Thứ Hai, 28 tháng 3, 2022

Phụ Thuộc Vào Nguồn Cung Bán Dẫn Của Đài Loan: Thảm Họa Tiềm Tàng Cho Kinh Tế Mỹ

 

Chất bán dẫn trên một bảng mạch. (Ảnh: Justin Sullivan / Getty Images)

PHỤ THUỘC VÀO NGUỒN CUNG BÁN DẪN CỦA ĐÀI LOAN: THẢM HỌA TIỀM TÀNG CHO KINH TẾ MỸ
Bảo Nguyên

Đại dịch đã cho thấy thế giới và Mỹ cần chất bán dẫn như thế nào. Trong khi đó một phần lớn chất bán dẫn của thế giới đang được chế tạo tại TSMC - một công ty Đài Loan. Nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan, điều đó có thể gây gián đoạn nguồn cung bán dẫn và sẽ khiến nền kinh tế Mỹ đóng băng trong nhiều năm.

Công ty nào chế tạo ra bộ vi xử lý mạnh mẽ cho Iphone?

Nhấp vào quảng cáo bắt mắt dành cho người tiêu dùng của Apple về chiếc iPhone 13 mới nhất và bạn sẽ đọc được trong phần thông số kỹ thuật rằng hãng này đã sử dụng một số công nghệ mới đáng chú ý cho phần cứng của sản phẩm của mình.

Con chip A15 Bionic có 15 tỷ bóng bán dẫn… một CPU sáu lõi mới với hai lõi phục vụ hiệu suất làm việc và bốn lõi tiết kiệm điện… một GPU năm lõi mới… một nhân xử lý trí tuệ nhân tạo 16 lõi mới.

Mặc dù tác giả không chắc tất cả những điều đó chính xác có nghĩa là gì, nhưng chúng có vẻ là những thông số mạnh mẽ.

Ngày nay, chúng ta coi điện thoại di động của mình là một thứ hết sức bình thường. Chúng rất thông dụng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta đến nỗi hầu hết mọi người không bao giờ rời xa chúng. Chúng ta không bao giờ nghĩ về việc chúng ta đã trở nên phụ thuộc vào chúng như thế nào. Và quan trọng hơn, chúng ta không bao giờ nghĩ đến việc những bộ mạch điện kỳ diệu giúp chúng hoạt động đến từ đâu.

Apple có những đội ngũ kỹ sư thiết kế ra những bộ mạch kì diệu đó, nhưng ai là người thực sự chế tạo ra chúng?

Tầm quan trọng của TSMC trong ngành bán dẫn

Quay trở lại giữa những năm 1980, trong thời kì khởi đầu của cuộc cách mạng vi mạch, các nhà lãnh đạo trong ngành đã thiết kế và sản xuất chip của riêng mình tại nơi được gọi là nhà máy sản xuất chip hoặc “fabs”. Jerry Sanders, người sáng lập ra Advanced Micro Devices, từng nổi tiếng khoe khoang: “Những người đàn ông đích thực phải có fabs”.

Nhưng vào năm 1987, kỹ sư người Trung Quốc Morris Chang đã đặt cược rằng điều đó sẽ thay đổi. Ông tin rằng khi thiết kế của chất bán dẫn ngày càng tiên tiến, nhu cầu thuê ngoài sản xuất chip sẽ ngày càng tăng. Và với một số trợ giúp tài chính từ chính phủ Đài Loan, ông đã thành lập Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC).

Công ty tự quảng cáo cho bản thân là “nước Thụy Sĩ của chất bán dẫn” - công ty này không quan tâm đến sở hữu trí tuệ đằng sau các con chip. Tất cả những gì công ty này làm là sản xuất ra chúng, giúp các công ty công nghệ riêng lẻ không phải thực hiện việc đó.

Linh cảm của Chang đã được đền đáp hậu hĩnh. Chẳng bao lâu sau, Nvidia, Qualcomm và những công ty khác — thậm chí là “những người đàn ông đích thực có fabs” như AMD — bắt đầu thuê ngoài việc sản xuất chip của họ cho TSMC. Điều này đã dẫn đến sự thay đổi trong cán cân sản xuất chất bán dẫn.

Một nhà máy của nhà sản xuất chất bán dẫn Đài Loan TSMC tại Khu Khoa học Trung tâm Đài Loan ở Đài Trung, Đài Loan, vào ngày 25/03/2021. (Ảnh: Sam Yeh / AFP qua Getty Images)

Theo Boston Consulting Group, trong khi Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới về thiết kế và sở hữu trí tuệ về chip với những gã khổng lồ trong nước như Intel, Nvidia và Qualcomm, thì nước này hiện chỉ sản xuất ra 12% sản lượng chip trên thế giới, giảm từ con số 37% vào năm 1990.

Ngày nay, đất nước Đài Loan chiếm 60% doanh thu của ngành bán dẫn. Chỉ riêng TSMC đã chiếm 54%.

Và khi bạn chuyên môn hóa về một lĩnh vực nào đó, bạn sẽ trở thành người giỏi nhất.

Theo công ty nghiên cứu Capital Economics, công nghệ của TSMC tiên tiến đến mức hiện nay nó đang chế tạo khoảng 92% lượng chip tinh vi nhất thế giới, với các bóng bán dẫn có chiều rộng nhỏ hơn một phần nghìn chiều rộng của sợi tóc người. Hầu hết trong số khoảng 1,4 tỷ bộ vi xử lý điện thoại thông minh trên toàn thế giới được sản xuất bởi TSMC.

Các ước tính cho thấy TSMC cung cấp 50% nhu cầu chip bán dẫn của thế giới. Công ty này đang độc quyền sản xuất chip cho Apple.

Thế giới phụ thuộc rất lớn vào chất bán dẫn

Chắc bạn cũng biết rằng, khoảng 40 năm sau, chất bán dẫn thực tế có ở MỌI THỨ. Điện thoại của bạn, máy tính của bạn, tivi, ô tô của bạn, các thiết bị của bạn… mọi thứ.

Trong tình trạng bình thường, thế giới, đặc biệt là Mỹ, phụ thuộc vào việc tiếp cận chất bán dẫn giống như một kẻ nghiện ma túy phụ thuộc vào những tên buôn ma túy.

Nhưng sự phụ thuộc này đã trở nên rõ ràng rành rành trong thời gian phong tỏa bởi đại dịch.

Vào tháng 06/2020, Hạ viện và Thượng viện Mỹ đã công bố các dự luật được gọi là “Đạo luật CHIPS cho Mỹ”. Các dự luật này sẽ gia tăng các ưu đãi của liên bang — lên tới 58 tỷ USD — để “hỗ trợ sản xuất, nghiên cứu và phát triển cũng như an ninh chuỗi cung ứng của chất bán dẫn của Mỹ".

Cho đến nay, giống như hầu hết các ưu tiên của chính phủ đã bị bỏ qua, những dự luật đó chẳng đi đến đâu cả.

Bảo đảm nguồn cung chất bán dẫn là vấn đề an ninh quốc gia của Mỹ

Chỉ cần quan sát xung quanh, bạn sẽ thấy được tác động mà sự tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng của bất kỳ thứ gì có thể gây ra —  giá cả tăng vọt. Năng lượng, vật liệu xây dựng, thực phẩm... tất cả đều bị ảnh hưởng. Giá ô tô đã qua sử dụng đã tăng khoảng 40% vì không thể sản xuất ô tô mới nếu không có chất bán dẫn.

Bị ràng buộc vào một nguồn cung duy nhất là công thức dẫn đến rắc rối.

Tuy nhiên, nếu nguồn duy nhất đó là một quốc đảo nhỏ bé mà Trung Quốc tình cờ coi là của mình, thì đó chính là một công thức dẫn đến thảm họa!

Trung Quốc và Đài Loan có mối quan hệ kéo dài hàng thế kỷ trước khi Đài Loan trở thành một quốc gia có chủ quyền. Hiện nay, Trung Quốc không giấu giếm việc nước này muốn Đài Loan trở lại.

Trung Quốc không muốn giành lại Đài Loan vì cảnh sắc huy hoàng của quốc đảo này — Trung Quốc muốn hòn đảo này vì ngành công nghiệp chip.

Và giả sử Trung Quốc tiến hành một số động thái chống lại Đài Loan - giống như Nga và Ukraine - bất kể kết quả như thế nào. Trong trường hợp đó, bất kỳ sự gián đoạn nào với nguồn cung chất bán dẫn từ Đài Loan cũng có thể đóng băng nền kinh tế Mỹ trong nhiều năm.

Nói không hề cường điệu, đây là một cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia.

May mắn thay, TSMC đã và đang tìm cách mở rộng cơ sở sản xuất của mình.

Hãng này đã bắt đầu xây dựng nhà máy chip trị giá 12 tỷ USD ở Arizona. Reuters đưa tin rằng công ty có kế hoạch xây dựng sáu nhà máy tại địa điểm đó trong vòng 10 đến 15 năm tới. Intel cũng đang có kế hoạch chi 20 tỷ USD cho các nhà máy sản xuất chất bán dẫn có trụ sở tại Mỹ.

Đây là những bước phát triển tích cực. Nhưng sẽ còn nhiều năm nữa trước khi bất kỳ nhà máy nào trong số này có thể hoạt động với toàn bộ công suất.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Bob Byrne được biết đến rộng rãi với tư cách là người viết bài thường xuyên cho TheStreet.com. Ông có kinh nghiệm giao dịch hàng tỷ USD trong hơn hai thập kỷ trên thị trường tài chính. Ông Byrne hiện là đồng tác giả của bản tin đầu tư Streetlight Confidential, một chương trình tập trung vào các công ty ít được chú ý và các cơ hội đầu tư thường bị phố Wall bỏ qua. 

Bảo Nguyên - NTD Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét