Chủ Nhật, 5 tháng 11, 2023

Ukraine, Rồi Sẽ Ra Sao?

 

Chính Trị Phiếm Đàm - UKRAINE, RỒI SẼ RA SAO?

Nhất Hùng


- Ukraine được Liên Hiệp Quốc công nhận là một quốc gia độc lập năm 1991.


- Năm 1994, Ukraine đồng ý từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình và ký Giác Thư Budapest về đảm bảo an ninh với điều kiện Nga, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ sẽ đưa ra sự đảm bảo chống lại các mối đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của Ukraine.


- Mặc dù là một quốc gia độc lập được công nhận từ năm 1991 nhưng năm 2008, Tổng Thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng phản đối việc Ukraine trở thành thành viên của Nato.


- Ngày 21/11/2013 Chính Phủ Ukraine tuyên bố sẽ không ký hiệp định liên kết với EU, các cuộc biểu tình phản đối quyết định này đã nổ ra trên Quảng trường Độc lập (Maidan) của Kyiv 


- Ngày 18 tháng 2 năm 2014 bùng nổ Cách Mạng Euromaiden, khoảng 20.000 người biểu tình ở Kiev tiến tới quốc hội Ukraine đòi khôi phục lại hiến pháp của Ukraine năm 2004 mà đã bị hủy bỏ bởi tòa án hiến pháp sau khi Viktor Fedorovych Yanukovych được bầu làm tổng thống vào năm 2010 dẫn đến cuộc lật đổ Tổng thống và Yanukovych đã bỏ chạy sang Nga.


- Ngày 27 tháng 2 năm 2014, Nga xâm chiếm bán đảo Krym của Ukraine và sau đó sáp nhập bằng một cuộc trưng cầu dân ý giả tạo. 


Nhiều quốc gia lên án. Việc sáp nhập khiến Nga bị loại ra khỏi nhóm G8 và bị áp đặt các lệnh trừng phạt. Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc cũng bác bỏ cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập Krym vào Nga, thông qua một nghị quyết khẳng định "sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina trong các biên giới được quốc tế công nhận”.


Hoa Kỳ và Anh đã cáo buộc Nga vi phạm các điều khoản của “Bản Ghi Nhớ Budapest về Đảm Bảo An Ninh” trong đó Nga, Hoa Kỳ và Anh tái khẳng định nghĩa vụ của họ là kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của Ukraine.


- Ngày 14 tháng 9 năm 2020,Tổng Thống Zelensky phê duyệt Chiến lược An ninh Quốc gia mới của Ukraine, "quy định sự phát triển của quan hệ đối tác đặc biệt với NATO với mục tiêu trở thành thành viên của NATO."


- Ngày 24 tháng 3 năm 2021, Tổng Thống Zelensky đã ký Sắc lệnh số 117/2021 phê duyệt "chiến lược xóa bỏ chiếm đóng và tái hòa nhập lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời đối với Krym và thành phố Sevastopol


Nga đã nói rằng việc Ukraina có thể gia nhập NATO và sự mở rộng NATO nói chung là đe dọa an ninh Nga. Đáp lại, Ukraine và các quốc gia châu Âu láng giềng với Nga đã cáo buộc Putin cố gắng khôi phục Đế Quốc Nga-Liên Bang Xô Viết và theo đuổi chính sách quân phiệt hiếu chiến.


- Ngày 24 tháng 2 năm 2022, Nga xâm lược toàn diện Ukraine. Tổng Thống Nga thông báo, đây là một "chiến dịch quân sự đặc biệt" với mục tiêu "phi quân sự hóa" và "phi phát xít hóa" Ukraine. 


Sau đó, nhiều khu vực trên khắp Ukraine, bao gồm cả thủ đô Kyiv bị hỏa tiễn tập kích. 


Chiến thuật của Nga là “Đập Đầu Rắn”. Chiếm Thủ Đô Kyiv, thành lập chính phủ mới. Kế hoạch khởi động bằng đổ bộ đường không vào sân bay Antonov (còn gọi là Hostomel) cách Thủ Đô Kyiv 10km  nhằm chiếm sân bay, tạo điều kiện cho Nga không vận lính và thiết bị nặng uy hiếp Thủ Đô. Tuy nhiên, lực lượng Ukraine đã phản công và tấn kích lực lượng lính dù Nga. Vì vậy, đợt tấn công đầu tiên của Nga bị đẩy lùi. Sáng hôm sau quân Nga lại tấn công và chiếm đóng hoàn toàn sân bay. Mặc dù vậy, với sự kháng cự mạnh mẽ từ quân Ukraine, kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh nhằm vào thủ đô Kyiv của Nga đã bị phá vỡ. Ngày 2 tháng 4, quân Nga bắt đầu rút. Ukraina hoàn toàn làm chủ sân bay. 


Ngay sau khi kế hoạch chiếm Thủ đô Kiev của Ukraine thất bại, tôi nghĩ, có thể Nga sẽ chiếm vùng tả ngạn sông Desna - con sông chảy qua Kiev - rồi chia cắt thành hai vùng Đông - Tây Urkaine, chiếm hành lang Đông Ukraine làm trái độn. Nhưng diễn tiến cho Nga lại tệ hơn thế.  


Sau 21 tháng Nga xâm lược Ukraine, tình thế chiến trường miền đông Ukraine đang hình thành hai vùng chiến tuyến rõ rệt, với ranh giới tự nhiên là con sông Siverskiy Donets chảy theo hướng tây bắc - đông nam, phân đôi vùng Donbass. Nga hiện tạm chiếm khoảng 20% diện tích lãnh thổ phía đông của Ukraine. Các trận đánh vẫn diễn ra quyết liệt, hai bên lúc công lúc thủ, bất phân thắng bại và khó đoán được hồi kết của nó. Tình hình chiến trường thay đổi chóng mặt, tình hình quốc tế cũng biến động đau đầu. Giữa lúc Ukraine đang giành được nhiều lợi thế trên chiến trường thì Quốc Hội Hoa Kỳ, nơi duyệt trợ cấp chiến tranh cho Ukraine bị khủng hoảng rồi khủng bố của Hamas tại Israel làm cho tiền bạc vũ khí đạn dược mà Ukraine rất cần bị gián đoạn bị chia sẻ bị thiếu thốn trầm trọng.



Đến nay vẫn chưa thấy ai đưa ra bất cứ dự đoán nào cho hồi kết của cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine bởi vì sự phức tạp của cuộc chiến, của thế giới cùng với những tính toán thủ lợi riêng của các nước liên quan.


Chẳng hạn như:


Hoa Kỳ, với vai trò bá chủ thế giới, Mỹ là nhân tố chính làm phá sản kế hoạch xâm chiếm Ukraine với những viện trợ vũ khí và tài chánh rất hào phóng. 


“Vũ Khí Tối Tân Của Mỹ + Quân Đội Anh Hùng Ukraine” dư khả năng đánh bại Nga nhưng nội tình chính trị lưỡng đảng Hoa Kỳ rất phức tạp. Cũng vẫn mục đích duy trì “Vai Trò Bá Chủ Thế Giới” của mình nhưng cách giải quyết của mỗi Đảng khác nhau, có khi còn trái ngược. Dự đoán tương lai cuộc chiến chỉ có thể có sau cuộc bầu cử Hoa Kỳ cuối năm 2014. 


Đức & Pháp, hai quốc gia dẫn đầu ở Châu Âu nhưng luôn luôn tính toán lợi ích riêng. Họ nói “không để cho Nga thắng” nhưng thế nào là “không thắng”. Biết đâu họ bán đứng “hành lang” phía Đông Ukraine cho Nga để hưởng lợi ích giá Dầu, giá Khí Đốt rẻ như cho, vả lại với 80% lãnh thổ phía Tây Ukraine làm trái độn cũng đủ bảo vệ an ninh cho Châu Âu rồi!!!


Ba Lan, hưởng lợi vô kể, giàu thêm và mạnh lên vì là bãi tập kết vũ khí trung chuyển cho Ukraine, là tuyến đầu của NATO ở phía Đông. Một Ukraine vào NATO, biến thành tuyến đầu, trở nên hùng mạnh, vừa không có lợi vừa mất phần ăn của Ba Lan. Với tính toán lợi ích riêng, chắc gì Ba Lan muốn kết thúc chiến tranh có lợi cho Ukraine. Vừa rồi, Đảng có lập trường không ủng hộ viện trợ vũ khí cho Ukraine đã giành thắng trong cuộc bầu cử ở Ba Lan cho thấy suy đoán này chưa chắc đã sai. Biết đâu họ cũng muốn bán đứng hành lang phía đông cho Nga để đổi những lợi ích đến từ Nga.


Các nước nhỏ chung quanh, có nước nhiệt tình giúp đỡ như Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan…có nước chống như Hungary… nhưng chống hay bênh đều không có tính quyết định.


Hai nạn nhân trực tiếp của cuộc chiến:


Ukraine, cả triệu gia đình ly tán, kinh tế quốc gia kiệt quệ, hàng chục vạn người thương vong, chiến tranh còn tiếp diễn, cảnh tàn phá vẫn diễn ra mỗi ngày. Ukraine đang đối mặt với nguy cơ mất một phần lãnh thổ. Nhưng vì là cuộc chiến tranh Vệ Quốc nên người Ukraine chắc chắn sẽ chiến đấu đến cùng. Lãnh đạo nào của Ukraine dám nhượng lãnh thổ cho giặc?. Nên chiến tranh còn dài.


Nga, vì độc tài, vì tham vọng khôi phục đế chế của Putin, hàng chục vạn người Nga tử trận, kinh tế quốc gia khốn đốn khi các lệnh cấm vận của thế giới bắt đầu có hiệu lực. Lỡ phóng lao, làm sao lấy lại. Lỡ leo lưng Cọp làm sao xuống. Một cuộc kết thúc chiến tranh mà không có thắng lợi nào để biện minh cũng là kết thúc sự nghiệp chính trị, có khi cái mạng của Putin cũng không còn. Dễ gì Putin bỏ cuộc. Nên chiến tranh còn dài.


Quan trọng nhất vẫn là quyết định của Mỹ, mà quyết định kết thúc cuộc chiến như thế nào lại tùy thuộc vào cách nhìn của người lãnh đạo nước Mỹ:


“Cho Nga giữ một phần lãnh thổ của Ukraine” hoặc “Phải đánh cho Nga rút khỏi toàn bộ lãnh thổ của Ukraine”. Cách nào là cách có lợi nhất cho vị trí “bá chủ thế giới” của Hoa Kỳ.


Sinh mạng Ukraine nằm trong tay chúng ta, những Cử Tri Hoa Kỳ.


Nhất Hùng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét