NỖI NIỀM CỦA MỘT PHỤ NỮ
Điệp Mỹ Linh
Là một phụ nữ thuộc vào một gia đình còn mang nặng tập quán cổ truyền, tôi biết vị trí quan trọng hàng đầu của tôi là cái bếp và gia đình. Không bao giờ tôi có tham vọng muốn vượt ra khỏi vị trí đó.
Nhưng hoàn cảnh đã đưa đẩy tôi và nội tâm đã thôi thúc tôi cho nên tôi phải viết ra những suy tư, những cảm nhận, những ray rứt cũng như những trăn trở của người phụ nữ Việt-Nam trong thời chiến và sau cuộc chiến.
Trong thời chiến, nếu thanh niên Việt-Nam đã hy sinh tuổi trẻ, hay một phần cơ thể, hoặc chính mạng sống của họ thì phụ nữ Viêt-Nam cũng góp phần vào sự hy sinh đó bằng trái tim héo mòn và sự hy sinh bền bỉ; bởi vì, khi một người Lính gục ngã ngoài chiến địa thì một nơi chốn nào đó, trái tim của một phụ nữ – có thể là của Mẹ, của em gái/của người chị/của người tình hay của người vợ – cũng nát tan!
Và sau cuộc chiến, người phụ nữ Việt-Nam cũng đã bị vùi dập dưới mọi hình thức, vì chồng và Cha đều bị tù đày!
Tuy may mắn không rơi vào vị thế đau buồn của những phụ nữ đó, nhưng tâm hồn tôi lúc nào cũng mang nặng những hình ảnh đau thương mà trong những lần tháp tùng theo các đơn vị tác chiến Hải-Quân – dưới sự chỉ huy của Hải-Quân Trung-Tá Hồ-Quang-Minh – chính mắt tôi đã trông thấy.
Vì đã thấy được những gì Người Lính Việt-Nam Cộng-Hòa phải trực diện, tôi hiểu rằng: Không có bút mực nào và cũng không có nhà văn nào đủ khả năng để viết cho hết sự tàn bạo của chiến tranh, sự phi nhân của cuộc chiến, cùng với sự chiến đấu can cường, liều lĩnh đến độ phi thường của Người Lính Việt-Nam Cộng-Hòa. Khi bị xâm lăng, Người Lính Việt-Nam Cộng-Hòa chống trả mãnh liệt. Nhưng khi tiếng súng dứt rồi, Người Lính Việt-Nam Cộng-Hòa trở về với bản chất bao dung, độ lượng của mình.
Thật vậy! Không biết bao nhiêu lần tim tôi đã mềm đi khi thấy anh y tá Việt-Nam Cộng-Hòa (VNCH) trao cho anh tù binh Việt-Cộng mấy viên thuốc kiết lỵ; hoặc khi anh y tá VNCH băng bó vết thương và chích thuốc cầm máu cho anh tù binh Việt-cộng. Tôi cũng đã bồi hồi xúc động trước cảnh Người Lính VNCH mồi sẵn điếu thuốc quân tiếp vụ rồi gắn vào môi anh tù binh thuộc bộ đội miền Bắc xâm nhập hoặc anh du kích Mặt-Trận Giải-Phóng Miền Nam.
Nhưng rồi niềm xúc động trong tôi bỗng biến thành phẫn nộ khi tôi thấy nơi bãi đáp dã chiến hay là nơi đoàn chiến đỉnh đang ủi bãi, từng cơ thể bê bết máu của Người Lính VNCH đang được chuyển lên trực thăng hoặc lên mấy chiếc giang-tốc-đỉnh để tải thương.
Không biết bao nhiêu lần tôi đã khóc khi nhìn theo mấy chiếc giang đỉnh chở xác người mà quân phục của họ là quân phục của Người Lính VNCH! Cũng không biết bao nhiêu lần tôi đã kinh hãi và đớn đau khi thấy mấy anh Người Nhái lặn xuống sông sâu, vớt lên những thây người đã ươn sình, căn phồng lên trong bộ quân phục tác chiến Hải-Quân – những quân nhân này đã chết theo tàu khi chiến đỉnh bị mìn! Những lần giang đoàn tiếp cứu các đơn vị dọc bờ sông, thần kinh tôi đã căn cứng, trí óc tôi gần như tê liệt khi thấy vợ con của mấy anh Nghĩa-Quân trong đồn ngất lịm bên những thây người không toàn vẹn!
Chính những lúc đó lòng tôi vô cùng căm phẫn khi nghĩ đến những lời chỉ trích vô trách nhiệm của một vài tờ báo hoặc của vài cá nhân tự nhận là trí thức đã dành cho Người Lính VNCH. Tôi muốn gào lên: Ai đổ máu nơi này để các anh chị bình yên nơi đô thị, được sum vầy với gia đình, được cắp sách đến trường rồi ung dung viết báo xỏ xiên!
Ngày đó tôi muốn gào lên như vậy. Bây giờ, tuy cuộc chiến đã tàn, nhưng khi khơi lại những hình ảnh đau thương, quằn quại ấy, lòng tôi vẫn ngùn ngụt mối tình cảm xưa. Và xin quý vị cho phép tôi được gào lên: Bất cứ người nào ăn hạt cơm miền Nam, uống ngụm nước bên này bờ Bến-Hải đều cũng phải chịu ơn Người Lính VNCH!
Tôi nghĩ, sau này, dù người viết sử có thiên vị đến đâu chăng nữa, họ cũng không thể không xác định rằng: Ngoài vũ khí cá nhân, Người Lính VNCH còn mang theo trái tim đầy ắp tình đồng loại và nghĩa đồng bào. Người Lính VNCH chỉ giết để khỏi bị giết chứ Người Lính VNCH không hề “Thề phanh thây uống máu quân thù” (1) như anh bộ đội miền Bắc đã được hun đúc từ tấm bé.
Tuy biết rằng sự hy sinh gian khổ của Người Lính VNCH là vô biên, là bất tận và khả năng chữ nghĩa của tôi cũng chỉ giới hạn ở mức độ nào đó, tôi cũng cố gắng viết ra những u uẩn, những thống khổ mà Người Lính VNCH và vợ con của họ phải gánh chịu suốt cuộc chiến tương tàn và sau khi cuộc chiến kết thúc bằng bội ước. Vì vậy, không có một tác phẩm nào của tôi mà hình ảnh Người Lính VNCH không được trang trọng lồng vào trong ấy. Truyện dài Sau Cuộc Chiến của tôi là một điển hình. Ngay trang đầu của tác phẩm ấy tôi đã đề câu:
“Để biết ơn Người Lính Việt-Nam Cộng-Hòa.”
Ngoài việc nói lên sự chiến đấu oai hùng cũng như tinh thần bất khuất của Người Lính VNCH trong cuộc chiến và trong trại cải tạo, tôi còn viết rất nhiều và sẽ viết mãi về những mảnh đời đã trực tiếp hay gián tiếp chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc chiến.
Đó là nói chung về Người Lính VNCH. Bây giờ xin quý vị cho phép tôi được nói về một quân chủng thầm lặng, nhưng những hoạt động quân sự của quân chủng đó trên sông rạch đã làm cho bộ đội miền Bắc xâm nhập hay du kích Mặt-Trận Giải-Phóng Miền Nam phải khiếp đảm. Trong hải phận Việt-Nam quân chủng đó cũng đã làm cho thế giới cảm phục khi dám chống cự với anh Tàu Cộng khổng lồ để bảo vệ lãnh thổ, trong trận hải chiến Hoàng-Sa, ngày 19-1-1974. Và ở vùng cận duyên, quân chủng đó cũng đã làm cho không biết bao nhiêu triệu người trên thế giới xúc động, bàng hoàng trong những cuộc di tản đẩm máu và nước mắt từ tháng Ba cho đến hết tháng Tư năm 1975. Và rồi, dù đã mấy mươi năm qua, ai trong chúng ta có thể quên được niềm buồn tủi, nỗi lo âu khi nhìn đoàn tàu què quặt tiến mà phía trước không định hướng, phía sau không lối về và chung quanh chỉ thấy một màu xanh thẫm của đại dương!
Đại đơn vị mà tôi muốn nói đến là quân chủng Hải-Quân Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa.
Tôi viết nhiều về Hải-Quân VNCH không phải vì tôi thuộc vào đại gia đình Hải-Quân mà chỉ vì tôi đã thấy được rằng: Sau khi thay bộ quân phục tiểu lễ trắng, người lính Hải-Quân là một người Lính thuần túy và là người Lính đúng nghĩa nhất. Thật vậy! Người lính Hải-Quân cũng đi tuần, cũng đi kích. Đó là các đơn vị tác chiến như Giang-Đoàn Xung-Phong, Giang-Đoàn Tuần-Thám, Giang-Đoàn Thủy-Bộ, Giang-Đoàn Ngăn-Chận. Người lính Hải-Quân cũng xông vào lòng địch. Đó là Liên-Đoàn Người Nhái và các toán Biệt-Kích xâm nhập Bắc-Việt bằng PT (Motor Torpedo Boat). Ngoài ra Hải-Quân cũng còn là mục tiêu “ngon lành” nhất cho Việt cộng đánh lén, đặt thủy lôi và bắn sẻ.
Đó là những giang đỉnh tuần tiễu trong sông hẹp và chiến hạm vận chuyển trên sông.
Nếu Hải-Quân chỉ là những anh chàng đẹp trai, hào hoa trong những bộ tiểu lễ trắng phau thì làm thế nào chúng ta có được chiến thắng Vũng-Rô mà Duyên-Đoàn 24 là đơn vị lập công đầu? Làm thế nào chúng ta có được trận Ba-Động với những con kình ngư thuộc Duyên- Đoàn 36 và Giang-Đoàn 23 Xung-Phong? Làm thế nào chúng ta có được Giang-Đoàn 24 Xung-Phong và Giang-Đoàn 30 Xung-Phong – hai đơn vị Hải-Quân thiện chiến đã khuấy động vùng Tam-Giác-Sắt thuộc cục R của Việt-Cộng? Làm thế nào chúng ta có được Giang-Đoàn 26 Xung-Phong mà chiến tích còn tại kinh Trèm-Trẹm (kinh Thứ) và tại kinh Ngang? Làm thế nào chúng ta có được trận thư hùng với Trung Cộng tại Hoàng-Sa để Hạm-Trưởng Ngụy-Văn-Thà chìm vào biển sâu cùng với HQ. 10? Làm thế nào chúng ta có được Giang-Đoàn 43 Ngăn-Chận với mặt trận Tuyên-Nhơn rực lửa của những ngày tháng Ba và tháng Tư năm 1975; để rồi sau đó, Hải-Quân Thiếu Tá Lê-Anh-Tuấn – vị chỉ-huy-trưởng gan dạ và liều lĩnh nhất của Giang-Đoàn 43 Ngăn-Chận – phải tuẩn tiết trên sông Vàm-Cỏ-Tây vào đêm 30 tháng Tư rạng ngày Một tháng Năm năm 1975? Làm thế nào chúng ta có được phục quốc quân Đặng-Hữu-Thân, người xuất thân khóa 12 trường Sĩ-Quan Hải-Quân Nha Trang, và Anh đã bị Việt-Cộng xủ bắn tại trại tù A-30? Làm thế nào chúng ta có được những Biệt-Hải kiệt xuất như Nguyễn-Duyện, người đã xâm nhập Bắc-Việt 65 lần bằng đường biển và Nguyễn-Văn-Kiệt, người từng xâm nhập Bắc-Việt 72 lần, cũng bằng đường biển? v. v...
Ngoài những điều tôi đã nêu trên, Hải-Quân VNCH còn là một quân chủng có truyền thống rất tốt đẹp. Chính nhờ ý thức truyền thống và tinh thần kỹ luật cao cho nên đến giờ phút cuối cùng – trong khi các quân binh chủng khác đã rả ngũ – hệ thống chỉ huy của Hải-Quân VNCH cũng vẫn còn được tôn trọng và quân số tại các đơn vị cũng như chiến hạm vẫn không sai biệt. Nhờ vậy, Hạm-Đội Hải-Quân VNCH mới hoàn tất được trách nhiệm trước lịch sử khi thực hiện những cuộc di tản đầy tính chất bi hùng từ cửa Thuận-An cho đến Phú-Quốc và từ Việt-Nam cho đến Subic Bay, năm 1975.
Trong quân sử Hải-Quân Việt-Nam và Hải Quân quốc tế chưa có một cuộc lui quân nào mà chiến hạm cũng như quân trang, quân dụng được bảo toàn gần như toàn vẹn như cuộc rút quân của Hải-Quân VNCH.
Bằng vào những ngày phiêu bạt cùng các đơn vị Hải-Quân tham chiếm các cuộc hành quân trên sông rạch miền U-Minh/Chương Thiện hoặc cùng các Duyên-Đoàn trong vùng cận duyên và những ngày cuối tháng Tư năm 1975 lênh đênh trên Dương-Vận-Hạm Nha-Trang, HQ. 505, để nhìn Phan-Rang bỏ ngõ, để nghe Phan-Thiết kêu cứu, tôi đã hiểu được khá nhiều về những hoạt động của Hải-Quân VNCH. Vì vậy, đối với tôi, Hải-Quân VNCH lúc nào cũng là biểu tượng của sự tươi trẻ, của sự chiến đấu không ngừng nghỉ, của tình thương bao la và của một truyền thống cao đẹp. Do lòng quý mến đó, cách nay không lâu, tôi đã vượt qua rất nhiều khó khăn và cản trở để thực hiện cuốn tài liệu lịch sử Hải-Quân Việt-Nam Cộng-Hòa Ra Khơi, 1975.
Tôi nghĩ, mai sau, dù lịch sử Việt-Nam có bị kẻ thắng trận bóp méo đến thế nào đi nữa thì những điều do tôi ghi lại một cách vô tư trong cuốn Hải-Quân VNCH Ra Khơi, 1975 cũng sẽ cung ứng nhiều điều hữu ích cho những ai muốn tìm hiểu sự thật.
Nếu không có sự hỗ trợ tích cực của tất cả quý vị trong đại gia đình Hải-Quân VNCH, tôi nghĩ không thể nào tôi có thể thực hiện được cuốn Hải-Quân VNCH Ra Khơi, 1975 một cách đầy đủ và chính xác như vậy. Ngoài những điều do chính tôi tìm tòi và ghi lại một cách rất trung thực, cuốn tài liệu này còn có những bài viết rất giá trị về các quân trường Hải-Quân Pháp và Hải-Quân Hoa-Kỳ do quý vị sĩ quan cao cấp Hải-Quân như cựu Đề-Đốc Lâm-Ngương-Tánh, cựu Phó Đề-Đốc Đặng-Cao-Thăng, cựu Hải-Quân Đại-Tá Nguyễn-Ngọc-Quỳnh, cựu Hải-Quân Trung-Tá Trần-Trúc-Việt và một sĩ quan Hải-Quân Hoa-Kỳ gốc Việt – Cựu Hải Quân Đại Úy Hoàng Quốc Tuấn.
Nhân đây, xin ban tổ chức cũng như quý vị quan khách hiện diện cho phép tôi được cảm ơn quý vị trong đại gia đình Hải-Quân VNCH đã giúp tài liệu hoặc cho phép tôi phỏng vấn hoặc góp bài để tôi hoàn tất cuốn Hải-Quân VNCH Ra Khơi, 1975.
Trước khi dứt lời, tôi xin được cảm ơn ban tổ chức và tôi cũng xin trân trọng cảm ơn quý vị quan khách; vì quý vị đã lắng nghe những lời chân thành nhất của một phụ nữ rất nặng tình với Người Lính Việt-Nam Cộng-Hòa. (2)
ĐIỆP MỸ LINH
http://www.diepmylinh.com/
(1) Quốc ca của Cộng Sản VN.
(2) Bài phát biểu cảm tưởng này được đọc trong ngày Đại Hội của Tổng Hội Hải-Quân và Hàng Hải Thương Thuyền, tại San Jose.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét