TIỄN ĐƯA THẦY PHAN VĂN LUẬN VỀ NƠI AN NGHỈ CUỐI CÙNG
Trần Hoàng Phước Hậu
Thứ Bảy, ngày 26-3-2016, gia đình Nguyễn Huệ Bắc
Cali tổ chức đến Elk Grove dự tang lễ thầy Phan Văn Luận. Phái đoàn đi trên 2
xe van khởi hành lúc 7:00 sáng gồm có thầy cô Nguyễn Khoa Đằng, các anh chị
Đặng Duy Nhượng, Hoàng Thanh Phước, Phạm Lan Anh, Nguyễn Đình Cai, Phan My, Hà
Thị Hoa, Lưu Phúc Phương, Lê Thị Cúc, Trần Hoàng Thân.
Xe do anh Đặng Duy Nhượng lái đi theo xa lộ 80 đến
Gold River đón thầy Nguyễn Đình Quỹ, xe do anh Trần Hoàng Thân lái đi theo xa
lộ 5 đón anh Hà Công Trí ở Pleasanton. Cả hai xe đến nhà quàn lúc 10:15
am.
Chúng
tôi cùng nhau vào ngõ lời chia buồn cùng tang quyến cũng như viếng thầy lần
cuối. Những ánh mắt nhìn nhau ngậm ngùi trong ngày tiễn biệt vị thấy kính yêu.
Đến
giờ hành lễ, chuẩn bị di quan, hương khói thoảng bay, lời kinh cầu nguyện... bao người thân trước bàn thờ, người con trai
trưởng đọc qua tiểu sử của thầy, mình mới thấy thật tuyệt vời một đời sống vươn
lên từ những khó khăn cực nhọc: "Từ một tài xế xe đò ra vào trên tuyến đường Lăng Cô - Huế bao năm
trời, ban ngày lái xe chở khách, đêm về cố gắng chăm lo đèn sách. Thầy dạy là
những người đồng trang lứa. Giữa thập niên 60, ghi danh học Anh văn trong
chương trình Việt Mỹ. Thi đậu tú tài II, vào dạy giờ cho trường Nguyễn Huệ, Tuy
Hòa hai năm. Sau được học bổng du học ở Hoa Kỳ, trở về quê hương dạy ở đại học
Huế..."
Sự
chịu khó, chăm chỉ đã đưa thầy Phan Văn Luận vào một tương lai xán lạn tại quê
nhà. Sau biến cố tháng 4... Thầy và gia đình đã đến Hoa kỳ, vẫn tinh thần hiếu
học, tuy tuổi đã cao, thầy vẫn không bỏ phí thời gian sống của mình, chăm lo
học tiếp, và dùng kiến thức của mình để giúp cho xã hội thăng tiến.
Nói
lên điều trên như một sự cảm phục thầy cũng như nhắc nhở chung cho tất cả chúng
ta một tấm gương hiếu học, một ý chí kiên cường, vượt mọi khó khăn để vươn lên
trong cuộc sống.
"Hôm nay thầy nằm
xuống, giã từ cõi tạm để về cõi thiên thu vĩnh hằng, điều thầy để lại cho chúng
ta quý nhất là tấm gương sống - chiến đấu - cầu tiến của thầy cho đời sau",
như lời của thầy Nguyễn Đình Quỹ để tiễn biệt đồng nghiệp mình.
Trưởng nam đọc tiểu sử thầy Phan Văn Luận
Chúng
tôi đưa thầy về Nghĩa Trang Việt Nam (Vietnamese Memorial Park) ở Sacramento, nơi
thầy sẽ an nghỉ ngàn thu cùng với những đồng hương đi trước. Những đóa hoa tình
nghĩa rải xuống quan tài, nước mắt, nỗi buồn, niềm thương tiếc... chắc là vô
cùng vô tận!
Thương
tiếc thầy Phan Văn Luận càng làm cho mình nhớ đến "tấm gương cuộc sống"
mà thầy đã để lại cho hậu nhân, kính lắm thay!!!
(THPH)
Xin mời click vào Link chữ đỏ để xem thêm hình
Cuộc Đời của Thầy Phan Văn Luận
Kính bạch thầy trụ trì và
các chư tăng của chùa Kim Quang
Kính thưa quý bác, quý
cô chú, quý anh chị, và tất cả các bạn, các em, và các cháu.
Hôm nay là ngày 26
tháng 3 năm 2016 (nhằm ngày 18 tháng 2 năm Bính Thân âm lịch) là ngày tang lễ của
chồng, cha, ông nội, ông ngoại, ông cố của chúng tôi: là Phan Văn Luận. Mất
ngày 19 tháng 3 năm 2016 (tức ngày 11 tháng 2 năm Bính Thân âm lịch). Hưởng thọ
89 tuổi.
Đại gia đình của chúng
tôi kính xin một vài phút để được nói đôi lời về cuộc đời của ông Phan Văn Luận.
Nếu có một ai trong quý vị đã từng đón xe đò đi từ Huế đến Lăng Cô tại Thừa
Thiên, Huế vào thập niên 50 và đã có dịp gặp bác tài có tên là chú Bốn (thứ tư),
thì đó là Ba của chúng tôi vào thuở thiếu thời. Ba của chúng tôi đã bị mồ côi
cha từ thuở nhỏ và không được ăn học đến nơi đến chốn, nhưng ông ta lúc nào
cũng mơ ước được thành tài. Vì vậy, ngoài những giờ dài lái xe kiếm sống, có
bao nhiêu giờ rảnh ông đều miệt mài tự học thêm chương trình trung học với hy vọng
là sẽ thi đậu được bằng Tú Tài. Với tình thương yêu sâu đậm và sự động viên của
người vợ hiền đã giúp ông ăn học và cuối cùng đã thi đậu cả 2 bằng tú tài bán
và tú tài toàn phần trong một thời gian ngắn. Sau đó ông được bổ nhiệm dạy học ở
trường Trung Học Nguyễn Huệ, Tuy Hòa, Phú Yên một thời gian và được cấp học bổng
để đi du học ở Mỹ vào năm 1966, khoảng 38 tuổi.
Trở về nước sau 3 năm
hoàn tất xong chương trình phân ngành giáo dục để lấy bằng cử nhân (B.S) và một
phần chương trình bằng cao học (Master) ngành giáo dục của Mỹ ở trường Florida
State University vào năm 1968 (lúc 40 tuổi), ông đã làm giáo sư dạy tại các đại
học ở Huế như: y khoa, luật khoa, văn khoa, sư phạm v.v... Đồng thời ông còn giữ
chức vụ là cố vấn giáo dục của cơ quan của Mỹ tên là "CORDS", là
chương trình bình định và phát triển nông thôn.
Trong suốt thời gian giữ
chức vụ này, ông đã giúp xây dựng không biết bao nhiêu trường học nghèo ở những
thôn xóm xa xôi hẻo lánh, nơi mà trẻ em không có điều kiện để hưởng được một nền
giáo dục tốt. Ngoài ra ông còn bỏ rất nhiều thời giờ để dạy thêm cho những học
trò nghèo mà không đủ điều kiện. Vì vậy cho đến ngày nay rất nhiều học trò,
sinh viên và đồng nghiệp vẫn nhớ đến ông trong hình ảnh của một người thầy chân
chính đầy nhiệt huyết và giàu tình thương.
Định cư tại Mỹ vào năm
1991, ông vẫn không ngừng theo đuổi mối đam mê suốt đời của mình: đó là việc học
hành, tìm hiểu để dùng kiến thức giúp đời. Cho nên tuy đã ở độ tuổi 71, ông vẫn
ghi danh vào học tại California State University, Sacramento để tiếp tục hoàn tất
chương trình cao học chuyên ngành giáo dục (Master of Arts in Education) vào
năm 2000. Cho nên khi ông làm luận án ra trường thì ông đã quyết định viết một
cuốn sách chỉ nam để giúp đỡ giáo viên tại Mỹ về những cách dạy hữu hiệu nhất
trong việc đào tạo những học sinh di dân Việt Nam tại học đường Mỹ. Luận án đó
tên là "A handbook for teachers teaching Vietnamese refugee Students in
American School". Luận án đó vẫn đang được lưu hành ở tại thư viện của trường
Sacramento State University và hiện tại vẫn đang được nhiều giáo sư tham khảo.
Kính thưa Ba, những gì
Ba đã đạt được trong đời nhờ đức tính kiên định, tự lập, và không ngại khó sẽ
luôn luôn là chuẩn mực cho chúng con noi gương theo. Ba ơi, chúng con luôn
thương yêu và rất hãnh diện đã được Ba sinh ra trên đời và được làm con của Ba.
Chúng con tâm nguyện suốt đời sẽ cố gắng sống, làm việc, và yêu thương nhau
theo đúng những lời Ba dạy.
"Ba ơi! đâu mất Ba
rồi,
Nhưng tâm vẫn nguyện suốt
đời yêu Ba".
Cuối cùng, toàn thể gia
đình chúng tôi kính xin tỏ lòng tri ân đến Bạch Thầy trụ trì và các chư tăng
cũng như các ban hộ niệm đã bỏ nhiều công sức và thời gian để cầu nguyện và làm
tang lễ của Ba chúng tôi. Tiếp đến, đại gia đình chúng tôi xin thành thật cảm tạ
tất cả quý vị đã đến chia buồn và tiễn đưa thân phụ của chúng tôi về nơi an nghỉ
cuối cùng. Gia đình chúng tôi cũng xin chân thành cám ơn quý khách phương xa
cho dù không đến dự tang lễ của ba chúng tôi, vẫn gửi những vòng hoa và những lời
phân ưu. Trong lúc tang gia bối rối, sẽ không sao tránh khỏi những điều sơ suất,
kính xin quý vị niệm tình tha thứ.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Kính,
Gia đình họ Phan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét