Hình 1 -- Nha Sĩ Hoàng Đình Trí, DB Tom Kmiec và Ts. Nguyễn Đình Thắng tại Hội Người Việt Edmonton, ngày 4/8/2023 (ảnh BPSOS)
Theo Ts. Thắng, các trường hợp gian lận bao gồm những người chưa hề là thuyền nhân, những thuyền nhân đã hồi hương và có giấy tờ hợp pháp ở Việt Nam, và kể cả một số người có quốc tịch Campuchia chứ không phải Việt Nam.
Nha Sĩ Trí chia sẻ kinh nghiệm là trong thời gian chương trình định cư nhân đạo này đang diễn tiến, trong vai trò Phó Chủ Tịch Liên Hội Người Việt Canada, Ông đã nhiều lần yêu cầu nhưng không hề nhận được từ những người thực hiện chương trình thông tin về các hồ sơ được đưa vào Canada.
“Ngay chính tôi cũng ở trong nhóm bảo trợ một gia đình cựu thuyền nhân đến Edmonton nhưng rồi không nghe tăm hơi gì về họ cho đến khi chính phủ Canada liên lạc để theo dõi thì mới vỡ nhẽ họ đã đến Toronto nhiều tháng trước mà chúng tôi không hay biết”, Ông Trí chia sẻ với Dân Biểu Kmiec.
Ts. Thắng chia sẻ là biết rõ một trường hợp chắc chắn gian lận đã được một nhóm 5 người bảo trợ về Edmonton:
“Họ cho đến nay vẫn chưa được gặp mặt cặp vợ chồng mà họ bảo trợ. Người chồng sau khi hồi hương từ Thái Lan đã du học Ấn Độ 3 năm, nghĩa là có passport Việt Nam và do đó không nằm trong tiêu chuẩn định cư theo chương trình nhân đạo của Canada. Còn người vợ chỉ là ăn theo.”
DB Kmiec tỏ ra quan tâm về số người không chỉ di dân gian lận mà còn từng thuộc về một tổ chức có thành viên đã bị án tù ở Hoa Kỳ, Thái Lan, và Philippines vì liên quan đến các hoạt động khủng bố, theo như thông tin từ cuộc điều tra của BPSOS.
“Yếu tố an ninh quốc gia có lẽ đã thúc đẩy cơ quan hữu trách của Canada khởi động lại cuộc điều tra đã bị trùm mền trong nhiều năm qua,” Ts. Thắng nói và gợi ý DB Kmiec theo dõi và đôn đốc cuộc điều tra này.
Cơ quan hữu trách ấy là Immigration, Refugees and Citizenship Canada (IRCC).
Về hệ quả của sự gian lận trong di dân, DB Kmiec cảnh giác rằng những hồ sơ bị cơ quan điều tra xác nhận là có gian lận thì sẽ bị trục xuất khỏi Canada; Ông Kmiec bày tỏ sự đồng lòng với chính sách ấy.
Tuy nhiên, Nha Sĩ Trí nhấn mạnh rằng Ông quan tâm đến giải quyết tình cảnh của các cựu thuyền nhân kẹt lại chứ không nghĩ đến việc phải trục xuất những người đã đến Canada dù là có gian lận.
Ts. Thắng nhắc nhở DB Kmiec: “Ngay cả những người nhập cư bất hợp pháp vẫn được bảo vệ bởi Công Ước Quốc Tế về Tư Cách Tị Nạn mà Canada là quốc gia thành viên.”
Ts. Thắng giải thích rằng nạn nhân bị đàn áp phải thoát thân bằng mọi cách, kể cả cách bất hợp pháp và nhắc nhở, “Đó là chưa kể Canada là quốc gia thành viên của Công Ước LHQ về Chống Tra Tấn cho nên không thể gửi bất kỳ ai về nơi họ sẽ bị tra tấn, nếu họ chứng minh được sẽ bị tra tấn.”
DB Kmiec tỏ ra được thuyết phục nhưng cảnh giác rằng tỉ lệ cứu xét đơn xin tị nạn ở Canada chỉ là 60% được công nhận quy chế tị nạn và giới chức quyết định quy chế tị nạn ít thiện cảm với những ai đã nhập cư Canada một cách gian lận.
Ts. Thắng kêu gọi sự cảm thông cho những người nói thật: “Khả tín là yếu tố quyết định trong lời khai xin tị nạn. Khi bị điều tra, nếu người di dân gian lận khai thật thì xem như họ chứng tỏ được sự chân thành. Chính phủ Canada chỉ nên khắt khe với những ai tiếp tục chống chế, bao che cho đường dây gian lận vì như vậy là cố tình phạm tội chứ không phải miễn cưỡng vì ở thế đường cùng,”
Dân biểu Kmiec cho biết việc vận động mở lại chương trình định cư nhân đạo sẽ không dễ. Ông đã cùng Nha Sĩ Trí và Ts. Thắng bàn luận kế hoạch vận động bao gồm: - Ts. Thắng, trong tư cách Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, và Nha Sĩ Trí, trong tư cách cựu Phó Chủ Tịch Liên Hội Người Việt Canada, đồng gửi văn thư trực tiếp cho IRCC yêu cầu mở lại chương trình định cư nhân đạo dành cho các cựu thuyền nhân ở Thái Lan
- DB Kmiec sẽ dựa vào đó để theo dõi và đôn đốc IRCC trả lời
- DB Kmiec sẽ vận động các đồng viện trong Quốc Hội, đặc biệt những vị ở trong tỉnh bang Alberta, cùng lên tiếng với chính phủ Canada của Thủ Tướng Justin Trudeau
Điều quan trọng không kém, theo DB Kmiec, là truy ra giới chức nào và bộ phận nào của IRCC trước đây đã thực hiện chương trình định cư nhân đạo dành cho các cựu thuyền nhân để tìm hiểu xem tại sao lại để lọt những hồ sơ gian lận, nhất là có thể có thành phần liên quan hoạt động khủng bố.
“Không ai trong IRCC muốn nhận lỗi về mình,” DB Kmiec nói. “Do đó trước hết phải truy xem ai, bộ phận nào có trách nhiệm, và điều này không đơn giản.” |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét