Cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger, nhân vật then chốt trong việc định hình chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ vào cuối thế kỷ 20, đã qua đời, hưởng thọ 100 tuổi. Ông qua đời tại tư gia ở Connecticut.
Theo Kissinger Associates, Inc, ông Kissinger qua đời tại tư gia ở Connecticut hôm thứ Tư (29/11).
Là một nhà ngoại giao người Mỹ gốc Đức, ông từng giữ chức ngoại trưởng cho hai đời tổng thống. Khi phục vụ dưới thời Tổng thống Đảng Cộng Hòa Richard Nixon vào những năm 1970, Tiến sĩ Kissinger đã đóng vai trò then chốt trong nhiều sự kiện quan trọng trên toàn cầu.
Ông Kissinger, từng gặp mặt lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình trong chuyến thăm bất ngờ tới Bắc Kinh hôm 20/07, là người có công trong việc mở đường cho mối bang giao giữa ĐCSTQ và Hoa Thịnh Đốn dưới thời Tổng thống Nixon trong Chiến Tranh Lạnh vào đầu những năm 1970.
Những nỗ lực của ông cũng đã đưa đến các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí giữa Hoa Kỳ và Liên Xô, mở rộng bang giao giữa Israel và các nước láng giềng Ả Rập, và Hiệp định Hòa bình Paris năm 1973, đưa đến sự kết thúc Chiến tranh Việt Nam và cuối cùng là sự tiếp quản của chủ nghĩa cộng sản hai năm sau đó.
Tổng thống Nixon đưa ông Kissinger vào Tòa Bạch Ốc đảm nhận vai trò cố vấn an ninh quốc gia sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1968 với lời hứa chấm dứt Chiến tranh Việt Nam. Đó là một quá trình kéo dài và đẫm máu.
Trong khi nhiều người ca ngợi ông Kissinger, thì những người khác lại xem ông là một tội đồ chiến tranh do ông ủng hộ chính sách thực dụng cho các chế độ độc tài, đặc biệt là ở Mỹ Latinh. Vấn đề tranh luận vẫn còn xung quanh mức độ ủng hộ trực tiếp của Hoa Kỳ cho cuộc đảo chính ở Chile năm 1973 lật đổ Tổng thống xã hội chủ nghĩa Salvador Allende và dẫn đến việc thành lập chế độ độc tài quân sự của ông Augusto Pinochet. Một cuộc điều tra của ủy ban Thượng viện năm 1975 đã xác nhận sự tham gia bí mật của Hoa Kỳ ở Chile trong những năm 1960 và 1970, nhưng các bằng chứng tìm được khá hạn chế trong việc cho thấy chính phủ Hoa Kỳ ủng hộ cuộc đảo chính của ông Pinochet.
Vai trò nổi bật của ông Kissinger với tư cách là nhà hoạch định then chốt về chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ giảm dần sau khi Tổng thống Nixon từ chức vào năm 1974. Mặc dù vậy, ông vẫn là một thế lực ngoại giao dưới thời Tổng thống Gerald Ford và tiếp tục bày tỏ quan điểm mạnh mẽ cho đến khi ông qua đời gần đây.
Ông Kissinger vẫn hoạt động tích cực dẫu khi ông đã 100 tuổi vào tháng Năm vừa qua. Ông đã tham gia các cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc, xuất bản một cuốn sách về phong cách lãnh đạo, điều trần trước ủy ban Thượng viện về mối đe dọa hạt nhân từ Bắc Hàn, và đến thăm các lãnh đạo ĐCSTQ ở Bắc Kinh hồi tháng Bảy.
Trong những năm cuối đời, cựu quan chức ngoại giao Hoa Kỳ này phải đối mặt với những giới hạn trong việc đi lại vì các quốc gia khác tìm cách thẩm vấn hoặc bắt giữ ông về các quyết định chính sách đối ngoại trước đây của Hoa Kỳ.
Tổng thống Gerald Ford, từng gọi ông Kissinger là “siêu ngoại trưởng,” cũng thừa nhận thái độ gai góc và sự tự tin của ông, điều mà các nhà phê bình coi là hoang tưởng và tự cao tự đại. Tổng thống Ford từng nhận xét rằng ông Kissinger “là người nhạy cảm nhất so với bất kỳ nhân vật nào của công chúng mà tôi từng biết.”
Hôm thứ Tư (29/11), Cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, người từng phục vụ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, đã bày tỏ sự kính trọng dành cho ông Kissinger.
“Từ ngày đến Hoa Kỳ khi còn là một thiếu niên chạy trốn khỏi Đức Quốc xã, Tiến sĩ Kissinger đã cống hiến cả cuộc đời mình để phục vụ đất nước vĩ đại này và giữ cho Mỹ quốc được an toàn,” ông Pompeo nói.
“Ông ấy đã để lại một dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử của Mỹ quốc và thế giới. Tôi sẽ luôn biết ơn những lời khuyên nhủ và sự giúp đỡ ân cần của ông ấy trong suốt thời gian tôi đảm nhận vai trò Bộ trưởng,” ông nói tiếp. “Luôn ủng hộ và luôn đưa ra các thông tin, sự thông thái của ông ấy khiến tôi trở nên tốt hơn và có sự chuẩn bị tốt hơn sau mỗi cuộc trò chuyện.”
Sinh ngày 27/05/1923 tại Furth gần Nuremberg, Đức, được đặt tên là Heinz Alfred Kissinger, ông Kissinger cùng gia đình chuyển đến Hoa Kỳ vào năm 1938 để thoát khỏi chiến dịch tiêu diệt người Do Thái ở châu Âu của Đức Quốc xã.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét