Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2024

Các Chủ Đề Chính Về Quyền Dân Sự Và Chính Trị Ở Việt Nam

 



Kiểm Điểm ICCPR: CÁC CHỦ ĐỀ CHÍNH VỀ QUYỀN DÂN SỰ VÀ CHÍNH TRỊ Ở VIỆT NAM 
Hải Di Nguyễn

Kiểm điểm ICCPR: Các chủ đề chính về quyền dân sự và chính trị ở Việt Nam

2024-04-20

Hải Di Nguyễn

Sắp tới, LHQ sẽ có phiên kiểm điểm nhà nước Việt Nam về việc thực thi Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (International Covenant on Civil and Political Rights, viết tắt ICCPR).

Ngày 19/4/2024, LHQ đã công bố danh sách các vấn đề chính để rà soát Việt Nam.

 

Khuôn khổ Hiến pháp và pháp lý để thực thi Công ước (Điều 2)

Ngoài những điều nhà nước Việt Nam đã đưa ra, Ủy ban Nhân quyền yêu cầu cung cấp thêm thông tin về những biện pháp bảo đảm các quyền trong Công ước có hiệu lực đầy đủ, và các bước đã thực hiện để thành lập một cơ quan nhân quyền quốc gia độc lập.

 

Các biện pháp chống tham nhũng (Điều 2 và 25)

Ủy ban yêu cầu Việt Nam đưa ra các biện pháp cụ thể để đối phó với tham nhũng, và cho biết các con số khiếu nại, điều tra, truy tố, kết án, và các biện pháp kỷ luật khác. Nhà nước Việt Nam cũng phải mô tả nhiệm vụ của các cơ quan chống tham nhũng và các bước thực hiện để bảo đảm hoạt động độc lập, hiệu quả, và khách quan, để không bị lợi dụng vì mục đích chính trị hoặc nhắm vào các đối thủ chính trị.

 

Tình trạng khẩn cấp (Điều 4)

Xét những quan sát kết luận trước đây của Ủy ban Nhân quyền, họ yêu cầu Việt Nam cho biết các bước thực hiện để luật pháp và quy định quản lý tình trạng khẩn cấp phù hợp với Điều 4 của Công ước, đặc biệt những điều không thể vi phạm của Công ước nhằm tránh việc lạm dụng tình trạng khẩn cấp để giới hạn nhân quyền; và cung cấp thông tin về cách nhà nước đối phó với đại dịch COVID-19.

 

Không phân biệt đối xử (Điều 2, 19, 20, và 26)

Ủy ban Nhân quyền hỏi về các điều luật cấm mọi hình thức phân biệt đối xử, trực tiếp lẫn gián tiếp, và khả năng tiếp cận thủ tục tố tụng tư pháp và hành chính cho nạn nhân bị phân biệt đối xử. Họ cũng muốn biết các biện pháp nhà nước Việt Nam thực hiện để giải quyết tình trạng kỳ thị, sách nhiễu, bạo lực, và phân biệt đối xử với người đồng tính, song tính (bisexual), lưỡng tính (intersex), và chuyển giới; và hỏi về tác động của việc Bộ Y tế khẳng định năm 2022 rằng đồng tính, song tính, và chuyển giới không phải là bệnh.

Ngoài ra, dựa theo các quan sát kết luận trước đây, Ủy ban cũng yêu cầu Việt Nam báo cáo các bước đã thực hiện để cấm các can thiệp y tế và phẫu thuật bộ phận sinh dục không cần thiết với trẻ em lưỡng tính dưới 16 tuổi.

 

Bình đẳng giới, bạo lực với phụ nữ, bạo hành gia đình (Điều 2, 3, 6, 7, và 26)

Ủy ban muốn biết các bước đã thực hiện để tăng cường sự tham gia của phụ nữ, đặc biệt phụ nữ sắc tộc thiểu số và phụ nữ khu vực nông thôn, trong mọi lĩnh vực, công lẫn tư, đặc biệt các vị trí quyết định; giải quyết các yếu tố khiến nạn nhân ngần ngại báo cáo khi bị lạm dụng; và điều chỉnh định nghĩa pháp lý về hiếp dâm để phù hợp các quy định của Công ước và các tiêu chuẩn quốc tế khác.

Họ cũng yêu cầu Việt Nam cung cấp số liệu các vụ khiếu nại, điều tra, truy tố, và kết án với mọi hình thức bạo lực với phụ nữ, và các biện pháp khắc phục cho nạn nhân.

 

Quyền sống (Điều 6 và 14)

Ủy ban Nhân quyền yêu cầu cung cấp thông tin về nỗ lực ngăn ngừa và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, và các biện pháp bảo vệ những người ở vị trí dễ tổn thương nhất khỏi các tác động của thiên tai.

Họ cũng hỏi về án tử hình và yêu cầu cung cấp dữ liệu, chia theo giới tính, độ tuổi, và sắc tộc; và yêu cầu cho biết những biện pháp để bảo đảm không kết án tử hình cho những trường hợp bị bức cung.

Ngoài ra, Ủy ban hỏi về các trường hợp cưỡng bức mất tích, đàn áp xuyên quốc gia, và lạm dụng Lệnh truy nã đỏ của Interpol với những người bất đồng chính kiến, nhà báo, blogger, và nhà hoạt động nhân quyền. Họ cũng hỏi về trường hợp ông Đổng Quảng Bình, người tỵ nạn và bảo vệ nhân quyền người Trung Quốc, bị Việt Nam tùy tiện bắt giữ tại Hà Nội năm 2022 khi đang chờ định cư sang Canada.

 

Cấm tra tấn và các hình thức trừng phạt hoặc đối xử tàn ác, vô nhân đạo, hoặc hạ nhục với những người bị tước đoạt tự do (Điều 2, 6-8, 10, và 24)

Nêu cụ thể tên nhà hoạt động Trịnh Bá Tư và Huỳnh Thục Vy, Ủy ban Nhân quyền hỏi về các cáo buộc tra tấn và ngược đãi trong nhà tù, hỏi về luật pháp và thống kê về số lượng khiếu nại, điều tra, kết án trong những vụ hành hạ, tra tấn tù nhân ở Việt Nam.

Việt Nam cũng phải đưa thông tin về điều kiện nhà tù (không gian, thực phẩm, nước uống, nhiệt độ, y tế…) và trả lời Ủy ban về hình phạt biệt giam, tình trạng giam tù nhân xa nhà, và giam tại các viện tâm thần trước khi xét xử.

Ngoài ra, Ủy ban cũng hỏi nhà nước Việt Nam về điều kiện trong các trại cai nghiện.

 

Tự do và an ninh cá nhân (Điều 2 và 9)

Ủy ban Nhân quyền hỏi nhà nước Việt Nam về các biện pháp đã thực hiện để bảo đảm pháp lý cơ bản của mỗi cá nhân, bao gồm quyền liên lạc với gia đình và luật sư; và hỏi về các cáo buộc bắt người và giam giữ tùy tiện các nhà hoạt động về nhân quyền, môi trường, và quyền tự do tôn giáo.

 

Xóa bỏ chế độ nô lệ và hành vi buôn bán người (Điều 2, 7, 8, và 26)

Dựa theo các nhận xét kết luận lần trước, Ủy ban yêu cầu Việt Nam cho biết các bước đã thực hiện để giải quyết mọi hình thức bóc lột, bao gồm buôn người, cưỡng bức lao động, và cưỡng bức tham gia các hoạt động tội phạm. Họ cũng muốn biết số lượng khiếu nại, điều tra, truy tố, và kết án trong các trường hợp buôn bán người và cưỡng bức lao động; và các biện pháp khắc phục và bồi thường cho nạn nhân.

 

Tự do đi lại (Điều 2, 9, và 12)

Ủy ban Nhân quyền yêu cầu Việt Nam cung cấp thông tin về các lệnh cấm xuất cảnh, và bình luận về các cáo buộc Việt Nam đã ngăn cản người bản địa và thành viên các nhóm sắc tộc và tôn giáo thiểu số rời Việt Nam để xin tỵ nạn, và cáo buộc Việt Nam hạn chế quyền tự do đi lại của các nhà hoạt động tôn giáo, như cấm xuất cảnh, quản thúc tại gia, bắt cóc, các hình thức giam giữ bất hợp pháp khác, và tịch thu hoặc từ chối cấp hộ chiếu.

 

Tiếp cận công lý, sự độc lập của cơ quan tư pháp, và xét xử công bằng (Điều 2, 9, và 14)

Ủy ban đòi hỏi Việt Nam cho biết những nỗ lực để bảo đảm hệ thống tư pháp độc lập và bảo đảm các thủ tục tố tụng tuân theo Điều 14 của Công ước, như nguyên tắc giả định vô tội, có quyền được trợ giúp pháp lý và gặp luật sư, đặc biệt trong các vụ án liên quan đến nhà báo, nhà hoạt động chính trị hoặc hoạt động nhân quyền, và những cá nhân bị buộc tội vi phạm an ninh quốc gia.

Ngoài ra, họ hỏi về việc định nghĩa trẻ em là dưới 16 tuổi theo luật Việt Nam so với 18 tuổi theo luật quốc tế, và về việc truy tố và giam giữ trẻ vị thành niên.

 

Quyền riêng tư (Điều 17)

Ủy ban Nhân quyền yêu cầu nhà nước Việt Nam bình luận về cáo buộc giám sát, theo dõi các nhà báo và nhà hoạt động bằng phần mềm gián điệp Predator; mở, tịch thu, và kiểm duyệt thư từ riêng; và làm gián đoạn các dịch vụ điện thoại và internet mà không có lệnh tòa. 

 

Tự do lương tâm và tôn giáo (Điều 2, 18-20, và 26)

Dựa theo thông tin trong báo cáo của nhà nước, Ủy ban muốn biết thêm là Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với Điều 18 của Công ước như thế nào. Họ cũng hỏi về các biện pháp ngăn chặn phân biệt đối xử và hạn chế hoạt động tôn giáo với các nhóm tôn giáo chưa đăng ký như Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, người Thượng và H’mông theo đạo Tin lành, và Khmer Krom theo Phật giáo; và yêu cầu Việt Nam bình luận về các cáo buộc đàn áp tôn giáo, ngăn cản tụ họp để thờ phượng, xâm phạm tài sản của tổ chức tôn giáo, cưỡng ép bỏ đạo, v.v.

 

Tự do ngôn luận (Điều 9, 14, 19, và 20)

Ủy ban Nhân quyền hỏi Việt Nam về những điều luật liên quan đến tự do ngôn luận, như Điều 109, 116, 117, và 331 của Bộ luật Hình sự, Luật An ninh mạng, Luật Báo chí, Luật Tiếp cận thông tin và các nghị định liên quan như Nghị định số 119/2020/NĐ-CP, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP và Nghị định số 72/2013/NĐ-CP. Việt Nam cũng phải cho biết các bước đã thực hiện để thúc đẩy truyền thông đa nguyên, không có sự can thiệp của nhà nước, và bình luận về những cáo buộc nhà nước vi phạm tự do ngôn luận trên mạng, như ngăn chặn các nội dung chỉ trích chính phủ, sách nhiễu các nhà hoạt động trực tuyến, v.v.

Ủy ban cũng hỏi về không gian dân sự và các biện pháp bảo vệ để các nhà hoạt động và nhà bất đồng chính kiến không bị tấn công, đe dọa, hay sách nhiễu. Họ nhắc cụ thể trường hợp các nhà hoạt động môi trường bị bắt như Mai Phan Lợi, Bạch Hùng Dương, Đặng Đình Bách, Ngụy Thị Khanh, và Hoàng Thị Minh Hồng; và cũng nhắc tới cáo buộc nhà nước đe dọa và trả thù những người đã báo cáo với LHQ.

 

Quyền tự do hội họp ôn hòa và lập hội (Điều 21 và 22)

Ủy ban hỏi nhà nước Việt Nam về Luật Biểu tình và Dự thảo Luật về Hội, và yêu cầu phản hồi những báo cáo rằng cảnh sát can thiệp vô lý và có sự hiện diện không cân xứng tại các cuộc biểu tình ôn hòa; nhà nước giám sát và hạn chế các hiệp hội; và bắt giữ thành viên các hiệp hội, bao gồm các tổ chức phi chính phủ về môi trường. Họ cũng yêu cầu cung cấp thông tin về việc cảnh sát dùng vũ lực.

 

Tham gia công vụ

Nhà nước Việt Nam phải cho biết các biện pháp đã thực hiện để khuyến khích và thúc đẩy đa nguyên về chính trị; có bầu cử tự do, minh bạch, và chân thực, với cơ quan giám sát bầu cử độc lập; và bảo đảm quyền ứng cứ của công dân không phụ thuộc vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hay phải thuộc Đảng CSVN. Nhà nước cũng phải bình luận về cáo buộc bắt và giam giữ các ứng cử viên độc lập trước bầu cử Quốc hội năm 2021.

 

Quyền người thiểu số (Điều 1, 14, và 27)

Ủy ban Nhân quyền yêu cầu Việt Nam cho biết các điều luật và biện pháp chống phân biệt đối xử và thúc đẩy, bảo vệ quyền người bản địa và người thuộc các nhóm sắc tộc và tôn giáo thiểu số, bao gồm quyền gọi mình là người bản địa. Họ cũng muốn có thông tin về vụ bắt giữ và xét xử gần 100 người bản địa, bị xem là không đúng thủ tục pháp lý và việc áp dụng toà án di động, sau vụ xả súng ngày 11/6/2023.

Xét theo nhận xét kết luận lần trước, Ủy ban cũng hỏi thêm về các dịch vụ công (bao gồm giáo dục, việc làm, các dịch vụ khác), vấn đề đất đai, và điều kiện phát triển kinh tế của người bản địa và sắc tộc thiểu số.

 

Đó là những chủ đề để kiểm điểm nhà nước Việt Nam về quyền dân sự và chính trị. Ủy ban Nhân quyền có thông tin từ các xã hội dân sự, trong đó riêng BPSOS đã gửi bốn bản báo cáo chung với các tổ chức Liên hiệp Môn đệ Cao Đài, Vận động cho Đức tin và Công lý tại Việt Nam, Tinh thần Đoàn kết Phật giáo, Thân hữu của Thiền Am, Liên minh Chống Tra tấn, Người Thượng vì Công lý, và Hmong Human Rights Coalition (xem các báo cáo ở mục CCPR, chu kỳ IV: https://tbinternet.ohchr.org/_layouts/15/TreatyBodyExternal/countries.aspx?CountryCode=VNM&Lang=EN

Nhà nước Việt Nam sẽ phải trả lời bằng văn bản trước phiên kiểm điểm.

Sắp tới, nhà nước Việt Nam cũng sẽ có phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (Universal Periodic Review, viết tắt UPR) tại Geneva, Thụy Sỹ. Theo VOA Tiếng Việt đưa tin, trong buổi họp báo Công bố Báo cáo Quốc gia theo cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền LHQ ngày 15/4/2024, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Đỗ Hùng Việt nói báo cáo của LHQ dựa trên những thông tin “chưa được kiểm chứng, đưa ra những nhận định thiếu khách quan” về tình hình Việt Nam. 

Cũng theo VOA Tiếng Việt, trước đó ngày 11/4, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt cũng có phát biểu tương tự, nhưng không nói rõ các thông tin “thiếu khách quan” hay “không chính xác” là gì.

Phiên kiểm điểm UPR cho Việt Nam sẽ diễn ra ngày 7/5/2024. Phiên kiểm kiểm ICCPR, về quyền dân sự và chính trị, hiện nay chưa có ngày chính xác.

Mạch Sống




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét