Thứ Năm, 30 tháng 11, 2023

Lời Khuyên Cho Trung Quân Và Nhật Duy

 



Hàng Triệu Người Mỹ Đang Sa Vào Bẫy Do Trung Quốc Tạo Ra

 

Những người vận động chống TikTok tại Capitol Hill ở Hoa Thịnh Đốn, hôm 23/03/2023. (Ảnh: Richard Moore/The Epoch Times)

HÀNG TRIỆU NGƯỜI MỸ ĐANG SA VÀO BẪY DO TRUNG QUỐC TẠO RA
Yến Nhi biên dịch 

Theo một báo cáo mới của Pew, ngày càng nhiều người trưởng thành ở Hoa Kỳ thừa nhận rằng họ thường xuyên nhận tin tức trên TikTok. Báo cáo lưu ý, “Điều này trái ngược với nhiều trang truyền thông xã hội khác, nơi mà lượng tiếp nhận tin tức đã giảm hoặc không thay đổi trong những năm gần đây.”

Điều này sẽ khiến tất cả độc giả nào quan tâm đến Hoa Kỳ đều phải lo lắng. Như báo cáo này chứng minh rõ ràng, TikTok là một ứng dụng nguy hiểm đến mức không thể ngờ được, và rất có thể đang bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vũ khí hóa. Cụ thể hơn, ứng dụng này đang được ĐCSTQ sử dụng để gây chia rẽ thêm cho một đất nước vốn đã bị chia rẽ một cách nguy hiểm rồi.

Báo cáo của Pew nêu rõ, kể từ năm 2020, tỷ lệ người trưởng thành ở Hoa Kỳ thường xuyên nhận tin tức từ TikTok “đã tăng hơn gấp bốn lần,” từ 3% trong ba năm trước lên 14% vào năm 2023. Các tác giả của báo cáo đáng suy ngẫm này cho biết thêm, hiện nay “43% người dùng TikTok cho hay họ thường xuyên nhận được tin tức trên trang này, tăng từ 33% trong năm 2022.”

Không hiếm khi các ký giả ở cả hai phe chính trị đồng ý về một vấn đề cụ thể. Tuy nhiên, với TikTok — từ New York Post đến New York Times, Washington Post đến Washington Examiner — mọi người dường như đều đồng ý rằng TikTok là một ứng dụng đầy phá hoại.

Điều này giải thích tại sao Nepal mới đây đã chọn cấm TikTok, cho rằng nền tảng này lan truyền nội dung ảnh hưởng tiêu cực đến “sự hòa hợp xã hội.” Ấn Độ, một nước láng giềng của Nepal, cũng đã cấm TikTok — vì lý do chính đáng.

Đầu năm nay, The Guardian đã xuất bản một bài viết, cho thấy một cách tỉ mỉ cách mà TikTok dường như là một phần trong “chiến dịch chiến tranh nhận thức” của ĐCSTQ.

TikTok là sự bổ sung mới nhất cho lĩnh vực nhận thức trong chiến dịch quân sự của ĐCSTQ. Nói tóm lại, tâm thức, trí óc con người là một chiến trường mới, và còn cách nào tốt hơn để chinh phục nó so với việc vũ khí hóa một ứng dụng hiện được 150 triệu người Mỹ sử dụng chứ?

Ông James Giordano, một chuyên gia về vũ khí hóa công nghệ, đồng ý với quan điểm trên. Là đồng giám đốc Chương trình Trung tâm Pellegrino-Viện O’Neill về Khoa học Não bộ và Luật và Chính sách Y tế Toàn cầu tại Đại học Georgetown, ông Giordano nói với tôi rằng ĐCSTQ xem TikTok là bánh răng then chốt trong tiến trình phát triển các Chiến dịch Tâm lý (PSYOP.)

Là người có nghiên cứu xoay quanh việc lạm dụng các kỹ thuật và công nghệ khoa học thần kinh trong y học, đời sống xã hội, và các ứng dụng quân sự, ông Giordano tin rằng “cả TikTok và các hình thức phức tạp hơn về trí tuệ/đánh giá và giao tiếp tâm lý chung sẽ ngày càng được sử dụng để thúc đẩy ảnh hưởng trong lối truyền đạt, ý nghĩa hình ảnh, và diễn giải theo ngữ cảnh.”

Theo ông Giordano, tác động của ứng dụng này đối với “truyền thông cá nhân và đại chúng” có thể sẽ tăng lên, đặc biệt là với cuộc bầu cử tổng thống — được cho là cuộc bầu cử quan trọng nhất nước Mỹ trong thế kỷ 21 — sẽ chỉ còn một năm nữa thôi.

Theo chuyên gia này, các chiến dịch tâm lý “tạo thành một lĩnh vực xác định trong ‘ba cuộc chiến [không bom đạn] của Trung Quốc.’” Lĩnh vực đầu tiên liên quan đến việc đánh giá tâm lý về niềm tin và mô hình nhận thức chung của đối thủ. Đây là một trong những lý do khiến TikTok trở nên nguy hiểm như vậy. Ứng dụng này có thể được sử dụng để đo “nhiệt độ” của chính trường Hoa Kỳ. Sau khi nhiệt độ đo được rồi, thì giai đoạn thứ hai liên quan đến việc kiểm soát các hãng truyền thông khác nhau, thông qua việc truyền thông điệp tâm lý cụ thể. Bước cuối cùng liên quan đến việc đưa ra lối truyền đạt ủng hộ ĐCSTQ hoặc sửa đổi lối truyền đạt có lợi cho Bắc Kinh. Ông Giordano cho rằng mục đích chính ở đây liên quan đến việc tạo ra “các chương trình gây ảnh hưởng và truyền thông điệp mang tính phá hoại nhằm tiếp cận và tác động đến các yếu tố dễ thay đổi về nhận thức, cảm xúc, và hành vi của Hoa Kỳ và phương Tây.”

Chúng ta nên lắng nghe khi một người có đủ tư cách như ông Giordano đây lên tiếng.

Suy cho cùng, chúng ta đang nói về Trung Quốc cộng sản, một quốc gia đã đánh cắp dữ liệu cá nhân của 80% người Mỹ trưởng thành. Rất có thể TikTok đang được sử dụng, không chỉ để tác động đến tâm thức người Mỹ, mà còn để đánh cắp dữ liệu cá nhân của họ.

Trong tháng Hai năm nay, Thượng nghị sĩ Michael Bennet (Dân Chủ-Colorado) đã kêu gọi Apple và Google loại bỏ ngay TikTok khỏi các cửa hàng tương ứng của mình, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia. Là thành viên Đảng Dân Chủ trong Ủy ban Tình báo Thượng viện, ông Bennet đã viết một lá thư có lời lẽ mạnh mẽ, hỏi tại sao “các mệnh lệnh của Đảng Cộng Sản Trung Quốc lại có quyền thu thập dữ liệu sâu rộng như vậy về người dân Mỹ hoặc quản lý nội dung cho gần một phần ba dân số của chúng ta.” Câu hỏi này không những không được trả lời, mà TikTok vẫn có sẵn trên App Store của Apple và thông qua Google Play.

Điều này thật không ổn.

Hồi tháng Chín, một báo cáo phân tích của Microsoft về mối đe dọa đã phác thảo rõ ràng cách mà các chiến dịch gây ảnh hưởng và thông tin giả của ĐCSTQ, đang nhắm mục tiêu vào cả cử tri Mỹ và các ứng cử viên chính trị ở cả hai phía.

Trụ sở chính của ByteDance, công ty mẹ của ứng dụng chia sẻ video TikTok, được nhìn thấy ở Bắc Kinh vào ngày 16/09/2020. (Ảnh: Greg Baker/AFP qua Getty Images)

Trụ sở chính của ByteDance, công ty mẹ của ứng dụng chia sẻ video TikTok, được nhìn thấy ở Bắc Kinh vào ngày 16/09/2020. (Ảnh: Greg Baker/AFP qua Getty Images)

Theo báo cáo, “các hoạt động gây ảnh hưởng bí mật” có liên kết chặt chẽ với Bắc Kinh “hiện đã bắt đầu thu hút thành công khán giả mục tiêu trên mạng xã hội ở mức độ lớn hơn so với quan sát trước đây.”

Xét thấy TikTok thuộc sở hữu của Trung Quốc là ứng dụng truyền thông xã hội được sử dụng nhiều nhất ở Hoa Kỳ, có thể chắc chắn kết luận rằng ĐCSTQ đang tập trung vào việc gây ảnh hưởng đến nền tảng này nhiều hơn so với Instagram và Facebook.

Một dấu hiệu không mấy hay ho sắp xảy ra. Vì lý do nào đó, quá nhiều người trong chúng ta, từ chối hiểu. Điều này đã xảy ra trong nhiều năm.

Vào năm 2013, một chuyên gia về Trung Quốc tên là Dean Cheng, khi đó đang liên kết với Quỹ Di sản, đã cảnh báo độc giả rằng “Thời đại Thông tin mang đến khả năng chưa từng có là tác động đến cả các nhà lãnh đạo và người dân của một quốc gia.”

Giống như ông Giordano, ông Cheng nhấn mạnh rằng “cốt lõi của khái niệm tâm lý chiến của Trung Quốc là thao túng những khán giả đó, bằng cách tác động đến tiến trình suy nghĩ và khuôn khổ nhận thức của họ. Khi làm như vậy, Bắc Kinh hy vọng có thể giành chiến thắng trong các cuộc xung đột về sau mà không cần nổ súng — chiến thắng được thực hiện thông qua sự kết hợp giữa việc làm suy yếu ý chí của đối thủ và gây ra sự rối loạn tối đa.”

Hãy nhớ rằng cảnh báo này được đưa ra nhiều năm trước khi TikTok được tạo ra, một ứng dụng từng bước phá hủy cơ cấu xã hội Mỹ quốc.

Yến Nhi biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Thành Phố Los Angeles Dẫn Đầu Toàn Quốc Về Nạn Trộm Cắp Năm 2023

 

Cảnh sát bắt giữ một nghi phạm trong vụ trộm và hành hung ở trung tâm thành phố Los Angeles (Ảnh: Mark Ralston/AFP/Getty Images)

Hoa Kỳ: THÀNH PHỐ LOS ANGELES DẪN ĐẦU TOÀN QUỐC VỀ NẠN TRỘM CẮP NĂM 2023
Vân Sa lược dịch

Theo một nghiên cứu mới của Hội đồng Tư pháp Hình sự (CCJ) có tiêu đề “Xu hướng trộm cắp trong cửa hàng: Những điều quý vị cần biết”, nạn trộm cắp trong cửa hàng ở thành phố Los Angeles đã tăng vọt 109% trong nửa đầu năm 2023. CCJ là một tổ chức tư vấn độc lập và phi đảng phái được tài trợ bởi các tổ chức từ thiện. Đó là mức tăng cao nhất so với bất kỳ thành phố nào, thành phố Dallas đứng ở vị trí thứ hai với mức tăng 73%.

Nhìn từ góc độ tích cực, nạn trộm cắp trong cửa hàng ở thành phố San Francisco đã giảm 35%, thành phố Seattle giảm 31%. Nhưng đáng buồn là Los Angeles và San Francisco là hai thành phố duy nhất của tiểu bang California nằm trong số 24 thành phố trên toàn quốc đang được theo dõi về tỷ lệ tội phạm trộm cắp. Trong nghiên cứu này có một số biểu đồ có sự tương quan với nhau. Ảnh chụp màn hình dưới đây tách biệt hai thành phố này của California, trong đó thành phố Los Angeles là đường màu đen và thành phố San Francisco là đường màu nâu:

(Hội đồng Tư pháp Hình sự/Ảnh chụp màn hình qua The Epoch Times)
(Hội đồng Tư pháp Hình sự/Ảnh chụp màn hình qua The Epoch Times)

Quý vị hãy chú ý đến mức tăng đột ngột về tỷ lệ trộm cắp của thành phố San Francisco vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022, ngay trước khi ông Chesa Boudin, Biện lý Quận thuộc cánh tả bị cử tri bãi nhiệm vào ngày 07/06/2022.

Sau đó, quý vị hãy nhìn vào đường màu đen biểu thị cho thành phố Los Angeles. Sự gia tăng về nạn trộm cắp bắt đầu vào giữa năm 2021, làm dấy lên một nỗ lực bãi nhiệm khác đối với một người cấp tiến khác là Biện lý Quận George Gascón. Nhưng nỗ lực đó đã thất bại vào tháng 08/2022 khi những người ủng hộ việc này không thu thập đủ chữ ký. Sau đó, như biểu đồ cho thấy, nạn trộm cắp trong cửa hàng tiếp tục gia tăng và đạt đến mức cao như hiện tại.

Tỷ lệ tội phạm khác ở Los Angeles

Nghiên cứu của CCJ cũng đưa ra biểu đồ về năm loại tội phạm kể từ năm 2018. Biểu đồ này tách biệt riêng Los Angeles với các thành phố khác.

(Hội đồng Tư pháp Hình sự/Ảnh chụp màn hình qua The Epoch Times)

Một lần nữa, trộm cắp trong cửa hàng (đường màu xanh lá cây) gia tăng mạnh mẽ một cách nổi bật sau đợt sụt giảm trong đại dịch COVID-19 năm 2020, khi hầu hết các cửa hàng đều đóng cửa. Các vụ trộm cắp khác (đường màu đen) tăng vào giữa năm 2021, nhưng sau đó đã giảm xuống. Các loại tội phạm khác như trộm xe (đường màu tím), cướp tài sản (đường màu vàng)\, và đột nhập trộm tài sản (đường xám) có tỷ lệ ổn định hoặc giảm nhẹ trong thời gian này.

Nghiên cứu của CCJ cho thấy một điều thú vị khác: Ở New York và các thành phố khác, nạn trộm cắp trong cửa hàng có tính thời vụ. Tôi nghĩ nạn trộm cắp này tăng lên vào mùa xuân và mùa hè vì thời tiết trở nên dễ chịu hơn, sau đó giảm dần vào mùa đông. Những kẻ tội phạm không muốn làm lụng siêng năng hơn những người làm ăn chân chính khi nhiệt độ bên ngoài là không độ và gió thì đang gào thét kèm theo bão tuyết.

“Ngược lại, ở Los Angeles, tỷ lệ trộm cắp thay đổi theo mùa không rõ rệt như các thành phố nói trên,” nghiên cứu này cho thấy. Điều này cũng xảy ra tương tự ở một thành phố ven biển khác nhìn chung có nhiệt độ ấm áp, “Ở thành phố Virginia Beach, tỷ lệ trộm cắp thay đổi theo mùa cũng không rõ rệt.”

Nguyên nhân gì khiến tội phạm gia tăng?

Về nguyên nhân khiến tỷ lệ tội phạm gia tăng, nghiên cứu này cho biết: “Việc cải cách chính sách bảo lãnh tại ngoại có thể là một nguyên nhân, tuy nhiên thời điểm diễn ra cải cách (ít nhất là ở New York) không đồng bộ với thời điểm xuất hiện sự gia tăng trộm cắp trong cửa hàng, và nghiên cứu này cho thấy rằng việc cải cách chính sách bảo lãnh tại ngoại có thể không liên quan đến tình trạng gia tăng nạn trộm cắp.

“Một nguyên nhân khác có thể là do tỷ lệ báo cáo hành vi trộm cắp của các cửa hàng với cảnh sát có sự thay đổi. Phân tích này chỉ dựa trên các vụ trộm cắp được báo cáo. Việc thiếu báo cáo đầy đủ về các vụ trộm cắp vẫn chưa được phân tích một cách có hệ thống. Tuy nhiên, dữ liệu từ Sở Cảnh sát Anaheim (California) cho thấy rằng một nhà bán lẻ lớn đã báo cáo 8% số vụ trộm cắp trong cửa hàng vào năm 2022 và con số này là 20% vào năm 2023. Theo một báo cáo, số vụ trộm cắp trong cửa hàng ở San Francisco tăng đột ngột có thể là do các cửa hàng đã tăng cường việc báo cáo cho cảnh sát.”

Đối với tôi, đó có vẻ là một lời giải thích không thỏa đáng. Nếu các cửa hàng đóng cửa hoặc khóa tất cả hàng hóa của họ lại thì đó không chỉ là vấn đề “báo cáo” mà còn là một vấn đề thực sự.

Súng và tội phạm

Tôi đề nghị cần điều tra thêm về một lý do khác: Việc tội phạm không gia tăng ở một số khu vực này có liên quan đến văn hóa dùng súng mạnh mẽ ở Mỹ. Những vụ cướp và trộm liên quan đến bạo lực có thể được ngăn chặn khi các nạn nhân có súng để bắn trả những kẻ tấn công. Những kẻ tội phạm biết điều này, và khi số lượng người sở hữu súng tăng lên, bọn họ chuyển sang hình thức phạm tội khác dễ dàng hơn, chẳng hạn như cướp bóc các hiệu thuốc và cửa hàng tiện lợi.

Phán quyết Bruen của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ hồi tháng 06/2022 đã ủng hộ quyền cá nhân được mang súng. Kể từ đó, số người sở hữu súng đã tăng vọt.

Quan điểm trong bài viết này là ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Quan điểm trong bài viết này là ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.

Vân Sa lược dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times


Xuất Xứ Những Bài Nhạc Việt “Vang Bóng Một Thời”


XUẤT XỨ NHỮNG BÀI NHẠC VIỆT "VANG BÓNG MỘT THỜI"
Sưu Tầm

1- Xuất Xứ Bài Biệt Ly của Dzoãn Mẫn


Tôi viết Biệt Ly năm vừa tròn 20 tuổi trong hoàn cảnh chính quyền thực dân Pháp tuyển mộ rất nhiều người Việt Nam sang làm thợ hoặc lính đánh thuê cho các thuộc địa khác của Pháp.

Hồi đó, cha tôi làm việc ở ga Hàng Cỏ, Hà Nội. Sân ga Hàng Cỏ bấy giờ sôi động hơn bao giờ hết, liên tục đưa đón tàu đi tàu về chuyên chở những chàng trai Việt lên đường tha hương.

Người đi kẻ ở. Buồn lắm. Đau xót lắm. Cái không khí tiễn đưa không hẹn ngày về tác động mạnh đến tâm cảm vốn day dứt của tôi.

Nhà ở gần ga nên tôi thường được chứng kiến những cuộc chia tay đầy nước mắt trên sân ga.

Điều đó khơi dậy trong lòng tôi nhiều cảm xúc và tôi có ý định sáng tác một bài hát về đề tài này. Tôi được anh bạn kể chuyện anh ta phải lòng một cô gái nhưng bị bố mẹ ngăn cấm và mối tình tan vỡ. Câu chuyện đó và những cảm nhận của thời thơ ấu đã giúp tôi viết Biệt Ly.

Lần đầu, Biệt Ly được công bố trước đám đông khán giả là vào năm 1940 ở Hà Nội.

Chị Phụng, một ca sĩ ở ngõ chợ Khâm Thiên là người đầu tiên hát. Không còn nhớ rõ nghệ danh, tôi chỉ nhớ tên gọi thân mật là chị Phụng – một giọng hát được nhiều người Hà thành yêu mến.

Sau một thời gian nằm im ắng, đến năm 1988 Biệt Ly mới chính thức được hát trở lại trên các sân khấu trong Nam ngoài Bắc, được đưa vào chương trình Nửa Thế Kỷ Bài Hát Việt Nam. Cùng với Biệt Ly,nhiều ca khúc tiền chiến của các nhạc sĩ khác như Văn Cao, Đặng Thế Phong, Dương Thiệu Tước, Hoàng Quý… cũng được biểu diễn trở lại.

Mấy phút bên nhau rồi thôi
Đến nay bóng em mờ khuất
Người về u buồn khắp trời
Người ra đi với ngàn nhớ thương
Mấy phút bên em rồi thôi
Dáng em sống trong hồn tôi
Xa cách ta còn tìm đâu ngày vui 
Biệt ly ước bao đường tơ
Réo rắt trong muôn hương mơ
Thành sầu tiễn đưa
Biệt ly ước mong hoàng hôn 
Êm đềm về ru ấm tâm hồn
Người yêu đương cách xa
Đành sống vui cùng gió sương.

2- Xuất Xứ Bài Giọt Mưa Thu của Đặng Thế Phong

 

Từ ô cửa nhỏ, mưa ngâu chảy ra tới sông dài, bể rộng, bây giờ nhạc sĩ của mưa mùa thu đã đi và đi xa muôn thuở trong lòng người yêu nhạc bởi duy nhất ba bài hát bất hủ. Ba giọt nước ấy đã góp cho ly nước của nền âm nhạc Việt Nam thêm sóng sánh, quánh vàng.

Sinh ra trong một gia đình nghèo tại Nam Định, cha mất sớm, gia cảnh túng thiếu, lại có tới sáu người con. Chú bé Phong đã phải sớm bỏ học, rời quê lên Hà Nội kiếm sống. Nhờ vào năng khiếu vẽ tranh mà Phong đã có việc cho một số tờ báo như vẽ truyện tranh, hình minh họa… và được vào học dự thính tại trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương.

Trong một kỳ thi, thầy giáo cho các học viên tự sáng tác. Đến lượt chấm tác phẩm của Phong, thầy giáo người Pháp Tardieu đã rất tâm đắc, khen ngợi nhưng lại phán một câu “E rằng con sẽ không sống được lâu bởi hình là vận mệnh người” do trong đó Phong vẽ những thân cây khô của mùa thu, khẳng khiu và đặc biệt tất cả đều cụt ngọn.

Quả đúng như thế, cuộc sống của Phong rất long đong, khốn khổ. Anh không chỉ sống ở Hà Nội mà còn lang bạt qua Campuchia, giạt về Hà Nội với đủ nghề nhưng vẫn không thể sống nổi. Từ vẽ tranh, dạy vẽ, mở lớp dạy nhạc, sáng tác và cả nghề hát nhạc hội… Cám cảnh với oan nghiệt cuộc đời như một định mệnh vương vào tuổi đời.

Phong đã viết những bài hát não nề diễn tả tâm trạng của mình, đặc biệt cả ba bài nổi tiếng nhất đều được viết trong mùa thu vàng vọt, mưa não nề Bởi thu chỉ đẹp và lãng mạn cho người đang mặn nồng, say đắm. Mùa thu sẽ là nỗi đớn đau của người bệnh tật từ thể xác, tâm hồn cho đến nghèo túng.

Thu 1942, Phong bệnh nặng. Một hôm mưa tầm tã, rơi lộp bộp trên mái lá, không thể ngủ, cũng chẳng thể nằm vì nước lạnh thấm ướt căn nhà nhỏ sơ sài. Phong ngồi ôm gối nhìn qua cửa sổ đếm từng giọt rơi xuống, vỡ bóng hòa vào dòng nước lênh láng, trôi tuột và nghĩ rằng có lẽ cuộc đời của mình cũng như thế.

Nỗi buồn đã buông chụp xuống ngay từ khi mới chào đời. Hàng ngàn nỗi khổ đã bủa vây và chưa có ngày nhìn thấy hào quang. Đau quá, con tim như thắt lại, máu trào lên để Phong gắng gượng lết tới bàn tuôn trào những cảm xúc lai láng trong một giai điệu hết sức da diết, não nề và tuyệt vọng. 

“… Hồn thu tới nơi đây gieo buồn lây
Lòng vắng muôn bề không liếp che, gió về
Ai nức nở thương đời châu buông mau
Dương thế bao là sầu…”

Vừa viết, Phong vừa ôm ngực ho lên từng hồi dài. Bài hát được đặt tên “Vạn Cổ Sầu” có nghĩa là những nỗi buồn không thể giải thoát.

Ngay sau đó những người bạn vì lo lắng cho sức khỏe của Phong đã đội mưa tới thăm. Ôm đàn, vuốt ngực, đè nén cảm xúc, chàng trai trẻ đã hát cho mọi người cùng nghe thay cho tâm sự không thể tỏ bày. Cung điệu trầm lắng, rời rã, ngưng đọng, nức nở của một con người chẳng còn định hướng tựa con thuyền nhỏ trên sông vạm vỡ mờ bóng đêm.

Phong đã trải lòng theo từng lời ca ngọt ngào, không ủy mị, rên rỉ làm mọi người nín lặng và cùng buồn chỉ muốn khóc.

Bài hát hay lắm Phong ơi, như xoáy vào tim, vào óc của người cùng tâm trạng, nhưng bi thảm quá.

Đặc biệt tựa đề “Vạn Cổ Sầu” nghe tang thương lắm, nên sửa lại đi” – bạn bè góp ý như thế với Phong sau khi cùng lén lau những giọt nước mắt.

Phong nghĩ, cũng đúng, bởi đâu phải mình khóc trong lòng, mà sau này người khác hát cũng sẽ phải đồng tâm trạng. Chẳng lẽ các ca sĩ yêu bài này cũng phải chịu vận mệnh như mình sao?

Nhìn những giọt mưa ngâu của Ngưu Lang – Chức Nữ vẫn tuôn trào chưa ngơi nghỉ dội xuống qua ô cửa, Phong thấy sao phũ phàng tựa đời mình quá. Thôi thì sửa tựa cho nhẹ nhàng hơn và “Vạn Cổ Sầu” được đổi thành “Giọt Mưa Thu”.

Có lẽ bài hát như một lời tạ từ, điềm báo trước và cũng là di chúc cuối cùng nên chẳng bao lâu sau chàng nhạc sĩ tài hoa, bạc mệnh, yểu đời: Đặng Thế Phong đã mang theo “Vạn Cổ Sầu” mãi đi vào màn đêm nhạt nhòa khi mới 24 tuổi tại quê hương Nam Định của mình vì căn bệnh của những người nghèo: bệnh Lao.

3- Xuất Xứ Bài Áo Lụa Hà Đông của Ngô Thụy Miên

Ai trong chúng ta cũng đã từng hát một lần bài “Áo Lụa Hà Đông” của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, nhưng mấy ai biết rằng bài hát này lại có xuất xứ từ một cuộc thi Hoa Hậu đầu tiên của Việt Nam.

Năm 1930, xứ Bắc Kỳ đã tổ chức cuộc thi người đẹp (giống như thi Hoa Hậu bây giờ) với những ấn tượng lạ: không phải ở Hà Nội mà ngay tại tỉnh Hà Đông; các cô gái bất cứ lứa tuổi, kể cả đã có chồng, ngành nghề gì cũng đều được tham gia; phải mặc áo lụa của xứ Hà Đông.

Người đăng quang trong cuộc thi là người đẹp Lý Lệ Hằng, xuất thân từ một nông dân nghèo tỉnh Thái Bình. Do cuộc sống mưu sinh, cô phải lên Hà Nội làm nghề hát cô đầu cho các quán rượu Sau khi thay đổi cuộc đời, cô trở nên nổi tiếng và là niềm ước mơ của bao công tử nhà giàu trong cả nước. Tuy nhiên chẳng ai có thể với tới được móng chân của người đẹp “chân lấm, tay bùn” bởi chỉ một thời gian sau Quốc Vương Bảo Đại đã chọn Lý Lệ Hằng làm người tình.

Có lẽ cũng như bao chàng trai si mê sắc đẹp khác, dù đã trải qua hơn 20 năm sau, nhà thơ Nguyên Sa vẫn mơ tưởng đến nụ cười, ánh mắt khuynh đảo của hoa hậu đầu tiên và buộc ông phải viết bài thơ ca ngợi người đẹp mặc áo lụa ấy.

Mãi đến năm 1969, khi nghe câu chuyện về hoa hậu “thuần nông” phút chốc trở thành người yêu của ông vua cuối cùng Việt Nam, chàng trai 21 tuổi Ngô Thụy Miên đã viết nên ca khúc nổi tiếng “Áo Lụa Hà Đông” được phổ lời từ bài thơ của Nguyên Sa như để ngưỡng mộ những cô gái tựa như đóa sen vươn lên từ đầm lầy.

4- Xuất Xứ Bài Nửa Hồn Thương Đau của Phạm Đình Chương 


Vào những năm 60, báo chí Sài Gòn hao tốn rất nhiều giấy mực vì phải đăng nhiều kì vụ ly dị giữa ca sĩ Khánh Ngọc và nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Tòa án xét xử nhiều lần chưa xong, vì thế vụ việc càng làm họ trở nên nổi tiếng hơn.

Lúc đó, chàng nhạc sĩ họ Phạm là thành viên chính trong ban hợp ca Thăng Long, ban nhạc đình đám nhất cả nước lúc ấy bởi các thành viên của nhóm nhạc đều là những ngôi sao đương thời như: vợ chồng ca sĩ Thái Hằng – Phạm Duy, ca sĩ Thái Thanh, vợ chồng ca nhạc sĩ Phạm Đình Chương – Khánh Ngọc…

Vợ của nhạc sĩ họ Phạm này là một ca sĩ được nhiều người biết đến với tên gọi “ngọn núi lửa” bởi cô có bộ ngực hấp dẫn và thường quyến rũ khán giả nam say đắm mỗi khi cô lên hát.

Trước khi đưa đơn ra tòa, nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã nghe phong phanh vợ mình ngoại tình. Nhưng vì tình yêu nên ông vẫn tin tưởng vợ và bỏ ngoài tai tất cả những tin “lá cải” ấy. Chỉ đến khi một số người bạn hẹn ông đi bắt ghen tại Thủ Thiêm thì sự việc mới đổ bể.

Chẳng hiểu sao báo chí biết rất nhanh và vụ “ăn chè Thủ Thiêm” được mọi người biết đến như một chuyện khôi hài đương thời. Kẻ trong cuộc gây ra đổ bể này không ai xa lạ hơn lại chính là người anh rể của ông. Nhạc sĩ nổi tiếng thuở ấy: Phạm Duy.

Người đau lòng nhất: chàng nhạc sĩ. Anh rất yêu thương vợ, nhưng cả dư luận xã hội đều rõ tường tận nên đành phải gửi đơn xin li dị. Đây là quãng thời gian đau khổ, ông không còn tâm trí biểu diễn cùng các anh chị trong ban hợp ca nữa mà lui về trong bóng tối viết những tình ca buồn như để tâm sự với chính mình trong gương.

Một loạt bài hát mang tâm trạng như thế ra đời:

“Đêm Cuối Cùng”,
Người Đi Qua Đời Tôi”, 

Khi Cuộc Tình Đã Chết”, 

Thuở Ban Đầu”, 

Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển”…

Sau ly dị, ông được quyền nuôi con trai khi ấy mới khoảng 4–5 tuổi, bắt đầu đi biểu diễn trở lại. Một lần, tình cờ ông gặp vợ mình trên sân khấu của chương trình nhạc hội. Cuối buổi diễn ông có nhã ý muốn được tiễn cô về vì trời đang mưa nhưng Khánh Ngọc từ chối.

Ông lặng lẽ trở về căn nhà kỷ niệm, nhìn qua màn mưa nhớ về những ngày hạnh phúc giờ trôi theo dòng nước, tan vỡ như những bong bóng mưa. Một người vẫn còn đây, người còn lại đã rời xa. Trái tim yêu đã chia làm đôi. Lời thề vỡ vụn…

Chịu đựng không nổi nỗi đau dằn xé, ông dự định tìm đến cái chết nhưng đúng lúc ấy tiếng khóc con trẻ đòi mẹ trong đêm làm ông phải vụt ôm con vào lòng dỗ dành mà nước mắt tuôn trào…

Hình ảnh của đêm khốn cùng ấy đã đi vào từng lời của bài hát “Nửa Hồn Thương Đau” được ông viết trong đêm rã rời đó như lột tả từng mảng tâm trạng bị chà xát.

Nếu ai đã nghe một lần bài hát này và cũng đồng cảm với cuộc đời của nhạc sĩ Phạm Đình Chương sẽ hiểu được tâm hồn con người chỉ có thể chịu đựng một giới hạn nhất định.

Dẫu là một bản tình ca, nhưng khi nhắc tới nhạc sĩ Phạm Đình Chương, người ta lại nghĩ ngay đến “Nửa Hồn Thương Đau” bởi sự bất hủ của tuyệt tình ca và sự chung thủy trong tình yêu của một người đàn ông.

Sau này ông đã ở vậy nuôi con và ra đi lặng lẽ tại California năm 1991.

5- Xuất Xứ Bài Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay của Đoàn Chuẩn

Vào đầu thập niên 50, một nhà tỷ phú trẻ từ Hải Phòng lên tận nhà hát lớn Hà Nội để xem đoàn hát Sài Gòn ra diễn. Sau đêm đầu, chàng đã ở lại và xem tiếp những đêm sau chỉ vì đem lòng hâm mộ cô ca sĩ chính của đoàn: ca sĩ Mộc Lan.

Khi đó ca sĩ Mộc Lan đang là một ngôi sao lớn của cả nước, không chỉ đẹp, đoan trang, hiền lành mà cô còn nổi tiếng bởi đang sống rất hạnh phúc bên chồng cũng là một ca sĩ hàng đầu: ca sĩ Châu Kỳ. Hai người từng được mệnh danh là cặp tài tử giai nhân, trai tài gái sắc.

Trở lại câu chuyện Công Tử đất Cảng Hải Phòng, khi cô ca sĩ về Sài Gòn, vì tương tư, anh cũng liền mua vé bay vào tìm cách gặp gỡ. Nhưng vì biết họ đang yên bề gia thất, hạnh phúc bên nhau nên chàng dùng kế “mưa dầm thấm lâu”.

Nhà tỷ phú đã đặt khoản tiền rất lớn cho một tiệm hoa trên đường Nguyễn Huệ với điều kiện nơi đây phải làm theo lời đề nghị bí mật của anh. Từ ngày ấy, mỗi sáng khi mở cửa nhà, cô ca sĩ đều nhận được một bó  hoa hồng tươi thắm (trị giá món quà lãng mạn đó bằng 3 bữa ăn cho một gia đình trung lưu thuở ấy).

Đều đặn như thế mà ca sĩ Mộc Lan vẫn không hề biết tên người hâm mộ mình, cũng như mục đích của người tặng. Tuy nhiên, với tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sĩ, cô dần quyến luyến với người vô hình và trở nên nôn nóng chờ đợi đêm qua thật nhanh để sáng sớm được ôm bó hoa thơm ngây ngất.

Suốt 3 tháng trời, không thể chờ đợi được nữa, cô liền ra tiệm hoa Nguyễn Huệ và nhờ chuyển một bức thư cho người “vô danh, ẩn tích” với những lời cám ơn chân thành và một chút ẩn ý ngọt ngào.

Như mưa gặp bão, khi nhận được những lời nói mà chàng hằng mong đợi, ngay trong đêm đó chàng công tử đã thức suốt để mơ mộng, thả hồn theo gió vào Nam, ngất ngây với tâm hồn kẻ đa tình và sáng sớm ra Bưu điện để gởi nhanh cho nàng một lá thư.

Trước khi dán phong thư, chàng còn không quên xịt ít nước hoa vào và hôn nhẹ lên tờ giấy poluya màu xanh (loại giấy mỏng, dùng viết thư tình, chỉ đến khi thời đại computer ra đời người ta mới quên dùng giấy này để viết thư)

Nhận thư, ca sĩ Mộc Lan vô cùng bàng hoàng sững sờ, bởi trong đó không phải là những lời nói tỏ tình, yêu đương mà chỉ có một bài hát. Các khuông nhạc được kẽ bằng tay cẩn thận, lời hát được viết nắn nót trên nền tờ giấy mỏng tanh tình tứ

gửi bướm muôn màu tìm hoa, gửi thêm ánh trăng, màu xanh lá thư, về đây với thu trần gian…” chứng tỏ người theo đuổi nàng bấy lâu rất thật tình và gửi gắm hết tâm huyết thương mến.

Nàng còn ngạc nhiên hơn khi biết bài hát được sáng tác chỉ trong một đêm và viết dành riêng tặng cho nàng. Điều đặc biệt, tác giả tình khúc ấy là người không chỉ nổi tiếng giàu có nhất ở đất Cảng, khắp Bắc Kỳ, mà khi đó ông cũng đang là một nhạc sĩ lừng danh với tên gọi “ông Vua Slow – Đoàn Chuẩn” không ai không biết tên tuổi.

Ngay hôm sau, trên sân khấu Sài Gòn, ca sĩ Mộc Lan đã hát vang “Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay” của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn (1924–2001).

Chỉ trong một thời gian ngắn bài hát trở nên nổi tiếng với những giai điệu du dương, lời hát êm ái, sâu sắc và lãng mạn. Nhưng cũng từ khi câu chuyện tình nghệ sĩ này “thanh thiên, bạch nhật” thì mái ấm hạnh phúc của gia đình trai tài, gái sắc Mộc Lan – Châu Kỳ cũng “gửi gió cho mây ngàn bay”. Bởi ít lâu sau nàng đã ngã vào vòng tay của chàng công tử đa tình đất Cảng.

6- Xuất Xứ Bài Nỗi Lòng của Nguyễn Văn Khánh 

Phố Khâm Thiên những năm 30 là nơi phức tạp nhất của đất Hà Thành, ở đây tập trung những quán cô đầu, lầu xanh, nhà chứa, thuốc phiện, sòng bài, khu nhà ổ chuột…, tất tần tật các tệ nạn xã hội. Thế nhưng giữa vũng bùn như thế lại mọc lên một đóa sen tinh khiết.

– Một câu chuyện tình trinh son.

Còn đang học Đệ Thất (lớp 6 ngày nay), nhưng cậu bé Khánh đã để ý cô bé cạnh nhà. Vì còn quá nhỏ, ngây thơ, nên cả hai chẳng dám cho ai biết họ đang có tình ý.

Để gặp nhau nói mấy câu bóng gió, thường thì cô cậu giả vờ vô tình cùng làm những chuyện gì đó ngay bên hàng rào, như phơi quần áo, xách nước giếng, quét sân, rửa bát… đây cũng là dịp hiếm hoi sau giờ học hoặc khi người lớn đi vắng.

Tình yêu non nớt, vụng dại vẫn kéo dài cho tới năm chàng Khánh học đến lớp Đệ Nhất. Đến kỳ thi Thành Chung (tốt nghiệp phổ thông hiện nay) thì Khánh bị rớt. Biết vì phân tâm do yêu, không lo học, cô bé hàng xóm tránh mặt, không gặp nữa dù hai nhà chỉ cách nhau một hàng rào.

Nàng gửi lời nhắn tới Khánh: khi nào thi đậu Thành Chung thì mới thấy nhau.

Trong thời gian chàng lo dùi mài kinh sử để thi lại, đột ngột, chỉ trong một đêm gia đình cô gái chuyển gấp lên Thái Nguyên, nơi người cha sẽ tới làm việc. Không được gặp người yêu, Khánh chỉ kịp chuyển tới nàng một chiếc khăn tay.

Kỳ thi ấy Khánh có bằng Thành Chung. Có kết quả, Khánh tức tốc đón xe lên Thái Nguyên. Sau bao tháng chưa nhìn thấy người yêu, sau bao thời gian xa cách, dồn nén nhớ thương, tình yêu của họ giờ mới có dịp nảy nở.

Tựa như hạt mầm dưới lớp đất phủ, chỉ chờ đêm mưa đã vội vã vươn lên thành lá non. Chàng dám công khai chuyện tình cảm với gia đình nàng sau khi có việc làm trong ngành điện của thành phố.

Cũng cần nói thêm, thuở ấy, đường từ Hà Nội lên Thái Nguyên không thuận tiện như ngày nay. Xa hơn cả trăm hai chục cây số và phải đi bằng nhiều phương tiện khác nhau: tàu hỏa, ô tô, phà và cả băng rừng, chưa kể những nguy hiểm của cuộc chiến, thú dữ. Gần như mất cả ngày mới tới nơi. Vậy mà mỗi chiều thứ Bảy Khánh lại bỏ Khâm Thiên sau lưng, lặn lội suốt đêm, sáng lên gặp nàng và trưa Chủ Nhật vượt quãng đường xa về lại Hà Nội. Đều đặn từng tuần như thế. Mỗi lần gặp nhau họ lại xách đàn lên một ngọn đồi trước nhà nàng để hòa nhịp cùng gió trời thổi sáo vi vu trên những ngọn thông.

Một lần, do bận công việc nên hai tuần liền chàng không thể đi như đã hẹn. Cuối tuần thứ ba chàng mới khăn gói lên thăm. Tới nhà, một không khí ảm đạm, buồn bã bao phủ. Cha nàng lặng lẽ đưa chàng một chiếc hộp gỗ. Đây là chiếc hộp từng đặt chiếc khăn tay và chàng trao tặng đêm gia đình nàng rời khỏi Hà Nội ngày xưa. Bên trong vẫn còn nguyên chiếc khăn trắng có thêu hình đôi chim bồ câu và một xấp thư mà chàng đã từng gửi trong những ngày không gặp.

Gió Thái Nguyên rét về Yên Thế, Đất Thái Nguyên nước độc, rừng thiêng”

Sau vài ngày bạo bệnh, nàng đột ngột ra đi. Ôm đàn lên ngọn đồi thông, chàng vật mình vào ngôi mộ người yêu còn thơm mùi đất, chưa kịp mọc cỏ non. Những giây phút lãng mạn hạnh phúc tuột vụt vào quá khứ. Chẳng còn tiếng gió vi vu thổi sáo trên lá, chẳng còn người yêu nghiêng tai nghe đàn. Thay vào đó là ngọn gió đông ào ạt như quất rát xuyên qua lồng ngực đớn đau, chĩa thẳng vào tim. Nước mắt chưa kịp rơi đã bay ngược hư vô. Kỷ niệm cùng nàng tuôn trào theo từng tiếng đàn rời rã

yêu ai, yêu cả một đời, 
tình quá khắt khe khiến cho đời ta,

đau tủi cả lòng, vì yêu ai mà lòng hằng nhớ…”
.

Bài hát “Nỗi Lòng” đã nghiệt ngã ra đời bên một ngôi mộ mới, trên một đồi thông chất chứa như tiếng khóc ai oán của một cuộc tình chưa chạm tay tới hạnh phúc.

“…Lòng vẫn biết nếu yêu rồi một ngày 
Là đến với đớn đau Nhưng sao trong ta vẫn yêu vẫn nhớ 

Dù sao, dù sao nếu có một ngày Một ngày gieo trong tim ta 

Là tình yêu kia ly tan Mà lòng vẫn thương vẫn nhớ…”
 

Về lại Hà Nội, về lại ngõ nhỏ trong phố Khâm Thiên. Cùng với tác phẩm đầu tay “Nỗi Lòng”, chàng trai trẻ chỉ kịp giãi bày nỗi đớn đau tột cùng của mình trong một tuyệt tình ca nữa “Chiều Vàng”, sau đó ông mãi về cõi xa cùng người yêu ngay tại ngôi nhà nhỏ có hàng rào xưa đầy kỷ niệm.

Dẫu là một người viết nhạc không chuyên, chỉ với 2 bài duy nhất trong cuộc đời, nhưng Nguyễn Văn Khánh vẫn được đặt vào hàng ngũ những nhạc sĩ tài danh của dòng nhạc Tiền chiến.

7- Xuất Xứ Bài Em Ơi Hà Nội Phố của Phú Quang

Cứ độ tháng 11, 12 thì trời Sài Gòn dẫu đang là nắng chói chang nhưng trong tôi cồn cào lên nỗi nhớ rét mùa đông.

Còn cả ngàn nỗi nhớ cỏn con mà quay quắt như vậy… Cái se lạnh cuối thu và gió heo may với ly cà phê đen nghi ngút khói trong quán nhỏ sớm mai. Căn phòng chật cùng những ly “quốc lủi”? và những thoáng say với vẻ mặt trầm ngâm của những bạn bè nghệ sĩ nghèo.

Nụ hôn lạnh mùa đông, vòng tay bồi hồi ướt giá dưới một trời mưa bụi của những ngày tháng tình yêu còn nồng ấm. Rồi nỗi nhớ về căn nhà tôi đã sống ở Hà Nội qua suốt tuổi ấu thơ mà mùa đông năm 1972 khi những cành bàng trụi lá thì căn nhà ấy, và người bạn thân thiết nhất của tôi cũng vĩnh viễn bị bom B52 dập vùi. Thay vào đó là tượng đài về những người đã chết như một vết sẹo dẫu đã phủ kín rêu xanh mà chẳng bao giờ nguôi rát bỏng mỗi lần tôi nghĩ tới.

Rồi một ngày ngẫu nhiên gặp Phan Vũ trên đường Sài Gòn. Anh đưa tôi một bài thơ thật dài “Em Ơi, Hà Nội Phố”. Tôi đọc lần đầu tiên mà như đã đọc từ rất lâu, như chính tôi vẫn thường nghĩ thế:

Em ơi, Hà Nội phố ta còn em mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa… Ta còn em… Ta còn em… 

Chiều Hồ Tây lao xao hoài con sóng… Chợt hoàng hôn về từ bao giờ…

Đọc xong bài thơ linh cảm mách bảo cho tôi đó sẽ là bài ca mà tôi yêu thích. Tôi tin vào linh cảm ấy và bài thơ dài hàng trăm câu sang bài ca chỉ còn lại vài câu. Vẫn biết một bài ca có đáng là bao để trả cho món nợ ra đi. Nhưng, bài ca được viết ra tôi đã được giải thoát dù chỉ là phần nào và dẫu ít ỏi tôi cũng đã xây được chút gì cho kỷ niệm (một lần hành hương về dĩ vãng).

Một chút gì nhỏ nhoi cho Hà Nội, nơi chứng kiến bao buồn vui của tôi trong suốt nửa cuộc đời.

8- Xuất Xứ Bài Hàn Mặc Tử của Trần Thiện Thanh

Đứng từ con đường mới mở chạy ngang sườn núi ven thành phố Qui Nhơn (Bình Định), vào những ngày trời ít sương mù, người ta có thể nhìn thấy những mái nhà của làng phong Qui Hoà lô xô ven biển.

Con đường dốc đổ xuống nơi thi sỹ Hàn Mặc Tử sống những ngày cuối đời hơn nửa thế kỷ trước, lượn quanh co, vắng heo hút.

Ông được chôn trong nghĩa địa của làng phong. Một nấm đất nhỏ như kích cỡ của hàng trăm ngôi mộ khác, xếp theo dãy thứ tự, nằm lặng lẽ trong muôn vàn cái chết lặng lẽ của người mắc bệnh cùi – vốn không có gia đình, hay nhiều bè bạn khi cuối đời.

Suốt 19 năm Hàn nằm lại trong nghĩa địa làng phong. Theo lời kể của nhiều nhà nghiên cứu về cuộc đời và thơ Hàn, trong thời gian đó, do hoàn cảnh chiến tranh, đường giao thông không thuận lợi và điều kiện khó khăn, nên mãi đến ngày 13.01.1959, gia đình và bạn bè mới cải táng sang địa điểm mới cho người đã chết.

Buổi lễ cải táng cho nhà thơ được tiến hành khá đơn giản: chỉ có hai người chị, hai người em, ba người bạn và một vị Linh Mục tham dự. Đến năm 1991, nhạc sỹ Trần Thiện Thanh cùng một số nhạc sỹ khác yêu mến tài năng thơ trẻ này đã đóng góp tiền để xây dựng một ngôi mộ – đài tưởng niệm, trên nền mộ cũ của Hàn.

Cảm động vì số phận của một nhà thơ lớn suốt hàng chục năm phải nằm nhỏ nhoi, quạnh quẽ, sau một lần viếng thăm mộ Hàn Mặc Tử, nhạc sĩ đã sáng tác bài hát về Hàn Mặc Tử và đau đáu nuôi ý định:

Nơi một thi sĩ lớn đã sống những ngày cuối đời và nằm cô quạnh suốt hai mươi năm, chẳng lẽ không có một dấu vết gì để nhớ?”.

9- Xuất Xứ Bài Diễm Xưa của Trịnh Công Sơn

Sơn bắt đầu câu chuyện. Hai chị em đều đẹp và quí phái. Tôi theo cô Diễm. Mối tình học trò, có lẽ đơn phương, kéo dài từ khi tôi còn ở Huế cho đến lúc vào Sài Gòn trọ học.

Cha mẹ Diễm khó và không thích tôi. Nhưng tôi vẫn cứ đeo đuổi hình bóng của Diễm, bởi Diễm cũng chưa có biểu hiện nào xa lánh tôi và cũng không có lời lẽ cự tuyệt. Năm đó tôi thi trượt Bac II.

Diễm đậu và vào Sài Gòn để vào Đại Học Văn Khoa. Còn tôi thì về lại Huế, bỏ ngang việc học vì gia đình đang lâm cảnh sa sút. Phần buồn, phần tự ái, tôi không còn tìm cách liên lạc với Diễm nữa. Có lẽ vì vậy mà Diễm cũng lơ luôn.

Diễm đâu biết rằng trong thời gian này tôi đau khổ nhất. Tôi đã cố nén mọi khổ đau trong im lặng. Sự khổ đau và nhớ nhung dày vò tôi từng đêm, tôi đã phải viết nên bài “Diễm Xưa” để trút bớt nỗi khổ đau trong lòng. Nhưng có điều lạ là khi tôi viết xong bản nhạc này, tôi lại thấy lòng mình thanh thản, nhẹ nhàng.

Tôi cảm thấy vơi đi rất nhiều nỗi nhớ và tình yêu. Trong lòng tôi bấy giờ chỉ còn một chút tình mong manh như sương, như khói. Nó không còn nồng nàn, mãnh liệt như trước kia.

Một dịp tôi vào Sài Gòn, tìm đến cư xá nơi Diễm đang nội trú với ý định tặng nàng bản nhạc để làm kỷ niệm một thời tuổi trẻ, rồi thôi. Nhưng không gặp được Diễm. Tôi nhờ mấy cô bạn gái đang đứng ngoài cổng trao lại giùm. Khi tôi quay lưng đi được một quãng thì nghe tiếng Diễm từ trên “ban công” gọi theo:

– Anh Sơn! Anh Sơn! Anh Sơn ơi!

Nhưng tôi không ngoái lại. Tôi cắm đầu đi thẳng. Tiếng gọi tên tôi vẫn còn văng vẳng sau lưng.

Từ ấy đến nay, tôi tự nhủ lòng, sẽ không bao giờ tìm gặp lại Diễm nữa.

10- Xuất Xứ Bài Gợi Giấc Mơ Xưa của Lê Hoàng Long 

Năm 1954, ông quen cô gái có cái tên khá dễ thương: Lê Thu Hiền. Gia đình cô gái này vốn là người Bắc định cư tại Sài Gòn.

Tình cảm hai người ngày càng đằm thắm, và ông luôn tin rằng cuộc tình ấy sẽ mang đến những điều như ông hằng mong ước. Bỗng một ngày, cô nói với ông rằng có người đang hỏi cưới cô. Ông liền liều đến nhà cô để gặp người bố và thưa chuyện hai đứa, nào ngờ chẳng ngăn được số phận, thời gian sau cô thật sự đi lấy chồng, lấy anh giám đốc trường dạy lái xe Auto Ecole Mayer.

Đó là thời điểm giáp Tết Ất Mùi (1955), ngày cô lên xe hoa, ông ngồi ở quán cà phê cạnh nhà cô, nhìn thấy cô mặc lễ phục cô dâu, ôm bó hoa trắng. Đám cưới ấy to lắm, đoàn rước dâu đi một vòng rồi mới về nhà chú rể. Mỗi vòng bánh xe quay là mỗi lần nghiền nát tim ông.

Nỗi buồn, sự đau đớn dâng ngập trong lòng ông. Đoàn xe cưới qua đi, ông bần thần trở về căn gác trên đường Lý Thái Tổ, vùi mình trầm tư và lúc ấy dường như bao nhiêu nỗi đau lại tuôn ra.

Bài Gợi Giấc Mơ Xưa được ra đời trong trạng thái đó.

Thương em thì thương rất nhiều mà duyên kiếp lỡ làng rồi… 

Cả phần nhạc lẫn phần lời chỉ hoàn thành trong vòng khoảng 10 phút! Ông đưa bài hát này cho ca sĩ Mạnh Phát, và được phát đầu tiên trên đài phát thanh Pháp Á. Bài hát trở nên nổi tiếng, và câu chuyện tình trong bài hát được nhiều người quan tâm.

Vì sao ông đang ở Sài Gòn mà bài hát được bắt đầu bằng Ngày mai lênh đênh trên sông Hương? Vì ngay từ cái lúc nhìn người yêu đi lấy chồng, ông đã quyết tâm từ bỏ Sài Gòn để chạy trốn nỗi đau.

Ông ra Huế, dù bao nhiêu người ngăn cản. Trong khoảng thời gian này, ông lao vào nhiều mối tình để tìm quên. Ca sĩ có, diễn viên cũng có. Hầu hết đều cảm mến ông từ bài hát Gợi Giấc Mơ Xưa. Nhưng 2 năm sống ở Huế ông đau xót nhận ra một điều rằng, ông chẳng thể nào quên mà ngược lại, càng nhớ nhung nhiều hơn.

Mối tình ấy trong ông quá sâu đậm, mỗi con đường, mỗi âm thanh đều gợi cho ông nhớ về ngày xưa

Ngày mai lênh đênh trên sông Hương, 
Theo gió mơ hồ hồn về đâu? 

Sóng sầu dâng theo bao năm tháng, ngóng về đường lối cũ tìm em! 

Thương em thì thương rất nhiều mà duyên kiếp lỡ làng rồi 

Xa em! lòng anh muốn nói bao lời gió buông lả lơi.

Hình bóng đã quá xa mờ dần theo thời gian.

Kiếp sau xin chắp lời thề cùng sống bước lang thang.

Em ơi! tình duyên lỡ làng rồi còn đâu nữa mà chờ, 

Anh đi lòng vương vấn lời thề nhớ kiếp sau chờ nhau. 

Tha hương lòng thương nhớ ngày nào cùng tắm nắng vườn đào.

Gió xuân sang anh buồn vì vắng bóng người yêu. 

Rồi mai khi anh xa kinh đô. 

Em khóc cho tàn một mùa thơ. 

Nhớ người em nương theo cơn gió.

Ru hồn về dĩ vãng mộng mơ. 

Thương anh thì thương rất nhiều mà ván đã đóng thuyền rồi.

Đa đoan trời xanh cắt cánh lìa cành khiến chim lìa đôi 

Chiều xuống mưa gió tiêu điều reo trên dòng Hương. 

Tháng năm chưa xóa niềm sầu vì đứt khúc tơ vương. 

Anh ơi, đời đã lỡ hẹn thề thì đâu có ngày về. 

Xa anh đời em tắt nụ cười héo hắt đôi làn môi. 

Đêm đêm đèn le lói một mình ngồi ôm giấc mộng tình.

Kiếp sau đôi tim hòa chào đón ánh bình minh.

11- Xuất Xứ Bài Chiều Mưa Biên Giới của Nguyễn Văn Đông


“Bản nhạc Chiều Mưa Biên Giới được viết vào năm 1956. Khi ấy tôi là Trung Úy Trưởng Phòng Hành Quân của chiến khu Đồng Tháp Mười là người có trách nhiệm đề ra những phương án tác chiến. Lần đó tôi dẫn đầu một nhóm Biệt Kích bí mật đi điều nghiên chiến trường dọc theo biên giới Miên-Việt và Đồng Tháp Mười. Trên đường về, anh em chúng tôi lâm vào cảnh trời chiều gió lộng, mưa gào như vuốt mặt. Giữa cánh đồng hoang vắng tiêu sơ, lối vào tiền đồn thì xa xôi, thoáng ẩn hiện những nóc tháp canh mờ nhạt ở cuối chân trời. Và từng chập gió buốt kéo về như muối xát vào thịt da. Từ trong cảnh ấy, tận đáy lòng mình đã nghe nẩy lên những cung bậc rung cảm, những trường canh đầu tiên buồn bã cho bài Chiều Mưa Biên Giới anh đi về đâu….”

Tuy được phổ biến trong chiến khu Đồng Tháp Mười, nhưng phải đợi đến năm 1960, nhạc phẩm “Chiều Mưa Biên Giới” mới được đài Phát thanh Sài Gòn phổ biến, trong khi nhạc phẩm “Sắc Hoa Mầu Nhớ” sáng tác sau, nhưng lại được phổ biến trước.

Sau đó nhạc phẩm “Chiều Mưa Biên Giới” đã được quái kiệt Trần Văn Trạch cất cao tiếng hát giưa thành phố Paris với một hơp đồng thu thanh Pháp-Việt lần đầu tiên vào hãng đĩa của Pháp.

Khi Trần Văn Trạch qua Pháp, ông có nhờ nhiều nhạc sĩ danh tiếng ở Paris như Đan Trường, Nguyễn Thông, vv… giúp về việc dịch thuật từ lời Việt ra lời Pháp để trình bày bằng cả hai ngôn ngữ.

Chiều mưa biên giới anh đi về đâu ?
Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu 

Kìa rừng chiều âm u rét mướt 

Chờ người về vui trong giá buốt người về bơ vơ 

Tình anh theo đám mây trôi chiều hoang 
Trăng còn khuyết mấy hoa không tàn

Cờ về chiều tung bay phất phới

Gợi lòng này thương thương nhớ nhớ bầu trời xanh lơ 

Đêm đêm chiếc bóng bên trời 
Vầng trăng xẻ đôi 

Vẫn in hình bóng một người

Xa xôi cánh chim tung trời 

Một vùng mây nước 

Cho lòng ai thương nhớ ai 

Về đâu anh hỡi mưa rơi chiều nay
Lưng trời nhớ sắc mây pha hồng 

Đường rừng chiều cô đơn chiếc bóng

Người tìm về trong hơi áo ấm 

Gợi niềm xa xăm 

Người đi khu chiến thương người hậu phương
Thương màu áo gởi ra sa trường 

Lòng trần còn tơ vương khanh tướng

Thì đường trần mưa bay gió cuốn….
 

12- Xuất Xứ Bài Lời Buồn Thánh của Trịnh Công Sơn 


Từ ngày Nguyễn Văn Ba chết, chúng tôi buồn vì thiếu vắng một người bạn, nên không còn hứng thú trong những buổi lang thang nữa.

Những ngày bó gối nằm nhà, Sơn thường ngồi tư lự trước bàn viết duy nhất dành cho cả hai soạn bài, nhìn đăm đắm ra con đường đất đỏ.

Mùa này bông lau nở trắng khắp nơi. Lau trắng dọc theo con đường dốc chạy dài từ trong buôn ra tới quốc lộ, băng ngang trước nhà chúng tôi. Buổi chiều, gió nồm thổi nhẹ từng cơn, lướt qua rừng lau, xô chúng ngả nghiêng xuống, rồi chúng bật dậy, tạo thành những âm thanh xào xạc nhè nhẹ, đều đều, buồn buồn. Chiều xuống dần.

Những vạt nắng cuối cùng chiếu xiên trên những ngọn bông lao, lấp lánh sáng ngời. Gió lắng dần. Không gian trở nên im ắng, tĩnh mịch. Chợt tiếng kèn đồng xa xa vẳng lại, lúc nghe, lúc mất. Thật hắt hiu buồn. Đó là lúc cô nữ sinh hàng xóm, cô Ngà, đúng giờ đi lễ chiều.

Chuông nhà thờ đang vang vang, dồn dập từng hồi, thúc giục con chiên đến giáo đường.

Thật đúng như tên đặt, da cô trắng ngà. Người mảnh mai với mái tóc thề chấm ngang vai, với khuôn mặt phảng phất nhiều nét như Đức mẹ Maria.

Trần Năng Phùng chia sẻ


Kính mời quý vị thưởng thức nhạc phẩm Giọt Mưa Thu