Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

Nỗi Lòng ...

GIỚI THIỆU
Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy Cô, quý Đồng Môn và quý Thân Hữu
Bài viết của anh Lê Đức Luận với đôi lời tâm tình của tác giả: Gần ngày 30-4, tôi gởi đến Diễn Đàn NHHN bài "Nỗi Lòng ..." để cùng nhớ về một giai đoạn lịch sử đau thương của Dân Tộc.
Trân trọng Giới thiệu.
NHHN




Trước đây người ta thường bảo muốn có cái nhìn khách quan và trung thực trong một giai đoạn lịch sử cần phải đợi 50 năm sau. Bây giờ với phương tiện truyền thông tân tiến thời gian có ngắn hơn. Nhưng vì nhiều lý do như hoàn cảnh gia đình, xã hội, giáo dục, ý thức hệ, đảng phái ...v...v... và sự thiếu lương thiện nơi con người, nên nhiều sự kiện lịch sử đã khuất lấp, bị bóp méo, vê tròn theo định hướng làm cho các thế hệ sau này muốn tìm hiểu sự thật của lịch sử rất hoang mang ...
Bài này người viết chỉ nói lên nỗi ưu tư về những uẩn khúc trong lịch sử Việt Nam cận đại. Nhiều người đã yêu cầu “PHẢI TRẢ LẠI SỰ THẬT CHO LỊCH SỬ”. Nhưng ai là người có thẩm quyền và đủ uy tín để làm chuyện đó?
Người ta đã viết những sự việc xảy ra từ mắt thấy tai nghe, từ những nguồn tin được đăng tải trên báo chí, từ các phương tiện truyền thông (radio, tv), từ các cuộc phỏng vấn, từ những tin đồn, những giai thoại, hay từ những truyền thuyết mang tính huyền thoại ... Thậm chí từ suy đoán, cảm nghĩ, tưởng tượng theo nhu cầu tuyên truyền cho một định hướng, rồi in thành sách và gọi đó là “lịch sử”.
Có những nhà viết sử chân chính muốn ghi lại trung thực những sự kiện để người đời sau biết những biến cố đã xảy ra trong một giai đoạn nào đó, nhưng không ít người ghi lại lịch sử với những mưu đồ.  Đó chính là vấn đề gây ra những nghi vấn, ngộ nhận và làm mất niềm tin vào những trang sử trung thực ... nhất là lịch sử Việt Nam cận đại.
Cũng chính vì mưu đồ cho một mục đích nào đó mà con người đã chối bỏ đạo đức và lương tri, áp dụng sách lược “nói dối, nói dối, nói dối mãi người ta sẽ tin ...” Đó là một vấn nạn của lịch sử.
Không phải đợi đến khi quyển The Prince (Hoàng Tử) của Niccolo Macheavelli, xuất bản năm 1613 chỉ dẫn các nhà cầm quyền phải biết “nói dối, bưng bít đi kèm với bạo lực”; hay quyển Mein Kampf (Đời Tôi Chiến Đấu) xuất bản năm 1925 tại Đức, theo đó Hitler tẩy não con người, bắt con người phải phục tùng tuyệt đối và áp dụng sách lược "nói dối, nói dối mãi người ta sẽ tin"; còn Joseph Gobbels, bộ trưởng thông tin của Đức Quốc Xã bảo rằng: “Nhồi vào đầu chúng 60% chuyện thật, 40% giả dối, nhồi liên tục đến 1.000 lần, cái láo sẽ làm chúng tin là thật” mà từ  thời Xuân Thu bên Trung Quốc đã áp dụng chuyện “nói dối” cho những mưu đồ. Chuyện rằng: Mẹ Tăng Sâm đang ngồi quay tơ, thì bỗng một người chạy vào nói “Tăng Sâm giết người”. Bà không tin đứa con hiền lành của bà có thể giết người. Lúc sau, một người khác chạy vào bảo, “Tăng Sâm giết người”. Bà hơi giật mình bán tín, bán nghi. Nhưng đến lần thứ ba, một người nữa hớt hãi chạy vào báo, “Tăng Sâm giết người”. Lúc này bà mẹ sợ cuống cuồng, bỗng bật dậy và hốt hoảng chạy ra khỏi nhà ...
Trong những trang sử Việt Nam cận đại có nhiều điều không đúng sự thật -- Chuyện có viết thành không; chuyện không viết thành có; lộng giả thành chân --  Rồi người viết sau trích dẫn sách của người viết trước để cho tác phẩm của mình thêm giá trị vì “viết có sách mách có chứng”. Có ngờ đâu những ông “tiền bối” được người đời gọi là “sử gia” đã viết “bố láo” ... Chuyện anh hùng Lê Văn Tám đã in thành sách - quay thành phim; đã đặt tên đường - tên công viên ... Câu chuyện được viết ra do một GS sử học có tiếng tăm -- ông Trần Huy Liệu -- người từng giữ những chức vụ như trưởng ban nghiên cứu Văn-Sử-Địa, Chủ tịch Hội Khoa Học lịch Sử VN, Phó Chủ Nhiệm Ủy Ban Khoa Học Xã Hội kiêm Viện Trưởng Viện Sử Học của chính quyền Hà Nội, lại là "chuyện láo ". Điều này được ông Phan Huy Lê, GS sử học Đại Học Quốc Gia Hà Nội, từng giữ chức Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN của Miền Bắc cho biết là ông Trần Huy Liệu đã căn dặn – “Đến khi đất nước yên ổn, cần phải nói lên sự thật về câu chuyện Lê Văn Tám. Các anh là nhà sử học nên nói lại giùm tôi, khi tôi không còn ...”

Đây là điều được nói ra từ những sử gia có tên tuổi, tiếng tăm chứ không phải là phường “bá vơ”. Cũng như sau Năm 1975,Việt Cộng phao tin ông Nguyễn Văn Thiệu, cựu Tổng Thống VNCH, mang 16 tấn vàng trong ngân khố quốc gia VNCH ra nước ngoài làm của riêng và sống cuộc đời rất xa hoa, nhiều người đã tin như vậy ... Bây giờ thì ai cũng biết, đó là “chuyện không có thật”.

Cũng chính vì những mưu đồ chính trị, người ta đã áp dụng nhuần nhuyễn sách lược tuyên truyền dối trá, bưng bít kèm theo bạo lực đã  làm cho lòng người bấn loạn, hoài nghi và bơ vơ ... trong lúc giao thời. Cho nên thi sĩ  Vũ Hoàng Chương mới than: “Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ/ Một đôi người u uất nỗi trơ vơ”.

Ngày nay, Internet đã mang lại nguồn thông tin dồi dào, và không ai có thể bưng bít được nữa. Nhưng có một số người thiếu lương thiện đã lợi dụng sự “tự do của Internet” tung lên mạng những tin tức thiếu trung thực hay có dụng ý, khiến cho người đọc ít nhiều đã mất tin tưởng những tin tức trên mạng Internet.
Trong những năm gần đây người ta lại đi tìm sự trung thực của lịch sử qua các hồ sơ được giải mật. Trong các bài viết về lịch sử thường thấy tác giả ghi chú ngày, tháng giải mật và nơi lưu trữ  hồ sơ hay cho in bản sao hồ sơ đó ngay trên bài viết để bảo đảm giá trị của nguồn tin ...  Nhưng ai đã từng đến những thư viện như Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ chẳng hạn để tìm tài liệu cho một bài khảo cứu về lịch sử sẽ thấy một hồ sơ được giải mật không phải bạch hóa mọi vấn đề mà có khi “giải mật từng phần”, ngay cả trên trang giải mật cũng bôi đen vài dòng hay năm ba chữ. Thế là chuyện “bí mật” tưởng đã “bật mí “nào ngờ nó lại “bị mất” --Mất thời giờ, mất hứng thú,- mất cả niềm tin !!! -- Lại trở về với mấy anh chàng mù sờ voi ...
Nói thế thì chẳng tìm đâu ra cội nguồn đích thực của lịch sử. Đó là mối ưu tư và nỗi lòng bâng khuâng  của những người muốn đi tìm SỰ THỰC để trả lại cho LỊCH SỬ.
 Lịch sử Việt Nam trong giai đoạn từ 1945 đến 1975 có nhiều uẩn khúc và phức tạp. Nếu đọc lịch sử VN trong giai đoạn này mà không đối chiếu xuyên suốt; không có những nhận định khách quan, chỉ đếm xác người để luận thành bại thì chẳng khác nào như đọc một chuyện kiếm hiệp ...
Mấy ngày sau khi ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam đến Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn (7-7-2015), người viết ngồi nghe một già, một trẻ bàn luận về lịch sử và chính trị, xin ghi lại để chúng ta cùng suy ngẫm.



Người trẻ là con của một sĩ quan QL/ VNCH. Sau năm 1975 người cha bị đưa vào trại tập trung cải tạo. Anh ta được mẹ nuôi dưỡng và lớn lên, học hành dưới mái trường Xã Hội Chủ Nghĩa. Cách nay mười mấy năm, anh ta cùng gia đình theo cha sang Mỹ dưới diện HO, rồi tiếp tục học tập ở các trường đại học tại Hoa Kỳ - tốt nghiệp kỹ sư điện tử và đang có việc làm tốt tại đây ...
Còn người già là bạn “nối khố” của người viết. Ông không bị đưa vào các trại cải tạo hay nếm trải cái “thú đau thương” dưới chế độ mới, vì thời điểm 1975 ông ta đang tu nghiệp ở Hoa Kỳ. Ông thích đọc và nghiên cứu lịch sử ...
Chuyện bắt đầu bằng câu hỏi của người trẻ:
“Cháu thấy người cộng sản đã hy sinh và chịu quá nhiều gian khổ trong hai cuộc chiến tranh đánh Pháp và chống Mỹ mà tại sao họ cứ bị dân mình chống đối và nguyền rủa?”
Người già trả lời:
“Bởi vì hai cuộc chiến tranh ấy KHÔNG CẦN THIẾT và đã trở nên VÔ ÍCH mà còn làm cho dân ta tốn quá nhiều xương máu.”  
“Tại sao lại thế - Họ đã có công đem lại độc lập và thống nhất đất nước đấy chứ?” Lời người trẻ.
Ông già hỏi lại:
“Sau đệ nhị thế chiến, bọn thực dân đế quốc phương Tây lần luợt phải trao trả độc lập cho các xứ thuộc địa. Vậy theo hiểu biết của cháu thì Việt Nam được độc lập vào ngày nào và dân tộc mình có hưởng được một nền độc lập thực sự hay chưa?”
“Theo sự hiểu biết của cháu: 2 Tháng 9 Năm1945 là ngày Độc Lập của nước ta, nhưng “ Độc Lập dân tộc” còn rất mơ hồ ...” Người trẻ trả lời.
Người già chậm rải nói:
“Nhiều người đã hiểu như thế. Nhưng vào giai đoạn cuối của thế chiến thứ hai, ngày 9-3-1945 Nhật đảo chính Pháp và nắm chính quyền ở Đông Dương. Nhật trao trả độc lập cho Việt Nam ngày 11-3-1945. Vua Bảo Đại công bố hủy bỏ Hòa Ước Patenôtre ký với Pháp năm 1884 và đọc bản tuyên ngôn độc lập, đồng thời ủy nhiệm học giả Trần Trọng Kim thành lập chính phủ. Từ đó quốc hiệu Đế Quốc Việt Nam ra đời; quốc kỳ có nền vàng hình chữ nhật, giữa có hình quẻ ly màu đỏ thẫm; quốc ca là bài Đăng Đàn Cung; vẫn giữ Kinh Đô ở Huế.”  
Vậy  11-3-1945 là ngày Độc Lập đầu tiên của nước ta sau 61 năm bị người Pháp chính thức đặt nền đô hộ trên toàn cõi VN.
Rồi tình hình quân sự và chính trị thế giới có những biến chuyển quan trọng. Ngày 6 và ngày 9 tháng 8 năm1945, Hoa Kỳ đã ném hai quả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản. Nhật Hoàng phải tuyên bố đầu hàng các nước Đồng Minh. Chính phủ Trần Trọng Kim được Nhật bảo trợ lâm vào tình trạng khủng hoảng ...
Lợi dụng tình thế này, trong một cuộc biểu tình của dân chúng và công chức ở Hà Nội để ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim thì  các đảng viên cộng sản núp dưới danh nghĩa Mặt Trận Việt Minh do ông Hồ Chí Minh lãnh đạo đã dùng bạo lực biến cuộc biểu tình này thành cuộc cướp chính quyền từ tay chính phủ Trần Trọng Kim và buộc vua Bảo Đại thoái vị. Ngày 2-9-1945 ông Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên Ngôn Độc Lập tại vườn hoa Ba Đình-Hà Nội, tuyên bố thành lập Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa; ông Hồ Chí Minh lên làm Chủ tịch nước; quốc kỳ là cờ đỏ sao vàng; bài hát Tiến Quân Ca của Văn Cao được chọn làm quốc ca. Lấy Hà Nội làm Thủ Đô.
Tuyên ngôn Độc Lập lần thứ hai đem lại luồng sinh khí mới cho dân tộc. Lúc này khí thế của toàn dân trào dâng niềm hy vọng và phấn khởi. Một cơ hội thuận lợi để xây dựng nền Độc Lập tự chủ cho nước nhà dù thực dân Pháp, nhất là phe Charles  de Gaulle có âm mưu muốn tái lập chế độ thuộc địa ở Đông Dương cũng khó đảo ngược trào lưu của lịch sử. Nhưng bất hạnh cho dân tộc Việt Nam, vừa thoát ách đô hộ của thực dân Pháp không được bao lâu lại rơi vào cảnh chinh chiến điêu tàn !!! .
Nhiều người nghĩ rằng, nếu vua Bảo Đại không thoái vị và chính phủ Trần Trọng Kim còn tồn tại thì lịch sử Việt Nam đã đi vào một ngã rẽ khác, không có nhiều biến động tồi tệ như vậy(?) Và rồi Việt Nam cũng sẽ được Độc Lập như các nước Nam Dương, Miến Điện, Mã Lai, Phi Luật Tân mà không lâm vào cảnh chiến tranh.
Và rằng nếu ông Hồ Chí Minh không theo chủ trương độc tài, đảng trị và sắt máu của “khối Cộng Sản Đệ Tam Quốc Tế” để bành trướng chủ nghĩa cộng sản thì lịch sử VN cận đại không có những trang đầy máu và nước mắt như thế.  
Lịch sử VN đã không đi vào một trong hai chữ “NẾU” đó. Sau khi Việt Minh cướp được chính quyền, đảng Cộng Sản VN tìm đủ mọi cách triệt tiêu các đảng phái có khuynh hướng theo “Chủ Nghĩa Dân Tộc” để giành quyền lãnh đạo độc tôn. Ngay cả việc ký với chính phủ Pháp các Hiệp ước sơ bộ ngày 6-3-1946 và Tạm ước ngày 14-9-1946  rất bất lợi cho nền Độc lập của nước nhà, ông Hồ Chí Minh vẫn tiến hành để có thêm thời gian thanh toán nốt các thành phần không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản.  
Thời gian đó người ta sợ nhất hai tiếng “việt gian” -- Ai không ủng hộ Việt Minh là “việt gian”; cũng như sau năm 1975 người ta sợ hai tiếng “phản động” -- Ai không theo “cách mạng” là “phản động”... Bị gán vào người mấy chữ “việt gian-phản động”, sớm - muộn gì cũng bị loại trừ -- không bị thủ tiêu cũng bị tù đày ...
Đó là nguyên nhân gây nên phân hóa và hận thù giữa những người cùng chung huyết thống.
Các đảng phái theo khuynh hướng lấy “Quốc Gia Dân Tộc” làm gốc cùng những người không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản đã đứng chung một chiến tuyến, vừa đánh thực dân để giành độc lập vừa chống lại sự bành trướng của cộng sản.
Trong tình huống đó, các đoàn thể chính trị thành lập Mặt Trận Thống Nhất Quốc Gia Liên Hiệp (gồm Cao Đài, Hòa Hảo, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt Quốc Dân Đảng ...)  ủng hộ cựu hoàng Bảo Đại đàm phán với Pháp về nền độc lập của VN. Qua nhiều cuộc đàm phán, cuối cùng Tổng Thống Pháp Vincent Auriol và Cựu Hoàng Bảo Đại ký Hiệp Ước Elysée xác nhận nền độc lập của VN vào ngày 8-3-1949. Quốc Gia Việt Nam được thành lập, cựu hoàng Bảo Đại làm Quốc Trưởng; Quốc kỳ là cờ vàng ba sọc đỏ; Quốc ca là bản “Thanh Niên Hành Khúc” của Lưu Hữu Phước. Sài Gòn được chọn làm Thủ Đô.
Vậy sau năm 1945 nước Việt Nam có ba lần tuyên cáo Độc lập - Ngày 11-3-1945; Ngày 2-9-1945; Ngày 8-3-1949 - Nhưng không lâu sau đó, đất nước ta lại đi vào con đường lệ thuộc ngọai bang, và rồi đưa đến những cuộc chiến tranh  huynh đệ tương tàn. Đó là nỗi đau của dân tộc !!!  
Người già ngừng một chút rồi tiếp tục với giọng trầm buồn:
“Cháu nên nhớ trước năm 1945, nước ta có nhiều đảng phái, hoạt động song hành và cùng hướng về một mục đích là giành lại độc lập cho nước nhà chứ không chủ trương tiêu diệt lẫn nhau.
Từ khi hình thành nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, được Liên Xô, Trung Cộng và các nước cộng sản Đông Âu công nhận; rồi Quốc Gia Việt Nam ra đời, được 51 quốc gia trên toàn thế giới công nhận, Tổ quốc Việt Nam đã chia thành hai mảnh -- Một mảnh bị lấp dưới bóng cờ “búa liềm”, để tiến lên “Thế gìới đại đồng” -- Một mảnh che khuất dưới bóng “cờ hoa”, hướng về “Tự do Dân chủ”.
Cũng từ đây, những “xảo diệu” của ngôn từ chính trị được khai thác đến tột đỉnh để kích động lòng yêu nước, nào là:  “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” , hay “ Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho bạn, mà hỏi bạn đã làm gì cho Tổ quốc (lời của TT Kennedy)...”. Rồi các nhà lãnh đạo Đảng Cộng Sản tranh giữ “độc quyền yêu nước” -- Họ đã nhân danh vì “ Độc Lập - Tự Do” mà bắt hằng vạn...vạn người phải tuân theo, nếu không sẽ bị thủ tiêu, tù đày...
Sau chín năm kháng chiến gian khổ, ngày 20-7-1954, một hiệp định đình chiến được ký kết tại Genève (Geneva) trong sự giàn xếp và áp đặt đầy mưu đồ của các cường quốc với sự thỏa thuận của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Đây là một hiệp định đã gây nên thảm họa lâu dài cho dân tộc Việt Nam - Lãnh thổ bị phân chia - Gia đình bị ly tán --Tình tự dân tộc  tiêu tan -- và rồi cả hai miền Nam - Bắc đều mất nền tự chủ để cho các thế lực ngoại bang lợi dụng, tranh giành ảnh hưởng trên xương máu của đồng bào ta qua các cuộc chiến tranh tàn khốc sau này.
Nghe nói sau khi ký kết, phái đoàn của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do ông Phạm Văn Đồng hướng dẫn đã ôm nhau khóc ...Không hiểu họ khóc vì sung sướng hay vì tủi hận bởi Chu Ân Lai, Thủ tướng Trung Cộng thúc ép?... Còn Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ, đại diện cho chính phủ Quốc Gia Việt Nam đã không ký vào Hiêp Định và cũng ra bờ hồ Geneva (Thụy Sĩ) ngồi khóc ... Những giọt nước mắt này đã báo trước sự chẳng lành cho dân tộc VN.
Người trẻ ngắt lời:
“Nhưng theo Hiệp định Genève 1954 qui định chỉ hai năm sau sẽ tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất đất nước kia mà?”
Người già trầm ngâm nói tiếp:
“Tình hình chính trị Việt Nam và thế giới trong giai đoạn này rất phức tạp. Sử liệu rất nhiều, chú không trưng dẫn chi tiết từng trang sử, điều đó cháu có thể tìm đọc các nguồn tài liệu từ hai bên Quốc Gia và Việt Cộng và cả lịch sử thế giới với sự tỉnh táo và đối chiếu cháu sẽ hiểu lý do tại sao.  Ở đây chú chỉ nói lên  thân phận đau buồn của một dân tộc nhược tiểu.”
                    Sau đệ nhị thế chiến, thế giới phân thành hai cực: Thế giới “Tư Bản tự do”, đứng đẩu là Mỹ, Anh, Pháp, và “Cộng Sản chuyên chính”, đứng đầu là Nga, Tàu. Hai thế lực này ra sức tranh giành ảnh hưởng ở các nước chậm tiến hay đang phát triển, đồng thời họ thi nhau chạy đua vũ trang. Người ta gọi đây là"thời kỳ chiến tranh lạnh".
                     Nước Việt Nam ta nằm vào vị thế chiến lược quan trọng trong vùng Á Châu Thái Bình Dương. Khối cộng sản Nga Tàu muốn dùng Miền Bắc làm bàn đạp để “xích hóa” các nước trong vùng ĐNA, nên thúc đẩy Bắc Việt làm đội quân tiên phong dưới chiêu bài “Giải phóng dân tộc” để phản công Tây Phương... Còn phe Tư Bản quyết ngăn chặn làn sóng xâm lăng của cộng sản với học thuyết Domino. Miền Nam VN được xem như quân cờ đầu trong ván bài Domino. Nếu Miền Nam VN lọt vào tay cộng sản sẽ kéo theo sự sụp đổ ở các nước ĐNA. Thế là Miền Nam VN trở thành “Tiền đồn của Thế giới Tự do”. Học thuyết này được Mỹ áp dụng trong nhiều thập niên kể từ thời TT Dwright D. Eisenhower cho đến khi Mỹ bắt tay được với Trung Cộng.
                    Từ ngày anh “bộ đội Cụ Hồ” dùng súng của Nga Tàu đi đánh “anh lính Cộng Hòa” đang ôm súng Mỹ giữ vững “Tiền đồn của Thế giới Tự do”, một luồng  tư tưởng mới “thổi” vào cả hai miền Nam Bắc Việt Nam mà tiếng “thời thượng” gọi là “chiến tranh ý thức hệ”. Các nhà bình luận thời sự chính trị thi nhau “kháo” -- Các tay bồi bút thi nhau “khích”: Hãy xả thân vì nghĩa vụ Quốc Tế vô sản; hay, chúng ta có nghĩa vụ bảo vệ Tiền Đồn Thế giới Tự do. Trong khi nghĩa vụ thiết thân đối với DÂN TÔC ít khi được nhắc đến ...
                       Bất hạnh cho dân tộc Việt Nam là đã có những lãnh tụ “say men quyền lực”. Cho nên đã bị các cường quốc lợi dụng. Từ chiến tranh du kích đưa đến cuộc chiến tranh qui ước, biến quê hương ta thành nơi thử nghiệm vũ khí mới của hai phe Tư bản và Cộng sản, gây ra bao nhiêu thảm họa cho dân tộc VN ...
                    Nói đến đây chú nhớ lại lời của một ông cụ ở Quảng Ngãi khi chú đi làm công tác tuyên truyền - Giải thích Hiệp định Paris.
                  Ông cụ bảo: “Người dân chúng tôi khổ lắm, ban đêm các ông trên núi về bắt dân chúng tụ họp nghe đường lối của “cách mạng”, rồi bắt dân chúng đóng thuế để nuôi đoàn quân đi “giải phóng dân tộc và làm nghĩa vụ quốc tế vô sản”. Ban ngày thì ra đây nghe các ông nói chuyện chính trị “bàn tròn , bàn vuông ...”. Nếu như ngoài Bắc đừng nhận chiến cụ của Nga Tàu; Miền Nam không có Mỹ viện trợ vũ khí thì đất nước này đâu có tang hoang, người dân đâu có chịu cảnh lầm than, chết chóc... Không có vũ khí ngoại bang, các ông chóp bu có tranh giành quyền tước đi đến chỗ xô xát thì bất quá cũng u đầu, sứt trán chứ  đâu đến nỗi bi thảm như thế này ... Cần gì phải mang xác qua tận bên Tây, bên Tàu mà họp cho tốn kém, bảo mấy ổng về đây, về cái làng xa xôi hẻo lánh này cũng được, nghe dân làng nói chuyện phải trái để hòa giải với nhau... Lão già này cứ tưởng tượng nước Việt Nam mình giống như một gia đình có hai anh em, cha mẹ để lại một gia tài mà người nào cũng tham lam muốn hưởng trọn, sinh ra bất hòa, mấy ông hàng xóm thấy vậy xía vào gây thêm chia rẽ. Thế là anh em kiện cáo - đem ruộng , vườn bán cho ông hàng xóm, lấy tiền “cúng” cho mấy ông thầy kiện và quan tòa. Cuối cùng hai anh em đều te tua - trắng tay ...”  
Người trẻ  ngắt lời, đặt câu hỏi:
“Người dân bình thường còn hiểu được như vậy, chẳng lẽ những nhà lãnh đạo chính trị không thấy được hay sao?”
“Có đấy!”  Người già trả lời, rồi ông nói tiếp:
“Tết Nguyên Đán Năm 1963, “Cụ Hồ” đã nhờ Đại sứ Ấn Độ trong Ủy Ban Kiểm Soát Đình Chiến mang tặng “Cụ Ngô” hai cành đào với thiệp chúc Tết. Nhiều người suy luận rằng Cụ Ngô đã thấy trước chiến tranh sẽ đem đến tai họa cho dân tộc, nên không đồng ý cho quân tác chiến của Mỹ vào Miền Nam VN. Lòng yêu nước , thương dân chân thành của Cụ Ngô làm Cụ Hồ ngưỡng mộ -- tặng hai cành đào...Có người lại nghĩ đây là "mưu thâm" của Cụ Hồ chơi "hiểm" Cụ Ngô - làm cho chính phủ Mỹ nghi ngờ quyết tâm chống Cộng của Cụ Ngô (?) ... 
Sau đó Cụ Ngô bị Mỹ tìm cách lật đổ và sát hại. Vậy xem ra Cụ Ngô là chiến sĩ đầu tiên đã hy sinh cho sự nghiệp “chống Mỹ cứu nước”. Trong một chúc thư Cụ Hồ có ghi lời “thương tiếc”.  Cụ Hồ sống thêm mấy năm nữa và chết già nhờ vào lòng trung thành với Marx, với Mao.
Hai Cụ đã đi vào lịch sử Việt Nam cận đại với nhiều ảnh hưởng lớn. Bây giờ một Cụ nằm trong lăng tẩm nguy nga, một Cụ nằm dưới nấm mồ hiu quạnh, không biết Hai Cụ có nhìn thấy cảnh chinh chiến điêu linh trong mấy chục năm trường mà con dân đã gánh chịu và giờ đây  có nhìn về quê hương VN đang điêu đứng trước nạn xâm lược của giặc Tàu?
Nói đến đây ông bạn già tỏ vẻ u buồn quay sang hỏi tôi:
“Ông là người có nhiều “ân oán” với cộng sản, họ nhốt ông bảy, tám năm trong “trại cải tạo”, vậy ông cho biết cảm nghĩ thế nào về việc dân chúng mình cứ chống đối và nguyền rủa những người cộng sản, như cháu nó vừa đặt câu hỏi.”
“Tôi chẳng oán hận gì về việc bị tù đày cả -- Bên thắng hành hạ bên thua là chuyện thường tình ... Tôi chỉ hận là họ dùng mọi thủ đoạn để cướp chính quyền, chiếm Miền Nam, nhưng rồi không  đem lại hạnh phúc cho toàn dân và đã làm cho đất nước suy đồi ... Nhìn lân bang mà tủi hổ cho đất nước, cho dân tộc mình.”
Ông bạn già nổi nóng, mặt đỏ lên, gằn giọng hỏi tôi:
“Ông mà cũng dùng chữ “Bên thắng - Bên thua” à?. Những tiếng người ta “áp đặt” mà cứ dùng thành quen miệng rồi để thành “phản xạ”. Những ngày sau 75, rất thường nghe mấy tiếng “giải phóng”, “cách mạng”, “ngụy”... Dần dà những tiếng ấy ít thấy xuất hiện trên báo chí; dân chúng không còn dùng mấy tiếng đó để gọi người bên Quốc Gia hay Cộng Sản vì sự thực của lịch sử đã được phơi bày cho họ HIỂU và thực trạng xã hội đã cho họ THẤY...”
