Saigon, năm 1975. Ngày 19/5. Đoàn ca kịch Kim Cương đã được trình diễn trở lại; sớm nhất miền Nam. Giá vé 4 hào, 8 hào, 1 đồng hai mươi xu. Phần phụ diễn ca nhạc với Thanh Tuyền, Thanh Phong, Phương Đại, Họa Mi, Thái Châu, Hà Thanh... Đặc biệt với sự góp mặt của cánh chim đầu đàn ⚘Lệ Thu. Lúc này “Giọng hát vàng ròng” Lệ Thu còn kẹt lại.
Những bài ”Cùng anh tiến quân trên đường dài, Rừng gọi, Đường chúng ta đi...” nhạc cách mạng lên gân xơ cứng mà qua giọng hát nữ danh ca cũng trở nên mượt mà sang trọng kỳ lạ. Thỉnh thoảng cô cũng được hát lại vài bài cũ trước 1975 như Tự nguyện, Dòng sông xanh, Serenade… mà không phải ai cũng được bonus này. Cho thấy vị trí đặc biệt của Lệ Thu trên thị phần âm nhạc Việt nam trong bất kỳ văn cảnh như thế nào.
Càng tỏa ngát hương thơm hoa thủ đô... Khán giả ngơ ngẩn vì độ tuyệt vời bởi âm ba vang ấm – mà quý phái của giọng hát cô. Các ca sĩ miền Bắc thì xanh mặt. Điện tín trong Nam gởi ra: mẹ bệnh nặng, về gấp. Lệ Thu lần này vượt biên trót lọt. Đảo Bidong chỉ tạm dừng chân vài tháng. Đem con tới Mỹ khoảng năm 1980. Một chặng đường mới tươi xanh trở lại. Năm năm hát dưới chế độ mới, nay giã từ trần thế. Chăc chắn cô Kim (Kim Cương) phải buồn, khi người em văn nghệ năm xưa đã ra đi mãi mãi.
Nữ danh ca Bùi thị Oanh (nghệ danh Lệ Thu) sinh năm 1943 tại Hải phòng. Ông bà thân sinh có nhiều con, nhưng đều mất sớm, duy chỉ cô Oanh nuôi được. Lên 10 tuổi, bố bỏ đi/ bà mẹ đem con từ Hà nội vào Nam. Chỉ một lần xuất hiện do ham vui ở phòng trà Bồng lai, với bài Dang dở, năm 16 tuổi. Lệ Thu bừng sáng lên với giọng ca cao mà không chói, thanh mà không chua. Kỹ thuật lấy hơi bụng thần sầu không ai theo được. Cô như rải một lớp vàng vụn lấp lánh trong mỗi bài hát của mình...
Đến bây giờ, chưa ai qua nổi cô bài này. Lệ Thu trình bày hầu hết các nhạc phẩm thuộc dòng nhạc trữ tình sang cả... Phạm Duy, Cung Tiến, Phạm Đình Chương, Trịnh công Sơn... Và một số ít nhạc bán cổ điển Tây phương. Những bài đều đóng đinh trong lòng khán thính giả lâu dài, và không có bài nào dở cả. Đặc biệt là các bài về mùa thu. Cũng buồn, nhưng khác với mùa đông ảm đạm lạnh lẽo. Mùa thu: theo kiểu buồn mà đẹp. Vắng vẻ cô đơn lẫn day dứt... Những bài ”Thu” này như nó vận vào cuộc đời với mấy lượt hôn nhân không trọn vẹn của mình.
Và bài này cô cũng không có đối thủ. Giống như bài trên được viết riêng cho Lệ Thu. Bố già Phạm Duy nâng tầm danh ca lên một mức nữa, với danh tác riêng: Nước mắt mùa thu (1970). Như một lời tiên tri lành lạnh từ mấy mươi năm trước:
Đem được ba con gái sang Mỹ, nhưng cuối đời cô thích sống tự lập một mình. Tự lái xe tự nấu ăn, rất thích đọc sách mọi lúc. Sau cuốn băng ”Giọt mưa trên lá“ (song ca Khánh Ly) đình đám, sinh hoạt văn nghệ của cô trầm lại một thời gian, khi cộng tác trở lại với trung tâm Asia, tên tuổi tiếp tục sáng chói. Không ngại tốn kém, giống như các tiếng hát đẳng cấp khác. Phần hòa âm theo cô, quyết định tới 60% phần thành công của tác phẩm (interview by Jimmy show). Nên chiều dài 62 năm làm nghề của cô đều được bảo chứng tên tuổi.
Tánh lành; hễ không nói chuyện thì thôi. Còn đã tiếp xúc thì dễ gần không kiểu cách. Thương ghét là biết ngay: cô không đóng kịch cảm xúc. Thành công vượt bậc từ khi tóc còn xanh. Cát sê 1 triệu tiền Sài gòn cũ trong lúc vàng 50 nghìn/ lượng. Vẫn không ra đường với vệ sĩ chảnh chọe. Khiêm cung với các bạn cùng thời.
... ”Đối với tôi. Vietnam mình chỉ một người xứng đáng được kêu là Diva: chị Thái Thanh”.
Với các bạn đồng sàn thì chan hòa không ganh ghét.
...” Tôi chỉ nhỉnh hơn Khánh Ly mỗi bài Hạ trắng dòng nhạc Trịnh, còn thì thua nó hết (cười)”.
Sau này khi về Saigon thủ đô xưa, cô vẫn được nhiều tầng lớp khán giả khắp nơi đón nhận, hát duet với thế hệ con cháu không chút nề hà. Luôn đúng giờ nghiêm chỉnh lúc làm nghề; thường đọc sách trước khi ra sân khấu. Nên vài người không biết, bảo là khó tánh. Thật ra là dưỡng sức lúc làm nghề…
Dịch covid đã đem cô đi. Sức già 78 tuổi không vượt qua nổi. Với biến chứng không ngờ của cơn bệnh tiểu đường trầm kha.
Người đời sẽ khó, rất khó để lãng quên dần giọng ca vàng mười của dân tộc mình. Xin cho tôi hỏi bạn câu này: Có phải là định mệnh không? Tại sao khi còn rất trẻ, tuổi mới hơn hai mươi mà cô đã chọn những bài hát về tâm linh; về cõi vĩnh hằng...
Bài nữa cũng là phạm trù vĩnh biệt:
Lời ca thê thiết hoang lạnh âm u. Đêm vũ trường tím xanh, tiếng kèn saxso ngoằn ngoèo hay tiếng kèn đưa ma ai oán?
Coi như là phần số của giọt nước mắt. Khi bé cũng không có anh em. Ba cuộc hôn nhân ; rồi cuối cùng cũng sống cô độc. Chết trong bệnh viện, bị cách ly không gặp được gia đình . Sống và ra đi = cũng một mình .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét