớp mình không? Cái thằng hâm hâm đi học bằng chiếc Mô bi lết (Mobylette) cà tàng, con của ông già sửa xe đầu đường gần trường tụi mình học đó.”. Hắn nói tiếp, mắt hắn như có nước:“ Thằng đó coi vậy mà học giỏi, tụi mình không nhằm gì với nó đâu, bây giờ nó làm giáo sư của một số trường Đại học. Nghe nói, tình duyên nó trục trặc sao đó (không chừng hồi nhỏ nó thương thầm vợ tui à nghen) nó ở vậy luôn cho đến giờ. Hôm rồi làm thủ tục ly dị với tui xong, bả kết hôn với nó liền. Thằng đó nghèo rớt mồng tơi, lương thầy giáo nuôi bả gì nổi. Hiện nay bả phải nhận may quần áo thêm cho khách, hai người mới đủ sống. Vậy mà gặp lại tui, mặt bả tươi rói, chưa bao giờ ở với tui mà mặt bả tươi rói như vậy.”.  Rồi hắn nói, như nói với chính mình: “ Đàn bà nhiều người kỳ cục lắm, chồng cung phụng cho đủ thứ, nuông chìu hết mực mà vẫn đành lòng bỏ đi lấy người không bằng một góc của chồng mình. Thật không thể hiểu nổi!”.

Chờ hắn vơi bớt nỗi ấm ức tôi hỏi thăm hai đứa nhỏ. Tôi nghe từ hắn một giọng thiểu não hơn:“ Tưởng hai đứa nối nghiệp cha, ngờ đâu, từ lâu tụi nó đã chuyển qua học nghề khác, đứa học thiết kế thời trang, đứa học phóng viên báo chí. Đã thế tui gọi về để giao tài sản mà chẳng đứa nào chịu về. Tụi nó nói “ Ba mê tài sản hơn má và chúng con thì ba cứ giữ lấy.”. Tôi động lòng thương cảm, hỏi: “ Bây giờ ông sống như thế nào?”. Hắn nói, “ Tui ở luôn trong bệnh viện, về nhà ở một mình, buồn lắm.”. Không thể không hỏi thêm: “ Thế căn nhà lớn ở quận nhất và ba cái dưỡng đường ai ở, ai trông coi?”. Hắn nói, giọng nhẹ như gió thoảng: “ Lâu lắm rồi tui chẳng ghé về nhà, còn ba cái dưỡng đường đang treo bảng bán hoặc cho thuê.”. Thói quen nghề nghiệp, tôi đánh giá: “ Ba cái dưỡng đường đó, bán cũng bộn tiền ông ạ.”. Hắn ngẩng lên nhìn tôi, mắt hắn sâu thăm thẳm: “ Của đó vô thường lắm, không có thật đâu bà.”.
  

Giá mà, mười năm trước hắn nhận ra sự vô thường đó thì đoạn kết của đời hắn đâu đến nỗi buồn như bây giờ?

Tự nhiên tôi nhớ gương mặt phơi phới với nụ cười ngạo nghễ khi hắn hỏi ngược lại tôi “ Trăng là gì?”.

Trăng là gì ư? Trăng là ly nước mát của vợ trao tận tay mà hắn quên uống. Trăng là cái bình hoa vợ chăm chút cắm mong chồng để mắt tới, thế mà hắn đành lòng không màng. Trăng là tiếng cười reo của hai đứa con đón hắn sau những giờ làm việc nhưng vì mệt, hắn đã cằn nhằn, quạu quọ. Trăng là những bữa cơm nóng mà khi hắn về thì đã nguội lạnh, rồi cả nhà nhịn ăn theo hắn.

Trăng còn là cái nắm tay âu yếm mà từ rất lâu hắn quên trao cho vợ. Trăng còn là những đêm vì sợ con lạnh, hắn rón rén bước qua phòng kéo mền đắp cho con mà sau này vì mệt mỏi, ngủ vùi, hắn quên. Trăng còn là tất cả những mây và gió, những hương và hoa trong cuộc sống mà do tâm không an, thân không lạc cho nên hắn không thể cảm nhận được.

Trăng là gì nữa? Là người vợ đã bỏ chồng giàu đi lấy chồng nghèo; là những đứa con thà kiếm tiền từ sức lao động và trí tuệ của mình chớ không nhận tài sản của người cha để lại. Trăng còn là kết cục của đời hắn, bỏ mặc căn nhà lớn ở quận nhất và đóng cửa ba cái dưỡng đường to đùng vào ở trong bệnh viện, vì ở một mình buồn lắm.
Những người chồng bận rộn ơi, nhớ dành thời gian ngắm trăng với vợ và con, đừng để trăng lặn mất, rồi tiếc như hắn, bạn của tôi.
  
