Khi Apple ra mắt chiếc điện thoại thông minh iPhone đầu tiên hồi năm 2007, thiết bị này đã được ca tụng là một phương pháp mới để cải thiện khả năng giao tiếp của chúng ta với những người khác và giúp chúng ta “được kết nối nhiều hơn.” Thật không may, trong 15 năm qua, điều ngược lại đã diễn ra điện thoại thông minh khiến chúng ta mất kết nối nhiều hơn, dẫn đến xã hội ngày càng bị cô lập và chia rẽ.
Chúng ta đã thấy điều này đã tác động tiêu cực như thế nào đến các thanh thiếu niên và người trẻ tuổi, cản trở khả năng hình thành các mối quan hệ lành mạnh của họ cũng như khiến họ trở thành mục tiêu cho những kẻ muốn làm hại họ với những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe tinh thần. Tuy nhiên, một báo cáo được Viện Nghiên cứu Gia đình (IFS) công bố cách đây vài tuần đã cung cấp bằng chứng đáng lo ngại về việc điện thoại thông minh cũng gây ảnh hưởng đến hôn nhân và gia đình.
Trong báo cáo này, IFS tuyên bố rằng cứ bảy bậc cha mẹ của các thanh thiếu niên thì có một người nói rằng họ sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị kỹ thuật số khác “gần như liên tục” trong các cuộc trò chuyện, bữa ăn, hoặc sự kiện gia đình. Thay vì tham gia cùng người bạn đời hoặc con em mình, họ lại vùi đầu vào màn hình và không giao tiếp với những người quan trọng nhất trong cuộc đời mình điều này gây ra những hậu quả bất lợi.
Báo cáo của IFS dẫn lời nhà trị liệu Andrew Sofin rằng: “Điện thoại thông minh đã gây ra nhiều biến động hơn bất cứ điều gì tôi từng thấy trong sự nghiệp của mình. Chúng ta đã xem việc điện thoại thông minh xâm nhập cuộc sống và được ưu tiên khi người ta đang nằm trên giường, chơi Wordle hoặc lướt TikTok chứ không nói chuyện với nhau là quá đỗi bình thường.”
Như vậy kết quả là các đôi vợ chồng ngày càng trở nên thất vọng về nhau, vì họ dành nhiều thời gian nhìn vào màn hình hơn là dành cho nhau.
Trong một cuộc khảo sát gần đây, IFS phát hiện ra rằng 37% người Mỹ đã kết hôn nói rằng khi họ muốn giao tiếp với người bạn đời của mình, thì họ thường thấy đối phương đang sử dụng điện thoại, nếu không thì cũng lướt Internet hoặc là chơi game trên điện thoại. Đối với các đôi vợ chồng trẻ và có thu nhập thấp hơn thì vấn đề này thậm chí còn tệ hơn. 44% những người trưởng thành đã kết hôn dưới 35 tuổi tin rằng bạn đời của họ dùng điện thoại quá nhiều nhiều hơn 10% so với các đôi vợ chồng trên 35 tuổi.
Và không có gì ngạc nhiên khi việc thiếu kết nối thông qua lời nói và cảm xúc giữa vợ chồng với nhau dẫn đến các ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ hôn nhân vì các đôi vợ chồng sử dụng điện thoại quá nhiều ít hài lòng với hôn nhân hơn những đôi hạn chế thời gian sử dụng điện thoại.
Theo IFS, trong số 10 người trưởng thành đã kết hôn có bạn đời thường xuyên dùng điện thoại thì chỉ có 6 người “rất hạnh phúc” với cuộc hôn nhân, và 21% cho biết họ không hài lòng về tình trạng của mối quan hệ hôn nhân. Ngược lại, 81% những người hạn chế sử dụng điện thoại cho biết họ rất hạnh phúc và chỉ 8% nói rằng họ không hài lòng.
Đáng báo động nhất là trong số những người cho biết họ sử dụng điện thoại quá nhiều, 26% nghĩ rằng sớm muộn gì hôn nhân của họ có thể kết thúc bằng ly dị tất cả là vì một thiết bị cầm tay nho nhỏ đáng lẽ sẽ gắn kết chúng ta lại với nhau thay vì chia rẽ chúng ta.
Điểm mấu chốt là gì? Hôn nhân và gia đình bền vững khi người ta trò chuyện liên tục, gắn bó cùng với nhau. Sự giao tiếp đó chính là “nguồn nước” để nuôi dưỡng và phát triển những mối quan hệ này. Khi sự giao tiếp đó không xảy ra, hôn nhân và gia đình, giống như những cái cây khô, sẽ bắt đầu héo úa và tàn lụi.
IFS khuyến nghị, và tôi cũng tán thành, rằng các đôi vợ chồng trẻ bước vào đời sống hôn nhân những người bắt đầu sử dụng điện thoại thông minh khi còn nhỏ hãy thiết lập ranh giới về việc sử dụng điện thoại trước khi kết hôn. Nếu điện thoại thông minh tiếp tục là một thứ gây xao nhãng đặc biệt là do tính chất gây nghiện của nó thì có lẽ người ta cần phải “cai nghiện” và loại bỏ điện thoại hoặc thay thế bằng loại “điện thoại nắp gập” kiểu cũ chỉ có thể gọi điện và nhắn tin các chức năng cơ bản được sử dụng trên điện thoại di động trước năm 2007.
Nhiều thanh thiếu niên và người trẻ tuổi đang nhận ra điều này và từ bỏ điện thoại thông minh để giữ gìn sức khỏe tinh thần cũng như cải thiện các mối quan hệ của họ. Theo lời của ông Greg Hoplamazia, giám đốc học thuật về truyền thông mới nổi tại Đại học Loyola Maryland, “Bản thân những người trẻ tuổi cũng tự kiểm duyệt và nói rằng, ‘Tôi không thực sự cần những tác hại tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và xã hội, vốn đi kèm với một cuộc sống luôn phải kết nối.’”
Có lẽ đã đến lúc các đôi vợ chồng cũng nhận ra điều này và cất điện thoại đi trước khi quá muộn vì người bạn đời, con cái, và chính họ. Điều đó sẽ vun đắp cho các mối quan hệ mà tất cả chúng ta đều cần trong hôn nhân, trong việc nuôi dạy con cái, và quả thực là trong xã hội của chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét