Thứ Năm, 31 tháng 3, 2022

Google Cho Biết Tin Tặc Nga Nhắm Vào Nato, Quân Đội Đông Âu

 

Ảnh minh hoạ: Pixabay.

GOOGLE CHO BIẾT TIN TẶC NGA NHẮM VÀO NATO, QUÂN ĐỘI ĐÔNG ÂU
Trần Phong 

Nhóm phân tích mối đe dọa của Google cho biết trong một báo cáo công bố hôm thứ Tư rằng, tin tặc Nga gần đây đã cố gắng xâm nhập vào mạng lưới của NATO và quân đội của một số quốc gia Đông Âu.

Báo cáo không cho biết quân đội nào đã bị nhắm mục tiêu trong những gì Google mô tả là “chiến dịch lừa đảo thông tin xác thực” do một nhóm có trụ sở tại Nga có tên là Coldriver, hoặc Callisto phát động.

Báo cáo cho biết: “Các chiến dịch này dùng tài khoản Gmail mới tạo gửi đến tài khoản không phải của Google, vì vậy tỷ lệ thành công của các chiến dịch này là chưa được xác định”.

Nga hiện đang chịu các lệnh trừng phạt kinh tế nặng nề của phương Tây vì xâm lược Ukraina. Nga thường xuyên phủ nhận cáo buộc thực hiện các vụ tấn công mạng nhằm vào các mục tiêu của phương Tây.

Vào năm 2019, công ty an ninh mạng F-Secure Labs của Phần Lan đã mô tả Callisto là một mối đe dọa cao cấp và khó xác định, “nhắm đến việc thu thập thông tin tình báo liên quan đến chính sách đối ngoại và an ninh” ở châu Âu.

Báo cáo của Google hôm thứ Tư cho biết, Nhóm này cũng nhắm mục tiêu đến một Trung tâm Xuất sắc của NATO.

Trong một tuyên bố, trung tâm không đề cập trực tiếp đến báo cáo của Google nhưng cho biết: “Chúng tôi nhận thấy hoạt động tấn công mạng hàng ngày”.

Trần Phong - DKN.TV
Nguồn: Reuters

Thỏa Thuận An Ninh Trung Quốc - Solomon Khiến Thái Bình Dương 'Dậy Sóng'

 

Quần đảo Solomon nằm sát bên cạnh nước Úc. Ảnh: CNA.

THỎA THUẬN AN NINH TRUNG QUỐC - SOLOMON KHIẾN THÁI BÌNH DƯƠNG 'DẬY SÓNG'
Nguyễn Sơn 

Một số nước đề nghị Solomon xem xét các hậu quả lâu dài "đối với toàn bộ khu vực Thái Bình Dương, nếu không phải là toàn thế giới", sau khi ký thoả thuận an ninh với Trung Quốc.

Quốc đảo Solomon ngày 31/3 thông báo đã ký một thỏa thuận an ninh quy mô lớn với Trung Quốc, động thái có thể sẽ mở đường cho Bắc Kinh mở căn cứ quân sự đầu tiên ở Nam Thái Bình Dương, theo hãng tin AFP.

"Các quan chức của Quần đảo Solomon và Trung Quốc đã ký các điều khoản của Khung Hợp tác An ninh song phương giữa hai nước ngày hôm nay", thông báo từ Solomon cho hay.

Quần đảo Solomon xác nhận vào tuần trước rằng họ thiết lập quan hệ đối tác với Trung Quốc để giải quyết các mối đe dọa an ninh và đảm bảo môi trường an toàn cho đầu tư như một phần của quá trình đa dạng hóa quan hệ an ninh của họ.

Quần đảo Solomon có chưa tới 1 triệu dân, nằm cách Úc khoảng 2.000km về phía đông bắc.

Thoả thuận giữa Trung Quốc và Solomon như thế nào?

Theo dự thảo của thỏa thuận bị rò rỉ vào tuần trước, chi tiết thỏa thuận sẽ cho phép Trung Quốc triển khai lực lượng an ninh và hải quân tới Solomon khi có khủng hoảng. Tàu thuyền Trung Quốc sẽ được phép thực hiện các hoạt động tiếp tế hậu cần, dừng chân và quá cảnh tại quần đảo Solomon.

Ngoài ra, thỏa thuận cho phép lực lượng vũ trang Trung Quốc triển khai theo yêu cầu của Solomon để đến quốc đảo này duy trì "trật tự xã hội". Các lực lượng của Bắc Kinh cũng được phép bảo vệ "sự an toàn của nhân viên Trung Quốc" và "các dự án lớn ở quần đảo Solomon".

Hiện thỏa thuận này chỉ chờ ngoại trưởng hai nước ký. Theo tờ The Guardian, chưa biết liệu sẽ có bất kỳ thay đổi đáng kể nào khi thỏa thuận cuối cùng được ký kết hay không.

Lực lượng cảnh sát hoàng gia Quần đảo Solomon (RSIPF) công bố ngày 29/3/2022 cho thấy các sĩ quan cảnh sát Trung Quốc đang đào tạo các sĩ quan RSIPF diễn tập các kỹ năng chiến đấu - Ảnh: Getty Images

Các nước khu vực Thái Bình Dương lo ngại

Australia và New Zealand đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về tác động đối với an ninh khu vực sau khi thông tin về thỏa thuận hợp tác an ninh giữa Trung Quốc - Solomon "rò rỉ" tuần trước.

Trung tướng Greg Bilton, chỉ huy các hoạt động chung của Lực lượng Quốc phòng Úc, cho rằng hiệp ước này sẽ làm "thay đổi tính toán" về các hoạt động của Úc ở Thái Bình Dương.

Charles Edel, lãnh đạo bộ phận Australia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết động thái trên là vấn đề nghiêm trọng với Mỹ và đồng minh trong khu vực.

“Việc một đối thủ chiến lược thiết lập căn cứ ở Solomon sẽ làm suy giảm đáng kể an ninh của Australia và New Zealand, gia tăng khả năng tham nhũng và khai thác quá mức tài nguyên”, ông Edel nói.

Ngày 28/3, Thủ tướng Jacinda Ardern của New Zealand cho biết nước này hết sức lo ngại về khả năng khu vực Thái Bình Dương bị quân sự hóa.

Trong khi đó, Mỹ và Úc từ lâu đã lo ngại về khả năng Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân ở nam Thái Bình Dương, có thể cho phép hải quân của Trung Quốc phát huy sức mạnh vượt xa biên giới nước này.

Một hiệp ước an ninh sẽ là một bước tiến lớn đối với Trung Quốc trong một khu vực mà Australia và New Zealand trong nhiều thập kỷ coi là "sân sau" của họ. Trước đó, Australia cũng đã ký hiệp ước an ninh với Solomon với điều khoản cho phép Canberra đưa lực lượng vũ trang tới quốc đảo khi cần.

Sau đó, Solomon đã cắt đứt quan hệ với Đài Loan để quay sang thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc vào năm 2019.

Trong khi đó, Tổng thống David Panuelo của Liên bang Micronesia, một quốc gia nhỏ ở Thái Bình Dương, đã gửi thư đề nghị Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare xem xét lại hiệp ước an ninh gây tranh cãi và "chưa từng có tiền lệ" với Trung Quốc.

Ông Panuelo bày tỏ "quan ngại an ninh nghiêm trọng về thỏa thuận". "Lo ngại của tôi là chúng ta - các quốc đảo ở Thái Bình Dương - sẽ trở thành trung tâm của các cuộc đối đầu trong tương lai giữa các nước lớn", ông Panuelo cho biết.

Ông Panuelo đề nghị nhà lãnh đạo Solomon xem xét các hậu quả lâu dài "đối với toàn bộ khu vực Thái Bình Dương, nếu không phải là toàn thế giới" khi ký hiệp ước an ninh. Ông bày tỏ lo ngại về việc Thái Bình Dương có thể hứng chịu thiệt hại trong một cuộc cạnh tranh tiềm tàng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare bác bỏ những lời chỉ trích về thỏa thuận, nói rằng "không có ý định hay yêu cầu từ Trung Quốc để xây dựng một căn cứ quân sự ở quần đảo Solomon".

Nguyễn Sơn - NTD Việt Nam

'Laptop Địa Ngục Của Hunter Biden' Đã Vào Hồ Sơ Quốc Hội, FBI Không Biết Laptop Đó Hiện Ở Đâu

 

Phó Tổng thống lúc bấy giờ là ông Joe Biden và con trai Hunter Biden tại khán đài duyệt binh để xem Lễ duyệt binh nhậm chức của Tổng thống Barrack Obama, từ trước Nhà Trắng ở Washington vào ngày 20/1/2009. (Nguồn ảnh: Alex Wong / Getty Images)

'LAPTOP ĐỊA NGỤC CỦA HUNTER BIDEN' ĐÃ VÀO HỒ SƠ QUỐC HỘI, FBI KHÔNG BIẾT LAPTOP ĐÓ HIỆN Ở ĐÂU
Thanh Đoàn

Nghĩ sỹ đảng Cộng hoà bang Florida, đề nghị đưa 'laptop đến từ địa ngục' của Hunter Biden vào hồ sơ Quốc hội Mỹ. Câu chuyện 'laptop đến từ địa ngục' từng được báo chí và cánh tả ở Mỹ, cũng như bản thân Hunter Biden cho rằng đó là câu chuyện mà Nga thêu dệt nên. Ngạc nhiên là đại diện của FBI hiện trả lời rằng 'không biết laptop đang ở đâu'. Ngạc nhiên hơn nữa là tờ New York Times, trang ngôn luận lớn nhất của phe cánh tả, đột ngột viết bài thừa nhận câu chuyện có thật về laptop địa ngục. Câu chuyện laptop của Hunter Biden bị chặn trên mọi nền tảng của các ông lớn công nghệ và báo chí cánh tả trong hai năm qua.

"Laptop đến từ địa ngục" của Hunter Biden đã trở thành câu chuyện chính thức, được thừa nhận về nội dung phức tạp đến mức cần lưu trữ và điều tra chứ không phải là 'thuyết âm mưu', tin giả, là trò lừa đảo của Nga như các chính trị gia đảng Dân chủ, toàn bộ truyền thông dòng chính và các nền tảng công nghệ xã hội của Mỹ từng tuyên bố.

'Laptop đến từ địa ngục' bị đưa vào Hồ sơ Quốc hội

Theo tin từ  New York Post, hôm qua, ngày 30/3/2022, theo yêu cầu của Hạ nghị sĩ Matt Gaetz (bang Florida, Mỹ), tài liệu từ máy tính xách tay khét tiếng của Hunter Biden đã được đưa vào Hồ sơ Quốc hội.

Đảng Cộng hòa Florida đã thực hiện động thái này trong một cuộc điều trần về giám sát Phòng Không gian mạng của FBI. Trong cuộc điều trần, trợ lý giám đốc của cơ quan này, ông Bryan Vorndran, làm chứng rằng ông “không có bất kỳ thông tin nào về máy tính xách tay Hunter Biden” và ông cũng "không biết nó hiện đang ở đâu" hay ai đang giữ nó. Đáng nói là, chính văn phòng này của FBI đã thu giữ laptop của Hunter Biden từ một cửa hàng sửa chữa ở Delaware vào tháng 12/2019.

Một trạm xăng ở Nashville, tiểu bang Tennessee, có một biển hiệu điện tử châm biếm Hunter Biden (ảnh lấy từ 'laptop đến từ địa ngục' và đổ lỗi cho cha của anh ta, Tổng thống Joe Biden, vì đã để giá xăng lên quá "cao". Nguồn: Ảnh chụp từ YouTube

Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jerry Nadler (thành viên đảng Dân chủ, New York) ban đầu đã chặn yêu cầu của Gaetz nhưng sau đó đã thay đổi quyết định.

Không rõ liệu tài liệu được đưa vào hồ sơ có bao gồm những tư liệu nào. Theo các báo cáo ban đầu kèm rất nhiều hình ảnh, các nội dung trong laptop của Hunter Biden bao gồm nhiều ảnh và video khiêu dâm (thậm chí là ấu dâm), các email trao đổi với đối tác Trung Quốc, hứa hẹn giới thiệu bố của mình là Joe Biden với các đối tác, khi đó đang là Phó Tổng thống Mỹ (dưới thời cựu tổng thống Obama).

Trước đó, Gaetz đã đưa ra một thiết bị, giống như ổ cứng ngoài, và tuyên bố: "tôi tìm kiếm sự đồng ý nhất trí để đưa nội dung trong máy tính xách tay của Hunter Biden vào hồ sơ của Uỷ ban này. Nội dung này tôi đang sở hữu", ông ám chỉ nội dung trong thiết bị mà ông đang sở hữu.

Gần như ngay lập tức, Chủ tịch Uỷ ban Tư pháp Hạ viện Jerry Nadler, tuyên bố "tôi không đồng ý". Nhưng sau khi Nghị sĩ Gaetz đưa ra ổ cứng để tìm kiếm sự đồng thuận lớn hơn, ông Nadler đã trao đổi với phụ tá và sau đó thay đổi quan điểm với tuyên bố "tôi không phản đối điều đó".

Có gì trong 'Laptop đến từ địa ngục'?

Câu nói mô tả các nội dung tồi tệ, bẩn thỉu trong laptop của Hunter Biden được trích dẫn thường xuyên nhất "Laptop đến từ địa ngục" thuộc về cựu tổng thống Mỹ Donald J. Trump.

Các nội dung từ laptop của Hunter Biden được New York Post lần lượt đưa tin với bằng chứng khó lòng chối cãi. Trong đó, không chỉ những video sex dài hàng chục phút, các hình ảnh đang sử dụng chất kích thích, các hình ảnh ăn chơi trác táng, thậm chí là nghi vấn phạm tội ấu dâm.. nó còn bao gồm các email công việc của con trai Tổng thống đương nhiệm Joe Biden. Và đây mới là điều nước Mỹ cần quan tâm hơn cả.

Trong chuyến đi Trung Quốc cùng cha mình, Hunter Biden đã yêu cầu một mật vụ của ĐCSTQ cung cấp cho anh ta biệt thự và phụ nữ. (Ảnh tổng hợp)

Các bằng chứng cho thấy, Hunter Biden và có vẻ như cả gia tộc Biden có mối quan hệ kinh doanh mờ ám với các hãng năng lượng của Ukraine, các hoạt động rửa tiền bị cáo buộc. Nguy hại hơn, mối quan hệ làm ăn thân thiết với các quỹ, công ty được hậu thuẫn bởi Đảng cộng sản Trung Quốc đã mang về cho Hunter Biden hàng chục triệu USD từ khi ông Joe Biden còn là Phó Tổng thống nước Mỹ.

Sau này, các email từ đối tác của Hunter Biden bị rò rỉ đã chứng thực rằng, Hunter Biden và các cộng sự đã lợi dụng mối quan hệ với chính quyền Obama-Biden để sắp xếp các cuộc gặp riêng giữa những ông trùm giàu có nước ngoài với cấp lãnh đạo cao nhất của Nhà Trắng.

Truyền thông dòng chính xoay chiều

Từ một cửa hàng sửa chữa máy tính, chiếc máy tính tưởng đã không thể cứu chữa và bị bỏ rơi của Hunter Biden đã lọt vào tay của cựu thị trưởng thành phố New York Rudy Giuliani, sau này là luật sư của cựu tổng thống Donald Trump. Tất cả hồ sơ này đã sớm được bàn giao cho FBI trước kỳ bầu cử tổng thống Mỹ hồi tháng 12/2019.

Nội dung laptop này đã được tờ báo bảo thủ New York Post tung ra ngay trước ngày bầu cử tổng thống năm 2020, nhưng toàn thể truyền thông dòng chính không chỉ im lặng mà còn tố cáo đó là tin giả, gán những nội dung trong laptop của Hunter Biden thành "trò xuyên tạc của Nga". Tố cáo ông Trump thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử 2016 và giờ là 2020 vốn là điều mà truyền thông dòng chính không ngừng thêu dệt.

Đi đầu trong việc phủ nhận các nội dung từ máy tính của Hunter Biden là New York Times, trang truyền thông dòng chính đi đầu của cánh tả; trang này khẳng định đó là tin tức bịa đặt hoàn toàn vô căn cứ mà Nga sáng tạo ra.

Gần như ngay lập tức, tất cả các cơ quan truyền thông cuồng chống Trump như CNN, MSNBC, ABC, CBS, NBC,… cùng đăng đi đăng lại lập luận của New York Times. Facebook và Twitter đi xa hơn cả, khoá hẳn New York Post,  cấm không cho New York Post phổ biến tin về laptop.

Nhưng sau gần hai năm, ngạc nhiên là New York Times đột ngột xoay chiều gió về laptop khét tiếng của Hunter Biden. Trang này phủ nhận hoàn toàn luận điệu của họ suốt hai năm qua.

Trong một bài viết tuần trước, New York Times đã thừa nhận rằng nhiều công tố New York, Delaware và cả liên bang đang nghiên cứu rất kỹ các emails giữa Hunter và các đối tác, tất cả lấy từ cái laptop đến từ địa ngục. Trang tin đi đầu của truyền thông cánh tả đột ngột thừa nhận: Laptop đến từ địa ngục là có thật và nó không phải là một sản phẩm tuyên truyền của Nga.

Dẫn nguồn bài đăng của New York Times, trang Daily Mail của Anh mỉa mai rằng cuối cùng thì New York Times cũng thừa nhận là laptop đến từ địa ngục của Hunter Biden là có thật.

Ngay sau khi anh cả truyền thông cánh tả thừa nhận, các trang tin theo sau bắt đầu xoay chiều. Một tờ báo cánh tả lừng danh khác Washington Post dè dặt giải thích lý do họ lờ đi tin tức về laptop của Hunter Biden là do quá cận ngày bầu cử trong khi chưa kiểm chứng chắc chắn, nên họ đã không đăng vì uy tín của truyền thông.

Vấn đề là câu chuyện thông đồng Nga - Trump thậm chí còn không có bất kỳ một bằng chứng gì, không có bất kỳ tin gì được kiểm chứng, vì sao Washington Post và tất cả các hãng truyền thông dòng chính đăng tin nhiệt tình bất chấp 'uy tín truyền thông'?

Quả bom tấn của New York Times về 'laptop đến từ địa ngục' đang bị chìm đi trong mớ tin tức về cuộc chiến Ukraine - Nga trên các kênh truyền thông dòng chính.

Vì sao truyền thông dòng chính lại xoay chiều trong câu chuyện này? Có nhiều lý giải, nhưng rất có thể tiến trình điều tra về gian lận thuế của Hunter Biden sẽ buộc phải đi xa hơn, và nếu như vậy, việc không xoay chiều sớm về phía sự thật có thể khiến các trang tin này phá sản. Nhưng đó chỉ là một giả thiết trong vô số giả thiết gần đây; cuộc bầu cử giữa kỳ sắp diễn ra, các vấn đề nội bộ của đảng Dân chủ, các "mặc cả hoặc thông tin" đằng sau cuộc chiến Nga - Ukraine rất có thể cũng tác động tới các quyết định này.

Thanh Đoàn - NTD Việt Nam 

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2022

Thuốc Hết Hạn

 

Hình minh họa

THUỐC HẾT HẠN
Bs Trần Văm Phúc

Tôi từng bị viêm loét dạ dày rất nặng, hai lần cận kề sinh tử với biến chứng chảy máu.

Nhiều năm trước, tôi phải nằm điều trị trong khoa hồi sức cấp cứu hàng tháng trời, nơi rất gần với nhà xác bệnh viện, hàng ngày nghe rõ tiếng kèn đám ma phát ra từ nhà tang lễ.

Thời điểm đó, gần 30 năm trước, các thầy của tôi ở trường Y là những bác sĩ siêu giỏi, nhưng việc bệnh nhân chết cứ diễn ra liên tục vì không có những loại thuốc đắt tiền để điều trị. Tính mạng của tôi từng bị đe dọa như thế.

Trở về bệnh xá nhà trường, mặc dù tôi được cứu sống nhưng ổ loét dạ dày gây thủng mạch máu vẫn còn, nguy cơ chảy máu tái phát bất cứ lúc nào. Bác sĩ nói với tôi có một cơ số thuốc đã hết hạn gần hai năm, được các chuyên gia quốc tế mang từ nước ngoài sang cho, nếu tôi đồng ý thì có thể dùng. Theo các chuyên gia, thuốc đã hết hạn nhưng vẫn an toàn.

Sức khỏe bị đe dọa, tôi không còn lựa chọn nào khác là gật đầu đồng ý. Nhưng tôi cũng tin bác sĩ ở bệnh xá nhà trường đang cố gắng giúp tôi, tin các chuyên gia quốc tế đang tìm cách hỗ trợ cho hệ thống y tế. Và thật kỳ diệu, nhờ những viên thuốc hết hạn ấy, bệnh viêm loét dạ dày của tôi đã khỏi hẳn.

Nhiều năm làm bác sĩ, tôi cứ băn khoăn với suy nghĩ, mỗi ngày trên thế giới có quá nhiều loại thuốc phải mang đi tiêu hủy vì hết hạn, hầu hết là thuốc đắt tiền, trong khi ở châu Phi và châu Á còn hàng triệu người gặp vấn đề lớn về khả năng chi trả tiền thuốc.

Vậy thuốc hết hạn liệu có thể sử dụng an toàn?

Tìm hiểu, tôi được biết, vào năm 1985, kho dự trữ thuốc của quân đội Mỹ lên tới hơn một tỷ USD sắp hết hạn, sẽ phải tiêu hủy để thay thế thuốc mới. Điều đó quá lãng phí. Chẳng ai muốn vất bỏ những loại thuốc đắt tiền nếu như nó vẫn còn hiệu quả, vì vậy, quân đội đã yêu cầu Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) thực hiện chương trình thử nghiệm về khả năng kéo dài thời gian sử dụng các loại thuốc sau khi đã hết hạn ghi trên bao bì.

Thật bất ngờ, FDA công bố 88% trong tổng số hơn 3.000 lô của 122 sản phẩm thuốc hoàn toàn có thể sử dụng sau khi hết hạn tới hơn 15 năm. Ngay sau đó, FDA đã thực hiện chương trình gia hạn sử dụng cho 2.652 lô thuốc dự trữ trong kho của Bộ Quốc phòng Mỹ. Thời gian gia hạn trung bình là 66 tháng, dao động từ 12 đến 184 tháng, tối đa 278 tháng, tức hơn 23 năm.

Có 12% thuốc không được FDA gia hạn, đó là những kháng sinh đường tiêm, aspirin, nitroglycerin, insulin, kháng sinh mefloquine điều trị bệnh sốt rét và thuốc chống dị ứng epi-pens và sinh phẩm y tế. Mỗi thuốc không được phê duyệt có lý do khác nhau. Ví dụ tetracycline, kháng sinh này rất phổ biến ở thế hệ chúng tôi khi bé, đến nỗi tất cả "con cơ quan" bố mẹ tôi đều có "bộ răng tetracycline". FDA không phê duyệt gia hạn sử dụng, vì tetracycline bị thoái hóa sẽ gây tổn thương ống thận, gọi là hội chứng Fanconi.

Hạn sử dụng ghi trên bao bì có nghĩa gì?

Kể từ năm 1979, FDA yêu cầu các nhà sản xuất thuốc phải ghi hạn sử dụng lên bao bì thuốc, dựa trên cơ sở một số thử nghiệm về tính ổn định của thuốc. Cụ thể là ghi tháng và năm, kèm theo một trong số các từ "expiry, expiry date, expires, exp, exp date, use by, use before, best before".

Hình minh họa

Để xác định ngày hết hạn của một loại thuốc, nhà sản xuất tiến hành nghiên cứu sự phá hủy của thuốc ở các ngưỡng nhiệt độ và độ ẩm khác nhau, đồng thời đánh giá sự xuống cấp của thuốc theo thời gian. Dựa vào nghiên cứu đó, công ty dược đề xuất ngày hết hạn. Hầu hết các thuốc hết hạn sau hai đến ba năm.

Vì lý do trách nhiệm pháp lý, các nhà sản xuất chỉ đưa ra khuyến nghị tính ổn định của thuốc cho đến đúng ngày hết hạn. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của FDA từ năm 1985 đến năm 2017, ngày hết hạn ghi trên bao bì thuốc chỉ có ý nghĩa nhà sản xuất đảm bảo tính ổn định của thuốc trong khoảng thời gian đó.

Cantrell Lee, giáo sư dược lý học lâm sàng tại Đại học California, giám đốc phân khu San Diego của Hệ thống Kiểm soát ngộ độc California cho biết, bản thân chưa thấy tài liệu khoa học nào nói về thuốc hết hạn gây ra bất kỳ vấn đề nào ở người. Năm 2012, Cantrell cùng với Roy Gerona công bố một nghiên cứu trên tạp chí JAMA về các thuốc kháng histamine, thuốc giảm đau và thuốc giảm cân được tìm thấy ở phía sau quầy thuốc. Kết quả phân tích những thuốc này vẫn giữ nguyên giá trị sau 40 năm.

Roy Gerona cũng là nhà nghiên cứu của Đại học California, chuyên gia phân tích hóa chất. Lớn lên ở Philippines, Gerona đã chứng kiến những người khỏi bệnh bằng cách uống thuốc hết hạn mà không có tác dụng phụ rõ ràng.

Gerona là một dược sĩ và Cantrell là một nhà độc học, cả hai đều cho rằng, thuật ngữ "ngày hết hạn – expiration date" là một cách gọi chưa hoàn toàn chính xác, đã gây ra sự lãng phí vô cùng lớn. Bệnh viện Newton-Wellesley thuộc thành phố Boston, nơi có 240 giường bệnh điều trị nội trú, riêng năm 2016 phải tiêu hủy số thuốc quá hạn với số tiền 200 ngàn USD. Trung tâm y tế Tufts gần đó, mỗi năm tiêu hủy số lượng thuốc gấp bốn lần, lên tới 800 ngàn USD.

Năm 2016, kho dự trữ thuốc của quân đội Hoa Kỳ lên tới 13,6 tỷ USD, FDA chi phí số tiền 2,1 triệu USD để thực hiện chương trình gia hạn sử dụng thuốc để tránh bị tiêu hủy. Kết quả thu được tiết kiệm cho chính phủ Mỹ 2,1 tỷ USD. Có thể hình dung việc làm của FDA đã mang lại lợi nhuận rất lớn: chi ra một USD để tiết kiệm 677 USD.

Năm 2000, Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ đứng trước cuộc khủng hoảng thuốc, đã thông qua một nghị quyết thúc giục hành động. Hiệp hội này cho rằng, thời hạn sử dụng thuốc "dài hơn đáng kể" so với ngày hết hạn ghi trên bao bì, nếu không gia hạn sẽ gây "lãng phí không cần thiết, chi phí dược phẩm cao và giảm khả năng tiếp cận với các loại thuốc cần thiết cho một số bệnh nhân". AMA đã gửi thư phối hợp với FDA, Công ước Dược điển Mỹ đưa ra các tiêu chuẩn để gia hạn thuốc và sinh phẩm y tế.

Nhưng AMA đã thất bại, các nhà sản xuất thuốc không đồng ý, vì nhiều lý do. Một trong những lý do, như bài bình luận của Đại học Harvard, rằng có lẽ các công ty dược phẩm thiết lập ngày hết hạn từ hai đến ba năm, thay vì nhiều năm, là nhằm mục đích thương mại bán được nhiều thuốc. Mayo Clinic đưa ra ý tưởng các công ty dược nên ghi ngày hết hạn sơ bộ (preliminary expiration date), sau đó cập nhật hạn sử dụng dựa trên cơ sở những thử nghiệm dài hạn, nhưng các hãng dược vẫn không đồng ý với lý do chi phí quá tốn kém.

Với thời hạn sử dụng không quá ba năm, các thuốc nhập vào Việt Nam hiện phải vượt qua con đường khá dài, đặc biệt là biệt dược hay thuốc điều trị ung thư đắt tiền, để hoàn thành mọi thủ tục đã mất hơn một năm. Đó là lý do khiến rất nhiều loại thuốc nhanh chóng hết hạn, chưa tính tới môi trường bảo quản và phân phối trong một số điều kiện cũng có thể ảnh hưởng đến thuốc.

Nhiều năm nay, từ nhà phân phối đến dược sĩ trong các bệnh viện luôn đau đầu với thuốc cận "đát". Có những lô thuốc chữa ung thư phải tiêu huỷ lên tới hàng chục tỷ đồng trong khi hàng triệu bệnh nhân của chúng ta, vừa tốn kém rất nhiều tiền cho thuốc, vừa mất đi cơ hội chữa trị.

Lãng phí cũng là một tội. Trong lúc các nhà sản xuất chưa chấp nhận gia hạn sử dụng thuốc, để bớt lãng phí, cần tổ chức đánh giá tác động của thuốc cận "đát" bởi các nhà khoa học, chuyên môn. Bên cạnh đó, Việt Nam cải tiến luật lệ, quy định và các khâu trong thủ tục nhập cảnh, quản lý và phân phối dược phẩm để thuốc không bị "ngâm" ở đâu đó trước khi đến tay bệnh nhân.

Dù còn nhiều tranh cãi quanh vấn đề thuốc hết hạn không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn cầu, y, bác sĩ không nên khuyến khích sử dụng thuốc hết hạn. Trong những hoàn cảnh đặc biệt, không có lựa chọn nào tốt hơn, chúng ta phải công khai thông tin và chỉ cho người bệnh sử dụng nếu họ đã được giải thích đầy đủ và đồng ý.

Bs Trần Văn Phúc


Bs Trần Văn Phúc

Dừng Đèn Đỏ, Một Ông Ở Philadelphia Vô Tình Bị Bắn Chết

 

Nghi can đầu thú cảnh sát sau vài giờ tẩu thoát khỏi hiện trường. (Hình minh họa: Johanne Eisele/AFP via Getty Images)

DỪNG ĐÈN ĐỎ, MỘT ÔNG Ở PHILADELPHIA VÔ TÌNH BỊ BẮN CHẾT
Th. Long

PHILADELPHIA, Pennsylvania (NV) – Một anh ở Philadelphia, Pennsylvania, bị truy tố tội giết người sau khi bắn chết tài xế ở làn đường bên cạnh trong lúc cố lấy đạn ra khỏi súng tại ngã tư, theo Philadelphia Inquirer hôm Thứ Hai, 28 Tháng Ba.

Anh Lloyd Amarsingh, 28 tuổi, khai với cảnh sát điều tra rằng vụ nổ súng đó là do vô tình, theo báo cáo bắt giữ anh ta của cảnh sát. Anh Amarsingh còn bị truy tố tội vô ý giết người và tàng trữ dụng cụ gây tội ác. Anh ta bị giam, và tiền thế chân tại ngoại được ấn định $250,000.

Khi đang dừng đèn đỏ tại ngã tư sáng Thứ Sáu tuần trước, anh Amarsingh cho hay anh rút súng ra và cố tháo đạn, theo báo cáo cảnh sát.

Súng vô tình phát nổ và đạn bay trúng tài xế xe van Mercedes Sprinter dừng kế bên chiếc Audi của anh Amarsingh, anh ta cho biết.

Sau đó, anh Amarsingh vượt đèn đỏ tẩu thoát, theo báo cáo cảnh sát, dẫn video từ camera an ninh tại hiện trường.

Cảnh sát đến hiện trường vụ nổ súng và nhìn thấy nạn nhân gục sau tay lái chiếc van, lúc đó vẫn đang nổ máy. Bên trong, họ tìm thấy một ông 56 tuổi bị trúng một phát đạn phía bên trái đầu.

Nhân viên cấp cứu đưa nạn nhân đi bệnh viện, và không lâu sau, ông ta được công bố qua đời ở đó, theo báo cáo cảnh sát.

Cảnh sát xác nhận nạn nhân là ông Jim Hunt, cư dân Havertown, có bốn đứa con. Ông Hunt bị bắn khi đang trên đường lái xe đi làm.

Anh Amarsingh ra đầu thú cảnh sát vài giờ sau đó, sau khi báo chí đăng hình chiếc xe của anh ta do cảnh sát cung cấp.

Cảnh sát tìm thấy khẩu súng lục trong nhà anh ta và chiếc xe phía sau nhà. 

Th.Long [qd] - Người Việt

FDA Chấp Nhận Mũi Pfizer, Moderna Tăng Cường Cho Người Từ 50 Tuổi

 

Trụ sở Cơ Quan Quản Trị Thực Phẩm và Dược Phẩm (FDA) ở White Oak, Maryland. (Hình: Sarah Silbiger/Getty Images)

FDA CHẤP THUẬN MŨI PFIZER, MODERNA TĂNG CƯỜNG CHO NGƯỜI TỪ 50 TUỔI
V. Giang

WASHINGTON, DC (NV) – Các giới chức Cơ Quan Quản Trị Thực Phẩm và Dược Phẩm (FDA) hôm Thứ Ba, 29 Tháng Ba, chấp thuận có thêm mũi chích COVID-19 tăng cường cho người từ 50 tuổi trở lên, nhằm cho thêm sự bảo vệ cho giới được coi là dễ bị ốm đau nhất trong trường hợp có bùng phát dịch.

Quyết định của FDA cho phép người ở hạn tuổi này được chích mũi thứ tư của Pfizer hay Moderna, ít nhất bốn tháng sau khi chích mũi trước.

Cho tới nay, FDA chỉ chấp thuận chích mũi thứ tư cho những người từ 12 tuổi trở lên và có hệ miễn nhiễm bị suy yếu nặng nề. FDA cũng xác nhận rằng những người này cũng có thể được chích thêm một mũi tăng cường nữa, nghĩa là chích mũi thứ năm.

Việc mở rộng chích mũi tăng cường, bất kể là tình trạng sức khỏe ra sao, cho phép hàng triệu người dân Mỹ có được cơ hội chống lại các biến thể mới của virus gây COVID-19. Vấn đề hiện nay là có nên đi chích ngay lập tức hay không. Trung Tâm Phòng Ngừa Dịch Bệnh Mỹ (CDC) dự trù sẽ trả lời câu hỏi này.

Quyết định của FDA được loan báo vào lúc số trường hợp nhiễm COVID-19 xuống tới mức thấp nhất sau khi bùng phát mùa Đông vừa qua, với biến thể Omicron là thủ phạm chính. Những người chỉ chích hai mũi cộng thêm một mũi tăng cường vẫn có được sự bảo vệ đáng kể, để không bị mắc bệnh trầm trọng hoặc tử vong, theo dữ liệu của CDC.

Tuy nhiên, một biến thể khác của Omicron đang tạo ra sự gia tăng đáng lo ngại về các ca bệnh COVID-19 ở Châu Âu, và cũng đang thấy lây lan ở Mỹ, dù rằng mức độ chích ngừa của người dân Mỹ đang sút giảm. Hiện chỉ có khoảng 2/3 người dân Mỹ là hoàn toàn được chích ngừa và có tới một nửa trong số những người được quyền chích mũi thứ ba đã không làm điều này.

Công ty dược phẩm Pfizer đã yêu cầu FDA chuẩn thuận cho chích mũi thứ tư dành cho người từ 65 tuổi trở lên. Trong khi đó, Moderna yêu cầu cho tất cả mọi người lớn đều được chích mũi thứ tư này. 

V.Giang [qd] - Người Việt


Hiếu Lê Rời Ukraine Vì Sự Chết Chóc "Quá Khủng Khiếp Và Đau Lòng"

 

Hiếu Lê tại Ukraine (Hieu Le Facebook)

HIẾU LÊ RỜI UKRAINE VÌ SỰ CHẾT CHÓC "QUÁ KHỦNG KHIẾP VÀ ĐAU LÒNG"
Tuấn Khanh

(Phỏng dịch theo bài phóng sự của Jeff Schogol trên Task & Purpose đăng trên trang blog của Tuấn Khanh)

Sau khi dành 13 giờ hành quân vào phần đất quân Nga vừa chiếm, để tìm thi thể của một người lính Gruzia đã thiệt mạng gần Irpin, Ukraine, cựu quân nhân Bộ Binh Hoa Kỳ Hiếu Lê nhận thấy phần tham gia vào cuộc chiến này của anh cũng đã kết thúc.

Đó cũng là sứ mạng cuối cùng của Hiếu Lê. Anh đã xin ra khỏi quân đoàn tình nguyện quốc tế của Ukraine.

“Nhóm những chiến binh cạnh tôi của tôi rất ủng hộ vì họ thấy tôi bị ảnh hưởng sâu đậm như thế nào trong hành trình mang thi thể của chiến binh ấy về,” anh Hiếu Lê tâm sự với tờ Task & Purpose. “Về mặt thể chất, tôi cảm thấy ổn, nhưng tôi cảm thấy mình như có những vết thương vô hình trong tâm hồn,” Hiếu nói.

Anh Hiếu, 30 tuổi, từng là lính thiết giáp M1 từ năm 2010 đến năm 2017, trong thời gian tại ngũ, anh được điều động đến Afghanistan trong năm 2012. Trước đó, khi được báo Task & Purpose phỏng vấn về việc sống sót sau một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn hành trình của Nga vào căn cứ huấn luyện của mình, anh yêu cầu không nhắc tên mình, nhưng sau đó, Hiếu Lê đã thay đổi ý định, và cung cấp cả hình ảnh.

Vào ngày thứ Hai, 21 tháng ba, Hiếu Lê được đưa đến miền Tây Ukraine cùng với các đồng đội bị thương và các tình nguyện viên quốc tế cũng xin rời khởi vị trí tình nguyện như anh. Hiếu rời khỏi một cuộc chiến mà anh ấy chỉ mới tham gia gần hai tuần trước.

“Tôi thực sự cảm thấy xấu hổ khi phải rời đi sớm như vậy khi chỉ vừa đến nơi, nhưng bạn đã bao giờ thấy điều gì quá khủng khiếp và đau lòng đến mức mà bạn không thể nào tiếp tục được chưa? Đối với tôi, điều để giải thích là như vậy,” Hiếu nói.

Sự ra đi của Hiếu Lê đúng vào lúc đang có những cải cách trong quân đoàn quốc tế, vốn được thành lập nhằm cho phép người nước ngoài chiến đấu cùng chiến tuyến với Ukraine, chống lại quân Nga. Nhưng phóng viên Andrew Milburn của Task & Purpose có được nguồn tin riêng cho biết rằng Ukraine đã loại bớt những thành viên ghi danh tình nguyện, nhưng lại chưa trải qua thực chiến và cũng không có khả năng ra mặt trận.

Hiện quân đội Ukraine đang tính toán lại về cách tuyển dụng người nước ngoài, ưu tiên cho các cựu chiến binh được đào tạo chuyên sâu, chẳng hạn như lính bắn tỉa, một sĩ quan Ukraine nói với Task & Purpose, với điều kiện giấu tên.

Rõ ràng là quá trình kiểm tra đối với quân đoàn quốc tế còn vội vã. Hiếu Lê cho biết anh đã nổi giận với những tình nguyện viên nói dối về khả năng chiến trường và cấp bậc của mình, chẳng hạn như từng là nhân viên điều phối chiến dịch đặc biệt, nhưng họ thiếu tính kỷ luật hoặc không có chút tính chuyên nghiệp nào.

Anh Hiếu viết trên Facebook: “Những người như vậy cả ngày xài các chất kích thích, không ai biết được những loại ma túy mà họ đã buôn lậu vào vùng chiến sự. Về cơ bản họ làm bất cứ điều gì họ muốn và các sĩ quan quân đội Ukraine đành ngó lơ hoặc bất lực để ngăn chặn điều đó.”

Hiếu Lê đến Ukraine hồi đầu tháng Ba, với ước muốn được sống như lý tưởng của mình bằng cách giúp một tay cho những người Ukraine. Thế rồi trong nhiệm vụ đi lấy lại thi thể của đồng đội đã ngã xuống là trải nghiệm quân sự khó khăn nhất mà anh đối diện. Sau đó, anh viết trên Facebook: “Chính nhiệm vụ đó đã làm tôi sụp đổ.”

Nhóm của Hiếu Lê đã vác đầy mìn chống xe tăng và hỏa tiễn chống thiết giáp, đi bộ một chặng đường dài 8 km để đến vị trí chiến đấu cuối cùng của người lính Gruzia, Hiếu kể lại trên Facebook. Trên đường đi, họ gặp phải những người có vẻ là lính Nga. Và những lính Nga này có vẻ không muốn chiến đấu, họ hô to “Vinh quang cho Ukraine” để ra hiệu. Vì vậy hai bên đã vượt qua nhau mà không xảy ra sự cố nào.

Họ tìm thấy thi thể người lính và Hiếu Lê đã viết tên, số hộ chiếu và ngày chết của người đàn ông này lên một mảnh bìa cứng, rồi đặt cùng với thi thể. Sau đó, họ phải kéo thi thể trở lại theo các tuyến đường không có quân Nga.

Hiếu Lê viết trên Facebook. “Máu của anh ấy dính trên đồng phục của tôi, trong khi giữa chúng tôi là lặng thinh, nhưng cảm giác không thể giải thích được. Khi chúng tôi lên đồi đến đầu cầu, xe cứu thương gặp chúng tôi và chúng tôi cho anh ta vào một chiếc túi đựng xác, và đứng và chào chiếc xe cứu thương khi nó đi khuất.”

Hiếu Lê nói, khi nhiệm vụ kết thúc, anh khóc suốt 10 phút mới lấy lại bình tĩnh. Và anh nhận ra rằng phần tham dự của của mình ở Ukraine cũng đã kết thúc.

“Trong thời gian ở Ukraine, tôi đã sống sót qua các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn hành trình, pháo kích liên tục, di chuyển qua lãnh thổ thù địch, lạnh đến thấu xương, bệnh tật, đói và nỗi thống khổ khi nhìn thấy sự chết chóc của chiến tranh,” Hiếu Lê viết trên Facebook, “Tôi mệt mỏi tận xương. Tôi không chắc mình sẽ còn ở lại Ukraine bao lâu nữa, nhưng tôi cảm thấy rằng mình đã làm đủ vai trò của mình, và hài lòng vì điều đó.”

Ngày 22 tháng Ba, Anh Hiếu Lê chính thức rời quân đoàn tình nguyện và đi về qua ngõ Ba Lan.

Tuấn Khanh - Viễn Đông


4 Nước Âu Châu Trục Xuất Hơn 40 Nhà Ngoại Giao Nga Vì Nghi Gián Điệp

 

Bà Sophie Wilmes, ngoại trưởng Bỉ, họp báo về COVID-19 hôm 27 Tháng Bảy, 2020. (Hình minh họa: Francois Lenoir/Pool/AFP via Getty Images)

4 NƯỚC ÂU CHÂU TRỤC XUẤT HƠN 40 NHÀ NGOẠI GIAO NGA VÌ NGHI GIÁN ĐIỆP
Th. Long 

BRUSSELS, Bỉ (NV) – Bốn nước thành viên Liên Âu (EU) cùng nhau trục xuất hơn 40 nhà ngoại giao Nga vì nghi làm gián điệp, theo BBC hôm Thứ Ba, 29 Tháng Ba.

Ireland, Bỉ, Hòa Lan và Cộng Hòa Czech chiều Thứ Ba ra lệnh trục xuất tổng cộng 43 nhân viên Tòa Đại Sứ và Tòa Lãnh Sự Nga.

Trong tuần qua, nhiều thành viên EU khác, gồm Ba Lan, cũng làm như vậy.

Phát biểu trước Quốc Hội Bỉ, bà Sophie Wilmes, ngoại trưởng nước này, cho hay lệnh trục xuất nhà ngoại giao Nga “liên quan an ninh quốc gia của chúng ta.”

Bà Wilmes loan báo Bỉ cho 21 nhân viên Tòa Đại Sứ Nga ở Brussels và Tòa Lãnh Sự ở Antwerp hai tuần để rời khỏi Bỉ.

Bà Wilmes cho biết thêm rằng quyết định này được thực hiện cùng với quốc gia láng giềng của Bỉ là Hòa Lan. Bộ Ngoại Giao Hòa Lan công bố sẽ trục xuất 17 nhà ngoại giao Nga mà họ xem là nhân viên tình báo.

Ông Micheal Martin, thủ tướng Ireland, tuyên bố trước Quốc Hội, sau khi được giới chức tình báo cung cấp thông tin, chính phủ ông trục xuất bốn nhà ngoại giao Nga.

Ông Martin cho hay Ireland trục xuất bốn người này “vì hoạt động của họ không phù hợp tiêu chuẩn ngoại giao quốc tế.”

Tòa Đại Sứ Nga ở Bublin bác bỏ “quyết định vô căn cứ đó,” cho biết thêm rằng quyết định đó sẽ “làm xấu thêm quan hệ Nga-Ireland.”

Trong khi đó, một giới chức Czech cho hãng tin AFP hay nước này trục xuất phó đại sứ Nga.

“Cùng với đồng minh, chúng tôi sẽ làm giảm lực lượng tình báo Nga ở EU,” Bộ Ngoại Giao Czech loan báo trên Twitter.

Thứ Tư tuần trước, Ba Lan trục xuất 45 nhà ngoại giao Nga vì nghi làm gián điệp.

Giới chức tình báo Ba Lan đang “phá vỡ mạng lưới mật vụ Nga ở đất nước chúng tôi,” ông Mariusz Kaminski, ngoại trưởng Ba Lan, viết trên Twitter.

Trước đó trong Tháng Ba, Bulgaria, Lithuania, Latvia và Estonia trục xuất tổng cộng 20 nhân viên Tòa Đại Sức Nga dính líu hoạt động “trái với công việc ngoại giao.”

Nga có xu hướng trục xuất nhà ngoại giao nước ngoài để trả đũa. Hôm Thứ Ba, Moscow loan báo trục xuất 10 nhà ngoại giao Estonia, Latvia và Lithuania. 

Th.Long [qd] - Người Việt