Trong tháng Ba, tỷ lệ lạm phát so với cùng thời kỳ năm ngoái của Hoa Kỳ đã tăng cao hơn dự kiến trong tháng thứ tư liên tiếp, cho thấy chặng đường cuối cùng trong cuộc chiến chống lạm phát có thể là một quãng đường chậm chạp và gập ghềnh đối với Hệ thống Dự trữ Liên bang (Fed).
Theo Cục Thống kê Lao động (BLS), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng lên mức 3.5% trong tháng trước (03/2024), tăng từ mức 3.2% trong tháng Hai. Con số này cũng cao hơn mức ước tính đồng thuận 3.4%.
Lạm phát tăng 0.4% so với tháng trước và cao hơn mức 0.3% kỳ vọng của thị trường.
CPI cơ bản (hay CPI cốt lõi), loại trừ các thành phần năng lượng và thực phẩm dễ biến động, không thay đổi ở mức 3.8% nhưng cao hơn một chút so với mức dự báo 3.7%. Lạm phát cơ bản cũng tăng 0.4%.
Mức thay đổi trong ba tháng tính theo năm của chỉ số CPI cơ bản đã tăng lên 4.5%. Mức điều chỉnh trong sáu tháng tính theo năm của CPI cơ bản đã tăng lên 3.9%, mức cao nhất kể từ tháng 07/2023.
Giá xăng và nhà ở là những tác nhân góp phần đáng kể nhất vào việc làm gia tăng lạm phát.
Chỉ số năng lượng tăng 1.1% so với tháng trước, với xăng tăng 1.7%. Các dịch vụ năng lượng cũng tăng 0.7%, với chi phí điện tăng 0.9%.
Giá năng lượng đã góp phần làm tăng áp lực lạm phát. Từ đầu năm đến nay, giá dầu thô và giá xăng đã tăng vọt lần lượt khoảng 20% và 16%. Căng thẳng địa chính trị và nguồn cung quốc tế thắt chặt hơn là nguyên nhân chủ yếu thúc đẩy sự tăng giá trở lại của thị trường năng lượng toàn cầu, dẫn đến hiệu ứng dây chuyền đối với nhiều khía cạnh khác của thị trường.
Chi phí nhà ở tiếp tục có xu hướng cao hơn, tăng 0.4% hàng tháng và 5.7% so với cùng thời kỳ năm trước.
Trong 18 tháng qua, các nhà kinh tế và nhà hoạch định chính sách tiền tệ dự đoán lạm phát chi phí nhà ở sẽ giảm bớt. Tuy nhiên thay vào đó loại chi phí này vẫn duy trì dai dẳng.
Lạm phát thực phẩm ít thay đổi trong tháng trước, chỉ tăng 0.1% so với tháng trước. So với cùng thời điểm một năm trước, chỉ số thực phẩm tăng 2.2%.
Mặc dù lạm phát thực phẩm đã chậm lại, nhưng vẫn có thể cảm nhận được những tác động tích lũy của lạm phát trong toàn ngành khi nhiều loại hàng hóa tăng giá.
Thịt bò đã tăng 30% kể từ tháng Một năm 2021, và bánh mì tăng 30%, còn trứng tăng 104%.
Ở những loại hàng hàng hóa khác trong CPI, xe mới giảm 0.1%, trong khi xe hơi và xe tải đã qua sử dụng giảm 1.1%. Giá hàng may mặc tăng 0.7%, và hàng chăm sóc y tế tăng 0.2%.
Dịch vụ đã tăng lên 5.3%. Dịch vụ vận tải đã tăng 1.5% từ tháng Hai đến tháng Ba. Trong 12 tháng tính đến tháng Ba, dịch vụ vận tải tăng vọt 10.7%.
Dịch vụ chăm sóc y tế tăng 0.6% so với tháng trước.
Ngoài ra, chỉ số lạm phát siêu cốt lõi (không bao gồm năng lượng, thực phẩm, và nhà ở) ưa thích của Fed đã tăng lên 4.8% và tăng 0.4% so với tháng trước.
Hướng tới số liệu CPI tháng tới, mô hình dự báo lạm phát Inflation Nowcasting của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Cleveland dự kiến tỷ lệ lạm phát hàng năm là 3.4% và CPI cơ bản là 3.6%.
Phản ứng của thị trường
Thị trường tài chính đã tỏ ra thất vọng trước dữ liệu lạm phát mới nhất vì các nhà đầu tư lo ngại rằng lạm phát như vậy có thể dẫn đến lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.
Trước tiếng chuông mở cửa, các chỉ số chuẩn hàng đầu đã giảm tới 1.1%.
Lợi suất công khố phiếu Hoa Kỳ đã tăng vọt sau báo cáo CPI tháng Ba, với lợi suất công khố phiếu kỳ hạn 10 năm đạt mức 4.5% lần đầu tiên kể từ tháng 11/2023. Lợi suất công khố phiếu kỳ hạn 2 năm đạt 4.94%, trong khi công khố phiếu kỳ hạn 30 năm nhích lên 4.59%.
Chỉ số USD, thước đo của đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ, tăng vọt lên 104.7.
Theo ông Greg McBride, nhà phân tích tài chính trưởng tại Bankrate, có lẽ đã đến lúc phải tạm biệt lãi suất tháng Sáu.
“Quý vị có thể nói tạm biệt đợt cắt giảm lãi suất vào tháng Sáu. Lạm phát cao hơn dự kiến, việc thiếu tiến triển hướng tới mục tiêu 2% hiện đang là xu hướng,” ông McBride nói. “Không có sự cải thiện nào ở đây cả; chúng ta đang đi sai hướng.”
Theo ông Hugh Nickola, người đứng đầu bộ phận thu nhập cố định tại GenTrust, thị trường lao động vững chắc và lạm phát ổn định có thể tiếp tục đẩy thời gian bắt đầu cắt giảm lãi suất ra xa hơn.
“Trong tuần qua, kỳ vọng về một đợt cắt giảm lãi suất của Fed vào tháng Sáu gần đây đã giảm từ 70% xuống 50% vì các số liệu kinh tế mạnh hơn dự đoán, đặc biệt là số liệu việc làm vào thứ Sáu tuần trước,” ông nói. “CPI mạnh hơn dự kiến của ngày hôm nay, chủ yếu do giá dịch vụ cao hơn dự kiến, đang đẩy lãi suất lên cao và làm giảm thêm khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng Sáu. Đây là một vấn đề đang lặp đi lặp lại vì thị trường lao động bền bỉ và lạm phát dai dẳng đã liên tục đẩy việc cắt giảm lãi suất ra xa hơn.”
Ông Giuseppe Sette, chủ tịch công ty dịch vụ nghiên cứu đầu tư Toggle AI, cho biết ông tin rằng việc cắt giảm lãi suất hiện có thể không còn trong kế hoạch cho năm 2024.
“Đã đến lúc nói lời tạm biệt với các đợt cắt giảm lãi suất vào năm 2024? Rất có thể,” ông nói trong một ghi chú phân tích. “Theo quy định, Fed luôn giữ lãi suất cao hơn lạm phát, tránh suy thoái kinh tế. Với cả lạm phát cơ bản và lạm phát chung đang dao động trong quỹ đạo ổn định khoảng 3.5% và số lượng nhân viên làm việc cao, những người cứng rắn trong Fed sẽ có rất nhiều lý do để đẩy lùi việc cắt giảm lãi suất ra xa hơn trong tương lai. Và việc thắt chặt định lượng đang diễn ra suôn sẻ mà không gặp trở ngại nào trên thị trường. Đây không phải là lúc để cắt giảm lãi suất.”
Hoài nghi về lạm phát
Các gia đình Mỹ hiện đang hoài nghi về việc ngân hàng trung ương sẽ đạt được mục tiêu 2%. Theo Khảo sát Kỳ vọng Người tiêu dùng tháng Ba của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, kỳ vọng lạm phát trong một năm tới không thay đổi ở mức 3% trong tháng thứ ba liên tiếp. Thời hạn ba năm tăng lên 2.9%, tăng từ 2.6%.
Một báo cáo thậm chí đã lập luận rằng số liệu lạm phát chung có thể đã bị thể hiện thấp đi.
Một phân tích gần đây của Bloomberg Intelligence cho thấy rằng nếu bảo hiểm chủ sở hữu nhà, loại chi phí vốn đã tăng theo cấp số nhân kể từ năm 2020, được đưa vào phương pháp tính CPI, thì chỉ số của năm 2023 có thể tăng thêm khoảng 0.8%. Thay vào đó, BLS sử dụng số liệu “bảo hiểm cho người thuê nhà và gia đình,” một loại chi phí đã tăng 3% so với cùng thời kỳ năm 2023.
Rốt cuộc, các số liệu lạm phát khác nhau đã cho thấy áp lực giá vẫn chưa biến mất ở thị trường Hoa Kỳ, điều được phản ánh qua lợi suất công khố phiếu tăng cao.
Lợi suất công khố phiếu kỳ hạn 10 năm chuẩn gần đây đã tăng lên 4.46%, mức cao nhất trong vòng năm tháng, khi nhiều nhà đầu tư giảm bớt kỳ vọng về chính sách của Fed.
Theo CME FedWatch Tool, thị trường tương lai hiện đang chia rẽ về việc Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) sẽ cắt giảm lãi suất tại cuộc họp chính sách tháng Sáu hay giữ nguyên lãi suất trong khoảng từ 5.25% đến 5.5%.
Trước thềm năm 2024, các nhà giao dịch đã định giá theo trường hợp xảy ra sáu đợt cắt giảm lãi suất, mặc dù các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đã liệt kê ba lần cắt giảm trong Bản tóm tắt Dự báo Kinh tế (SEP) tháng Mười Hai. Dữ liệu SEP tháng Ba đã giữ nguyên những dự báo này. Tuy nhiên, với lạm phát dai dẳng và bối cảnh kinh tế mạnh mẽ, các nhà đầu tư không tin tưởng rằng Chủ tịch Fed Jerome Powell và các đồng sự của ông sẽ nhanh chóng cắt giảm lãi suất.
Một loạt bình luận từ các nhà hoạch định chính sách tiền tệ cũng thể hiện rõ quan điểm này.
Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Atlanta Raphael Bostic nói với CNBC hôm 03/04 rằng ông dự kiến sẽ chỉ có một đợt cắt giảm lãi suất trong quý 4/2024, do xu hướng lạm phát đáng lo ngại.
“Con đường sẽ gập ghềnh, và tôi nghĩ nếu quý vị nhìn lại trong vài tháng qua, thì lạm phát không thay đổi nhiều so với thời điểm cuối năm 2023,” ông nói. “Có một số thước đo thứ cấp về số liệu lạm phát khiến tôi hơi lo ngại rằng mọi thứ thậm chí có thể còn tiến triển chậm hơn nữa.”
Trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp trên LinkedIn với Tạp chí Lương hưu và Đầu tư (Pensions and Investments Magazine) hôm 04/04, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Minneapolis Neel Kashkari cho biết ông dự đoán sẽ có hai đợt cắt giảm lãi suất vào năm 2024, mặc dù không có đợt cắt giảm nào vẫn có thể là một khả năng.
Ông Kashkari nói: “Nếu chúng ta tiếp tục thấy lạm phát đi ngang, thì tình huống đó sẽ khiến tôi đặt câu hỏi rằng liệu chúng ta có cần thực hiện những đợt cắt giảm lãi suất đó nữa hay không.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét