Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2022

Bướm


Tác giả Thái Phúc Nguyễn

BƯỚM
Thái Phúc Nguyễn 

Tuy là một sinh vật nhỏ bé nhưng chẳng ai không biết đến và yêu quý bướm, nhất là sau khi đã được nhìn ngắm chúng bay lượn nhởn nhơ quanh vườn nhà đôi lần.


Trong hồi ức tuổi thơ chúng ta, hình ảnh những cánh bướm mong manh, yếu ớt, rực rỡ sắc màu rập rờn bên những khóm hoa để hút mật trông vô cùng đáng yêu và lãng mạn đến nỗi đi cả vào thơ ca của các văn nghệ sĩ mọi thời đại.



Có ai trong lứa chúng ta quên được những lời ca tình tứ trong bài Bướm Hoa của Nhạc sĩ Nguyễn văn Thương (mở link xanh ra để nghe TháiThanh hát)

Bướm tình tứ ngắm hoa hồn say sóng xuân, lòng tràn yêu mơ
Hoa hổ ngươi trên cành, tình trong ngẩn ngơ, nhưng vờ làm duyên
Bướm liền khoác cánh nhung, cùng hoa sánh đôi thề nguyền lưu luyến
Đóa hoa hé môi cười, tươi cười thầm nghe mấy lời đầy thơ


Nghiêng mình nàng bướm ấp yêu đóa hoa bàng hoàng

Trên lòng hoa thắm ái ân, hồn bướm mơ màng…

Từ hoa này sang hoa khác, với các chuyển động nhẹ nhàng, uyển chuyển dường như đồng bộ cùng âm điệu của một bản giao hưởng ca ngợi sự tinh khôi của đất trời, bướm là một loài côn trùng mà xem ra mỗi người chúng ta đều biết ơn chúng vì công sức đóng góp điểm tô cho cảnh trí thiên nhiên thêm hữu tình.



Nhưng thưa bạn, bạn hiểu được bao nhiêu về bướm? một sinh vật có tổng cộng hơn 20,000 loài này trên quả địa cầu của chúng ta.

Mời bạn cùng tôi xem qua nhiều sự thật thú vị để rồi sau đó có  thể bạn sẽ suy nghĩ lại về chúng theo một cách hoàn toàn khác bạn nhé.



- Cánh bướm trong suốt

Chuyện vô lý quá vì ai cũng biết bướm đẹp nhờ đôi cánh đủ màu đủ sắc của chúng kia mà!

Thật sự thì cánh bướm được cấu tạo bằng chitin, 1 loại protein trong suốt với mặt ngoài được bao phủ bởi hàng nghìn chiếc vảy nhỏ xếp chồng lên nhau. Do khả năng khúc xạ ánh sáng, vảy sẽ thay đổi màu sắc liên tục và lấp lánh khi bướm di chuyển.

Thời thơ ấu, đôi lần rượt đuổi và bắt được những chú bướm đậu trên các khóm hoa tay ta thường bị dính đầy phấn bướm và phấn này chính là những vảy trên cánh tróc ra đó bạn ạ.



- Bướm nếm mùi vị bằng chân

Bướm có cơ quan cảm thụ vị giác - chemoreceptors - trên đôi chân của chúng, đó là những chiếc gai mọc tua tủa mà chúng ta thấy. Bướm dùng gai này đạp vào lá, vào trái để dò tìm nguồn thức ăn, cảm nhận lượng đường hòa tan, hoặc nếm các nguồn thực phẩm lên men trên các loại trái cây chín và xác định đúng loại thực vật cùng các chất dinh dưỡng quan trọng mà chúng cần ăn để tồn tại.


- Đời sống quá ngắn ngủi

Tuổi thọ trung bình của hầu hết các loài bướm trưởng thành khoảng 3 đến 4 tuần, cho dù toàn bộ vòng đời của chúng lại thường kéo dài từ 2 đến 8 tháng. Tuy nhiên có vài ngoại lệ như một loài bướm chỉ sống khoảng 24 giờ, trong khi một số loài di cư, như Monarch Bắc Mỹ, lại có thể tồn tại gần tám tháng.


Bướm là động vật có máu lạnh

Nhiệt độ không khí xung quanh có ảnh hưởng lớn đến khả năng hoạt động của bướm. Thường chúng chỉ hoạt động trong môi trường từ 55ºF cho đến 100ºF mà thôi. Khi nhiệt độ lên tới 100ºF thì bướm sẽ gặp khó khăn và tự tìm một nơi mát mẻ để trú ẩn. Ngược lại đa số trường hợp, khi thời tiết giá lạnh dưới 55ºF bướm sẽ bất động và kết thúc vòng đời vốn ngắn ngủi của chúng ngoại trừ vài loài bướm biết xem đây là một tín hiệu để chúng di chuyển đến vùng ấm áp hơn như loài Monarch hàng năm di cư khoảng 3,000 dậm dài từ cực Nam Canada dọc theo bờ Thái Bình Dương xuống tận vùng đồi núi Mễ tây cơ.

- Với nhiều kích thước khác nhau bướm có những loài nhỏ nhất như con Western Pygmy Blue bề ngang chỉ 1.2 - 2cm và to nhất là bướm Queen Alexandra's Birdwing với chiều dài sải cánh lên đến 25 - 28cm.

Ảnh sưu tầm internet cho thấy kích thước bướm so với bàn tay người.

- Bướm chỉ dùng được thức ăn lỏng vì phần miệng chúng đã được biến đổi để hút chứ không để nhai. Với một cái vòi ở đầu có chức năng như một ống hút nước, chúng duỗi thẳng vòi ra khi hút mật hoa, nhựa cây hay dịch chất từ thực vật đang phân huỷ và cuộn tròn lại khi không sử dụng đến.


Bướm sử dụng đôi cánh như thủ thuật để sinh tồn

Vì đời sống quá mong manh, ngắn ngủi, bướm phải cố vận dụng một số thủ thuật để ngụy trang với đôi cánh sẵn có của chúng như một cơ chế bảo vệ bản thân để tận dụng thời gian sinh tồn dùng cho việc giao phối, phát triển giống nòi.

Một số bướm gập cánh lại để ngụy trang vào môi trường xung quanh, đánh lừa thị giác của động vật săn mồi. Một số lại xoè cánh ra, sử dụng màu sắc rực rỡ trên đó để cho biết sự hiện diện của mình. Thường thì côn trùng có màu sắc tươi sáng đi đôi với tiềm ẩn chứa độc tố nên những thú săn mồi biết mà né tránh vì sợ hãi.


Bướm thực sự có bốn cánh, không phải hai.

Hai cánh gần đầu nhất của nó được gọi là cánh trước, còn lại là cánh sau. Nhờ các cơ mạnh ở ngực của bướm, cả bốn cánh đều di chuyển lên xuống như một cặp theo quỹ đạo hình số 8 trong khi bay.

*****

Sau những cánh bướm xinh đẹp rập rờn trong vườn hoa là những góc khuất của một cuộc sống thực tế tranh dành tệ hại ở loài bướm mà đáng kể hơn hết là hành vi thô bạo mà các nhà khoa học thường gọi với thuật ngữ "hiếp dâm nhộng" (puppy rape)

Khi một con cái chuẩn bị thoát khỏi lớp vỏ nhộng trở thành bướm để tung cánh bay lên thì một nhóm các con đực đã vây quanh xô đẩy, vỗ cánh chèn ép lẫn nhau như những tình địch để chiếm đoạt cho bằng được bạn tình. Kẻ chiến thắng của cuộc tranh dành này sẽ được giao phối với con cái. Nhiều trường hợp những con đực thường háo hức đến mức con cái chưa kịp thoát ra ngoài thì chúng đã dùng gai nhọn ở chân xé toạc vỏ nhộng để giao phối.


Vì con cái bị mắc kẹt trong vỏ nhộng và không có sự lựa chọn nào khác, nên thuật ngữ "hiếp dâm nhộng" xuất hiện. Một số nhà sinh vật học gọi với cái tên nhẹ nhàng hơn là "giao hợp cưỡng bức".

Ấu trùng của bướm ăn vỏ trứng ngay sau khi nở, sâu bướm ăn lá cây để sống, nhộng thì không ăn gì, còn những con bướm thường dùng vòi dài hút mật hoa.

Ngoài mật hoa ra, bướm còn ăn cả phân hoặc xác chết động vật, bùn sình…


Đôi khi thấy một cánh bướm chập chờn bay theo rồi đậu vào tay bạn, thì bạn ơi, lúc đó bướm đã đánh hơi được mồ hôi tiết ra từ da bạn rồi và muốn nhâm nhi nó đó bạn ạ.

Ngay cả nước mắt của rùa và cá sấu cũng là món ăn yêu thích của loài bướm. Chúng hút chất lỏng bên trong những thứ đó vì cần natrium và các khoáng chất khác để gia tăng khả năng sinh sản của chúng.


Vẻ đẹp ở bướm là nguyên nhân chính khiến chúng bị suy vi, bởi các nhà sưu tập săn bắt bướm với số lượng rất lớn và sử dụng chúng như đồ trang trí.

Ngày nay cho dù một số bướm được pháp luật bảo vệ, được nuôi trong trang trại nhưng vẫn có một phần đang trong nguy cơ tuyệt chủng, bởi ấu trùng của chúng bị tiêu huỷ.

Các biện pháp bảo vệ Bướm sẽ ban hành, nhưng có lẽ đến khi đó thì đã quá muộn chăng?

VA tháng 03 năm 2022
Thái-Phúc Nguyễn
*Ghi chú: Bộ ảnh bướm này được tôi chụp ở Brookside Gardens, MD năm 2018.


Xin mời quý vị thưởng thức nhạc phẩm "Bướm Hoa"



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét