Hiếu Lê (Cựu chiến binh người Mỹ gốc Việt đang chiến đấu chống Nga ở Ukraine)
NHỮNG CHIẾN BINH HOA KỲ GỐC VIỆT THAM CHIẾN TRÊN CHIẾN TRƯỜNG UKRAINE
Voa Tiếng Việt
Bỏ lại sau lưng gia đình, và một nhà hàng đồ Việt Nam mới mở ở Colombia (Nam Mỹ), một cựu binh người Mỹ gốc Việt lên đường sang Ukraine sát cánh cùng quân dân nước này chống quân Nga xâm lược. Anh đã sẵn sàng cho mọi tình huống, kể cả cái chết.
Phóng viên VOA Tiếng Việt: Chào Hiếu. Tôi là phóng viên Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ. Tôi có thể phỏng vấn anh được không?
Hiếu Lê (Cựu chiến binh người Mỹ gốc Việt đang chiến đấu chống Nga ở Ukraine): Được thôi, nhưng tôi sắp phải di chuyển tới một địa điểm mới, và sẽ tắt điện thoại vì lí do an toàn... Không chắc là tôi có thể dùng điện thoại khi tới nơi. Tôi phải đi ngay đây.
Phóng viên VOA: Xin hãy bảo trọng.
.....
Sau nhiều giờ chờ đợi, cuối cùng chúng tôi cũng bắt được liên lạc lại với Hiếu, một người Mỹ gốc Việt tới Ukraine để tham gia cuộc kháng chiến chống quân Nga xâm lược. Cuộc hành quân của anh bị hủy vì lí do an ninh. Hiếu quay trở lại nơi đóng quân tại thành phố Yavoriv, cũng chính là nơi đặt căn cứ huấn luyện tình nguyện viên nước ngoài chiến đấu tại Ukraine. Nơi đây vừa hứng chịu một đợt không kích bằng tên lửa hành trình của Nga. Ít nhất 35 người thiệt mạng, theo báo cáo của các quan chức địa phương.
Hiếu may mắn sống sót.
“Về mặt thể chất, tôi vẫn ổn, có đôi chút lo lắng sau vụ đánh bom, nhưng vẫn rất quyết tâm” Hiếu chia sẻ với phóng viên VOA qua ứng dụng Signal.
Tên lửa của Nga đánh trúng khu nhà kiên cố của trung tâm huấn luyện. Lúc đó Hiếu và đồng đội đang ngủ trong khu lều cách đó không xa. Những tiếng nổ lớn khiến anh choàng tỉnh. Trước mắt anh là khu nhà cháy rụi.
“Tôi từng chiến đấu ở Afghanistan. Nhưng đối mặt với tên lửa hành trình lại là một chuyện hoàn toàn khác.”
Khung cảnh điêu tàn trước mắt là lời nhắc nhở đanh thép với Hiếu, rằng anh đang ở Ukraine, đối mặt với sức mạnh quân sự đứng hàng thứ hai trên thế giới của nước Nga hậu Xô Viết, chứ không phải là những phiến quân Taliban với những khẩu AK cũ nát.
Phía Nga tuyên bố đã tiêu diệt 180 “lính đánh thuê” cùng một lượng lớn khí tài. Hiếu cho rằng con số thương vong không cao đến như vậy, nhưng anh cho biết nhiều tình nguyện viên nước ngoài không còn giữ được quyết tâm như lúc đầu.
“Rất nhiều người trong số chúng tôi, kể cả những cựu binh của các Lực lượng Đặc biệt cũng hoảng loạn và sợ hãi. Rất nhiều người đã quyết định bỏ cuộc, và được đưa trở lại biên giới.”
Theo lời của Tổng thống Ukraine Zelensky, đã có khoảng 16.000 người nước ngoài đăng kí tình nguyện chiến đấu tại Ukraine, vài trăm trong số đó đã đặt chân tới đây.
Ở thời điểm này, không khó để các tình nguyện viên thay đổi quyết định. Hiếu cho biết phía Ukraine chỉ muốn giữ lại những người thực sự muốn chiến đấu. Những ai muốn rút lui chỉ cần giao nộp lại vũ khí, xe buýt sẽ đưa họ quay trở lại biên giới với Ba Lan.
Hiếu thuộc nhóm thiểu số ở lại.
“Tôi quyết tâm ở lại vì nhớ tới lí do mà mình tới đây. Tôi tin đất nước này, và tôi muốn giúp họ chiến đấu bảo vệ quê hương.”
Sinh ra và lớn lên tại San Francisco, trong một gia đình Việt Nam sang Mỹ tị nạn Cộng sản sau khi Sài gòn thất thủ năm 1975, ngay từ khi vào cấp 3, Hiếu Lê đã ấp ủ ước mơ được chiến đấu phụng sự đất nước Hoa Kỳ.
Hiếu sau đó trở thành một người lính tăng, phục vụ trong Lục quân từ năm 2010 tới năm 2017. Năm 2012, anh được điều sang Afghanistan chiến đấu. Sau khi xuất ngũ, Hiếu quay trở lại Afghanistan với tư cách nhà thầu quân sự chuyên về lĩnh vực tình báo tác chiến.
Năm 2020, Hiếu sang Colombia- một quốc gia Nam Mỹ, mở một nhà hàng đồ Việt có tên District 1 tại thành phố Medellín.
Khi Nga tiến quân xâm lược Ukraine vào ngày 24/02/2022, Hiếu vẫn đang cặm cụi nấu phở tại nhà hàng của mình. Ngày 28/02, anh quyết định điền đơn đăng kí tình nguyện chiến đấu cho quốc gia Đông Âu xa xôi này.
“Lúc đầu tôi cũng chẳng mấy để tâm. Tôi nghĩ cũng giống như những gì diễn ra tại Afghanistan, thủ đô Kyiv sẽ rơi vào tay quân Nga trong vòng 2 ngày.” Hiếu nhớ lại.
“Nhưng ba ngày sau, họ vẫn trụ lại được, và khi nghe được những lời phát biểu của [Tổng thống Ukraine] Zelensky, rằng ông ấy sẽ ở lại chiến đấu, tôi muốn mình phải làm một điều gì đó để giúp. Tôi nhìn thấy lời hiệu triệu tham gia đội quân tình nguyện người nước ngoài, và tôi coi đó là một điềm báo.”
Hiếu sau đó bàn giao công việc của tiệm ăn cho người quản lý, bay trở về Mỹ từ biệt gia đình.
“Gia đình tôi cũng quen với việc tôi ra trận, giống như hai lần qua Afghanistan của tôi trước đây.”
Phóng viên: Nhưng lần này khác, anh sẽ phải đánh nhau với người Nga, nền quân sự thứ hai thế giới. Nước Mỹ không còn ở sau lưng anh nữa.
Hiếu Lê: Mọi người trong nhà cũng lo lắng, nhưng không ai cản. Mọi người đều ủng hộ tôi. Và tôi biết ơn điều đó.
Thu xếp tất cả những gì mà anh nghĩ cần thiết cho một cuộc chiến, Hiếu đáp máy bay sang Ba Lan, rồi qua biên giới Ukraine, tới Trung tâm Quốc tế dành cho Lực lượng Gìn giữ Hòa bình và An ninh tại thành phố Yavoriv, nơi vào ngày 13/03 hứng chịu thiệt hại nghiêm trọng sau đòn tấn công bằng tên lửa của Nga.
“Hồi ở Medellin, Colombia, trưa nào tôi cũng làm 1 bát phở” Hiếu chia sẻ trong tin nhắn với phóng viên của VOA.
“Ở đây thì đội anh nuôi của Ukraine cũng đã cố gắng hết sức, nhưng dù sao thì nó vẫn chỉ là một bếp ăn quân đội, có gì ăn nấy thôi.”
Hiếu cho biết sau cuộc oanh tạc của Nga, đường điện tới khu vực đóng quân của anh bị ngắt. Anh cùng đồng đội phải nằm trong những căn lều không có sưởi.
“Ngoài trời giờ đang lạnh dã man. Có cảm giác như chỉ tầm – 8 độ C”
“May là tôi có chuẩn bị và mang theo túi ngủ. Những người khác không có mà dùng, đành phải đắp chăn không. Có một cậu mới bị hạ thân nhiệt hồi hôm qua. Đồng đội của tôi vào rừng ngủ cả rồi [vì sợ Nga lại tấn công - PV], tôi chấp nhận mạo hiểm ngủ lại trong lều lớn để trông đồ đạc cho cả nhóm, để họ đỡ phải mang theo.”
Hiếu Lê tham dự chiến trường Ukraine
Căn lều lớn có sức chứa 20 người, từng là nơi sinh hoạt của 23 lính tình nguyện nước ngoài. Sau vụ không kích của Nga, chỉ còn 7 người ở lại. 5 trong số đó là công dân Mỹ.
Anh nói tình nguyện viên tới đây có hai loại, những người có kinh nghiệm chiến đấu thì sẽ kí một bản hợp đồng với phía Ukraine khi tới nơi làm nhiệm vụ và có thể được trả lương.
“Nhưng chẳng biết bao giờ, và làm thế nào để nhận được” Hiếu cho biết.
Còn lính mới thì sẽ kí hợp đồng ngay, và được cấp quân trang, vũ khí rồi đưa đi huấn luyện.
Hôm 11/03, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khuyến cáo: “Các công dân Mỹ tới Ukraine- đặc biệt là với mục đích để chiến đấu- sẽ phải đối mặt với những mối nguy nghiêm trọng, trong đó có việc bị bắt giữ hoặc giết chết. Chính phủ Hoa Kỳ không có khả năng hỗ trợ sơ tán công dân Mỹ ra khỏi Ukraine, bao gồm cả những cá nhân tới Ukraine để tham chiến. Phía Nga đã tuyên bố sẽ đối xử với binh lính nước ngoài tại Ukraine như lực lượng đánh thuê, chứ không phải những chiến binh hợp pháp, hay tù nhân chiến tranh.”
Điều đó đồng nghĩa với việc nếu Hiếu không may bị bắt, Điều 3 của Công ước Geneva về đối xử nhân thiđạo với tù nhân chiến tranh sẽ không được áp dụng.
“Tôi đã đăng kí ghi danh chiến đấu dưới danh nghĩa lính Ukraine, nên tôi nghĩ mình vẫn nằm trong Công ước Geneva. Nhưng dù sao thì bọn Nga cũng chẳng quan tâm đâu, chúng nó vẫn đang hàng ngày phạm bao tội ác chiến tranh.” Hiếu nói.
Cho tới thời điểm hiện tại, Hiếu vẫn chưa phải chiến đấu trực diện với binh lính Nga.
“Nhưng sẽ sớm thôi.” Anh nói “Một khi tới Kyiv [thủ đô của Ukraine- PV], sẽ chẳng còn lựa chọn nào khác.”
Phóng viên VOA: Anh có nghĩ đến cái chết không?
Hiếu Lê: Có chứ, nhưng tôi đã chuẩn bị mọi thứ chu toàn, công việc gia đình và cả cửa tiệm. Tôi mà sợ bị bọn Nga giết, thì đã chẳng tới đây.
Copy từ #VOA Tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét