TIỂU SỬ TT NGÔ ĐÌNH DIỆM VÀ NHỮNG NHẬN XÉT SAU KHI ÔNG BỊ GIẾT (1901-1963)
Peter Nguyễn Văn Khải _ DCCT
1901: Ngày 03/01/1901, tức ngày 13/11 năm Canh Tý 1900, Tổng thống Ngô Đình Diệm được sinh ra tại làng Đại Phong, xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
1906-1916: Ngài học tại nhà với thân phụ của ngài là Ngô Đình Khả và sau đó theo học tiểu học và trung học tại Trường Pellerin của các Sư huynh Lasan Huế.
1916-1918: Ngài học tại Trường Quốc Học Huế, đồng thời học thêm Hán văn và tiếng Latin. Năm 1918, ngài tốt nghiệp Á khoa và được Pháp cấp học bổng du học nhưng ngài chối từ, vì muốn ở lại Việt Nam để phục vụ dân nước.
1918-1921: Sau một thời gian ngắn dạy học tại Trường Quốc Học - Huế, ngài đã theo học tại École de Droit et d’Administration de Hanoi (Trường Luật Pháp và Quản Trị Hành Chính Hà Nội) và tốt nghiệp Thủ khoa vào năm 1921.
1921-1922: Ngài được bổ nhiệm về phục vụ tại Thư Viện Hoàng Gia, Huế.
1922-1925: Ngài được bổ nhiệm làm Quyền Tri Phủ huyện Hương Thủy, ít tháng sau ngài được bổ nhiệm làm Tri Huyện Quảng Điền.
1925-1927: Ngài làm Tri Phủ Hải Lăng - một huyện lớn và đông dân hơn các huyện ngài làm Tri Phủ trước đó.
1927-1930: Ngài làm Quản Đạo tỉnh Ninh Thuận. (Quản đạo là chức vụ quan trọng nhất trong số các viên chức hàng đầu của một Tỉnh).
1930-1933: Ngài làm Tuần Vũ tỉnh Bình Thuận. (Tuần vũ là một chức vụ tương đương với chức Tỉnh Trưởng sau này).
1933: BỘ TRƯỞNG - THỦ TƯỚNG VÀ TỪ CHỨC: Năm 1933 khi mới 32 tuổi, ngài đã được Vua Bảo Đại bổ nhiệm làm Thượng Thư Bộ Lại, tương đương Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ. Ngài cũng làm Tổng Thư Ký Hội Đồng Canh Tân Đất Nước, một vai trò gần như chức vụ Thủ Tướng sau này. Mấy tháng sau, ngài rũ áo từ quan để phản đối người Pháp vì các chương trình canh tân đất nước của ngài không được chấp thuận.
1933-1944: Ngài sống tại Huế. Tự học tập và nghiên cứu. Tích cực gặp gỡ và trao đổi với các nhà yêu nước và các trí thức trong ngoài nước để mưu tìm độc lập cho dân tộc. Một trong những người mà ngài hay gặp gỡ, trò chuyện và trao đổi nhất là Cụ Phan Bội Châu. Ngài cũng khởi xướng và lãnh đạo Phong Trào Phục Hưng Đại Việt. Lo ngại trước ảnh hưởng và vai trò của ngài về chính trị tại Việt Nam, người Pháp đã mưu toan bắt ngài đưa đi đầy bên Lào; tuy nhiên, ngày 12.07.1944 người Nhật đã giúp ngài trốn thoát vào Sài Gòn.
1945-1946: Việt Minh cướp chính quyền, Đồng Minh vào Việt Nam giải giới Nhật. Từ Sài Gòn ngài tìm đường ra Huế. Khi đến Tuy Hòa, ngài bị Việt Minh bắt giữ. Ngài bị giải ra Hà Nội. Tại đây, ông Hồ Chí Minh mời ngài cộng tác trong Chính Phủ VNDCCH, song ngài từ chối và chất vấn ông Hồ Chí Minh về việc ông đã cho giết người anh cả của ngài là ông Ngô Đình Khôi, Tổng Đốc Quảng Nam và cháu ngài là Ngô Đình Huấn. Bằng cách ứng xử khôn ngoan và bản lĩnh, cuối cùng ông Hồ Chí Minh đã phải trả tự do cho ngài.
Sau khi được tự do, ngài đến tạm trú tại Tu Viện Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà, Hà Nội. (Tòa Tu viện này ngày nay đã bị nhà nước chiếm làm Bệnh Viện Đống Đa). Tháng 4 năm 1946, ngài vào sống tại Sài Gòn, tiếp tục gặp gỡ các nhà yêu nước, gầy dựng các mối quan hệ với nhiều người trong ngoài nước để mưu tìm độc lập cho dân tộc. Cũng có giai đoạn ngài sống với Đức Cha Ngô Đình Thục, anh ngài, khi ấy đang làm Giám Mục Vĩnh Long.
1947: Ngài thành lập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất nhằm đấu tranh giành độc lập cho Việt Nam. Cũng năm 1947 ngài sang Trung Quốc thăm Tưởng Giới Thạch và nghiên cứu cuộc chiến Quốc-Cộng ở đây. Ngài cũng đến Hong Kong hai lần để gặp vua Bảo Đại. Lần đầu ngài khuyên Nhà Vua nên về nước lập Chính Phủ Quốc Gia để thúc đẩy nhanh hơn tiến trình độc lập cho dân tộc trong khi cuộc đàm phán giữa Pháp và Việt Nam tại Fontainebleau thất bại. Lần hai khuyên can Nhà Vua đừng ký vào Bản Thể Chế kèm theo Tuyên Ngôn Vịnh Hạ Long.
1948: Khoảng đầu tháng 5, Vua Bảo Đại lần nữa, mời ngài đứng ra thành lập chính phủ. Ngài từ chối, vì có ý định dâng mình cho Chúa trong đời sống tu hành.
1948-1949: Ngài trở lại Sài Gòn và tiếp tục thúc đẩy phong trào giành độc lập qua các cuộc gặp gỡ và qua các hoạt động của Mặt Trận Thống Nhất.
1950-1951: Ngài nỗ lực thành lập một phong trào xã hội Kitô giáo bất chấp sự phá hoại của chính quyền thực dân và chính quyền Việt Minh. Ngài đi hành hương Roma nhân dịp Năm Thánh 1950 và đi Nhật Bản gặp Kỳ Ngoại Hầu Cường Để và tìm hiểu cuộc tái thiết nước Nhật sau chiến tranh.
1951-1953: Ngài sang Hoa Kỳ và cư trú tại Chủng viện Lakewood, New Jersey, nghiên cứu lịch sử, thần học và triết học. Ngài cũng gặp gỡ và giao tiếp với một số người thuộc giới trí thức, cũng như một số nhân vật tôn giáo và chính trị Hoa Kỳ.
1953-1954: Từ Mỹ ngài về Pháp để nghiên cứu tình hình chính trị và khả năng mưu tìm độc lập cho Việt Nam. Ngài cũng gặp gỡ nhiều người Việt Nam đang học tập và sinh sống tại Pháp để bàn tính chuyện cứu nước. Tuy nhiên, cuối cùng ngài đã vào tu tại Đan Viện Thánh Anrê, Dòng Biển Đức, thuộc vùng Flandre, nước Bỉ. Ngài đã khấn làm thầy trợ sĩ tại đây vào ngày 10 tháng 2 năm 1954, hoàn thành ước nguyện dâng mình cho Chúa mà ngài đã có từ khi mới 15 tuổi.
1954-1955: THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ QUỐC GIA VIỆT NAM. Trong lúc Hội Nghị Genève về vấn đề Đông Dương đang diễn ra thì một lần nữa ngài được vua Bảo Đại mời về Việt Nam thành lập chính phủ. Ngài trả lời rằng ngài đã đi tu. Tuy nhiên, sau khi Nhà Vua kêu gọi lòng ái quốc của ngài và nói rằng ngài không có quyền từ chối lời đề nghị của Nhà Vua trước sự hưng vong của đất nước, thì ngài nhận lời. Ngài đã ngước nhìn Thánh Giá Chúa, cầu nguyện và đã thề hứa trước Chúa rằng ngài sẽ cố gắng giữ vững đất nước mà Nhà Vua trao cho ngài. NGÀY 26.06.1954 NGÀI TRỞ LẠI SÀI GÒN. NGÀY 07.07.1954 NGÀI NHẬN CHỨC THỦ TƯỚNG.
1955-1963: TỔNG THỐNG VIỆT NAM CỘNG HÒA: Trước đòi hỏi của tình hình bảo vệ và xây dựng đất nước, đồng thời nhằm chặn đứng các mưu toan giải tán chính phủ do ngài đứng đầu, ngài đã cho tổ chức cuộc trưng cầu dân ý ngày 23 .10.1955. Kết quả người dân Việt Nam đã chọn ông Ngô Đình Diệm làm người đứng đầu đất nước thay cho vua Bảo Đại. Từ đấy Ngô Đình Diệm trở thành người sáng lập nền Cộng Hòa Đệ Nhất và trở thành Tổng Thống của nước Việt Nam Cộng Hòa.
NGÀY 1 THÁNG 11 NĂM 1963: Bất chấp sự ủng hộ của Bộ Quốc phòng, một số viên chức Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, vì nông nổi và kiêu ngạo, nhất là vì ác cảm với ông Ngô Đình Diệm, đã giật dây cho một số tướng lãnh nhiều tham vọng, nhưng ít tài năng và vô đạo đức - tiến hành đảo chính. Sáng 2 tháng 11 năm 1963, họ đã giết chết ngài cùng em của ngài là Ngô Đình Nhu một cách dã man và thảm khốc khi hai vị vừa cầu nguyện ở nhà thờ Thánh Phanxicô Chợ Lớn.
Vài tháng trước đó, tại Quốc Hội VNCH, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã nói: “Tôi không phải là thần thánh. Tôi chỉ là một người bình thường. Tôi chỉ biết thức khuya dậy sớm làm việc, một lòng hiến dâng đời tôi cho đất nước và dân tộc.
Chế độ này tuy còn nhiều khuyết điểm, cũng còn hơn nhiều chế độ khác. Người ta chê là độc tài, nhưng chỉ sợ còn những thứ độc tài khủng khiếp hơn. Rồi kết thúc bài phát biểu ngài nói: Tôi tiến hãy theo tôi. Tôi lùi hãy giết tôi. Tôi chết hãy nối chí tôi”.
NHỮNG NHẬN XÉT VỀ ÔNG SAU KHI BỊ GIẾT
Những nhận xét từ các phía khác nhau vào những thời điểm khác nhau giúp chúng ta hiểu phần nào nguyên nhân và hậu quả của cuộc đảo chính năm 1963 đối với Việt Nam và thế giới.
1_ Ông Rufus Phillips, một nhân viên CIA, nhưng là người phản đối đảo chính, đã vào Dinh Gia Long; ông đau buồn và phẫn uất thốt lên rằng: “Tôi muốn ngồi xuống và khóc. Và tôi rất buồn khi nghe tin ông ấy đã bị giết... Đó là một quyết định ngu xuẩn! Chúa ôi! Chúng con phải trả giá! Họ phải trả giá! Mọi người phải trả giá!”
2_ Ông Trần Kim Tuyến, Nguyên Giám đốc Sở Nghiên cứu Chính trị, một cơ quan tình báo của Việt Nam Cộng Hoà, nói: “Ai ở gần Ngô Đình Diệm cũng đều biết rằng đối với ông, vấn đề chủ quyền của Việt Nam là vấn đề căn bản. Không có chuyện đánh đổi chủ quyền để lấy viện trợ ngoại quốc”.
3_ Ông Hoàng Ngọc Thành, sử gia, nói: “Người yêu nước thực sự Ngô Đình Diệm có thái độ quyết liệt trong việc bảo về chủ quyền của dân tộc Việt Nam. Thái độ này làm chính quyền Mỹ John F. Kenedy mưu đảo chính và sát hại ông và biến Miền Nam thành một “xứ bảo hộ của Hoa Kỳ”.
4_ Ông Geoffrey Shaw, sử gia, nói: “ Đúng là ông Diệm, gia đình ông ta và chế độ của ông còn lâu mới hoàn hảo; tuy nhiên, ông là hạng người hiếm có ở Miền Nam Việt Nam thời bấy giờ: Ông là một lãnh tụ hợp pháp, một lãnh tụ thuần Việt, có óc bảo tồn truyền thống và có tinh thần quốc gia. Kẻ thù của ông biết rằng một cuộc khủng hoảng lớn là cần thiết để hạ bệ ông khỏi vai trò làm rường cột của quốc gia”.
5_ Tướng Dương Văn Minh, Trưởng nhóm tướng lãnh đảo chính và là người được cho là đã trực tiếp ra lệnh giết ông Diệm, cho biết nguyên nhân như sau: “Chúng tôi không có giải pháp nào khác. Các ông ấy phải bị giết. Chúng tôi không thể để ông Diệm sống được vì ông được những người dân quê mộc mạc, chất phác quá sùng kính, đặc biệt là những người Thiên Chúa giáo di cư. Chúng tôi phải giết ông Nhu vì ông ta quá đáng sợ và ông đã tạo nên những tổ chức làm khí giới cho quyền lực riêng của ông”.
6_ Ông Trần Văn Hương, Phó tổng thống Việt Nam Cộng Hoà: “Các tướng lãnh lãnh đạo cuộc đảo chánh đã quyết định ám sát TT Diệm và bào đệ của ông vì họ sợ chết. Các tướng lãnh này biết rõ ràng họ không có tài, không có đức, không có hậu thuẫn chính trị nào cả, họ không thể ngăn cản sự trở lại cầm quyền ngoạn mục của TT và ông Nhu nếu các vị này còn sống”.
7_ Bà Ngô Đình Nhu nói ngày 5 tháng 11 năm 1963 với báo chí Hoa Kỳ: “Ai là đồng minh của Mỹ thì không cần kẻ thù nào nữa! Tôi có thể tiên đoán với quý vị rằng câu chuyện ở Việt Nam mới chỉ bắt đầu!” Theo sử gia B. Shaw thì “lời nói của bà đã được chứng minh là có tính tiên tri.”
8_ Đại uý Đỗ Thọ, sĩ quan tùy viên của ông Diệm, nói: “Lịch sử sẽ viết rằng: Hoa Kỳ đã mượn tay tướng lãnh giết tổng thống Ngô Đình Diệm. Mai hậu công lao của Tổng thống Diệm to tát sẽ được người người ca tụng như Tổng thống Lincoln của người Hoa Kỳ”.
9_ Linh mục Cao Văn Luận, Viện trưởng tiên khởi Viện Đại học Huế, nói: “Sự thanh toán ông Diệm và chế độ ông Diệm phải chăng là một sai lầm tai hại cho đất nước Việt Nam. Những hỗn loạn chính trị, những thất bại quân sự sau ngày 1.11.1963 đã trả lời cho câu hỏi đó”.
10_ Ông Ngô Đình Châu, một viên chức Việt Nam Cộng Hòa và là một chứng nhân, nói: “Cuộc đảo chánh mở cửa cho cuộc chiến tranh toàn diện; cuộc chiến quốc- cộng trở nên lằn ranh hằn sâu lên tâm trí và thân xác con người Việt Nam cho đến hôm nay. Biến cố đó đã mở toang cho thú tính hoành hành, cho thói vô chính phủ lên ngôi”.
11_ Tổng thống Lyndon B. Johnson nói: “Chúng ta đã giết ông ấy! Chúng ta đã liên kết với nhau và với bọn côn đồ trời đánh thánh vật để âm mưu ám sát ông ấy. Và kể từ đó đến giờ chúng ta không còn sự ổn định chính trị thực sự nữa”.
12_ Tổng Thống R.Nixon: “Tổng thống Diệm ổn định Miền Nam như viên đá đỉnh vòm giữ cho vòm nhà đứng vững. Chỉ khi nào tảng đá đỉnh vòm kia bị lấy đi, người ta mới thấy nó là quan trọng”.
“Chúng ta đã không lường được hậu quả của việc chúng ta đã trợ giúp cho một cuộc đảo chánh quân sự để lật đổ nhà lãnh đạo có tài năng của Miền Nam Việt Nam là Tổng thống Diệm; điều đó đã dẫn đến những năm đầy bất ổn, suy yếu về chính trị... Ít nhất ông Diệm đã điều khiển đất nước ông theo một chiều hướng đúng đắn”.
13_ Tổng thống Tưởng Giới Thạch nói: “Người Mỹ có trách nhiệm nặng nề về sự ám sát xấu xa này, Trung Hoa Dân Quốc mất đi một đồng chí tâm đầu ý hợp. Tôi khâm phục ông Diệm, ông xứng đáng là một lãnh tụ lớn của Á Châu. Việt Nam có lẽ phải mất đến 100 năm nữa mới tìm được một người lãnh tụ cao quý như vậy”.
14_ Tổng thống Pakistan Ayub Khan nói với Tổng thống R. Nixon sau này: “Cuộc thảm sát Tổng thống Ngô Đình Diệm đã khiến cho các lãnh tụ châu Á rút ra được một bài học khá chua chát: Đồng minh với Hoa Kỳ thật nguy hiểm. Có lợi hơn là đứng ở thế trung lập. Có lẽ hữu ích hơn nữa khi là kẻ thù của Hoa Kỳ”.
15_ Nhà thơ-giáo sư Nguyên Sa (Trần Bích Lan) nói: “Ngay khi ông Diệm bị ám sát cùng với bào đệ của ông, quan niệm phổ biến là một chế độ độc tài gia đình trị đã sụp đổ. Sự sụp đổ của những người kế tiếp ông Diệm, với vóc dáng bé nhỏ của những Thiệu, những Kỳ, những Quang, những Có, những Minh, những Đôn bên cạnh ông Diệm, bỗng dưng mang lại cho Cố TT những hào quang mới. Các sử gia, những nhà bình luận chính trị Mỹ bỗng khám phá ra rằng người Mỹ có dính dáng trong vụ lật đổ ông Diệm, có dính dáng trong cuộc đảo chánh đó, chính là một sự sai lầm. Người Mỹ gần như thú nhận rằng, nếu ông Diệm không bị vật ngã từ phía sau, nước Mỹ hẳn đã không bị sa lầy trong cuộc chiến tranh đầu buồn phiền, Miền Nam không có một triệu chứng nào cho thấy là đương nhiên rơi vào tay cộng sản”.
16_ Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, nói với nhà báo cộng sản Wilfrid Burchett khi nghe tin ông Diệm bị giết chết: “Tôi không thể ngờ rằng tụi Mỹ ngu đến thế”.
17_ Tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Quốc phòng Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà nói: “Chính sách Kennedy ở Việt Nam sai lầm hết chỗ nói. Ngô Đình Diệm là một người có tinh thần quốc gia, không khi nào ông chịu để cho người Mỹ giành quyền điều khiển chiến tranh, và sự người Mỹ giành quyền đã đưa người Mỹ đến thất bại đắt giá. Cho nên, kết quả của cuộc đảo chính lật đổ ông Diệm năm 1963 là sự kết thúc sớm sự hiện diện Hoa Kỳ ở Việt Nam, một điều đáng làm cho người ta ngạc nhiên!”
18_ Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Mặt trận Giải Phóng Miền Nam nói: “Sự lật đổ Diệm là một món quà mà Trời ban cho chúng tôi”.
19_ Ông Trần Nam Trung, Uỷ viên Trung ương Cục Miền Nam, Uỷ viên Quốc phòng Mặt trận Giải Phóng Miền Nam nói: “Tụi Mỹ quyết định đổi ngựa giữa dòng. Chúng sẽ không khi nào tìm được một người hữu hiệu hơn Diệm”.
20_ TS. Nguyễn Anh Tuấn trong “Chính quyền Ngô Đình Diệm 1954-1963”: “Tổng thống Ngô Đình Diệm đã đưa “Việt Nam từ một đất nước lệ thuộc vào thực dân Pháp đã trở thành một quốc gia có đầy đủ chủ quyền và độc lập thực sự.
Ông đã biến một vùng đất đầy bất ổn vì nạn sứ quân, băng đảng, đầy đổ vỡ tang thương vì chiến tranh hỗn loạn, vì sự phá hoại quy mô của Việt Cộng, thành một quốc gia có kỷ cương, ổn định và an bình.
Ông đã chuyển một đất nước theo chế độ quân chủ phong kiến thành một quốc gia có một thể chế cộng hòa và một bản hiến pháp dân chủ tiến bộ, nhưng đồng thời duy trì được một cơ cấu chính quyền mạnh, đầy đủ uy quyền quốc gia, phù hợp với hoàn cảnh của một đất nước mới thu hồi độc lập, đủ sức chống lại những thế lực phản động của Thực dân, Cộng sản, Phong kiến và tình trạng chậm tiến cùng chia rẽ tồn tại trên đất nước”.
Rev. Peter Nguyễn Văn Khải _ DCCT
Nguồn: Báo Mai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét