Năm 1963, sau khi tốt nghiệp Tú tài 2 (tú
tài toàn phần ban C), tôi chọn thi vào trường Đại Học Sư Phạm ban Việt Hán. Hồi
ấy, Sư Phạm rất có giá trị và được trọng nể (khác với bây giờ) vì vào học ở đó,
sinh viên có rất nhiều quyền lợi:
-
Toàn bộ sinh viên được hưởng học bổng suốt 4 năm học (kể cả những người ở lại
lớp 1 năm), mỗi tháng được lãnh 1500 đồng đủ để chi tiêu sung túc vì hồi đó
vàng 700 đồng/chỉ.
-
Khi ra trường được bổ dụng ngay làm giáo sư đệ nhị cấp chánh ngạch (nghĩa là
vào biên chế ngay). Với quy chế này, nếu mình có bị gọi nhập ngũ thì cũng được
hưởng lương giáo sư nhiều gấp 2 lần lương chuẩn úy (hồi 1967, lương chuẩn úy
khoảng 4000 đồng chỉ số 250, trong khi lương giáo sư đệ nhị cấp được 8000 đồng
chỉ số 470).
Bởi thế rất nhiều người nộp đơn dự thi Sư
Phạm. Ban của tôi có hơn 100 người thi và lấy đỗ 22 người. Thí sinh phải qua 2
kỳ thi: viết và vấn đáp.
Kỳ thi viết diễn ra ở giảng đường C (rạp
hát Morin cũ, sức chứa khoảng 250 người) và trải qua 3 môn: Giảng văn, Văn học
Sử và Pháp văn. Thi xong độ một tuần thì có bảng để vào vấn đáp. Ở phần thi
này, chúng tôi chịu sự sát hạch của 3 vị giáo sư: thầy Lê Hữu Mục, thầy Đoàn
Khoách và một vị nữa mà tôi quên tên. Họ hỏi đủ vấn đề về văn học Việt Nam, đủ
tác giả, chẳng giới hạn ở một chương trình nào. Mỗi thí sinh trả lời khoảng 30
phút và đều cảm thấy hoang mang, lo lắng vì thấy mình trả lời ít song suốt,
nhiều sai sót. Nhưng rồi cuối cùng tôi cũng đỗ khá cao, thứ 7/22.
Khóa chúng tôi là khóa đầu tiên học 4 năm
(trước đó chỉ học 3 năm) mang tên là: Dự bị Sư Phạm, Năm 1, Năm 2, Năm 3. Sau
này, danh xưng có thay đổi nhưng đại khái cũng học 4 năm. Năm dự bị chúng tôi
học với các vị sau: thầy Lê Hữu Mục (người Bắc, to, cao,phát biểu hùng hồn)
thầy phụ trách Văn học Việt Nam và chữ Nôm; thầy Đoàn Khoách dạy lý luận Văn
học và chữ Hán; thầy Phạm Lương Hàn dạy tác phẩm Hán văn; thầy Pierre Đỗ Đình
dạy Triết học Trung Hoa; thầy Lê Khắc Phò dạy tác phẩm Pháp văn; thầy Bonzon
dạy phân tích văn phạm.
Lần đầu tiên tiếp xúc với chữ Nôm, chúng
tôi rất bỡ ngỡ mà thầy Mục lại nghiêm khắc khiến chúng tôi lao đao, vất vả. Sau
biến cố 11/1963, vì lý do chính trị, thầy Mục bị thuyên chuyển đi nơi khác,
thay thế vào đó là thầy Lê Văn Hoàng. Thầy tuy không có bằng cấp cao nhưng lại
rất giỏi chữ Nôm và từng làm việc ở Nam Triều, giữ việc lưu giữ công văn ở văn
phòng Bảo Đại nên thường kể cho chúng tôi nghe những việc trong Đại Nội, khá lý
thú. Thầy rất uyên bác nhưng lại rất hiền, tận tình, thương yêu, giúp đỡ sinh
viên. Những anh làm luận văn tốt nghiệp đều lên nhà thầy ở Cái Vạn để nhờ chỉ
giáo về các tư liệu chữ Hán.
Lớp dự bị của tôi có 22 người trúng tuyển
nhưng chỉ có 18 người theo học, chẳng hiểu vì lý do gì. Sau một năm dùi mài
kinh sử, khi thi lên lớp chỉ có 13 người được trúng tuyển, còn 5 người bị ở
lại. Vì con số 13 này mà lớp tôi bị nhiều xui xẻo. Đầu tiên là anh Trần Đình
Vĩ, trong một chuyến đi chơi với bạn bè đã bị chết đuối ở Thuận An năm 1966.
Thế là còn 12 người tốt nghiệp ra trường năm 1967. Kế đó là anh Phạm Sửu chết
vì tai nạn xe hơi năm 1972 trên con đường chạy từ Quảng Trị vào Huế. Tiếp
theo anh Nguyễn Văn Tư chết khoảng năm 1981 vì lao tâm, lao lực. Rồi anh Huỳnh
Châm, một chuyên gia về Hán Nôm cũng qua đời vì bạo bệnh năm 1985. Như thế hiện
giờ khóa tôi chỉ còn 9 người, trong đó có 2 nhà văn rất nổi tiếng là Trần Duy
Phiên (hiện sống ở Sài Gòn) và Tiêu Dao Bảo Cự (hiện sống ở Đà
Lạt).
Anh Nguyễn Đắc Xuân học trên tôi một lớp
nhưng vì ở lại nên học cùng chúng tôi. Nhà trường cho phép anh chỉ học các môn
nghiệp vụ sư phạm, và làm luận văn để tốt nghiệp dưới sự bảo trợ của thầy Lê
Hữu Khải, một nhà nghiên cứu kịch nghệ tài năng. Vì tham gia tích cực vào vụ
biến động miền Trung năm 1966 và sau đó bị chính quyền Sài Gòn truy nã gắt gao
nên anh phải thoát ly và không nhận được bằng tốt nghiệp.
Anh chọn đề tài Hát
bội, công trình nghiên cứu rất công phu, được thầy Khải khen ngợi, anh em chúng
tôi tán thưởng và sắp sửa đưa ra trình bày trước hội đồng khoa thì xảy ra biến
cố 1966. Anh tuy học một lớp nhưng lớn hơn tôi đến 6 tuổi và chúng tôi xem như
bậc đàn anh. Khi đi thực tập, chúng tôi đôi lúc lo lắng vụng về, lúng túng
trong lúc anh chững chạc, tự tin, hùng hồn, hoạt bát. Hiện giờ anh viết rất
nhiều sách nghiên cứu về Huế .
Năm 1963 về trước, Văn Khoa, Sư Phạm, Khoa
Học đều học ở Morin, dùng chung giảng đường C, nơi phát xuất nhiều cuộc hội
thảo xuống đường của sinh viên Huế vì địa điểm thuận lợi, phòng ốc rộng rãi.
Qua niên khóa sau (1964-1965), trường Sư
Phạm không còn ở Morin nữa mà dời qua địa điểm Đại học Sư Phạm ngày nay. Trường
chỉ có hai khối nhà lầu: một khối dành cho sinh viên Sư Phạm (lúc đó tổng cộng
khoảng hơn 150 người), một khối dành cho Trung học Kiểu mẫu (mới mở lớp đệ
thất, đệ lục tức là lớp 6, lớp 7 có khoảng 100 học sinh).
Lớp Việt Hán của tôi
gồm 13 người, học trong một phòng rộng có sức chứa khoảng 100 người nên cảm
thấy rất trống trải. Các ban khác cũng ít ỏi như thế. Tổng cộng số sinh viên
tốt nghiệp năm 1967 của khóa tôi chỉ có 61 người bao gồm cả 5 ban.
Cũng như các trường Đại Học khác ở Huế,
những giáo sư giảng dạy ở Sư Phạm bao gồm giáo sư cơ hữu và giáo sư thỉnh giảng
(mời ở Sài Gòn về). Tôi còn nhớ tên các vị sau:
I
Giáo sư cơ hữu:
1/ Linh mục
Nguyễn Văn Thích: vị thầy đáng kính, tâm huyết với giáo dục đã để lại cho thế
hệ sinh viên chúng tôi nhiều ấn tượng đẹp. Linh mục rất tôn sùng đạo Khổng, tán
dương chữ Thành, chữ Trung (trong Trung Dung). Linh mục là một trong những vị
giáo sư cơ hữu ở Huế có uy tín trên toàn quốc và được Văn Khoa Sài Gòn mời vào
giảng dạy. Bao nhiêu tiền kiếm được linh mục dành cho việc in sách phổ biến tư
tưởng Nho giáo và văn hóa Việt Nam (ca dao).
Tác phẩm của linh mục có đến 20
quyển, lần nào mang đến lớp nói là để bán cho sinh viên nhưng chẳng thấy ai trả
tiền, người nào cũng xin mắc nợ rồi quên luôn. Bởi thế tuy dạy nhiều nơi, và
gần 50 năm đứng trên bục giảng nhưng tài sản của linh mục chẳng có gì, cuộc
sống hết sức đạm bạc.
Vào thập niên 60, linh mục hơn 70 tuổi nhưng còn mạnh
khỏe, tuy dáng người gầy gò, có vẻ ốm yếu. Linh mục ở trong khuôn viên
trường Bình Linh (gần ga Huế) và đi xích lô về Sư Phạm dạy học. Có lần linh mục
sắm một chiếc xe đạp để đi dạy, sinh viên đem đi thu giấu làm linh mục rất bực
mình. Sau đó, chẳng biết có phải vì lý do ấy hay không mà chẳng thấy linh mục
đi xe đạp nữa.
Năm 1965, Linh mục sưu tầm 300 câu ca dao
Vn và in ra phổ biến, (cho không sinh viên). Ngày nào linh mục cũng tấm tắc: Xưa kinh Thi có 300 câu, nay mình cũng có
300 câu, sao khéo là hay! Tôi thưa với linh mục: Thưa cha, bởi vì cha cố ý chỉ tìm 300 câu thôi, chứ nếu sưu tầm nữa thì
có thể 400, 500 câu, đâu có giống Kinh Thi. Linh mục chống chế: Không phải thế đâu, tự nhiên khi đó mình cụt
vần, muốn sưu tầm nữa cũng không được.
Linh mục là người rất nệ cổ, thích Tống
Nho, ủng hộ thuyết Tân dân của Chu Hy, công kích thuyết Thân Dân của Vương
Dương Minh. Linh mục viết nhiều bài để chứng minh Tân dân là đúng, là hay còn
Thân dân là sai, là dở. Hễ khám phá được điều gì mới là linh mục đi từ lớp này
qua lớp khác để phổ biến tư tưởng của mình. Năm đầu tiên linh mục phổ biến 12 điều
cương yếu của sách Trung Dung. Năm sau phổ biến chữ Thành và bảo có Thành là có
tất cả: Thành dã, Thiên chi đạo dã, Thành chi dã, nhân chi đạo dã (thành là đạo
của trời, trở nên thành là đạo của người).
Vào lớp, linh mục thường cầm viên
phấn vẽ lên bảng hình tròn xoắn ốc với chữ Thành ở giữa chung quanh là Chân,
Thiện, Mỹ. Bài đó linh mục giảng đi giảng lại nhiều lần rồi ra thi cũng đề tài
ấy. Linh mục là vị thầy mà tôi cảm phục nhất. Linh mục qua đời năm 1978 ở
Huế.
2/ Thầy Pierre Đỗ Đình: Thầy là một nhà
văn, một học giả kỳ cựu, thập niên 30 đã có sách in. Thầy ở Pháp hơn 20
năm viết báo Pháp, sau, theo lời mời của linh mục Cao Văn Luận thầy về Huế
giảng dạy. Năm 1963, mặc dầu đã 55 tuổi nhưng thầy vẫn còn độc thân
và sống với mẹ già ở cư xá Đại Học gần ga Huế. Thầy dạy chúng tôi môn Nho giáo
(Khổng Tử, Mạnh Tử…). Sau 1965, có lẽ vì bất đồng chính kiến nên thầy vào Sài
Gòn làm báo chữ Anh, chữ Pháp. Bạn của thầy là các nhà văn Pháp nổi danh,
thường liên lạc với thầy luôn. Thầy qua đời năm 1970 ở Sài Gòn.
3/ Thầy Lê Tuyên: Thầy vừa làm Giám
đốc học vụ Văn Khoa của Đại học Sư Phạm, chịu trách nhiệm tổng quát các ban
Việt Hán, Pháp văn, Anh văn,Sử Địa, vừa dạy chúng tôi văn học Việt Nam và Giảng
văn. Vào lớp, thầy giảng thao thao bất tuyệt, thầy chủ trương đưa triết lý vào
văn học, dùng những chữ cầu kỳ như: Chinh phụ ngâm và tâm thức lãng mạn của kẻ
lưu đày.
Bài giảng của thầy rất khó hiểu nên sinh viên nào cũng sợ, cũng ngán.
Hai môn dạy của thầy tổng cộng hệ số 5, chiếm một phần rất quan trọng
trong việc trúng tuyển. Bởi thế qua được cửa ải của thầy kể như thành công. Ở
lại hay lên lớp đều do thầy quyết định vì các môn khác chỉ hệ số 1 hoặc 2 là
nhiều. Ngoài trường Sư phạm, thầy còn phụ trách giảng dạy ở chứng chỉ Văn
chương VN của Đại học văn khoa và cũng là một trở ngại rất lớn cho các sinh
viên ban Việt văn, Pháp văn và Anh văn nếu họ muốn có bằng cử nhân Giáo
khoa (có nhiều quyền lợi hơn cử nhân tự do).
Theo qui định, ở 3 ban này, phải
đậu. Chứng chỉ văn chương VN, mới đựoc gọi là cử nhân Giáo Khoa, bởi thế một số
người tuy có nhiều chứng chỉ hơn qui định (Chứng chỉ Dự bị Văn khoa
+ 4 chứng chỉ khác), họ vẫn không được cấp bằng cử nhân giáo khoa. vì không qua
được cửa ải của thầy Lê Tuyên. Nghĩ cũng tội, anh em Việt văn chúng tôi mà còn
cảm thầy bù đầu với các bài giảng của thầy, thế thì các bạn Pháp văn, Anh
văn chịu làm sao thấu? Sau năm 1965 thầy không còn dạy ở Huế nữa nên số người
đỗ Chứng Chỉ Văn chương VN tăng lên khá nhiều (khoảng 50%) trong khi lúc còn
thầy, tỉ lệ chỉ vào khoảng 20%. Thầy hiện giờ ở Mỹ.
II Các
vị giáo sư thỉnh giảng mời từ Sài Gòn ra:
1/ Thầy Lê Hữu Mục:
trước năm 1963, thầy là giáo sư cơ hữu của Đại Học Huế. Sau 1963, vì lý do
chính trị (người ta buộc tội thầy là Cần Lao, thân tổng thống Ngô Đình Diệm)
nên thầy phải rời xa Huế vào Sài Gòn. Qua năm 1965, tình hình lắng dịu, người
ta lại mời thầy về dạy.
Thầy dạy chúng tôi văn học Lý, Trần. Tuy
theo Công giáo, nhưng thầy rất rành về triết lý nhà Phật. Sau khi dạy chúng tôi
xong, thầy thường đi bộ qua nhà sách Liễu Quán ở đường Phan Đăng Lưu ngày nay
để mua sách Phật vì tiệm này có nhiều sách quý, hiếm mà Sài Gòn không có. Các
tác giả Lý, Trần đều là các vị thiền sư nên muốn hiểu được tác phẩm của họ
chúng tôi phải nghiên cứu Phật giáo.
Thầy bắt chúng tôi mỗi người phải làm một
tiểu luận về Kinh Phật và tôi được chỉ định nghiên cứu về Kinh Lăng Nghiêm. Do
đó, tôi mới tìm sách Phật để đọc và thâu thập được một số kiến thức bổ ích cho
cuộc sống, hiểu được thế nào là nhân quả, luân hồi, tứ diệu đế, bát nhã, chân
như, vô minh, Ba La Mật, Đáo bỉ ngạn…
Đây là lần đầu tiên tôi mở rộng tầm hiểu
biết về tôn giáo mà trước đó tôi chỉ biết tuân theo như 1 thói quen, bắt chước
má tôi ăn chay, đi chùa, niệm Phật thế thôi. Càng tìm hiểu tôi càng thấy hết sự
thâm thúy của đạo Phật và lý do vì sao trải qua hơn 2500 năm, đạo Phật vẫn tồn
tại và không ngừng phát triển.
2/ Thầy Nguyễn Hoạt: Thầy là
nhà báo uyên thâm, phụ trách mục Nói Hay Đừng, bàn về văn hóa, thời sự trên
nhật báo Tự Do với bút danh là Hiếu Chân. Thầy người Bắc, dáng người dong dỏng
cao, nói năng lưu loát, kiến thức sâu rộng. Thầy dạy chúng tôi các tác phẩm chữ
Hán do người Việt viết.
3/ Thầy Vũ Khắc Khoan: Thầy là
nhà văn nổi tiếng từ cuối thập niên 1940. Vở kịch Thành Cát Tư Hãn của thầy rất
được nhiều người biết đến và gây tiếng vang trên văn đàn. Dáng người thầy oai
vệ, thấp đậm, luôn mặc veston cravate chỉnh tề, thầy giảng bài hấp dẫn đề cập
đến nhiều vấn đề văn hóa ngoài chương trình học.
Cứ khoảng hai tháng thầy ra
Huế một lần, dạy liên tục từ chiều thứ năm đến chiều thứ bảy, tổng cộng khoảng
20 tiết (thời đó gọi là giờ). Sáng chủ nhật thầy vào lại Sài Gòn. Cứ mỗi lần
như vậy chúng tôi ghi chép gần hết quyển vở 100 trang. Thầy phụ trách môn tiểu
thuyết hiện đại.
4/ Thầy Trương Văn Chình: Tuổi
thầy ngoài 60, tóc bạc phơ, dáng oai phong, đẹp lão. Thầy phụ trách môn Ngữ
pháp Việt Nam dưới một cái nhìn hoàn toàn mới mẻ, khác lạ. Ở Trung học, chúng
tôi học theo sách văn phạm của Trần Trọng Kim với cách phân loại từ ngữ như của
người Pháp: danh từ, động từ, tính từ…
Bây giờ học với thầy, đổi khác cả: thể
từ, trạng từ... với các chức vụ: chủ ngữ, vị ngữ, bổ ngữ, định ngữ… rất mới mẻ.
Thầy và học giả Nguyễn Hiến Lê soạn thảo quyển Ngữ pháp Việt Nam rất có giá
trị, được nhiều người thán phục.
Trên đây là các vị giáo sư đã để lại trong
lòng tôi những kỷ niệm khó quên và mỗi lần nhớ đến tôi không khỏi bồi hồi cảm
xúc. Tôi mong được quay lại 50 năm về trước để một lần nữa sống trong những
tháng ngày vui vẻ, hồn nhiên của tuổi thanh niên.
Trần
Công Tín
(Cựu Giáo Sư Nguyễn Huệ)
Thật bổ ích và thú vị! Cám ơn Thầy Trần Công Tín.
Trả lờiXóaKính chúc Thầy luôn an vui, hạnh phúc. Em, HTP