Kenneth Ng



Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2016

Nhật Bản Vẫn Đẹp Mỗi Độ Thu Sang

NHẬT BẢN VẪN ĐẸP MỖI ĐỘ THU SANG

Khi mùa xuân đến, cả Nhật Bản như chìm trong sắc hồng ngọt ngào của hoa anh đào thì tới mùa thu sang, đất nước mặt trời mọc lại được khoác lên mình tấm áo vàng trầm tĩnh.

Hạ qua, thu tới cũng là lúc những tán xanh dần chuyển qua sắc vàng. Nếu ví Nhật Bản vào mùa xuân giống một thiếu nữ mới lớn, còn e ấp dè dặt thì khi thu sang vùng đất này lại như một người phụ nữ trưởng thành, trầm mặc với nhiều ưu tư. Thế nhưng, chỉ cần một lần tản bộ dưới tán lá phong, cảm nhận làn gió thu đang mơn man nhẹ nhàng trên mái tóc rồi đưa tầm mắt nhìn ra phía chân trời xa, bạn sẽ thấy hạnh phúc hóa ra cũng chỉ giản dị như vậy thôi.



Tán lá phong đỏ thẫm như chất chứa nhiều phiền muộn, ưu tư


Hạnh phúc chẳng ở đâu xa, hạnh phúc thật ra rất gần



Gió thu man mác cùng chút hơi lạnh từ thác nước trắng xóa cũng đủ để thổi bay bao mệt nhọc


Sắc vàng óng ả như ôm lấy cả đất trời Nhật Bản


Chút nắng hanh chiếu rọi qua tán lá cũng làm người ta thấy phấn chấn đôi phần


Phải chăng đây chính là thiên đường dưới hạ giới mà người ta vẫn luôn nhắc tới


Lá đỏ chứng tỏ thu sang


Nhấp một ngụm trà rồi hít hà không khí mùa thu, cuộc đời thật thi vị biết bao


Chú nai nhỏ cũng tận hưởng trời thu trước khi mùa đông lạnh giá lại tới


Dưới ánh nắng nhạt đầu thu, lá cây ngân hạnh bỗng bừng sáng như khối vàng lấp lánh


Phố cũ, người đi, màu nắng tắt. Thu về, câu hát hóa heo may



Gió thu khẽ bay vào con đường nhỏ, phố thu buồn lòng em cũng buồn theo


Mùa thu lá vàng, mùa thu của những điều úa tàn


Sống như hoa mùa hạ, mất như lá mùa thu, vậy còn gì tiếc nữa?


Thu đến trong vội vàng còn em thì vẫn bàng hoàng nơi đây


Hồn thu cô đơn, u tịch mà vẫn đa tình, vô tâm

Nguồn Kyuhoshi



Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2016

Bob Dylan Giải Nobel Văn Chương 2016

Tản Mạn Văn Học

Nói chuyện với nhà báo và nhạc sĩ Đinh Sinh Long về
Bob Dylan với ca khúc “Blowin’ in The Wind”
và Giải Nobel văn chương 2016




NguyễnMạnhTrinh: Mỗi năm cứ vào dịp đầu tháng 10 là dư luận trong giới văn học thế giới lại xôn xao bàn tán với câu hỏi là: Ai sẽ đoạt giải văn chương Nobel năm nay? Hội Đồng Tuyển Chọn của Hàn Lâm Viện Thụy Điển với thành phần gồm 18 giám khảo sẽ quyết định về giải thưởng cao quý này. Năm nay, trước ngày tuyên bố kết quả của giải văn chương, đã có những dự đoán và những người đánh cá cược, dưa vào những thăm dò riêng của họ. Như Ladbrokes’, đã tiên đoán người đoạt giải sẽ là Haruki Murakami, tiểu thuyết gia Nhật Bản, với tỉ lệ 1 ăn 4, thứ nhì là thi sĩ Syrian Adonis với tỉ lệ 1 ăn 6, thứ ba là tiểu thuyết gia Hoa Kỳ Philip Roth 1 ăn 7, thứ tư là Ngugi Wa Thong, tác giả người Kenyan 1 ăn 10, thứ năm là Joyce Carol Oates, tác giả người Hoa Kỳ với tỉ lệ 1 ăn 16. Đó là top-five trong danh sách dự đoán. Bob Dylan, nhạc sĩ Pop của Hoa Kỳ, chỉ có thứ hạng khá khiêm nhường với tỉ lệ 1 ăn 50.

Và kết quả khá ngạc nhiên cho tất cả mọi người: Một nhạc sĩ đoạt giải Nobel văn chương. Ngày 13 tháng 10, Thư ký Thường Trực của Hội Đồng Tuyển Chọn - Sara Danius – tuyên bố Bob Dylan chính thức đoạt giải Nobel Văn Chương năm 2016. Trong bản văn tuyên bố giải thưởng, Bob Dylan được xưng tụng là một nhạc sĩ “đã sáng tạo được cách diễn đạt thi ca tân kỳ trong truyền thống ca khúc vĩ đại của Hoa Kỳ,” và “ông là một nhà thơ vĩ đại trong truyền thống văn chương Anh ngữ.”

NhãLan: Bob Dylan là nghệ danh của Robert Allen Zimmerman, người Hoa Kỳ gốc Do Thái. Ông là một nghệ sĩ đa tài, vừa là nhạc sĩ, ca sĩ, diễn viên, và còn là họa sĩ, nhà văn, nhà biên soạn kịch nữa. Trong hơn 5 thập niên, ông là một chân dung nghệ sĩ có ảnh hưởng tới nền âm nhạc và văn học thế giới. Ảnh hưởng lớn nhất của ông là những ca khúc ông viết trong thập niên 60 với chủ đích khởi xướng và dẫn đường cho những phong trào tranh đấu cho nhân quyền, cho công bằng xã hội và chống đối chiến tranh. Nổi bật là hai ca khúc “Blowin’ in the Wind” - Cuốn Đi Theo Gió - và “The Times They Are A-Changin’” - Thời Đạí Đang Đổi Thay – là hai bài thánh ca của các phong trào đòi hỏi nhân quyền và chống chiến tranh trong thập niên 60 và 70 ở Hoa Kỳ.

Những ca khúc của Bob Dylan luôn luôn được xếp hạng cao trong các bảng xếp hạng các bài ca được nhiều người ưa chuông. Đặc biệt là ca khúc “Like a Rolling Stone” - Như Một Hòn Đá Lăn - đã từng được Tạp Chí Rolling Stone xếp vào hạng Nhất, trong danh sách “500 ca khúc hay nhất của mọi thời.” Bob Dylan, với 55 năm sinh hoạt nghệ thuật không ngưng nghỉ, với hàng trăm ca khúc ông sáng tác, với hàng trăm đĩa nhạc phát hành và lưu diễn trên khắp thế giới, danh tiếng và tầm ảnh hưởng của Bob Dylan thật là rộng lớn. Ông đã từng đoạt được giải Pulitzer Hoa Kỳ năm 2008. Ông đã được Tổng Thống Mỹ Barack Obama trao Huân chương Tự do năm 2012. Và bây giờ, được trao tặng Giải Nobel Văn Chương 2016.

NhãLan: Thưa quý vị, Chương trình Tản Mạn Văn Học hôm nay, chúng tôi có mời một vị khách quý là nhà báo Đinh Sinh Long, mà trước đây, chúng tôi đã có dịp nói chuyện, trong chương trình này, về đề tài báo chí của Không Quân. Thưa quý vị, nhà báo Đinh Sinh Long cũng còn là một nhạc sĩ, một nghệ sĩ tài tử, ông là “fan” của Bob Dylan, và ông đã từng viết lời Việt cho bài ca rất nổi tiếng “Blowin’ in The Wind” -Gió Cuốn Đi Rồi- của Bob Dylan. Hôm nay, chúng tôi mời ông tham dự buổi tản mạn này, để cùng với chúng tôi, Nhã Lan và nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh, nói về Bob Dylan, người nhạc sĩ vừa được trao tặng giải thưởng Nobel Văn Chương năm 2016.

1 - NguyễnMạnhTrinh: Thưa anh, khi anh hay tin nhạc sĩ Bob Dylan đoạt giải Nobel văn chương năm nay, anh có thấy bất ngờ không?

ĐinhSinhLong: Vâng, đương nhiên là bất ngờ rồi. Giải thưỏng về văn chương mà lại trao cho một ông nhạc sĩ thì đúng là điều gây ngạc nhiên. Và vì ngạc nhiên, nên tôi mới tìm đọc một số bài viết về Bob Dylan. Tôi mới biết là có nhiều phê phán và tranh luận trong giới văn học về giải Nobel văn chương năm nay. Tôi cũng có đọc cả những bài tiếng Việt như bài viết về Bob Dylan của anh Nguyễn Mạnh Trinh đây, rồi cũng đọc bài của Hoài Nam trên trang mạng Tư Vấn & Bạn Hữu, và đọc cả bài của Trần Doãn Nho trên NgườiVietonline, đặc biệt là bài thơ rất hay, do Trần Ngọc Cư dịch từ lời ca “Blowing in the Wind” thành bài thơ “Thoảng Bay Theo Gió,” đăng trên trang mạng Khoahocnet. Thât ra, trước đây tôi chỉ biết Bob Dylan là tác giả của "Blowing In The Wind", là bài ca mà tôi rất thích, thích từ thời còn trẻ, và rồi sau này, tôi đã có dịp dịch bài này sang lời Việt để hát. Lời bài ca tiếng Anh của Bob Dylan rất hay, rất cảm động. Đó là một bài thơ, khi hát lên, như ta đang hát những lời của một bài thơ vậy.

2 - NhãLan: Nói đến Bob Dylan là chúng ta nghĩ ngay đến “Blowin’ in The Wind” rồi. Đây là một ca khúc rất nổi tiếng và từng được coi là thánh ca của phong trào đấu tranh cho nhân quyền và chống chiến tranh của thanh niên Hoa Kỳ trong thập niên 60, 70. Sau đây, Nhã Lan xin giới thiệu bài ca này cùng quý vị. Bài này do chính tác giả Bob Dylan trình diễn lần đầu, vào năm 1963. Xin mời quý vị cùng nghe:


Video clip 1: Blowing In The Wind (Live On TV, March 1963)

3 - NguyễnMạnhTrinh: Đây là một ca khúc rất hay và rất nổi tiếng của Bob Dylan. Theo anh, yếu tố nào làm cho ca khúc này hay và nổi tiếng?

ĐinhSinhLong: - Theo tôi nghĩ, một cách đơn giản, một ca khúc được coi là “hay”, nếu nó rung động được lòng người. Theo Bob Dylan, có lần ông phát biểu là, đối với một ca khúc phổ thông, có lời và nhạc, thì lời ca là yếu tố quan trọng nhất. Áp dụng vào ca khúc “Blowing In the Wind” này, như chúng ta vừa mới nghe, ta thấy rằng: Lời ca có vần điệu như một bài thơ, gồm ba đoạn là những câu hỏi về thân phận con người, về ý nghĩa cuộc đờì, về nhân quyền và về chiến tranh. Điệp khúc là: The answer, my friend, is blowing in the wind – Câu trả lời, bạn ơi, đã bay theo gió rồi”. Bài ca này gửi cho ta một thông điệp, thôi thúc ta phải suy nghĩ, phải có thái độ, cho những vấn nạn đã nêu lên trong các câu hỏi. Còn về giai điệu, đây là một điểm đăc biệt của Bop Dylan, ông dùng một giai điệu giản dị, pha trộn âm giai trưởng và thứ theo một vòng luân lưu rất dễ nghe. Bởi vậy, "Blowin’ in the Wind" là một ca khúc hay, dễ phổ biến và rất nổi tiếng. Nổi tiếng vì nó gắn liền với phong trào đấu tranh cho nhân quyền và phản chiến ở Hoa Kỳ thời đó.

4 - NhãLan: Như chúng ta đã biết, bài ca này từng được coi là thánh ca của phong trào tranh đấu cho nhân quyền và chống chiến tranh ở Hoa Kỳ. Chính Bob Dylan và danh ca Joan Baez, người tình của ông, cặp nghệ sĩ tài danh này đã song ca bài Blowin’ in the Wind trong cuộc diễn hành lịch sử “March on Washington” năm 1963, mà Mục sư Martin Luther King Jr. từng đọc bài diễn văn “I have a Dream” nổi tiếng khắp thế giới. Và sau này, nó còn là bài ca chính thức của phong trào phản chiến tại Hoa Kỳ. Vậy Nhã Lan xin hỏi, tại sao bài này lại được phổ biến trong giới quân nhân Mỹ tham chiến ở VN dạo đó?

ĐSLong: Vâng, thì có thể hiểu, có thể cắt nghĩa, đó là một đặc điểm của chế độ tự do. Hoa Kỳ, và tôi nghĩ, một phần nào đó, của chế độ “tương đối tự do” ở Miền Nam VN trước đây nữa. Có tự do trong nghệ thuật, có tự do sáng tác. Do đó, bài ca này vẫn được phổ biến rộng rãi. Thực ra đây không phải là bài ca “phản chiến”, nội dung của nó là nói về nhân quyền và khơi dậy lòng yêu thương hòa bình. Phong trào phản chiến thời đó chọn nó làm bài ca chính của phong trào nên nó mới bị gán cho cái ý phản chiến mà thôi. Tôi xin nói thêm một ý này: Dưới chế dộ CS Miền Bắc, các ca khúc thời chiến tranh thì phải hô hào chiến tranh, xông lên, bắn giết. Còn ca khúc ở Miền nam thì nói đến tình yêu và tâm tư con người trong cuộc chiến. Nếu có những lời ca than vãn về nỗi đau thương hay suy tư về cuộc chiến, thì không hẳn bị coi là phản chiến. Vì vậy Miền Nam mới có Trịnh Công Sơn, được tự do sáng tác, được tự do phổ biến. Trường hợp bài ca này của Bob Dylan cũng vậy. Các đài phát thanh của quân đội Hoa Kỳ và các club nhac trong căn cứ, vẫn cho hát “Blowin’ in the Wind”, và nhiều bài như "Five hundred miles," "Country Road," làm lòng người lính trĩu nặng nỗi buồn nhớ nhà. Dù vậy, vẫn không sao. Đó là đặc điểm của nền văn nghệ tư do. Trường hợp cá nhân tôi, là một quân nhân tình nguyện vào quân ngũ, từng phục vụ nhiều năm ở đơn vị tác chiến, khi nghe được bài này, tôi nhớ là từ một đĩa hát do bộ ba Peter, Paul và Mary trình bày, tôi rất xúc động, nhưng nó chẳng hề làm sờn lòng chiến đấu của mình.

