Người ta có câu "lịch sử luôn luôn do người chiến thắng viết". CSVN năm 1975 đạt được cái mà chúng gọi là 'Đại Thắng Mùa Xuân', chiếm trọn miền Nam VN. Từ đó tới nay, tiếp theo những tuyên truyền, xuyên tạc đã có từ thời còn chiến tranh, chúng đã tô vẽ miền Nam từ thời TT Ngô Đình Diệm cho tới thời các tướng lãnh, rồi TT Nguyễn Văn Thiệu, trong một bức hình đen thui, tồi tệ nhất, thậm chí ghê tởm nhất. Người dân Bắc Việt sống trong thời chiến tranh, và dân cả nước sau 75, nhất là thế hệ trẻ, đều chỉ nhìn thấy, nghe thấy về miền Nam toàn những chuyện xấu xa nhất, không có gì khác, không có gì 'trái chiều' với những gì ba cái loa phường hò hét cho cả khu phố từ mờ sáng đến sẩm tối.
Họ tuyệt đối không biết gì về sự thành công tuyệt vời của miền Nam ngay sau khi chia đôi đất nước, trong những năm từ 1954 tới ít nhất cuối năm 1960 khi Hà Nội chính thức đẻ ra cái bung xung Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Vô hình chung, bất kể người dân có nghe hay không, những kêu réo của loa phường như nước thấm vào đất, lâu rồi cũng thấm vào đầu dân. Tạo nên những thành kiến in sâu trong đầu người dân Việt, đặc biệt là giới trẻ, khó thay đổi. Nếu những đại trí thức và truyền thông Âu Mỹ còn có thể bị những xuyên tạc của CSBV lừa được, thì không ai có thể trách người dân VN khi họ vào guồng máy tuyên truyền của VC.
Cái may là thời đại internet ngày nay đã vô hiệu hóa phần nào các loa phường, khi người dân, nhất là giới trẻ, có thể vào đủ loại trang mạng để tìm hiểu, xem và biết những sự thật trên thế giới, trong quá khứ, hiện tại cũng như tương lai, ngoài những xuyên tạc nhiều khi ngớ ngẩn nhất của mấy cái loa phường do những cán bộ nhà quê điều hành.
Trong phạm vi rất giới hạn của bài này, tôi không thể 'phản bác' hay giải thích tất cả những gì CS đã bóp méo, nhồi nhét vào đầu người dân, nhất là dân miền bắc từ những ngày còn chiến tranh. Chỉ có thể nêu lên vài vấn đề tương đối quan trọng nhất, bị bóp méo nhiều nhất thôi.
* Công của TT Diệm
Ông Ngô Đình Diệm là TT đầu tiên của miền Nam VN, chính thức đặt tên nước là Việt Nam Cộng Hòa. Ông lãnh 'quả tạ' VN từ vua Bảo Đại, được bổ nhiệm làm thủ tướng khi đất nước còn chưa bị chia đôi, ít lâu trước ngày Pháp thảm bại tại Điện Biên Phủ. Chưa ngồi nóng ghế thì ông đã phải trực diện với Hội Nghị Genève chia đôi đất nước, bị lấy đi một nửa nước, bị trao cho trách nhiệm chống đỡ miền Nam khỏi xụp đổ, rồi xây dựng lên thành một tiểu quốc vững mạnh.
Gia tài ông nhận được là một miền Nam mục nát trong khi ông chẳng có quyền hành gì nhiều, kho bạc quốc gia cũng chẳng có một đồng xu nào để cứu nước. Các nội các của Bảo Đại, từ cả chục năm trước, chỉ là những nội các bù nhìn cho có khi Pháp vẫn còn nắm toàn quyền sinh sát. Quân đội gọi là 'quốc gia' thì còn như thanh niên chưa trưởng thành, lại nằm trong tay một ông tướng VN, Nguyễn Văn Hinh có vợ đầm, nói tiếng Việt không chạy, con một ông thủ tướng chỉ biết gọi dạ bảo vâng với Pháp, Nguyễn Văn Tâm. Cảnh sát công an thì trong tay một tướng cướp Bẩy Viễn, cả ngày chỉ lo đếm tiền thu được từ sòng bạc và ổ điếm Đại Thế Giới. Chính trị thì dùng một chục bàn tay vẫn chưa đủ để đếm hết các phe nhóm, đảng phái, giáo phái, lực lượng võ trang, tất cả chẳng có thực lực gì ngoài ông lãnh tụ đầy tham vọng cá nhân và ba bốn tay chân bộ hạ với một nhúm 'lính' vũ trang, VC thì chôn súng, tạm nằm im chờ lệnh Hà Nội. Từ phía ngoài, Pháp chán nản, tháo chạy bất cần biết hậu quả, Mỹ hớn hở nhẩy vào mà chẳng biết ai là ai, phải làm gì. Chưa kể ông Diệm lại phải trực diện với đại họa phải bất thình lình rước một triệu dân từ Bắc trốn chạy VC vào Nam với hai bàn tay trắng.
Tất cả các thầy bói, thầy bàn thời đó cho ông Diệm giỏi lắm là thọ vài tháng. Ngay từ sau vài tháng đầu, chính các quan chức Mỹ tại VN cũng đã khuyến cáo TT Eisenhower nên bỏ ông Diệm ngay vì nhận định ông này chỉ là một quan lại hủ lậu mà cứng đầu, khó bảo.
Chuyện không ai ngờ là ông Diệm đã có phép màu, biến cái thùng rác Nam VN thành một tiểu quốc tương đối mạnh với nhiều triển vọng lớn. Quét sạch những tàn dư của Pháp, phục hồi ổn định chính trị, chấm dứt hỗn loạn giáo phái, đảng phái, xây dựng nên một quân đội coi được, định cư được cả triệu dân di cư từ bắc, phát triển kinh tế mạnh nhất nhì Đông Nam Á.
TT đầu tiên của VNCH thọ được 9 năm, từ 1954 tới 1963, thì bị lật đổ, giết chết.
Theo những tuyên truyền của VC từ trước đến nay, ông Diệm bị lật đổ vì để mất lòng dân qua rất nhiều sai lầm, quan trọng nhất là độc tài gia đình trị, giết những người 'yêu nước', đàn áp Phật giáo, ... Có thật vậy không?
* Tội của TT Diệm
+ Độc tài gia đình trị tàn ác?
Gia đình trị ở đây là tố cáo dựa trên quyền lực và ảnh hưởng của các anh em ông Diệm, như ông anh tổng giám mục Thục thống trị tôn giáo cả nước, ông em Nhu nắm toàn quyền sinh sát chính trị, ông em Cẩn là đại lãnh chúa miền Trung,
Công bằng mà nói, tố giác không sai lắm vì ông Diệm quả thực có dựa vào các anh em. Tuy nhiên, tố giác này đã không phản ảnh một sự hiểu biết rõ ràng về tình trạng miền Nam khi ông Diệm về nắm quyền. Như vừa viết, ông Diệm về nước, nhìn qua nhìn lại chỉ thấy anh em đứng chung quanh, chẳng có một người hay một đảng, hay một lực lượng quân sự hay chính trị nào bên cạnh. Trong tình trạng đó, không dựa vào anh em thì dựa vào ai? Dựa vào thực dân Pháp đang bỏ đi? Hay vào Mỹ chưa biết muốn gì? Dựa vào đảng phái chia năm sẻ bẩy chỉ lo tranh đấu cho quyền lợi phe phái mình?
Một điều công bằng phải nói cho rõ về vấn đề gia đình trị. Ông anh Thục có vai vế cao trong công giáo VN thật, làm tới Tổng Giám Mục, nhưng đó không phải nhờ ông em tổng thống bổ nhiệm mà do Tòa Thánh Vatican bổ nhiệm và ông Thục cũng chỉ có những quyền của một Tổng Giám Mục, không hơn không kém. Ông Nhu dù sao cũng chỉ là một cố vấn, mà ông Nhu là người rất tôn trọng tôn ti trật tự gia đình, rất 'nể' và nghe lời ông Diệm mà ông Nhu gọi là 'Ông Cụ', không bao giờ dám trái ý chứ đừng nói lấn quyền đàn áp ông Diệm, mọi quyết định đều là quyết định của ông Diệm. Ông Cẩn chỉ là một ông 'già trầu' nhà quê, ít học, lẩm cẩm, không có quyền hành gì ghê gớm trên thực tế, nhưng có đám cận thần chung quanh vừa 'ác ôn' vừa hống hách làm càn ở Huế. Trong mấy ông đó, không ai có quyền hành lớn lao như một bộ trưởng Tư Pháp Robert Kennedy, em của TT John Kennedy.
Mỹ ép buộc ông Diệm phải cởi mở chính trị, cho các đảng phái đối lập tham gia chính quyền. Hay ít nhất, phải có những màn bầu cử tự do, mở cửa cho tất cả. Miền Nam VN cho dù tạm có hòa bình không đánh nhau với CSVN, nhưng trên thực tế, cuộc chiến với VC chỉ là tạm hưu chiến, chưa chấm dứt, có thể nổ bùng lại bất cứ lúc nào, và chỉ cần hé cửa một chút là VC đã chui vào quậy phá ngay. Chưa kể khả năng chinh trị của các lãnh tụ đảng phái quốc gia. Ta chỉ cần nhìn vào thực tế lịch sử: các đảng phái VN chưa bao giờ biết đoàn kết là gì, ngay cả mỗi đảng lớn cũng đã có không biết bao nhiêu hệ phái. Một nội các với đủ khuynh hướng như Mỹ đòi hỏi có thể thành sự thật được không? Mà có thành sự thật thì có làm được gì hữu hiệu không? Câu trả lời, ta có thể tìm thấy trong hai sự kiện:
1- Dưới thời các tướng sau khi ông Diệm bị lật đổ, là thời kỳ của các đảng phái trị nước qua các chính phủ dân sự, hãy xem lại coi các lãnh đạo dân sự của các chính khách nổi tiếng nhất của VN như Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương, Phan Huy Quát,... họ đã làm được gì ngoài việc gia tăng rối loạn chính trị?
2- Ngay cả trong xứ Mỹ ổn định này, có khi nào TT của một đảng đi lập nội các với một nửa là chính khách của đảng đối lập không? Nội các DC của TT Kennedy khi đó có bao nhiêu ông bà CH trong đó? Nước Mỹ, thành đồng của tự do dân chủ, tới năm 2023 vẫn còn tìm đủ cách bắt nhốt đối lập Trump thì sao Mỹ có quyền đòi hỏi ông Diệm phải mời lãnh đạo cả mấy chục đảng đối lập tham gia nội các cách đây nửa thế kỷ trong khi chiến tranh một sống một còn, còn bao phủ cả nước? Chuyện bá láp.
Ở đây, cũng phải mở ngoặc nói thêm về chuyện Mỹ chỉ trích chế độ 'gia đình trị' của ông Diệm và ép ông phải tuyệt giao với ông Nhu, thậm chí cho ông Nhu đi ra ngoài nước. Chỉ trích và đòi hỏi này đến từ ông TT Kennedy có em ruột Robert làm bộ trưởng Tư Pháp đầy quyền thế, đồng thời cũng là phụ tá và cố vấn quan trọng nhất, và ông em ruột khác Ted làm thượng nghị sĩ liên bang, nghe thật mỉa mai, đến độ hết sức tiếu lâm.
So với CSBV thì dĩ nhiên miền Bắc không có gia đình trị vì ông Hồ chẳng có gia đình gì hết, có ông anh, bà chị gì đó thì ông Hồ không bao giờ gặp, kể cả sau khi đã thành đại lãnh tụ. Nhưng ông Hồ thống trị với những đàn em hoàn toàn do ông chọn, chẳng ai bầu, chẳng đại diện cho đối lập nào, thì có khác gì? Một nhúm nửa tá người ngồi với nhau từ thập niên 40 tới thập niên 70, còn hơn gia đình trị.
Nói về độc tài, thì xin lỗi, người CS mà chê người khác độc tài thì chỉ khiến thiên hạ chết vì sặc cười thôi. Miền Nam 'độc tài' nhưng:
- Có quốc hội với các dân biểu đủ khuynh hướng, được bầu có khi với 30%-40% phiếu, không ai được bầu với 99% phiếu, càng không có cảnh khôi hài là các dân biểu được bầu với tỷ lệ đúng theo vai vế trong chính quyền như HCM phải được 99,9%, Lê Duẩn 99,8%, Phạm Văn Đồng 99,7%, Võ Nguyên Giáp 99,6%, ... tới đám lâu la hạng ruồi nhất thì cũng không dưới 90%.
- Có báo chí đủ loại đăng đủ loại tin, từ chính trị đến tin xe cán chó, chứ không phải chỉ có một tờ báo gọi là 'Nhân Dân' của đảng cầm quyền không cần biết nhân dân là gì.
- Có văn nghệ, ca nhạc, cải lương, hát bộ, thơ phú, tiểu thuyết đủ loại, hầu hết ca tụng tình người, tình yêu,... chẳng có chuyện suốt ngày ra rả ca tụng những người hùng tưởng tượng, núp trong mây bắn rớt B-52 bằng súng lục.
- Học sinh được dạy đủ môn đúng theo khoa học, không có chuyện học sinh học toán bằng cách đếm máy bay Mỹ bị bắn rớt.
- Miền Nam rối loạn, dân chúng bất mãn, xuống đường biểu tình cả ngày. Không sai. Ngay cả những xứ văn minh tiên tiến nhất như Mỹ, Pháp, ... ngày nay, người dân xuống đường biểu tình là chuyện thường, vì được cái quyền biểu tình đó, khác xa các xứ CS, biểu tình thì chỉ có chết mất xác ngay thôi.
Ông Diệm có tàn ác không? CS tố ông Diệm "lê máy chém đi khắp nơi giết những người yêu nước". Tôi không biết có hay không, nhưng cho dù có thì giỏi lắm, cũng chỉ "lê máy chém" đi vồ vài trăm tên CS nằm vùng còn ẩn náu lại thôi, chứ không có cảnh cả chục ngàn người, thậm chí cả trăm ngàn người bị giết hàng loạt trong những đấu tố tàn bạo kinh hoàng nhất trong thời cải cách ruộng đất của ông Hồ mà ngay cả nhiều tác giả miền Bắc đã phải công khai tố cáo. Cũng vậy, CS với những thành tích giết hàng vạn, hàng triệu người dân thường của Xít-ta-lin, Mao, Pol Pot, Hồ, Kim, ... mà tố người khác tàn ác thì chỉ làm trò cười cho thiên hạ.
TT Diệm bị chống đối khá nhiều. Thế nhưng chưa một chính khách nào bị tù tội, tra tấn, bắt cóc, thủ tiêu. Một nhóm tự gọi là Nhóm Caravelle' trong đó có các ông như Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương, Trần Văn tuyên, Phan Quang Đán, Vũ Hồng Khanh,... tất cả 34 vị, có bị ra tòa và kết án tù vì dính dáng đến đảo chánh năm 1960 của đại tá Nguyễn Chánh Thi, nhưng chẳng ai bị tra tấn hay giết chết hay thủ tiêu hết.
+ Kỳ thị Phật giáo?
Ông Diệm có đàn áp Phật giáo không? Không khác gì chuyện độc tài, CSVN tố ông Diệm đàn áp tôn giáo, cụ thể là Phật giáo, chỉ có thể khiến thiên hạ lăn ra cười đến chết. Mỹ gọi là cái nồi chê cái chảo đen.
Công bằng mà nói, khủng hoảng Phật giáo nổ ra không phải là lỗi của ông Diệm. Sự thật là ông Diệm bực mình vì đám lâu la nịnh ông Thục cho treo cờ Vatican khắp hang cùng ngõ hẻm Huế khi ông Thục được thăng chức lên Tổng Giám Mục, nhưng ông Diệm trong văn hoá Á đông, vẫn phải nhịn ông anh, nên sau biến cố đó, ông Diệm ra lại luật đã có từ trước, treo cờ là luôn luôn phải có lá cờ quốc gia kèm theo cờ của bất cứ tôn giáo, hay tổ chức hay đảng phái nào, chứ những cờ này không thể là ưu tiên, cờ duy nhất được treo. Cái không may là chẳng bao lâu sau, tới lễ kỷ niệm Phật Đản, và các sư ở Huế cho treo cờ Phật giáo khắp nơi như trước đây cờ Vatican đã được treo, bất chấp luật của ông Diệm. Chẳng ai biết các lãnh đạo Phật giáo khi đó muốn chứng minh ảnh hưởng của Phật giáo không thua gì ảnh hưởng của Công giáo, hay muốn khiêu khích ông Diệm. Đám lâu la nịnh bợ gia đình nhà Ngô đã mau mắn hăng hái đi dẹp cờ Phật giáo, đưa đến việc chính phủ mang tiếng thiên vị, đàn áp Phật giáo. Và khủng hoảng Phật giáo nổ bùng ra.
Điều không thể chối cãi là chắc chắn trong số các nhà sư sách động quần chúng chống ông Diệm trong vụ khủng hoảng Phật giáo đã có không ít cán bộ CS cài vào để quậy. Đó là thực tế cuộc chiến tranh VN. CS cài cán bộ vào tới phủ tổng thống trong Nam còn được, huống chi vào vài chùa. Dù vậy, việc VC quậy phá trong phong trào Phật giáo chống đối cũng không cho phép ông Diệm ra tay quá cứng rắn, thiếu tế nhị như đã làm khi tấn công Chùa Xá Lợi, bắt cả ngàn sư sãi đi nhốt. Đó là sai lầm chiến thuật vĩ đại đã đưa đến thất bại của ông Diệm.
TT Diệm có kỳ thị Phật giáo không? Thực tế lịch sử là dưới thời ông Diệm, miền Nam đã thấy ra đời cả ngàn, cả vạn chùa khắp nơi, đặc biệt là ngôi chùa lớn nhất là Chùa Xá Lợi, trong đó, chính ông Diệm cũng đã đóng góp tiền túi để xây. Ngoài Trung thì ai cũng biết 'cậu Cẩn' có qua lại, quen biết thân thiện với rất nhiều thầy sư, trong đó có cả ông Trí Quang. Phó TT Nguyễn Ngọc Thơ, ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu, gần một nửa nội các, phần lớn các tướng lãnh đều là Phật giáo. Khi cuộc khủng hoảng Phật giáo nổ ra, Liên Hiệp Quốc đã gửi một phái đoàn đến Nam VN điều tra. Cuộc điều tra chưa xong thì xẩy ra đảo chánh. Sau đảo chánh, Ủy Ban Điều Tra của LHQ ra báo cáo xác nhận TT Diệm không có chính sách đàn áp Phật giáo. Do đó những tố cáo ông Diệm kỳ thị, đàn áp Phật giáo là xuyên tạc chính trị vô căn cứ. Tuy nhiên, đàn áp sự nổi loạn của Phật giáo quá mạnh tay thì tất nhiên là có.
So với chế độ CS tại BV thì sao? Miền bắc khi đó không có khủng hoảng Phật giáo hay Công giáo gì ráo, không phải vì CSBV tôn trọng tôn giáo, mà chỉ vì CSBV đã tận diệt tôn giáo từ trong trứng nước. Chẳng còn bao nhiêu nhà thờ hay chùa chiền gì. Vài ông cha già, vài nhà sư già còn sống sót chưa bị thủ tiêu, hay chưa di cư vào nam, được giữ làm kiểng chỉ là loại cha quốc doanh hay sư quốc doanh, nhận chức cha hay sư từ Nhà Nước, có bổn phận rõ ràng là cố khai thác tôn giáo, biến thành công cụ chính trị của đảng CS. Tôn giáo trong CSBV là bàn thờ Phật ở trên, ông Hồ ở dưới, rồi may ra mới tới ông bà.
CSVN hiện nay hiển nhiên đã tốn nhiều công sức cổ vỏ cho các tôn giáo phát triển, không sai. Chùa chiền, nhà thờ, các sư, các cha đầy rẫy. Nhiều sư sãi, ni cô, cha xứ, linh mục,... đã được huấn luyện và gửi đi ngoại quốc, thâm nhập vào các cộng đồng tị nạn. Nhưng đừng ai nghĩ CS bây giờ kính nể tôn giáo. Chúng chỉ dùng tôn giáo để lái dư luận ra khỏi chính trị, để các quan đỏ được yên thân kiếm tiền trong chế độ 'kinh tế thị trường với định hướng đảng kiếm tiền vô hạn'.
+ Hiệp Định Genève
Ngoài ra, CSBV cũng thường đổ lỗi cho ông Diệm, giải thích tại sao họ tung quân đánh chiếm miền Nam. CSBV tố ông Diệm 1) đã không tôn trọng Hiệp Định Genève, không cho tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước năm 1956, và 2) đã đàn áp những người 'yêu nước' trong Nam để nẩy sinh ra một mặt trận chống đối bắt buộc CSBV phải vào giúp người anh em miền Nam.
Về tổng tuyển cử 1956, quả là ông Diệm đã không cho tổ chức thật. Tuy nhiên, có vài chuyện cần phải biết rõ.
Thứ nhất, ý kiến tổng tuyển cử được ghi nhận trong một bản phụ đính của Hiệp Định Genève mà chẳng ai ký. Chính quyền của thủ tướng Diệm không ký, Mỹ không ký, Pháp không ký, Nga và Trung Cộng không ký, mà ngay cả đại diện của ông Hồ cũng không ký. Như vậy có giá trị gì mà ông Diệm phải tôn trọng? Sao có thể gọi là 'vi phạm hiệp định Genève'?
Thứ nhì, ông Diệm thật ra đồng ý cho tổ chức tổng tuyển cử nếu thật sự có tự do bỏ phiếu, tự do lựa chọn, mà hiển nhiên ai cũng biết là không có cách nào thực hiện được trong vùng CSVN nắm quyền, kiểm soát bầu cử, khi đó cũng như ngay cả bây giờ. Người CS từ Nga tới Tầu tới Cuba tới Việt, chưa bao giờ biết bầu cử tự do là gì, khỏi bàn thêm.
Thứ ba, sau khi tổng tuyển cử không xẩy ra, nhiều nhà báo Mỹ Pháp, tay sai cho CS quốc tế, khua chiêng trống, tố ông Diệm không dám tổ chức tổng tuyển cử vì biết chắc sẽ thua Hồ. Đây chỉ là xuyên tạc vô căn cứ. Nếu dân VN ủng hộ Hồ Chí Minh làm sao giải thích việc cả triệu dân miền bắc đã bỏ mồ mả ông bà, nhà cửa, di cư vào nam năm 54? Cũng như cả triệu dân Miền chạy ra biển khơi thà chết để trốn chạy VC từ bắc vào năm 75? Chưa kể việc tổ chức tổng tuyển cử sau khi cả trăm ngàn người bị thảm sát trong các đấu tố của cải cách điền địa thì làm sao ông Hồ có thể thắng ngay tại miền bắc được? Đó chính là lý do ông Diệm thách đố và đòi hỏi tự do bỏ phiếu và tin chắc là ông Hồ sẽ không bao giờ dám chấp nhận.
Chính quyền Hà Nội cũng ra rả lập luận miễn cưỡng phải vào giúp 'người anh em miền nam' đã nổi dậy chống lại chế độ tàn bạo của nhà Ngô, thành lập Mật Trận Giải Phóng Miền Nam. Đó là lập luận cổ điển được Hà Nội dùng để biện minh việc Hà Nội can thiệp, giúp cái gọi là 'người anh em' Mặt Trận Giải Phóng của miền Nam, được tô vẽ như do người miền Nam bất mãn chống ông Diệm lập ra. Lập luận xảo trá này lừa được cả khối trí thức và truyền thông thiên tả Mỹ và nhất là Âu Châu, là đám mà chính Lê-Nin gọi là 'useful idiots', bọn ngu xuẩn nhưng hữu dụng. Cái bình phong 'Mặt Trận' của miền Nam được Hà Nội mau mắn vứt vào thùng rác vài ngày ngay sau khi chiếm được Sài Gòn khi ra quyết định xóa sổ Mật Trận, xóa sổ cái gọi là Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam VN, để thống nhất cả nước ngay, chẳng e lệ một chút nào, trước sự ngỡ ngàng của đám useful idiots, nhất là trong truyền thông thiên tả Mỹ. Cả đám 'lãnh tụ' ngu xuẩn của đám múa rối đó như Dương Quỳnh Hoa, Trương Như Tảng trắng mắt than trời.
Ít năm sau chiến thắng, CSVN ngạo mạn, chọc quê cả thế giới khi công khai hóa cả lô tài liệu xác nhận việc cho ra đời cũng như điều hành, nuôi dưỡng Mặt Trận, tất cả đều hoàn toàn nằm trong sách lược của Hà Nội từ đầu đến đuôi.
Ông Diệm có là tay sai thực dân, đế quốc không? Có yêu nước không? Câu này phải hỏi chính ông Hồ. Từ sau khi ông Diệm rũ áo từ quan thời Pháp thuộc, ông Hồ đã năm lần bẩy lượt mời ông Diệm tham gia cái gọi là 'kháng chiến', thậm chí, có lần còn bắt cóc ông Diệm về ép ông theo nhưng vì ông Diệm cương quyết từ chối nên đành phải thả. Sau khi ông Diệm bị chết trong đảo chánh, chính ông Hồ đã nhìn nhận "Ông Diệm là người rất yêu nước, theo cách của ông ta". Đúng vậy, yêu nước theo kiểu người quốc gia vì đất nước, chứ không phải như ông Hồ, yêu nước vì lý tưởng đại đồng vô sản.
Một cách tóm gọn lại tất cả những tố giác trên: độc tài, đàn áp tôn giáo, không tôn trọng hiệp ước Genève, CSVN là những người tuyệt đối không có tư cách để buộc những tội này lên đầu ông Diệm. Họ cần đứng trước gương, nhìn vào chính họ trước.
* Đảo chánh
Tại sao TT Diệm bị lật đổ? Ông đã có tội gì? Phạm sai lầm nào?
Ở đây, ta chỉ có thể có vài nhận định rất chủ quan cũng như rất phiến diện, chẳng ai biết đúng bao nhiêu, sai bao nhiêu, khi cả vạn chuyện xẩy ra trong hậu trường dính dáng tới cả trăm, cả ngàn người, mà chẳng ai biết chính xác hay đầy đủ chi tiết.
Theo ý kiến cá nhân kẻ này, dựa trên rất nhiều tài liệu lịch sử, bài báo, sách vở nghiên cứu, cuộc đảo chánh lật đổ TT Diệm có thể có nhiều nguyên nhân gần và xa.
Nguyên nhân gần nhất dĩ nhiên là khủng hoảng Phật giáo, bất kể giải thích như thế nào, bất kể trách nhiệm về ai, đã gây tai tiếng, lấy đi rất nhiều hậu thuẫn của TT Diệm, chính xác hơn là đã dấy động lên rất nhiều chống đối trầm trọng, gây khó khăn lớn cho cuộc chiến đấu chống xâm lăng và tuyên truyền của CSBV. Chống đối từ khối dân không phải là công giáo, tức là tuyệt đại đa số dân miền Nam, biến họ thành miếng mồi quá ngon cho tuyên truyền xuyên tạc của CSBV. Chống đối từ quân đội bị mang tiếng là đã biến thành công cụ đàn áp chính trị của ông Diệm, lơ là trách nhiệm chống xâm lăng của CSBV. Chống đối từ chính phủ Mỹ nhìn thấy đồng minh của mình chẳng những mất hậu thuẫn dân, mà còn khiến Mỹ bị mang tiếng với đồng minh Âu Châu là tiếp tay nuôi dưỡng một chế độ độc tài đàn áp tôn giáo. Chống đối từ dân Mỹ bị truyền thông thiên tả đầu độc bởi những công kích tàn bạo nhất chống ông Diệm. Tất cả đều là những lý do chính đáng để lo ngại sẽ khiến cuộc chiến đấu chống xâm lăng của CSBV ngày càng khó khăn.
Nguyên nhân xa là việc trong những năm cuối của TT Diệm, ai cũng thấy VC ngày càng lớn mạnh. Từ ngày Mặt Trận được chính thức thành lập cuối 1960 với lèo tèo vài cán bộ dép cao su, nón tai bèo, sau đó, lớn mạnh tới cấp tiểu đoàn, trung đoàn vào năm 1963. Bất kể việc lớn mạnh của quân đội CH, bất kể viện trợ quân sự ngày càng nhiều của Mỹ, cuộc chiến ngày càng bành trướng, ngày càng khó khăn. Đưa đến việc lãnh đạo quân sự Nam VN cũng như lãnh đạo quân sự và chính trị Mỹ thấy nhu cầu thay đổi lớn, thay đổi chiến thuật, chiến lược, kể cả những chính sách lớn như Ấp Chiến Lược, Khu Trù Mật,... và cả nhân sự ở cấp lãnh đạo cao nhất nếu muốn chiến thắng CS.
Nếu có thể tóm tắt một cách ngắn gọn nhất lý do tại sao TT Diệm bị lật đổ thì đó chính là nhu cầu cần phải có lãnh đạo mới, được hậu thuẫn của dân mạnh hơn, cùng với chiến lược khác để có thể chống lại xâm lăng của CSBV hữu hiệu hơn. [Tuần tới, ta sẽ có dịp bàn thêm về cuộc đảo chánh chống TT Diệm]
Ở đây, cũng phải nhìn nhận VC đã khá thành công trong chiến lược khủng bố chống chính quyền trung ương của TT Diệm. Ngay từ những năm 1959-1960, chúng đã tung ra sách lược tàn bạo là ám sát, giết những viên chức địa phương như xã trưởng, quận trưởng, tỉnh trưởng,... mà chúng cho là nguy hiểm cho chúng nhất, nghĩa là những viên chức tài giỏi nhất, trong sạch nhất, được lòng dân nhất, tức là chống cộng hữu hiệu nhất. Khối giới chức vô hình, vô danh này chính là chìa khoá của thành công của TT Diệm, nên cũng đã trở thành khối nạn nhân lớn nhất của khủng bố VC trong những năm đầu của cuộc chiến xăm lăng miền Nam của Hà Nội.
* Một cái nhìn chung
Nếu muốn tóm tắt lại công và tội của TT Diệm thì phải nói ông Diệm, cũng không khác gì bất cứ nhà lãnh đạo nào, cũng đã có công và có tội, có đúng có sai. Ông Diệm không phải là thánh nhân, càng không phải là ác quỷ.
Công lớn nhất là ông Diệm đã cứu vớt miền nam VN từ đống rác do thực dân Pháp để lại, biến miền Nam thành một tiểu quốc khá vững mạnh, người dân có cuộc sống khá ổn về mặt kinh tế cũng như an toàn gia đình. Hơn xa cuộc sống dưới chế độ thực dân Pháp, và dĩ nhiên hơn rất xa cuộc sống của dân miền Bắc dưới chế độ công an trị, ngu dân của CSVN. VNCH thời đó là thước vàng gương mẫu cho cả Đông Nam Á. Ngay cả thủ tướng nổi tiếng của Singapore, Lý Quang Diệu, cũng phải ôm giấc mộng một ngày nào đó, Singapore sẽ bằng Hòn Ngọc Viễn Đông, Sài Gòn. So với các Cha Già Lập Quốc Mỹ, thành quả của ông Diệm chắc còn lớn hơn vì khó hơn nhiều.
Nhưng ông Diệm cũng có những sai lầm chết người, đưa đến cái chết của chính anh em ông. Trong 9 năm nắm quyền mà không chiêu nạp được thêm nhân tài, mở rộng được hậu thuẫn trong quần chúng, trái lại, càng ngày càng lệ thuộc vào anh em, gia đình và một nhúm nịnh thần trong đám gọi là Cần Lao, u mê nhưng hống hách, tàn bạo, hà hiếp dân thấp cổ bé họng, khối tay chân tín cẩn càng ngày càng teo lại, càng ít, trong khi cả họ nhà Ngô càng ngày càng bị mất lòng dân. Ông Diệm trên căn bản là người nhân hậu đã không cho xử bắn thủ phạm đã ám sát hụt ông bị tòa kêu án tử hình. Nhưng ông Diệm vẫn mang tính quan liêu, không chấp nhận người khác ý làm việc chung với mình, lại thêm tính đa nghi nhìn đâu cũng thấy CS hay kẻ thù nên đã dùng và dung túng cho một đám lâu la vừa ác vừa gian vừa bất tài, chỉ giỏi nịnh. Cuối cùng, đối phó với khủng hoảng tôn giáo, TT Diệm đã không đủ khôn ngoan tế nhị để hiểu tôn giáo có tính nhạy cảm mạnh như thế nào, để rồi lấy những quyết định đàn áp quá cứng rắn, mất lòng dân, sai lầm hoàn toàn. Tất cả đưa đến quá nhiều khó khăn cho cuộc chiến chống cộng.
Ông Diệm sai lầm không ít, không hoàn hảo, nhưng trên cõi đời ô trọc này, từ cổ chí kim, ai là người lãnh đạo hoàn hảo? Nếu nhận định trong tương đối thì trong các lãnh tụ chính trị VN thời đó, người nào là người có thể nói xứng đáng hơn ông Diệm trên phương diện uy tín và khả năng? Tôi dám quả quyết bất cứ ai đề nghị một vị nào cũng sẽ có ngay cả trăm, cả ngàn người không đồng ý và nêu ra tội ngay. Đó là thực trạng chia rẽ trong khối gọi là 'quốc gia' của chúng ta, mà cho tới bây giờ, trong cộng đồng tị nạn vẫn còn là cái tật bất trị.
CSBV không tài giỏi gì hơn khi nhóm nắm quyền cũng chỉ là một nhúm không có hậu thuẫn gì trong quần chúng, trong khi chế độ đã thành công biến miền Bắc giàu có phong phú thành một xứ ăn mày. Nhưng CSBV không thất bại, vẫn tồn tại tới ngày nay vì dám dùng công an, nhà tù và súng đạn đàn áp thẳng tay không run sợ. Miền Nam thua một phần cũng chỉ vì cả ông Diệm lẫn ông Thiệu đều thi hành dân chủ nửa mùa, không tự do hẳn cũng chẳng đủ độc tài.
VŨ LINH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét