Các hình ảnh lấy từ trang Facebook Vườn rau Lộc Hưng.
4 năm 7 tháng vừa qua
Theo ông Cao Hà Trực cho biết, nhà cầm quyền đã gây khó khăn từ năm 2010.
“Từ ngày xưa cho tới năm 2010, chúng tôi vẫn trồng rau, trồng trọt. Nhưng khi chúng tôi đi khiếu kiện, chúng tôi không biết ý đồ của nhà cầm quyền như thế nào, họ đã để nước mưa các nơi đổ dồn về cánh đồng của chúng tôi, cứ mỗi lần mưa là ngập lụt. Chính quyền không giải quyết và không có cách cải thiện. Vì vậy chúng tôi bị chết hết rau củ quả, chúng tôi không canh tác được.” Những gia đình ở phần đất cao hơn vẫn có thể trồng rau, còn những nhà khác phải chuyển sang nuôi gia súc hoặc cho thuê nhà.
Đến tháng 1/2019, nhà cầm quyền đến cưỡng chế đất, phá nát 503 căn nhà, san bằng 48.000 mét vuông đất, và thay đổi hoàn toàn cuộc sống của hơn 100 gia đình.
“Khi nhà nước ủi sập bình địa, có ba vấn đề xảy ra. Thứ nhất, họ phải đi thuê nhà.” Bà con ở Vườn rau Lộc Hưng bị đẩy khỏi “nơi chôn nhau cắt rốn” và bị tách khỏi nhà thờ và giáo xứ.
“Thứ hai, họ bị mất việc làm.”
Nhiều người phải chuyển sang sống bằng nghề phụ hồ, hoặc làm giúp việc. “Như tôi phải chạy xe ôm. Bởi vì tuổi như chúng tôi, không biết nghề gì mới hết, ngoài ra phải đi khiếu kiện, nên chúng tôi chỉ còn cách là chạy xe ôm để kiếm sống qua ngày.”
Vấn đề thứ ba, theo ông Cao Hà Trực, là về tinh thần.
“Sau khi họ cưỡng chế, tối hôm đó có một anh bị khủng hoảng thần kinh, anh mang dao đâm vợ. Cuối cùng phải kêu bệnh viện đưa đi để chữa trị. Tinh thần anh ấy nay đã tạm ổn, nhưng lâu lâu thời tiết nóng, anh ấy lại lên cơn lại. Theo tôi biết có hai người [bị khủng hoảng tâm thần], đó là một trường hợp như vậy.”
Đã bắt đầu từ năm 1999, ông Cao Hà Trực cùng khoảng 100 gia đình tiếp tục khiếu kiện sau vụ cưỡng chế năm 2019—khi đi kiện gần, có khoảng 40, 50 người, khi đi xa như Hà Nội, khoảng 10 người trở xuống—nhưng đến nay vẫn “chưa thấy gì sáng sủa”.
“Chính sách của nhà nước là, trên đổ dưới, dưới đổ trên, họ đá bóng. Họ không có cơ quan nào giải quyết theo luật định.”
Ông đã giải thích về lịch sử của Vườn rau Lộc Hưng, nói về Hội Thừa sai Paris, và nhắc đến Hiến pháp 1980, quy định “nguyên cư, nguyên căn, ai ở đâu, người đó ở đó.” Ông cũng giải thích Vườn rau Lộc Hưng đã được “sử dụng ổn định, lâu năm, không tranh chấp” và lẽ ra phải được nhà nước xác nhận cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, họ chỉ “nói nhăng nói cuội” và “nói ngang nói ngược”. “Ngay cả ông Phó Chủ tịch Thành phố là ông Nguyễn Văn Đua, khi tiếp chúng tôi, cũng nói đất là đất của nhà nước, sau năm 1975 đương nhiên đất đai là của nhà nước hết.”
Ông Cao Hà Trực cho biết cho tới nay vẫn chưa được đền bù.
Còn những người nghèo ở Vườn rau Lộc Hưng?
Ông Cao Hà Trực cho biết Giáo xứ Lộc Hưng cũng giúp đỡ cưu mang người nghèo và những người bị bỏ rơi ngoài xã hội, đặc biệt là thương phế binh VNCH, “người ta gọi là người nghèo không ai dám đụng đến”.
Theo lời ông, các Cha của Dòng Chúa Cứu Thế lập nên chương trình tri ân cho các thương phế binh VNCH và tìm được khoảng 7.000 ông sống rải rác khắp nơi từ vỹ tuyến 17.
“Sau khi Cha Giám tỉnh của Dòng Chúa Cứu Thế được đổi đi, chương trình tri ân thương phế binh không còn được hoạt động ở Dòng Chúa Cứu Thế nữa, và các ông phải tiếp tục lang thang.”
Dòng Chúa Cứu Thế đưa 15-16 ông vào cánh đồng ở, và nuôi các ông. Các Cha vẫn tìm cách này cách khác để hỗ trợ và tặng quà cho các thương phế binh khác, còn những người được đưa vào cánh đồng là “những ông quá ngặt nghèo, không thể đi về đâu được”.
Ông Cao Hà Trực cho biết “Sau khi nhà nước cưỡng chế, nhà nước đã đẩy các ông ra ngoài, và các ông sống lây lất ngoài xã hội bây giờ.”
Hiện nay |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét