Bs Vũ Quí Đài
Mình bắt đầu dò dẫm khởi đầu bất cứ giai đoạn nào chưa ?
- Gửi người trẻ để thông cảm và thương người già...
- Gửi người già để trân quý ngày tháng còn minh mẫn bên cạnh con cháu...
- Và,
cám ơn Thượng Đế đã ban cho mình còn sức khỏe sống an vui đến ngày hôm nay...
Con cái chăm sóc cha mẹ khi già yếu là bổn
phận mà cũng là truyền thống tốt đẹp của dân ta. Tuy vậy chúng ta cũng thường
nghe nhiều câu than thở, như: “Bà già tôi hồi này lẫn nặng rồi, đâu có
dám để cụ ở nhà một mình nữa được!”, hay
là: “Ông cụ già rồi đâm đốc chứng!”.
Tuổi bắt đầu lú lẫn hay thay tính đổi nết
thì tùy người. Có khi chưa tới sáu mươi, có khi ngoài bảy mươi mới phát hiện.
Cũng có người sống tới ngoài chín mươi mà không thay đổi là bao. Những chứng lú (dementia) như vậy, ngày trước thì cho là tiến
trình tự nhiên của tuổi già, coi như là “hết
thuốc chữa”. Nhưng càng ngày càng thấy là có nhiều căn do bệnh tật sinh lú
lẫn, và trong nhiều trường hợp, có thể, nếu không chữa được bệnh thì ít ra cũng
làm cho bệnh chậm lại.
Người già lú lẫn như thế nào?
Để đâu quên đó: Để chùm chìa khóa nhà
đâu đó rồi quên lú đi, thì cũng là thường. Nhưng người bị bệnh lú, có khi cất
chìa khóa vào ngăn kéo đựng vớ, hay là bỏ kính đeo mắt vào tủ lạnh rồi đi tìm
trong hộp đựng giầy, mà vẫn cho là tự nhiên như không! Đã vậy lại còn nổi quạu
nếu con cháu nó có nhắc nhở, giống như bị chạm tự ái “Thì tao vẫn biết, việc gì phải
nói ?”.
Quên thời gian, không gian, quên cả người
quen: Thường ta cũng nhiều khi quên không nhớ
hôm nay là thứ mấy, có khi quên không biết là tháng mấy. Nhưng người bị bệnh
thì không nhớ luôn cả năm nay là năm 1999, ở trong nhà mình mà không biết mình
đang ở đâu. Người bình thường, có khi gặp bạn cũ, người ta nhận ra mình, mà
mình không thể nào nhớ ra bạn được. Người bệnh lú thì nặng hơn nhiều. Ôm chầm lấy
một người bà con xa rồi hỏi: “Ông
có phải bố tôi không?”, hay
là nhìn chăm chăm vào mặt bà vợ mà nói: “Tôi
không quen bà này !”.
Tật cầm nhầm: Vào tiệm mua thứ này thú khác rồi lừng lững đi ra không trả
tiền. Con cháu nó để dành đồng quarter để đi giặt đồ, thì cứ đem lén cất giấu
đi, rồi quên tịt không biết là để ở đâu.
Nói năng lung tung: Đối thoại khó khăn, vì nhiều khi nói nửa chừng rồi bí. Hoặc
là giao tế lộn xộn. Mời người ta uống nước, người ta đã cầm tách nước trên tay
đang uống, lại đến bên đon đả hỏi: “Bác uống nước không?”Hay là hỏi
thăm người bạn: “Các
cháu có khỏe không?” Người ta
vừa trả lời được vài phút, lại lập lại y hệt câu hỏi trước.
Tật lục lọi: Người bị bệnh lú lẫn nhiều khi kiếm cớ tìm kiếm vật gì rồi
lục lọi lung tung ngăn bàn ngăn tủ, làm mọi thứ bừa bãi. Lục lọi đồ của mình chưa
đủ, có khi lục lọi cả đồ của người khác nữa.
Ăn mặc lộn xộn: Áo sơ mi có khi mặc ngược, hay là mặc áo may ô ra ngoài sơ
mi. Có khi ở truồng tồng ngồng ngồi giữa phòng khách. Cũng có người thủ dâm
ngay trước mặt người khác. Nhưng thường thì người mắc bệnh lú lẫn không có hành
vi nào nguy hiểm cho xã hội.
Đi lang thang: Một bà cụ tự nhiên bỏ một bộ quần áo trong túi xách rồi cứ
thế ra cửa từ từ đi khỏi nhà. Con cháu tìm hết hơi mấy khúc đường mới gặp. Cụ tỉnh
như không, nói là cụ đi về quê. Có người đi từ phòng ngủ vào phòng tắm, rồi
quên phứt không biết mình đang ở đâu, cứ đi loanh quanh tìm đường về giường ngủ.
Nhất là khi dọn nhà mới, người bệnh dễ bị lạc hướng ngay trong nhà.
Đầu óc mụ đi, hai với hai là bốn cũng
không biết:
Mất khả năng suy nghĩ trừu tượng. Người có học đàng hoàng, mà làm tính cộng, tính trừ đơn giản
cũng không xong.
Người bị lú lẫn thay tính đổi nết: Cũng vì bị quên lú, mà người bệnh cảm thấy mình sống lạc
lõng ở một thế giới xa lạ; người lạ, nơi chốn lạ, những câu đối thoại cũng
không hiểu nổi. Vì vậy sinh ra những thay đổi tính nết như sau:
Lo âu: Đã lo âu, mà lại lo vô căn cứ, không hiểu
tại sao mình lo âu, chỉ có cảm tưởng như mọi sự bỗng rối bét, mà mình thì lúng
túng vô phương giải quyết.
Bứt rứt bực bội: Mình lúng túng không làm gì được, mà có ai cất nhắc giúp đỡ,
thì lại khó chịu bực bội, có khi ném đồ ném đạc, hay là quát tháo người khác.
Phiền muộn chán đời: Không thiết tha cái gì cả, dù là ăn uống ngủ nghê, có khi ngủ
li bì. Có người biết mình bị bệnh có người không, nhưng thường uống thuốc phiền
muộn (antidepressant) thì bớt.
Đa nghi vô lý: Nhìn đồ ăn không ăn, vì nghi có người đánh thuốc độc. Thấy
bà vợ, lại tưởng người lạ, rồi nghi là người ta vào nhà mình trộm cướp. Nghe
còi xe chữa lửa, tưởng cảnh sát tới bắt. Tiếng người nói nghe không rõ, thì cho
là người ta đang xầm xì nói xấu mình.
Mất tính tự lập: Theo đeo người thân từng bước, và muốn có người ở bên săn
sóc. Ngược lại, có người chỉ thích ngồi buồn bã một mình, vì thấy chung quanh
quá xa lạ.
Bệnh lú ảnh hưởng tới sức khỏe.
Vì hay quên, hay vì những thay đổi tính nết
như trên, mà sức khỏe có thể bị ảnh hưởng. Ngồi lâu quá ở một vị thế sinh trầy
da thành loét da khó lành. Khát nước không nhớ uống nước sẽ bị thiếu nước nguy
hiểm như người say nắng. Ngoài ra, còn có thể bị táo bón, tiêu chảy, sưng phổi
trầy da, có khi gãy xương vì vấp ngã. Tất cả đều là do cái vô ý vô tứ của ngươi
bị bệnh lú lẫn. Ngoài ra còn nhiều người bị tiêu tiểu bừa bãi không giữ gìn được.
Khám bệnh đều làm gì?
Tuy rằng chứng lú lẫn thực sự thì không chữa
được, nhưng cái lợi của việc đi khám bệnh là tìm ra những bệnh khác trong người,
sinh lú lẫn, mà những bệnh khác này thì lại trị được. Những bệnh có thể sinh một
số tình trạng giống như lú lẫn, thí dụ như: bệnh bướu cổ thyroid, bệnh nhiễm
trùng, chất điện giải xáo trộn, thiếu sinh tố, bị thuốc làm độc, hay là bệnh
phiền muộn. Thường thì Bác sĩ sẽ
hỏi về các chứng của người bệnh, thuốc men đang dùng, hỏi về gia đình giòng họ,
khám tổng quát, chú ý nhiều đến cao máu, và tiểu đường. Sau đó sẽ thử máu và có
thể chụp hình cắt lớp (CT) hay là cộng hưởng từ (MRI) để loại trừ trường hợp bướu trong óc.
Nếu không phải là những bệnh hay là nguyên do nào sinh lú lẫn trong nhất thời,
thì bấy giờ mới coi là bị bệnh lú lẫn thực sự.
Nguyên nhân của bệnh lú lẫn (thực sự)
Phần lớn người già bị bệnh lú lẫn là do bệnh
Alzheimer. Có một ít trường hợp Alzheimer có di truyền
trong gia đình, nhưng phần đông thì không. Nguyên do tại sao bị Alzheimer, thì
cũng chưa biết rõ. Mổ tử thi thì thấy có thoái hóa não, và xét nghiệm kính hiển
vi thì thấy có hai thứ mô đặc biệt trong óc, một ở bên trong sợi dây thần kinh,
một ở bên ngoài. Tuy vậy cũng đã có trường hợp người minh mẫn bình thường mà
cũng có hai thứ đó.
Nguyên nhân thứ nhì, là do bị tai biến mạch
máu não (stroke, trúng gió) do cao máu, sinh nhiều đốm nhỏ của óc bị hư,
gọi là multi-infarct dementia (infarct
là chỉ cái đốm não bị hư)
Người đánh “bốc”, bị đập mạnh vào đầu nhiều,
cũng có thể bị bệnh lú. Bệnh AIDS cũng làm hư óc, và sinh lú được.
Hồi gần đây, báo chí có nói tới bệnh “bò điên” ở bên Anh. Có một bệnh tương tự như vậy,
tên là bệnh Creutzfeld-Jacobs là một bệnh nhiễm trùng óc, cũng sinh lú lẫn trước
khi chết.
Cuộc đời
về chiều
Từ khi thấy hay quên, thấy có những dấu hiệu
là lạ trong tính tình, trong cách sinh hoạt, cho tới khi Bác sĩ định bệnh là bị
Alzheimer, hay lú, thì độ một hai năm. Khoảng thời gian chừng ba, bốn năm sau
đó thì người nhà còn săn sóc được. Đến khi nặng quá, con cháu không cưu mang nổi
phải đưa vào nhà dưỡng lão, thì thường kéo dài thêm được vài năm nữa. Thời gian
hoàng hôn của cuộc đời này, người bệnh đáng được săn sóc chu đáo với tất cả tình
thương, tuy là săn sóc người bị bệnh lú là cả một nhiệm vụ khó khăn và nặng nề.
Bs Vũ Quí Đài, M.D., Ph.D.
Cựu Giáo Sư Khoa Trưởng Y Khoa Đại Học
Sàigòn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét