Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2016

Nơi Ấy Mùa Đông



Sáng nay Sài Gòn trở lạnh. Cái lạnh hiếm hoi nhưng không kém phần đỏng đảnh cũng đủ để dân Sài Gòn áo khoác xanh, áo khoác đỏ xuống phố. Cứ ngỡ thiên hạ hăm hở vì khúc giao mùa, buổi chiều về nhà mở TV mới hay mình là người vô tình. Trên màn hình dấu hiệu bão là một vệt đỏ gắn mũi tên. Mỗi giờ từ biển Đông vệt đỏ tiến dần về phía bờ biển miền Trung. Có lần mũi tên tiến đến gần một cái tên quen thuộc.
Trường Nữ tiểu học nằm ở đầu thị xã. Tháng 10 ÂL trời xám xịt. Mưa lớn nặng hạt. Gió thổi mạnh bật mấy gốc dương trước cổng trường. Bọn học trò tỉnh lẻ quần ống thấp ống cao, áo mưa dài phết đất, nắm tay nhau từ vườn bông Diên Hồng băng qua đường Trần Hưng Đạo đến trường. Trên tấm bảng đen ghi thông báo đặt giữa hai lớp nhất A và nhất B có dòng chữ: Hôm nay bão, toàn thể học sinh được nghỉ học. Bọn con gái lớp mình rủ nhau đi xem lụt. Đi dọc đường Trần Hưng Đạo, đứng trước lò bánh mì Thiên Hòa đã thấy từ xa nước loang loáng bạc. Cả bọn quần xắn cao chuẩn bị lội nước thì có tiếng nạt lớn: Đi về! Cỡ tụi bay xuống trường Bồ Đề nước lút đầu! Lời cảnh báo của ai đó không thừa. Trên đường về đã nghe người lớn xôn xao: bệnh viện tỉnh, trường Nguyễn Huệ, chợ mới đã ngập sâu. Như một vết khắc lên những năm tháng đầu đời. Hàng dương mưa lướt thướt trước cổng trường Nữ tiểu học và buổi lội nước hụt hôm nào cứ lởn vởn mãi những mùa đông sau này. 
Lên cấp II nhà dọn xuống dưới chợ. Một số ảnh của Tuy Hòa xưa nếu zoom lớn có thể thấy nhà mình khi ấy. Bến xe lam. Bến xe liên tỉnh. Quán ăn Thanh Đạm. Cây xăng Quế Xương. Tiệm thuốc tây Tân Tiến. Kiosque Trường Phát. Tiệm gạo Hợp Lợi. Tiệm tạp hóa Thiệu Phong…Đường Bùi Nguyên Ngãi mùa hè hoa muồng rụng như một tấm thảm vàng. Đông về hàng cây buồn xơ xác. Từng đám lá thi nhau xoay tròn theo cơn gió mạnh. Nơi góc nhỏ Hội Thánh Tin Lành một chiều mưa tầm tã năm 16 tuổi có người đã bỏ lỡ cuộc hẹn như nhà thơ KT viết “Đôi khi lỡ hẹn một giờ. Lần sau muốn gặp phải chờ trăm năm”.
Đường từ nhà đến trường Nguyễn Huệ cũ chỉ băng qua hai ngã tư là đến. Mùa nắng không sao. Mùa mưa chỉ cần một chiếc xe lam chạy ngang qua là mang nguyên cả vạt áo dài dơ đến trường. Mà mùa đông thì rất dài. Đêm xuống mưa dầm rả rích, các cửa hiệu đi ngủ sớm. Phố xá vắng tanh. Đèn vàng hiu hắt. Đôi lúc he hé cửa nhìn mưa nghe tiếng rao ai…ăn…hột…vịt… lộn…không…từ phía chợ vọng lại tê tái buồn. Giá chỉ có mưa thôi đỡ khổ. Đằng này hết bão đến lụt, mỗi năm cứ đến hẹn lại lên. Chưa bao giờ mình biết cái thú lội nước lụt như các bạn ở những nơi cao hơn trong thị xã. Ở ngay rốn lũ mới biết thiên tai đáng sợ như thế nào. Cứ sau một cơn bão, mưa to, gió lớn là đến lụt. Sợ nhất nước lớn vào ban đêm. Thời tiết như thế thường thì cúp điện. Phố tối om. Mưa gió thét gào. Từng đợt gió mạnh giật tung các bảng hiệu, mái tole, cây gãy răng rắc nghe rợn người. Thỉnh thoảng có tiếng la thất thanh của những người lỡ đường trong đêm tối, không phân biệt đâu là hố, đâu là đường. Trong nhà nước lên rất nhanh, người lớn trở tay không kịp. Đồ đạc kê cao hơn mức lụt năm trước nơi chân tường. Đèn dầu, đèn pin, đèn bịch lạp có bao nhiêu được trưng dụng hết. Trong thứ ánh sáng mờ mờ nhập nhoạng là gương mặt lo âu, bước chân bì bõm trong nước của những người thân giờ đã khuất của mình.
Sáng ra bão tan. Mưa tạnh. Nước vẫn lên. Nước thượng nguồn sông Ba đổ về. Đứng trên sân thượng nhìn ra phía chợ, đường phố chung quanh như một biển nước khổng lồ. Với độ sâu nguy hiểm phải dùng thuyền bè qua lại, phố không là “giòng sông uốn quanh” thi vị như N/S Trịnh Công Sơn viết. Bấy nhiêu ngày lụt cũng ngần ấy thời gian phố chợ bị cách ly với thị xã. Trẻ con trong nhà bị dồn hết lên lầu. Ghe cập sát cửa để người lớn lên Ngã Năm đi chợ. Hầu như năm nào chợ tạm ngày lụt cũng họp ở phố trên. Năm nào nhà mình cũng ăn từng ấy món. Mắm nêm kho thịt ba chỉ ăn với cơm nóng, khế, chuối chát, rau mùa lũ. Cá rô đồng chiên giòn rụm chấm nước mắm ớt với rau lang luộc. Bông giờ, lá cải rổ thơm ngát trong tô canh chua cá tràu nghi ngút khói. Cá thu mặn chưng với mấy lát ớt, vài miếng thịt mỡ sôi âm ỉ trên bếp… Những món ăn không chỉ gợi lại thói quen một mùa, một thời mà đôi khi còn chiếm một chỗ rất đẹp trong ký ức.


Lên lớp 10 được xuống học ở trường Nguyễn Huệ mới. Mùa đông của tuổi mới lớn trôi qua rất êm đềm. Những buổi sáng thứ hai chào cờ rét run, nói chuyện qua làn khói. Ổ bánh mì nóng hổi của ai đó dúi vội vào tay trong một đêm cắm trại lạnh buốt cuối đông. Ngồi tập văn nghệ trong thư viện La Sơn, nhìn lá bàng rơi đầy sân mới hay trời đã sang mùa. Những con đường thơ mộng trồng toàn phượng vĩ, hoa muồng vàng quanh trường lại là nơi ngập sâu nhất thị xã. Khối lớp 10 học ở dãy nhà tole sau trường. Giữa dãy nhà tole và trường phía trước cách nhau một khoảnh sân rộng và sâu. Có hôm mưa to nước dâng cao đột ngột. Thầy hối trò ôm tập vở chạy nhanh ra phía trước. Sau khi ngồi yên ở một phòng học trên lầu. Qua cửa kính không thấy khoảnh sân rộng nữa, nước đã lên tới bậc thềm cao nhất dãy nhà tole.
Noel năm lớp 11 trưởng ban văn nghệ của trường yêu cầu bọn mình tam ca bài“ Chiều qua Tuy Hòa” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang. Mình nhớ cả bọn đã giãy nảy, nhạc gì buồn quá vậy! Quả thật một không khí u buồn bao trùm cả bản nhạc. Những ca từ hoang vắng, ngao ngán, ray rứt, xơ xác, tan tác…nghe có vẻ như buồn là “đặc sản” của Tuy Hòa vậy. Trong con mắt của tuổi 17, ngày nắng ngày mưa đều là những ngày hạnh phúc thì bản nhạc buồn là xác đáng. Nhưng khi đã rời xa thành phố, đã lưu lạc bến bờ xa lạ nào đó sẽ thấy buồn trong “Chiều qua Tuy Hòa” là cái buồn man mác, dễ xiêu lòng người. Nhịp sống chầm chậm, buồn buồn mà sâu lắng luôn là nỗi khát khao của bao người xa xứ. Mới đây trên FB có bài ca ngợi mười thành phố đáng sống nhất thế giới. Comment của thầy Cao Hoàng sau đó làm mình cay cả mắt: “Tuy Hòa trước năm 75 là thành phố đáng sống nhất” Ở Tuy Hòa chỉ có mấy năm mà thầy tha thiết đến vậy, huống chi mình tuổi thanh xuân đẹp nhất gởi lại nơi này. Sau N/S Nguyễn Đức Quang có nhiều nhạc sĩ khác viết về Tuy Hòa, nhưng với mình “Chiều qua Tuy Hòa” vẫn là bản nhạc chưa thể thay thế.


Thỉnh thoảng mình có về Tuy Hòa nhưng mùa đông thì chưa. Thế nên mỗi khi Sài Gòn se lạnh, đẹp trời lại liên tưởng đến phương ấy đang mưa to, gió lớn. Không biết lời dự báo thời tiết “ Ông tha mà bà chẳng tha. Trời hành cơn lụt hai ba tháng mười” từ xưa đến giờ có còn hiệu nghiệm. Thiên tai hào phóng dự báo trước từ đời này sang đời khác như thế. Còn nhân tai…Nhớ tháng 11/ 2009 thủy điện sông Ba bất ngờ xả lũ. Người Tuy Hòa bàng hoàng vì phố chợ chưa bao giờ ngập nhanh và sâu như thế. Ống kính truyền hình cứ chiếu đi, chiếu lại cảnh nước chảy xiết ở ngã tư Trần Hưng Đạo- Bùi Nguyên Ngãi ( giờ là đường Nguyễn Trãi). Khán giả xem TV hẳn sẽ rúng động khi thấy phố phường bỗng chốc bị dòng nước hung hãn nhấn sâu. Riêng mình, người đã trải qua mười mấy lần tháng 10 ÂL ở ngã tư đó lại cảm nhận: phố khóc.
Năm rồi về mình có qua phố chợ. Đường Bùi Nguyên Ngãi sầm uất với các bảng hiệu quen thuộc như đã trôi về cõi xa xăm nào đó. Hàng muồng vàng thơ mộng từ ngã tư Tân Tiến đến đường Lê thánh Tôn giờ thay bằng mấy cây lạ lẻ loi. Gặp người hàng xóm cũ bảo, dạo này bớt lụt rồi. Ừ! Bớt lụt cho người ở lại bớt khổ, kẻ đi xa cũng đỡ nặng lòng.
Giờ là tháng 10 ÂL. Thêm mùa đông nữa chưa về. Một chiều nào giống như chiều nay. Ghé café Thềm Xưa gần nhà kêu một ly café và nhờ cô thu ngân bật giùm bản nhạc “Chiều qua Tuy Hòa”. Mọi thứ dường như còn đó. Mùa đông cũ. Góc chợ xưa. Tiếng rao đêm. Âm thanh của gió. Áo len cổ lọ buổi tan trường. Sẽ ra về khi đèn đường Sài Gòn bật sáng. Ngang qua nhà ai TV đang phát bản tin dự báo thời tiết ngày mai: Khu vực Nam Trung Bộ mây thay đổi. Ngày nắng. Gió nhẹ. Chiều tối có mưa rào rải rác vài nơi…
QUANG ĐẶNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét