Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

Một Góc Đời

         

         Phan Tuyết
       NGUYỄN HUỆ

Mỗi bận con gái tôi về nhà, nhìn thấy mẹ đang cầm cái cell phone, thế nào cháu cũng cười hì hì và hỏi khi tôi vừa tắt máy:

-Má vừa nói chuyện ngày xưa với Dì Thanh phải không?
Tôi cũng bèn cười giả lã và hỏi lại cho vui:
-Sao con biết hay vậy?
-Mấy bà già cầm cell phone hoài rồi nói cười thoải mái, không nhắc chuyện ngày xưa chẳng lẽ than chuyện ….đau nhức, khó ngủ mỗi khi trái gió trở trời, mấy chuyện đó đâu có vui để mà cười.

Trời đất! bị con gái nói trúng phóc, cứ như đi guốc vào bụng mẹ, nhưng đâu có sao. Thỉnh thoảng tôi vẫn nhắc chuyện vui ngày xưa còn bé ở Tuy Hoà cho các con nghe, dù rằng, quê hương đó ở bên kia bờ Thái bình Dương xa thẳm, nơi mà các con tôi chỉ nhìn thấy chấm nhỏ trên bản đồ chứ chưa hình dung nổi.
         
Cổng trường Nguyễn Huệ đường số 6
(Hình thắng cảnh trong bài lấy từ internet)

Không nhắc làm sao được, khi con bé nhà quê tôi được hiên ngang cắp sách vào trường Nguyễn Huệ chỉ vừa mới qua ngưỡng cửa mười năm hiện diện trên trái đất này, thời gian thầy Vũ Tri Phú còn làm Hiệu trưởng. Ba má tôi vui nhưng không trọn vẹn, khi anh trai tôi không có tên trên danh sách vào trường,  mặc dù hai anh em cùng học một lớp, một trường tiểu học, và thầy Phạm Kỳ Phùng làm hiệu trưởng.

Những năm đầu thập niên sáu mươi, thời gian còn đất rộng người thưa trên xứ Phú Yên. Chuyện  một đứa con gái nhỏ từ quê lên tỉnh học không phải là chuyện …nhỏ, khi khoảng cách từ nhà đến trường với đoạn đường dài hằng hai mươi cây số là đã xa dịu vợi. Hai bên đường đến trường đi hoài chẳng thấy nhà đâu, chỉ thấy đồng xanh bát ngát, ruộng lúa ngút ngàn. 

Thầy Hoàng Văn Trí và học trò

Nên nhiều buổi cuối tuần, trở về nhà sau khi xuống xe lam ở đầu con hương lộ, lúc màn đêm vừa buông xuống, con bé cứ phải ôm cặp táp, cột áo dài lên ngang hông, xoắn cả ống quần, xách guốc chạy trối chết trên đường làng, có bữa vừa chạy vừa khóc mỗi khi ngang qua khu …gò mả, nơi có những cái nhà mồ lớn nhỏ, cao thấp lổn ngổn chẳng đều nhau, đã vậy cây cối mọc um tùm, ban ngày đi ngang đã sợ, huống chi đêm tối chỉ thấy ánh sáng những con đom đóm lập lòe,  nơi mà nhiều người lớn kể lại rằng “ma” thường ngồi chờ người đi qua để đòi thế mạng, nơi mà có những cái đầu lăn long lóc trên đường rồi lên tiếng hỏi: “đầu đây, mình đâu?, nơi mà có cây đa to ba người ôm chưa tròn cái gốc, vẫn có những tiếng à ơi ru hời cho con ngủ, với giọng người đàn bà  thật thảm thiết từ chiếc võng đong đưa chỉ có tiếng ru mà bóng người đâu tìm  chẳng thấy…( rõ ràng chỉ nhát con nít) 

Nhiều hôm làm gan đi về cuối tuần và trở lại thành phố bằng xe đạp. Con đường sao mà dài hun hút, thăm thẳm mù khơi. Đã vậy mỗi khi đi qua cầu Đà rằng cũ, gặp lúc gió Nam cồ xuất hiện, những ngọn gió ác ôn cứ nhè đứa con nít mà thổi thốc thổi tháo, thêm cái nạn xe hơi chạy vút qua, mỗi lần như vậy, con bé cứ muốn …bay theo chiều gió, may nhờ có chiếc xe đạp cản lại, khỏi lọt xuống cầu, khỏi bị dòng nước sông Ba cuốn trôi ra biển...
          
Cầu Đà Rằng, Tuy Hòa

Tôi may mắn được trọ học nhà chị Thân. Ba má chị là bạn của ba má tôi, nên cả nhà chị đều xem tôi như con cháu trong nhà. Từ căn nhà đầu tiên là tiệm thuốc tây Đông Hưng trên đường Trần hưng Đạo, mà lần đầu tiên đứa con gái nhỏ nhà quê lên tỉnh học một mình, không có người lớn dẫn đường, mặc dù đã đến ngay trước cửa tiệm lại chẳng dám vào, đến khi anh tài xế xe lam, người đã chở tôi đến nơi do sự gửi gắm của ba tôi trở lại, vẫn thấy con bé con ngồi cạnh cửa ngoài. Anh  hú hồn vì tôi đã không bị “mẹ mìn” bắt. Tôi bắt đầu ở luôn thành phố để học, từ đó, nơi ban đêm có những  ngọn đèn đường điện sáng trưng, để cả bọn con nít  cùng nhau chạy bắt con cà cuống đem tặng cho bà Bắc di cư gần nhà cần có trong món ăn của gia đình họ.

Về sau, dù có mấy lần nhà chị Thân thay đổi chỗ ở, có khi dọn đến sát nhà anh Bổng( Ngọc cư),  sau có mở nhà bán sách báo có tên “Hùng Cường”, nhà ở thì sát chân núi Nhạn, lúc ấy là con đường mang tên số Một, tôi vẫn là đứa con nhỏ trong gia đình chị. ( về sau Má tôi có đem anh em của Th. đến gửi nhờ  nhà chị luôn, đến mãi bây giờ tôi vẫn nhớ ơn xưa). Nơi mà mỗi tối thứ năm, tôi vẫn chạy băng qua đường đứng nép bên cửa sổ nhà chú Hiệp để lén nghe các ca sĩ hát trực tiếp với tiếng đờn, phát thanh ra loa ở ngả năm, căn nhà có cây trứng cá to tổ chảng, gần tiệm thuốc Tế sanh, nhà dùng làm “phòng phát thanh” của thành phố, phát đi những tiếng hát của rất nhiều người Tuy Hoà chính gốc hay đến ở Tuy hoà, cho cả thành phố nghe, với nhiều chương trình khác nữa. 

Thành phố Tuy Hòa

Người ca sĩ đầu tiên con bé tôi nhớ mãi là cô Quỳnh (Vợ của thầy H. lúc đó). Cô là người Huế, dù cô không có dáng vẻ liễu yếu, mảnh mai, nhưng giọng hát của cô thật mềm mại ngọt ngào truyền cảm, và bài hát tôi nghe được lần đầu tiên từ  giọng hát của cô là bài  “Tôi đã gặp” ( Tôi đã gặp anh, người trai quá hiên ngang, đi xây cuộc đời vào lứa tuổi đôi mươi, biên cương xa xôi, anh vì yêu sông núi đem thân đi xây ngàn nơi…) có lẽ từ bài hát này đã in đậm nét oai hùng của  “người trai lính chiến ” trong trí đứa con nít tôi, mà về sau đời tôi đã gắn liền với đời sống của người lính trận. Những giọng hát Tuy Hoà ngoài cô Q, còn có Minh (Hồng Châu), cô bé Hoàng Ánh, một cô bé thật đẹp mà từ năm lớp nhì,  lúc đuợc nhà trường chọn cho đi cắm trại ở sân bay ngoài Chớp chài(?), tôi đã say mê nhìn cô mặc chiếc áo đầm trắng, múa trên sân khấu với hình ảnh bà tiên hay gì gì đó, mà mãi về sau tôi vẫn còn hâm mộ, mỗi lần đi ngang tiệm hình ở đường Phan Đình Phùng  thấy tấm hình của cô thật lớn treo ngang khung cửa sổ cứ mãi đứng nhìn. Và sau đó người hát hay là chị Ánh Tuyết và người anh tên Khiết(?)…..v..v..

Tôi vẫn lót tót theo gót chị Thân đi học vào những ngày mới tập tễnh bước chân vào ngưỡng cửa trường trung học Nguyễn Huệ cũ nơi đường số sáu….

Bạn cùng lớp

Đúng là đường đi đến trường khó thật, nhưng không khó vì đường dài thăm thẳm, qua cầu gió bay, hay sợ bị lạc vào nẻo đường thành phố,  mà chỉ sợ cái nỗi học dở quá không lên lớp được bị Thầy giáo cho về nhà, thế nào ba má tôi cũng bắt đi ra đồng coi thợ gặt lúa và canh chừng những người  ..mót lúa cắt lúa trộm, công việc mà con bé con hỉ mũi chưa sạch tôi vẫn …được ra oai vào mùa lúa chín. Tàn đời. Làm sao có được những người bạn học thân thương mà giờ này ngồi đây nhắc nhở.
         
“Cái Thanh mười tám gian”  là địa chỉ nhà mới của bạn  khi đã lớn. Chứ hồi còn bé, nhà Thanh ở con đường chặn ngang đầu trên đường Trần Hưng Đạo ở gần rạp Diên Hồng, cái rạp xi-nê vẫn thường hay chiếu phim Ấn độ hoàn toàn nói tiếng Việt nam do hãng phim Mỹ Vân chuyển âm, như  “Con thơ trên dòng suối- Sữa rừng thay sữa mẹ- Hoàng hậu Rắn hay Chàng phù thuỷ đa tình….” Nên thỉnh thoảng sáng chủ nhật không về nhà quê, bọn con nít tụi tôi thường bỏ ra ba đồng vào cửa ngồi ghế…thượng hạng cải lương, tha hồ xem xét nhìn ngắm mấy nữ tài tử xi-nê Ấn độ luôn có vết son trước trán đẹp tha thướt  mà dám chơi với …rắn, khiến lũ con nít hết hồn, vừa lấy bàn tay che mắt và cũng vừa he hé mấy ngón tay coi thử tới đâu rồi.


Du ngoạn

Khác với rạp Diên Hồng là rạp Đại Nam của nhà bác Bùi Phương, thân sinh của bảy (?)  người con gái đẹp nổi tiếng ở Tuy Hoà với tên lót có chữ Ngọc. Ở rạp hát này, có lần chúng tôi được Chú Thiếm ( ba má chị Thân) cho vé Thượng hạng đi coi cải lương thật, cái đoàn hát gì chẳng nhớ tên, nhưng họ đến bằng hai cái xe ba-lua, đóng đô trên đoạn đường Phan Đình Phùng, lối về toà án. Người nữ diễn viên của vở tuồng “Thần nữ dâng ngũ linh kỳ” đẹp lộng lẫy, xuống câu vọng cổ rất mùi, làm bọn nhỏ chúng tôi mê mẩn và …ước ao ngày mai đến gặp cô để xin chữ ký. Nhưng, khi đến nơi để tìm người muốn gặp, thì trời hỡi! những người trong đoàn hát đang cãi lộn nhau, thiếu điều sắp đánh lộn vì tiền chia không đồng đều sao đó, và người đẹp trong mơ của tụi con nít đêm qua, hiện nguyên hình là một người đàn bà tầm thường mặt lại rỗ hoa! 

Đó là  các nữ sinh, chứ mấy “nam cồ” lớp tôi thì đã rất “biết chuyện”. Dù con nít, nhưng chàng Khánh đã biết mua kẹo …NU-GA tặng cho người chàng muốn tặng rồi. Hèn chi cô bạn tôi khi lớn lên, một lô răng bị sâu viếng gần hết, phải nhờ đến Nha sĩ.
Năm xưa Tuy Hoà có hai ngôi chùa lớn, toàn nằm trong góc núi Nhạn, nhìn xuống sông Đà Rằng, là chùa Kim Long và Kim Cang. Nhưng không biết vị Sư trụ trì nào có duyên với anh P Đ H. mà anh cạo tóc trọc lóc định theo vào gõ mõ, tụng kinh? Sau này biết ra là tại anh theo đuôi, cố đưa thư cho một người đẹp nào đó mà chưa được nàng hồi âm, nên anh buồn tình xuống tóc chứ chẳng có dự định tu hành gì cả..

Lớp tôi coi mòi nổi cợm hơn nhiều lớp khác cùng liên lớp, vì có quá nhiều anh chị vừa lớn lại đẹp gái đẹp giai, như anh Phương, Muộn, Lợi,  Cường, Hiền, Khánh, Chính, Xuân, Hùng..v…v…các chị Mùi, Châu, H.Mai, Hà, Hương, Gái, Xuân Hồng, Thu Cẩm.v..v…

Thầy Cố Vấn và học sinh

Họ là những “thủ lãnh” oai hùng mỗi khi xuất trận ra quân đi …tảo thanh các vùng có thức ăn hợp khẩu. Nhất là vào mùa người ta chặt mía đem vào “lò” để sản xuất ra đường, những  ruộng mía nằm đoạn giữa hai cây cầu bên này đường quốc lộ, đối diện khu Ngọc Lãng. Nơi mà có một dãy ruộng mía rộng bao la, dưới mắt đứa con nít tôi. Những chiếc xe đạp đèo nhau sau giờ tan lớp, trực chỉ hướng quốc lộ để đi …mót mía . Đâu phải bọn tôi không có tiền mua, khi mà cả đống mía nằm thẳng đuột mập ú chất đống dưới chợ Tuy Hoà kia, hay xe nước mía hiện diện ngay ngả năm lúc nào cũng chạy rồ rồ để cho ra những dòng nước chảy vào ly với màu xanh lợt vừa ngọt lịm với mía, thơm lừng với trái tắc và lạnh đầu môi bởi những cục nước đá trong veo..

Nhưng cái vụ mót mía thích thú hơn nhiều, nên cả lớp cứ rủ nhau đi khi có giờ nghỉ, đến chân cầu “Ông Chừ” cũng xếp hàng đứng đợi nếu gặp đoàn xe đi ngược. Đến khi ông cảnh sát giữ cầu thổi tu-huýt cho lệnh đi qua, là cả một bọn dắt xe chạy ù trên lối dành cho người đi bộ qua cầu, rồi nhào xuống những đám đất chỉ còn trơ…gốc mía, vừa đi vừa lui cui nhặt những khúc mía còn rơi vãi.Gặp khúc mía dài thì bỏ ngang đẩu gối bẻ cái rốp, thành vài ba khúc mía ngắn, gọn dễ dàng bỏ lên miệng xiết ngon lành, thích thú vô cùng vì mía vừa ngọt vừa mềm làm sao. Vui đáo để.


Tháp Nhạn Tuy Hòa    

Về sau có khi Thanh  đi ngang nhà rủ tôi đạp xe đến trường. Có lúc ngang qua  nhà Cẩm Lưu rủ bạn cùng đi.  Nhưng khổ nỗi, trước khi vào nhà bạn trong con hẻm nhỏ, bọn tôi đã gặp ngay một đám ..giặc cản đường, (vài người trong nhóm họ đã qui tiên ) mấy nam sinh cùng trường,  nhà họ ở đầu con hẻm sau cái xe bán nước mía ở ngả năm, cứ đợi bọn tôi đến là nhào ra huýt sáo, đếm một hai ba rồi kêu tên từng đứa, làm bọn tôi tá hoả tam tinh đạp xe quẹo vào mà cứ muốn té, khiến mấy tên đó càng cười rộ. Thiệt tức mà không làm gì được.

Tuổi học trò cũng ngộ thiệt. Hễ một đám con gái đi với nhau thật đông, thì mấy chàng xếp de, không dám cản đường  chọc ghẹo. Nhưng lỡ hôm nào đi một vài đứa, thì cứ y như rằng chân hươu đá chân nai, còn run lập cập nữa, nhất là đoạn đường tắt từ đường Trần Hưng đạo đi ngả rẽ tắt ngang qua nhà máy nước đá Tân Tân để đi về trường NH cũ, nên thường chúng tôi rủ ít nhất là ba bốn đứa đi cùng, (Thanh, Tuyết, Điểu, Lưu…) đã không sợ, còn dễ dàng ghé vào nhà thầy H.. để mua ổi, nhất là mùa ổi chín. Nhà thầy trên đường số 6, trước khi đến trường.
         
Một mảnh vườn thật rộng,  trồng không biết bao nhiêu gốc ổi, những trái ổi sẻ nhỏ nhỏ, xinh xinh, bóng mượt, thơm lừng. Mạnh đứa nào đứa nấy hái ổi theo tiền mình muốn mua. Một ngăn trong tập vở để chứa ổi, và một gói muối ớt mang theo, tuyệt vời trong giờ ra chơi và làm rỏ dãi mấy người bạn khác khi nhìn thấy. Có hôm vì bận làm bài tập, không kịp …thanh toán hết, nên trái ổi chín bị bẹp dúm trong cặp táp, báo hại phải lau cặp cho sạch, may mà hột ổi không làm hư vở.


Vịnh Xuân Đài Sông Cầu

Nam sinh lớp tôi thuộc thành phần đại cồ hơi nhiều, nên dù có quậy phá cũng vẫn học giỏi như thường. Nên kỳ thi Trung học cuối cùng năm đó, nhiều.. cá đã vượt vũ môn. Hú hồn cho cả bọn tôi, hai con nhỏ ngồi bàn đầu và mấy nhóc nam bên phía bàn bên kia ( Khánh- Tú- Hùng-Xuân…..) cũng đều thẳng tiến.
         
Vào năm học đệ tam, lớp tôi đã có hai anh chị ký bản án “chung thân khổ sai” đầu tiên. Hai anh chị M.và G. mời cả lớp đi dự đám cưới tại nhà. Trời đất, cái đám con nít cũng hăm hở kéo nhau đi mà không biết mua gì để tặng cho cô dâu chú rể, (hình như thời đó chưa có mục đi tiền như bây giờ). 

Nhưng rồi cũng ngang nhiên ngồi vào bàn tiệc, và lại kêu trời nữa khi mà trên bàn ăn  toàn là… đùi gà và thức ăn được dọn lên cái nào cái nấy to đùng nên không dám gắp, chỉ ngại rằng cầm tay xé mất vệ sinh, nên cứ ngồi cầm đũa mà ngó, đến khi chủ nhà thấy thì đã sắp thu dọn bàn tiệc và mấy đứa gần như bị …đói. Hỏi ra thì chỉ là thức ăn chay mà sao giống y chang thịt vậy, họ nấu nướng khéo quá và bọn tôi bị quê (đúng là nhà quê).
         
Đập Đồng Cam, Sơn Hòa

Lớp tôi lại có thêm một số anh chị em từ những trường xa đổi tới hay bên Bồ đề-Đặng Đức Tuấn  mới đậu trung học nên được vào. Nào là chị Tấm, chị Thanh, anh Tâm ( hơi có tật ở chân), chị Phê, anh Nghĩa, Đổng, Thảo…, nên đã vui càng vui hơn nữa. Nhất là đệ tam, là năm mà bọn học trò được nghỉ xả hơi không cần chú mắt vào sách để học thi.

Thế là cả bọn lại tổ chức đi ghe qua Ngọc Lãng ăn dưa hấu, ra tận ngoài núi Chớp Chài ăn …củ sắn mới đào từ dưới cát lên. Có bữa bọn con gái còn bày đặt mặc áo dài để làm người mẫu cho anh chàng Tâm chớp ảnh (uổng quá, bị đổi chỗ ở nhiều nên không ai trong lớp còn giữ lại tấm hình nào).

Tuổi đời ngày càng lớn, tính tình con nít cũng đổi thay. Thôi rồi những buổi xoắn quần leo lên dốc núi Nhạn để hái hoa hay lá trầu bà đem về nhà trang trí. Thôi rồi những buổi tối ngồi bài hải ngay trước hàng nem nướng của Bà Năm nổi tiếng ở ngả năm, những vắt nem bỏ vào lò lửa than hồng, mùi nem nướng gặp than nóng bay lên ngát mũi, bà bỏ vào cái bánh tráng đã nhúng nước vài lá rau thơm, một vắt nem, vài miếng dưa leo, khế chua và một cái “chả ram” có con tôm và lá hành bên trong chiên dòn rụm, chấm với nước mắm vừa chút mặn, chút ngọt với nhúm đậu phụng giã vừa vừa không nhuyễn lắm. 

Nhà thờ Bằng Lăng, Tuy An

Cắn  cuốn nem vào miệng, nem chưa vào cuống họng mà dịch vị đã tuôn ào ào, ngon hết biết. Thôi rồi những buổi tối sau giờ học bài, cả bọn sà vào ngồi xổm ở hàng bà chuối chiên cũng ở ngả năm, cứ chỉ chỏ miếng nhỏ của mày, miếng lớn của tao, những miếng chuối chiên no phồng, vớt từ lò dầu đang sôi sùng sục, vắt ngang thành chảo…

Con đường Trần Hưng Đạo từ nhà đến trường Nguyễn Huệ mới, không còn những người nam sinh chận đường chọc phá, rồi cười lên hăng hắc, hô hố nhưng vẫn thấy dễ thương. Mà bây giờ là những chiếc xe jeep nhà binh, chạy chầm chậm dưới lòng đường theo sau vài chiếc xe đạp với tà áo dài màu trắng cột ngang lưng (sợ vướng sợi dây sên xe đạp). Một nhóm nữ sinh đã biết cúi đầu e thẹn làm duyên, và các chị, các bạn lần lượt bỏ ghế nhà trường leo lên xe jeep đi theo …ai về khắp miền đất nước, một số rời trường ra đi về thủ đô học tiếp và một số về thành phố khác, trong đó có tôi.

Rồi một ngày, có những người bạn mặc quân phục quân trường tìm đến nhà thăm. Anh  S. đã bạo gan  ngỏ lời  mời về làm ..mẹ của bọn nhỏ con anh ấy. Anh bạn Th. kiên nhẫn hơn cứ muốn ngồi kể chuyện ngày xưa để tìm lại chút tình thân trong kỷ niệm, anh D., từ quân trường VB Đà Lạt về phép, thì cứ ngập ngừng nửa muốn nói điều gì nhưng lại chẳng nói thành câu,  dù trong nhiều bức  thư gửi về từ quân trường, anh vẫn nói xa nói gần chuyện mai sau, mãi đến khi nghe tin  anh hy sinh ngoài chiến trận, người đi mãi không về nhưng đã không mang theo dùm niềm ân hận trong tôi. ….

Những ngày tháng ngây thơ học trò đã đi qua, tình yêu con nít ngày nào chỉ đứng nhìn  trộm từ xa, hay giả vờ tình cờ đi ngang để trao vội tờ thư giấy học trò rồi đi nhanh sợ bạn bè bắt gặp chọc phá, hoặc lên văn phòng trình báo cho Giáo sư hay, thế nào cũng bị bắt phạt “cấm túc”, nhưng người nhận thơ thì mãi mãi chẳng hồi âm… Tất cả  cũng đã bay theo với gió bụi thời gian và góc đời riêng trong tôi hình như không có chỗ để dung chứa.


Đầm Ô Loan

 Ngày thành phố thay tên, nước nhà đổi chủ, những người bạn xưa đã bằn bặt tin nhau. Có người cũng đã buông xuôi về miến đất lạnh từ trong những ngày còn cuộc chiến như anh Phương, Phước… Mới đây nghe tin một vài người đã không còn điều khiển hoàn toàn cơ thể của mình đưọc nữa như chị KL…Một nén hương thắp muộn màng và lời cầu bình an cho tất cả.
         
Thời gian không dừng lại chờ ai. Qua rồi cái tuổi học trò ngây thơ, khờ dại nhưng rộn rã tiếng cười vui. Bây giờ, nơi đây, xa thành phố Tuy hoà thân yêu đến nửa vòng trái đất, những người bạn xưa gặp lại nhau, mừng vui khôn xiết, biết nói gì nếu không …kể chuyện ngày xưa, chuyện ngày xưa sẽ không bao giờ chấm dứt trong khối óc của đám bạn già cho đến khi phủi chân ngồi nhìn đàn con cháu đốt nhang trên bàn thờ. Ngày hội ngộ của Trường, cũng là ngày cả bọn tìm về tuổi nhỏ….

Ước gì được gặp gỡ tất cả các bạn ngày xưa, tha hồ đổi trao, nhắc lại chuyện cũ mà chẳng còn sợ bị Thầy giáo phạt vì tội…nói chuyện ồn ào trong lớp học! .
Mong lắm thay!

Lê Phan Tuyết (Lê thị Hoài Niệm)


Thành tích biểu


Hoa Có Vàng Nơi Ấy


Xin mời click vào tất cả hình để xem lớn hơn

Mấy tuần nay trên FB, trên các báo tờ, báo mạng tràn ngập hình ảnh của bộ phim  “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Là một người rất thích đọc văn của Nguyễn Nhật Ánh, tôi dĩ nhiên không bỏ lỡ cơ hội để tìm hiểu phim đã thể hiện được bao nhiêu phần trăm của nguyên tác. 

Nhưng đó chỉ là một trong những lý do, thời điểm và bối cảnh bộ phim mới chính là điều làm tôi xốn xang. 
Cũng năm tháng ấy, cũng làng quê đó tôi đã trải qua một thời tuổi trẻ không hẳn hoa đã vàng, cỏ đã xanh…

Bãi Xép xã An Chấn, Tuy An

Các cảnh trong phim phần lớn đều được quay ở Phú Yên và một trong những cảnh đẹp nhất thuộc khu vực Bãi Xép, xã An Chấn, huyện Tuy An. Có thể khán giả sẽ choáng ngợp khi lần đầu thấy cảnh: một bên là biển với sóng tung ghềnh đá trắng xóa, một bên là đồng cỏ xanh ngát với các diễn viên nhỏ đuổi theo cánh diều no gió. 

Bằng chứng là trong rạp chiếu phim hôm ấy, chung quanh tôi vang đầy những tiếng xuýt xoa, ngưỡng mộ. Riêng tôi, cảnh quay đó không đơn thuần là một cảnh đẹp, cái tên Tuy An còn là khúc dạo đầu ấn tượng trong hành trình bước ra cuộc đời của tôi.

Gành Đá Đĩa xã An Ninh, Tuy An

Sau khi tốt nghiệp CĐSP Nha Trang năm 1977, tôi về nhận nhiệm sở ở trường PTCS xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Mấy tháng đầu trường chưa có chỉ tiêu tuyển giáo viên cấp II nên tạm thời tôi được phân công dạy ở trường tiểu học thôn Long Thủy. 

Không hiểu ai đã tư vấn cho đạo diễn Victor Vũ chọn ngôi trường trong phim như thế. Giống ngôi trường năm xưa tôi dạy đến nao lòng. Cũng trên bậc tam cấp Thiều (nhân vật chính) ngồi giờ ra chơi, 30 mấy năm trước có cô giáo trẻ từng ngồi buồn như thế. Rồi cũng trống trường tan học, những cây cầu, lối nhỏ về thôn xa… nhắm mắt lại tôi vẫn có thể hình dung được toàn cảnh làng chài Long Thủy ngày ấy. 




Không đợi đến khi “ Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”  trở nên “hot”, từ lâu tôi đã biết làng chài ấy là giấc mơ êm đềm không dễ tìm thấy. Sáng cùng lũ học trò tóc khét nắng, chân đất líu ríu đến trường. Chiều ra biển đón thuyền câu về mua cá. Đêm nằm nghe tiếng sóng ru. Mỗi tháng một lần tôi đạp xe từ Long Thủy qua trường cấp II bên xã để họp. Đó là con đường ven biển rất đẹp và thơ mộng. 

Dân cư thưa thớt, vài chục nóc nhà ẩn mình dưới rặng dừa xanh. Cách con đường nhỏ là hàng dừa nằm đổ dài vươn mình ra biển. Hiếm hoi lắm mới thấy một vệt nắng len vào, khắp con đường hầu như chỉ có bóng râm và gió mát. Ranh giới giữa Long Thủy và xã là cây cầu nhỏ nằm vắt ngang một con lạch nhỏ, chảy thêm một đoạn nữa ra tiếp giáp với biển. 

Bình minh

Hồi đó tôi không hề nghĩ mình đang có diễm phúc được tận hưởng những vật phẩm của thiên nhiên ban tặng như thế, vì ngoài việc đi dạy còn có nhiều mối bận tâm khác.
Sau 6 tháng dạy cấp I ở Long Thủy tôi được đổi về trường cấp II thôn Phú Thạnh,  xã An Chấn. Lúc còn ở Long Thủy tôi được một người quen của gia đình cưu mang nên việc ăn ở không cần phải lo lắng. Nhưng khi đổi qua xã thì những việc xem ra rất đời thường ấy là cả vấn đề. 


Đó là những năm tháng vô cùng khó khăn. Lương giáo viên chỉ có mấy chục đồng cộng thêm ít tem phiếu và 13 ký gạo (trong đó sắn lát hoặc bột mì chiếm đến 3 ký) nên chúng tôi thường xuyên lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau. Tháng nào lãnh lương xong cũng chỉ có 5 ngày đầu là tương đối no, những ngày còn lại mỗi ngày chỉ ăn hai bữa và thường buổi sáng nhịn đói. 



Tôi và nhóm bạn dạy cùng trường gọi những ngày đói giáp hạt ấy là  “Trường ca An Chấn”. Nhiều hôm dậy sớm, nghe phụ huynh bên hàng xóm gọi con ơi ới ăn cơm đi học, cả bọn nhìn nhau xót cả ruột. Chúng tôi thường lân la tới nhà các giáo viên người địa phương gợi ý, khi thì dĩa xôi, trái dưa hấu, xâu sắn nước…Mỗi khi cơm chín thay phiên nhau tới nhà học trò xin xì dầu, nước mắm. Lúc đầu còn mắc cỡ đùn đẩy nhau, riết rồi cái đói cũng thắng lòng tự trọng. 

Xấu hổ nhất là lần tôi và một người bạn ở trọ nhà một người dân bên thôn Phú Quí. Sáng sớm trước khi ra ruộng, chị chủ nhà hay nấu một nồi khoai nhờ chúng tôi ở nhà cho heo ăn. Đợi chị ra khỏi nhà, hai đứa tôi lựa những củ lớn cho mình, củ nhỏ cho heo. Thành thử khi thấy cả nhà Thiều trong phim mỗi người bưng một bát cháo loãng húp, tôi  nhớ mình của “trường ca” năm nào đến xót xa.


Bãi Môn dới chân núi Điện, Đông Hòa

Nhưng khó khăn không chỉ dừng lại ở ngưỡng thiếu thốn, có việc còn bị đẩy xa hơn thế nữa. Đầu năm học 1978, giáo viên trường chúng tôi và nhiều trường khác trong huyện đi lao động ở hai xã miền núi là An Xuân và An Lĩnh. Sau hơn một giờ xuất phát từ Chí Thạnh, chiếc xe tải không mui chở chúng tôi dừng lại ở một địa danh xa lạ tên Đất Cày. Hàng ngày nữ thì làm cỏ mì ở nông trường gần đó, nam thì vào rừng đốn cây. 

Tôi chỉ nhớ mang máng đó là một vùng núi đất đỏ, đầy sương và khô khốc. Ban ngày rất nóng và ban đêm nhiệt độ xuống rất thấp. Khí hậu khắc nghiệt cộng với ăn uống thiếu thốn sang đến ngày thứ ba thì Thời, người bạn dạy cùng trường với tôi ngã bệnh. Phần không có thuốc men, lại chỉ tưởng cảm xoàng qua quít nên chúng tôi hái tạm một ít lá rừng cho Thời xông. Hết đợt lao động, chúng tôi trở lại trường. 

Ngư dân đi biển qua đồi cát Bãi Môn

Chờ từ sáng đến tối mịt không thấy xe lên đón, nhóm chúng tôi trong đó có Thời quyết định băng rừng trong đêm xuống Chí Thạnh cho kịp chuyến tàu về Tuy Hòa sáng sớm. Gần 10 cây số đường rừng rồi bóng tối, thú dữ, bao nhiêu bất trắc…hồi tưởng lại đến giờ tôi vẫn còn thấy sợ hãi.

Nhờ ơn trên và sức trẻ, chúng tôi về đến Chí Thạnh an toàn ngay trong đêm khuya đó. Trong khi chờ tàu, một người dân ở gần ga cho chúng tôi ngủ nhờ bên hiên nhà. Lúc này Thời lên cơn sốt dữ dội, người run lẩy bẩy, mặt mũi xám xịt. Nhờ ly sữa nóng của người chủ nhà tốt bụng, sáng hôm sau Thời mới có sức lên tàu cùng chúng tôi. Đến ga Hòa Đa chúng tôi xuống tàu rồi đi bộ về An Chấn, riêng Thời đi thẳng đến ga Hòa Xuân về nhà. Một tuần sau cô em gái của Thời ra trường báo tin Thời bị bệnh sốt rét ác tính, e rằng không qua khỏi. 


Tôi còn nhớ hôm đó là thứ tư, tất cả giáo viên đều có tiết dạy và mãi đến sáng thứ sáu tôi cùng mấy người bạn mới đi thăm, hay nói đúng hơn là đi đưa tang Thời. Dạy chung trường, chơi cùng nhóm nhưng tôi không bao giờ tưởng tượng nhà Thời nghèo, nghèo đến mức chỉ có thể dùng hai từ là “bi đát”. Vật có giá trị duy nhất là cái bằng khen “Giáo viên dạy giỏi” treo giữa nhà.

Đoàn người đưa tang rời khỏi nhà Thời chừng 500 mét thì dừng lại trước một dòng sông. Tất cả mọi người kể cả người nhà đều ở lại bên này bờ. Sáu người đàn ông khiêng cái hòm của Thời  lội xuống nước. Đến giữa dòng một người trong số họ té ngã vì bước trúng hố sâu. Cái hòm lúc này loạng choạng muốn rời khỏi tay những người còn lại. Một phần hòm không biết đầu hay đuôi chìm trong nước. Tiếng than khóc ầm ĩ cả một khúc sông. Sau một hồi vất vả họ cũng đưa được cái hòm sang bờ bên kia. Ngẫm lại, đời người cũng như dòng sông. Có người êm ả, có người sóng gió. Thời thì đến lúc chết vẫn còn bất trắc.


Chưa hết bàng hoàng vì cái chết đột ngột của Thời, hai tháng sau tôi lại nhận quyết định đổi đi. Như vậy từ An Chấn tôi phải đạp thêm 6 cây số nữa mới đến An Hòa. Những năm đó xe lam là phương tiện cơ giới duy nhất để đến được Tuy An. Hình ảnh Mận ngồi khóc rưng rức trên chiếc xe lam khi chia tay Thiều trong phim cũng chính là những chuyến xe lam quen thuộc trong ký ức của tôi. Nhưng chúng tôi còn phải đi họp, phải di chuyển từ thôn này sang thôn khác nên xe đạp là phương tiện hữu dụng nhất. 

Mỗi sáng thứ hai, tôi và mấy người bạn ở Tuy Hòa rủ nhau đạp xe ra trường. Dọc quốc lộ I phía bên tay phải thuộc địa phận huyện Tuy An, có những đường ngang rẽ xuống Long Thủy, Phú Thạnh, Hòa Đa...người nào dạy nơi nào sẽ rẽ về ngã ấy. Tôi, người trong nhóm đi xa nhất, phải vượt qua dốc Bà Ền nữa mới tới An Hòa. 


Xe đạp không chỉ đồng hành cùng tôi mỗi tuần đi về gần 40 mấy cây số, mà còn để lại hai vết sẹo kỷ niệm ở chân. Một cho lần xổ dốc đèo Quán Cau và một cho lần vượt lũ ở An Chấn. Giờ thì xe đạp là phương tiện để mọi người giảm cân, sống chậm. Nhưng với tôi, mấy chiếc xe đạp cũ đạo diễn cho dựng sát cổng trường như muốn nói xe đạp ơi, những vất vả ngày ấy…

Trường cấp II An Hòa nằm trên một ngọn đồi cao nhìn xuống đầm Ô Loan. Đứng ở hành lang có thể nhìn toàn cảnh mặt đầm đoạn chảy ngang trường. Đẹp nhất vào sáng sớm và chiều tối. Sương lúc nào cũng giăng mù bảng lảng. Nhưng cũng giống như lúc ở An Chấn, cảnh đẹp cũng chỉ như một người lạ thoáng qua. Đêm đầu tiên ở An Hòa là đêm không bao giờ tôi quên. Nó giống hệt như cảnh nhà chị Dậu. Cả buổi chiều hôm ấy tôi và hai người bạn ở Tuy Hòa trong đó một người có bầu sắp sinh đi tìm chỗ trọ. 


Nơi nào cũng chỉ nhận tôi và người kia còn thì khước từ người có bầu. Không thể bỏ bạn trong hoàn cảnh như thế, chúng tôi nổ lực tìm kiếm. Đến khi trời sập tối thì cũng tìm được chỗ cho cả ba cùng trọ. Đó là nhà của một bà lão nghèo. Không giường. Không chiếu. Suốt đêm chúng tôi không một ai chợp mắt vì đầu và thân thì lọt trong một cái nia còn hai chân thì gác trên một cái đòn. Sáng sớm hôm sau người bạn có dấu hiệu sanh quay về Tuy Hòa, tôi và người còn lại đến chỗ trọ mới.

Hai năm ở An Hòa trôi qua lặng lẽ. Đây là khoảng thời gian an nhàn nhất của tôi. Số giờ dạy tương đối ít. Mỗi ngày chỉ lên lớp vài tiết còn lại là rảnh rỗi. Không sách báo, không radio, TV…thế giới của tôi chỉ quanh quẩn đến trường, về nhà là hết. Mỗi ngày qua tôi tự hỏi sao có thể phung phí thời gian như thế, còn tuổi trẻ, còn ước mơ…Sau mấy tháng trăn trở, tôi quyết định nghỉ dạy khi năm học 79-80 kết thúc. 




Mùa xuân năm 2015 tôi có dịp trở lại Tuy An. Vẫn Bãi Xép, Gành Đá Đĩa, Nhà Thờ Mằng Lăng, nhưng con đường mới mở dọc biển từ Tuy Hòa đi Long Thủy không  gợi lại chút gì của Tuy An quá khứ. Tôi dự tính lúc nào đó sẽ đi bằng xe gắn máy. Bắt đầu từ quốc lộ I thong thả rẽ vào Long Thủy, Phú Thạnh, Mỹ Quang, An Hòa…nhìn lại cảnh cũ, ghé thăm những người đã cưu mang mình trong ngày khốn khó. 

Chuyến đi vẫn còn trong dự tính thì phim “ Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” khởi chiếu.
Một chuyến đi bất ngờ sau đó đến với tôi gần 2h trên màn ảnh. Và điều cần tìm đã tìm thấy.

Theo tôi, khách quan mà nói “ Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” chưa phải là phim xuất sắc lắm. Không kịch tính, không cao trào hay ẩn dụ một thông điệp, tư tưởng nào cả. Chuyện phim rất đời thường, tình cảm nhẹ nhàng đúng theo tinh thần Nguyễn Nhật Ánh trong các tác phẩm tôi từng đọc. Tuy nhiên, so với các phim Việt mang tính thị trường xuất hiện trong thời gian gần đây thì đây là một phim hay, rất đáng xem.  


Bộ phim mang đến cho tôi những cảm xúc chưa hề có khi xem các phim nổi tiếng khác. Lý do, tôi tìm thấy tôi trong những thước phim chân thật đó. Một thời gian khó. Cảnh lụt lội. Tiếng ếch nhái. Cánh đồng xanh ngát. Đường làng quanh co…Tim tôi như se lại mỗi khi ống kính dừng ở một góc chợ quê, đàn học sinh ùa ra cổng trường giờ tan học, chiếc võng gai đong đưa nơi góc nhà… 

Ngoài các yếu tố âm nhạc hay, cảnh quay đẹp, diễn viên diễn xuất có hồn, trang phục phù hợp…theo tôi sự thành công của bộ phim còn lệ thuộc rất nhiều vào bàn tay dàn dựng của đạo diễn Victor Vũ. Tôi thắc mắc vì sao một đạo diễn trẻ sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ lại am hiểu Việt Nam đến thế. Những trò chơi dân gian như bắn bi, thả diều, đá gà bằng cỏ…

Cánh đồng Phước Lộc, Hòa Thành, Đông Hòa

Những vật dụng quen thuộc ở nông thôn như cái phản, cái võng gai, ngọn đèn dầu…đều được đạo diễn chăm chút, chỉn chu đến từng chi tiết. Bên cạnh đó những cảnh quay đẹp, hoang sơ nhưng không kém phần thơ mộng của nông thôn Phú Yên cũng được đạo diễn khai thác một cách triệt để. Thiết nghĩ, bằng chính những cảm xúc dung dị, những hình ảnh đậm chất Việt Nam mà đạo diễn Victor Vũ đã kéo được khán giả đến rạp.

Có lẽ tôi là một trong những người cuối cùng rời khỏi rạp chiếu phim. Một chiếc vé quá rẻ cho chuyến đi về ký ức nhưng cũng quá đắt cho những ưu tư. Với  những ai cùng tuổi, cùng trải qua những năm tháng ấy cũng sẽ cảm nhận sâu sắc như tôi. Đó không chỉ là phim ảnh. Là khúc phim của cuộc đời mình. Nhưng quá khứ vẫn là quá khứ. Có điều làng quê đó, mảnh đất đó đẹp thì có đẹp, mộc mạc thì mộc mạc nhưng sau bao nhiêu năm vẫn thế thôi ư? Nhìn dòng người xếp hàng dài dằng dặc trước poster phim, tôi chợt lóe lên ý nghĩ. 


Từ hiệu ứng của “ Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” Tuy An nói riêng và Phú Yên nói chung trong tương lai không xa sẽ là điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch của cả nước. Điều này chắc không ngoài tầm tay, làng chài Mũi Né Bình Thuận từng có giấc mơ như thế với sự kiện “ Nhật thực”. Và cũng giống như phò mã Tường được công chúa Nhi đánh thức trong phim. Tôi mong ngày trở lại, nơi ấy hoa sẽ rất vàng, cỏ sẽ rất xanh…

                                                                                    QUANG ĐẶNG

Xin mời click vào link để xem hình
(Xin cám ơn đồng môn Vinh Hiền đã gửi link)



Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

Hè Hội Ngộ


Xin vui lòng click vào bài thơ để xem

New Orleans Đến Thung Lũng Hoa Vàng


Xuân Đức, Hữu An, Hoàng Thân, Lan Anh, Thanh Phước, Duy Nhượng

NEW ORLEANS ĐẾN THUNG LŨNG HOA VÀNG
Hoàng Thanh Phước

Tối Thứ Ba ngày 29-9-2015, lúc 8 giờ chúng tôi đang xem Tivi bỗng chuông điện thoại reo vang, cầm phone lên nghe đầu giây bên kia nói:

- Anh Đức đây, cho anh nói chuyện với Nhượng.

Tôi chuyển phone cho anh Nhượng, anh Đức cho biết anh chị Trần Hữu An từ New Orleans sẽ qua San Jose vào tối Thứ Năm để thăm bạn bè và dự đêm hội ngộ của gia đình Luật Khoa.

Vạn Bình, Vương Phiệt, Hữu An, Hoàng Thân, Thanh Phước, Lan Anh

Anh nói thêm:

- Anh An không muốn mình tổ chức đón tiếp rình rang, chỉ cần gặp một số bạn thân cùng lớp thời trung học Nguyễn Huệ, bạn đại học luật khoa Saigon và Quốc Gia Hành Chánh. Anh đã mượn được chỗ tiếp khách nhưng mấy hôm nay làm việc đuối quá, bây giờ phải nhờ vợ chồng em phụ một tay. 

Anh Nhượng OK ngay không cần suy nghĩ (tổ chức họp mặt là nghề của chàng) và hẹn gặp anh Đức sáng hôm sau tại địa điểm, sau đó hai anh bắt tay vào việc chuẩn bị cho buổi họp mặt.

Thầy Cô Lê Ngọc Thiều và học trò

Trời đã vào Thu, gió heo may nhè nhẹ thổi, không khí về đêm mát mẻ êm dịu, chúng tôi gồm có anh Ngô Xuân Đức, chị Phạm Lan Anh, Duy Nhượng và Thanh Phước hân hoan lên xe thẳng tiến San Jose airport để đón anh chị Trần Hữu An & Hoàng Thân đáp chuyến bay đêm từ New Orleans đến thăm thung lũng hoa vàng.

Chụp hình lưu niệm

Cảm xúc đi đón người thân ở phi trường thật tuyệt diệu, khó tả, có một chút đợi chờ trông ngóng, một chút cảm giác lâng lâng hồi hộp mặc dù những ngày trước đó vẫn liên lạc với nhau qua phone. Vậy mà cứ giông giống như ngày xưa chờ đợi gặp ... người yêu vậy.

Chủ xị Xuân Đức chào mừng

Chúng tôi dán mắt về hướng cổng ra, đoàn người lũ lượt tay xách nách mang đi qua, hết đợt này đến đợt khác nhưng vẫn chưa thấy bóng dáng của chàng và nàng đâu! nhưng kìa kìa ... hai nhân vật chính đã xuất hiện đây rồi. Thế là chạy tới ôm nhau mừng rỡ, rối rít hỏi han suýt chút nữa quên cả bó hoa hồng đỏ thắm trao tặng người đẹp Hoàng Thân.

Anh Trần Hữu An tâm tình

Mải lo chuyện trò chẳng mấy chốc đã về đến "căn nhà lý tưởng" của anh chị Xuân Đức & Mộng Mơ rồi. Bước vào cửa thấy thức ăn đã dọn sẵn trên bàn chờ khách, món cháo cá bốc khói thơm lừng, mùi gừng hành ngạt ngào hấp dẫn thì ra chị Mơ "hy sinh" không đi đón, ở nhà làm "chị nuôi". Cám ơn chị Mơ rất nhiều.

 
Thầy Cô Nguyễn Khoa Đằng (bên trái)

Sáng hôm sau ăn sáng ở nhà hàng Đa Kao xong chúng tôi đưa anh chị An đến thăm thầy cô Lê Ngọc Thiều, thầy trò tíu tít kể chuyện xưa chuyện nay, thầy rất vui và hạnh phúc hiện rõ trên khuôn mặt, thấy sức khỏe của thầy đã khá hơn nhiều. Chúng em xin chúc mừng thầy cô Lê Ngọc Thiều.

Thanh Phước tâm tình

Anh An bùi ngùi xúc động vì đã mấy chục năm, nay mới gặp lại thầy cố vấn lớp của mình nhưng thời gian có hạn cũng đành bịn rịn chia tay hẹn ngày tái ngộ.

Như đã thông báo, tối Thứ Sáu ngày 02-10 là buổi họp mặt chính của chúng tôi. Mặc dù anh An đã nhiều lần "bỏ nhỏ" với anh Đức chỉ giới hạn trong phạm vi bạn thân và bạn đồng lớp nhưng số người đến dự cũng trên 20 người.

Ban nhạc gia đình và ca sĩ Thu Tâm

Sau khi chụp chung mấy "bô" hình làm kỷ niệm, chúng tôi được "chủ xị" Xuân Đức mời vào "nhập tiệc", vừa ăn vừa sinh hoạt với nhau thật vui vẻ, tiếng cười nói vang cả căn nhà. 

Sau lời tâm tình của anh Hữu An, lần lượt một số anh chị được mời lên phát biểu cảm tưởng sen kẽ tiếng hát của các ca sĩ "cây nhà lá vườn" và thân hữu làm cho không khí thật hào hứng và sinh động. 

Biểu diễn "chachacha"

Vui lắm quí vị ạ! Ồ! mà lạ ghê, hôm đó ai cũng hát rất hay; đặc biệt bác sĩ Nguyễn Hoài Trung ban đầu còn e ngại rụt rè nhưng nhiều người yêu cầu nên đã hát tặng cho anh An bạn đồng lớp của mình, cứ tưởng anh Trung chỉ biết khám bệnh đâu ngờ còn hát hay nữa chứ. Anh chị luật sư Nguyễn Ngọc Diệp cũng tình nguyện hát tặng anh An là bạn đồng môn trường Luật Khoa Saigon.

Hữu An, Ngọc Diệp, Xuân Đức

Anh Nguyễn Đình Cai được mời lên "sân khấu" anh nói giọng Huế ngọt ngào. Tui không biết hát, bây chừ tui kể chuyện "láu thiên" có được không quí vị, thế là anh hò Huế còn chúng tôi vỗ tay theo nhịp, màn trình diễn này thật đặc sắc, vừa lạ mắt vừa vui tai, lần sau chúng tôi sẽ yêu cầu anh hát nữa.

Hoài Trung, Hữu An, Đình Cai, Ngọc Diệp

Đêm họp mặt "Tất cả cho Trần Hữu An" (lời của anh Ngô Xuân Đức) kéo dài đến gần nửa khuya, chúng tôi chào tạm biệt, bịn rịn chia tay trong luyến tiếc.

Sáng Chủ Nhật 04-10, đáp lời mời chúng tôi lại kéo nhau đến nhà anh chị Phạm Hoàng & Vương Hạnh ở Milpitas, vừa uống cà phê, ăn sáng vừa tâm sự. 

Hà Công Định (góc phải)

Ngoài những khuôn mặt thân quen gặp tối Thứ Sáu còn có thêm thầy cô Ngô Cang Phương, anh chị Đoàn Hùng & Mộng Tuyết, anh Phạm Tiên, anh Nguyễn Hùng. Câu chuyện càng lúc càng rôm rả, chuyện bên Tây, bên Tầu, bên Mỹ, chuyện Việt Nam vv... được hai "cây nói" Phạm Tiên và Xuân Đức thay phiên "nổ" như pháo tết, thỉnh thoảng anh Đình Cai "kê tủ đứng" tạo nên những trận cười nghiêng ngả. Tất cả mọi người đều vui nhưng có lẽ vui nhất vẫn là gia chủ và anh chị Hữu An.

Chụp hình lưu niệm

Thứ Hai ngày 05-10-2015, trong buổi ăn sáng trước khi từ giã thung lũng "nắng ấm tình nồng" anh chị An được gặp thêm anh Nguyễn Thắng, bạn cùng khóa năm xưa, vừa ăn vừa nhắc những kỷ niệm một thời về bốn, năm chục năm trước, từ ở làng quê đến đại học xá Minh Mạng Saigon.

Chụp hình lưu niệm sau nhà anh chị Phạm Hoàng

Câu chuyện còn đang hấp dẫn nhưng đã đến giờ chia tay, những vòng ôm, những bàn tay tìm nhau xiết chặt như không thể rời ra được nhưng rồi cũng phải kết thúc sau lời hứa hẹn sẽ tái ngộ trong một dịp không xa.

Thanh Phước, Mộng Mơ, Mộng Tuyết, phu nhân thầy Phương, Vương Hạnh, Hoàng Thân

Chúng tôi tiễn đưa anh chị Hữu An & Hoàng Thân đến tận phi trường, chị tâm sự: "chưa bao giờ chúng em vui như kỳ họp mặt lần này, anh An rất xúc động và hạnh phúc khi được nhìn những khuôn mặt thân thương tưởng chừng như không bao giờ có dịp gặp lại. Chúng em sẽ nhớ mãi kỷ niệm êm đẹp này". 

San Jose, ngày 15-10-2015
Hoàng Thanh Phước
  
Đoàn Hùng, thầy Ngô Cang Phương, Phạm Tiên, Xuân Đức, Hữu An, Nguyễn Hùng, Phạm Hoàng

Hội ngộ Gia Đình Luật Khoa San Jose



Xin click vào ALBUM để xem thêm hình

Xin click vào  VIDEO để nghe nhạc