Một điều nghe có vẻ nghịch lý là: lòng mình, trái tim mình, thì xúc động với lý tưởng hòa bình, chán ghét chiến tranh, trong khi đầu mình, trí mình, thì bảo phải chiến đấu, phải cầm súng, phải tự vệ. Chúng ta chiến đấu là để bảo vệ một xã hội có tự do, có nhân quyền cho Miền Nam. Bài hát này nói về nhân quyền, nó thức tỉnh con người về giá trị của nhân quyền, của hòa bình. Cho nên nó làm mình xúc động, nó lôi cuốn được thế hệ trẻ có lý tưởng

5 - NhãLan: Anh vừa nói đến đĩa hát của bộ ba Peter, Paul và Mary. Đúng vậy, họ đàn hát bài này rất truyền cảm, hòa âm rất hay, nghe rất xúc động. Nhã Lan đề nghị chúng mình nên tạm ngưng nói chuyện một lát, để mời quý vị thưởng thức, một lần nữa, bài ca “Blowin’ in the Wind” của Bob Dylan, do bộ ba Peter, Paul và Mary trình diễn sau đây:


Video clip 2: Peter, Paul and Mary - Blowing in the Wind

6 - NMTrinh: Bob Dylan còn là thi sĩ, là họa sĩ, là nhà văn. Những lời ca của ông cũng là những bài thơ, nó chuyên trở những ý tưởng, nó là những thông điệp nói lên tâm tư của con người cùng thế hệ ông, cho nên ông từng được tuyên dương là “Tiếng nói của thế hệ mình,” “The voice of his generation.” Anh nghĩ thế nào? Anh thích nhất ca khúc nào của Bob Dylan?

ĐSLong: Vâng, thực ra thì Bob Dylan không nhận cái danh hiệu là “tiếng nói của thế hệ”. Trong một cuộc phỏng vấn, ông nói ông chỉ đơn giản là một “nhạc sĩ” mà thôi. Ông cũng không bao giờ giải thích ý nghĩa của những bài ca ông viết. Ông để mỗi người tự cảm nhận lấy theo ý riêng của họ. Còn bài ca nào của Bob Dylan mà tôi thích nhất? thì thực ra, tôi chỉ thích hát một bài của ông ấy, là bài “Blowin’ in the wind.“ Một bài đó thôi. Những bài khác thì hoặc tôi không được biết đến, hoặc biết mà không thích hát. Đơn giản là vì những bài đó phần lớn thuộc loại nhạc Rock, ồn ào, không hợp với tai của người Việt ở thế hệ tôi. Tuy nhiên, chỉ nói về lời ca, thì phải công nhận rằng những lời ca Bob Dylan viết, đều là những bài thơ hay, hay cả ý lẫn chữ. Chẳng hạn, như bài “Like a Rolling Stone” - “Như một hòn đá lăn”, là bài được xếp hạng Nhất trong “500 bài ca hay của mọi thời”. Tuy rằng nó nổi tiếng với người Mỹ, nhưng không hợp với người Việt, nói chung.

7 - NMTrinh: Có người nói Trịnh Công Sơn chịu phần nào ảnh hưởng lời ca của Bob Dylan, chằng hạn Bob Dylan có “Blowing in the wind” thì Trịnh Công Sơn có “Để gió cuốn đi”, Bob Dylan có “Like a rolling stone” thì Trịnh Công Sơn có “Như một hòn bi xanh.” Anh nghĩ thế nào về sự so sánh này?

ĐSLong: Tôi nghĩ so sánh như vậy là không đúng. Trịnh Công Sơn viết “Để Gió Cuốn Đi” với câu hỏi mở đầu: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Và ông trả lời: “Để gió cuốn đi” với ngụ ý là: để gió mang đi gieo rắc tấm lòng đó, tình thương đó vào đời, cho mọi người. Còn Bob Dylan thì chuyên viết những ca khúc được gọi là “phản kháng”, ông nêu lên những câu hỏi, những điều phi lý của cuộc đời, bất công của xã hội, như trong bài “Blowing in the wind”, tôi tạm dịch để dễ hát theo nốt nhạc, là “Gió Cuốn Đi Rồi”, với ngụ ý là: những câu trả lời cho các vấn nạn đó đã không tìm ra được, vì nó đã bị gió cuốn đi vào chốn mù khơi rồi. Vậy thì “Gió cuốn đi rồi” khác hẳn với “Để gió cuốn đi” của TCS. Cũng vậy, với bài “Như một hòn bi xanh” TCS so sánh “Như một hòn bi xanh, trái đất này quay tròn. Căn nhà ta nằm nhỏ, trong một lòng quê hương” để rồi kêu gọi: “Này em trong mỗi con tim, nhớ mang quê hương của mình.” Tôi chợt nghĩ , không biết có phải TCS viết bài này trong một “Trại sáng tác do nhà nước tổ chức” để kêu gọi những người Việt Hải Ngoại không? Ý “yêu quê hương” này nghe rất kêu, kiểu thơ phú cường điệu nặng mùi tuyên truyền: “Quê hương là trùm khế ngọt… Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người!” của một ông thi sĩ nào đó. Còn Bob Dylan viết “Like a Rolling Stone - Như một hòn đá lăn,” là ví von số phận đổi thay của một phụ nữ, từ chỗ đỉnh cao, có tất cả, tiền tài, danh vọng, rồi một ngày cô bị rơi xuống đáy tận cùng, mất tất cả. Đoạn điệp khúc như thế này: How does it feel? - Cảm giác thế nào nhỉ. To be on your own- Khi phải sống một mình. With no direction home- Khi không biết đâu là nhà. Like a complete unknown- Như một kẻ hoàn toàn vô danh. Like a rolling stone- Như một hòn đá lăn. Tôi dẫn chứng dài dòng như vậy để thấy rằng “như một hòn bi xanh” vui tươi của Trịnh Công Sơn hoàn toàn khác ý nghĩa với “Như một hòn đá lăn” bi thảm của Bob Dylan. Tuy nhiên, nếu có điều so sánh nào đó giưã hai nhạc sĩ này, thì có thể nêu lên ở điểm này, chỉ ở điểm này thôi: Đó là lời ca của họ đều là những bài thơ, mang ngôn ngữ và âm điệu của thơ. Vậy thôi.

8 – NMTrinh: Anh nói đến chất thơ trong ca khúc. Ngoài Trịnh Công Sơn như anh kể, còn có nhạc sĩ nào khác không?

ĐSLong: Nhạc sĩ có lời ca thơ, tự mình viết cả nhạc lẫn lời, mà lời là thơ, theo tôi, thì có Nguyễn Đình Toàn. Nguyễn Đình Toàn ở Miền Nam, không phải là Nguyễn Đình Toàn ca sĩ ở ngoài Bắc, thường hát nhạc TCS thấy trên Youtube, mà nhiều người lẫn lộn vì trùng tên. Nguyễn Đình Toàn của Miền Nam là văn sĩ, tác giả của “Áo Mơ Phai” đã được trao tặng giải thưởng Văn Chương toàn quốc của VNCH trước 75. Ông cũng là thi sĩ và nhạc sĩ, đa tài giống như Bob Dylan. Toàn bộ những ca khúc ông viết, trên 100 bài, đều là thơ. Ông viết lời thơ về tình yêu, về thân phận, về đất nước. Nhiều bài nổi tiếng đã được phổ biến rộng rãi trên Youtube với tiếng hát của Khánh Ly, Lệ Thu, Duy Trác, Tuấn Ngọc và nhiều giọng ca khác nữa. Bob Dylan quan niệm lời ca quan trọng hơn giai điệu. Điều này tôi thấy là đúng. Rất đúng trong trường hợp nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn. Chính phần lời ca, lời thơ của ông đã chinh phục người nghe hơn là phần giai điệu của ca khúc. Như “Nước Mắt Cho Sài Gòn,” “Hãy Thắp Cho Nhau Một Ngọn Đèn,” “Căn Nhà Xưa,” “Một Cánh Hoa Rơi,” “Đường Đưa Bước Em Đi,” “Mưa Khuya,” “Tình Khúc Thứ Nhất,” “Còn Tiếng Hát Gửi Người” v.v.. Hát những bài của nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn là ta “hát thơ”, “ca thơ”, nói theo chữ của Hoàng Ngọc Tuấn, cũng là một nhạc sĩ kiêm thi sĩ, hiện là chủ biên của trang Tiền Vệ, bên Úc Châu. Cũng vậy, giải Nobel văn chương năm nay trao cho Bob Dylan chính là vì cái giá trị văn chương của những lời ca thơ trong các ca khúc của ông, đúng như những lời tuyên dương trong bản tuyên bố giải thường: Bob Dylan là một nhạc sĩ “có những sáng tác diễn tả tân kỳ trong truyền thống ca khúc vĩ đại của Hoa Kỳ,” và “ông là một nhà thơ vĩ đại của nền văn học Anh ngữ.”

9 - NhãLan: Nhã Lan được biết là anh có viết lời ca tiếng Việt cho bài “Blowin’ in the Wind”. Trước khi mời quý vị thưởng thức bài ca này với lời tiếng Việt của anh, xin anh nói đôi điều về việc anh viết lời Việt cho bài ca này như thế nào?

ĐSLong: Vâng, việc này cũng có một vài sự tích. Tôi xin phép sẽ dài dòng một chút để gợi lại một vài kỷ niệm riêng. Bài Blowin’ in the Wind này tôi nghe lần đầu, từ hồi còn chiến tranh, khoảng đầu năm 1968, khi đó tôi đang theo học lớp Báo Chí ở Hoa Kỳ. Phong trào phản chiến ở HK lúc đó đang bùng lên rất mạnh. Bài Blowin’ in The Wind rất phổ biến. Tại sao tôi thích bài này, thì tôi đã trình bày lúc trước rồi. Rồi sau 75, sau khi tôi bị tù Cộng sản ở ngoài Bắc được thả về Sài Gòn, tôi gặp lại một nhạc sĩ trẻ, Nguyễn Tiến Chỉnh, cũng là một phi công đi tù CS về, anh bạn này chơi guitar bass trong ban nhạc ở Tour d’ Argent cùng nhạc sĩ Phạm Trong Cầu và nhạc sĩ Nhật Bằng. Nguyễn Tiến Chỉnh cho tôi bản in của ca khúc này, và chúng tôi tập guitar với nhau. Lúc đó, trong chỗ riêng tư, chúng tôi rất thích hát lại những ca khúc của Mỹ như Imagine, Greenfields, Five Hundred Miles, House of the Rising Sun, The End of the World, If You Go Away v.v. và nhất là bài Blowin’ in the Wind. Không ngờ, và cũng là điều oái oăm: Bài hát một thời là “thánh ca” của phong trào phản chiến, thì nay, đối với chúng tôi, là những “nạn nhân cộng sản”, bây giờ sống trong một xã hội đang băng hoại, sống dưới một chế độ độc tài và trà đạp nhân quyền, thì bài ca này lại càng thấm thía và đánh động tâm can chúng tôi vô cùng. Và lúc đó, tôi rất muốn dịch nó sang lời Việt. Nhưng dịch bài này không dễ. Phải tìm đúng chữ, vừa đúng ý lời ca gốc, lại vừa dễ hát cho hợp với nốt nhạc, và còn phải hợp với lối nói tự nhiên của người Việt mình nữa. Vì khó, nên tôi bỏ dở. Mãi đến khi sang đến đất Mỹ này, tình cờ một hôm cao hứng, tôi đã dịch xong lời Việt cho bài này, đó là vào năm 1994. Tuy chưa được hoàn hảo, nhưng tôi cũng hài lòng. Và hôm nay, vì nhận lời mời của cô Nhã Lan và anh Nguyễn Mạnh Trinh đây, nên chúng tôi cố gắng thực hiện video clip cho bài ca tiếng Việt này. Dù là với tiếng hát mộc mạc và già nua cùa đôi vợ chồng đã ở tuổi ngoài 70, nhưng đây là “tấm lòng văn nghệ” của chúng tôi đóng góp cùng các bằng hữu.

10 – NhãLan: Và bây giờ, xin mời quý vị, chúng ta cùng nghe “Gió Cuốn Đi Rồi” do Ngọc Diệp và Đinh Sinh Long viết lời Việt và đàn hát sau đây


Video clip 3: Gió Cuốn Đi Rồi (Blowing In The Wind- Bob Dylan)
Đinh Sinh Long & Ngọc Diệp

11 – NhãLan: Cám ơn anh chị Đinh Sinh Long và Ngọc Diệp đã đóng góp cho chương trình một video ca nhạc nghệ thuật rất có ý nghĩa. Lời Việt anh đăt rất khéo, rất sát với ý của lời ca gốc, mà vần điệu cũng giống như một thơ vậy. Thưa anh, anh dịch Blowin’ in the Wind là “Gió Cuốn Đi Rồi”. Nhã Lan thấy trên Facebook có người dịch là “Để Gió Cuốn Đi,” anh nghĩ thế nào?

ĐSLong: Cô Nhã Lan nêu lên câu hỏi này rất hay. Vì câu “The answer, my friend, is blowing in the wind” của Bob Dylan lâu nay vẫn còn gây tranh luận đối với chính người Mỹ. Như ta đã biết, Bob Dylan không bao giờ chịu cắt nghĩa những lời ca ông viết. Ông để mọi người tự do hiểu lời ca đó theo quan điểm riêng của họ. Cho nên mới mạnh ai nấy hiểu, và tha hồ giải thích, tranh cãi. Có người giải thích rằng: Câu trả lời không hề TAN BIẾN MẤT trong gió đâu. Nó ở trong gió, nó ở quanh ta, nếu ta biết lắng nghe ta sẽ nghe thấy đươc. Trần Ngọc Cư đã dịch sang thơ thế này: “Lời đáp bạn ơi thoảng bay theo gió” nghe cũng hay lắm. Tôi dịch là “Ai ơi, câu trả lời, theo gió gió cuốn đi rồi. Ai ơi, gió cuốn trôi trong mù khơi” là cũng dịch thoat ý của lời gốc: “The answer, my friend, is blowin’ in the wind. The answer is blowin’ in the wind”. Còn ai đó dịch là “ĐỂ gió cuốn đi”, như tên của một ca khúc quen thuộc của Trịnh Công Sơn, thì tôi nghĩ, chữ ĐỂ đã làm sai lạc hoàn toàn ý của câu này và của cả bài ca này rồi. Mà thưc ra, theo tôi, cái ý chính, thông điệp chính, của bài này, là nằm ở những câu hỏi. Những câu hỏi đó mới là quan trọng: “Và còn bao đêm tăm tối, tiếng súng vang, vang khung trời, để một mai thôi chinh chiến, thôi đạn rơi? Và cần bao đôi tai nữa, hỡi những ai đang cần, để nghe tiếng khóc than trong nhân gian? v.v.. .. Các câu hỏi đó thúc giục người ta phải suy tư, phải thức tỉnh, phải có thái độ về các vấn đề nhân quyền và chiến tranh, chứ không nhất thiết là phải có được câu trả lời chỉ đơn giản bằng ngôn từ. Vâng, tôi nghĩ như vậy.

12 – NMTrinh: Bây giờ, xin trở lại với Giải Nobel. Xin hỏi anh câu chót, có liên quan đến cuộc tranh cãi về giải thưởng Nobel văn chương năm nay. Như chúng ta đã biết, giải Nobel văn chương năm nay đã chọn Bob Dylan, là một nhạc sĩ, chứ không chọn các nhà văn. Điều này dẫn đến nhiều phê bình và tranh cãi trong giới văn học, bên chỉ trích, bên bênh vực. Theo anh, anh nghĩ thế nào về chuyện này?

ĐSLong: Vâng, chuyện tranh cãi đó thì rất dài, bên bênh, bên chống, hai bên đều có những lý lẽ “có lý” theo lập trường của họ. Lên internet tìm đọc, hoặc qua bài viết trên tạp chí văn học của chính anh Nguyễn Mạnh Trinh đây, thì sẽ có đầy đủ chi tiết về vấn đề này. Nhiều lắm, nên tôi xin miễn nhắc lại. Còn anh hỏi tôi nghĩ thế nào, thì tôi xin bày tỏ ý riêng của tôi như thế này: Với một sự nghiệp văn hóa suốt một đời và rất to lớn của Bob Dylan, thì ông là một tài năng lớn, không thua kém bất cứ nhà thơ nhà văn nổi tiếng nào khác, cho nên, nếu ông được trao tặng giải Nobel thì cũng là điều rất xứng đáng. Có lẽ điều rắc rối làm người ta tranh cãi, là do cái tên giải “Nobel Văn Chương”. Nếu tên đó mà đổi thành “Nobel Văn Học Nghệ Thuật” như có người đã đề nghị, thì nó sẽ bao gồm mọi hình thức nghệ thuật của Văn học, chứ không phải chỉ có văn chương mà thôi. Và một điều nữa có thấy được qua sự kiện này là: Giải Nobel được chấm là căn cứ trên toàn bộ sự nghiệp của cả một đời người, chứ không phài chỉ căn cứ vào một vài tác phẩm đặc biệt. Và, việc Bop Dyland đựơc trao tặng giải Nobel văn chương năm nay, đã cho chúng ta thấy rằng: thi ca và âm nhạc cũng quan trọng không kém gì văn chương.

NhãLan: Xin cám ơn anh Đinh Sinh Long. Thưa quý vị, câu trả lời của nhà báo và nhạc sĩ Đinh Sinh Long vừa rồi, chính là lời kết cho chương trình Tản Mạn Văn Học về đề tài “Bob Dylan với ca khúc “Blowing in the Wind” và giải Nobel văn chương 2016.” Nhã Lan và nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh xin thân ái kính chào tạm biệt, và xin hẹn gặp lại vào kỳ tới.