Thứ Hai, 21 tháng 11, 2016

Thầy - Và Kỷ Niệm Học Trò

GIỚI THIỆU
Ngày tổ chức Hội Ngộ CHS Nguyễn Huệ và Thân Hữu đã gần kề. Đây là dịp để Thầy Trò gặp gỡ, hàn huyên tâm tình với nhau sau nhiều năm tháng xa cách. Nhân dịp này đồng môn Trần Hoàng Phước Hậu gửi đến NHHN bài viết THẦY - VÀ KỶ NIỆM HỌC TRÒ, ghi lại một ít kỷ niệm khó quên thời cắp sách đến trường.
Trân trong giới thiệu
NHHN



- Kính dâng lên hương hồn thầy Phạm Xuân Quý.

- Kính tặng thầy Võ Văn Tồn ở quê hương.

Năm ấy tôi đang học lớp Nhì (lớp 4 bây giờ) ở Tuy Hòa, vào niên khóa chừng vài tháng thì nhà phải dọn về Sông Cầu, nơi ba tôi được thuyên chuyển về nhiệm sở mới, cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của người. Sông Cầu là chỗ mà tôi có nhiều kỷ niệm thời thơ ấu, thời làm học trò "mắt ướt môi tươi", nơi có đồi Cao Phong hùng vĩ, vườn dừa Phước Lý xinh tươi, chiếc Tàu Cháy lịch sử, và vịnh Xuân Đài thơ mộng.

Thời đó, "nẫu" trên núi xuống tăng hết công lực để đào đường, đắp mô, gài mìn đầy dẫy trên đường cái quan..., giao thông đường bộ coi như bất khiển dụng! 50 cây số Tuy Hòa -  Sông Cầu, mấy mẹ con chúng tôi đi bằng đường biển, trên chiếc ghe gỗ dài chừng mười mấy thước, hơn nửa ngày chúng tôi mới tới vịnh Xuân Đài...

Tuy là quê nội, trước đó cũng có về thăm lắm lần nhưng bỗng nhiên lần này, Sông Cầu sao thấy lạ vô cùng! Những ngày đầu ở đây, chúng tôi được gia đình bác thứ 8, anh ruột của ba tôi, đãi ngộ đủ thứ... Ổn định chỗ ở rồi, chúng tôi được vào trường học tiếp, trường mới, thầy mới, bạn mới... cho tôi nhiều bỡ ngỡ...

Cuối năm lớp Nhì, để chuẩn bị lên lớp Nhất, tôi được các bạn rủ nhau đi học hè, học với vị thầy mà các bạn tôi ca tụng vô cùng, thầy dạy hay, và nhất là sau mỗi ngày học sẽ được nghe thầy kể chuyện đời xưa.... hấp dẫn lắm! Thế là ngay đầu hè chúng tôi kéo nhau đến nhà thầy Phạm Xuân Quý để ghi danh học hè.

Quả không sai tí nào, thầy Quý tận tình dạy chúng tôi chương trình toán, chuẩn bị vào lớp nhất, bài vở dồi dào, thầy giảng dễ hiểu và nhất là vài mươi phút cuối giờ thầy kể mỗi ngày một ít, chuyện Địch Thanh và Thoại Ba Công Chúa cho chúng tôi nghe, hết giờ rồi mà chẳng có "ma" nào muốn rời lớp. Trong những lần kể chuyện, thầy rất xuất sắc đưa vào những lời bình gãy gọn, những phân tích lý thú và những nhắc nhở chúng tôi hãy nhìn vào gương lịch sử để sau này làm việc ích nước lợi dân... Căn nhà nhỏ, phòng học tí teo của nhà thầy Quý bỗng nhiên trở thành nơi ấm cúng nhất trần gian trong hai tháng theo học với thầy, nơi mà một vị giáo già coi học trò như con, rồi như bạn, nơi mà thầy đã chân tình gửi gấm đến với lũ học trò nho nhỏ chúng tôi những tâm sự đầy tình tự quê hương, không biết bao người đã từng theo học với thầy còn nhớ?, riêng tôi thì nhớ mãi...

Lớp học cấp Tiểu Học (hình minh họa)

Xong lớp Nhất, chúng tôi thi vào lớp Đệ Thất (lớp 6 bây giờ), May mắn, tôi cũng thi đậu, một bước ngoặc mới trên đường học vấn mở ra. Học Đệ Thất vài tháng thì bộ Quốc Gia Giáo Dục đổi tên gọi các lớp trong hệ thống tiểu và trung học, không còn gọi lớp năm, tư... đệ thất, đệ lục... mà bắt đầu gọi từ lớp 1 đến lớp 12...

Học hai năm lớp 6 và lớp 7, một vị thầy trẻ trung, vui vẻ dạy môn công dân và âm nhạc cũng đã để lại lòng tôi nhiều kỷ niệm, thầy Võ Văn Tồn. Cũng xin nói thêm, nhờ thầy Tồn mà giờ đây tôi cũng có chút vốn liếng về âm nhạc, biết đánh đàn (dù không hay), biết hát chút chút (dù tiềng hát cũng gần giống như cọp nhai đậu phộng), biết sáng tác vài bài ca nho nhỏ (để hát cùng người cho đời thêm vui).

Thầy Tồn có chữ ký rất đặc biệt, lạ lùng đến nỗi không giống ai nhưng mà hay chi lạ, có vài anh chàng trong lớp cố bắt chước ký theo kiểu chữ ký của thầy, nhưng thực sự là chữ ký của mấy chàng này mới là không giống ai! Thầy dạy môn công dân tuyệt vời, nơi mà thầy luôn nhắc, bổn phận công dân là mọi người giống nhau, từ quan tới dân đều bình đẳng, có khác nhau chỉ là vai trò trong xã hội. Trước pháp luật, mọi người như nhau, "quân pháp bất vị thân". Những mẩu chuyện vui, những ví dụ dóm dỉnh của thầy luôn cho chúng tôi một bầu không khí tươi vui, thích thú trong giờ thầy dạy.

Giờ âm nhạc của thầy Tồn cũng hấp dẫn không kém, chuyên về nhạc lý, thầy cho chúng tôi một kiến thức căn bản của loại ngôn ngữ vũ trụ này từng bước một, những luật âm nhạc, những công thức nhạc lý... Thầy đã chinh phục tâm hồn tôi trọn vẹn.

Có lần trong giờ âm nhạc thầy ra một câu hỏi, bảo chúng tôi hãy tìm một câu trả lời hay nhất, thầy còn dặn thêm là câu trả lời không có đúng sai, chỉ có hay, dở và thực tế hay không mà thôi.

Câu hỏi: "Em nghĩ gì khi có một người đang huýt sáo một bài nhạc mà sai cả điệu trước mặt em"? 

Thầy cho chúng tôi 2 tuần để tìm câu trả lời hay nhất.

Hai tuần trôi qua, chúng tôi nộp cho thầy những câu trả lời, mong được thầy cho là hay. Thực tế phũ phàng! thầy đọc hết các câu trả lời của chúng tôi trước lớp... nhưng thầy chẳng chọn được câu nào thầy cho là hay. Thế là chúng tôi nhao nhao hỏi thầy: "vậy trả lời sao cho hay hở thầy?". Thầy Tồn cười dóm dỉnh: KKK, "nghe đây các em: Đôi khi mình nghĩ cao siêu quá nó sẽ dễ bị xa rời thực tế, có những câu hỏi mà các vị tiến sĩ không trả lời hay như một bác nông dân..." - Câu hỏi: "Em nghĩ gì khi có một người đang huýt sáo một bài nhạc mà sai cả điệu trước mặt em?" - Câu trả lời mà thầy Tồn cho là hay nhất đây: "Tôi nghĩ rằng người ấy đang hành hạ lỗ tai và lỗ mũi của tôi". Ha ha ha!

Lớp học cấp Trung Học (hình minh họa)

Năm lên lớp 8, thầy Tồn không còn dạy chúng tôi môn nào nữa, nhưng hàng ngày đến trường vẫn gặp thầy, vẫn một lòng tôn kính...

Một thời gian dài từ khi lên lớp 10, tôi trở lại học ở Tuy Hòa, không còn gặp các thầy cho tận đến bây giờ, vẫn xa. Thời cuộc đổi thay, tôi lưu vong đời viễn xứ. Thầy Quý thì đã về cõi lớn hội ngộ với tổ tiên. Thầy Tồn còn ở quê, tuổi đã cao, vui thú điền viên và yêu đời cùng con cháu.

Dù xa nhưng lòng vẫn nhớ, xin cám ơn các vị thầy kính yêu đã cho tôi những lời dạy chân tình, những bài học nhân bản, những yêu thương sâu đậm, và những kỷ niệm tuyệt vời của một thời làm học trò giữa một vùng quê hương khói lửa chiến tranh.

Trần Hoàng Phước Hậu - Nov. 2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét