Một năm sau, tình thế có thể đã đảo ngược. Lạm phát đã phần nào hạ nhiệt ở Mỹ và nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại sau khi ông Tập chấm dứt chính sách zero-COVID vào tháng 12/2022. Đảng của Tổng thống Biden đã giành được chiến thắng vang dội trong các cuộc bầu cử cấp bang. Trên hết, Washington đã thắt chặt kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn vào tháng 10 và công bố hạn chế đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao vào tháng 8.
Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ ngày càng trở nên bất an trong bối cảnh địa chính trị hiện nay. Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA), ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ đang lo ngại về tác động tiềm tàng đến doanh thu, vì Trung Quốc, thị trường chip lớn nhất, chiếm 36% doanh số bán dẫn của Mỹ. Ảnh hưởng kinh doanh đang làm đối trọng với những lời kêu gọi Washington có quan điểm cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh.
Tất cả đang tập trung hướng tới cuộc gặp Biden-Tập vào tháng 11 ở San Francisco. Kết quả của cuộc gặp sẽ quyết định phạm vi của sân và chiều cao của hàng rào theo cách tiếp cận “sân nhỏ và hàng rào cao” hiện tại của chính quyền Mỹ - một cụm từ được cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan sử dụng để mô tả kế hoạch của Washington nhằm ngăn chặn các nguồn lực trong lĩnh vực công nghệ quan trọng được dùng để hỗ trợ quân đội Bắc Kinh. [Sân nhỏ hàng rào cao: tập trung lập ra hàng rào ngăn chặn sự tiếp cận của Trung Quốc trong một số lĩnh vực hạn hẹp được lựa chọn].
Ông James Lewis, Phó chủ tịch cấp cao và giám đốc chương trình công nghệ chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết câu trả lời của Mỹ về việc liệu Trung Quốc đã phát triển đạt đỉnh [và sẽ sớm thoái trào] hay chưa sẽ thúc đẩy bước tiếp theo trong chính sách của nước này.
“Nếu bạn nghĩ nó đã đạt đến đỉnh thì chúng ta đã làm đủ rồi. Nếu bạn không nghĩ rằng nó đã đạt đến đỉnh điểm thì chúng ta vẫn chưa làm đủ”, ông Lewis nói với The Epoch Times. “Do vậy, có sự khác biệt đối với việc Trung Quốc sẽ đi đâu và Trung Quốc đang làm gì”.
Ông nói, chính quyền Biden đã đạt đến điểm “bế tắc” về các bước tiếp theo. Trong hai năm đầu tiên của Tổng thống Biden, Washington đã hành động dựa trên các lĩnh vực có sự đồng thuận như kiểm soát xuất khẩu và hạn chế đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc trong một số lĩnh vực công nghệ cao được lựa chọn.
Ông Lewis nói: “Bây giờ, những vấn đề khó khăn vẫn còn đó và có ít sự đồng thuận hơn về những việc cần làm”.
Ông nói rằng Washington muốn tránh xung đột không cần thiết và xây dựng mối quan hệ ổn định với Bắc Kinh. Vì vậy, cuộc gặp sắp tới có lẽ sẽ không mang tính đối đầu.
“Mọi người sẽ đồng ý về những điều họ biết là họ có thể đồng ý; họ sẽ không khơi mào những sự đối đầu", ông Lewis nói.
Ông Derek Scissors, nhà kinh tế trưởng của công ty nghiên cứu China Beige Book và là thành viên cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Mỹ có trụ sở tại Washington, không cho rằng cuộc gặp Biden-Tập sẽ tạo ra sự khác biệt quan trọng trong quan hệ Mỹ-Trung.
Ông nói với The Epoch Times: “Trung Quốc muốn Mỹ để họ làm bất cứ điều gì họ muốn: tuân theo các ưu tiên và chính sách của ĐCSTQ [Đảng Cộng sản Trung Quốc] được áp dụng để đạt được các ưu tiên của mình”. “Tập đã nắm quyền được 11 năm. Chúng ta biết ông ấy muốn gì”.
“Mỹ nói những điều về mối lo ngại về căng thẳng và mối quan hệ nguy hiểm liên quan, nhưng chúng ta không làm bất cứ điều gì gây ra căng thẳng. Vì vậy, nếu có căng thẳng nguy hiểm do Trung Quốc gây ra thì việc đối thoại với họ cũng không tạo ra khác biệt gì”, ông nói.
Ông Scissors cho biết điều duy nhất Mỹ có thể làm là phát triển dựa trên thông điệp mà Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã gửi tới Bắc Kinh.
Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 7, bà Yellen đã nêu rõ quan điểm của Mỹ là: không tách rời khỏi Trung Quốc, cạnh tranh kinh tế lành mạnh và có các hành động có mục tiêu để bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ.
Vào ngày 2/11, bà nhắc lại những quan điểm tương tự trong bài phát biểu tại Hiệp hội Châu Á ở Washington. Một số người cho rằng bà Yellen đang chuẩn bị cho cuộc gặp Biden-Tập. Bà ấy cũng sẽ gặp người đồng cấp Trung Quốc trong tuần này tại San Francisco để đặt nền móng cho cuộc gặp vào giữa tháng 11.
Chính quyền Biden đã cố gắng “làm tan băng” mối quan hệ đã đóng băng kể từ khi Ngoại trưởng Antony Blinken hoãn chuyến thăm Trung Quốc sau khi một khinh khí cầu gián điệp Trung Quốc bay qua lục địa Mỹ vào tháng 2. Sau chuyến đi tới Trung Quốc vào tháng 6 của ông Blinken, các Bộ trưởng Tài chính và Thương mại đã đến thăm trong những tháng tiếp theo.
Kể từ cuộc gặp cuối cùng của Tổng thống Biden và ông Tập cách đây một năm, căng thẳng giữa hai nước đã âm ỉ, càng trở nên phức tạp hơn do các vấn đề kinh tế mà cả hai đều phải đối mặt trong nước.
Cuộc họp sắp tới diễn ra như thế nào có thể quyết định giọng điệu về chính sách Trung Quốc trong nửa sau nhiệm kỳ của chính quyền Biden. Theo quan điểm của ông Lewis, chính sách Trung Quốc của Mỹ sẽ không đảo ngược hướng đi hiện tại của nó; sự khác biệt nằm ở sự phát triển trong tương lai.
Trung Quốc đã đạt tới đỉnh điểm của sự phát triển?
Ý tưởng cho rằng Trung Quốc đã đạt đến đỉnh điểm của sự phát triển bắt nguồn từ sự kết hợp của các dấu hiệu kinh tế tồi tệ, bao gồm cả sự chậm lại của sự tăng trưởng nhờ nợ kéo dài hàng thập kỷ và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Trung Quốc hơn 20% (số liệu mà Trung Quốc đã ngừng báo cáo kể từ tháng 8). Dân số già đi sẽ hạn chế đáng kể lực lượng lao động trong tương lai, làm giảm cơ hội phục hồi kinh tế tiềm tàng.
Kết quả là niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đã giảm sút. Trong quý III, đầu tư trực tiếp nước ngoài ròng vào Trung Quốc lần đầu tiên bị âm kể từ khi Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc bắt đầu theo dõi số liệu này vào năm 1998.
Đối với ông John Owen, giáo sư chính trị tại Đại học Virginia, tình hình kinh tế Trung Quốc hiện nay phản ánh những ưu tiên của ông Tập.
Ông nói với The Epoch Times: ông ấy muốn Trung Quốc trở thành một cường quốc độc lập, vĩ đại, và cách để thực hiện điều đó phải bao gồm sự kiểm soát nhiều hơn của nhà nước độc đảng đối với nền kinh tế và giảm bớt đòn bẩy mà các chủ thể phương Tây có đối với nền kinh tế Trung Quốc.
“Ông Tập Cận Bình chắc chắn không nghĩ Trung Quốc đã đạt đến đỉnh điểm. Ông ấy có thể nghĩ rằng nó sẽ đạt đến đỉnh điểm trừ khi ông ấy hành động”, ông Owen nói.
“Ngay cả khi nền kinh tế Trung Quốc đã đạt đến đỉnh điểm, điều đó không có nghĩa là Trung Quốc với tư cách là một cường quốc quân sự đã đạt đến đỉnh điểm”.
Ông lưu ý rằng Trung Quốc có một con đường thay thế để tăng cường sức mạnh bằng cách đi theo con đường quân sự trong ngắn hạn.
Ông Owen nói: “Tôi nghĩ nhóm Biden không nên bị lừa khi nghĩ rằng bây giờ nền kinh tế Trung Quốc có thể đã đạt đỉnh, vấn đề quân sự sẽ tự được giải quyết”.
Theo ông Owen, một Trung Quốc với sức mạnh quân sự trong lúc nền kinh tế bị trì trệ có thể nguy hiểm hơn vì điều đó sẽ khuyến khích các nhà lãnh đạo Trung Quốc có hành động gây hấn hơn đối với các nước láng giềng.
Ông Tosh Minohara, giáo sư nghiên cứu an ninh và quan hệ quốc tế tại Đại học Kobe của Nhật Bản, đồng ý.
Ông nói với The Epoch Times: “Ông Tập Cận Bình vẫn chưa đạt đến đỉnh điểm".
Cả hai giáo sư đều quan sát thấy một Trung Quốc đang thay đổi và có thể khiến các tiêu chuẩn kinh tế phương Tây trở thành các tiêu chí ít phù hợp hơn để đánh giá quỹ đạo của đất nước này. Việc liệu Trung Quốc đã đạt đến đỉnh điểm về kinh tế hay không không nói lên mức độ đe dọa của nước này.
Sự kiểm soát gia tăng của nhà nước độc đảng là một trong số đó.
Ông Minohara nhận xét, các quan chức Trung Quốc giờ đây chỉ đưa ra ‘danh thiếp’ cho chức danh trong ĐCSTQ. Điều đó trái ngược với quá khứ. Các quan chức của ĐCSTQ có hai danh thiếp, một có chức danh chính phủ và một có chức danh của ĐCSTQ, vì một quan chức thường có vai trò kép trong một cơ quan chính phủ và chi bộ đảng trong cơ quan đó.
Ông nói rằng, theo một chừng mực nào đó, chức danh chính phủ là chính và chức danh ĐCSTQ là thứ phụ, nhưng điều này giờ đây không còn nữa. “Đối với tôi, chức danh trong đảng quan trọng hơn nhiều. Đó là con đường dẫn đến thành công”.
Ở Trung Quốc, thành tích trong ĐCSTQ của một quan chức chính phủ luôn là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công. Nhưng bây giờ, trò chơi lại càng nghiêng về phía đảng hơn. Ông Minohara cho rằng đây là một xu hướng đáng chú ý vì nó cho thấy lợi ích và tham vọng cá nhân lấn át mối lo lắng về lợi ích quốc gia.
Ông Owen lưu ý một hiện tượng có liên quan: “Ông Tập Cận Bình hiện đang cố gắng chỉ huy nền kinh tế nhiều hơn bằng cách gây áp lực lên các CEO và doanh nhân tỷ phú, bằng việc yêu cầu ban giám đốc phải có số lượng đảng viên nhất định, bằng cách yêu cầu ban quản lý công ty phải có đảng viên, và bằng cách bảo vệ các doanh nghiệp nhà nước theo những cách khá kiên quyết”.
Đối với ông Minohara, ông Tập đang câu giờ vì “bây giờ không phải là lúc để Trung Quốc tấn công hay gây hấn”. Ông Minohara cho biết ông Tập đang chờ kết quả bầu cử Đài Loan vào tháng 1 và tình hình thế giới với diễn biến tại Ukraine và Trung Đông để tìm thời điểm thích hợp để hành động.
Ông dự đoán trong bối cảnh như vậy, ông Tập sẽ tỏ ra “có thể làm việc cùng hơn nhiều” và bớt thù địch hơn trong cuộc gặp với ông Biden vào tuần tới.
“Trung Quốc thắng bằng cách thay đổi hiện trạng. Mỹ duy trì bằng cách tiếp tục hiện trạng. Vì vậy, đó là lý do tại sao tôi nghĩ ông Tập Cận Bình, đến một lúc nào đó, phải thực hiện bước đi quyết định”, ông nói, đồng thời lưu ý rằng bước đi quyết định có thể sẽ là Đài Loan.
Một báo cáo của Lầu Năm Góc vào tháng 10 cho biết Trung Quốc đang phát triển vũ khí hạt nhân nhanh hơn dự kiến và “gần như chắc chắn” đang học những bài học từ cuộc chiến Ukraine để đưa ra những cân nhắc trong kịch bản xâm lược Đài Loan.
Chia đôi thế giới với Mỹ
Dù Trung Quốc đã đạt đến đỉnh điểm hay không, ông Tập vẫn nhất quán với “giấc mộng Trung Hoa” của mình. Ông ấy đã lại đưa ra một ý tưởng tương tự thứ ông ấy đã đề xuất cách đây một thập kỷ.
Trong vòng vài tháng sau khi tiếp quản ĐCSTQ, ông Tập đã đến thăm Mỹ vào tháng 6/2013.
“Khi tôi đến thăm Mỹ vào năm ngoái, tôi đã tuyên bố rằng Thái Bình Dương rộng lớn có đủ không gian cho hai quốc gia lớn là Trung Quốc và Mỹ”, ông nói với Tổng thống lúc bấy giờ là Barrack Obama tại khu nghỉ dưỡng Sunnylands ở California. “Tôi vẫn tin như vậy”.
10 năm sau, ông Tập quay trở lại với nhận xét này nhưng bổ sung thêm một ý mới - Thái Bình Dương giờ đây trở thành toàn trái đất. Ông nói với ông Blinken tại Bắc Kinh vào tháng 6: “Hành tinh Trái đất đủ lớn để đáp ứng sự phát triển tương ứng và sự thịnh vượng chung của Trung Quốc và Mỹ”.
Ông Tập đã hồi tưởng lại giấc mơ hàng chục năm tuổi của mình: chia đôi thế giới với Mỹ. Trong khi ông Obama bác bỏ ý tưởng Nhóm G2, với Mỹ và Trung Quốc, thì chính quyền Biden ngày nay thậm chí còn ít có khả năng chấp nhận nó hơn.
Quá khứ
Thời thế bây giờ đã khác so với thời ông Tập mới nhậm chức.
Khi ĐCSTQ cố gắng thiết lập vai trò lãnh đạo thế giới về mặt ngoại giao, nó cũng đang nỗ lực nâng cao chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu bằng cách chiếm lĩnh nhiều lĩnh vực công nghệ cao hơn. Một phần lớn trong số đó đạt được thông qua hoạt động gián điệp thương mại và các hoạt động thương mại không công bằng.
Tham vọng thống trị toàn cầu của ĐCSTQ trở nên rõ ràng khi công bố chính sách công nghiệp “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” vào tháng 5/2015.
2 tháng sau, công chúng Mỹ biết rằng Trung Quốc đã liên tục tấn công hệ thống thông tin của Văn phòng Quản lý Nhân sự (OPM) vào năm 2014 và 2015. Dữ liệu của hơn 21 triệu nhân viên chính phủ liên bang Mỹ và các thành viên gia đình họ đã bị xâm phạm.
Vụ việc OPM xảy ra sau một loạt vụ hack gián điệp thương mại nổi lên trong những năm trước.
Vào tháng 8/2014, đại bồi thẩm đoàn ở Los Angeles đã truy tố một công dân Trung Quốc, người đã giúp tin tặc quân đội Trung Quốc đánh cắp hơn 630.000 hồ sơ từ Boeing liên quan đến máy bay vận tải chiến lược và máy bay chiến đấu được sản xuất cho quân đội Mỹ từ năm 2008 đến năm 2014. Năm 2016, người này đã nhận tội và bị kết án 46 tháng tù.
Tác động của các vụ tấn công đủ nghiêm trọng để ông Obama cân nhắc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc vào mùa hè năm 2015 trước khi thỏa thuận với ông Tập về việc làm chậm lại hoạt động gián điệp thương mại vài tháng sau đó. Thỏa thuận chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Vào tháng 4/2016, US Steel đã cáo buộc tin tặc của chính phủ Trung Quốc đánh cắp bí mật thương mại cho các nhà sản xuất thép Trung Quốc. Đến năm 2018, các cuộc tấn công mạng và máy tính của ĐCSTQ đã hoàn toàn quay trở lại.
Năm 2015 là năm quan trọng đánh dấu sự thay đổi thái độ trong cách Washington đối phó với Bắc Kinh. Trước đó, nhiều người cho rằng Trung Quốc đang trên con đường tiến tới dân chủ thị trường hoặc áp dụng nhiều chuẩn mực quốc tế hơn.
“Vụ việc OPM thực sự khiến tổng thống [Obama] tức giận. Và ông đã đàm phán một thỏa thuận với ông Tập Cận Bình, theo đó Trung Quốc hứa sẽ làm chậm tốc độ gián điệp thương mại. Và thỏa thuận chỉ kéo dài khoảng 6 tháng trước khi người Trung Quốc phá vỡ nó”, ông Lewis nói. “Và tôi nghĩ mọi người đã nói, hãy nhìn xem những người này đang làm gì. Chúng ta không thể chịu đựng được điều này nữa. Đó là năm 2015 đối với Mỹ”.
Ông Jon Bateman, một thành viên cấp cao tại Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế cũng chỉ ra cuộc gặp vào tháng 9/2015 giữa ông Obama và ông Tập ở Washington.
“Đó là thời điểm vẫn còn một ngã ba đường về các vấn đề công nghệ của Trung Quốc, nơi mà trên thực tế, ông Obama có thể truyền đạt với Trung Quốc rằng các bạn có hai con đường trước mặt: Các bạn có một con đường, nơi sẽ có các biện pháp trừng phạt và áp lực gia tăng vì chúng tôi không thể chịu đựng được điều này nữa”, ông Bateman nói tại một cuộc hội thảo tại Viện Công nghệ Massachusetts vào tháng 5. “Nhưng bạn cũng có một con đường khác mà sẽ không có những thứ đó. Và nếu chúng ta có thể đi đến một thỏa thuận khả thi nào đó giữa hai chúng ta, thì một giải pháp thương lượng có thể cho phép mối quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục được duy trì và phát triển”.
Trong những năm dưới thời chính quyền Trump, Washington đã cho thấy những thay đổi lớn rõ ràng trong cách nhìn nhận của họ về Trung Quốc. Các quan chức an ninh quốc gia cấp cao và nhà ngoại giao hàng đầu đã xác định bản chất của mối quan hệ Mỹ-Trung xung quanh mối đe dọa mà ĐCSTQ đặt ra.
Ngoài ra, lần đầu tiên, chính phủ Mỹ đã công khai thách thức quan điểm tuyên truyền của ĐCSTQ, thứ mà chính quyền này đã dựa vào khi bị chỉ trích vì nhiều hành vi vi phạm: rằng chỉ trích ĐCSTQ cũng giống như tấn công người dân Trung Quốc.
Trong những năm qua, người châu Âu cũng đã gia nhập đường lối tư tưởng chung về Trung Quốc của Mỹ. Chính sách năm 2019 thể hiện sự đồng thuận coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh kinh tế và đối thủ mang tính hệ thống”, một sự thay đổi đáng kể. Trước đó, Liên minh châu Âu tập trung hợp tác kinh tế với Trung Quốc và coi Trung Quốc là đối tác chiến lược trong hơn một thập kỷ.
Theo ông Lewis, chính sách thương mại hung hăng, hoạt động gián điệp và ngoại giao chiến lang của Trung Quốc (thứ bắt đầu vào khoảng năm 2017) đã dẫn đến sự đồng thuận mới ở châu Âu.
Ông nói: “Hành vi của Trung Quốc đã khiến người châu Âu đi theo hướng của chúng ta”.
Nhìn về phía trước
Trong bài tiểu luận mới nhất đăng trên tạp chí Ngoại giao, cố vấn an ninh quốc gia Sullivan đã xác định thách thức chính sách đối ngoại của Mỹ là “sự cạnh tranh trong thời đại phụ thuộc lẫn nhau”. Ông cho biết Mỹ đang ở giai đoạn đầu của “kỷ nguyên thứ ba”, sau Thế chiến thứ hai và Chiến tranh Lạnh.
“Chúng tôi thường được hỏi về tình trạng cuối cùng trong cuộc cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc. Chúng tôi dự đoán Trung Quốc sẽ vẫn là một nước đóng vai trò quan trọng trên trường thế giới trong tương lai trước mắt”, ông viết. “Chúng tôi tìm kiếm một trật tự quốc tế tự do, cởi mở, thịnh vượng và an toàn, một trật tự bảo vệ lợi ích của Mỹ và bạn bè của nước này cũng như mang lại lợi ích cho người dân toàn cầu. Nhưng chúng tôi không mong đợi một trạng thái cuối cùng có tính chuyển đổi giống như trạng thái xảy ra sau sự sụp đổ của Liên Xô”.
“Washington phải cân bằng giữa cảm giác cấp bách với sự kiên nhẫn, hiểu rằng điều quan trọng là kết quả tổng hợp của các hành động của mình chứ không phải việc giành thắng lợi trong một chu kỳ tin tức nào”.
Ông Sullivan bảo vệ cách tiếp cận “sân nhỏ rào cao” trước những lời chỉ trích rằng đó là chủ nghĩa bảo hộ: “Đây là những bước đi được thực hiện với sự hợp tác với các nước khác và tập trung vào một nhóm công nghệ hẹp, những bước đi mà Mỹ cần thực hiện trong một thế giới cạnh tranh hơn để bảo vệ an ninh quốc gia đồng thời hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu vốn được kết nối với nhau”.
Ông viết, lý do đằng sau việc “tăng cường ngoại giao của Mỹ với Trung Quốc” là để “quản lý cạnh tranh nhằm giảm bớt căng thẳng”, đồng thời thừa nhận rằng việc liệu các kênh liên lạc hiện tại và mới có tồn tại được trong các cuộc xung đột hay không là một câu hỏi mở.
Liệu sự cải thiện trong ngoại giao có dẫn đến việc Mỹ giảm bớt áp lực lên Trung Quốc hay không vẫn chưa được xác định.
Nhưng nếu Mỹ chọn cách nới lỏng các biện pháp trừng phạt, Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận điều đó. Vào cuối tháng 10, nước này đã dỡ bỏ mọi hạn chế đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét