Từ cổ chí kim mỗi sắc tộc
trên thế giới đều có một loại y phục mang nét văn hóa đặc thù riêng cho quốc
gia và gọi là quốc phục. Nổi bật như Nhật Bản có Kimono, Trung Hoa có
Xường Xám, Hàn Quốc có Hanbook và Việt Nam có Áo Dài .
Không phải là so sánh nhưng quả thật chiếc áo dài Việt Nam có
phần đơn giản và đẹp mặn mà hơn. Nó rất giản tiện khi không có những phụ
tùng dây nhợ, thắt lưng hay nơ đi cùng như những sắc phục khác. Phải
chăng đó cũng là bản chất người con gái Việt chân chất, khiêm tốn, mặn mà, kín
đáo .
Mới đây cô Trương thị May là
đại diện hoa hậu Việt Nam đị dự thi Hoa Hậu Hoàn Vũ, Cô không được vào chung
kết nhưng chiếc áo dài cô mặc đã làm ngẩn ngơ say đắm lòng người
ngoại quốc bởi chiếc áo tôn được nét kín đáo mà hấp dẫn, giản dị
mà sang trọng của người mặc. Chính nhờ vậy mà áo dài Việt Nam
được chấm là quốc phục đẹp đứng thứ tư trên toàn thế giới.
Từ lâu lắm rồi những tà áo dài thân thương,
giản dị, đã đi vào thi ca, làm rung động lòng người và là nguồn cảm hứng vô tận
của những người làm thơ, viết nhạc. Tà áo nên thơ ấy, là bức
tranh sinh động với nhiều đường nét, nhiều dáng vẻ, nhiều màu sắc mà nếu đúc
kết lại và viết ra thì không biết sẽ tốn biết bao nhiêu thời gian và bút mưc
của văn, thi, nhạc sỹ. Chính vì vậy mà Hồng Hà chỉ sơ lược và giới thiệu
một số ít trong rất nhiều bài thơ nổi tiếng đề cập tới chiếc áo dài.
Buổi tan
trường, những tà áo trắng tung bay trong gió làm ngẩn ngơ bao chàng
trai si tình. Áo trắng trinh nguyên tuổi học trò, từng làm ngất
ngây trái tim của chàng trai mới lớn, "ngày khai
trường áo lụa gió thu bay". Trường học , một khung trời
đầy ấp kỷ niệm với bao buồn vui tuổi học trò. Nơi mà những chùm phượng
vỹ, những "cơn mưa bay bay ngoài cửa lớp", vẫn hiện về và trong giấc ngủ chập chờn còn trông thấy “áo ai
bay trắng cả giấc mơ” rồi lại làm thơ ép vào trong vở để hôm sau lóng ngóng
nơi sân trường “Giữa giờ chơi mang đến lại mang về”
(Phương Hồng - Đỗ Trung Quân)
(Phương Hồng - Đỗ Trung Quân)
Hình minh họa (lấy từ Net)
Huy Cận nhà thơ tình nổi tiếng của thế kỷ 20 đã để lại cho đời
bài thơ "Áo Trắng". Với cách diễn tả sinh động, lời thơ đầy hình
ảnh Huy Cận đã làm Vẻ đẹp của
tà áo dài trắng như lan toả từ cô sinh nữ, qua chàng
trai. Và vẻ đẹp ấy như đọng lại gắn kết giúp tình yêu đôi lứa gần gũi
hơn, nồng ấm hơn và đằm thắm hơn . Bài thơ sẽ còn mãi đi vào lòng
người với lời thơ trữ tình rất "Huy Cận", vẻ đẹp dịu dàng của cô gái
trong chiếc áo màu trắng thanh khiết, trang nhã rất nữ tính .
Nét đẹp vừa cổ điển vừa hiện đại mang sắc thái đậm đà hương vị quê hương, dân
tộc.
Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong,
Hôm xưa em đến, mắt như lòng.
Nở bừng ánh sáng . Em đi đến,
Gót ngọc dồn hương, bước tỏa hồng.
Em đẹp bàn tay ngón ngón thon,
Em duyên đôi má nắng hoe tròn.
Em lùa gió biếc vào trong tóc
Thổi lại phòng anh cả núi non.
Em nói, anh nghe tiếng lẫn lời,
Hồn em anh thở ở trong hơi.
Nắng thơ dệt sáng trên tà áo,
Lá nhỏ mừng vui phất cửa ngoài.
Đôi lứa thần tiên suốt cả ngày,
Em ban hạnh phúc chứa đầy tay.
Dịu dàng áo trắng trong như suối
Tỏa phất đôi hồn cánh mộng bay.
"Áo Trắng"
Áo dài trắng
trong thơ còn nhiều lắm lắm…..
Áo trắng
như lụa trắng trong thơ Hoàng Anh Tuấn:
“Áo em lụa trắng sông Hương
qua đò Thừa Phủ nhớ thương rạt rào”
(Về chân trời tím)
Và trong
thơ Nguyễn Tất Nhiên:
“Đài các chân ngà ai bước khẽ
quyện theo tà lụa cả phương đông”
(Tháng Giêng, chim)
Khi người con gái mặc chiếc áo dài, cơ thể như hiện ra lồ lộ
từng đường nét, in sâu vào trí nhớ và Thi sĩ Đông Hồ đã chịu
bán thơ để “Mua áo” và không cần đo cũng mua cho người yêu được
chiếc áo vừa vặn vào dịp xuân về.
Chiếc áo năm xưa đă cũ rồi,
Em đâu còn áo mặc đi chơi.
Bán thơ nhân dịp anh ra chợ.
Đành gởi anh mua chiếc áo thôi.
Hàng bông mai biếc màu em thích,
Màu với hàng, em đă dặn rồi.
Còn thước tấc, quên! Em chưa bảo:
Kích tùng bao rộng, vạt bao dài?
Ô hay! Nghe hỏi mà yêu nhỉ!
Thước tấc anh còn lựa hỏi ai.
Rộng hẹp, tay anh bồng ẳm đó,
Ngắn dài, người mới tựa bên vai!
(Đông Hồ, "Cô Gái Xuân")
Với Thi sĩ Phan
Long ông dành lời hoa mỹ ông gọi chiếc áo dài là
"Chiếc Áo Dài Tà Áo Quê Hương" đẹp mãi với
thời gian
Em yêu mến chiếc áo dài,
Thướt tha duyên dáng đẹp hoài thời gian.
Ngày xuân nắng trải tơ vàng,
Khoe tà áo mới ngập tràn tuổi thơ.
Lớn theo lứa tuổi học trò
Tình che vạt trước gió lùa vạt sau.
Những ngày đẹp măi bên nhau,
Vạt vui in dấu vạt sầu còn vương.
Đẹp sao tà áo quê hương,
Và rất nổi bật
trong thơ Nguyên Sa. Trời Sài Gòn giữa trưa nắng làm chàng trai đa tình
phải thốt lên:
“Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông….
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng..”
Hoặc
Áo trắng
của nàng như gió, như mây, để Nguyên Sa phải bâng khuâng:
“Có phải em mang trên áo bay
hai phần gió thổi, một phần mây?
Hay là em gói mây trong áo
rồi thở cho làn áo trắng bay?”
(Tương tư)
(Tương tư)
Và nhà thơ khi lang thang nơi xứ người thoáng thấy một
bóng áo dài thì cứ ngỡ mình đang sống ở quê nhà, nơi tình cảm
yêu thương gắn bó, và chiếc áo mang hình ảnh của cả một trời quê
hương "Anh về giữa một dòng sông trắng, là áo sương mù
hay áo em" (Paris có gì lạ không em?)
Thơ và
nhac gắn liền với đời sống tinh thần của người dân Việt nam và trong đời thường
đó có muôn màu muôn vẻ . Nhiều nhạc sỹ tài danh đã phổ những bài thơ có hình
ảnh chiếc áo dài mà chúng ta không thể quên . “Ôm nghiêng tập
vở, tóc dài tà áo vờn bay” vì cái hình ảnh tà áo vờn bay đó
mà cứ “em tan trường về” thì “anh sẽ theo Ngọ về” (Ngày xưa Hoàng
Thị - Thơ Phạm Thiên Thư, Phạm Duy Phổ nhạc)
Màu sắc không chỉ
là biểu tượng của sở thích mà còn là biểu tương của tình cảm, của đam mê, của
nhung nhớ, của hẹn hò. Màu xanh màu của hy vọng, của ước mơ được Trần
Thiện Thanh làm điểm hẹn cuối tuần
“Biết anh thích màu trời, em đã bồi hồi chọn
màu áo xanh”
(Bảy Ngày Đợi Mong)
Và hơn thế nữa Màu
xanh với Đoàn Chuẩn Từ Linh màu xanh là màu kỷ niệm ân ái không thể phai
dẫu cho tình có phai nhạt .
Em còn nhớ anh nói rằng
Khi nào em đến với anh
Xin đừng quên chiếc áo xanh
Anh ơi có đâu ngờ đêm rằm
Có màu nào không phai như màu xanh ái ân.
(Tà Áo Xanh)
Ngoài những lời thơ diễn tả nét đẹp của
chiếc áo dài còn có những tâm tư, so sánh ví von, nhân
cách hóa tà áo khép mở như kín hở của những lời tỏ tình, những
tâm sự thầm kín của thi sỹ “Áo bay mở, khép nghìn
tâm sự…” (Mộng dưới hoa- Thơ Đinh Hùng nhạc Phạm Đình Chương)
Áo dài da dạng muôn màu muôn
vẻ. Màu đỏ xác pháo màu của cô dâu lên xe hoa, màu vàng kiêu sa của hoàng
hậu của các bậc công nương, màu tím của nhớ nhung chờ đợi … Xứ Huế vẫn nối
tiếng với tà áo dài màu tím rất riêng của Huế để trở thành
thương hiệu màu tím Huế . Áo dài tím, thêm chiếc nón lá,
đôi guốc mộc , và giọng nói ngọt ngào của các cô gái Huế là nét rất riêng, rất
độc đáo là niềm hãnh diện của đất kinh đô một thời vẫn nằm riêng một phần
trong lịch sử của đất nước.
Hình minh họa (lấy từ Net)
Màu tím của nữ sinh Đồng Khánh để lại kỷ niệm
không thể quên trong tâm trí người nhạc sỹ tài hoa Trinh Công Sơn “Áo xưa dù nhàu, cũng xin bạc đầu gọi mãi
tên nhau”
( Hạ Trắng)
Và:
Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu thương
Anh pha mực cho vừa màu áo tím
Tuổi Mười Ba – Ngô Thụy Miên
Ngày nay chiếc áo dài có phần đa dạng hơn, cổ
điển có, cách tân có . Cho dù ở dạng nào thì khi mặc lên vẫn rất gợi cảm,
rất quyến rũ nó như vẽ thêm một đường cong trên cơ thể người đàn bà để
trở nên hoàn hảo hơn. Chiếc áo dài giản di, mà sang trọng,
hấp dẫn mà kín đáo không những chỉ tôn nhan sắc người phụ nữ mà còn làm
tôn giá trị văn hóa và nghệ thuật của người Việt
. Áo Dài Quốc Phục đẹp của người Việt Nam là điểm sáng
lung linh đáng trân trọng và tự hào. Là một phụ nữ Việt Tôi yêu lắm quê
hương tôi với chiếc áo dài Việt nam.
San Jose 03/25/2014
Hồng Hà
Áo trắng sân trường (lấy từ Net)
Nữ sinh áo tím Đồng Khánh (lấy từ Net)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét