Thứ Năm, 16 tháng 11, 2023

Báo Cáo Viên Đặc Biệt LHQ Về Quyền Phát Triển Đến Việt Nam

 

Ông Surya Deva (hình từ trang web của Ủy ban Nhân quyền LHQ).

BÁO CÁO VIÊN ĐẶC BIỆT LHQ VỀ QUYỀN PHÁT TRIỂN ĐẾN VIỆT NAM 
Mạch Sống

Ngày 16 tháng 11, 2023

Báo cáo viên Đặc biệt LHQ về Quyền Phát triển đến Việt Nam


https://machsongmedia.org/vietnam/danchu/2056-bao-cao-vien-dac-biet-lhq-ve-quyen-phat-trien-den-viet-nam.html


Hải Di Nguyễn


Ngày 6-15/11/2023 vừa qua, ông Surya Deva, Báo cáo viên Đặc biệt Liên Hiệp Quốc về Quyền Phát triển đã có một chuyến viếng thăm chính thức tới Việt Nam. 


Ngày 15/11, ông có một buổi họp báo tại Hà Nội, và cũng viết một báo cáo ngắn về quan sát và khuyến nghị sơ bộ (đọc nguyên văn tại đây; đọc tiếng Việt tại đây).

Ông Surya Deva (hình từ trang web của Ủy ban Nhân quyền LHQ). 


Quyền phát triển là gì?


Trong buổi họp báo, ông Surya Deva giải thích quyền phát triển không chỉ là phát triển kinh tế, mà là quyền phát triển về xã hội, chính trị, và văn hóa, cho tất cả mọi người—và không ai bị bỏ lại phía sau.


Tuy nhiên, ông cũng nói phát triển không có nghĩa là có quyền tàn phá môi trường, và mỗi quốc gia đều phải có chính sách phát triển bền vững.

 

Có gì tích cực?

Trong chuyến công du chính thức tới Việt Nam, ông Surya Deva tới Hà Nội, Sài Gòn, Hà Tĩnh, và Bến Tre, gặp quan chức và cũng ghé thăm một số người bất đồng chính kiến, như gia đình tù nhân lương tâm Trịnh Bá Phương.


Trong buổi họp báo, ông nhắc tới một số điểm tích cực như xóa đói giảm nghèo; phát triển về cơ sở hạ tầng; phụ nữ hiện diện ở các cấp chính quyền; Việt Nam gần đây có thay đổi luật về vấn đề bạo hành gia đình và quấy rối tình dục ở chỗ làm; nhà nước đưa ra vài nghị định để bảo vệ môi trường và khuyến khích sản xuất năng lượng tái tạo, v.v.


Khi trả lời phóng viên về vấn đề môi trường, ông cũng cười và nói mình là người Ấn Độ, không khí ở Việt Nam tính ra là rất sạch so với Delhi.

 

Đâu là trở ngại và vấn đề ở Việt Nam?

Tại buổi họp báo ngày 15/11/2023: bên trái là ông Surya Deva, bên phải là một phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam. 


Trong buổi họp báo, ông Surya Deva cũng nhắc đến một số khía cạnh tiêu cực và vấn đề ở Việt Nam.


Trước tiên, ông cho rằng ở Việt Nam chưa có dữ liệu đầy đủ để đo lường các mục tiêu phát triển bền vững. Ông nói, các tổ chức phi chính phủ có thể có những dữ liệu khác. Bản thân tổ chức BPSOS đã gửi cho ông Surya Deva thông tin về năm lĩnh vực ưu tiên trước chuyến đi này.


Ông cũng nói, khi thu thập dữ liệu, cần phải nhìn vào nhiều khía cạnh khác nhau như giới tính, sắc tộc, tôn giáo, nơi sống (thành thị hay nông thôn), tầng lớp xã hội… Chẳng hạn, một phụ nữ ở vùng sâu vùng xa sẽ có trở ngại và nhu cầu khác với phụ nữ ở Sài Gòn hay Hà Nội; một phụ nữ người sắc tộc thiểu số sẽ khác phụ nữ người Kinh…


Vấn đề bình đẳng giới đã tiến bộ nhưng chưa đủ, chẳng hạn như các doanh nghiệp chưa có chính sách để xử lý vấn đề quấy rối tình dục ở nơi làm việc.


Ngoài ra, ông Surya Deva cũng đến thăm vài doanh nghiệp và không một nơi nào biết đến tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền, quyền người lao động, và bảo vệ môi trường—không có chính sách cụ thể và cũng không có nhân sự cho những vấn đề này.


Điểm đáng chú ý nhất là khi Surya Deva nói về những nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương, cụ thể là người khuyết tật (chẳng hạn như thiếu lối đi cho xe lăn), người lao động nhập/ di cư (bị bóc lột), và các cộng đồng sắc tộc thiểu số.


Ông nói đến việc nhà nước Việt Nam không công nhận khái niệm người bản địa; nhắc đến chênh lệch giàu nghèo và chênh lệch về điều kiện sống, cơ sở hạ tầng, dịch vụ công, điều kiện giáo dục giữa người Kinh và các sắc tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên; và nói đến việc nhiều người sắc tộc thiểu số không có căn cước công dân và không được tiếp cận các phúc lợi và dịch vụ công…


Ông Surya Deva cũng nhắc đến về việc nhà nước Việt Nam giới hạn tự do ngôn luận, và áp dụng luật một cách chọn lọc để bắt giữ các nhà hoạt động về nhân quyền hoặc môi trường. Ông nói mỗi quốc gia đều có lằn ranh đỏ, nhưng trong phạm vi đó vẫn còn nhiều không gian để phê bình chính phủ, và nhà nước Việt Nam nên cho phép điều đó.


Tại buổi họp báo, ông Surya Deva không nói nhiều về vấn đề bóp nghẹt tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam; không nhắc đến việc đánh đập, tra tấn người bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động; cũng không nói trực tiếp đến các chính sách đàn áp người bản địa và sắc tộc thiểu số.


Tuy nhiên, ông sẽ đưa ra báo cáo hoàn chỉnh vào năm 2024, khoảng cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5. Ông cũng sẽ gặp một phái đoàn của BPSOS tại Geneva trong tháng 11.

 

Còn gì khác đáng chú ý ở buổi họp báo?


Sau phần phát biểu của ông Surya Deva, giới báo chí ở Việt Nam được quyền đặt câu hỏi.


Đáng chú ý nhất là khi một phóng viên của Reuters hỏi ông nghĩ gì về việc nhà nước Việt Nam bắt giữ ông Lưu Bình Nhưỡng ngày hôm trước, ngay trong thời gian ông đang ở Việt Nam.


Tuy nhiên, ông Surya Deva hoàn toàn chưa nghe thấy tin đó và không thể cho ý kiến.


Mạch Sống 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét