Thứ Hai, 14 tháng 8, 2023

Hàng Ngàn Người Tham Dự Các Buổi Lễ Nhà Thờ Hôm Chủ Nhật Để Tưởng Nhớ Các Nạn Nhân Vụ Cháy Rừng Ở Đảo Maui


Một cư dân đảo Maui cầu nguyện trong buổi lễ nhà thờ tại Nhà thờ Kihei Baptist ở Kihei, đảo Maui, hôm 13/08/2023. (Ảnh: Allan Stein/The Epoch Times)

HÀNG NGÀN NGƯỜI THAM DỰ CÁC BUỔI LỄ NHÀ THỜ HÔM CHỦ NHẬT ĐỂ TƯỞNG NHỚ CÁC NẠN NHÂN VỤ CHÁY RỪNG Ở ĐẢO MAUI
Vân Sa biên dịch

Đây là bài viết đầu tiên trong loạt bài về vụ cháy rừng ở đảo Maui, tiểu bang Hawaii, đã cướp đi sinh mạng của 93 người cùng hàng ngàn người vẫn đang mất tích và chưa được tìm thấy.

KIHEI, Hawaii — Mặc dù thiệt hại về vật chất của các trận cháy rừng ở đảo Maui là không kể xiết, nhưng cuộc chiến tâm linh để chữa lành và tái thiết cho hòn đảo lớn thứ hai của tiểu bang Hawaii chỉ mới bắt đầu.

Hôm 13/08, các buổi lễ nhà thờ vào Chủ Nhật đầu tiên đã được tổ chức trên khắp hòn đảo nhiệt đới xanh tươi, dành cho hàng ngàn cư dân đang đau buồn và chấn động trước hậu quả của trận cháy rừng hồi tuần trước (07-13/08).

Hơn 90 người thiệt mạng; hàng ngàn người vẫn mất tích hoặc phải di dời, hàng ngàn mẫu đất và các tòa nhà bị thiêu rụi ở thành phố Lahaina, phía Tây đảo Maui, và các cộng đồng cư dân khác. “Lahaina” trong ngôn ngữ của người Hawaii có nghĩa là “mặt trời tàn nhẫn” hoặc là “mặt trời tàn ác.”

Trong thời gian tới, các quan chức của Quận Maui sẽ công bố danh tính các nạn nhân và lễ tang sẽ bắt đầu.

Hàng ngàn người tham dự các buổi lễ nhà thờ hôm Chủ Nhật để tưởng nhớ các nạn nhân vụ cháy rừng ở đảo Maui

Một người phụ nữ ngồi một mình đang đau buồn trước những thương vong và sự tàn phá của trận cháy rừng Maui tại Nhà nguyện Kihei Baptist ở Kihei, đảo Maui hôm 13/08/2023. (Ảnh: Allan Stein/The Epoch Times)

Đối với những người đã mất đi người thân, nhà cửa, hoặc kế sinh nhai—trong nhiều trường hợp là mất tất cả—câu hỏi dưới đây đã chạm đến cốt lõi đức tin của họ.

Làm sao người ta có thể vẫn tin giữa quá nhiều thương vong và sự phá hủy?

Tại Nhà nguyện Hy vọng (Hope Chapel) ở Kihei, đảo Maui—cách thành phố Lahaina 23 dặm—nơi bị tàn phá tồi tệ nhất, những con người đau khổ đang tập trung lại để đón nhận sự giúp đỡ từ những người hàng xóm và những lời thuyết giảng mang đến hy vọng cũng như khả năng phục hồi từ các nhà lãnh đạo tinh thần.

“Đối với tất cả chúng ta đang hiện diện trong căn phòng này, đây là một giờ đen tối đối với chúng ta như là một hòn đảo,” người chủ trì buổi lễ Erin Marsman nói. “Mỗi người bước vào không gian này đều mang theo gánh nặng. Một số quý vị đã mất tất cả.”

Chữa lành những trái tim tan vỡ

Hiện tại, hy vọng, đức tin, lời cầu nguyện—và tình yêu—phải vực dậy được trái tim tan vỡ này, mục sư chính Ben Prangnell nói với hơn 100 người tại buổi thờ phượng lúc 8:30 sáng Chủ nhật.

Ông Prangnell nói: “Tôi cảm thấy đầu óc quay cuồng. Trái tim chúng ta đau đớn. Cảm xúc của chúng ta rất thô ráp. Nhưng chúng ta đã đến đúng nơi. Bởi vì nơi Ngài có sự giúp đỡ mà chúng ta cần đến.”

“Đây là thời điểm vô cùng đau buồn. Và chúng ta cần thời gian để thương tiếc khi mất đi những người thân yêu, bạn bè, nhà cửa, cơ sở kinh doanh, thành phố Lahaina thân yêu của chúng ta.”

Nhưng cùng với nỗi buồn to lớn là cơ hội tuyệt vời để chữa lành và nâng cao tinh thần, ông Prangnell nói.

Và trong thời điểm đau khổ tột cùng này, ông kêu gọi những người có mặt hãy quan tâm đến nhau và luôn hy vọng.

“Điều quý vị sẽ làm cho mọi người thì giờ hãy làm cho một người. Bày tỏ cảm xúc của quý vị là khởi đầu của sự hàn gắn. Vì vậy, thật tốt khi làm điều đó cùng nhau và giúp đỡ lẫn nhau khi chúng ta vượt qua mất mát.”

Mục sư chính Jim Franks cho biết những người sống sót phải vượt qua cảm xúc của họ và để làm được như vậy, nhiều người đã ủng hộ nỗ lực cứu trợ theo nhiều cách không ngờ tới.

Mục sư Franks nói: “Tôi đã chứng kiến sự ủng hộ, tình yêu thương và lời cầu nguyện tuôn trào một cách đáng kinh ngạc từ rất nhiều người nói rằng: ‘Tôi có thể giúp gì đây?’”

Hàng ngàn người tham dự các buổi lễ nhà thờ hôm Chủ Nhật để tưởng nhớ các nạn nhân vụ cháy rừng ở đảo Maui

Một người đàn ông đọc một đoạn Kinh thánh trong buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân của trận cháy rừng Maui ở Kihei, Maui, hôm 13/08/2023. (Ảnh: Allan Stein/The Epoch Times)

Ngay sau khi đám cháy bắt đầu hôm 08/08, phòng khách của nhà nguyện trở thành trung tâm quyên góp và phân phối cho ngân hàng thực phẩm và đồ dùng. Căn phòng này đã được chất đầy năm lần bằng những đồ viện trợ thiết yếu gửi đến Lahaina bằng thuyền hoặc các đoàn xe.

Nhiều gia đình phải di dời đã đến nhà thờ để nhờ giúp đỡ.

“Chúng ta còn nhiều việc phải làm,” Mục sư Franks nói. “Chúng ta sẽ ở trong tình trạng này trong một thời gian dài. Đã vài ngày trôi qua và tất cả các nhu cầu đang trở nên rõ ràng.”

Ông John Martin, mục sư cơ sở của Hope Chapel, cho biết tác động tinh thần của bốn vụ cháy rừng là rất lớn, hiếm người nào mà không bị tổn thương.

Với một chiếc xe caravan lưu động chứa được 6 người, các tình nguyện viên của nhà thờ đã thực hiện 11 điểm dừng để cung cấp thức ăn cho người cao niên, và phân phát ba lô cho trẻ em khi nhu cầu về đồ dùng thiết yếu tiếp tục gia tăng.

“Chúng tôi đã kề vai sát cánh với những người mà chúng tôi không quen biết,” mục sư Martin nói. “Thật tuyệt vời khi được trở thành một phần trong câu chuyện của những người dân của Chúa và được thấy mọi người trở nên sống động và hưởng ứng. Tôi đã không ngừng đồng hành cùng tất cả các quý vị và có thể phục vụ.”

Chỉ cần một lời cầu nguyện

Có trường hợp, một cư dân Maui đã mất cậu em trai 15 tuổi của mình trong vụ hỏa hoạn ở Lahaina nói với các tình nguyện viên của nhà thờ rằng tất cả những gì anh ấy muốn là “một lời cầu nguyện.”

“Và đó chỉ là một câu chuyện. Có hàng ngàn câu chuyện đang diễn ra xung quanh. Chúng tôi sẽ kiên trì.”

“Maui đang khóc. Maui đang đau buồn. Hôm nay chúng tôi đang than thở,” ông Derek LaFontaine, mục sư tư vấn và chăm sóc của nhà thờ và từng là một người lính cứu hỏa ở Seattle cho biết.

“Chúng tôi biết có hy vọng ở phía bên kia của vấn đề này. Chúng tôi biết có rất nhiều người đang đặt câu hỏi về đức tin của họ.”

Hàng ngàn người tham dự các buổi lễ nhà thờ hôm Chủ Nhật để tưởng nhớ các nạn nhân vụ cháy rừng ở đảo Maui

Một người phụ nữ đau buồn đang lắng nghe một bài giảng tại Nhà thờ Kihei Baptist ở Maui hôm 13/08/2023. (Ảnh: Allan Stein/The Epoch Times)

Ông ấy nói vài ngày hoặc vài tuần nữa, “chúng ta sẽ bắt đầu nghe về những câu chuyện đó và nhìn thấy những khuôn mặt đó.”

“Là một mục sư, đừng bỏ lỡ thời điểm này để tiếp xúc với những người đang than thở và đau buồn. Tất cả các quý vị đều là những người cố vấn. Hãy cầu nguyện cùng nhau. Hãy cầu nguyện một mình.”

Hôm Chủ Nhật, mục sư Van Michael Komatsu đã có một bài giảng đầy nhiệt huyết về thảm kịch cháy rừng tại nhà thờ Kihei Baptist.

Mục sư Komatsu nói: “Thật là một tuần tồi tệ. Thật khủng khiếp đối với hàng ngàn người trên hòn đảo của chúng ta. Trái tim tôi trĩu nặng, buồn bã, đau buồn, và tan nát.”

“Tôi là người ở quận Maui, và chưa bao giờ chứng kiến loại thảm họa, sự tàn phá, và thương vong nào giống như điều đã xảy ra trên hòn đảo của chúng ta trong tuần này.”

Hàng ngàn người tham dự các buổi lễ nhà thờ hôm Chủ Nhật để tưởng nhớ các nạn nhân vụ cháy rừng ở đảo Maui

Mục sư Van Michael Komatsu trình bày bài giảng về sức tàn phá của trận cháy rừng Maui tại Nhà thờ Kihei Baptist hôm 13/08/2023. (Ảnh: Allan Stein/The Epoch Times)

Ở Maui, nơi được coi là thiên đường nhiệt đới với vẻ đẹp tự nhiên không thể tả hết, “thứ Ba vừa qua, ngày 08/08/2023, sẽ trở thành một trong những ngày tai ương nhất trong lịch sử Hawaii,” ông nói.

Cảnh tượng ‘kinh hoàng’

Ông Komatsu cho biết các vụ cháy rừng do gió lớn gây ra, đã tàn phá phần lớn Maui, và thật kinh hoàng khi chứng kiến điều này.

Ông nói: “Tôi đã thức gần như cả đêm phòng khi phải đưa vợ, con gái 2 tuổi, và con trai 6 tuần tuổi của tôi ra khỏi đây.”

Những người sống sót nói về “cơn lốc xoáy tro bụi,” người dân bị mắc kẹt trong xe hơi do giao thông tắc nghẽn trên phố Front của Lahaina, và những người dân hoảng loạn “leo qua đê chắn sóng để nhảy xuống biển” mong thoát khỏi khói và hơi nóng ngột ngạt.

“Quý vị không thể thờ ơ với thảm họa này. Quý vị cần phải cảm nhận điều này. Sự tàn phá là không kể xiết. Lahaina không chỉ là một thành phố du lịch mà còn là một nơi chứa đầy lịch sử phong phú của Hawaii, nơi sinh sống của hàng ngàn gia đình địa phương trong những ngôi nhà nhiều thế hệ. Và bây giờ thành phố này đã bị san phẳng — các cơ sở kinh doanh, nhà hàng, nhà cửa — tất cả đều biến mất,” ông Komatsu nói.

Hàng ngàn người tham dự các buổi lễ nhà thờ hôm Chủ Nhật để tưởng nhớ các nạn nhân vụ cháy rừng ở đảo Maui

Một gia đình hát thánh ca trong buổi lễ nhà thờ dành cho các nạn nhân của trận cháy rừng Maui ở Kihei, Maui hôm 13/08/2023. (Ảnh: Allan Stein/The Epoch Times)

“Giống như một quả bom nguyên tử được thả xuống và phát nổ” là lời mô tả của ông về hậu quả mà trận cháy rừng gây ra cho Lahaina. “Người ta đã thiệt mạng khi cố gắng chạy khỏi nhà. Người ta đã thiệt mạng trong xe vì ngọn lửa làm tan chảy mọi thứ, và khói xông vào xe của họ. Người ta đã thiệt mạng khi đang leo ra cửa sổ nửa chừng.”

Ông cho biết chi phí [thiệt hại] ước tính hoặc “sự tàn phá không thể kể xiết” như vậy là hàng tỷ dollar và sẽ mất nhiều năm để tái thiết thành phố.

“Có quá nhiều người tử vong. Trong cuộc đời chúng tôi, chưa từng thấy có nhiều người thiệt mạng ở Hawaii đến vậy. Đây không chỉ là trận cháy rừng gây thương vong nhiều nhất trong lịch sử Hawaii. Đây còn là vụ cháy rừng gây thương vong nhiều nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Trước đây, chúng tôi đã từng có những thảm họa thiên nhiên khác ở Hawaii— nhưng không có thảm họa nào như thế này,” ông Komatsu nói.

“Hãy cảm nhận nỗi đau. Hãy khóc thương. Chúng ta không được che đậy những lời kể của những người sống sót và trải nghiệm của họ. Có rất nhiều lời kể lại của những người chứng kiến.”

Một người tham dự buổi lễ nhà thờ nói với The Epoch Times rằng quả thật là “chấn kinh” khi chứng kiến quá nhiều sự tàn phá như vậy.

Một người khác cho biết anh ấy nhìn thấy ngọn lửa cháy lan đến ngôi nhà của mình nhưng đã sẵn sàng điều khiển những chiếc máy xúc để đào những đường ngăn lửa.

“Chúng tôi đã sẵn sàng cho cuộc chiến,” anh ấy nói. “Lúc đầu, tôi cảm thấy sợ. Nhưng khi màn đêm buông xuống, khoảng 3 giờ sáng, tôi phó mặc cho Chúa và đi ngủ.”

Vân Sa biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét