Xin mời click vào tất cả hình để xem lớn hơn
Mấy tuần nay trên FB, trên các báo tờ, báo mạng tràn ngập hình ảnh của bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Là một người rất thích đọc văn của Nguyễn Nhật Ánh, tôi dĩ nhiên không bỏ lỡ cơ hội để tìm hiểu phim đã thể hiện được bao nhiêu phần trăm của nguyên tác.
Nhưng đó chỉ là một trong những lý do, thời điểm và bối cảnh bộ
phim mới chính là điều làm tôi xốn xang.
Cũng năm tháng ấy, cũng làng quê đó
tôi đã trải qua một thời tuổi trẻ không hẳn hoa đã vàng, cỏ đã xanh…
Bãi Xép xã An Chấn, Tuy An
Các cảnh trong phim phần lớn đều được quay ở Phú Yên
và một trong những cảnh đẹp nhất thuộc khu vực Bãi Xép, xã An Chấn, huyện Tuy
An. Có thể khán giả sẽ choáng ngợp khi lần đầu thấy cảnh: một bên là biển với
sóng tung ghềnh đá trắng xóa, một bên là đồng cỏ xanh ngát với các diễn viên nhỏ
đuổi theo cánh diều no gió.
Bằng chứng là trong rạp chiếu phim hôm ấy, chung
quanh tôi vang đầy những tiếng xuýt xoa, ngưỡng mộ. Riêng tôi, cảnh quay đó
không đơn thuần là một cảnh đẹp, cái tên Tuy An còn là khúc dạo đầu ấn tượng
trong hành trình bước ra cuộc đời của tôi.
Sau khi tốt nghiệp CĐSP Nha Trang năm 1977, tôi về
nhận nhiệm sở ở trường PTCS xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Mấy tháng đầu
trường chưa có chỉ tiêu tuyển giáo viên cấp II nên tạm thời tôi được phân công
dạy ở trường tiểu học thôn Long Thủy.
Không hiểu ai đã tư vấn cho đạo diễn Victor Vũ chọn ngôi trường trong phim như thế. Giống ngôi trường năm xưa tôi dạy đến nao lòng. Cũng trên bậc tam cấp Thiều (nhân vật chính) ngồi giờ ra chơi, 30 mấy năm trước có cô giáo trẻ từng ngồi buồn như thế. Rồi cũng trống trường tan học, những cây cầu, lối nhỏ về thôn xa… nhắm mắt lại tôi vẫn có thể hình dung được toàn cảnh làng chài Long Thủy ngày ấy.
Không hiểu ai đã tư vấn cho đạo diễn Victor Vũ chọn ngôi trường trong phim như thế. Giống ngôi trường năm xưa tôi dạy đến nao lòng. Cũng trên bậc tam cấp Thiều (nhân vật chính) ngồi giờ ra chơi, 30 mấy năm trước có cô giáo trẻ từng ngồi buồn như thế. Rồi cũng trống trường tan học, những cây cầu, lối nhỏ về thôn xa… nhắm mắt lại tôi vẫn có thể hình dung được toàn cảnh làng chài Long Thủy ngày ấy.
Không đợi đến khi “ Tôi thấy hoa
vàng trên cỏ xanh” trở nên “hot”, từ lâu
tôi đã biết làng chài ấy là giấc mơ êm đềm không dễ tìm thấy. Sáng cùng lũ học
trò tóc khét nắng, chân đất líu ríu đến trường. Chiều ra biển đón thuyền câu về
mua cá. Đêm nằm nghe tiếng sóng ru. Mỗi tháng một lần tôi đạp xe từ Long Thủy
qua trường cấp II bên xã để họp. Đó là con đường ven biển rất đẹp và thơ mộng.
Dân cư thưa thớt, vài chục nóc nhà ẩn mình dưới rặng dừa xanh. Cách con đường
nhỏ là hàng dừa nằm đổ dài vươn mình ra biển. Hiếm hoi lắm mới thấy một vệt nắng
len vào, khắp con đường hầu như chỉ có bóng râm và gió mát. Ranh giới giữa Long
Thủy và xã là cây cầu nhỏ nằm vắt ngang một con lạch nhỏ, chảy thêm một đoạn nữa
ra tiếp giáp với biển.
Bình minh
Hồi đó tôi không hề nghĩ mình đang có diễm phúc được tận
hưởng những vật phẩm của thiên nhiên ban tặng như thế, vì ngoài việc đi dạy còn
có nhiều mối bận tâm khác.
Sau 6 tháng dạy cấp I ở Long Thủy tôi được đổi về
trường cấp II thôn Phú Thạnh, xã An Chấn.
Lúc còn ở Long Thủy tôi được một người quen của gia đình cưu mang nên việc ăn ở
không cần phải lo lắng. Nhưng khi đổi qua xã thì những việc xem ra rất đời thường
ấy là cả vấn đề.
Đó là những năm tháng vô cùng khó khăn. Lương giáo
viên chỉ có mấy chục đồng cộng thêm ít tem phiếu và 13 ký gạo (trong đó sắn lát
hoặc bột mì chiếm đến 3 ký) nên chúng tôi thường xuyên lâm vào cảnh thiếu trước
hụt sau. Tháng nào lãnh lương xong cũng chỉ có 5 ngày đầu là tương đối no, những
ngày còn lại mỗi ngày chỉ ăn hai bữa và thường buổi sáng nhịn đói.
Tôi và nhóm bạn dạy cùng trường gọi những ngày đói
giáp hạt ấy là “Trường ca An Chấn”. Nhiều
hôm dậy sớm, nghe phụ huynh bên hàng xóm gọi con ơi ới ăn cơm đi học, cả bọn
nhìn nhau xót cả ruột. Chúng tôi thường lân la tới nhà các giáo viên người địa
phương gợi ý, khi thì dĩa xôi, trái dưa hấu, xâu sắn nước…Mỗi khi cơm chín thay
phiên nhau tới nhà học trò xin xì dầu, nước mắm. Lúc đầu còn mắc cỡ đùn đẩy
nhau, riết rồi cái đói cũng thắng lòng tự trọng.
Xấu hổ nhất là lần tôi và một người bạn ở trọ nhà một
người dân bên thôn Phú Quí. Sáng sớm trước khi ra ruộng, chị chủ nhà hay nấu một
nồi khoai nhờ chúng tôi ở nhà cho heo ăn. Đợi chị ra khỏi nhà, hai đứa tôi lựa
những củ lớn cho mình, củ nhỏ cho heo. Thành thử khi thấy cả nhà Thiều trong
phim mỗi người bưng một bát cháo loãng húp, tôi
nhớ mình của “trường ca” năm nào đến xót xa.
Bãi Môn dới chân núi Điện, Đông Hòa
Nhưng khó khăn không chỉ dừng lại ở ngưỡng thiếu thốn, có việc còn bị đẩy xa hơn thế nữa. Đầu năm học 1978, giáo viên trường chúng tôi và nhiều trường khác trong huyện đi lao động ở hai xã miền núi là An Xuân và An Lĩnh. Sau hơn một giờ xuất phát từ Chí Thạnh, chiếc xe tải không mui chở chúng tôi dừng lại ở một địa danh xa lạ tên Đất Cày. Hàng ngày nữ thì làm cỏ mì ở nông trường gần đó, nam thì vào rừng đốn cây.
Tôi chỉ nhớ mang máng đó là một
vùng núi đất đỏ, đầy sương và khô khốc. Ban ngày rất nóng và ban đêm nhiệt độ
xuống rất thấp. Khí hậu khắc nghiệt cộng với ăn uống thiếu thốn sang đến ngày
thứ ba thì Thời, người bạn dạy cùng trường với tôi ngã bệnh. Phần không có thuốc
men, lại chỉ tưởng cảm xoàng qua quít nên chúng tôi hái tạm một ít lá rừng cho
Thời xông. Hết đợt lao động, chúng tôi trở lại trường.
Ngư dân đi biển qua đồi cát Bãi Môn
Chờ từ sáng đến tối mịt
không thấy xe lên đón, nhóm chúng tôi trong đó có Thời quyết định băng rừng
trong đêm xuống Chí Thạnh cho kịp chuyến tàu về Tuy Hòa sáng sớm. Gần 10 cây số
đường rừng rồi bóng tối, thú dữ, bao nhiêu bất trắc…hồi tưởng lại đến giờ tôi vẫn
còn thấy sợ hãi.
Nhờ ơn trên và sức trẻ, chúng tôi về đến Chí Thạnh
an toàn ngay trong đêm khuya đó. Trong khi chờ tàu, một người dân ở gần ga cho
chúng tôi ngủ nhờ bên hiên nhà. Lúc này Thời lên cơn sốt dữ dội, người run lẩy
bẩy, mặt mũi xám xịt. Nhờ ly sữa nóng của người chủ nhà tốt bụng, sáng hôm sau
Thời mới có sức lên tàu cùng chúng tôi. Đến ga Hòa Đa chúng tôi xuống tàu rồi
đi bộ về An Chấn, riêng Thời đi thẳng đến ga Hòa Xuân về nhà. Một tuần sau cô
em gái của Thời ra trường báo tin Thời bị bệnh sốt rét ác tính, e rằng không
qua khỏi.
Tôi còn nhớ hôm đó là thứ tư, tất cả giáo viên đều có tiết dạy và mãi
đến sáng thứ sáu tôi cùng mấy người bạn mới đi thăm, hay nói đúng hơn là đi đưa
tang Thời. Dạy chung trường, chơi cùng nhóm nhưng tôi không bao giờ tưởng tượng
nhà Thời nghèo, nghèo đến mức chỉ có thể dùng hai từ là “bi đát”. Vật có giá trị
duy nhất là cái bằng khen “Giáo viên dạy giỏi” treo giữa nhà.
Đoàn người đưa tang rời khỏi nhà Thời chừng 500 mét
thì dừng lại trước một dòng sông. Tất cả mọi người kể cả người nhà đều ở lại
bên này bờ. Sáu người đàn ông khiêng cái hòm của Thời lội xuống nước. Đến giữa dòng một người trong
số họ té ngã vì bước trúng hố sâu. Cái hòm lúc này loạng choạng muốn rời khỏi
tay những người còn lại. Một phần hòm không biết đầu hay đuôi chìm trong nước.
Tiếng than khóc ầm ĩ cả một khúc sông. Sau một hồi vất vả họ cũng đưa được cái
hòm sang bờ bên kia. Ngẫm lại, đời người cũng như dòng sông. Có người êm ả, có
người sóng gió. Thời thì đến lúc chết vẫn còn bất trắc.
Chưa hết bàng hoàng vì cái chết đột ngột của Thời,
hai tháng sau tôi lại nhận quyết định đổi đi. Như vậy từ An Chấn tôi phải đạp
thêm 6 cây số nữa mới đến An Hòa. Những năm đó xe lam là phương tiện cơ giới
duy nhất để đến được Tuy An. Hình ảnh Mận ngồi khóc rưng rức trên chiếc xe lam
khi chia tay Thiều trong phim cũng chính là những chuyến xe lam quen thuộc
trong ký ức của tôi. Nhưng chúng tôi còn phải đi họp, phải di chuyển từ thôn
này sang thôn khác nên xe đạp là phương tiện hữu dụng nhất.
Mỗi sáng thứ hai,
tôi và mấy người bạn ở Tuy Hòa rủ nhau đạp xe ra trường. Dọc quốc lộ I phía bên
tay phải thuộc địa phận huyện Tuy An, có những đường ngang rẽ xuống Long Thủy,
Phú Thạnh, Hòa Đa...người nào dạy nơi nào sẽ rẽ về ngã ấy. Tôi, người trong
nhóm đi xa nhất, phải vượt qua dốc Bà Ền nữa mới tới An Hòa.
Xe đạp không chỉ đồng
hành cùng tôi mỗi tuần đi về gần 40 mấy cây số, mà còn để lại hai vết sẹo kỷ niệm
ở chân. Một cho lần xổ dốc đèo Quán Cau và một cho lần vượt lũ ở An Chấn. Giờ
thì xe đạp là phương tiện để mọi người giảm cân, sống chậm. Nhưng với tôi, mấy
chiếc xe đạp cũ đạo diễn cho dựng sát cổng trường như muốn nói xe đạp ơi, những vất vả ngày ấy…
Trường cấp II An Hòa nằm trên một ngọn đồi cao nhìn
xuống đầm Ô Loan. Đứng ở hành lang có thể nhìn toàn cảnh mặt đầm đoạn chảy
ngang trường. Đẹp nhất vào sáng sớm và chiều tối. Sương lúc nào cũng giăng mù bảng
lảng. Nhưng cũng giống như lúc ở An Chấn, cảnh đẹp cũng chỉ như một người lạ
thoáng qua. Đêm đầu tiên ở An Hòa là đêm không bao giờ tôi quên. Nó giống hệt
như cảnh nhà chị Dậu. Cả buổi chiều hôm ấy tôi và hai người bạn ở Tuy Hòa trong
đó một người có bầu sắp sinh đi tìm chỗ trọ.
Nơi nào cũng chỉ nhận tôi và người
kia còn thì khước từ người có bầu. Không thể bỏ bạn trong hoàn cảnh như thế,
chúng tôi nổ lực tìm kiếm. Đến khi trời sập tối thì cũng tìm được chỗ cho cả ba
cùng trọ. Đó là nhà của một bà lão nghèo. Không giường. Không chiếu. Suốt đêm
chúng tôi không một ai chợp mắt vì đầu và thân thì lọt trong một cái nia còn
hai chân thì gác trên một cái đòn. Sáng sớm hôm sau người bạn có dấu hiệu sanh
quay về Tuy Hòa, tôi và người còn lại đến chỗ trọ mới.
Hai năm ở An Hòa trôi qua lặng lẽ. Đây là khoảng thời
gian an nhàn nhất của tôi. Số giờ dạy tương đối ít. Mỗi ngày chỉ lên lớp vài tiết
còn lại là rảnh rỗi. Không sách báo, không radio, TV…thế giới của tôi chỉ quanh
quẩn đến trường, về nhà là hết. Mỗi ngày qua tôi tự hỏi sao có thể phung phí thời
gian như thế, còn tuổi trẻ, còn ước mơ…Sau mấy tháng trăn trở, tôi quyết định
nghỉ dạy khi năm học 79-80 kết thúc.
Mùa xuân năm 2015 tôi có dịp trở lại Tuy An. Vẫn Bãi
Xép, Gành Đá Đĩa, Nhà Thờ Mằng Lăng, nhưng con đường mới mở dọc biển từ Tuy Hòa
đi Long Thủy không gợi lại chút gì của
Tuy An quá khứ. Tôi dự tính lúc nào đó sẽ đi bằng xe gắn máy. Bắt đầu từ quốc lộ
I thong thả rẽ vào Long Thủy, Phú Thạnh, Mỹ Quang, An Hòa…nhìn lại cảnh cũ, ghé
thăm những người đã cưu mang mình trong ngày khốn khó.
Chuyến đi vẫn còn trong
dự tính thì phim “ Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” khởi chiếu.
Một chuyến đi bất
ngờ sau đó đến với tôi gần 2h trên màn ảnh. Và điều cần tìm đã tìm thấy.
Theo tôi, khách quan mà nói “ Tôi thấy hoa vàng trên
cỏ xanh” chưa phải là phim xuất sắc lắm. Không kịch tính, không cao trào hay ẩn
dụ một thông điệp, tư tưởng nào cả. Chuyện phim rất đời thường, tình cảm nhẹ
nhàng đúng theo tinh thần Nguyễn Nhật Ánh trong các tác phẩm tôi từng đọc. Tuy
nhiên, so với các phim Việt mang tính thị trường xuất hiện trong thời gian gần
đây thì đây là một phim hay, rất đáng xem.
Bộ phim mang đến cho tôi những cảm xúc chưa hề có
khi xem các phim nổi tiếng khác. Lý do, tôi tìm thấy tôi trong những thước phim
chân thật đó. Một thời gian khó. Cảnh lụt lội. Tiếng ếch nhái. Cánh đồng xanh
ngát. Đường làng quanh co…Tim tôi như se lại mỗi khi ống kính dừng ở một góc chợ
quê, đàn học sinh ùa ra cổng trường giờ tan học, chiếc võng gai đong đưa nơi
góc nhà…
Ngoài các yếu tố âm nhạc hay, cảnh quay đẹp, diễn
viên diễn xuất có hồn, trang phục phù hợp…theo tôi sự thành công của bộ phim
còn lệ thuộc rất nhiều vào bàn tay dàn dựng của đạo diễn Victor Vũ. Tôi thắc mắc
vì sao một đạo diễn trẻ sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ lại am hiểu Việt Nam đến
thế. Những trò chơi dân gian như bắn bi, thả diều, đá gà bằng cỏ…
Cánh đồng Phước Lộc, Hòa Thành, Đông Hòa
Những vật dụng quen thuộc ở nông thôn như cái phản,
cái võng gai, ngọn đèn dầu…đều được đạo diễn chăm chút, chỉn chu đến từng chi
tiết. Bên cạnh đó những cảnh quay đẹp, hoang sơ nhưng không kém phần thơ mộng của
nông thôn Phú Yên cũng được đạo diễn khai thác một cách triệt để. Thiết nghĩ, bằng
chính những cảm xúc dung dị, những hình ảnh đậm chất Việt Nam mà đạo diễn
Victor Vũ đã kéo được khán giả đến rạp.
Có lẽ tôi là một trong những người cuối cùng rời khỏi
rạp chiếu phim. Một chiếc vé quá rẻ cho chuyến đi về ký ức nhưng cũng quá đắt
cho những ưu tư. Với những ai cùng tuổi,
cùng trải qua những năm tháng ấy cũng sẽ cảm nhận sâu sắc như tôi. Đó không chỉ
là phim ảnh. Là khúc phim của cuộc đời mình. Nhưng quá khứ vẫn là quá khứ. Có
điều làng quê đó, mảnh đất đó đẹp thì có đẹp, mộc mạc thì mộc mạc nhưng sau bao
nhiêu năm vẫn thế thôi ư? Nhìn dòng người xếp hàng dài dằng dặc trước poster
phim, tôi chợt lóe lên ý nghĩ.
Từ hiệu ứng của “ Tôi thấy hoa vàng trên cỏ
xanh” Tuy An nói riêng và Phú Yên nói chung trong tương lai không xa sẽ là điểm
đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch của cả nước. Điều này chắc không ngoài tầm tay,
làng chài Mũi Né Bình Thuận từng có giấc mơ như thế với sự kiện “ Nhật thực”.
Và cũng giống như phò mã Tường được công chúa Nhi đánh thức trong phim. Tôi
mong ngày trở lại, nơi ấy hoa sẽ rất vàng, cỏ sẽ rất xanh…
QUANG ĐẶNG
Xin mời click vào link để xem hình
(Xin cám ơn đồng môn Vinh Hiền đã gửi link)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét