Thứ Năm, 31 tháng 8, 2023

Thư Cám Ơn

 


THƯ CÁM ƠN 

CỰU HỌC SINH LIÊN TRƯỜNG PHÚ YÊN - ĐẠI HỘI 10  HOUSTON TEXAS 

Ban tổ chức chân thành cảm ơn quý thầy cô và các bạn đã theo dõi và xem qua các thông báo cũng như những lời cảm ơn trên các mạng xã hội. 

Vì tinh thần kinh Thầy yêu bạn nên các nơi xa xôi nhất cũng về tham dự ĐH như Australia, Canada, Hawaii và Việt Nam. Tổng số người tham dự dạ tiệc là 300 người, trong đó có bốn thầy cô.

Về việc du ngoạn 

Vì hợp đồng xe có giới hạn nên đi du ngoạn ở River walk San Antonio chi nhận 112 người và Trung tâm không gian NASA 94 người các việc hợp đồng trên đã hoàn tất chờ Ngày ĐH khai mạc để được gặp lại thầy cô và các bạn.

Chúc tất cả mọi gia đình luôn an vui và nhiều sức khỏe.

BAN TỔ CHỨC và những người phụ chương trình 

CHÂN THÀNH CẢM ƠN QUÝ THẦY CÔ VÀ CÁC BẠN ĐÃ QUAN TÂM THEO DÕI. 

KÍNH CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ CÁC BẠN LUÔN AN VUI VÀ HẠNH PHÚC CÙNG NGƯỜI THÂN 

TM. Ban Tổ Chức

Lê Thọ 


TB Tổ Chức anh Lê Văn Thọ

Nội Vụ anh Lê Kim Đạm

Ngoại Vụ anh Đỗ Trọng Tiên

TTK anh Trần Hoàng Thân

Thủ Qũy chị Tuyết Hương

TB Văn Nghệ chị Nguyễn Kim Loan

Vận Động anh Lương Sỹ

Nghệ Sĩ Tùng Lâm: Danh Hài Cuối Cùng Của Miền Nam Yêu Dấu

 

Nghệ sĩ Tùng Lâm (file photo)


NGHỆ SĨ TÙNG LÂM: DANH HÀI CUỐI CÙNG CỦA MIỀN NAM YÊU DẤU
Tuấn Khanh

Tháng Tám 2023, nghe tin nghệ sĩ Tùng Lâm lại đau. Từ 10 năm nay, các chứng bệnh trong người của ông cứ thay nhau làm khó tuổi già khiến nghệ sĩ lẫy lừng từng làm cho Việt Nam cười ngả nghiêng giờ đây không thể nở nổi một nụ cười. Ông cứ im lặng gượng chịu những cơn đau ập đến qua từng ngụm nước. Saigon Nhỏ vừa có cuộc viếng thăm và chia sẻ với gia đình trong ngôi nhà nhỏ ở đường Ngô Tùng Châu (nay là đường Nguyễn Văn Đậu), quận Phú Nhuận.

Năm sau, theo đúng trên khai sanh, nghệ sĩ Tùng Lâm bước vào tuổi 90, và là danh hài cuối cùng trong những gương mặt tài danh của nền sân khấu-kịch nghệ Việt Nam Cộng Hòa còn sót lại. Những tên tuổi, và là bạn bè thân thiết với ông, như Khả Năng, Phi Thoàn, Xuân Phát, La Thoại Tân… đều đã rời trần thế ra đi từ lâu.

Có lần, lúc còn khỏe, nhắc về những người bạn và thời oanh liệt trên sân khấu, nghệ sĩ Tùng Lâm nói trong giọt nước mắt chực rớt xuống “Mấy người đó bỏ tui đi hết rồi. Có lúc ngủ nằm mơ thấy họ ngồi với nhau cười nói, rồi quay qua hỏi tôi là ‘sao lâu quá chưa thấy lên đây?’, tôi giật mình ngồi dậy mà bần thần, vì không biết lúc nào đến lượt mình”.

Nghệ sĩ Tùng Lâm sinh Tháng Ba 1934 tại Sài Gòn, trên giấy khai sinh lúc đó còn ghi là Liên Bang Đông Dương. Ông gốc người Hoa, tên thật là Lâm Ngươn Phẩm. Tuy là người Hoa truyền đời, nhưng đến đời ông, thì không còn biết đọc, biết nói tiếng Hoa nữa, và yêu thương Sài Gòn như quê hương duy nhất của mình.

Nghệ sĩ Tùng Lâm, 1950 (file photo)

Gia đình nghệ sĩ Tùng Lâm là dòng dõi trọng chữ nghĩa. Tất cả 10 anh chị em của ông đều được đi học và khuyến khích làm người trí thức. Ba của ông làm nghề luật sư và nghiêm khắc trong việc giáo dục con cái. Dòng họ Lâm Ngươn tỏa đi khắp nơi sau năm 1975, trong đó có người chú là ông Lâm Ngươn Tánh (1928-2018) là Thiếu tướng Hải quân của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông Tánh cũng là người tham gia cuộc hải chiến Hoàng Sa chống Trung Cộng trên cương vị Phó Tư lệnh Hải quân kiêm Tư lệnh chiến dịch.

Do gia đình nề nếp nên thú ham mê sân khấu từ nhỏ của ông Tùng Lâm bị ba ông cấm tiệt, không cho tập tuồng diễn trò. Chỉ có anh chị là thương, giấu ba, để đứa em út ca hát. Thậm chí người chị thứ chín còn bí mật rèn luyện ông đánh đàn mandolin, mà người cha sau này bất ngờ khi thấy ông cầm đờn biểu diễn.

Năm 1948, thấy có cuộc thi hát của Đài Pháp Á, tuyển lựa giọng ca thiếu niên, ông Tùng Lâm quyết đi thi và được anh chị theo bí mật cổ vũ. Sau khi đoạt giải nhất với bài An Phú Đông, ông dè dặt báo tin cho ba mình biết. Mới đầu người cha giận định đánh đòn vì thấy con cứ đi theo nghề đờn ca hát xướng, nhưng rồi khi biết ông Tùng Lâm đoạt giải nhất thì đành thở dài, cho theo số phận. Bà Thu Trang, người vợ sau này của ông kể rằng, chỉ từ khi đoạt giải thi hát, ông mới chính thức tập hát, tập trình diễn ở nhà, chứ trước đó, toàn trốn ra đồng để tập hát, sợ bị la.

Tới năm 1952, ông lại chiếm giải nhất trong cuộc thi tuyển ca sĩ cho Đài Sài Gòn với bài Tiếng dân chài của tác giả Phạm Đình Chương. Từ đó, ông mới chọn nghệ danh là Tùng Lâm.

Ít ai biết là nghệ sĩ Tùng Lâm từng có ban tam ca, cùng với nghệ sĩ Vân Hùng và nhạc sĩ Lam Phương. Ông Lam Phương lúc đó tập tành sáng tác nhưng chưa ra mắt tác phẩm mà chỉ nhập cuộc sân khấu bằng trình diễn. Cả ba ông hát cũng ăn khách, nhưng ông Tùng Lâm nhìn lại mình, nhận ra rằng với vóc dáng không cao ráo và cũng không đẹp trai như các tài tử lúc bấy giờ nên ông nghĩ mình cần tìm ra một con đường riêng và cuối cùng xin nghỉ.

Tùng Lâm – Túy Hồng – Xuân Phát – Vân Hùng (file photo)

Từ đó, sự nghiệp của danh hài có chiều cao chưa tới 1m55, nhỏ con, lanh lợi và có lối diễn xuất duyên dáng với cái môi trề bắt đầu cuộc chinh phục khán giả miền Nam. Bằng sáng tạo, với các câu chuyện thú vị hài hước của thể loại Standup Comedy, pha trộn một số tiểu xảo sân khấu, cái tên Tùng Lâm rực sáng ở các sân khấu miền Nam. Đến giữa năm 1958, trong một đại nhạc hội có tên “Minh tinh – Quái kiệt” tổ chức trong khuôn viên Dinh toàn quyền Norodom, nghệ sĩ Tùng Lâm được chính thức quảng cáo với biệt hiệu Tiểu quái kiệt Tùng Lâm.

Tại sao là Tiểu quái kiệt? Theo lời nghệ sĩ Tùng Lâm, quái kiệt thật sự của sân khấu Việt Nam, có thể nói cho đến bây giờ, chỉ có duy nhất là nghệ sĩ Trần Văn Trạch (1924-1994), em của nhạc sĩ Trần Văn Khê (1921-2015). Giai đoạn thuở nhỏ lúc còn lang thang ở các gánh hát, ông có đi theo học nghề nghệ sĩ Trần Văn Trạch. Ông học được từ ông thầy này rất nhiều ngón nghề. Sự nghiệp phát triển mãi đến về sau vẫn có nhiều thứ ông rút tỉa từ những bài diễn của nghệ sĩ Trần Văn Trạch. Đặc biệt trong loạt chương trình Tiếu Vương Hội phát trên truyền hình và ghi âm, những kiểu gây cười bằng cách bắt chước các loại âm thanh, tiếng động cũng từ ông thầy Trần Văn Trạch.

(file photo)

Là người luôn có nhiều sáng kiến trình diễn, nghệ sĩ Tùng Lâm đứng ra tổ chức các đại hội tiếu lâm hài hước (theo cách nói của ông), quy tụ nhiều cây hài hàng đầu Việt Nam cùng tham gia, tạo ra cơn sốt với khán giả. Đi cùng sự phát triển xã hội dân chủ ở Việt Nam từ thời Đệ nhất sang Đệ nhị Cộng Hòa, các tiết mục biểu diễn của nghệ sĩ Tùng Lâm ngày càng đi vào đời sống với các câu chuyện, ngôn từ châm biếm xã hội, phê phán đời sống. Không chỉ sân khấu, vào lúc truyền hình ở miền Nam phát triển, nghệ sĩ Tùng Lâm được mời tổ chức các tiết mục trình diễn thường xuyên trên đài, ghi âm kịch hài, đóng phim, đi biểu diễn ca nhạc… Gần như lĩnh vực nào ông cũng tham gia và được tán thưởng.

“Thời đó, ổng làm ra tiền ghê lắm. Sau mỗi lần đi diễn, hay đóng phim là ôm bao tiền về đổ vô tủ gạc-măng-rê (garde-manger), không đếm nổi. Rồi đi chơi hay đánh bài, ông cứ xách cái Samsonite, ém tiền vô cho chặt rồi mang đi”. Bà Trang kể, “Thời đó đâu có ai nghĩ sẽ tới ngày 30 Tháng Tư, nên có tiền thì cứ xài thôi”.


Trong thời kỳ miền Nam sản xuất phim màu và màn ảnh đại vĩ tuyến, nghệ sĩ Tùng Lâm tham gia cùng các bạn diễn Khả Năng, Thanh Việt và La Thoại Tân trong bộ phim Tứ quái Sài Gòn. Đây là một trong những bộ phim được báo chí Philippines, Nhật Bản, Hong Kong nhắc tới như một hiện tượng. Theo tâm tình của Châu Tinh Trì, vào lúc thực hiện phim Đội bóng Thiếu Lâm (2001), các “miếng” diễn hài của các danh hài Việt trong phim này được Châu Tinh Trì nghiên cứu rất kỹ, đặc biệt là kiểu diễn của nghệ sĩ Tùng Lâm, để áp dụng trong trường đoạn trên sân bóng.

30 Tháng Tư 1975 là cột mốc khó quên với tất cả nghệ sĩ miền Nam. Với ông Tùng Lâm, đó cũng là lúc ông không thể tự nhiên lên sân khấu được. Dù được miễn quân dịch Việt Nam Cộng Hòa do một lần đi diễn thời thanh niên, ông bị xe quẹt làm gãy tay, nhưng không có nghĩa là ông thoát khỏi danh sách lớp văn nghệ sĩ cần bị kiểm soát. Bạn thân của ông, danh hài Thanh Hoài, làm nhân viên Cục Xây dựng Nông thôn – một cơ quan mà chính quyền mới vô cùng không thích – bị ngừng diễn hoàn toàn, cho đến khi qua đời vào năm 2014 ở Sài Gòn. Lý do là kịch bản hài khi lên sân khấu, khó kiểm soát hơn ca nhạc hay văn chương, và hơn nữa, hài luôn rơi vào tình huống bị xét nét bởi ngụ ngôn và các câu ẩn dụ. Xã hội lúc đó căng thẳng và không biết đùa.

Nghệ sĩ Tùng Lâm, thời biểu diễn sau 1975 (file photo)

Nhờ người quen giới thiệu, từ năm 1983, ông về miền Tây, Hậu Giang để tham gia vào đoàn trình diễn của tỉnh. Thấy ông giỏi quản lý, quen biết nghệ sĩ và biết tổ chức chương trình, phía đoàn hát giao cho ông chức Phó đoàn, tức làm hết mọi việc, thay cho lãnh đạo. “Hầu hết nghệ sĩ cũ (trước năm 1975) phải chịu thôi. Mình đã nhất định theo nghề thì dù là cực khổ cách mấy cũng phải vượt qua”, ông Tùng Lâm nói. Ông chọn về quê vì ít bị rầy rà, và ngoài đi diễn thì còn được đoàn hát cho ăn cơm ngày hai bữa, đỡ cực hơn rất nhiều người. Cũng nhờ ẩn nhẫn mà nghệ sĩ Tùng Lâm sống được với nghề hơn mười năm, và gặp người vợ thứ hai của mình là diễn viên Thu Trang trong đoàn (người vợ đầu của ông là nghệ sĩ Bạch Lan Thanh, hiện vẫn còn ở Sài Gòn).

Nghệ sĩ Tùng Lâm là người không muốn rời xa quê hương. Ông thương Sài Gòn từ những ngày lang thang tập hát đớt đát cho đến lúc đã là một nghệ sĩ thượng thừa của miền Nam, và ngay cả lúc đau yếu hiện nay. Ông không muốn rời xa, ngay trong giai đoạn đời mình khó khăn nhất. “Nếu chết thì tôi muốn được chết ở quê hương Việt Nam”, ông có lần tâm tình vậy.

Bà Trang kể khi ở miền Tây, nhiều người hâm mộ thấy ông cực quá nên đề nghị cho ghép đi chung vượt biên mà không cần tiền bạc gì hết nhưng ông trằn trọc rồi từ chối. Có lúc, ông nói sợ mình đi không gặp được đứa con gái trong lúc còn gia đình với nghệ sĩ Bạch Lan Thanh, có lúc ông tin đời sẽ phải có lúc đổi thay… nhưng chung quy, điều giữ ông lại, là ông sợ cô đơn và phải lìa xa nơi ông đã sinh ra.

Bà Trang và con gái chăm sóc hàng ngày cho ông Tùng Lâm (ảnh: Tuấn Khanh)

Trong thời gian đi Mỹ diễn tái ngộ bà con, tôi có đến viếng mộ nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, thấy ông ấy nằm đó cô đơn quá, lạc lõng quá. Tôi cũng đã đến thăm người bạn diễn thân thiết năm xưa, danh hài La Thoại Tân, ở viện dưỡng lão. Khi trở về Việt Nam, đọc báo biết tin La Thoại Tân qua đời. Tội quá! (ông khóc…). Tứ quái Sài Gòn: Khả Năng, Thanh Việt, La Thoại Tân chết hết rồi… Chị Túy Hoa, Phi Thoàn cũng “đi” rồi chỉ còn lại một “thằng quái” này, ông lại khóc khi nhắc đến.

Đầu thập niên 1990, đời sống ở Việt Nam có cởi mở hơn. Nghệ sĩ Tùng Lâm quay lại Sài Gòn và cộng tác với một số hãng đĩa để ghi âm tiết mục hài, nhập cuộc đi diễn sân khấu cùng với những người cùng thời như quái kiệt harmonica Tòng Sơn, danh ca Giang Tử… Ông được mời dựng nên một nhân vật hài mới, tương tự nhân vật Tư Ếch trước năm 1975, đặt tên là Hai Nhái. Tuy nhiên, loạt ghi âm này cũng không bùng nổ được như các tiết mục ông đã sáng tạo trước 1975. Mệt mỏi và mất dần phương hướng, nghệ sĩ Tùng Lâm buồn và khó khăn hơn trong ánh hào quang của mình.

Nghệ sĩ Tùng Lâm, Tháng Tám 2023 (ảnh: Tuấn Khanh)

Đến năm 2005, ông bị đột quỵ nặng và đành từ giã sân khấu. Ông nằm nhà, và thỉnh thoảng nghe bạn diễn thời xưa gọi điện thoại thăm hỏi, có người ở Việt Nam, có người ở Mỹ… Mọi thứ nuôi sống ông bằng kỷ niệm. Nghệ sĩ Kim Tuyến, người đưa số điện thoại, thúc hối Saigon Nhỏ nên ghé thăm ông. Đời người đi qua thăng trầm, đôi khi chỉ cần chút tình hôm nay đã là vui.

Năm sau, nghệ sĩ Tùng Lâm bước vào tuổi 90. Cây cổ thụ cuối cùng của tiếng cười sân khấu miền Nam đang trút những chiếc lá cuối của cuộc đời tận hiến cho khán giả miền Nam. Dành cho ông một lời hỏi thăm, cũng như làm sáng lại một góc di sản của văn hóa miền Nam Việt Nam tự do, ắt cũng làm ấm lòng người nghệ sĩ đã rất hao gầy. Nếu được, xin hãy dành chút thời giờ để gọi qua số 0937 983 839, bà Thu Trang, hiền thê của ông, để góp thêm một lời chia sẻ cùng Saigon Nhỏ.

Tuấn Khanh


Thứ Tư, 30 tháng 8, 2023

Trường Thi Chôn Nhau Cắt Rốn Đoạn 204

 


Nhạc Sĩ Hà Phương: Tôi Vượt Qua Khó Khăn Nhờ Tình Yêu Với Mảnh Đất Miền Tây


Nhạc sĩ Hà Phương 

NHẠC SĨ HÀ PHƯƠNG: TÔI VƯỢT QUA KHÓ KHĂN NHỜ TÌNH YÊU VỚI MẢNH ĐẤT MIỀN TÂY
Bài viết và hình ảnh – Châu Mỹ & Phúc Ben

Gặp nhiều thăng trầm trong cuộc sống cũng như sự nghiệp sáng tác, nhạc sĩ của ca khúc “ Mưa đêm tỉnh nhỏ” đã vượt qua tất cả nhờ tình cảm dành cho âm nhạc, dành cho quê hương miền tây của ông. Ở tuổi 80, ông tận hưởng tuổi già viên mãn bên gia đình.

Nhạc sĩ Hà Phương tên thật là Dương Văn Lắm, sinh năm 1938 tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Ông được đồng nghiệp, người yêu nhạc ưu ái gọi là nhạc sĩ của quê hương miền Tây với những sáng tác mang đậm phong cách miệt vườn Nam Bộ. Một số ca khúc của Hà Phương đã góp phần làm thăng hoa giọng hát các ca sĩ Giang Tử, Chế Linh, Hương Lan, Trường Vũ, Cẩm Ly, Phi Nhung như Mưa đêm tỉnh nhỏ, Bông điên điển, Mưa qua phố vắng, Mưa chiều kỷ niệm, Em về miệt thứ… Trước năm 1975, Hà Phương tham gia nhóm du ca “Phù Sa” cùng với Anh Việt Thu, Anh Việt Thanh, Phạm Minh Cảnh, biểu diễn từ Cần Thơ ra đến Huế.

Nhạc sĩ Hà Phương là một trong số nhiều nhạc sĩ có tầm ảnh hưởng đối với đời sống âm nhạc. Ngoài bài hát Mưa đêm tỉnh nhỏ (sáng tác cùng Anh Việt Thanh) góp phần làm nên tên tuổi ca sĩ Trường Vũ, sáng tác Bông điên điển của ông khiến giọng ca Phi Nhung có thêm nhiều sự mến mộ từ khán giả yêu nhạc vàng cả ở trong nước và hải ngoại. “Thời kỳ sáng tác Mưa đêm tỉnh nhỏ, tôi sống khỏe nhờ sáng tác. Thù lao mỗi bài hát lên tới vài cây vàng. Khi đó, tuổi còn trẻ, đang tự do, tiền có nhiều nhưng tôi không biết giữ. Chỉ đến khi lấy vợ, tôi mới sắm được nhà, mua được xe”, nhạc sĩ hồi tưởng.

Sự nghiệp sáng tác cũng như đời sống riêng có nhiều thăng trầm nhưng Hà Phương vượt qua bằng nỗ lực bản thân, hưởng thụ tuổi già viên mãn bên người thân, bạn bè và khán giả ái mộ.

“Nhạc sĩ Hà Phương là nhạc sĩ của quê hương miền Tây. Ca từ đơn sơ, mộc mạc nhưng thể hiện được tình cảm đằm thắm với mảnh đất ông sinh ra. Với bài Bông điên điển, tác giả đã trải lòng mình với cảnh ngộ của những cô gái lấy chồng xa. Mỗi khi Phi Nhung cất cao giọng hát, những người xa xứ như tôi lại trào dâng cảm xúc”, một nữ Việt kiều chia sẻ.

Biến cố xảy ra với cuộc đời Hà Phương khi ông không may mất hết tài sản trong những bỏ vốn ra làm ăn thất bại trong việc trồng vườn nhà. Từ một người chỉ biết sáng tác, ông trở thành lao động chính trong nhà. Nhạc sĩ làm đủ công việc để mưu sinh từ dạy nhạc, buôn bán, làm vườn, làm thuê, làm mướn. Thậm chí, có giai đoạn làm ăn thua lỗ, ông phải bỏ quê hương, lang bạt khắp “Nam kỳ lục tỉnh” kiếm sống. Đó cũng là lý do ông ký nghệ danh Hà Phương dưới mỗi bài hát của mình. “Tôi từng làm nhiều công việc lao động nặng nhọc để lo cho gia đình như bổ củi, kéo xe”, Hà Phương ngậm ngùi khi nói về khoảng lặng trong quá khứ.

Đầu thập kỷ 1990, khi trào lưu Làn sóng xanh, Mưa Bụi làm mưa gió trên thị trường âm nhạc, những nhạc sĩ như Hà Phương được chú ý. Ông được một trung tâm băng nhạc tại Sài Gòn mời cộng tác. Thù lao khấm khá từ việc sáng tác và biên tập âm nhạc giúp nhạc sĩ ổn định cuộc sống trở lại. Ông chọn quê hương Mỹ Tho, Tiền Giang làm nơi định cư cho cả gia đình gồm vợ và bốn người con. Thời kỳ sau này, nhạc sĩ có thêm thù lao từ việc đặt hàng ca khúc của các ca sĩ hải ngoại. Mỗi bài hát đem lại cho ông từ vài trăm đến hàng nghìn USD. Những ca khúc từng làm nên tên tuổi Hà Phương trong quá khứ, đến nay vẫn được các ca sĩ sử dụng. Thù lao tác quyền của ông có khi lên tới 20 triệu đồng một quý. “Hiện tại tôi sống khỏe, chỉ sáng tác theo đơn đặt hàng, lâu lâu phổ thơ của vài người bạn. Phần lớn thời gian tôi dành đi thăm thú bạn bè”, nhạc sĩ cho biết.

Bí quyết để vượt qua khó khăn được nhạc sĩ gói gọn trong hai chữ “chấp nhận”. Hà Phương cho hay, khi không thể thay đổi được số phận, ông chọn cách chấp nhận và vượt qua. “Lòng tôi còn yêu, còn day dứt với con người miền Tây, tôi quyết gắn bó tới cuối đời với mảnh đất này chứ không trốn chạy khó khăn. Tôi tin, lòng yêu của tôi có ngày sẽ được đền đáp”, nhạc sĩ tâm sự.

Bài hát “Mưa đêm tỉnh nhỏ”, góp phần đưa tên tuổi nhiều ca sĩ dòng nhạc xưa đến với khán giả.

Hài lòng với cuộc sống hiện tại, Hà Phương vẫn không nguôi trăn trở về nghệ thuật. Ông không thấy thỏa mãn với nhiều bài hát viết theo đơn đặt hàng, dù nhờ chúng, cuộc mưu sinh của ông đã bớt khó khăn. Hà Phương cho hay: “Bây giờ tôi sáng tác theo công thức nhiều hơn là theo cảm hứng. Trước kia những bài hát phần lớn xuất phát từ trái tim, từ những trải nghiệm cuộc sống của tôi, một cách hồn nhiên và chất phác. Đó là lý do vì sao tôi chọn phổ nhạc những bài thơ của bạn cùng trang lứa. Ở họ, tôi tìm thấy được chính tôi của một thời máu lửa”.

Cuộc đời thăng trầm của nhạc sĩ Hà Phương nhận được nhiều chia sẻ từ bạn bè đồng nghiệp và người hâm mộ. “Hà Phương biết nén cái tôi của một nghệ sĩ để hòa mình với những đổi thay của cuộc sống. Anh sống giản dị, hết lòng với gia đình, dù quanh anh, có rất nhiều nữ khán giả ái mộ”, nhạc sĩ Phạm Minh Cảnh xúc động khi nói về người bạn tâm giao của mình.

Bài viết và hình ảnh – Châu Mỹ & Phúc Ben

(Nhạc Vàng)


Nhạc phẩm Mưa Đêm Tỉnh Nhỏ - Hà Phương



Về Ca Khúc "Bông Điên Điển" Của Nhạc Sĩ Hà Phương


VỀ CA KHÚC "BÔNG ĐIÊN ĐIỂN" CỦA NHẠC SĨ HÀ PHƯƠNG 

Lưu Hương


Hò ơi …. má ơi đừng gả con xa chim kêu vượn hú
Hò ớ …. chim kêu vượn hú biết nhà má đâu.

Em đi lấy chồng về nơi xứ xa
Đêm ru điệu hát, giọng hò trên môi.
Miền Tây xanh sắc mây trời
Phù sa nước nổi người ơi đừng về!

Với màu điên điển say mê
Vàng trong ánh mắt, vỗ về gót chân.
Trót thương tình nghĩa vợ chồng
Nên bông điên điển nở, cho lòng vấn vương
Tình thương em khó mà lường.

Chồng gần không lấy, em lấy chồng xa
Giờ đây nhớ mẹ thương cha
Còn đâu mà thong thả đi về nhà thăm.

Xa xăm nơi chốn bưng biền
Ăn bông mà điên điển
Nghiêng mình nhớ đất quê
Chồng xa em khó mà về.

Hò ơ, ơi hò! Chồng xa em khó mà về
Hò ơ, ơi hò! Chồng xa em khó mà về…!

Ca khúc “Bông Điên Điển” là một sáng tác của nhạc sĩ Hà Phương, ông viết vào năm 1998 và được ca sĩ Phi Nhung thu âm đầu tiên. Sau đó, ca khúc này trở thành một bài hát được nhiều người yêu thích lúc bấy giờ. Vì bài hát mang đặc trưng, ca ngợi vẻ đẹp của vùng Miền Tây sông nước, đất trời hiền hòa để tô điểm cho tình cảm gia đình, tình người xa xứ mà khắc họa nỗi lòng của phận người con gái phải lấy chồng xa.

Về miền quê hương Nam Bộ đi qua những nẻo đường làng, thôn xóm của những buổi trưa lộng gió, vẳng bên tai nghe đâu đó sẽ là lời ru của bà, của mẹ bên cánh võng đung đưa “ơ… ầu ơ… má ơi đừng gả con xa, chim kêu vượn hú biết nhà má đâu…”. Hai câu ca dao ấy như gắn liền với tuổi thơ bao người từ thuở còn nằm nôi. Và lớn lên câu ca dao ấy như là tiếng lòng chung cho thân phận của người con gái đến độ tuổi cập kê, đã được nhạc sĩ Hà Phương đưa vào sáng tác của mình thành tiếng hát câu hò “hò ơi …. má ơi đừng gả con xa chim kêu vượn hú… hò ớ …. chim kêu vượn hú biết nhà má đâu”.

Trai lớn lên lấy vợ, gái lớn lên gả chồng là quy luật của tự nhiên trong cuộc sống, là truyền thống của ông ba ta từ xưa đến nay. Ai rồi cũng sẽ đến giai đoạn gây dựng cho mình hạnh phúc riêng. Bài hát như là nỗi lòng của người con gái “lấy chồng về nơi xứ xa”, dù bị ép gả hay vì yêu mà người con gái chấp nhận lấy chồng xa thì trong tâm trí của họ luôn vấn vương những hình ảnh của trốn quê nhà, ở đó có cha mẹ đang chờ đợi con gái về thăm, có người anh, hay những đứa em mong về từng ngày để cùng đùa nghịch hay kể chuyện nhau nghe. Nỗi nhớ quê, nhớ nhà, nhớ người thân thương làm sao nguôi. Có khi tròn mình trên giường, lẳng lặng mà nước mắt tuôn rơi thấm đẫm trên chiếc gối. Có lẽ khóc là liều thuốc tốt giúp người con gái lấy chồng xa vơi đi phần nào nỗi vấn vương, buồn thương nhớ ấy.

Người con gái trong bài hát có nỗi nhớ gia đình da diết khi nhìn “bông điên điển nở cho lòng vấn vương”, hình ảnh ấy như thôi thúc người con gái từ bỏ tất cả mà trở về nhà, về với mảnh đất “Miền Tây xanh sắc mây trời”, ở đó có tiếng hát lời ru quen thuộc, có phù sa nước nổi, có điên điển trổ vàng bông và có những người thân thương. Người con gái ấy cũng “khó mà lường” trước được cảm giác lấy chồng xa sẽ nhung nhớ gia đình đến vậy, nhưng vì tình yêu, khi nghĩ về “tình nghĩa vợ chồng” mà đành cam chịu nỗi lòng xa xứ.

Lời bài hát là những ca từ gần gũi, dễ hiểu mà đầy cảm xúc:
“Chồng gần không lấy, em lấy chồng xa.
Giờ đây nhớ mẹ thương cha
Còn đâu mà thong thả để về nhà thăm.

Xa xăm nơi chốn bưng biền
Ăn bông mà điên điển nghiêng mình nhớ đất quê
Chồng xa em khó mà về”.

Nỗi lòng ấy mấy ai thấu hiểu giùm cảm giác nhớ nhung nhưng bị ngăn cách. Mỗi khi nhớ nhà, mỗi khi “nhớ mẹ thương cha” muốn được về thăm, được ôm vào lòng mà vỗ về, muốn được trở về nơi bình yên của gia đình. Nhưng nào có được vì khi lấy chồng ở tận nơi “xa xăm” nên “khó mà về”, vì “còn đâu mà thông thả” khi gánh nặng trên vai là gia đình nhỏ của riêng mình, của cuộc sống mưu sinh, con cái thêm vào đó là khoảng cách trở thành rào cản ngăn bước ta về. Lời bài hát là sự xót xa thay cho nỗi lòng muốn về thăm cha mẹ, thăm quê nhưng không thể về vì đã trọn kiếp “chồng xa em khó mà về”.

Lưu Hương

(Nhạc Vàng)



Xin mời quý vị thưởng thức 



Nguyễn Trãi - Ức Trai Thi Tập Bài 21, 22, 23

 


NGUYỄN TRÃI - ỨC TRAI THI TẬP - BÀI 21, 22, 23
Thầy Dương Anh Sơn 

ỨC TRAI THI TẬP - THỜI KỲ RA GIÚP LÊ LỢI BÌNH ĐỊNH GIẶC MINH THÀNH CÔNG VÀ LÀM QUAN (khoảng 1418-1429)

Bài 21

HẠ TIỆP (KỲ NHỊ)                                                          賀 捷 (期二)

Gian thần tặc tử tội nan dung                                            奸臣賊子罪難容,
Đáo để chung đầu hiến võng trung.                                   到底終投憲綱中.
Cùng nhưỡng khởi kham diên suyễn tức,                          窮壞豈堪延喘息,
Đại đình ưng dĩ tấu phu công.                                           大庭應已奏膚功.
Giác thanh vạn lý khê sơn nguyệt,                                    角聲萬里溪山月,
Kỳ cước thiên nham thảo mộc phong.                               旗腳千岩草木風.
Tứ hải vĩnh thanh tòng thử thủy,                                       四海永清從此始,
Phù tang tảo biện quải thiên cung.                                    扶桑早辨掛天弓.

Dịch nghĩa:

Bọn tôi thần gian trá làm giặc khó tha thứ được - Rốt cùng cũng phải
đưa đầu vào lưới – Nơi vùng đất tận cùng há chịu để cho kéo dài hơi thở gấp gáp và thoi thóp ! - Ở triều đình đã báo dâng tin công lớn rồi (c.1-4) - Tiếng tù và vang muôn dặm khe núi dưới ánh trăng - Cỏ cây ngàn núi gió làm lay động dưới bóng cờ - Từ nay, bốn biển sẽ mãi mãi được lặng yên – Đã sớm tách ra đem treo cây cung trời trên cây phù tang (c.5-8).

Dịch thơ:

MỪNG THẮNG TRẬN (Bài 2)

Tôi gian làm giặc khó tha,
Rốt cùng lưới pháp phải sa vào tròng.
Dài hơi, thở gấp đất cùng
Triều đình công lớn báo dâng tin rồi.
Khe trăng muôn dặm vang còi,
Bóng cờ nghìn núi gió vời cỏ cây.
Mãi yên bốn bể từ nay,
Cành phù tang sớm treo đây cung trời.

Chú thích:

- đáo để 到底: đến tận cùng.
- đầu 投: chui vào, ném vào.
- hiến võng 憲綱: lưới pháp luật.
- diên 延: dài, bước chân dài.
- câu 3: ở nơi cuối đất xa xôi chỉ kéo dài (diên) hơi thở gấp và thoi thóp thôi. Đây chỉ các bộ tộc vùng xa xôi chống đối triều đình không thể nào kéo dài được lâu. ( suyễn tức 喘息: hơi thở gấp, bệnh suyễn).
- tấu phu công 奏膚功: dâng tấu công trạng to lớn (phu: to lớn, đẹp đẽ).
- giác thanh 角聲: tiếng còi làm bằng sừng trâu ,còn gọi là tù và...
- khê sơn 溪山: suối khe trong núi.
- cước 腳: chân, dưới chân, dưới bóng, bám vào bên dưới
- kỳ cước 旗腳: dưới bóng cờ.
- nham 岩: vách núi hiểm trở. Chỉ chung các ngọn núi.
- vĩnh thanh 永清: mãi mãi được trong lắng, được yên ổn.
- thử thủy 此始: bắt đầu từ lúc này.
- phù tang 扶桑: Chữ phù tang còn có cách viết 榑桑.Theo thần thoại
Trung Hoa, mặt trời mọc nơi loài cây tên là phù tang ở Biển Đông. Tống Ngọc nhà thơ bên T.H (người nước Sở thời Chiến quốc rất điển trai và giỏi từ phú ) trong bài Đại Ngôn Phú có câu : “Loan cung quải phù tang” (Cây cung treo trên cây phù tang) chỉ việc chiến chinh đã xong nên vũ khí đem cất đi . Nước Nhật Bản ở phía đông của mặt trời mọc và dân Nhật vẫn gọi nước của mình là Phù Tang , có nguồn cội từ mặt trời 日本.
- tảo biện quải 早辨掛: sớm tách ra và treo lên (biện: tách, chia ra).
- thiên cung 天弓: là vũ khí bắn mũi tên do trời ban để chống giặc, dẹp yênloạn lạc (nên phải trả lại cho trời). Mặt khác, công việc giữ yên bờ cõi đã xong, thái bình trở lại nên cung thương nói chung và vũ khí cho việc chiến chinh xếp cất kho.

Bài 22

HẠ TIỆP (KỲ TAM)                                                        賀 捷 (期三)

Thánh triều nhu viễn mẫn hôn ngu,                                   聖朝柔遠憫昏愚,
Nại nhĩ vô tri tự vẫn khu.                                                  奈爾無知自殞軀.
Lũy thế cừu thâm lân cảnh oán,                                        累世仇深鄰境怨,
Khi thiên tội đại quỷ thần tru.                                           欺天罪大鬼神誅.
Mạc tương tiền thế ban kim đại,                                        莫將前世扳今代,
Bất tác trung thần hiệu nghịch tù.                                     不作忠臣效逆囚.
Vi báo hậu lai phiên trấn giả,                                            為報後來藩鎮者,
Chinh luân phúc triệt tại tiền đồ.                                       征輪覆轍在前途.

Dịch nghĩa:

Triều đình có vua sáng suốt làm cho nơi xa xôi được yên ổn, thương
xót kẻ mê mờ ngu tối – Sao các ngươi không biết đến để mà tự hại thân mình - Đời chất sâu cừu hận, láng giềng chung quanh thù oán - Dối trời là tội rất lớn, quỷ thần sẽ tru diệt chẳng tha (c.1-4) - Chớ lôi chuyện đời trước vào đời nay - Không làm người tôi trung mà theo làm kẻ tội đồ phản nghịch - Vì thế, báo cho kẻ làm việc trấn giữ về sau – Dấu vết bánh xe chinh chiến lăn đi của con đườngphía trước đã đổ kia rồi (c.5-8).

Dịch thơ:

MỪNG THẮNG TRẬN (Bài 3)

Vua lo yên chốn mê xa,
Các ngươi chẳng biết để mà hại thân.
Đời chồng sâu cảnh oán tràn.
Dối trời tội lớn quỷ thần dẹp ngay!
Chớ lôi đời trước vào nay,
Tôi trung chẳng khứng, theo bầy tù lao.
Báo ai trấn giữ về sau,
Dấu xe lăn trước đổ nhào đường đi!

Chú thích:

- thánh triều 聖朝: triều đình có vua sáng suốt.
- nhu viễn 柔遠: làm cho nơi xa được yên ổn (nhu: yên ổn, thuận theo, yếu mềm...).
- mẫn 憫: lo buồn  thương xót...
- hôn ngu 昏愚: tối tăm, mê mờ, ngu dốt.
- vẫn khu 殞軀: (軀 khu: thân thể, hình vóc ,tấm thân) thân thể bị hại,
mất mát (vẫn).
- lũy thế 累世: đời thêm chất chồng phiền lụy (累 lụy: mệt, phiền lụy,
một âm là “lũy” và “lụy” (trói buộc).
- khi thiên 欺天: lừa dối trời.
- tru 誅: diệt, dẹp, đánh, trách phạt, trừ bỏ.
- ban kim đại 扳今代: lôi kéo làm thay đổi thời nay.
- hiệu 效: noi theo, bắt chước, trao cho.
- nghịch tù 逆囚: bọn phản nghịch bị tù tội
- phiên trấn 藩鎮: giữ những vùng đất còn thấp kém ở xa xôi.
- luân 輪: bánh xe, tròn, ngang dọc, cao đẹp.
- phúc 覆: sụp đổ, xét lại, thất bại - phúc triệt: dấu vết bánh xe lăn (đi) qua đã sụp đổ.
- tiền đồ 前途: con dường phía trước, chỉ tương lai.

Bài 23

HẠ TIỆP (KỲ TỨ)                                                           賀 捷 (期四)

Khi thiên võng thượng vị thiên cao,                                 欺天罔上謂天高,
Thiên võng khôi khôi cánh mạc đào.                                天網恢恢更莫逃.
Hộ ngoại trùng sơn không thiết hiểm,                               戶外重山空詔險,
Lâm gian thê điểu bất quy sào.                                          林間棲鳥不歸巢.
Man khê lộ viễn vu loan ngự,                                            蠻溪路遠紆鸞馭,
Ngọc trướng thâm mưu xuất hổ thao.                               玊帳深謀出虎韜.
Tứ hải chỉ kim câu thiếp tĩnh,                                            四海只今俱帖靜,
Dự tri hậu dật bổn tiên lao.                                                預知後逸本先勞.

Dịch nghĩa:

Dối lừa vua bảo là trời cao - Lưới trời rộng lớn chẳng thể trốn tránh
được – Núi non trùng điệp, cửa ải sắp bày hiểm trở cũng vô ích, chẳng làm gì được – Chim cũng không bay về được tổ trong rừng (c.1-4) - Đường nơi khe núi vùng xa xôi trắc trở cho xe vua đi - Ở nơi trướng ngọc, việc ra quân hùng mạnh đã có mưu sâu - Bốn biển từ nay đều được yên ổn - Biết là muốn được an nhàn về sau phải chịu gian lao nhọc nhằn trước (c.5-8).

Dịch thơ:

MỪNG THẮNG TRẬN (Bài 4)

Dối vua : lừa bảo trời cao,
Lưới trời lồng lộng tránh sao được rày!
Cửa non cũng hão hiểm bày,
Chim về rừng chẳng được ngay tổ rồi.
Kiệu loan khe suối xa xôi,
Quân hùng, trướng ngọc mưu người sâu xa.
Từ nay bốn biển thái hòa,
Biết rằng nhọc trước, sau là nhàn thôi!

Chú thích:

- khi 欺: lừa dối, dối gạt.
- võng 罔: lưới, võng, lừa dối, mờ tối, không được.
- vị 謂: lời báo, gọi là, còn là, vì, với cùng.
- khôi khôi 恢恢: rộng lớn, bao trùm, lồng lộng.
- đào 逃: tránh né, bỏ đi, quên mất.
- không 空: hão ,không làm được, trống rỗng ,hư không, bầu trời, đạt đến sự giác ngộ (không môn)
- thiết hiểm 詔險: sắp đặt ,bày biện cho hiểm trở để ngăn kẻ địch
- thê 棲 thê: chỗ ở, chỗ đậu, nghỉ lại của chim.
- man 蠻: người Hán gọi miệt thị, coi thường các bộ tộc phía nam xa xôi là “man” hoặc “man di” (mọi rợ) và gọi các bộ tộc phương bắc là rợ “Hồ” v.v... Ở đây chỉ nơi cách trở và xa xôi.
- vu 紆: quanh co, khúc khuỷu.
- loan ngự 鸞馭: kiệu hoặc xe chở vua có chạm, vẽ hình chim loan.
- hổ thao 虎韜: phép dụng binh cho hùng mạnh (như con hổ trong rừng núi). Hổ Thao tương truyền là tên cuốn binh thư nổi tiếng của Thái Công Vọng 太公望 Khương Tử Nha 姜子牙 đời nhà Tây Chu 西周 (440-256 TCN) làm ra gồm có: Văn Thao, Vũ Thao, Long Thao, Hổ Thao, Báo Thao và Khuyển Thao
- câu thiếp tĩnh 俱帖靜: đều được yên ổn, đều ổn định.
- dật 逸: nhàn rỗi, ẩn dật, lầm lỗi, bị sổng ra, buông thả...

(Lần đến: Bài 24, 25, 26 )

Dương Anh Sơn