“Bây giờ thì đẻ ra chữ “Bên Thắng Cuộc”- Thắng “cái con mẹ gì” -- Ông vạch cho tôi thấy họ thắng ở chỗ nào? -- Tôi chỉ thấy từ chết đến bị thương thôi...Vậy mà có người dùng chữ ấy trong văn nói và cả trong văn viết, thế mới lạ ...”
Ông bạn già nổi cơn giận, nói năng  thoải mái và có thái độ hung hăng như hồi trẻ, còn đi học và hình như quên có thằng cháu trẻ ngồi bên cạnh. Tôi tìm cách hạ hỏa:
“Ý ông muốn nói đến quyển “Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức chứ gì? Ông đã đọc hết chưa?”
“Đọc hết rồi - Cũng ba cái chuyện “thâm cung bí sử”- những thủ đoạn  lừa đảo hay khôn vặt của các tay lãnh tụ cộng sản - đúng sai thời gian sẽ trả lời. “Bố láo” là cái tên sách”.
Tôi thêm vào cho vui câu chuyện:
“Thì ông hay thích đọc những chuyện “thâm cung bí sử”. Nhớ cái thời trọ học ở Nha Trang, ông nhịn gói xôi điểm tâm buổi sáng để mua mấy tờ báo kể chuyện “ Đệ Nhất Phu Nhân”; có khi ông đọc say sưa quên cả học bài thi ...Tôi nhớ năm đó ông “đội sổ”. Bây giờ y viết ra những điều ít ai biết, thế là gãi đúng chỗ ngứa của ông rồi ...?”
“Y đọc lịch sử chưa “tới”, nên mới đặt tên sách “ bố láo “ như vậy, nhưng “bực” là nhiều người đã dùng chữ này của y mà không suy xét và còn gán thêm chữ “Bên thua cuộc”cho đối nhau”.
Nói đến đây ông già đẩy sang tôi xấp giấy photo copy, rồi tiếp:
“Ông đọc sẽ thấy “ai thắng ai “, “ai giải phóng ai” - Ai là “Bên thắng cuộc”.
Tôi liền bán cái:
“Ông đã đọc rồi thì giải thích cho mọi người nghe luôn.”
Ông già được thể, đổi thế ngồi, chiêu ngụm nước, vào đề:


“Ngày 30-4-1975, các anh “bộ đội Cụ Hồ” lái xe tăng ủi sập  cổng Dinh Độc Lập , cắm cờ MTGPMN trên nóc dinh “TT ngụy” thì ở Hoa Thịnh Đốn, Kissinger đã nhảy cửng lên, vươn hai tay hình chữ V, thét lớn : “chúng ta thắng rồi”... Thắng vì “xù” được 3 tỷ 2 tiền bồi thường chiến tranh. Nhưng đây mới chỉ là “Màn Thứ Nhất”; Màn kế tiếp là “mười năm cấm vận” làm cho Việt cộng “hụt hơi”...phải cầu cạnh Mỹ thì ai cũng thấy. Rồi Mỹ ra tay nghĩa hiệp cho VN vào WTO (World Trade Organization), TPP (Trans-Pacific Partnership), tình hữu nghị của hai nước Việt-Mỹ trở nên “thắm thiết” ...”Thắm thiết” không phải vì “núi liền núi - sông liền sông” hay “môi hở răng lạnh” mà vì cái biển Thái Bình ...Rồi nay mai “chúng nó” đánh nhau họ lại hô hào dân ta hãy “Vượt Trùng Dương đi cứu Biển” như trước đây đã kêu gọi thanh niên Miền Bắc “Vượt Trường Sơn đi cứu nước”.
Gần hai mươi năm quyết đánh cho “Mỹ cút, Ngụy nhào”, bao nhiêu sinh mạng đã bị vùi dập trên rừng Trường Sơn hay trong các làng mạc, phố phường Miền Nam, nay lại mời Mỹ trở lại,  Thế là "công cốc"- Giã tràng xe cát biển đông - Vậy không nói là “Vô Ích” thì dùng tiếng gì đây?”
Từ ngày Kissinger giả đò “đau bụng”(8-7-1971), trốn đám ký giả ở Pakistan, bí mật bay sang Bắc Kinh gặp Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai. Ngày 28-2-1972, Thông cáo chung  Thượng Hải giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ra đời, số phận Việt Nam đã được định đoạt ..
Nhưng không phải đợi đến năm 1972, mà trước đó “sư phụ” của Mỹ, tướng độc nhãn Moshe Dayan, Bộ trưởng quốc phòng Do Thái đã đến Việt Nam xem xét tình hình, rồi khuyến cáo - “Muốn thắng cộng sản, phải để cộng sản thắng trước trong cuộc chiến tranh này”. Sau này “đệ tử” Kissinger có lẽ nghe theo lời khuyến cáo đó, đã bằng đủ mọi thủ đoạn triệt tiêu VNCH.
Lẽ ra từ 1968 trở đi không cần phải mất hằng triệu sinh linh như đã xảy ra, nhưng các người lãnh đạo Mìền Bắc vẫn tiếp tục đưa cán bộ, bộ đội “đi B” (vào chiến trường Miền Nam) để rồi một số vĩnh viễn không trở lại với ánh sáng mặt trời ...Còn Miền Nam phải chống trả nhiều cuộc tấn công  -- Tết Mậu Thân , Quảng Trị, Bình Long-An Lộc ... Nghĩ  lại, người VN nào mà không thấy xót xa về Tết Mậu Thân, cho một Đại Lộ Kinh Hoàng, cho Mùa Hè Đỏ Lửa  (theo tiếng của Phan Nhật  Nam) và những trận “mưa bom” trên đất Bắc.
Nếu như những người lãnh đạo hồi đó sáng suốt thì máu của con dân VN đã không đổ ra cho một cuộc chiến tranh “KHÔNG CẦN THIẾT” như  vậy ...

Ông già chỉ vào xấp giấy copy bảo tôi:
“Ông đọc các hồ sơ này sẽ thấy dã tâm của  cường quốc và thân phận người dân xứ nhược tiểu... -- Trong cuộc chiến hai mươi năm, cả hai Miền Nam - Bắc nhận súng đạn của chúng (các cường quốc) đánh nhau đến “trời long đất lở”... Đến khi chúng chán cái màn “tọa sơn quan hổ đấu” -- Chúng quay sang thương lượng, mặc cả trên xương máu và sự đau khổ của dân tộc mình”.
Ông già với giọng đầy phẩn uất, tiếp tục nói:
“Ông xem Chu Ân Lai và Kissinger đã bàn thảo, định đoạt số phận của Việt Nam như thế nào -- Khi Hoa kỳ và Trung Cộng bắt tay nhau việc đầu tiên là giải quyết chiến tranh Việt Nam trên căn bản “Hai bên đều có lợi” -- Phía Hoa Kỳ có nhu cầu rút quân trong “danh dự”. Thế nào gọi là “rút quân trong danh dự”? - là “phải có thời gian vừa đủ”(decent interval) sau khi Mỹ rút quân, nghĩa là phải để Miền Nam sống còn một thời gian. Trung Quốc phải kềm chế Hà Nội, không để cho Hà Nội tiến hành cuộc xâm lăng Miến Nam sớm hơn dự định. Cho nên Chu Ân Lai đã đề nghị với Lê Duẫn thôi nhận viện trợ của Liên Xô, Trung Quốc sẽ “viện trợ trọn gói”, nhưng kinh nghiệm đau thương của hiệp định Genève, Lê Duẫn không theo lời “bảo” của Chu Ân Lai vẫn tiếp tục nhận viện trợ của Nga. Còn nhu cầu của phía Trung Quốc là được làm chủ tình hình ở VN, Hoa kỳ không được can thiệp vào. Hai bên cam kết “nước sông không phạm nước giếng” (nói theo kiểu chuyện kiếm hiệp của Kim Dung)”.
Họ (HK và TQ) đã giữ lời hứa, cho nên khi B-52 Mỹ dội bom xuống Hà Nội và Hải Phòng từ ngày 18-12-1972 đến 29-12- 1972 -- Mỹ gọi là chiến dịch Linerbacker II (Linerbacker I, thực hiện hồi tháng 5-1972 để xem khả năng phòng không của Bắc Việt) để cảnh cáo Lê Đức Thọ, trưởng phái đoàn Hòa đàm Ba Lê “cái tật vừa đánh vừa đàm”, bỏ hội nghị (15-12-1972) về Hà Nội không hẹn ngày trở lại, làm cuộc hòa đàm bế tắc. Mười hai ngày đêm oanh tạc đã gây thiệt nặng nề cho Bắc Việt (thật ra chỉ có 11 ngày, vì Mỹ ngừng dội bom ngày Giáng Sinh), vậy mà “đàn anh” Trung quốc quên cái “Nghĩa vụ quốc tế”, chẳng có hành động cụ thể nào để cứu “đàn em” đang te tua ...”



Và sau này Hoa kỳ đã “đáp lễ” trong vụ “Hải chiến Hoàng Sa”. Họ đã làm ngơ, quên đi những “cam kết với đồng minh”, để cho tàu Hải quân VNCH đơn phương đánh lại tàu Trung Quốc mạnh hơn rất nhiều, đang tiến chiếm đảo Hoàng Sa của Việt Nam, trong khi Hạm Đội 7 của Mỹ đang hoạt động bao vùng ở gần đó. Như vậy là “nước sông không phạm nước giếng” -- Mỹ để cho Trung Cộng tự do hành động.
Đọc mấy trang hồi ký của Khrusov, cựu Tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô, mới thấy cái “đểu”của các cường quốc đối với các nước “nhược tiểu chư hầu”. Y nói: Nếu như Nixon tiếp tục oanh tạc vài ngày nữa, Mỹ sẽ làm chủ bầu trời Miền Bắc, vì không còn hỏa tiễn SAM để hạ máy bay B-52, Hà Nội sẽ đầu hàng. Nhưng Nga cũng khuyến cáo Mỹ chớ đi quá xa, hành động “vừa đủ” để khuất phục Hà Nội thì Nga sẽ không gởi thêm hỏa tiễn SAM và sẽ giúp Mỹ giải quyết chiến tranh VN. Mỹ đã hành động “vừa đủ”- Ngưng ném bom - Lê Đức Thọ đã trở lại Paris ký kết Hiệp định theo điều kiện của Mỹ về vấn đề tù binh ... Y còn tiết lộ thêm, Nga cũng chỉ viện trợ cho Bắc Việt “vừa đủ” để chống lại các vũ khí tối tân của Mỹ. 
Báo chí Hà Nội loan tải rằng đã thắng Mỹ trong trận chiến “Điện Biên Phủ Trên Không”. Xem ra thì chẳng khác nào mấy anh chàng ngồi đáy giếng xem “chúng nó” chơi trò “điện tử” trên không. Vì khi phóng các hỏa tiễn SA-4, SA-5 lên máy bay B-52 đều có chuyên viên Nga cố vấn kỹ thuật ...chứ “o du kích” mò mẫm khẩu súng ba càng “bóp cò” vài cái thì làm sao đạn tới được B-52...?.
Bây giờ ông già có vẻ bình tỉnh hơn, chua chát nói:
“Bên nhận được viện trợ cũng chết - Bên không nhận được cũng chết... Cả dân tộc ta đều chết !!!”
“Đấy cháu xem, anh “lính Cộng Hòa”, trong đó có ba cháu,  bao nhiêu năm ôm súng của Mỹ, bảo vệ “tiền đồn” cho Thế giới Tự Do. Đến khi Mỹ bắt tay được với Trung cộng  -- bàn cờ chính trị thế giới được sắp lại, vai trò anh lính cộng hòa không còn cần thiết nên không nhận được viện trợ. Bấy giờ anh chỉ mong “đủ đạn”... để bảo vệ mảnh đất quê hương, không để Miền Bắc tràn vào. Nhưng nào có được, anh bàng hoàng theo lịnh “buông súng đầu hàng...”
Còn anh “Bộ đội Cụ Hồ”, nhận được viện trợ dồi dào từ phía Nga Tàu- Súng đạn ê hề tha hồ mà bắn - bắn vào anh lính Cộng Hòa, bắn vào thành phố, tấn công vũ bão, khói lửa tơi bời  ... Nhưng “Anh Ba” (Ba Tàu) ghi sổ từng viên đạn, từng bánh lương khô v...v...Chiếm xong Miền Nam “Anh Ba” bắt đầu tính sổ đòi nợ; không trả nổi “Anh Ba” lấy đất, tước đảo, giành biển và bắt buộc theo những điều kiện Anh Ba đề ra...Kèn cựa - cự nự. Anh Ba “Dạy cho một bài học” (chiến tranh biên giới Hoa Việt 1979).
 Cái hệ lụy của 2 cuộc chiến tranh kéo dài đến nay vẫn chưa dứt, bởi vì chính phủ Hà Nội lệ thuộc và vay mượn quá nhiều vào Bắc Kinh trong 2 cuộc chiến tranh đó. Lê Duẫn, tổng bí thư đảng cộng sản VN đã từng tuyên bố:  “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô và Trung Quốc”.
Người trẻ trầm ngâm rồi phát biểu:
“Vậy “mất” nhiều mà “được” chẳng bao nhiêu?”
“Ừ!  Được “một” mà mất “mười” -- Đảng cộng sản giành được quyền thống trị -- một số đảng viên được hưởng lợi - trở nên giàu có ... Còn Nước thì mất đất, mất đảo, mất biển; Dân thì mất tự do dân chủ...”
Khi tàn cuộc chiến “anh lính Cộng Hòa” te tua trong các trại tù “cải tạo” hay lưu lạc nơi đất khách quê người ... Còn “anh bộ đội Cụ Hồ” sau khi “giải phóng” Miền Nam được thân nhân di cư vào Nam từ năm 1954 tặng cho cái “đổng”, cái “đài”, rồi cũng trở về với ruộng đồng lam lũ ... Ở thành phố Sài gòn, người ta thấy bên này đường anh thương binh bộ đội Cụ Hồ bày “đồ nghề” ngồi vá lốp xe đạp - Bên kia đường anh thương binh lính Cộng Hòa vêu vao ngồi đợi khách sau “tủ” bán thuốc lá lẻ. Ở Hà Nội, có những “anh hùng Điện Biên” ngày nào, bây gìờ tất tả đạp xe từ ngoại thành, đèo theo những bó rau muống vào bán cho khách ở chợ Đồng Xuân. Càng nói càng thấy đau lòng ...
Cho nên chớ có cường điệu “Bên thắng-Bên thua” trong cuộc chiến Quốc- Cộng vừa qua. Đây là cuộc chiến tranh “ủy nhiệm” do các cường quốc “áp đặt” thông qua những những người lãnh đạo VN “say men quyền lực” làm cho đất nước ta tang hoang, dân tộc ta điêu đứng ...


Phải “thấy” trong mấy mươi năm qua Dân tộc Việt Nam đã “THUA TO” trong “canh bạc chính trị thế giới”.
Phải "nói"  Hoa Kỳ và Trung Quốc đã “THẮNG” trong cuộc chiến tranh này. Chúng ta -- cả hai Miền Nam -- Bắc đều “THUA”. Phải xóa bỏ cái “ảo tưởng chiến thắng” và cái “mặc cảm chiến bại” mà cùng nhau xây dựng lại quê hương để mong theo kịp với các lân bang ...
Chớ “cường điệu” mà tạo nên sự “hãnh tiến vô lối”. Nó chỉ khơi thêm “niềm đau dân tộc”...
Nên “hiểu” đảng phái từ dân tộc mà ra - Đảng phái có thể đổi thay-không tồn tại. Nhưng Dân tộc sẽ trường tồn. Cho nên phải đặt quyền lợi Dân Tộc lên trên hết thảy ...
Đừng mơ tưởng “một thế giới đại đồng” hay tin tưởng vào những cam kết của “đồng minh”... Không một Quốc gia Dân tộc nào cống hiến quyền lợi của mình cho một xứ sở khác mà không có đìều kiện.
“Bác ái và tình thương” chỉ tìm thấy nơi tôn giáo. Chớ có đi tìm nó trong chính trị ... Cho nên nuôi dưỡng ý chí “tự lực-tự cường”; giữ gìn thể thống Quốc Gia và tự ái Dân Tộc để khỏi hổ thẹn với tiền nhân và không để lại tủi nhục cho con cháu ...
Phải thấy những khuyết điểm, sai lầm của người đi trước để rút kinh nghiệm mà điều chỉnh hành động ở đời này và khuyên bảo những thế hệ mai sau ....
Người xưa đã nói: “Người thầy thuốc sai lầm giết chết một bệnh nhân; người làm chính trị sai lầm hủy diệt một dân tộc; người làm văn hóa tư tưởng sai lầm sẽ thui chột một vài thế hệ”.
Buổi chiều mùa Thu, ngồi nghe một già, một trẻ bàn chuyện chính sự, tôi thấy lòng buồn rười rượi ... Nhìn những chiếc lá vàng lìa cành và biết nó sẽ trải qua mùa đông băng gíá rồi sẽ tan vào lòng đất...  Mùa Xuân đến cũng từ nơi lá rụng sẽ nẩy chồi, thay lá mượt mà hơn. Bỗng dưng tôi liên tưởng đến những biến chuyển chính trị của nước nhà ...Thế hệ già nua, giáo điều nên ra đi để thế hệ trẻ viết nên những trang sử vẻ vang cho dân tộc Việt.
Tôi tin tưởng và hy vọng rồi sẽ như thế ...
Lê Đức Luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét