Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2022

"Cha Ơi, Xin Đừng Bán Con..."

 

Akhtar Mohammad, 30 tuổi, buộc phải bán đứa con gái 2 tuổi của mình để sinh sống. Ảnh: FRERL.org

"CHA ƠI, XIN ĐỪNG BÁN CON..."
Đoan Trang 

Parwana Malik, cô bé với đôi mắt đen và gò má ửng hồng, cười khúc khích khi nhảy dây cùng bạn, nhưng em đang rất lo vì sắp phải làm vợ một ông đáng tuổi cha chú.

Người đàn ông muốn mua Parwana về làm vợ nói ông mới… 55 tuổi. Nhưng theo cách tả của Parwana với CNN. Đó là một “ông lão” với bộ râu và lông mày trắng toát. Em lo lắng sẽ bị đánh đập và bị bắt làm việc nhà. Bố mẹ Parwana nói rằng, họ không còn lựa chọn nào. Vài tháng trước, Abdul Malik cha của Parwana, đã phải bán đứa con gái lớn 12 tuổi, chị của Parwana.

Hôm 22 Tháng Mười, Qorban, người mua Parwana, đến nhà và giao 200,000 Afghanis (khoảng $2,200) cho Malik dưới hình thức cừu, đất và tiền mặt. Parwana, đội khăn trùm đầu màu đen với một vòng hoa sặc sỡ quanh cổ, giấu mặt và khóc thút thít. Malik vừa khóc, vừa nói với Qorban: “Đây là cô dâu của ông. Xin hãy chăm sóc con bé, bây giờ ông có trách nhiệm với nó, đừng đánh nó”. Qorban không xem vụ mua bán là một cuộc hôn nhân, nói rằng ông đã có vợ và vợ ông sẽ chăm sóc Parwana như con. “Giá mua Parwana rẻ bèo. Cha của bé rất nghèo và đang cần tiền. Bé sẽ làm việc tại nhà tôi. Tôi sẽ không đánh, mà đối xử với bé như người trong nhà. Tôi sẽ đối xử tốt với cô bé,” Qorban nói rồi nắm chặt cánh tay Parwana và dẫn em ra khỏi cửa. Malik đứng ở ngưỡng cửa nhìn theo con gái. Parwana cố bám chặt chân vào đất để không phải rời đi, nhưng không ích gì. Malik rất đau khổ, vì ngay sau nói “sẽ đối xử với con bé như người nhà,” người mua lại nói với anh: “Tôi bỏ tiền mua con bé, tôi làm gì là việc của tôi, không phải việc của anh.”

Một trại tị nạn ở Afghanistan, nơi người dân quá khổ, phải bán con mà sống. Minh họa: RFERL.org.

Trước khi phải về nhà “ông lão” kia, Parwana hy vọng sẽ thay đổi suy nghĩ của cha mẹ. Em mơ ước trở thành giáo viên và không muốn bỏ học. Em cầu xin cha mẹ đừng bán em đi, nhưng vô ích. Malik nói, anh đang “suy sụp” với cảm giác tội lỗi, xấu hổ và lo lắng. Anh đã làm mọi cách để không phải bán con, như đến thủ phủ Qala-e-Naw của tỉnh để tìm việc làm, nhưng không ai cho anh một công việc gì. Anh cũng phải vay mượn từ người thân. Vợ anh phải xin thức ăn từ những người khác trong trại di cư. Nhưng “Nhà tôi có tám người. Tôi phải bán con để nuôi sống những đứa còn lại,” anh nói. Tiền bán Parwana sẽ chỉ giúp gia đình anh cầm cự trong vài tháng, trước khi Malik phải tìm giải pháp khác.

Gia đình Parwana ở trong một trại tị nạn ở tỉnh Badghis, Tây Bắc Afghanistan suốt bốn năm qua. Họ sống nhờ vào viện trợ nhân đạo và những công việc kiếm chỉ được vài đôla mỗi ngày. Sau khi Taliban tái giành quyền kiểm soát Afghanistan hồi Tháng Tám, cuộc sống của gia đình Parwana cũng như nhiều gia đình khác rất sức khó khăn, càng trở nên tồi tệ. Trong bối cảnh viện trợ quốc tế cạn kiệt và nền kinh tế trên bờ sụp đổ, họ không đủ khả năng mua nhu yếu phẩm cơ bản như thực phẩm.

Cũng tại trại tị nạn ở Badghis, vài tháng trước, Akhtar Mohammad, 30 tuổi, phải đối mặt với một quyết định sinh tử: Để cả gia đình chết đói, hoặc bán đứa con gái hai tuổi của mình. Không thể trồng trọt để nuôi sống gia đình, lại thêm gánh nặng nợ nần, gia đình anh không có gì để bỏ bụng. Sau khi bán đi ba con cừu, Mohammad phải bán tới đứa con rứt ruột đẻ ra. “Tôi buộc phải bán con gái của mình,” Mohammad nói. “Tôi không có tiền và tôi cần phải nuôi sống gia đình mình.” Mohammad bán con gái của mình với giá 150,000 Afghanis (khoảng $2,000) cho một người mua mà anh không nêu tên. Anh giữ lại đứa con còn lại của mình, một cậu con trai bốn tuổi.

Nông dân Akhtar Mohammad ở tỉnh Badghis phải bán con mà sống. Ảnh: RFERL.org

Một bé gái khác, Magul, 10 tuổi, ở tỉnh Ghor, ngày nào cũng khóc vì nghe cha nói sắp phải về nhà một ông già 70 tuổi để trừ nợ cho gia đình. Cha mẹ bé đã vay 200,000 Afghanis (khoảng $2,200) từ người hàng xóm, nhưng không có việc làm và tiền tiết kiệm nên họ không cách nào trả được nợ. Người mua đã kéo anh Ibrahim – cha của Magul – đến nhà tù của Taliban và dọa bỏ tù vì không trả được nợ. “Tôi không biết phải làm sao nữa,” Ibrahim nói. “Dù tôi không giao con gái cho ông ta, ông ấy cũng sẽ mang con tôi đi mà.”

Giống Qorban, người mua khẳng định sẽ không ngược đãi Magul. Em chỉ phải giúp nấu ăn, dọn dẹp trong nhà. Nhưng ai biết được ông ta có giữ đúng lời cam đoan ấy? “Cháu không muốn đi với ông ấy. Nếu họ bắt cháu đi, cháu sẽ tự tử,” Magul ngồi trên sàn nhà, vừa khóc nức nở vừa nói. “Cháu không muốn xa bố mẹ cháu đâu.”

Gia đình Ibrahim có chín người. Anh đã phải bán hai con gái, đứa bốn tuổi, đứa chín tuổi, và sắp bán thêm con với giá chỉ có 100,000 Afghanis (khoảng $1,100) mỗi bé.

Kết hôn với trẻ em dưới 15 tuổi là bất hợp pháp ở Afghanistan, nhưng việc này đã phổ biến suốt nhiều năm, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Hiện trạng càng lan rộng kể từ Tháng Tám, khi người dân phải chịu đói và ngày càng tuyệt vọng. Hơn một nửa dân số đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng và hơn ba triệu trẻ em dưới năm tuổi phải đối mặt tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính những tháng tới. Giá lương thực tăng vọt, các ngân hàng cạn tiền và người lao động không được trả lương.

Kết hôn với trẻ em dưới 15 tuổi là bất hợp pháp ở Afghanistan, nhưng việc này đã phổ biến suốt nhiều năm qua. Trong hình, cậu bé 12 tuổi lấy cô bé 8 tuổi làm vợ. Ảnh: RFERL.org

“Số lượng các gia đình phải bán con mà sống cứ ngày một tăng. Thiếu ăn, thiếu việc làm khiến các gia đình cảm thấy cần phải làm như vậy,” Mohammad Naiem Nazem, nhà hoạt động nhân quyền ở Badghis, cho biết. Các thủ lĩnh địa phương của Taliban ở Badghis nói rằng họ có kế hoạch phân phát thực phẩm để ngăn các gia đình bán con gái. “Khi chúng tôi thực hiện kế hoạch này mà họ vẫn bán con thì chúng tôi sẽ bỏ tù họ,” Mawlawai Jalaludin, người phát ngôn của Bộ Tư pháp Taliban, cho biết.

Nhưng vấn đề không phải chỉ ở Badghis hay Ghor. Khi mùa Đông đến gần, cả Taliban và các nhóm nhân đạo đang đề nghị thêm viện trợ, hy vọng có thể ngăn hôn nhân trẻ em gia tăng.

Gần 677,000 người đã phải di dời trong năm nay do giao tranh, theo Văn phòng Điều phối các Vấn đề Nhân đạo của LHQ (UNOCHA). Nhiều người trong số họ sống trong những túp lều ở các trại di cư như gia đình Parwana. Sự bấp bênh cộng với tình trạng nghèo đói gia tăng đã đẩy nhiều bé gái vào những cuộc hôn nhân mua bán.

Hồi Tháng Chín, các nhà tài trợ Liên Hợp Quốc cam kết viện trợ nhân đạo hơn một tỷ đôla, trong đó $606 triệu sẽ đáp ứng nhu cầu cấp bách nhất của người Afghanistan. Nhưng một số quốc gia thành viên chưa bàn giao khoản tiền đã cam kết. Isabelle Moussard Carlsen, người đứng đầu văn phòng UNOCHA, nhấn mạnh rằng nhân viên cứu trợ nhân đạo vẫn ở Afghanistan, cung cấp cứu trợ và hỗ trợ các bệnh viện, nhưng điều đó chưa đủ.

Cái lạnh đang ập về và tuyết đã bắt đầu phủ khắp các vùng của đất nước. Khi dùng hết tiền bán Parwana, Malik không biết phải làm gì, trong khi vẫn phải xoay xở để nuôi bốn đứa, ba đứa con gái và một đứa con trai còn thơ dại. “Chúng tôi không có tương lai, tương lai của chúng tôi đã bị hủy hoại,” anh nói. “Tôi sẽ phải bán một đứa con gái khác nếu tình hình tài chính không được cải thiện, có thể là đứa hai tuổi.”

Đoan Trang - Saigon Nhỏ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét